Làm gì để chuộc lỗi


Con xin được hỏi:

Con là một người thật thà, vật chất đối với con không quan trọng, nhưng con đã từng phạm hai tội có thể gọi là “ăn cắp”.

1. Lần đầu tiên là lúc còn bé, con rất thích ăn quà nhưng không dám xin tiền mẹ, và mỗi ngày con đã lấy cắp trong giỏ mẹ 1.000đồng (Việt Nam) để mua quà bánh. Bây giờ lớn lên, con đi làm được nhiều tiền và cho mẹ gấp trăm ngàn lần như vậy, nhưng con vẫn mặc cảm với tội lỗi khi xưa vì đó là hành động trộm cắp.

2. Lần thứ hai là lúc sanh em bé. Mỗi ngày ở bệnh viện con được phát một cái khăn lông, chị con bảo khăn của bệnh viện dễ xài, còn khăn ở siêu thị khó xài hơn. Vì thế con đã ngỏ ý muốn mua vài cái cho em bé, nhưng bệnh viện không bán, chỉ cho mỗi em bé một cái khăn quàng vào người lúc ra viện. Và chị con đã lấy trộm dùm con thêm ba cái khăn nữa. Trong lòng con cảm thấy lo sợ và không vui, nhưng vì nghĩ ở ngoài khó tìm được khăn vừa ý nên con đã đồng tình. Sau này khi nuôi em bé con mới thấy là khăn lông nào mà lại không sử dụng được, đâu cần phải lấy khăn ở bệnh viện. Nhưng quan trọng hơn cả là con vô cùng ăn năn và ray rứt về hành động trộm cắp của mình, con cảm thấy mình thật là hèn hạ.

Con phải làm gì để có thể chuộc lỗi? Xin hãy chỉ cho con cách sám hối và sự hóa giải. Con cảm thấy là con đang chịu quả báo của một kẻ cắp, tâm trạng con đang bị dày vò và ray rứt không

 

Sư cô Mặc Nghiêm chia sẻ:

Thương chào chị!

Em có thể cảm được phẩm chất thật thà trong chị được thể hiện qua câu hỏi. Điều làm em rất vui là hạt giống tâm linh trong chị rất lớn, trong chị có một Bụt. Bụt là sự tỉnh thức và vì vậy nên dù vị Bụt trong chị còn nhỏ hay chưa được đánh thức thường xuyên nhưng chắc chắn vị Bụt này có nhiều cơ hội biểu hiện để làm thánh thiện cho bản thân và xã hội. Xin được khẳng định đây là một cơ hội cho vị Bụt trong tự thân chị được biểu hiện.

Ý thức được lỗi đã phạm đó là một sự tỉnh thức, không khi nào là quá trễ. Sám hối là ân hận việc đã phạm và nguyện hứa không tái phạm trong tương lai. Ân hận không có nghĩa là mang theo mặc cảm tội lỗi suốt đời. Vị Bụt trong tâm đã chỉ cho ta thấy tội lỗi, nhưng không bao giờ có ý trừng phạt ta. Ta không sống trong quá khứ vì quá khứ đã hoàn toàn đi qua, chỉ cần ta xử lý tốt đẹp trong hiện tại thì đó là phương pháp sám hối vi diệu nhất.

Mẹ là một vị bồ tát rất đại từ và độ lượng, mẹ luôn tha thứ cho ta nên chắc chắn mẹ cũng không vui nếu có một ai không tha thứ cho lỗi lầm trẻ thơ của ta dù đó là chính bản thân ta. Chị nên thổ lộ với mẹ và xin mẹ tha lỗi cho vụng về khờ dại. Ý thức được sự may mắn là còn có mẹ trên đời để phụng dưỡng. Chị ơi, dù có chu cấp cho mẹ gấp trăm ngàn lần cũng không làm sao bù được công sinh thành dưỡng dục. Chị đã làm mẹ nên chị hiểu rõ tâm trạng và tình thương của một người mẹ rồi còn gì! Xử lý tốt hiện tại, phụng hiếu cha mẹ và đi chùa tu tập là một sự đền đáp công ơn xứng đáng.

Em thấy ta không cần thiết nói lỗi với bệnh viện vì thực tế nó chỉ làm lớn chuyện không cần thiết và tạo cơ hội cho những nhân viên bệnh viện chưa hiền hòa dễ thương có thêm sự giận giữ, ấn tượng xấu đối với bệnh nhân. Chị nên đề nghị với chị của chị cùng đến bệnh viện đóng góp tài chánh cho mục khăn tả em bé. Điều này sẽ giúp cho bệnh viện rộng rãi hơn với các bà mẹ trẻ em khác, đặc biệt là các vị có kinh tế thấp. Làm từ thiện đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi lạc, sám hối tội lỗi, vun bồi phước đức và hỗ trợ cho các bà mẹ khác không có ý ăn cắp như chị đã phạm. Như vậy là chị đã cho qua quá khứ, xử lý tốt hiện tại và vun bồi điềm lành cho tương lai.

Cảm ơn lỗi lầm của chị, đã giúp cho vị Bụt trong chị có cơ hội thức dậy làm lợi lạc cho nhiều người.

“ Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm
Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm
Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong”.

Chúc chị có cuộc sống đẹp hơn mỗi ngày!

Thương chào chị!