Xây dựng những cộng đồng thực tập chánh niệm và hòa bình

Từ những những thập niên 50 và 60 ở Việt Nam cho tới thời gian hoạt động ở Paris trong những năm 70, Thầy đã nhận thấy việc tạo lập môi trường sống bình an và xây dựng những cộng đồng sống chánh niệm là con đường chắc chắn nhất để chữa lành những vết thương chiến tranh, khổ đau và gieo trồng hạt giống của bình an, trị liệu, hòa giải và tỉnh thức trên thế giới. 

Chế tác bình an là một sự thực tập

Tháng 6 năm 1982, Thầy đang ở New York và tham dự một cuộc biểu tình cho hòa bình cùng với một số đệ tử của cố Thiền sư người Nhật Shunryu Suzuki[i]. Thầy dẫn đầu phái đoàn đi một cách chậm rãi, bình an; nhưng tốc độ đi của đoàn quá chậm cho đám đông ở phía sau, và rất nhiều người đã vượt qua mặt đoàn và tỏ vẻ rất tức giận. “Có rất nhiều giận dữ trong phong trào hòa bình,” Thầy quan sát[ii]. “Mỗi khi bạn có một ý nghĩ đầy sân hận và chứa đựng cái thấy sai lầm, đó chính là chiến tranh. Chiến tranh có thể biểu hiện qua cách ta suy nghĩ, nói năng và hành động. Có thể chúng ta đang sống trong chiến tranh mà không hề hay biết, nó xảy ra trong cách chúng ta tranh đấu với chính bản thân và với những người xung quanh… Có thể trong cuộc sống hàng ngày, ta cũng có một vài khoảnh khắc ngưng chiến. Nhưng phần lớn là những khoảnh khắc của chiến tranh”. Đối với Thầy, sự thực tập chánh niệm là điều vô cùng thiết yếu để chế tác hòa bình: “Cách ta sống đời sống hàng ngày sẽ góp phần làm nên hòa bình hay chiến tranh. Chánh niệm có thể cho ta biết là ta đang đi về hướng chiến tranh và chính năng lượng chánh niệm sẽ giúp ta quay lại để đi về hướng khác, hướng của hòa bình”[iii]. Với chánh niệm, chúng ta có thể chuyển hóa cách tư duy:

Hoạt động hòa bình không chỉ là việc tháo gỡ bom. Thậm chí khi ta vận chuyển toàn bộ bom lên mặt trăng, ta cũng vẫn không có an ninh, bởi vì gốc rễ của chiến tranh và của những trái bom vẫn còn đó, ở trong tâm thức cộng đồng của chúng ta. Chúng ta không thể xóa bỏ chiến tranh bằng các cuộc biểu tình đầy giận dữ. Chuyển hóa tâm thức cộng đồng là cách duy nhất có thể xóa bỏ chiến tranh tận gốc[iv].

Và như thế Thầy đã chuyển trọng tâm từ các cuộc biểu tình và họp báo qua công việc có bề sâu hơn, đó là việc chuyển hóa tâm thức cộng đồng qua các khóa tu chánh niệm và qua nếp sống cộng đồng. Các khóa tu đã trở thành lĩnh vực hoạt động của Thầy và đem lại rất nhiều chuyển hóa.

Làng Mai ra đời

Cộng đồng tu học do Thầy hướng dẫn phát triển rất nhanh nên Phương Vân Am không còn đủ chỗ để đón thiền sinh đến tu học. Năm 1982, Thầy và các cộng sự đã tìm được một mảnh đất rộng hơn, đó là một nông trại tọa lạc ở vùng thung lũng sông Dordogne, miền Tây Nam nước Pháp. Tại đây, giữa những ngọn đồi chập chùng và ruộng nho xanh mướt, họ đã thành lập một trung tâm tu học chánh niệm có tên là Làng Mai, cái tên bắt nguồn từ 1250 cây mận (hay còn được gọi là cây mai) được trồng trên mảnh đất màu mỡ này. Những ngôi nhà có sẵn ở Làng lúc đó đã đổ nát. Nhà kho đã được biến thành thiền đường và chuồng cừu được sửa sang lại làm phòng ngủ. Giường thì được làm bằng những tấm ván đặt trên bốn viên gạch[v]

