Chương 14: Hành hương cho hoà bình

 

Danilo Dolci, Carlo Levi, Elisa Calzavara và Marchiano Graziella, những người bạn đầu tiên trong cuộc du thuyết cho hòa bình

Tháng 8 năm 1969, tôi bắt đầu công tác kêu gọi hòa bình ở Ý Đại Lợi. Đây là lần đầu tiên tôi rời nước Pháp đi kêu gọi hòa bình. Tôi được anh Danilo Dolci mời tham dự một cuộc hội thảo nhiều ngày rồi chấm dứt bằng một cuộc diễn hành lớn chống Mafia Ý tại Palerme, vùng cực nam nước Ý. Danilo Dolci là người cách mạng Ý đầu tiên dám bỏ thành thị giàu có mà anh đang làm việc với tư cách kiến trúc sư, đi về tận Sicilia sống hẳn với dân nghèo đói vùng này nhằm kêu gọi sự chú tâm của chính quyền Ý và của dân trí thức các thành phố lớn của nước Ý như Rome, Milan, Turin… Anh đã đào tạo hơn 20 tác viên xã hội lo việc phát triển cộng đồng giúp dân nghèo toàn Sicilia. Công tác phát triển xã hội rất thành công nhưng lại gặp khó khăn vì bị những phần tử giàu có kết vây cánh, phe phái cùng nhau chèn ép dân lao động….            

Ở Ý nhiều người biết tiếng Pháp nên tham dự hội thảo này tôi cũng góp ý được rất nhiều cho các tác viên xã hội ở đây. Gần đến ngày có cuộc diễn hành quanh thành phố Palerme của Sicilia, nơi Danilo Dolci có cơ sở đào tạo tác viên xã hội, tôi bỗng thấy xuất hiện rất nhiều người trí thức đến từ nhiều nước để ủng hộ Danilo và họ tới hỏi chuyện tôi (có lẽ vì thấy lạ, tại sao ở vùng nghèo đói này của nước Ý mà lại có một cô gái trẻ tóc dài mặc áo dài trắng đang đi quét phòng họp – tôi tự nguyện cùng chia việc làm với ban tổ chức để chuẩn bị đón khách các nơi về). Thế là tôi quen được anh André Romus là ký giả đài truyền hình Vương quốc Bỉ và hai chị Eliza Calzavara và Marchiano Graziella, nhân viên đài truyền hình Ý Đại Lợi. Ba người tới hỏi thăm tôi đến từ đâu và nghe tôi tự giới thiệu. Họ rất bàng hoàng cảm động về nỗi khổ của người dân quê Việt Nam chạy dưới bom đạn mà tôi vừa kể. Họ cho biết đây là lần đầu họ có được cái nhìn khác về chiến tranh Việt Nam. Tôi cũng cho họ biết sẽ đi Rome sau cuộc diễn hành này vì Hội FOR của nước Ý sẵn sàng tổ chức để tôi nói chuyện tại Rome về tình hình Việt Nam. Sau đó, một nhân sĩ người Ý, tóc bạc, trông người thật nhân hậu tới hỏi thăm và khi nghe tôi sắp đi Rome ông cho tôi danh thiếp, căn dặn tôi khi nào đến Rome nói chuyện về Việt Nam thì nhớ mời ông tới. Tôi không ngờ ông là Carlo Levi, một văn sĩ cách mạng nổi tiếng toàn nước Ý và toàn cầu vì cuốn sách Le Christ s’est arrêté à Eboli (Chúa Ky Tô đã dừng lại tại Eboli). Eboli là tên một làng rất nghèo của Ý Đại Lợi và dân chúng lam lũ khổ đau không nghĩ Ky Tô sẽ có thể rời khỏi Eboli nếu ngài bước chân tới đây. Ông Carlo Levi cũng là một họa sĩ đại tài đã vẽ bức tranh cũng hết sức đánh động lương tâm nhân loại về cảnh nghèo đói của Ý sau thế chiến “The children of Guernica”. Năm 1969 này, ông là thượng nghị sĩ rất được giới trí thức trên toàn nước Ý kính trọng. Tới Rome hai ngày sau, tôi được chị Heidi tổ chức một buổi nói chuyện về Việt Nam, cuộc gặp gỡ duy nhất mà chị có thể tổ chức được cho tôi vì tôi đến Ý nhằm tháng Tám, tháng mà tất cả dân thành phố Rome, ai cũng đã đi nghỉ hè ngoài bờ biển.

