Tiếp nhận những yếu tố mới từ Tây phương

Bị chia cách với những học trò của mình và với phong trào hòa bình Phật giáo tại Việt Nam, Thầy đã thiết lập tình thân hữu với các nhân sĩ, nhà thơ, sinh viên và các tu sĩ Cơ đốc giáo hoạt động tích cực cho hòa bình. Khi các cuộc hòa đàm trở nên dai dẳng (kéo dài trong khoảng 5 năm), các bạn của Thầy bắt đầu tổ chức các chuyến du thuyết cho Thầy, dịch sách Thầy ra nhiều thứ tiếng. Ngoài ra, họ còn tổ chức gây quỹ cho các chương trình cứu trợ xã hội ở Việt Nam.

Những người bạn Cơ đốc giáo của Thầy ở Rome tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ với sự tham gia của 300 tu sĩ Cơ đốc giáo, mỗi vị đeo quanh cổ một tờ cáo thị có viết tên của một nhà sư Phật giáo đang bị giam giữ ở Việt Nam[i]. Cô Hebe Kohlbrugge nhất quyết giúp các chương trình bảo trợ trẻ em mồ côi Việt nam nên khi chính quyền Hà Lan từ chối không yểm trợ cho công việc của Thầy, cô đã trả lại huy chương mà cô được nhà nước ban tặng vì những đóng góp của cô trong việc cứu người Do Thái khỏi sự tàn sát của phát xít Đức trong Thế Chiến thứ II. 

 Đối thoại liên tôn

Tình bạn và các cuộc đối thoại giữa Thầy với cha Daniel Berrigan – một vị linh mục dòng Tên, cha Thomas Merton – một tu sĩ thuộc dòng tu Luyện Tâm (Trappist – một dòng tu kín), mục sư đạo Lutheran Heinz Kloppenburg (hội trưởng Hội Thân Hữu Hòa Giải Đức), Hannes de Graff – nhà thần học Hà Lan, cũng như cuộc hội thảo của Thầy tại Đại hội Tôn giáo Thế giới ở Chicago nhiều năm sau đó đã trở thành cơ sở cho cuốn sách về mối liên hệ giữa Phật giáo và Cơ đốc giáo, có tựa đề “Bụt ngàn đời, Chúa ngàn đời”[ii]. Quyển sách này của Thầy đã có ảnh hưởng lớn đến cả Phật giáo lẫn Cơ đốc giáo. Thầy đã có cơ hội mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về Cơ đốc giáo một cách sâu sắc hơn nhiều so với hồi còn ở Việt Nam[iii].

Cha Berrigan đến sống với Thầy và các cộng sự của Thầy tại Sceaux trong nhiều tháng để học thiền và chánh niệm. Những cuộc đàm thoại đáng nhớ trong đêm khuya giữa cha và Thầy tại văn phòng ở Sceaux đã được ghi âm lại và sau đó làm thành sách với tựa đề  The Raft Is Not the Shore (Chiếc bè không phải là bờ bên kia)[iv]. Sự tiếp xúc và đối thoại với những người bạn Cơ Đốc giáo đã tạo cảm hứng cho Thầy viết thêm những tác phẩm như: Trở về nhà: Bụt và Chúa là anh em (Going Home: Jesus and Buddha as Brothers); Hiệu lực cầu nguyện[v].

Sống lưu vong tại Paris, Thầy bắt đầu nắm vai trò lãnh đạo trong công việc yểm trợ và hướng dẫn tâm linh cho ngày càng đông các Phật tử Việt Nam sống tại Pháp và nhiều nước ở châu Âu. Tháng 6 năm 1969, khi Thầy tổ chức Buổi cầu nguyện cho hòa bình ở Paris tại một khách sạn gần Bộ ngoại giao Pháp, một đám đông gồm khoảng 600 người tham gia đã nói lên được sự phối hợp độc đáo giữa những người Việt ở hải ngoại với các nhà trí thức và các nhà hoạt động xã hội ở Tây phương[vi].

Khởi đầu phong trào môi sinh

Ngay trong thời gian này, phạm vi hoạt động của Thầy đã vượt ra khỏi những vấn đề liên quan đến Phật giáo và hòa bình. Thầy đã cùng ông Alfred Hassler, Tiến sĩ Pierre Lépine của viện Pasteur Paris, nhiều nhà trí thức và nhà khoa học quen biết khác triệu tập một hội nghị đầu tiên về môi trường ở châu Âu tại Menton, Pháp. Hoạt động của họ bắt đầu bằng bản Tuyên Ngôn Menton (Menton Statement) – ”Một thông điệp cho 3.5 tỷ công dân của hành tinh trái đất”. Bản tuyên ngôn đề cập tới vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Được phát thảo vào tháng 5 năm 1970, bản tuyên ngôn có chữ ký của hơn 2000 khoa học gia và được đăng trên tạp chí Courier của UNESCO[vii]. Một năm sau, Thầy và các cộng sự gặp ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và được ông cam kết yểm trợ. Năm 1972, họ đứng ra chủ trì Hội nghị Môi trường có tên Đại Đồng (Great Togetherness”), song song với Hội Nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Môi trường ở Stockholm[viii]. Sinh thái học bề sâu (deep ecology), tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất tiếp tục là những đề tài quan trọng được Thầy đưa vào các bài giảng và các tác phẩm của Thầy.   

