Chương 8: Chùa Lá và Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không



Tháng 9 năm 1965, Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội chính thức thành một phân khoa Xã Hội của Viện Đại Học Vạn Hạnh, khai giảng tại chùa Từ Nghiêm với ba trăm sinh viên đầu tiên. Trước đó TNPSXH chỉ có nội dung (là kinh nghiệm hai năm làm Làng Tình Thương hoa tiêu) nhưng chưa có hình thức cơ sở vật chất. Thầy phải mượn giảng đường chùa Từ Nghiêm làm lớp học chính, một phòng nhỏ ở chùa Từ Nghiêm làm văn phòng ghi danh và tiếp khách. Chùa Từ Nghiêm mới xây xong, có vẻ bề thế uy nghi. Chỉ cần để ở góc trái mấy chữ viết tắt TNPSXH là đủ mát mắt rồi. Các xuất sĩ nam thì ở chùa Trúc Lâm Gò Vấp với thầy Đồng Bổn, các nam cư sĩ thì ở cư xá tạm Đại Học Vạn Hạnh (các lớp học của Đại Học Vạn Hạnh vẫn ở nhờ chùa Pháp Hội, Viện Đại Học mới xin được khu đất sát cầu Trương Minh Giảng chưa xây, chỉ mới có cư xá tạm là dãy nhà ba căn mà nam cư sĩ TNPSXH mượn ở tạm). Quý sư cô và nữ cư sĩ tác viên TNPSXH thì ở nhờ chùa của ni sư Giác Nhẫn ở Huệ Lâm Quận 8. Thầy xin được một chiếc xe Renault Mini Van. Sáng nào từ tinh sương bác tài xế cũng đã phải đón quý sư cô và nữ cư sĩ trước từ Quận 8 tới Từ Nghiêm. Sau đó đi Trúc Lâm Gò Vấp để rước quý thầy. Còn nam cư sĩ thì đạp xe tới Chùa Từ Nghiêm mà học. Nghèo thế mà vui vô cùng. Thầy nuôi anh chị em bằng lý tưởng nên tuy sống nghèo và cực mà ai cũng hạnh phúc. Thỉnh thoảng thầy mời nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vào hát với anh em sinh viên. Nhạc sĩ Phạm Duy vào trình bày 10 Bài Tâm Ca tuyệt vời. Hồi này Trịnh Công Sơn chưa ai biết đến, có lẽ vì còn ở Huế. Có thể Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội là nguồn cảm hứng cho Phạm Duy thời đó và Phạm Duy cũng là nguồn cảm hứng của anh em. Nhưng sau đó anh Phạm Duy đi hát cho Bộ Xây Dựng Nông Thôn của chính quyền miền Nam nên chúng tôi không dám mời đến nữa vì sợ đi vào nông thôn “xôi đậu” có thể bị khó khăn với phía bên kia.

Anh em ưa hát nhất là những bài:

Kẻ thù ta đâu có phải là người
giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta tên nó là gian dối
Tên nó là hờn căm, tên nó là lòng tham, tên nó là tị hiềm
Tên nó là một lũ ghét ghen
Thế thì kẻ thù ta đâu có phải người ngoài
Nó nằm đây nằm nơi ở mỗi ai.

hay bài Tâm Ca số 5 Để Lại Cho Em. Nghe tới đâu chúng tôi chảy nước mắt đến đó. Bài Ngồi Gần Nhau, tình huynh đệ đẹp quá. Rồi bài Giọt Mưa Trên Lá rất là mượt mà, bài Một Cành Củi Khô rất là thiền.

 