 

Carlo Levi

Tới giờ tôi sắp nói chuyện mà không có ai tới hết, chị Heidi đang tuyệt vọng thì Thượng Nghị Sĩ Carlo Levi xuất hiện, thật bất ngờ! Nếu cần tổ chức cho tôi gặp nhân sĩ trí thức thì không bao giờ chị nghĩ rằng sẽ xin được một cái hẹn cho tôi với ông này vì ông quá nổi tiếng và những nhân vật như thế thì rất bận, không có thì giờ cho một người vô danh như tôi đâu. Ông thuộc hàng trí thức cấp tiến thiên tả, ban đầu từ bỏ nhà thờ, bỏ Chúa Ky Tô vào đảng Cộng Sản Ý rồi cũng bỏ đảng Cộng Sản luôn. Ông rất được mọi thành phần có tâm huyết hâm mộ. Chị Heidi cũng chẳng biết tôi là ai, chỉ biết là một đệ tử của Thầy từ Việt Nam tới. Người thứ hai là Eliza Calzavara, người thứ ba là Graziella Marchiano và người thứ tư là một anh chàng người Bỉ đang đi vào hội trường này, định tìm phòng họp cho cuộc gặp mặt của Hội Người Công Giáo cho Hòa Bình (Christlerlicher Friediensdent) thì thấy tờ quảng cáo của FOR và cũng thấy chiếc áo nữ sinh hiền hậu của tôi nên tò mò muốn ngồi xuống nghe thử vài phút. Anh cùng đi với chị Margrit Witwer, thư ký của hội này ở Thụy Sĩ. Ai dè mọi người ngồi luôn hàng giờ như bị thôi miên vì tôi đã không nói bằng lời mà chỉ nói bằng trái tim rung cảm của tôi. Tôi hình dung ra hình ảnh chú Bảy ngồi nhìn ra khoảng không, đôi mắt như lạc vào địa ngục nào để tìm người thân, chú mới mất vợ và ba đứa con trong trận oanh tạc ở Đồng Xoài. Tôi đọc hai câu thơ rất chân thành của Trụ Vũ:

 

Giấc mơ bé nhỏ vô cùng

Một gian nhà lá hai vồng khoai lang

Thế thôi mà lạy mười phương

Ba mươi năm lẻ chưa tròn giấc mơ

 

và dịch ra tiếng Pháp cho họ nghe.

Nhà chú Bảy vừa cất xong bằng mồ hôi, tình yêu và hy vọng của hai vợ chồng trẻ thì bom đạn tới, gian nhà cháy nát, hai người đồng ý di cư về một tỉnh khác bình an hơn. Rồi họ cất nhà mới, rồi sinh con, rồi nhà cháy, rồi di cư với ba con. Lần thứ tư này, tình hình tưởng như đã ổn định với gian nhà ngày càng rộng, vườn rau ngày càng nhiều vồng khoai sắn. Nhưng rồi chiến tranh lại lan tới, rồi di cư rồi dọn nhà… và trận chót ở Đồng Xoài, vừa mất nhà, mất vợ và mất con… Các bạn đặt nhiều câu hỏi, càng hỏi tôi càng có dịp chia sẻ và cuộc nói chuyện kéo dài hơn ba giờ!!!

