Rời Việt Nam đi kêu gọi hòa bình

Mùa xuân năm 1966, tiến sĩ George Kahin của trường đại học Cornell đã mời Thầy sang Hoa Kỳ để giảng dạy và chia sẻ về tình trạng của Việt Nam tại khoa Chính trị học về Đông Nam Á của trường. Sau đó, Alfred Hassler, Thư ký điều hành của Hội Thân hữu Hòa giải (Fellowship of Reconciliation – gọi tắt là F.O.R), một tổ chức liên tôn về hòa bình và công bằng xã hội nổi tiếng ở Hoa kỳ lúc bấy giờ, tổ chức cho Thầy có một chuyến du thuyết tại các trường đại học và nhà thờ khắp Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á và châu Úc để kêu gọi hòa bình[i]. Đó là một chuyến đi khá mạo hiểm, dự định chỉ kéo dài ba tháng và sau đó Thầy sẽ trở lại Việt Nam để tiếp tục công việc vận động hòa bình và hoạt động xã hội.

Ngày 1.5.1966, 10 ngày trước khi rời Việt Nam đi Hoa Kỳ, Thầy được Thiền sư Thích Chân Thật, bổn sư của Thầy truyền đăng phú pháp tại chùa Từ Hiếu, chính thức trở thành một vị giáo thọ thuộc phái Liễu Quán, thế hệ thứ 42 của tông Lâm Tế. Theo đúng truyền thống, Thiền sư Thích Chân Thật đã trao cho Thầy một bài kệ phú pháp:

Nhất hướng phùng xuân đắc kiện hành

Hành đương vô niệm diệc vô tranh

Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể

Diệu pháp đông tây khả tự thành.

 

Bản dịch tiếng Việt của Thầy:

Đi gặp mùa xuân, bước kiện hành
Đi trong vô niệm với vô tranh
Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể
Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành.

Thầy rời Việt Nam ngày 11 tháng 5 năm 1966 và mãi 39 năm sau mới trở lại quê hương. Thầy không gặp lại thầy bổn sư của mình lần nào nữa.

Lúc rời Việt Nam, Thầy là một nhân vật đi tiên phong trong phong trào hòa bình Phật giáo và các hoạt động xã hội, đã có hơn 20 tác phẩm được xuất bản và là một trong những nhà thơ được yêu chuộng trong nước[ii]. Trong chuyến du thuyết năm 1966, Thầy đã đến 19 quốc gia, kêu gọi hòa bình và chia sẻ với thế giới nguyện vọng và nỗi thống khổ của đại đa số người dân Việt – những người không được nói lên tiếng nói của mình. Một ký giả của tờ New York Post đã diễn tả lại ấn tượng mà Thầy để lại trong lòng ông khi Thầy mới đến Hoa Kỳ chỉ một vài hôm như sau:

Ông ấy là một người nhỏ thó, mảnh khảnh trong chiếc áo thầy tu; có đôi mắt khi thì buồn, khi thì rất linh động; giọng nói nhỏ nhẹ và truyền cảm. Nói theo kiểu bình dân của Mỹ thì có lẽ chiếc đầu của ông ta đang được Tướng Nguyễn Cao Kỳ treo giá ở Sài gòn. […] Ông ta nói bằng một ngôn ngữ quốc tế của một học giả bị cuốn vào bi kịch của lịch sử, khao khát chấm dứt sự điên rồ của chiến tranh, chứ không phải tìm kiếm một nền hòa bình có được bằng mọi giá. […] Khi được hỏi về ‘tự do’ và ‘dân chủ’, ông ta sẽ hỏi lại bạn: “Tự do và dân chủ để làm gì nếu bạn không còn sống?” […] Lắng nghe một con người ốm yếu nhưng chân thành và đầy nhiệt tâm như thế, người ta tự hỏi Bộ Ngoại giao có nên cho phép ông ta được trực tiếp hội kiến Tổng thống Johnson hay không[iii].