 Những pháp môn chánh niệm mới

Trong khóa tu mùa hè đầu tiên ở Làng, có 117 thiền sinh tới thực tập thiền tọa, thiền hành, ăn cơm trong chánh niệm, và thưởng thức thiền trà trong bầu không khí thư giãn với âm nhạc và thơ ca. Ngoài những người tị nạn Việt Nam tìm đến Làng để được hướng dẫn và trị liệu khi sống nơi xứ người, còn có những người trẻ muốn tìm một hướng đi, những nghệ sĩ và những nhà hoạt động hòa bình tha thiết muốn được nghe những tuệ giác từ một Thiền sư.

Thầy cho tư vấn và nói pháp thoại mỗi ngày, dạy trẻ em cùng người lớn những pháp môn thực tập chánh niệm mà họ có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày. Thầy giới thiệu cách áp dụng thi kệ chánh niệm trong các hoạt động thường nhật như đánh răng, quét nhà, thắp nến – sự thực tập của chính Thầy khi mới bước vào đời sống xuất gia[vi]. Cùng với thời gian, càng ngày Thầy càng phát triển được nhiều phương pháp thực tập mới. Những phương pháp này giúp cho các thành viên trong tăng thân tiếp xúc được với sự bình an, khỏe nhẹ và niềm vui của việc an trú trong hiện tại, giúp họ có sự chuyển hóa và trị liệu[vii]. Cũng trong những năm này, Thầy đã phát triển các pháp môn Sám pháp địa xúc (thiền lạy với những bài hướng dẫn quán chiếu), thiền hướng dẫn, pháp đàm (sử dụng phương pháp ái ngữ và lắng nghe sâu) và thiền buông thư. Căn cứ trên nền tảng vững chắc về Tâm lý học Phật giáo, Thầy đã phát triển pháp môn Làm mới –  một pháp môn thiết thực dựa trên khả năng ái ngữ và lắng nghe sâu để đem lại sự hòa giải, giúp vợ chồng, cha mẹ, con cái, bạn bè lâu năm giải quyết khó khăn giữa họ với nhau, thiết lập lại truyền thông. Những pháp môn có vẻ đơn giản này thực chất là được xây dựng dựa trên tuệ giác của đạo Bụt về vô ngã, vô thường và tương tức, để giúp thiền sinh thấy được gốc rễ của khổ đau, từ đó đưa đến sự trị liệu và chuyển hóa.

Nhờ tài năng và sự tháo vát của chị Phượng – người cộng sự lâu năm với Thầy, cũng như của những vị thường trú có mặt ở Làng từ lúc ban sơ, Làng Mai đã bắt đầu hiến tặng những hoa trái, dù khả năng tài chính của Làng vẫn còn rất eo hẹp. Vào mùa hè thứ ba, Làng Mai đón tiếp trên 300 thiền sinh và đến năm 1990, Làng đã đón đến gần 1000 thiền sinh. Trong hai thập niên tiếp theo, Làng Mai đã phát triển thành một trung tâm tu học Phật giáo lớn nhất ở Tây phương, thu hút thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới, với hơn 4000 người vào mỗi mùa hè và đón hơn 10.000 thiền sinh đến tu học mỗi năm.

 Thầy của những người thầy

Trong các thập niên 80 và 90, Thầy thường xuyên qua Hoa Kỳ để giảng dạy và có ảnh hưởng càng ngày càng lớn, trong bối cảnh thiền tập đang phát triển nhanh chóng ở Tây phương. Thầy hướng dẫn những khóa tu tại các trung tâm thiền Phật giáo mọc lên ở hai bờ Đông và Tây Hoa Kỳ[viii]. Mùa xuân 1983, Hội Thân hữu Hòa bình Phật giáo và Trung tâm Thiền ở San Francisco tổ chức khóa tu đầu tiên do Thầy hướng dẫn cho Phật tử Tây phương tại Trung tâm Tassajara Zen Mountain[ix]. Mô thức của khóa tu chánh niệm mà Thầy thiết kế hoàn toàn khác với những khóa tu đặt trọng tâm vào thực tập tọa thiền (sesshin) của những truyền thống thiền khác. Thầy là một trong những vị thầy Phật giáo đầu tiên ở Tây phương nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kết hợp thiền tập và chánh niệm với các hoạt động thường nhật xảy ra bên ngoài thiền đường, theo tinh thần thiền tập của truyền thống Lâm Tế[x].