 

Đài Truyền Hình Ý Đại Lợi

Hai chị Marchiano Graziella và Eliza Calzavara ở đài Truyền Hình Ý quyết định mời tôi đi thu hình ngay ngày hôm sau để đưa lên đài truyền hình Ý Đại Lợi trong chương trình Mỗi tuần, một khuôn mặt, một mảnh đời để tôi có thể nói chuyện được 30 phút cho người dân Ý Đại Lợi biết về nỗi khổ của dân tôi. Carlo Levi mời tôi tới nhà để ông xin vẽ truyền thần tôi. Dĩ nhiên là tôi từ chối. Sau này các bạn nghe thế trách tôi quá dại dột vì một bức tranh ký tên Carlo Levi sẽ bán được cả trăm ngàn dollars.

             Tôi nói chuyện trên truyền hình Ý Đại Lợi

 

André Gillet, Tổng Thư Ký Mouvement Chrétien Pour la Paix (MPC) đã mời tôi thuyết trình trong Đại Hội của MPC sắp tới tại Fracasti, Ý Đại Lợi với đại diện của hai mươi ba nước tới từ châu Âu, châu Phi và châu Á. Margrit Witwer đã quyết định mời tôi đi Thụy Sỹ tháng 12 năm 1969 này, cô sẽ đứng ra tổ chức, trả tiền vé xe lửa cho tôi bằng tiền lương tháng 13 của cô. Ở Ý thiên hạ rất ưa hát nên tôi cũng chia sẻ về dân ca Việt Nam, nhưng quan trọng nhất trong chuyến này là tôi có được năm người tới nghe đã trở thành năm người bạn quý đầu tiên.

 

Vương Quốc Bỉ

Anh André Romus mời tôi đi Vương quốc Bỉ để nói chuyện trên hai chương trình của Đài Phát Thanh và Đài Truyền Hình Bỉ. Hai tuần sau tôi đi, nói chuyện trên đài Truyền Thanh và Truyền Hình nước này và được ở đậu tại nhà anh chị André Romus. Sau đó tôi tiếp hai ký giả tại nhà anh ấy để rồi có nguyên một bài viết dài đăng trên nhật báo Le Soir và La Cité.

Nhân chuyến tôi đi Bỉ này, anh André Gillet đã giới thiệu tôi nói chuyện cho đại hội Comité pour l’Amélioration de la Société Belge par des Moyens Nonviolents, tại đó tôi được nói chuyện trong một thính chúng hơn 1.000 người.

 

Hebe Kohlbrugge, Margrit Witwer và những bồ tát Ky Tô giáo

Tháng 11 năm này, cô Hebe Kohlbrugge ở Hà Lan đã mời tôi đi thăm Hà Lan lần đầu, mục đích là để tôi nói chuyện với mươi trường trung học và để cô lạc quyên cho trẻ em và nạn nhân chiến cuộc ở Việt Nam.

Hơn tất cả nhiều bạn ở Âu Châu, Hebe hiểu thâm sâu những điều tôi chia sẻ bởi vì hơn hai mươi lăm năm trước, khi Hebe mới hơn 23 tuổi cô đã tìm nhiều cách khéo léo dấu hàng ngàn người Do Thái sống ở Đức và Hà Lan thoát khỏi thảm họa bị quân đội Nazis của Hitler bắt để đưa tới những lò sát sinh bằng hơi ngạt. Cô đã cùng các vị linh mục hay mục sư dấu người Do Thái dưới hầm nhà thờ hay bất cứ nơi nào dấu được. Cô đạp xe chở bánh mì dấu dưới các lớp rau tươi tới từng nơi dấu các bạn Do Thái để phân phát thực phẩm cho họ. Khi được gặp Thầy và nghe Thầy nói chuyện, cô thấy Thầy như một tông đồ của Ky Tô và muốn cả Giáo Hội Tin Lành và chính phủ Hà Lan phải hết lòng ủng hộ con đường của Thầy. Giáo Hội Tin Lành Hà Lan xưa nay vẫn chủ trương gửi tài chính giúp Việt Nam qua các bạn Ky Tô giáo người Âu Châu đi Việt Nam làm việc với các bạn Công Giáo hay Tin Lành Việt Nam thôi. Cô Hebe Kohlbrugge không đồng ý và cho là Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội học trò của thầy Nhất Hạnh mới hành động trong tinh thần gần với tinh thần của thánh kinh hơn – cô nhắc hoài chuyện anh em Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội bị ám sát mà các bạn họ vẫn nói không giận người ám sát, chỉ đau khổ vì cái thấy sai lầm của họ về mình. Năm 1967, cô đề nghị ông Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hà Lan tiếp thầy Nhất Hạnh. Khi nghe tin Bộ Ngoại Giao từ chối gặp Thầy, cô đã đem tất cả huân chương mà chính phủ Hà Lan tặng cô sau Thế Chiến thứ II trả lại Bộ Ngoại Giao và nói nếu quý vị không tiếp ông thầy tu này thì tôi xin trả những huân chương này lại cho Chính Phủ. Thế là ông Bộ Trưởng đã tiếp Thầy, lắng nghe Thầy trình bày về chiến tranh Việt Nam và đã hứa sẽ làm những gì trong khả năng chính phủ Hà Lan để giúp thế giới biết rõ hơn về tình hình Việt Nam, về Phật Giáo Việt Nam và tiếng nói bất bạo động của Phật giáo về ngưng chiến và lịch trình rút quân của Hoa Kỳ. Ông nói cô Hebe Kolhbrugge đã không nói ngoa khi ép ông tiếp Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam.

