Vòng luẩn quẩn và bế tắc


Con xin được hỏi:

Năm nay con 25 tuổi. Hiện nay con đang sống và làm việc ở Hà Nội, nhưng cuộc sống của con lúc nào cũng trong vòng luẩn quẩn, bế tắc và không lối thoát. Thật sự con không muốn sống một cuộc đời phiền muộn, bất an.  Con muốn được xuống tóc để thoát khỏi bể trần, để tâm con có thể được thanh thản và bình an. Con phải làm gì để con có thể xuống tóc? Kính mong quý thầy quý sư cô soi đường chỉ lối cho con, con phải làm gì để mong được nương tựa của Phật, để con được toại nguyện với những nỗi lòng của con?

Sư cô Triệu Nghiêm chia sẻ:

Thưa chị! Trước hết chúng tôi xin lỗi vì để chị chờ khá lâu. Tôi đã đọc qua thư của chị, hi vọng rằng tôi hiểu được chút nào tâm trạng của chị cũng như được đồng cảm phần nào với những bế tắc hiện giờ của chị.

Hồi chưa đi xuất gia, tôi cũng lâm vào tình trạng bế tắc, chán nản, thất vọng, không có lối thoát, không có niềm tin trong cuộc sống và cũng không biết mình phải làm gì. Vào lúc đó, tôi nghĩ đến chuyện đi tu để mong “thoát khỏi bể trần” như chị bây giờ. Nhưng đã có những câu hỏi nảy lên trong tôi sau đó như: “Mình có đang chạy trốn cuộc sống đau khổ hiện tại hay không? Và nếu đi tu với tâm niệm ‘thoát khỏi bể trần đau khổ’ thì mình có tu được không, hay chỉ đơn giản là tìm tới cửa Phật để trốn chạy cuộc sống bên ngoài? Mình có trốn chạy được chính mình không?” Những câu hỏi đó đã buộc tôi phải nhìn lại những ước muốn “chạy trốn” của mình.

Như chị đã viết, từ nhỏ đến lớn chị luôn bất an, luôn sợ mất tất cả. Và khi gặp “người ấy” chị đã yêu với tâm niệm “người ấy là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chị, là niềm tin để chị sống.” Khi đọc đến đây, tôi muốn chia sẻ với chị kinh Người Biết Sống Một Mình.

Trong Kinh, Bụt dạy chúng ta không nên nương tựa vào bất cứ ai hay bất cứ điều gì mà phải biết quay trở về nương tựa nơi hải đảo tự thân – Hải đảo tự thân là hòn đảo chính mình trên biển đời. Tôi nhớ hồi tôi buồn chán chuyện gia đình, lúc đó, tôi như người bị chìm ngợp trong biển nước, ngỡ rằng mình sẽ chết vì đuối sức, và mong có cánh tay của ai đó đưa ra để cứu tôi. Và rồi, tôi đã gặp được một người đã chịu ngồi đó lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của tôi. Ngay từ hôm đó, tôi nghĩ rằng mình đã có người thương, người hiểu mình và thông cảm cho mình. Tôi đã như người sắp chết đuối có được chiếc phao đã cứu mạng mình. Và tôi đã yêu người đó. Bây giờ nhìn lại tình yêu ngày đó, tôi nhận thấy đó không phải là tình yêu thực sự. Tôi chỉ là người sắp chết đuối nắm lấy chiếc phao. Như vậy đó, tôi đã đến với tình yêu bằng cái ân nghĩa và sự yếu đuối của mình, như chính tôi tự lừa gạt mình.

Để tránh bị chết đuối mình phải biết bơi, vì mình không thể nào cứ mang theo mình mãi chiếc phao kia. Cũng vậy, chị đã đến với người ấy như người chết đuối có được cái phao. Chính vì vậy cho nên khi người đó thay đổi, chị thấy mình khổ đau. Khi không còn chiếc phao trên biển khổ thì mình phải ráng sức để bơi, nếu không muốn chết đuối.

Thưa chị!

Tôi không biết trước khi đến với người ấy chị có những nỗi khổ đau nào, tôi chỉ được biết là từ nhỏ đến lớn chị luôn bất an, luôn sợ mất tất cả. Chị có bao giờ tìm hiểu vì sao chị luôn bất an, luôn sợ mất tất cả không? Hiện giờ chị là một cô gái trẻ, có công ăn việc làm tại một thủ đô lớn như Hà Nội, có thể chị đang là người may mắn hơn rất nhiều người.  Tôi được biết có rất nhiều người gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã lắm, nhưng họ thấy mình “có đủ”, không đòi hỏi gì hơn nữa cũng không sợ mất gì cả vì những người đó biết bằng lòng với những gì họ đang có và vì vậy không đánh mất mình trong nỗi sợ hãi. Tôi cũng là người từng có nhiều nỗi sợ hãi, nhưng tôi đã thực tập để có thể sống hạnh phúc, an lạc, thảnh thơi ngay bây giờ với tất cả những gì mình đang có. Quay trở về với giây phút hiện tại để sống với những gì mình đang may mắn có được và để nhìn sâu vào cuộc sống, mà không để đánh mất mình vào những sầu muộn của quá khứ hay lo lắng cho tương lai. Khi đó, chị sẽ thấy mình giàu có lắm, giàu có hơn mình tưởng nhiều. Tôi không biết chị đã từng đọc qua sách của Thầy Làng Mai chưa? Ngày xưa, nhờ đọc sách của Thầy mà tôi tìm ra được lí tưởng sống cho mình và trở về để thấy mình thực sự là người vốn đã giàu có lắm rồi. Nhờ có sự thực tập trở về mà tôi đã tìm lại đuợc nguồn hạnh phúc đang có của mình, và buông xuống được tâm trạng chán nản, thất vọng, bế tắc của mình. Tôi mong chị sẽ sớm nhận thấy được cuộc sống giàu có của chị để không bị đắm trong nỗi buồn cần được hiểu của chị. Mong một ngày nào đó được tâm sự với chị thêm. Cảm ơn chị đã chia sẻ khó khăn với chúng tôi.