Từ kinh nghiệm tu học và sự chứng nghiệm của chính mình, Thầy nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc áp dụng hơi thở chánh niệm trong việc chữa trị thân tâm. Thầy chế tác và giới thiệu cho thiền sinh những phương pháp thực tập như dừng lại và thở theo tiếng chuông. Và Thầy giới thiệu một hình thức mới của pháp môn thiền hành mà chính Thầy đã thực tập và phát triển. Đó là hình thức thiền hành nhẹ nhàng, thư giãn ở giữa thiên nhiên, rất khác với phép kinh hành. Theo phép thiền hành, ta kết hợp hài hòa giữa bước chân, hơi thở với những thiền ngữ trong khi đi. Thầy còn phát triển một pháp môn mới là thiền buông thư, dựa trên việc sử dụng ánh sáng chánh niệm để soi chiếu và làm lắng dịu toàn thân từ đầu đến chân. Ngoài ra, Thầy còn đi tiên phong trong phương pháp thực tập thiền tọa có hướng dẫn, kết hợp những câu hướng dẫn và các từ khóa với hơi thở, để giúp cho thiền sinh chế tác hỷ lạc, đem lại sự trị liệu và tuệ giác[xi]. Cho đến nay, những cách thức mới mẻ, đầy sáng tạo và vô cùng hiệu quả trong thiền tập do Thầy phát kiến đã được hàng ngàn người dạy thiền tiếp nhận và chia sẻ lại với hàng triệu người trên toàn thế giới.

Thầy đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nguyên tắc đạo đức Phật giáo và Năm giới trong thiền tập, những điều mà rất nhiều người đã bỏ qua vì cho rằng chúng không phù hợp với một đạo Bụt hiện đại ở Tây phương[xii]. Thầy luôn nhấn mạnh rằng đạo đức và chánh niệm không thể tách rời nhau; và thiền tập hoặc chánh niệm mà không có đạo đức thì không phải là chánh niệm đích thực. Những điều đó đã làm Thầy trở thành một biểu tượng quan trọng của đạo đức, khi đạo Bụt và thiền tập càng ngày càng trở nên được ưa chuộng ở Tây phương. Nhiều thiền sinh đến tham dự những khóa tu của Thầy trong thập niên 1980 sau này đã trở thành những người thầy dạy chánh niệm hàng đầu ở Tây phương, trong đó có Joan Halifax, Jack Kornfield, Joanna Macy và Sharon Salzberg. Jon Kabat-Zinn dự khóa tu với Thầy tại Hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation Society) ở Massachusetts năm 1987. Giáo lý của Thầy về “chánh niệm trong đời sống hàng ngày” và phương pháp thiền hành do Thầy khởi xướng giờ đây đã được phổ biến rộng rãi bởi phong trào chánh niệm và đã đem đến sự trị liệu cho hàng trăm ngàn người ở khắp nơi trên thế giới.

