Giọt nước cánh chim – Chương trình cứu trợ đồng bào miền Trung

Sư Ông và tăng thân Làng Mai niệm Bụt và chư Bồ tát để cầu nguyện cho đồng bào miền Trung (ngày 20.10.2016)

 

Câu chuyện "Giọt nước cánh chim"

Giọt nước cánh chim là một câu chuyện nhỏ đứng thứ 15 trong tập truyện có tên là GIỌT NƯỚC CÀNH DƯƠNG của Sư Ông Làng Mai viết vào nửa cuối thế kỷ thứ XX. Chuyện kể rằng: trong một khu rừng thâm u ở cao nguyên, có một cổ thụ già người ta không biết là đã sống mấy ngàn năm. Thân cổ thụ lớn mười tám người ôm không xuể. Những chiếc rễ lớn của cổ thụ, phần nhô lên trên mặt đất, chạy ra một đường bán kính bốn mươi lăm thước. Mặt đất, dưới tàn cổ thụ, mát lạnh lạ lùng. Thân cổ thụ cứng như đá, móng tay bám vào chỉ làm đau ngón tay. Tàn cổ thụ chuyên chở hàng vạn tổ chim, hàng trăm ngàn con chim lớn nhỏ.

Trong một cái bộng cây lớn chỉ bằng trái bưởi Biên Hòa, nơi thân cổ thụ cao cách mặt đất đúng mười hai thước, có một chiếc trứng chim nhỏ màu nâu. Không biết con chim nào đã tới đặt chiếc trứng xinh đẹp kia vào bộng cây. Bộng cây không được lót bằng cọng rơm hoặc tờ lá khô nào. Người ta có thể nghĩ là chiếc trứng kia không phải là từ một con chim sinh ra mà là do khí thiêng của rừng già và sức sống của cổ thụ un đúc kết thành. Ba mươi năm mà chiếc trứng vẫn nằm y nguyên, không nở.

Có những đêm, loài chim thức giấc thấy mây che trên bộng cây và từ bộng cây có ánh sáng chiếu ra làm rạng rỡ cả một góc rừng. Vào một đêm trăng tròn tháng tư, chiếc trứng nở và một con chim lạ ra đời. Con chim nhỏ xíu, kêu chiêm chiếp trong đêm lạnh. Trăng rất sáng. Sao rất sáng. Chim nhỏ kêu suốt đêm; tiếng kêu không bi thương, không hờn oán; tiếng kêu như sự diễn tả bàng hoàng, lạ lùng. Con chim nhỏ kêu như thế cho đến khi mặt trời mọc, tia nắng đầu làm trỗi dậy bản hợp tấu của hàng vạn giọng chim. Từ lúc đó con chim nhỏ không còn kêu nữa.

Nó lớn rất mau. Những hạt giẻ, những hạt đậu do những con chim mẹ đem tới bộng cây không thiếu. Chiếc bộng cây bây giờ trở thành nhỏ bé quá, con chim phải tìm một cái bộng lớn gấp mười lần để ở. Nó đã biết bay, biết đi tìm mồi và đã mang về những cọng rơm lót ổ. Lạ thay, ngày xưa trứng màu nâu, nhưng chim giờ đây toàn thân màu trắng tuyết. Lúc chim bay, hai cánh xòe rộng đập rất khoan thai. Hai chân nép hẳn về phía sau. Chim bay rất mau và rất im lặng. Chim thường bay tới những vùng rất xa, nơi có những thác nước trắng xóa rơi ào ào ngày đêm, hùng vĩ như hơi thở của đất trời.

Có những lần chim đi năm bảy ngày không về. Khi về, chim nằm yên, có khi cả ngày cả đêm, không bay ra khỏi tổ. Chim không hót. Chim trầm lặng ít nói. Hai mắt của chim sáng thật sáng nhưng không bao giờ hết vẻ bỡ ngỡ lúc ban đầu.