Tại Hoa Kỳ, Thầy đã gặp các nhà hoạt động cho hòa bình và các tu sĩ Cơ đốc giáo có tiếng như cha Daniel Berrigan hay cha Thomas Merton, cũng như các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ như Bộ trưởng Bộ quốc phòng McNamara, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, Thượng nghị sĩ George McGovern[iv]. Thầy cũng gặp Mục sư Martin Luther King Jr., người mà Thầy đã bắt đầu liên lạc vào năm trước. “Chúng tôi nói với nhau về nhân quyền, hòa bình và bất bạo động”, Thầy nhớ lại. “Công việc mà chúng tôi đang làm rất giống nhau – xây dựng cộng đồng và làm phát khởi những hạt giống của tuệ giác, từ bi và bất bạo động.” Ngày 31 tháng 05 năm 1966, Mục sư King và Thầy mở một cuộc họp báo tại khách sạn Sheraton ở Chicago. Đó là lần đầu tiên Mục sư King công khai tuyên bố chống chiến tranh Việt Nam. Trong một bản tuyên bố chung, hai vị đã so sánh những người tự thiêu cho hòa bình ở Việt Nam với những nhà tranh đấu cho nhân quyền: “Chúng tôi tin rằng, những người Phật tử hy sinh thân mạng của mình cũng giống như những vị thánh tử đạo của phong trào nhân quyền. Họ không có ý muốn gây hại cho những kẻ trấn áp mình mà chỉ muốn những người đó thay đổi chính sách mà thôi. Kẻ thù của những người tranh đấu cho tự do và dân chủ không phải là con người, mà là sự kỳ thị, độc tài, tham lam, hận thù và bạo động trong tâm của con người. Đó mới chính là những kẻ thù thật sự” [v].

Chuyến đi năm 1966 là một chuyến đi khá căng thẳng. Sau buổi hội thảo với Mục sư King ở Chicago, ngày hôm sau Thầy bay về Washington D.C. Tại đây, trong cuộc họp báo vào ngày 01 tháng 06, Thầy đưa ra một bản kiến nghị gồm năm điểm nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trong đó có đề nghị Hoa Kỳ ngưng bắn ngay lập tức và có lịch trình rút quân khỏi Việt Nam[vi].  Ngay ngày hôm đó, giới truyền thanh, báo chí và chính quyền miền Nam Việt Nam (chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và Quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu) đã tố cáo Thầy tội phản quốc. Thầy bị tước quyền được trở về nước và bắt đầu cuộc sống lưu vong kéo dài trong 39 năm. “Tội của tôi là đã dám lên tiếng kêu gọi hòa bình”, Thầy nói.

Hơn một tuần sau, vào ngày 9.6, những bài thơ mạnh mẽ nói về hòa bình của Thầy được đăng trên trang đầu của tờ New York Review of Books. Đêm hôm đó, sự kiện đặc biệt “Việt Nam và lương tâm Hoa Kỳ” (“Vietnam and the American Conscience”) được tổ chức tại tòa thị chính thành phố New York với sự hiện diện của nhà biên kịch Athur Miller, nhà thơ Robert Lowell và cha Daniel Berrigan, những người đã lên tiếng mạnh mẽ để chỉ trích cuộc chiến tranh Việt Nam. Thầy xuất hiện trên chuyên mục “Talk of the Town” của tờ The New Yorker[vii]. Trình trạng tuyệt vọng của cuộc chiến tranh Việt Nam đã đưa một người tu vốn quen với nếp sống thiền môn như Thầy lên vị trí quan trọng nổi bật trên chính trường cũng như trong giới trí thức của Hoa Kỳ trong thập niên 60.

Cha Thomas Merton đã viết lời tựa cho cuốn sách Hoa sen trong biển lửa bằng tiếng Anh của Thầy, được xuất bản tại Hoa Kỳ trong năm đó. Cuốn sách là lời kêu gọi mạnh mẽ, hùng hồn, đầy tuệ giác nhằm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Sách này được in chui ở Việt Nam và tái bản nhiều lần với hàng chục ngàn bản[viii]. “Thầy Nhất Hạnh nói lên tiếng nói của quảng đại quần chúng – những người không biết nhiều về chính trị nhưng muốn gìn giữ bản sắc truyền thống Việt Nam, một nền văn hóa Á đông và trên hết là văn hóa Phật giáo”, Cha Merton viết. “Trên hết, họ muốn được sống và thấy cuộc chiến tranh tàn bạo và vô ích này chấm dứt”. Thầy cũng nhớ lại: “Chiến tranh Việt nam lúc ấy ngày càng trở nên khốc liệt. Chúng tôi, những người anh em cùng một nhà, giết nhau bằng vũ khí của Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bom đạn tàn phá núi rừng, làng mạc và sát hại dân lành. Phật giáo giống như một bông sen đang cố gắng sống sót trong biển lửa. Phật giáo là một loại sức mạnh tâm linh mà người Việt Nam được thừa hưởng từ tổ tiên. Chúng tôi muốn sử dụng gia tài tâm linh đó để tự bảo vệ mình khỏi sự hủy diệt.”[ix]