Được gần những người như Hebe Kolhbrugge, Daniel Berrigan, Margrit Witwer, André Gillet, Jim Forest… những cái thấy sai lầm của tôi về người Công Giáo, Ky Tô Giáo hoàn toàn thay đổi. Trước đó chúng tôi rất chán nản khi nghe nói nhiều ma sơ hay linh mục Công Giáo Việt Nam nuôi ăn trưa một số cháu nghèo đói đã dạy các cháu đọc kinh cám ơn chúa trời và làm dấu thánh giá trước khi ăn. Ba mẹ các cháu rất khổ đau, họ đến chùa than thở với các sư cô rằng họ đã quá nghèo rồi, chiến tranh đã cướp mất tiền bạc và của cải của họ rồi, hiện tại họ chỉ còn niềm tin để sống. Vậy mà các cháu con của họ, vì không có tiền đi học mẫu giáo tư, phải theo học với các sơ, được ăn miễn phí nhưng về nhà đọc kinh cám ơn Chúa Cha trên trời và làm dấu thánh giá thì họ quá bất nhẫn. Họ cảm thấy như bị cướp mất những gì quý giá nhất trong cuộc đời họ là niềm tin vào Phật mà ông bà tổ tiên đã giữ gìn và trao truyền cho họ. Nhưng nay, sự hiện diện và hành động đẹp đẽ của những người bạn Tây Phương này khiến chúng tôi khám phá ra được rất nhiều vị bồ tát giữa những người sống theo Thánh Kinh và giúp chúng tôi vượt thắng được những danh từ “Phật tử” hay “con Chúa”.

 

Báo Chí Hà Lan

Nhờ những bạn uy tín trong nước này nên ở Hà Lan tôi được đến diễn thuyết tại các nơi như Hàn Lâm Viện Xã Hội ở Driebergen, Viện Đại Học Groningen, Đại Học Utrecht, Hội Đồng Thành Phố Zeist, Viện Thần Học Amersfoort và đại học Rotterdam.

