Đạo Bụt đi vào cuộc đời

Tháng Bảy năm 1954, sau khi hiệp định Geneve được ký kết, đất nước Việt Nam bị chia đôi. Miền Bắc theo chế độ Cộng sản và miền Nam nhanh chóng theo phe chống Cộng sản với sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Sự chia cắt đất nước tạo nên một thời kỳ loạn lạc và bất ổn với một số lượng lớn người di cư từ Bắc vào Nam.

Để có thể phát huy sức mạnh và làm cho tiếng nói của Phật giáo có sức ảnh hưởng, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, cơ quan thống nhất của tất cả các truyền thống và tông phái Phật giáo ở ba miền trong cả nước, đã được thành lập[i]. Thầy được Ban Giám Đốc Phật Học Đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang ở Sài Gòn mời về để cải tổ lại chương trình giáo dục và thực tập cho học tăng và học ni tại đó. Rất nhiều người tu trẻ đã đi theo tiếng gọi của chủ nghĩa Mác xít, gia nhập vào cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho đất nước. Họ đã từ bỏ cuộc đời xuất gia để về miền quê giúp người nghèo. Sau này Thầy nói rằng có lúc chính Thầy cũng đã bị lý tưởng ấy thu hút[ii]. Một số người khác, vì cảm thấy chương trình tu học không phù hợp, đã quyết định theo đuổi nền giáo dục ngoài đời để trở thành các bác sĩ, kỹ sư. Trước thực trạng ấy, Thầy đã cố gắng xây dựng một chương trình giáo dục Phật giáo phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu của người trẻ, và lần đầu tiên, tăng sinh tốt nghiệp sẽ được nhận một bằng cấp tương đương với nền giáo dục ngoài đời.

Và thế là từ mùa hè năm 1954, Thầy được cử làm Giám học tại Phật học đường Nam Việt[iii]. “Tôi đã triệu tập một số cuộc họp mặt của hàng trăm thầy và sư cô trẻ“, Thầy nhớ lại, và chúng tôi đã tạo nên một bầu không khí đầy hy vọng, niềm tin và tình thương. Một vị tôn túc trong Tổng hội Phật giáo có đến dự một buổi họp, và lắng nghe các thầy, các sư cô trẻ bày tỏ niềm ước mong sâu sắc nhất của họ đối với nền Phật giáo nước nhà.“[iv] Sau những buổi họp ấy, một chương trình đào tạo mới tại chùa Ấn Quang được đưa ra, lần đầu tiên kết hợp các môn học truyền thống của Phật giáo với các môn thế học như khoa học, toán học, triết học Tây phương, ngoại ngữ, lịch sử và văn chương. Lần đầu tiên bằng cấp của Phật học đường Nam Việt có giá trị tương đương với những bằng cấp ngoài đời.

Thầy còn giúp thành lập một hội Sinh viên và xuất bản tập san có tên là Sen Hái Đầu Mùa. Thầy biết là “Công cuộc duy tân đạo Phật đòi hỏi một cuộc cách mạng về giáo lý, giáo chế, và về giáo sản nữa. Chừng nào các Phật học đường đào tạo được một số người đáng kể, chừng đó cuộc duy tân mới được thực hiện“[v]. Để thử nghiệm hình thức “chủng viện“ (séminaire) kiểu mới, Thầy bắt đầu tổ chức lại mọi phương diện tu học và đời sống hàng ngày của các học tăng. Để giúp cho các lớp học thêm sinh động, Thầy cũng dạy cho họ các bài dân ca và các bài ca Phật giáo mới[vi]. Thầy còn đưa các học tăng đi dã ngoại, đi cắm trại ở biển. Thầy cho dỡ bỏ các bức vách ngăn giữa các phòng ở của các học tăng để cho khoảng 40 học tăng sống chung trong một phòng ký túc xá rộng rãi và thoáng khí. Ở phía trước cư xá có một câu châm ngôn: “Học tăng là sức sống của đạo pháp đang lên”[vii]. Sau này Thầy có viết: “Thật là hạnh phúc khi được tham gia thực hiện giấc mơ mà tôi đã ấp ủ từ lâu[viii].