Tương tức

Chính tại một trong những khóa tu tại trung tâm thiền tập Tassajara ở California, lần đầu tiên Thầy đã sử dụng từ “interbeing” để giải thích cho thiền sinh Tây phương về tính tương tức của vạn pháp. Sử dụng từ gốc “to be” làm nên một từ mới là inter-being để dịch sahabhūtā (từ tương tức bằng tiếng Phạn) là một cách chuyển ngữ rất sáng tạo và đầy tuệ giác. Thầy dạy đệ tử nhìn bằng con mắt tương tức để thấy rằng một tờ giấy không thể nào có mặt nếu không có những đám mây, rừng cây và những cơn mưa. “Tương tức nghĩa là ta không thể nào tự mình có mặt hay làm cho một cái khác có mặt, ta phải cùng nhau có mặt”, Thầy giải thích[xiii]. Sự quán chiếu về tương tức có thể giúp thiền giả cởi bỏ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị. Chỉ với một danh từ đơn giản interbeing – tương tức, Thầy đã chuyển tải được tuệ giác nằm phía sau cam kết “không phe phái” của mình trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Cái thấy của Thầy trong thời kỳ khủng hoảng thuyền nhân, được thể hiện qua bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi, chính là sự chứng ngộ về tương tức của Thầy: tất cả mọi thứ đều là sự biểu hiện của mạng lưới nhân duyên trùng điệp, và ta cũng là một trong muôn vàn những nhân duyên ấy. Như Thầy đã nói: “Tất cả mọi cái đều chứa đựng trong nó tất cả những cái khác”[xiv]. Ngay trong những khóa tu đầu tiên, Thầy đã dạy rằng không thể có hạnh phúc nếu không có khổ đau, nếu không có bùn thì không thể có sen. Tuệ giác về tương tức đã trở thành cốt lõi trong những lời dạy của Thầy. Nó đã giúp cho nhiều người biết thực tập nhìn sâu để hiểu nỗi khổ niềm đau của họ, để trị liệu và chuyển hóa. Thầy dạy rằng bất cứ ai cũng có thể sử dụng tuệ giác về tương tức để tiếp xúc với tự tánh của thực tại, vượt thoát khỏi mọi ý niệm, trong đó có ý niệm “hiện hữu (có)” và “không hiện hữu (không)”. Tuệ giác và phương pháp hành trì rất cụ thể về tương tức (Interbeing) đã trở thành một trong những sự đóng góp nổi bật của Thầy cho sự thực tập đạo Bụt ở Tây phương.

 

Năm 1984, cha của Thầy qua đời ở Nha Trang. Một số đông chư tăng đã thay mặt Thầy đi dự tang lễ vì biết rằng Thầy không thể trở về quê hương. Khi ấy, Thầy đã thực tập quán chiếu để thấy mình là sự tiếp nối của cha: “Tôi thấy cha tôi đang có mặt trong từng tế bào của cơ thể tôi, mẹ tôi cũng vậy. Ông bà, tổ tiên của tôi cũng chưa bao giờ thực sự chết. Tất cả đều đang có mặt trọn vẹn trong từng tế bào của cơ thể tôi. Khi nghe một tiếng chuông, tôi mời tất cả cha mẹ, ông bà, tổ tiên cùng nghe chuông với tôi. Trong khi nghe chuông, tôi có thể đọc thầm bài kệ: Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương[xv].

 

 

[i] Cuộc biểu tình chống vũ khí hạt nhân ở New York ngày 13.06.1982 là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ (theo New York Times). Thầy sang New York để tham dự Hội nghị Tôn trọng Sự sống (Reverence for Life Conference ), một hội nghị liên tôn về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân được tổ chức song song với một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo quốc tế về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân do Liên Hiệp Quốc tổ chức (“The United Nations Second Special Session on Disarmament”).

