Đạo Bụt không biên giới

Trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Thầy đã mang giáo lý và sự thực tập đạo Bụt ra khỏi bối cảnh của tôn giáo để phụng sự cho thế giới. Thầy đã hướng dẫn các khóa tu đặc biệt cho các nhà tâm lý trị liệu, thầy cô giáo, giới lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia, khoa học gia, những nhà sinh môi, nghệ sĩ, nhân viên cảnh sát và thậm chí cả cho người Do Thái và người Palestin[i]. Tại Hoa Kỳ, Thầy đã hướng dẫn các khóa tu cho cựu chiến binh Mỹ – chính những người đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh trên quê hương của Thầy – giúp mang lại sự hòa giải sâu sắc.

Theo năm tháng, số người từ khắp nơi trên thế giới tìm với Làng Mai để tu học ngày càng đông. Qua tiếp xúc với thiền sinh, Thầy và tăng thân bắt đầu phát triển những pháp môn chánh niệm khế cơ hơn và có tính cách phi tôn giáo để có thể áp dụng một cách rộng rãi trong các trường học, cơ quan y tế và nơi làm việc. Thầy giải thích rằng chánh niệm cống hiến một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày. Ai cũng có thể thực tập chánh niệm được dễ dàng dù họ có tôn giáo hay không tôn giáo. Ngày nay tại Quốc hội Hoa Kỳ, có những nghị sĩ thực tập thiền hành trong khi đi đến phòng bỏ phiếu. Có những giáo viên thỉnh chuông cho học sinh thở trong lớp học, và thậm chí có những linh mục tổ chức thiền trà cho giáo dân trong giáo phận của mình. Thầy nói: “Đạo Bụt của chúng tôi là một đạo Bụt không biên giới”[ii]. Thầy khuyến khích mọi người giữ đạo gốc của mình, thay vì đổi theo đạo Bụt[iii]. Đối với Thầy, “ai cũng có thể hưởng được lợi lạc từ giáo lý và sự thực tập đạo Bụt. Đạo Bụt là một gia tài của cả nhân loại chứ không riêng của những người Phật tử. Bởi vì đạo Bụt được làm bằng những yếu tố không phải là đạo Bụt”[iv]

Quy tắc của một nền đạo đức toàn cầu

Trong những năm Thầy ở Việt Nam, trong bối cảnh đất nước bị thực dân đô hộ và chiến tranh kéo dài với ý thức hệ và vũ khí của ngoại bang, Thầy đã đào sâu vào gia tài của Phật giáo Việt Nam để tìm một hướng đi cho dân tộc. Và sau này, khi chân trời của Thầy mở rộng, Thầy cũng đã làm như thế trên bình diện toàn cầu: đào sâu vào gia tài tâm linh của đạo Bụt để cống hiến những pháp môn cụ thể và những quy tắc đạo đức có thể vượt ra khỏi biên giới của văn hóa và tôn giáo, gieo trồng hạt giống của một “sự giác ngộ tập thể”.

Thầy đã trình bày cái thấy của đạo Bụt cho một nền đạo đức toàn cầu – đó là Năm giới tân tu – tại Hội nghị thượng đỉnh về SIDA được tổ chức tại Nhà Trắng; với Phó tổng thống Ấn độ K.R. Narayanan (kết quả là ông đã thành lập một Ủy ban Đạo đức ở Quốc hội), và tại Hội nghị Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ[v]. Ước tính là từ thập niên 1980, trong các buổi lễ truyền giới do Thầy và tăng thân chủ trì, có hàng trăm ngàn người đã chính thức cam kết đem những nguyên tắc đạo đức này áp dụng vào đời sống hàng ngày. Năm 1999, UNESCO mời Thầy cùng với các ứng viên cho giải Nobel hòa bình khởi thảo bản “Tuyên cáo về một nền hòa bình và bất bạo động năm 2000” (“Manifesto 2000”) cho thiên niên kỷ mới[vi]. Bản Tuyên cáo cuối cùng (một cam kết thực hành 6 điểm đạo đức cụ thể trong cuộc sống hàng ngày trong gia đình, nơi làm việc và cộng đồng dựa trên Năm giới tân tu của Thầy) đã lấy được trên 70 triệu chữ ký trên toàn thế giới, trong đó có chữ ký của nhiều nguyên thủ quốc gia.  

Rất nhiều năm trước khi Thầy được phép trở về Việt Nam, Thầy đã được mời đem giáo pháp đạo đức ứng dụng sang Trung Quốc: lần đầu tiên năm 1995, sau đó là ba chuyến hoằng pháp liên tiếp dưới sự bảo trợ chính thức của Hội Phật giáo Trung Quốc vào các năm 1999, 2001 và 2002[vii]. Thầy đã có cơ hội tham bái tổ đình của dòng thiền Lâm Tế, được mời cho pháp thoại, hướng dẫn khóa tu và lần đầu tiên giới thiệu về bản Năm giới tân tu bằng chữ Hán. Thầy đã gặp gỡ Thứ trưởng về Tôn giáo và đã tặng ông câu thư pháp bằng tiếng Anh với dòng chữ “Spiritual Dimension” (Chiều hướng tâm linh). Thầy giải thích rằng “Hiện trong mọi lĩnh vực của sự sống xã hội và con người, như chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, v.v. yếu tố tâm linh đã trở nên rất cần thiết, vì vậy Thầy mong rằng Tôn Giáo Sự Vụ có thể nâng đỡ cho Phật giáo để Phật giáo có thể cống hiến được tuệ giác và kinh nghiệm mình cho xã hội, để làm giảm bớt bạo động, lo lắng và khổ đau trong những lĩnh vực ấy của sự sống”.

