Trời che đất chở
Chân Sắc Nghiêm
Con tin là người dân ở quốc độ nào, biên giới nào, quốc gia nào trên hành tinh xanh xinh đẹp này đều có tình thương cho đất. Dù có ý thức hay trong vô thức, tình thương đó luôn luôn hiện hữu. Tình thương có thể phát khởi từ lòng trắc ẩn khi thấy một chú cá heo qua đời vì hàng trăm mảnh nylon trong bụng. Tình thương có thể phát khởi từ lòng biết ơn vì nhờ đất sản sinh hoa màu, cây trái,… cung cấp đủ thực phẩm cho sự sống con người. Hay tình thương phát khởi khi hiểu rằng đất rên xiết chống chọi những trận thiên tai, hiểm họa…
Người Việt từ bao đời được đất chở che, nuôi dưỡng. Nếp sống của cha ông từ ngàn đời luôn gần gũi với thiên nhiên. Tình thương cho đất đã đi vào kho tàng ca dao, tục ngữ: Đất lành chim đậu, Tấc đất tấc vàng,…
Đất không chỉ là nguồn cội – Quê cha đất tổ. Đất còn là cơm áo, chỉ cần có đất là có ấm no, có sự nghiệp. Có “mảnh đất cắm dùi” thì yên tâm khởi nghiệp, không còn sợ nữa. Đất tạo ra vật chất, đất mang giá trị tinh thần. Khi gia cảnh túng thiếu, phải bán hết mọi thứ trong nhà nhưng “đất hương hỏa” thì không bao giờ được bán, nó như mạng mạch của gia đình. Cái tình với đất được biểu hiện rõ ràng nơi những người dân cày sâu cuốc bẫm, tiếp xúc và sống hàng ngày với đất, lên xuống theo diễn biến của những vụ mùa.
Còn người dân thành phố như con, trước khi đi tu, liên hệ với đất không khắng khít, chặt chẽ như vậy. Sự hiểu biết của con về tương tức còn chưa được hình thành. Trên bề mặt nhận thức mình biết về sự tương quan, nhưng cái nhận thức đó chưa trở thành đời sống, thế nên cách sống của mình vẫn phản ánh cái nghĩ: mình và đất đai, khí hậu, môi trường là hai thực thể tách biệt.
Những năm tháng trong chùa, những câu kinh tiếng kệ, rồi tâm thức cộng đồng và sự học, hiểu thêm về giáo lý tương tức đã cho con có cơ hội nhìn đất trong phạm trù tương tức. Con thấy mình biết thương đất nhiều hơn. Thương đất cũng là thương sông ngòi, núi non, không khí, cỏ cây,… Con thấy mình biết nhìn ngắm cái đẹp của đất trời. Biết trân trọng những buổi sáng huy hoàng khi mặt trời lên làm long lanh những giọt sương trên đầu ngọn cỏ. Biết trân trọng không khí trong lành buổi sớm mai cho mình hít thở những hơi thở đầu ngày. Biết quý những buổi chiều vàng mùa thu khi ánh nắng xuyên qua làm rạng rỡ những chiếc lá vàng đỏ… Tất cả những vẻ đẹp đó nuôi dưỡng tâm hồn, chữa trị những vết thương và cho con thêm niềm vui sống.
Mỗi lần đọc Bài kinh Ca tụng đất Mẹ của Sư Ông là mỗi lần con xúc động trước sự bao dung, đẹp đẽ tròn đầy của đất Mẹ:
Mẹ đã sinh ra bao chủng loại
Tạo bao mầu nhiệm ở trên đời
Thương yêu hết mực, không kỳ thị
Ôm lấy muôn loài chẳng sót ai
Thuần hậu, bao dung và vững chãi
Mẹ đang chuyên chở cả muôn loài.
Khi mình thương, mình mong muốn biến tình thương của mình thành hành động. Hành động đến từ ước muốn tôn trọng và bảo vệ. Nhưng trước tiên, tình thương phải bắt đầu từ sự hiểu biết thì tình thương đó mới có thể bền chặt theo tháng năm.