[ii] Trong một buổi vấn đáp tại tu viện Bích Nham ngày 29.8.2013, Thầy nói: “Trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, ở Mỹ đã diễn ra phong trào hòa bình phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Và khi người ta đòi hòa bình mà không được đáp ứng, họ trở nên rất giận dữ. Vì vậy có rất nhiều sân hận trong phong trào hòa bình lúc đó.” Khi đi du thuyết ở Mỹ và trò chuyện với các nhóm này, Thầy nói: “Nếu bạn có quá nhiều giận dữ trong tự thân thì hòa bình không thể thành tựu. Bạn phải hòa bình trước khi bạn vận động cho hòa bình”. Ngoài ra trong buổi phỏng vấn với John Malkin của báo Shambhala Sun, số ra ngày 1 tháng bảy, 2003, Thầy nói: “Vào thập niên 60, người dân Mỹ rất từ bi và sẵn sàng yểm trợ chúng tôi trong việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng những người tham gia phong trào hòa bình ở Mỹ không có đủ kiên nhẫn. Họ rất dễ nổi giận khi những gì họ làm không đem lại kết quả như mong muốn. Có rất nhiều giận dữ và bạo động trong các phong trào hòa bình lúc bấy giờ. Bất bạo động và từ bi là nền tảng của phong trào đấu tranh cho hòa bình. Nếu không có đủ bình an, sự hiểu biết và thương yêu trong chính tự thân thì những công việc mà chúng ta làm không phải thật sự là vì hòa bình. Chúng ta đều biết là hòa bình phải bắt đầu từ chính tự thân, nhưng không phải nhiều người trong chúng ta biết cần phải làm như thế nào để có được điều đó.”

[iii] Pháp thoại công cộng dành cho các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Hàn Quốc ngày 19.3. 2003, được đăng trên báo Mindfulness Bell, số 34, mùa thu 2003.

[iv] Pháp thoại ngày 21 tháng 2 năm 1991.

[v] Để tìm hiểu thêm về lịch sử Làng Mai, xin đọc bài Ngày em hai mươi tuổi (LTLM số 25 – 2002) của Thầy và bài Làng Mai qua năm tháng (LTLM số 35 – 2012) của Sư cô Chân Không trên Trang nhà Làng Mai

[vi] Các bài thi kệ đã được in thành sách Từng bước nở hoa sen – NXB Lá Bối (1985)

[vii] Những bài giảng của Thầy về sự thực tập hiện pháp lạc trú đã được Tu viện Kim Sơn in thành sách An trú trong hiện tại vào năm 1986. 

[viii] Bao gồm Hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation Society), Học viện Omega, Hiệp hội Ojai và trung tâm thiền San Francisco

[ix] Xin xem trang nhà của Hội Phật giáo Hòa bình

[x] Quyển Nẻo vào thiền học (1971)Phép lạ của sự tỉnh thức (1975) đã nêu rất rõ phương hướng cho sự thực tập hàng ngày.

[xi] Các bài thiền hướng dẫn mà Thầy sử dụng trong các khóa tu đã được in thành sách Sen búp từng cánh hé

[xii] Điều này đã được James William Coleman đề cập đến trong tác phẩm của ông có tên The New Buddhism: The Western Transformation of an Ancient Tradition by James William Coleman (Một Đạo Bụt mới: Hình tướng Tây phương của một truyền thống cổ đại) –  2002.

[xiii] “Tương tức, tiếng Phạn là sahabhūta. Ta không thể nào tự mình có mặt hay làm cho một cái khác có mặt, ta phải cùng nhau có mặt. Chúng ta dùng ý niệm tương tức để thoát ra khỏi ý niệm có, dùng ý niệm câu hữu thay thế cho ý niệm hữu. Thoát được ý niệm có thì đồng thời cũng thoát được ý niệm không. Nhờ ý niệm tương tức mà ta thoát ra khỏi ý niệm có và không. Đó là nhờ tài năng của tùy thuận trí. Ta vẫn sử dụng danh từ và ý niệm, nhưng sử dụng rất khéo theo trí tùy thuận để từ từ thoát ra khỏi danh từ và ý niệm. Ta dùng những ý niệm mới là tương sinh và tương tức để thoát ra khỏi những ý niệm cũ là sinh-diệt và có-không. Và khi thoát ra được rồi thì chúng ta phải bỏ những ý niệm đó đi. Cũng như ta dùng thuổng để đào giếng, đào giếng xong rồi thì ta phải cất thuổng đi, không cần phải mang nó theo suốt đời. Tương sinh và tương tức giúp ta vượt thoát sinh-diệt và hữu-vô.” – trích pháp thoại ngày 10.1.2013 tại Làng Mai, Pháp.

[xiv] Trích pháp thoại của Thầy, ngày 25.3.2004

[xv] Pháp thoại của Thầy ngày 20 tháng 6 năm 2014