Hội Thân Hữu Hòa Giải tiếp tục tổ chức cho Thầy đi kêu gọi hòa bình ở châu Âu. Thầy được hội kiến hai lần với Đức Giáo Hoàng Paul VI và ngỏ lời mời Ngài đi thăm viếng Việt Nam[x]. Thầy mở những buổi họp báo ở Copenhagen, Paris, Rome, Geneva, Amsterdam và Brussels. Thầy thuyết trình về tình hình Việt Nam tại các trường đại học và các nhà thờ, thường là cho số lượng thính giả hơn một ngàn người. Thầy nói chuyện trước Quốc hội của Vương quốc Anh, Canada, Thụy Điển và gặp gỡ triết gia Bertrand Russel tại Anh[xi].

Ở Hà Lan, Thầy kết bạn với nhà tranh đấu Hebe Kohlbrugge – người đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái khỏi sự tàn sát của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai và nhà thần học Hannes de Graaf. Ở Đức, Thầy kết bạn với mục sư đạo Lutheran Heinz Kloppenburg và Martin Niemöller, một nhà thần học và chống lại Đức quốc xã. Tất cả những vị này đã trở thành những người bạn trung kiên và cộng tác viên của Thầy ở châu Âu. Đến mùa thu, chuyến du thuyết kêu gọi hòa bình của Thầy tiếp diễn tại châu Úc, New Zealand, Philippines và Nhật Bản[xii].

Trong khi đó thì chiến tranh và sự thống khổ tại Việt Nam vẫn không hề suy giảm. Số lượng lính Mỹ có mặt ở Việt Nam nhanh chóng tăng lên và vượt qua con số 500.000 người. Tháng 6 năm 1966, ngay sau khi Thầy rời khỏi Việt Nam, khuôn viên trường TNPSXH bị tấn công bằng lựu đạn. Tháng 4 năm 1967, một lần nữa trường bị tấn công làm một giáo viên và một sinh viên bị thiệt mạng[xiii]. Tháng 5 năm 1967, Thầy đang ở Paris thì được tin Nhất Chi Mai tự thiêu.  Nhất Chi Mai là một trong sáu thành viên Tiếp Hiện đầu tiên của Thầy. Trước khi tự thiêu, chị để lại một bức thư cho Thầy, nói rằng: “Thầy ơi, Thầy đừng lo, chắc chắn sẽ có hòa bình”. Nhiều năm sau, Thầy nói với các đệ tử: “Dù sắp ra đi, Nhất Chi Mai vẫn không muốn thầy lo lắng. Nhất Chi Mai đã cống hiến mạng sống của mình cho hòa bình. Hành động của chị được thúc đẩy bởi tình thương đích thực mà không phải vì tuyệt vọng”[xiv]. Tuy vậy, sự ra đi của chị đã để lại một nỗi đau rất sâu không những cho Thầy, mà cho cả cộng đồng trường TNPSXH. Thầy đã ghi lại nỗi đau của sự mất mát ấy trong những bài thơ và kêu gọi những người bạn khác viết bài để vinh danh Nhất Chi Mai[xv]. Ông Đạo Dừa đã viết cho Nhất Chi Mai: “Cháu Mai ơi! Cháu tự thiêu cho hòa bình, cho tình nhân ái thì ta cũng đang tự thiêu, tuy chậm nhưng cũng là một thứ tự thiêu”.  Sau này Thầy đã giải thích với đệ tử: “Có rất nhiều cách để xả thân cho hòa bình.”[xvi]

Trong khi tiếp tục du thuyết để kêu gọi cho hoà bình, Thầy nhận được tin dữ là tám tác viên của trường TNPSXH bị bắt mất tích vào ngày 14.6.1967, trong đó có sư chú Nhất Trí – người đệ tử xuất gia đầu tiên của Thầy. Chưa đầy ba tuần sau,  ngày 5.7.1967, Thầy lại nhận được tin năm tác viên trẻ của trường THPXSH bị bắn bên bờ sông Bình Phước. Một người té xuống sông sống sót, bốn người còn lại chết ngay tại chỗ[xvii]. Người tác viên còn sống kể lại rằng trước khi bắn, một người trong nhóm lạ mặt đó đã đặt tay lên trán của một tác viên và nói: “Chúng tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi buộc lòng phải giết các anh”[xviii].