Nơi rừng già Đại Lão có một chiếc am dựng cheo leo bên triền đồi. Có một đạo sĩ tu ở đó gần năm mươi năm. Chim thường bay ngang rừng Đại Lão, và thỉnh thoảng thấy đạo sĩ đi chậm chạp trên một đường mòn xuống suối, tay cầm chiếc tịnh bình. Có một hôm nọ, khói lam nhẹ vương trên mái thảo am, không khí khu đồi trông ra ấm áp. Chim thấy hai đạo sĩ cùng đi với nhau trên con đường mòn dẫn từ suối lên đến thảo am. Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Đêm hôm ấy, chim ở lại rừng Đại Lão. Chim ẩn trên một lùm cây. Chim không ngủ. Suốt đêm chim nhìn ánh lửa phát ra từ chiếc thảo am. Hai đạo sĩ đã đốt lửa nói chuyện suốt đêm.

Chim bay cao. Thật cao trên khu rừng già. Đã mấy hôm nay rồi, chim bay liệng trên trời cao, không đáp xuống. Dưới kia là cổ thụ già trong khu rừng già, dưới kia là dân chúng của núi rừng ẩn náu trong lau lách, bụi cây, tàn lá. Từ hôm chim nghe được câu chuyện giữa hai người đạo sĩ, chim thấy niềm bỡ ngỡ của chim càng ngày càng to lớn. Chim từ đâu tới và chim sẽ đi về đâu? Cổ thụ kia còn sống được mấy nghìn năm? Đàn con cháu của hàng vạn giống chim mà cổ thụ chuyên chở trên mình còn ca hát tới ngày nào? Chim đã nghe hai đạo sĩ nói tới thời gian. Thời gian là gì? Thời gian tại sao có thể đem ta lại và chắc chắn sẽ mang ta đi? Một hạt giẻ mà chim ăn có tính cách ngọt bùi của nó. Thời gian là gì? Tính cách của thời gian ra sao? Chim ước ao mổ đem về tổ một mảnh nhỏ thời gian, và nằm yên trong tổ mấy ngày để nghiên cứu xem đó là chất gì. Dù có phải để hàng tháng hàng năm mà nghiên cứu, chim cũng vui lòng. Nhưng làm thế nào để tìm ra thời gian để mà lấy được một mảnh nhỏ đem về?

Một buổi trưa bay ngang qua rừng Đại Lão, chim không thấy thảo am. Trọn khu rừng đã cháy rụi, thảo am của đạo sĩ chỉ còn là một đống tro nhỏ. Chim hốt hoảng bay quanh tìm kiếm. Đạo sĩ không còn có mặt tại khu rừng. Đạo sĩ đã đi đâu? Rừng cháy, xác thú, xác chim. Lửa đã đốt cháy đạo sĩ rồi chăng? Đạo sĩ đã đi về đâu? Chim ngơ ngác. Thời gian ơi, ngươi là ai? Sao ngươi đem ta tới rồi ngươi lại sẽ đem ta đi? Ngươi ở đâu, đạo sĩ giờ này ở đâu? Đạo sĩ đã nói: thời gian nằm ở nhận thức. Vậy có lẽ giờ này thời gian đã đưa đạo sĩ về nhận thức. Nhưng nhận thức, nhận thức, ta biết đâu mà tìm nó bây giờ?

Bỗng dưng chim thấy nóng ruột. Chim bay thật nhanh về khu rừng già. Tiếng kêu rú, tiếng gào thét của một loại chim khổng lồ. Tiếng nổ. Khu rừng già, từ phía xa, đang bốc cháy. Mau hơn, mau hơn nữa, chim bay. Lửa cháy rực trời. Lửa cháy lan gần tới cổ thụ. Hàng trăm vạn giọng chim hốt hoảng kêu la ríu rít. Tiếng nổ vẫn tiếp tục. Cây cổ thụ bén lửa. Chim lấy cánh đập lửa, mong cho lửa tắt, nhưng lửa không tắt. Lửa càng cháy bừng. Chim liệng ra bờ suối nhúng ướt hai cánh, trở về rải nước xuống khu rừng. Những tiếng xèo xèo. Không đủ, không đủ. Nước thấm ướt hai cánh chim không đủ dập tắt lửa.