Niềm tin
Con nhớ, năm 2016, con được về Việt Nam thăm nhà, sau năm năm sống ở Viện Phật học, Đức. Về đến sân bay Tân Sơn Nhất đã là mười giờ tối. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên con bắt gặp đến từ một chú bán trái cây bên đường. Không hiểu sao lúc đó con rơi nước mắt. Thấy thương vô cùng! Thương người dân mình cơ cực! Gương mặt khắc khoải của chú, trong một buổi khuya Sài Gòn với hàng trái cây đơn sơ làm cho con xúc động. Việc mưu sinh đâu có dễ dàng. Cái quan tâm về cơm áo gạo tiền hàng ngày nó chiếm trọn tất cả các quan tâm khác.
Có hôm bố hỏi con: “Muốn ăn sầu riêng không, bố mua cho?”. Mẹ nói: “Thôi, thuốc không à!”. Bố nói: “Có cái gì mà không có thuốc đâu!”. Rồi con biết thêm, người ta trồng rau cũng trồng thành hai luống. Một luống để bán, có thuốc và một luống để ăn, không có thuốc. Đi đâu con cũng nghe bàn tán những vấn đề về thực phẩm ô nhiễm.
Lại thêm mật độ xe ở thành phố ngày càng dày hơn, phải làm thêm cầu vượt, phải mở rộng đường, khói bụi tỉ lệ thuận với số khẩu trang. Ra đường ngày trước đã khó nhận ra người quen, giờ còn khó hơn vì ai cũng che phủ từ đầu đến chân; đôi mắt cũng không thấy vì phải đeo kiếng chống bụi, chống nắng. Tham gia giao thông trên đường về, con thấy mình căng và mệt. Con cứ mải miết suy tư về môi trường sống.
Rồi con nhớ đến thằng em trai. Có hôm nó đi học về, chạy chiếc xe Max, tay cầm bịch nước mía đã uống hết (có cái ống hút) trên tay. Con hỏi: “Sao không quăng cái bịch uống hết rồi đi em, cầm về nhà làm chi vậy?”. Nó nói: “Đi suốt đường mà không thấy cái thùng rác nào hết, chị Hai”.
Nghe nó trả lời mà con thấy ấm lòng. Thằng em, té ra cũng có cách bảo vệ môi trường riêng của nó.
Gần đây, con tình cờ nghe câu chuyện về dự án xe điện Datbike của Nguyễn Bá Cảnh Sơn, một bạn 9X ở Đà Nẵng. Một người đã có việc làm ổn định, là một kỹ sư phần mềm ở Silicon, thao thức về lại quê nhà với khát vọng cống hiến. Nghe bạn chia sẻ: “Khi làm việc ở Silicon, em suy nghĩ mãi liệu những việc mình đang làm ở bên kia, làm cho những trang web chạy nhanh hơn, làm cho hệ thống xử lý dữ liệu chạy nhanh hơn có thật sự quan trọng không khi mà điều kiện căn bản nhất của cuộc sống là hít thở thì người thân và bạn bè của mình ở đây còn chưa có. Em quyết định về lại Việt Nam để thành lập Datbike...
Không biết từ bao giờ mà việc mang khẩu trang này đi ra đường đối với người Việt Nam chúng ta trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Ô nhiễm môi trường càng ngày càng trầm trọng. Đó không phải là những gì em đã từng có trước đây và điều đó làm em suy nghĩ mãi. Vì vậy em trở về Việt Nam, thành lập Datbike với một mục tiêu duy nhất làm sao để cho người Việt Nam chúng ta khi ra đường không ai phải đeo cái khẩu trang này nữa”.
Nghe bạn chia sẻ con thấy mừng và có thêm niềm tin tưởng vào thế hệ trẻ của Việt Nam. Các em 9X, sau con một thế hệ, dám sống, dám ước mơ, dám thực hiện. Khi khởi nghiệp, các em đã biết suy tư về vấn đề môi trường, về giá trị đạo đức, giá trị nhân văn của nghề nghiệp mình chọn. Đó là chánh mạng, nghề nghiệp chân chánh.