Ngày xưa, chư Tổ đem giáo lý đạo Bụt từ Trung Quốc sang Việt Nam. Giờ đây, Thầy đem về lại cho Trung Quốc một đạo Bụt mới, đầy sức sống, mang tính thực tiễn và dễ áp dụng vào đời sống. Những cuốn sách của Thầy như Giận, Phép lạ của sự thỉnh thứcĐường xưa mây trắng được rất nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, yêu thích. Thầy rất vui khi bản dịch quyển Bước tới thảnh thơi – cẩm nang dành cho sadi và sadini từ chữ Hán cổ sang chữ Hán hiện đại của Thầy có thể được xuất bản ở Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi tại các Viện Phật học. Hơn 400 năm qua, các sadi, sadini của Trung Quốc vẫn sử dụng cuốn cẩm nang này bằng chữ Hán cổ.

Sinh thái học bề sâu

Đầu những năm 2000, Thầy trở thành một phát ngôn viên hàng đầu cho “sinh thái học bề sâu”, phát triển giáo lý về môi trường mà Thầy đã bắt đầu từ hội nghị Đại Đồng vào những năm đầu của thập niên 1970. Tuệ giác về tương tức trở thành kim chỉ nam cho hoạt động dấn thân của Thầy. Trong tác phẩm The World We Have (Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh) được xuất bản năm 2008, Thầy không ngần ngại nói ra sự thật về sự khủng hoảng sinh môi ngày càng trầm trọng và đề ra hướng đi của đạo Bụt để đối trị với tình trạng ấy. “Nếu loài người chúng ta vẫn tiếp tục sống như hiện nay thì nền văn minh của chúng ta sẽ sớm bị diệt vong”[viii]. Năm 2007, theo sự chỉ dạy của Thầy, tất cả các trung tâm tu học của Làng Mai đã bắt đầu dùng thực phẩm thuần chay (vegan) nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ đến mọi người rằng một chế độ ăn thuần chay dựa trên rau củ quả có thể làm giảm thiểu khổ đau và bảo hộ trái đất[ix]. Tuệ giác sâu sắc nhất của Thầy dành cho các nhà hoạt động môi trường, được ghi lại trong quyển sách Tâm tình với đất Mẹ, là một lời mời gọi “hãy yêu thương đất Mẹ”. Chính tình thương đối với đất Mẹ sẽ là nguồn năng lượng thực sự bền vững gây cảm hứng cho các nhà hoạt động môi trường trong hành động và sự dấn thân của họ.

 

Nền tảng đạo đức để xây dựng hòa bình

Tháng 9 năm 2001, trong lúc Thầy đang ở Hoa Kỳ để hướng dẫn các khóa tu, cho pháp thoại công cộng và trả lời các buổi phỏng vấn về quyển sách “Giận” vừa mới xuất bản thì tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York bị tấn công. Thầy đã dẫn đầu một đoàn thiền hành hàng trăm người đi chung quanh khu Ground Zero – nơi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố nói trên. Thầy đã đề cập tới vấn đề bất bạo động và tha thứ trong bài phát biểu trước một thính chúng hơn 2000 người tại nhà thờ Riverside, nơi mà 35 năm về trước Mục sư King đã lên tiếng chống chiến tranh Việt Nam. Lúc đó rất nhiều người đã cố gắng thuyết phục Thầy đừng lên tiếng vì e rằng Thầy có thể gặp nguy hiểm khi kêu gọi người dân Mỹ bình tĩnh, thực tập từ bi và bao dung trong lúc căng thẳng đang lên đến đỉnh điểm như vậy. Thầy nói: “Cho dù thầy có bị bắn (khi thầy lên tiếng) thì thầy sẽ vẫn còn là thầy của quí vị. Nhưng nếu vì sợ hãi mà thầy giữ im lặng thì thầy sẽ không còn xứng đáng là thầy của quí vị nữa, và sự mất mát ấy sẽ còn to lớn hơn nhiều”.