Thầy tiếp tục giảng dạy ở khắp nơi. Tháng Năm năm 1971, lúc Thầy đang ở tại Washington D.C trong chuyến du thuyết kêu gọi hòa bình và ngưng bắn ở Việt Nam thì một ký giả của tờ Baltimore Sun báo cho Thầy tin chính quyền miền Nam Việt Nam đã gởi một công hàm quốc tế vô hiệu hóa hộ chiếu của Thầy, buộc Thầy phải sống lưu vong[ix]. Đó là một cú sốc rất lớn đối với Thầy. Thầy bay sang châu Âu và ngay khi đáp xuống Paris, Thầy đã có một cuộc họp báo để xin tị nạn chính trị tại Pháp. Hai năm sau, vào tháng Giêng năm 1973, khi Hiệp định Paris cuối cùng đã được ký kết, Thầy thử xin về nước nhưng vẫn bị từ chối. Phải nhiều thập niên sau Thầy mới có thể trở lại quê hương.

 

 

[i]Cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 11 tháng 10 năm 1971, trùng với buổi họp báo được Thầy và các cộng sự tổ chức tại khách sạn Lutèce Paris. Đó là một phần trong chiến dịch “Hãy ngưng ngay sự giết chóc”mà Thầy cùng hợp tác với Ủy Ban Lương Tâm Quốc tế về Việt Nam (International Comittee of Conscience on Việt Nam). Chiến dịch này nhằm vận động các nghị sĩ, các nhà lãnh đạo tôn giáo và đã thu thập được hơn 9000 chữ ký

[ii] Cuốn sách có tựa đề tiếng Anh là Living Buddha, living Christ, xuất bản năm 1995. Đại hội Tôn giáo Thế giới được tổ chức ở Chicago năm 1993.

[iii] Cha Thomas Merton đã từng viết về tình huynh đệ với Thầy: “Tôi đã từng nói rằng tôi coi thầy Nhất Hạnh như một người anh em của tôi, và điều này là sự thật. Cả hai chúng tôi đều những người tu và có tuổi đạo cũng gần bằng nhau. Chúng tôi đều là những nhà thơ, cả hai đều là những nhà hiện sinh. Tôi thấy tôi có nhiều điểm tương đồng với thầy Nhất Hạnh còn hơn với những huynh đệ người Mỹ của tôi. Và tôi không ngại khi nói ra điều đó.” (nguồn: tác phẩm Passion for Peace: The Social Essays của tác giả  William H. Shannon, ed. (1997), tr.260-1.)

[iv] Cha Daniel Berrigan đến vào tháng Chín năm 1974. Cuốn sách của Thầy và cha Berrigan có tựa đề The Raft is not the Shore được nhà xuất bản Beacon Press ấn hành năm 1975.

[v] Tác phẩm Going Home: Jesus and Buddha as Brothers được xuất bản năm 1999; tác phẩm The Energy of Prayer: How to Deepen Your Spiritual Practice được xuất bản năm 2006 (sách tiếng Việt là Hiệu lực cầu nguyện, do NXB Lá Bối Hoa Kỳ ấn hành năm 2003)

[vi] Buổi cầu nguyện cho hòa bình diễn ra tại khách sạn Hôtel du Palais du Quai d’Orsay vào ngày 8 tháng 6 năm 1969.

[vii] Ấn bản tháng 7 năm 1971 của UNESCO Courier.

[viii] Thông tin về cuộc gặp gỡ giữa Thầy và ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 11.5.1971, cũng như sự yểm trợ của ông U Thant được ghi lại và lưu tại kho lưu trữ của Liên Hiệp Quốc. Những thông tin về Hội nghị Đại Đồng được lưu tại Swarthmore Library.  Trong thời gian ở Stockholm, chị Cao Ngọc Phượng có một loạt những cuộc gặp gỡ riêng đầy tâm huyết với các bộ trưởng và các cơ quan của Thụy Điển, và cô đã thành công trong việc thuyết phục họ bảo trợ cho chương trình từ thiện xã hội của GHPGVNTN giúp xây dựng lại làng mạc bị dội bom ở Việt Nam. Khoản viện trợ đầu tiên là 300.000 đô-la thông qua Nhà Thờ Tin Lành Thụy Điển (Swedish Lutheran Church). Nguồn: tác phẩm Learning True Love (2007), tr.164.

[ix] Đêm đó Thầy đã sáng tác bài thơ Tôi về lật lại trang xưa – tuyển tập Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt, Thích Nhất Hạnh.