Chim lại liệng ra bờ suối tẩm ướt hai cánh, tẩm ướt đầu, ướt mình, ướt đuôi. Chim liệng trở vào khu rừng cháy. Những giọt nước bắn vào lửa nghe xèo xèo. Không đủ, không đủ. Nước thấm ướt mình chim không đủ dập tắt lửa. Tiếng kêu khóc của hàng trăm ngàn vạn giọng chim, và tiếng kêu khóc của những con chim non chưa đủ lông cánh. Lửa bắt cháy cổ thụ. Lửa kêu răng rắc. Lửa táp vào thân cây. Sao không có một trận mưa? Sao thác nước tuôn chảy bất tuyệt kia ở khu rừng tây bắc không tràn vào khu rừng đang bốc cháy? Đột nhiên chim thấy mình là thác nước. Chim bổng phát ra tiếng kêu lanh lảnh. Tiếng kêu trầm thống, bi thương đột nhiên biến thành tiếng ào ào của thác nước. Chim bỗng thấy hiện hữu mình tràn đầy. Nỗi cô đơn và trống rỗng tan biến như ảo tượng. Hình dáng của vị đạo sĩ. Hình dáng của mặt trời sau đỉnh núi. Hình dáng của thác nước tuôn chảy ào ào bất tuyệt từ ngàn đời. Tiếng kêu cứu của chim giờ đây là tiếng thác đổ ầm ầm. Không còn ngần ngại gì nữa chim liệng mình vào khu rừng lửa như một thác nước vĩ đại. Tiếng sấm đổ. Mưa trút xuống khu rừng. Mưa trút xuống như thác đổ…

(Xin đọc toàn bộ câu chuyện tại đường link sau: http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/tap-truyen/giot-nuoc-canh-chim)

 

Chương trình Cứu trợ đồng bào miền Trung

Thảm họa môi trường Formosa

Tháng Tư năm 2016, nhà máy thép của Đại công ty FORMOSA Vũng Áng thải chất độc ra biển gây thảm họa môi trường trải dài suốt bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tỉnh tới Thừa Thiên, làm chết hàng loạt các sinh vật biển từ san hô, tôm cá đến nghêu sò, cua ốc… trên toàn khu vực. Thảm họa môi trường này gây thiệt hại cho hàng chục triệu đồng bào sống bằng nghề biển, nghề nuôi trồng thủy-hải sản, nghề muối, và hàng triệu triệu đồng bào thuộc ngành nghề phụ trợ như nhà hàng hải sản, du lịch biển, thương vụ hải sản, v.v… Ngoài ra còn gây ngộ độc chết người như thợ lặn Vũng Áng, người ăn hải sản nhiễm độc, v.v…

Mặc dù công ty FORMOSA đã nhận trách nhiệm và hứa bồi thường 500 triệu đô-la Mỹ, nhưng đến bây giờ, người dân nghèo khó, sống dọc theo bờ biển từ Hà Tỉnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên vẫn âm thầm bữa đói bữa no. Chương Trình Hiểu và Thương của Làng Mai, học trò Sư Ông bảo trợ cho 112 lớp Mẫu giáo ở miền Trung suốt 10 năm nay. Từ sáu tháng qua, các cô giáo cho biết lớp học càng ngày càng vắng trẻ em đến lớp. Mặc dù Chương trình Hiểu và Thương đã tài trợ mỗi ngày 8000đ tiền cơm trưa cho mỗi em nhưng chưa đủ. Vì ngoài tiền cơm các em còn phải đóng cho nhà trường 4000đ tiền phụ trội cho cô giáo, 3000đ tiền bảo quản nhà trường. Không chạy được các món tiền kia thì các cháu vẫn không đến trường được. Cha các cháu phải đi vào các thành phố lớn tìm kế sinh nhai và gửi tiền về nuôi vợ con.