Thầy dạy các môn Phật pháp căn bản, Lịch sử Phật giáo, Văn chương Việt Nam, ngoài ra còn dạy kỹ năng viết văn và làm thơ. Thầy mời các vị khách tăng đến thuyết giảng mỗi khi có dịp, như Pháp sư Diễn Bồi đến từ Trung Quốc và thầy Ananda Mangala đến từ Ấn Độ. Thầy dạy về thơ của Victor Hugo và khuyến khích các học tăng học tiếng Pháp. Vào lúc 8 giờ tối mỗi ngày, họ học tiếng Pháp trên đài Pháp Á (France Asia) phát qua các loa phóng thanh công cộng ở các góc phố[ix]. Khóa học được yêu thích nhất của thầy là Văn chương Phật giáo, một môn học mới do Thầy tiên phong giảng dạy. Thầy bình giảng về thơ và những bài kệ  bằng tiếng Việt hay Hán Việt của các Tổ, và trình bày các kinh điển Đại thừa trong ánh sáng của nền văn học A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma)[x]. Thầy khuyến khích các học tăng thảo luận ngoài giờ về Phật giáo, văn chương Pháp và về thực trạng của đất nước[xi]. Tại Ấn Quang, Thầy cũng bắt đầu dạy một số lớp dành cho những học tăng có trình độ cao hơn về triết học Tây phương, về những triết thuyết của Hegel, Nietzsche, Sartres và Camus, để sau này khi ra giảng dạy, các học tăng có thể trả lời những câu hỏi của các nhà trí thức đương thời[xii].

Đối với các học tăng, đây là một cách giảng dạy rất mới lạ, chú trọng vào việc tạo cảm hứng cho học viên – điều này rất khác so với phương pháp giảng dạy truyền thống trong các viện Phật học. Khi nói đến Thầy thì ai cũng hình dung ra “một vị sư trẻ tuổi mắt sáng đen, trầm ngâm, ít nói, chỉ cười cười, có nói thì nói nhỏ nhẹ từ tốn. Thầy không phê bình ai cả, chỉ lẳng lặng sống im lìm như đang theo đuổi những tư tưởng lớn tinh tế chứa trong bộ óc mình.”[xiii] Tuy vậy, Thầy vẫn nhấn mạnh việc học thuộc lòng tất các bài kinh, thơ, hoặc bài viết mà học viên đang học để chúng đi vào tàng thức và giúp cho học viên phát triển kỹ năng viết lách và làm vốn từ vựng thêm giàu có. Lúc ấy cách đào tạo của Phật giáo truyền thống là đặt trọng tâm vào việc học chữ Hán và Hán Việt. Nhưng Thầy thấy là giúp cho thế hệ tăng sinh trẻ khám phá được cái đẹp và sức mạnh của ngôn ngữ tiếng Việt, cũng như có khả năng viết lách bằng tiếng Việt là điều rất quan trọng. Rất nhiều tăng sinh học với Thầy tại chùa Ấn Quang sau này đã trở thành những thầy giáo và học giả có uy tín[xiv].

Đồng thời với việc trở thành Giám Học tại chùa Ấn Quang (1954), Thầy đã ghi danh để học trong một trường đại học vừa mới được thành lập, đó là trường Đại học Văn Khoa Sài gòn. Muốn ghi danh, Thầy phải đăng ký tên họ chính thức với chính quyền. Vì vậy nên cũng như rất nhiều người trong thời kỳ đầy biến động của đất nước, Thầy đã đổi tên và chọn đăng ký dưới tên Nguyễn Xuân Bảo. Trong khóa sinh viên đầu tiên có Doãn Quốc Sỹ, sau này trở thành những nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam.