Tại tang lễ của những người bị sát hại (có thể có sự hiện diện của những kẻ sát hại và những người mật báo cho họ), chị Phượng đã thay mặt trường TNPSXH viết bài điếu văn trong đó không hề có sự trách móc hay thù hận bất cứ ai, kể cả kẻ sát nhân mà chỉ nhấn mạnh thông điệp “kẻ thù của chúng ta không phải con người”. Nhờ có sức mạnh tâm linh, dù đau khổ tột cùng trước cái chết của những người anh em của mình nhưng các tác viên của trường TNPSXH đã nhận ra rằng những kẻ sát hại đó cũng chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh; họ bị bắt buộc phải giết, nếu không vâng lời cấp chỉ huy thì họ cũng sẽ bị giết. Và kể từ ngày đó, dù công tác xã hội vẫn phải đương đầu với nhiều trở ngại và thử thách, trường TNPSXH không bị tấn công lần nào nữa.

Ngay khi nghe tin về cái chết của bốn tác viên, Thầy đã khóc. Một người bạn có mặt lúc ấy đã an ủi Thầy: “Thưa Thầy, Thầy cũng như một vị tướng lãnh đạo đội quân bất bạo động, và khi quân đội của Thầy làm việc cho tình thương và sự hòa giải thì thế nào cũng có những thương vong. Thầy đâu cần phải khóc”. Thầy nói, “Tôi không phải là một ông tướng. Tôi là một con người. Chính tôi đã kêu gọi các em đến để được đào luyện như những tác viên và giờ đây các em đã bị giết. Tôi cần được khóc”[xix]. Thảm kịch đó ghi đậm trong tâm khiến cho Thầy quán chiếu sâu hơn để tìm ra gốc rễ của hận thù và bạo động. Và Thầy thấy nguyên nhân trước tiên là do những nhận thức sai lầm. Sự trung lập chính trị của trường TNPSXH – không theo phe cộng sản cũng không theo phe chống cộng – làm cho cả hai phe lâm chiến nghi ngờ họ. Quán chiếu về việc các tác viên của trường bị bắn giết, Thầy nói: “Chúng ta phải dùng lưỡi gươm trí tuệ để chặt đứt những hình ảnh, khái niệm và tất cả những nhãn hiệu. Ý niệm của chúng ta có thể đưa tới cuồng tín, có thể tiêu diệt con người, tiêu diệt tình thương”[xx].

 

 

 

[i] Tiến sĩ Kahin thuộc khoa Chính trị về Đông Nam Á của trường đại học Cornell. Và chuyến đi của Thầy do Nhóm liên đại học của trường Cornell (Cornell’s Inter-University Team) đài thọ. Alfred Hassler đã đến thăm Việt Nam vào năm 1965 và đã gặp Thầy tại Viện đại học Vạn Hạnh mùa hè năm đó.

[ii] Xem bản tiểu sử ngắn của Thầy được đăng trên The New York Review of Books vào ngày 9.6.1966 khi họ đăng các bài thơ về hòa bình của Thầy.

[iii] Bài báo có tựa “A Plea For Life” của James A. Wechsler,  đăng trên tờ New York Post, ngày 18.5.1966.

[iv] Cha Thomas Merton đã ghi lại ấn tượng lần đầu tiên gặp Thầy: “điều trước tiên mà tôi nhận thấy ở thầy Nhất Hạnh đó là: thầy thực sự là một bậc chân tu; rất yên lắng, nhẹ nhàng, bình dị, khiêm cung. Ta có thể thấy chất Thiền nơi con người của Thầy”. Nguồn: tác phẩm Learning to Love: The Journals of Thomas Merton, vol. 6  (1997), tr.76.