Trước tình cảnh không khác chi đám cháy rừng trong câu chuyện trên, chương trình GIỌT NƯỚC CÁNH CHIM (tiểu nhánh của Chương trình từ thiện Hiểu và Thương) quyết định tặng ngay mỗi gia đình 300 ngàn đồng VN (12 Euros hay 14 đô-la Mỹ) chỉ đủ làm vốn lập một gánh bán bún chả cá chay, hoặc bún chả ram chay hoặc gánh gỏi bò, gỏi mực chay, v.v… để bán dọc theo bờ biển, để có ngay đồng ra đồng vào nuôi con. Đợt đầu Chương trình GIỌT NƯỚC CÁNH CHIM đã phát những món quà nhỏ nhoi 300 ngàn đồng VN và bức thư nhỏ kèm cho 800 gia đình ở Hà Tỉnh, 700 gia đình ở Quảng Bình, 500 gia đình cho Quảng Tri, 500 gia đình cho Thừa Thiên và 200 phần quà phát sinh. Tổng Cộng là 2700 phần quà cho 2700 gia đình nạn nhân của thảm họa Formosa.

Chúng tôi cũng gợi ý cho người dân lập hợp tác xã chừng năm gia đình làm quán ăn chay thanh khiết, rau cải sạch, hợp tác xã khác cũng cùng năm ba gia đình khác trồng rau sạch v.v… Nơi nào có được mảnh đất rừng rộng mình sẽ làm một hơp tác xã nông trại rau sạch, tài trợ lập giếng nước lấy nước sạch tưới rau, v.v…

Sau thảm họa Formosa, người dân Miền Trung lại gánh chịu lũ lụt nặng nề

Vết thương do thảm họa môi trường chưa hết nhức nhối, người dân nghèo bốn tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh lại nếm chịu thảm cảnh thiên tai: một cơn lũ lớn chưa từng thấy trong nhiều năm. Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong dòng nước lũ, những con đường, đồng ruộng hóa thành sông. Bao mồ hôi công sức tằn tiện, chắt chiu nhiều năm của người miền Trung đã bị “cơn hồng thủy” cuốn phăng ra sông, ra biển. Giờ đây họ hoàn toàn trắng tay. Nhiều người đã bị cuốn trôi giữa lòng nước dữ và từ đó vĩnh viễn không trở về với gia đình, người thân.

Để chung tay giúp sức cho đồng bào miền Trung vượt qua cơn bão lũ, xin các bạn hãy nối kết với chương trình GIỌT NƯỚC CÁNH CHIM. Hy vọng với những giọt nước nhỏ trên cánh chim chúng ta sẽ cùng nhau tạo được từng trận mưa dập tắt lửa nghèo đói. Đóng góp cho chương trình cứu trợ đồng bào miền Trung, xin gửi về cho Chương trình qua ngân hàng, địa chỉ như sau (xin ghi rõ: tiền ủng hộ đồng bào miền Trung):

Tại Việt Nam, xin gửi vào tài khoản có tên sau: Tên người nhận ; Đỗ Thị Hồng Vân
Tài khoản : 0421000419439
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Phú Thọ tp HoChi Minh;
E-mail: cxcaonguyen2013@gmail.com
 
Ở Mỹ, xin gửi về địa chỉ: Thich Nhat Hanh Foundation (chương trình Giot Nước Cánh Chim – Love and Understanding), Deer Park Monastery, 2944 Melru Lane, Escondido CA 92026 USA
 
Ở châu Âu, xin gửi về địa chỉ:
CBZ Village des Pruniers,
Banque CREDIT AGRICOLE – IBAN FR76 1330 6003 4242 9011 9901 196
BIC AGRIFRPP833
 
Ở Đức qua: Maitreya Fonds e.V.
Spenden-Konto: Munchner Bank e. G.
Konto-Nr. : 2 520 010
BLZ : 701 900 00
I BAN : DE 92701900000002520010
BIC: GENODEF 1M01
E mail: hilfe@maitreya-fonds.de
 
Ở Hà Lan xin gửi : Stichting Leven in Aandacht p/a Dorpsstraat 25, 7221 BN Steenderen. HOLLAND
E-mail: administratie@aandacht.net

 

Chúng tôi xin thành kính tri ân. 

 

Tăng thân Làng Mai.

(Nguồn hình ảnh: báo Tuổi trẻ, Vietnamnet, Dân trí)