Từ chùa Ấn Quang, Thầy thường đạp xe đến trường đại học, và sau khi tan học thì đạp xe về lại Ấn Quang để dạy. Một ngày nọ, Thầy không khỏi bất ngờ khi thấy cuốn sách Đông phương luận lý học của Thầy được sử dụng làm tài liệu học trong lớp mà Thầy đang theo học. Thầy chỉ im lặng và giữ điều “bí mật” ấy cho riêng mình. Thầy hoàn tất chương trình đại học và nhận bằng cử nhân Văn chương Pháp và Việt, trong khi vẫn tiếp tục làm thơ, viết báo, viết sách cho xuất bản[xv].

Thầy Thích Trí Không, một trong những học tăng từng học với Thầy trong thời gian đó, đã ghi lại rất rõ ràng những kỷ niệm trong lớp học với Thầy tại chùa Ấn Quang trong những năm 1950. Thầy Trí Không nhớ lại là Thầy đã dạy các học tăng không nên tin những gì họ nghe trên radio, và không bao giờ áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Thầy khuyến khích các học tăng suy ngẫm về những gì họ được nghe, tư duy với tinh thần phản biện và quán chiếu một cách sâu sắc.

Chính trong thời kỳ này, vào năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm – một nhà lãnh đạo theo Cơ đốc giáo – bắt đầu củng cố quyền hành bằng cách sử dụng tất cả mọi phương tiện, bao gồm cả tuyên truyền, dọa nạt và đàn áp những người có quan điểm chính trị đối lập. Người theo đạo Cơ đốc được chính quyền yểm trợ một cách công khai, trong khi đó những người theo đạo Bụt càng lúc càng bị đàn áp và bị đẩy ra lề xã hội. Những hy vọng về một cuộc bầu cử dân chủ để thống nhất đất nước dần dần tắt lịm khi Việt Minh ngày càng chiếm thế thượng phong và chính phủ Ngô Đình Diệm, dưới ảnh hưởng của ngoại quốc, làm mọi cách có thể để ngăn chặn một cuộc tổng tuyển cử tự do. 

Ông Vũ Ngọc Các – chủ bút của nhật báo Dân chủ, một tờ báo trung lập – mời Thầy viết một loạt 10 bài báo quan trọng[xvi]. Ông muốn Thầy chỉ ra sức mạnh và khả năng mang lại ánh sáng cho đất nước của Phật giáo Việt Nam, cũng như chứng minh rằng đạo Bụt không phải là bất cập hay lỗi thời như nhiều người vẫn nói. Và thế là trong tình trạng bất ổn và đầy sức ép của một đất nước bị chia cắt, cái nhìn của Thầy về một đạo Bụt dấn thân đã định hình. Được in ở trang bìa của tờ báo, dưới bút hiệu Thạc Đức với tựa đề Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới, những bài báo táo bạo của Thầy đề ra một hướng đi mới cho dân chủ, tự do, nhân quyền, tôn giáo và giáo dục. Các bài báo này đã gây ra một cú sốc trong cả nước[xvii]. Bài báo thứ mười, cũng là bài cuối trong loạt bài này, là một sự chỉ trích của Phật giáo đối với thuyết “nhân vị“ của Tổng thống Diệm[xviii]. Tháng Hai năm 1957, những bài viết đó được Hội Phật học Nam Việt in thành sách, và chúng đã trở thành chuẩn mực cho một hướng đi đích thực của Phật giáo Việt nam trong tình hình hỗn loạn của đất nước lúc bấy giờ[xix].

Năm 1955, sau bảy năm, Thầy trở về Huế thăm Sư Ông – thầy bổn sư và thăm gia đình. Sư Ông và các huynh đệ ở chùa Tổ rất vui khi thấy Thầy về. Tại Phật học đường Báo Quốc, Thầy được mời chia sẻ với các tăng sinh của trường. Thầy cũng rất hạnh phúc khi được về thăm gia đình và đây là lần cuối cùng Thầy được thấy mẹ Thầy vẫn còn khỏe mạnh[xx].