Bé Thanh An
Bé Thanh An sinh năm 2016, là thế hệ thứ ba của gia đình. Bé sinh ra đúng ngày thứ 50 sau khi ông ngoại bé qua đời. Vào bệnh viện, bế bé trên tay, con cảm nhận rõ ràng bé là một hiện hữu nhiệm mầu, là một món quà của vũ trụ, là sự tiếp nối đẹp đẽ trong gia đình. Ngày bé ra đời, con viết xuống trong quyển sổ nhỏ:
Bé đã sinh ra rồi
Chân trời xôn xao dâng ánh sáng.
(“Bé đã sinh ra rồi” – Thơ Sư Ông)
Thương bé Thanh An cũng là thương 360 ngàn em bé sinh ra cùng ngày, thương 134 triệu em bé sinh ra cùng năm với Thanh An. Con thấy tình thương dành cho Thanh An – cháu ruột của mình – cũng dễ dàng nhân rộng ra cho hàng triệu em bé khác một cách tự nhiên.
Những bất ổn về môi trường ở Việt Nam có lúc làm cho sự lo lắng trong con lên cao. Con nghĩ thế hệ của bé sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn về môi trường sống và về vấn đề tiêu thụ. Có lúc cái lo lắng trong mình nói với mình rằng hay là gia đình tìm cách nào cho bé ra sống ở nước ngoài, có môi trường sống xanh sạch hơn. Con mỉm cười với mình! Dùng lăng kính tương tức soi vào thì thấy dù có đi với tốc độ ánh sáng, đi hoài đi mãi không ngừng nghỉ cũng không thể đi ra khỏi thế giới tương tức này. Một tảng băng tan ở Nam Cực cũng có tầm ảnh hưởng đến tất cả địa cầu. Điều mà con có thể làm được cho bé có chăng là dạy bé biết thở bình an trước những thử thách, sợ hãi trong đời sống. Điều ước của con là ước gì Liên Hiệp Quốc có thể thêm vào quyền trẻ em một điều khoản: Mỗi đứa trẻ có quyền được đến Làng Mai một lần! Đến Làng, chỉ để được học cách sống đơn giản, có mặt và gần gũi với thiên nhiên. Rồi sau này, những chất liệu đó nơi tàng thức sẽ nuôi được các bé trong đời sống bộn bề.
Tứ vô lượng tâm
Khi mình thương một người, mình muốn bảo vệ, che chở cho người đó. Nhưng thử tưởng tượng ngày nào mình cũng than khóc, sợ hãi, tức giận vì người đó đang khổ đau. Mình quằn quại, đau đớn theo. Đặt bạn vào hoàn cảnh được thương như vậy bạn cảm thấy thế nào? Với con, chắc con buồn lắm. Bản thân đã khổ mà thấy người thương mình cũng khổ thì nỗi khổ ấy lại cộng thêm lên. Tình yêu đất Mẹ cũng như vậy!
Những năm gần đây, sự sống của trái đất đang đi đến lằn biên báo động. Những cảnh báo ở mức độ toàn cầu về tình trạng của đất Mẹ ngày càng mạnh mẽ và khẩn thiết. Con thấy mình may mắn vì đang sống trong một tăng thân biết thương đất Mẹ và cũng biết thương nhau. Vì tình thương chung nên hành động cũng là hành động chung. Mình mạnh mẽ hơn nhiều khi làm cùng nhau, san sẻ chung với nhau một nỗi quan tâm.
Mùa An cư kiết thu năm nay, anh chị em chúng con đã cùng nâng cao ý thức về vấn đề môi trường. Những buổi sinh hoạt theo chủ đề (workshop) được mở ra để cùng nhau học hỏi, hiểu biết thêm về thực trạng của đất Mẹ và từ đó có những hành động cụ thể. Những bảng khảo sát về mức độ quan tâm đến đất Mẹ trong đại chúng rất khả quan. Anh chị em nào bồ đề tâm cũng mạnh mẽ, dễ dàng xúc động, dễ có tình thương khi nhìn thấy các chú hải cẩu chết hàng loạt, những đàn dơi chết la liệt trên mặt đất hay khi thấy cây rừng bị tàn phá. Ngồi xem phim tài liệu chung với nhau, cảm nghe được năng lượng tập thể, ý thức cộng đồng lan tỏa mạnh mẽ trong thiền đường.