Trường TNPSXH

Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội


Trước khi trường chính thức khai giảng, thầy Nhất Hạnh có viết một lá thư kêu gọi sự đóng góp hàng tháng nuôi mỗi sinh viên TNPSXH là 600 đồng. Ai không cho nổi một học bổng thì cho nửa học bổng thôi, hay 1/4 hay 1/8 học bổng. Có người cho 30 đồng là 1/20 học bổng. Chúng tôi cũng tình nguyện đi thu hàng tháng để chia sẻ công tác của mình. Tôi mỉm cười nhớ hồi đi xin một nắm gạo mỗi ngày khi xưa, cũng xin 1 đồng mỗi tháng và cũng “say sưa” kể chuyện giúp các cháu nghèo khổ ra sao. Vì thế tôi vui vẻ nhận lời Ban Quản Trị Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mời tôi làm Trưởng Ban Phổ Triển của trường. Việc này Phương Thảo cũng có thể làm nhưng hồi này anh Đồng Sỹ Nam, chồng của Thảo, du học từ Úc đã về Việt Nam nên chị phải lo chuyện chồng con nhiều quá, biến đâu mất, yên lắng luôn. Lâu lắm mới ẵm con lên thăm “dì Chín”. Tôi có cái niềm vui “phổ triển” bằng cách chia sẻ cho những thí chủ đóng góp học bổng cho TNPSXH những công tác mình đang làm. Ví dụ tôi quyết định sáng nay tôi bỏ bốn tiếng đồng hồ buổi sáng lên chợ Tân Định thu học bổng của bạn hàng mua bán ở các sập chợ. Mỗi vị cho 30 đồng, 50 đồng, có khi 100 đồng mỗi tháng. Song song với việc dạy Sinh Vật Học ở Đại Học Khoa Học nếu tôi nhận dạy toán cho một tư thục thì tôi sẽ được trả 300 đồng một giờ, 4 giờ dạy toán là 1.200 đồng. Số tiền này đủ đóng hai học bổng trọn tháng cho hai sinh viên TNPSXH. Nhưng tôi chọn mất nguyên bốn tiếng một buổi sáng, dù chỉ thu được 300 đồng từ tám người bán ở chợ Tân Định đóng góp, hơn là đi dạy thêm để lấy tiền cho anh em. Tám người đồng chí hướng phụng sự với mình là quan trọng lắm. Mỗi người chỉ cho 30 đồng nhưng cho với cả trái tim thương yêu. Đó là nhờ chúng tôi tới tận nơi, chia sẻ sự tu học và sự giúp đỡ các thôn nghèo, họ nghe xong thì lên tinh thần và phấn khởi lắm. Chợ Tân Định, chợ Cầu Muối là “bồ nhà của TNPSXH”. Chúng tôi chỉ cần xuống chợ Cầu Muối than thở là: Hết thức ăn rồi cô Ba ơi. Thế là chiều đó sẽ có vài xe vận tải chở đầy rau, bắp sú, súp lơ, bông cải, cà tím, cà đỏ, bắp, khoai lang, v.v.. tới cứu bồ! Cô Ba Tý bán cau ở chợ Cầu Muối, các bạn hàng bán ở chợ không ai là không biết và không thọ ơn cô. Cô chỉ bán cau thôi nhưng cô có cái muỗng cạo gió lợi hại vô cùng. Ai nhức đầu chóng mặt, đau nhức. tiêu chảy… bệnh gì cô cũng đem dầu, đem dụng cụ nhà nghề cứu người của cô mà cứu cấp, giúp không công, giúp vì thương.

Lớp học giáo lý và các buổi hội thảo về chấm dứt cốt nhục tương tàn.

Song song với việc lo cho trường TNPSXH về học bổng, phổ triển và công tác, tôi còn ghi tên vào học lớp Pháp Tướng Duy Thức Học và Pháp Tánh Không Tuệ Học (tức là hệ thống Bát Nhã) của Đại Học Vạn Hạnh. Năm đó sinh viên Vạn Hạnh bầu tôi làm Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh. Điều đó không làm cho thầy Minh Châu vui lắm vì giữa năm 1965 thầy Minh Châu lên làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh mà giáo sư đại học nào vào Vạn Hạnh ở Chùa Pháp Hội cũng chỉ tham vấn với thầy Nhất Hạnh, nhóm sinh viên nào cũng chạy theo hỏi ý kiến chỉ với thầy Nhất Hạnh. Đúng là chúng tôi khá vụng về. Hội họp hội thảo gì cũng mời thầy Nhất Hạnh. Tôi học cùng lớp với sư chú Tuệ Sỹ. Thầy này xuất sắc lắm. Nghe nói hôm thi chứng chỉ Pháp Tướng Duy Thức Học, thầy Nhất Hạnh ra bài cho sinh viên làm thì thầy Tuệ Sỹ được đến 16/20 điểm, điểm cao nhất. Còn tôi chỉ được 10/20, may mà không trượt. Mê học giáo lý của Bụt là tánh cố hữu của tôi nhưng vì tôi có một số tính xấu (tập khí xấu, tâm hành bất thiện) mà chữa hoài không xuể nên tôi hơi dị ứng khi học Duy Thức Học vì trong 51 tâm hành có quá nhiều tâm hành bất thiện mà tôi nhận diện đang đầy dẫy trong tôi! Cùng lúc này, thầy Nhất Hạnh và thầy Thanh Văn, văn phòng trưởng, cũng nhờ tôi mở lớp Dự Bị Khoa Học cấp ba để cung cấp kiến thức căn bản về khoa học cho các vị tăng và ni đã học xong chương trình Trung Đẳng Phật Giáo nhưng thiếu căn bản khoa học thường thức. Mục đích là để khi vào Đại Học Vạn Hạnh trình độ học vấn về khoa học khỏi chênh lệch với những vị đã học xong qua Tú Tài.