Khi tên tuổi của Thầy được biết đến nhiều hơn, tại Hội nghị lần thứ hai của Tổng hội Phật giáo năm 1956, Thầy được mời làm chủ bút của nguyệt san Phật giáo Việt nam, cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng hội[xxi]. Thầy đã sử dụng hơn mười bút hiệu để viết rất nhiều bài về lịch sử Việt nam, văn chương thế giới (về Tolstoy, Albert Camus, Victor Hugo), triết học, kinh điển Phật giáo, thời sự, truyện ngắn, và làm những bài ca dao mới – nói chung là Thầy sử dụng mọi phương tiện để thúc đẩy hòa giải và nâng cao tinh thần hòa hợp giữa Phật giáo miền Bắc và miền Nam[xxii]. Thầy đào sâu vào lịch sử Việt Nam để đề ra một con đường đưa đất nước ra khỏi hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vai trò “dấn thân” của Đạo Bụt trong thời kỳ Lý Trần từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII – vốn đã gây cho Thầy rất nhiều cảm hứng từ khi Thầy còn là một sư chú.

Trong lúc cả Cơ đốc giáo và những thế lực ảnh hưởng ngoại quốc đang chiếm ưu thế, tờ Phật giáo Việt Nam trong vai trò lãnh đạo trở thành một tiếng nói quan trọng của văn hóa dân tộc và truyền thống tâm linh Việt nam. Tờ báo được bán trong các quán sách và sạp báo ngoài phố, đó là một điều khá bất thường lúc bấy giờ[xxiii]. Biên tập tờ báo Phật giáo Việt Nam này là một cơ hội để Thầy góp phần đẩy mạnh việc thống nhất các truyền thống Phật giáo lại với nhau thành một giáo đoàn duy nhất, có đủ sức mạnh đứng vững và đáp ứng lại các hiểm họa và thử thách từ các thế lực chính trị. Với sự thành công của tờ báo, Thầy trở thành một trong những nhân vật nổi bật, có tầm nhìn xa trông rộng. Thế nhưng, xét trên nhiều phương diện thì những quan điểm của Thầy về khả năng đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với tình trạng của đất nước dường như đi trước thời đại quá xa. Cuối cùng, nỗ lực thống nhất Phật giáo của Thầy đã không thành công, một mặt vì sự chống đối của những thành phần thủ cựu trong tổ chức Phật giáo, một mặt vì tư tưởng về một đạo Bụt mới của Thầy chưa được giới cư sĩ hưởng ứng[xxiv].

Trong khi thời cuộc trên đất nước thay đổi một cách nhanh chóng, tình trạng sức khỏe của mẹ Thầy cũng suy sụp trầm trọng. Thầy và anh An đưa mẹ về ở chung tại Đà Lạt. Thầy Thích Giải Thích (anh Nho) và chị cả của Thầy cùng về sống chung để chăm sóc cho mẹ. Cả bốn anh chị em Thầy đã cùng có mặt khi mẹ qua đời vào ngày trăng tròn, tháng chín âm lịch năm 1956. Thầy viết trong nhật ký “Tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi!”. Sau này, Thầy giải thích: “Lớn cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi.”[xxv]

 

 

[i] Ngày 6.5.1951, năm mươi mốt đại biểu của sáu tập đoàn Phật giáo Nam, Trung và Bắc họp hội nghị tại chùa Từ Đàm, Huế đã đồng thanh quyết nghị thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. (Nguồn: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang)

[ii] Mindfulness Bell, issue #34, Autumn 2003

[iii] Từ năm 1953, Thầy đã bắt đầu giảng dạy tại Phật học đường Nam Việt.

[iv] Cultivating the Mind of Love (1996), tr.30.

[v] Trích từ bài viết “Trả về”, tác phẩm Tình người – NXB Lá Bối

[vi] “Năm 1940, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám quy tụ một số thanh niên tri thức tân học tại Huế và thành lập Đoàn Thanh Niên Phật học Đức Dục (Commission d’Études Bouddhique et de Perfectionnement Moral). Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục lúc ấy là tượng trưng cho một đạo Phật rất mới. Bài ca chính thức của đoàn được soạn và hát bằng tiếng Pháp” (Trích Việt Nam Phật giáo Sử Luận – chương 28). Họ sáng tác và phổ biến rất nhiều bài hát về Phật giáo. Thầy đã dạy một số bài hát của đoàn cho các học tăng tại chùa Ấn Quang. 