Rồi sáu workshop được chuẩn bị chu đáo từ các nhóm nhỏ. Mỗi nhóm chăm sóc workshop đều đóng góp hết lòng. Khó nhất là phải nghiên cứu từ trong đời sống của đại chúng, để thấy được phương cách tăng thân đang sinh hoạt và từ đó cống hiến những buổi workshop gần gũi, cụ thể. Không khí của những buổi workshop thật vui tươi, người tham dự và người thuyết trình đều rạng rỡ. Thấy được tình trạng chung và cũng lạc quan thấy rằng những hành động nhỏ của mình như phân rác ra đúng loại, mua thực phẩm sạch, theo mùa, tiết kiệm nước, ăn thực phẩm thuần chay (vegan),… cũng đã thể hiện một phần sự quan tâm của mình đến đất Mẹ. Khi thấy biển Aral ở Trung Á khô cạn thì ý thức về việc bớt mua sắm quần áo cũng dễ dàng nâng cao. Rồi khi anh chị em trong workshop về năng lượng ước tính được lượng khí thải carbon (Carbon Footprint) của xóm thì vấn đề tiết kiệm sưởi, điện, giảm di chuyển bằng máy bay cũng được quan tâm nhiều hơn.
Điều ấn tượng cho con là các anh chị em cùng học, cùng làm việc chung với nhiều niềm vui và tình huynh đệ. Nhóm nào cũng thể hiện được sự sáng tạo, hài hước, thông tin được chắt lọc phù hợp. Nhớ lại câu chuyện mất rác mà vẫn còn thấy vui. Chuyện là nhóm workshop về “chuyển hóa rác” có một yêu cầu rằng ai tham dự workshop cần phải tự gom rác cá nhân mà mình sử dụng trong tuần để mang đến workshop và cùng học cách phân loại. Có một thầy gom rác cả tuần, gần đến ngày tham dự workshop thì phát hiện ra… mình mất bao rác. Cái cảm giác chưa bao giờ việc mất bịch rác lại trở nên quan trọng và đáng tiếc đến như vậy! Có những thứ những tưởng không cần, vậy mà có lúc mất đi cũng khiến ta thấy tiếc vô cùng.
Sáu workshop diễn ra hài hòa. Người hướng dẫn không thấy tự hào vì mình biết nhiều hơn, và cũng không đòi hỏi, áp đặt ý mình. Người tham dự cũng hết lòng trân trọng, lắng nghe bằng trái tim cùng đôi mắt mở to. Tất cả đều cùng một nhịp, không phán xét, không tạo áp lực cho nhau.
Những chia sẻ dễ thương và nuôi dưỡng sau những giờ sinh hoạt, những giây phút mọi người cùng ngồi lại sau giờ thuyết trình để viết vào những bảng khảo sát cách mình hiểu, những gì học được và đưa ra những ước nguyện nhỏ bày tỏ tình thương với đất Mẹ: Con nguyện không mua thêm đồ nếu không cần thiết. Giảm tiêu thụ, lựa chọn sản phẩm BIO và giảm dùng nylon. Xem xét kỹ trước khi muốn mua hay vứt bỏ một thứ gì đó. Ít thay đổi giày dép, vật dụng cá nhân. Khi mua nên chọn đồ kỹ càng, yểm trợ thực phẩm, mặt hàng của địa phương,…
Đối với câu hỏi: “Điều ấn tượng nhất trong suốt buổi thuyết trình là gì?”, đa số kết quả là hạnh phúc vì năng lượng tập thể, vì được cùng làm chung với nhau trong tinh thần sáng tạo, vui tươi. Cùng với nhau mình có thể làm hay hơn rất nhiều!
Được nhìn ngắm anh chị em cùng học hỏi và chơi với nhau trong tinh thần ấy con thấy lòng ấm áp và con biết đất Mẹ cũng đang mỉm cười. Tình yêu cho đất Mẹ cũng cần lắm những chất liệu của hòa hợp và an vui!