[v] Theo báo cáo của FBI, sáng sớm hôm đó thầy Nhất Hạnh đã tham gia một buổi lễ hòa bình đại đồng tại nhà thờ Rockerfeller trong khuôn viên trường đại học Chicago với sự tham dự của nhiều giáo sĩ cao cấp.

[vi] Trích từ tác phẩm Hoa sen trong biển lửa:

  1. Hoa Kỳ ngưng oanh tạc ở Bắc cũng như ở Nam.
  2. Giới hạn hoạt động quân sự Hoa Kỳ và Việt Nam lại trong phạm vi tự vệ. Nếu Mặt Trận đáp ứng thì tức khắc đó là một cuộc ngưng bắn.
  3. Hoa Kỳ long trọng cam kết rút quân khỏi Việt Nam trong một thời gian là bao nhiêu tháng, và bắt đầu thực hiện rút ít toàn quân để chứng minh thiện chí và sự thành thực.
  4. Hoa Kỳ tuyên bố rõ rệt ý muốn tôn trọng ý chí người Việt trong việc thành lập một chính quyền đáp ứng được nguyện vọng của dân chúng Việt Nam, và thực hiện những hành động cụ thể để chứng minh lời tuyên bố đó như từ chối không ủng hộ nhóm này để đàn áp nhóm khác.

5.Thành thực giúp Việt Nam tái dựng xứ sở đã bị chiến tranh tàn phá. Sự giúp đỡ này hoàn toàn không có sự liên hệ chính trị và ý thức hệ – những thứ được coi là động chạm đến nền độc lập Việt Nam.

[vii] Tờ New Yorker, ngày 25.6.1966.

[viii] Cuốn sách được NXB Hill & Wang phát hành tại Mỹ đầu năm 1967. Sách được in chui và phát hành tại Việt Nam với tựa đề Hoa Sen Trong Biển Lửa (1967).

[ix] Pháp thoại của Thầy tại Hà Nội, ngày 5.5.2008 với chủ đề: “A History of Engaged Buddhism” (Lịch sử đạo Bụt Dấn thân)

[x] “Theo các phóng viên của Tòa thánh Vatican, các chuyến thăm miền Nam và miền Bắc Việt Nam sau đó của Tổng Giám mục Pignedoli và Đức Ông Huessler có liên hệ đến lời mời của Thầy Nhất Hạnh.”— nguồn: Tài liệu của Hội Thân hữu Hòa Giải được lưu trữ tại Swarthmore, có tựa đề “Thich Nhat Hanh: A Brief Biography,” (Thích Nhất Hạnh: Tiểu sử vắn tắt) – năm 1970.

[xi] Tại Canada, Thầy là người ngoại quốc đầu tiên được mời diễn thuyết trước Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Canada — nguồn: như trên.

[xii] Nguồn: Tài liệu riêng của Thầy

[xiii] Theo tài liệu riêng của Thầy thì đó là ngày 24.4.1967

[xiv] Trích các pháp thoại ngày 25.3.2004 và 7.6.2002. Nhất Chi Mai đã đọc và ghi âm lại vào băng cassette bài thơ “Dặn dò” của Thầy trước khi tự thiêu cho hòa bình.

[xv] Thầy đã làm một bài thơ theo kiểu văn xuôi để tưởng nhớ Nhất Chi Mai, có tựa đề là Chân dung. Bài thơ này được in trong tập Chim về trên không, do Viện Hóa Đạo ấn hành năm 1971, kỷ niệm ngày giỗ thứ tư của Nhất Chi Mai. Bài này được Thầy ký tên là Thạc Đức.

[xvi] Pháp thoại của Thầy, ngày 7.6.2002

[xvii] Sự kiện này đã được Thầy viết trong bài thơ Xin trả về cho non sông, cho nhân loại, cho đồng bào trong tuyển tập Tiếng đập cánh loài chim lớn. Thầy cũng đã viết một vở thoại kịch về cái chết của những người học trò này, với tựa đề: Nẻo về tiếp nối đường đi.

[xviii] Đọc thêm Hồi ký của Sư cô Chân Không: 52 năm theo thầy học đạo và phụng sự

[xix] Lời chia sẻ này của Thầy đã được ghi lại trong cuốn sách Để có một tương lai – NXB Văn hóa Sài Gòn

[xx] Pháp thoại ngày 21-12-2003 tại xóm Thượng, Làng Mai trong khóa Lâm Tế Lục