[vii] Trích từ hồi ký của HT. Thích Trí Không, cũng như chia sẻ của Sư Ông ngày 25.5.2014 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ, với sự có mặt của HT. Như Huệ và HT. Minh Cảnh, trong Đại giới đàn Cam Lộ Vị. Lời chia sẻ này đã được đăng trên Trang nhà Làng Mai: https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-tin-sinh-hoat/sinh-hoat-nam-2014/dai-gioi-dan-cam-lo-vi/dai-gioi-dan-cam-lo-vi-hoan-man/

[viii] Cultivating the Mind of Love (1996), tr.30.

[ix] Theo hồi ký của HT. Trí Không, Thầy đã viết thư cho các nhà xuất bản để xin những cuốn sách học tiếng Pháp cho các vị xuất gia trẻ. Ban đầu, các học tăng cảm thấy thích thú với cách học mới mẻ mà Thầy đưa ra, nhưng rồi họ lại nản lòng vì ngữ pháp tiếng Pháp quá khó.

[x] Theo hồi ký của HT. Trí Không, các học tăng ở chùa Ấn Quang thời ấy đã được Thầy dạy những bài thơ đầy tuệ giác của các Thiền sư thời Lý – Trần, trong đó có những bài thơ của Thiền sư Vạn Hạnh. Họ cũng được học các bài kệ của Tổ Quy Sơn.

[xi] Hồi ký của HT. Trí Không

[xii] Trong lớp học này có những người sau này trở thành những danh tăng của Việt Nam như HT. Thích Huyền Vi, HT. Thích Thanh Từ.

[xiii] Hồi ký của HT. Trí Không

[xiv] Như trên

[xv] Như trên

[xvi] Theo hồi ký của Thầy, những bài viết này được đăng vào năm 1955.

[xvii] Pháp thoại của Thầy, ngày 6.5.2008 tại Hà Nội; Hồi ký của HT. Trí Không

[xviii] Tất cả những ai làm việc cho chính phủ Ngô Đình Diệm đều phải theo thuyết Nhân Vị này – một đường lối khác biệt với chủ nghĩa tự do cũng như chủ nghĩa Cộng sản. 

[xix] Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới được xuất bản năm 1957 bởi Hội Phật Học Nam Việt. Trong lần đầu tiên phát hành,  5000 cuốn đã được bán hết nhanh chóng.  Nguồn: Hồi ký của HT. Trí Không.

[xx] Hồi ký của Thầy

[xxi] https://thuvienhoasen.org/p118a26248/6/tap-chi-phat-giao-viet-nam

[xxii] Những bút hiệu mà Thầy đã sử dụng như Hoàng Hoa (thơ: Ánh Xuân Vàng, Thơ ngụ ngôn), Thạc Ðức (những bài viết về đạo Bụt nhập thế, hòa giải dân tộc), Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo Sử Luận), Dã Thảo (những bài báo về đề tài làm mới đạo Bụt, vai trò của đạo Bụt trong xã hội, ảnh hưởng của đạo Bụt đối với triết học Tây phương, cũng như một loạt bài đề nghị đổi mới cơ cấu tổ chức của Phật giáo), Tâm Kiên (dân ca mới), Minh Hạnh (bình luận về văn chương Việt Nam và văn chương Pháp), Phương Bối (thông điệp cho người trẻ), B’su Danglu (làm mới đạo Bụt), Tuệ Uyển (đạo đức Phật giáo), Tâm Quán (truyện ngắn), Thiều Chi (những truyện ngắn, bài viết về các bậc danh tăng) và Nhất Hạnh.

[xxiii] Hồi ký của HT. Trí Không

[xxiv] Trích từ tác phẩm Cultivating the Mind of Love, tr. 30

[xxv] Tác phẩm Bông Hồng Cài Áo được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1962 với tên Nhất Hạnh.