Lúc này thầy Nhất Hạnh thật bận rộn, phải họp liên miên với các giáo sư thuộc Viện Đại Học Sài Gòn như giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Bửu Kế, Hồ Hữu Tường, Tam Ích, Nguyễn Khắc Kham để lên chương trình đại học sang năm. Chúng tôi đi công tác ở Làng Tình Thương suốt ngày, chiều về ghé qua chùa Pháp Hội, trụ sở của Viện Phật Học Vạn Hạnh, được thầy Thanh Văn cho ăn món mì ống (macaroni) có nước súp với tiêu ngò, rất ngon. Thầy Thanh Văn nấu mì ống thì tuyệt, thầy Nhất Hạnh rất ưa. Mỗi chiều cùng với hai thầy Nhất Hạnh và Thanh Văn còn có thầy Thanh Tuệ, nhà xuất bản Lá Bối, bác Sâm, em Bạch Tuyết, Uyên, Thanh và tôi vào ngồi ăn ké. Đó là những phút giây hạnh phúc nhất. Nhưng không phải bữa nào cũng được như vậy, thầy Thanh Văn là Trưởng Văn Phòng Viện Đại Học Vạn Hạnh nên không có thì giờ nấu ăn, thế nên quý thầy ăn uống rất thất thường. Vì vậy thầy Thanh Văn đặt cơm chay của tiệm Phật Hữu Duyên mang tới tận chùa mỗi trưa và chiều cho mấy thầy trò ăn. Thấy cơm canh lạnh ngắt chúng tôi lên Bảo Lộc năn nỉ dì Thợ mà ngày xưa vẫn nấu cho thầy ăn ở Phương Bối Am, trả tiền xe và chút ít tiền túi để dì về lo cho thầy cơm trưa và tối. Ôi, dì “Thợ”mà nấu ăn chay thì tuyệt, chỉ có vài lát cải, vài củ khoai mà dì chế ra những món thật ngon, chúng tôi đứa nào cũng ham tới học nghề với dì.

Cư Xá TNPSXH ở Phú Thọ Hòa

Đất cho Đại Học Vạn Hạnh và đất cho Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cũng xin được vào thời gian này. Bên Vạn Hạnh có ngân sách nhiều hơn nên cất tạm ba gian để những nhân viên trong tương lai có thể ở đấy để lo xây cất Đại Học Vạn Hạnh. Trong khi chờ đợi thì TNPSXH mượn cho nam sinh viên làm cư xá tạm.

Ai cũng thấy một chiếc xe Mini Van già mà phải lái đi hai ba nơi mỗi sáng và chiều thì mất thì giờ rất bất tiện. Thế nào cũng phải cất cơ sở cho Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở miếng đất mới mua tận Phú Thọ Hòa xa xôi kia thôi.

Chùa Lá đầu tiên tại Sài Gòn

Chùa lá Pháp Vân

Việt Nam là nước Phật Giáo nên không xây được chùa thì thôi, nếu xây chùa thì phải là vách gạch nóc ngói hẳn hoi, nhất là ở nơi trù phú như miền Nam. Nhưng thầy chúng tôi muốn làm một cái chùa bằng lá thôi, cho giống với chùa của dân nghèo.

Thầy đưa hết tiền dạy Đại Học Văn Khoa của thầy và những tiền túi còn lại khi ở Hoa Kỳ về với lương dạy học ở Columbia cho thầy Lưu Phương để xây ngay một ngôi chùa bằng lá tại khu đất mới. Xây với sự giám sát của thầy Nhất Hạnh nền vách làm bằng đất sét và xi măng, tre và lá. Bàn thờ Bụt, ghế bàn dài, bàn ngồi uống trà đều làm bằng tre đan rất thanh nhã. Chùa có hành lang. Thầy Lưu Phương cho xây bít một đầu hành lang, ngăn làm hai, một phòng để làm phòng tiếp khách, uống trà và một phòng nhỏ ở góc làm phòng ngủ cho thầy Nhất Hạnh khi thầy về nghỉ ngơi.

Thiền đường chùa lá Pháp VânCách Chùa Lá chừng 3 mét là một phòng dài lợp tôle có ba gian, định để cho các sư chú đi theo thị giả thầy ở tạm hay là các thầy Thanh Văn, Lưu Phương và Đồng Bổn lo về xây xất có chỗ mà nghỉ tạm. Kế bên một nhà nhỏ bằng tôle khác làm nhà bếp và nhà tắm cầu tiêu.

Chùa Lá vừa xây xong ở Phú Thọ Hòa. Thầy Nhất Hạnh đặt tên là chùa Pháp Vân, thầy Nhất Hạnh lấy tên này vì là tên một trong những ngôi chùa đầu tiên có mặt trong lịch sử đất nước Việt Nam.