Hai năm sau, lúc tình hình căng thẳng giữa Nam – Bắc Triều tiên lên cao điểm, trong một bài phát biểu tại Hàn Quốc, Thầy nhận xét rằng “Các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta được huấn luyện về khoa học chính trị nhưng không được đào tạo về cách thức xây dựng hòa bình, trong nội tâm cũng như bên ngoài. Chúng ta cần giúp họ đem lại một chiều hướng tâm linh cho đời sống chính trị của đất nước”[x]. Năm 2003, sáu tháng sau khi Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq, Thầy đã mạnh dạn kêu gọi hòa bình tại Thư viện Quốc hội (Library of Congress) của Hoa Kỳ, gặp gỡ Thượng nghị sĩ John McCain để nói lên mối quan ngại của mình. Cũng trong dịp này, Thầy đã hướng dẫn hai ngày tu chánh niệm cho các nghị sĩ Hoa Kỳ. Một lần nữa, Thầy khẳng định điều quan trọng là đừng cho kẻ thù của mình là quỷ dữ, như Thầy đã từng khẳng định trong chiến tranh Việt Nam, mà nên nhìn họ với con mắt từ bi, đó mới là cách hay nhất để bảo đảm sự an ninh và hòa bình đích thực. Theo Thầy, từ bi là biểu hiện của sức mạnh và lòng can đảm vô cùng to lớn, chứ không phải là sự yếu đuối như ta thường nghĩ.

 

 

[i] Những bài giảng cho doanh nhân và các chính trị gia đã được biên tập thành sách The Art of Power (Quyền lực đích thực, 2007); những bài giảng cho tù nhân và các cán bộ trại giam được xuất bản thành sách Be free where you are (Sống tự do ở bất cứ nơi nào ở đâu, 2002); những bài giảng cho người Israel và Palestine được làm thành sách Peace Begins Here: Palestinians and Israelis Listening to Each Other (2001)

[ii] Phát biểu của Thầy ở Hàn Quốc, tháng Tư năm 1995, được Daniel J. Adams ghi lại trong “Thich Nhat Hanh Then and Now,”(Thích Nhất Hạnh ngày ấy và bây giờ), Phòng lưu trữ của Trung tâm Thomas Merton Center.

[iii] Phỏng vấn với Don Lattin cho tờ The San Francisco Chronicle, tháng 12 năm 1997: Khi bạn mở lòng với những truyền thống khác, và bạn sẵn lòng học hỏi từ các truyền thống ấy, bạn có một cơ hội để hiểu khác hơn về chính truyền thống của bạn. Đó là điều mà tôi đã học được […] Có những người thực tập theo đạo Bụt, sau đó quay trở lại đạo gốc của họ và khám phá ra rất nhiều điều mà trước đây họ không thấy […] Chúng ta có quyền được hưởng lợi lạc từ bất kỳ truyền thống tâm linh nào.  Bạn cần phải biết [và] hưởng lợi lạc từ mỗi truyền thống. Bởi vì mỗi truyền thống đều có những châu báu và giá trị riêng của nó. Giống như ta ăn trái cây vậy. Nếu bạn thích ăn táo hoặc ăn cam thì bạn vẫn có thể thử ăn xoài, ăn chuối. Bạn không hề phản bội lại trái cam của bạn chút nào khi bạn thử xoài, thử chuối. Chúng ta có quyền thưởng thức tất cả các loại trái cây, và chúng ta có quyền thưởng thức mọi truyền thống tâm linh của loài người. Bạn không nên loại trừ bất cứ truyền thống nào với lý do rằng “Truyền thống của tôi mới là truyền thống chính cống” – như thế thì thật quá hẹp hòi. Chúng ta cần giải phóng chính mình ra khỏi cách suy nghĩ như vậy […] Tôi luôn kêu gọi mọi người nên là chính mình, nên quay về với gốc rễ tâm linh của chính mình. Sẽ không có một mối nguy hiểm nào chờ đón nếu ai đó muốn thử pháp môn của Làng Mai, bởi vì pháp môn của Làng Mai là một phương tiện giúp đem người đó trở lại với văn hóa và gốc rễ tâm linh của chính họ. Điều duy nhất mà tôi quan tâm chính là làm sao cho mọi người có một cơ hội thực tập để cho họ bớt khổ đau. Sau đó họ sẽ quay lại với truyền thống gốc và cố gắng làm mới lại truyền thống của họ…”

[iv] Pháp thoại ngày 21 tháng 6 năm 2009 tại Làng Mai.

[v] Tại Ấn độ năm 1996, tại Davos năm 2000, tại Nhà trắng tháng 12 năm 2000.

[vi] Xem http://www.peace.ca/manifesto2000codeofethics.htm

[vii] Xem thêm trong LTLM số 19 năm 1996,  LTLM số 23-2000 (bài “Địa thượng thần thông”), LTLM số 25-2002 (bài “Đi như một dòng sông”) và LTLM số 26 – 2003

[viii] The World We Have: A Buddhist Approach to Peace and Ecology (Hướng đi của đạo Bụt cho hoà bình và môi sinh), trang 37.

[ix] Trong thư gửi các đệ tử viết tại tu viện Bích Nham ngày 12.10.2007, có tựa đề “Ăn chay để bảo vệ đất Mẹ”, Thầy kêu gọi toàn thể các trung tâm trực thuộc Làng Mai dùng thực phẩm thuần chay để không chỉ làm vơi nhẹ khổ đau cho muôn loài cầm thú mà còn giúp giảm thiểu dấu ấn carbon.

[x] “Spiritual Reflections on War and Peace” (Quán chiếu về hướng đi tâm linh cho vấn đề chiến tranh và hòa bình), in trong Mindfulness Bell  số 34, mùa thu 2003.