Đài truyền hình Hà Lan có đến dự đại hội ra mắt của Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN tại Fontainebleau, Pháp, phỏng vấn thầy Nhất Hạnh nửa chừng thì bị chính quyền Pháp cấm quay hình. Nhưng về Hà Lan họ vẫn làm ra một cuốn phim ngắn hai mươi phút về Phật Giáo Việt Nam, để thêm những hình ảnh của Hòa Thượng Quảng Đức, những hình ảnh Phật Giáo Việt Nam tranh đấu bất bạo động năm 1963, một đoạn phỏng vấn Thầy và một đoạn phỏng vấn tôi. Tờ nhật báo Trouw để nguyên một bài về Phật Giáo Việt Nam, chiếm trọn trang đầu khổ A3 của tờ nhật báo uy tín số một trên toàn quốc. Hai tờ tuần báo Open Deur OnderwegDe Nieuwe Linie viết nhiều bài dài về những công tác của Phật Giáo Việt Nam cho người nghèo đói nạn nhân đạn bom. Ngày 19 tháng 11 năm 1969, tôi được mời trình bày về Việt Nam cho cả Quốc Hội Hà Lan, tôi đã nói được cho họ biết nếp sống tâm linh của Phật tử Việt Nam, cho họ thấy chiều sâu tâm linh của người dân Việt. Vì thế mà tôi phải trở đi trở lại Hà Lan ít nhất là hai lần hay ba lần mỗi năm. Cũng có khi tôi đi về Hà Lan bốn năm lần.

 

Bà Cảnh Sát Trưởng Phòng cấp Thị Thực Préfecture của Paris

Hồi này tôi còn giữ hộ chiếu Việt Nam Cộng Hòa mà hộ chiếu này bắt buộc mỗi lần ra khỏi nước Pháp tôi phải xin visa khứ hồi rời Pháp và về lại Pháp, ghi rõ đi bao nhiêu ngày. Tôi đi Préfecture Paris xin visa khứ hồi Hà Lan-Pháp hay Thụy Điển-Pháp nhiều lần quá khiến bà chủ sự về thị thực gọi tôi vào, la tôi lạm dụng lòng tốt của nước Pháp mà đi ra đi vào hoài. Bà nói “Cô, có visa ở Pháp làm luận án tiến sĩ Phật Học tại Sorbonne sao mà đi “chơi” hoài vậy?” Tôi nhìn bà mà nước mắt lưng tròng và nói “Thưa bà tôi cũng muốn ngồi yên một chỗ cho khoẻ, khỏi đi chầu chực xin visa đi ra đi vào nước Pháp như vầy… Nhưng mở mắt ra khi ngủ dậy là tôi thấy hàng ngàn con mắt trẻ thơ mất cha mất mẹ ở Việt Nam đang trông chờ tôi tìm người giúp chúng hàng tháng. Mỗi lần đi, tôi tìm ra hàng chục người bảo trợ, có khi may mắn thì được hàng trăm người bảo trợ cho các em mất mẹ mất cha. Thế nên, cực nhọc gì mấy tôi cũng đành phải đi”. Bà nhìn tôi ngạc nhiên và xin lỗi, rồi móc túi đưa tôi một trăm quan. Lần nào tôi vào xin visa bà cũng cấp rất nhanh và không quên cúng dường tôi một trăm Francs cho trẻ em mồ côi Việt Nam. Thầy tôi hay cười nói “Cái cô này hay thật, “móc túi” luôn cả Cảnh Sát Công An Pháp!”

 

Margrit Witwer và Thụy Sỹ

Margrit Witwer hoạt động trong Phong Trào Công Giáo cho Hòa Bình. Cô tổ chức để tôi đi một vòng nhiều thành phố Thụy Sĩ như Bern, Zurich, Luzern, Basel, Genève, Fribourg để tiếng nói của người dân chạy dưới đạn bom được lắng nghe. Tôi cũng được nói chuyện trên đài phát thanh và truyền hình ở Genève (Radio Television of Switzerland). Tôi được diện kiến với Ngài Chủ Tịch Hội Đồng Các Nhà Thờ Tin Lành trên toàn thế giới (World Council of Churches) ở Genève. Nơi nào tôi đến, ai cũng đã biết đến Thầy và kính trọng nhân cách của Thầy nhưng ít có dịp được nghe cách các đệ tử của Thầy sống dưới bom đạn, dưới những đe dọa bị ám sát bởi một số người có cái thấy sai lầm về con đường hòa giải của Thầy. Và khi được nghe cách các con của Thầy đã hành xử ra sao để ôm ấp được cả những người mới ám sát trượt mình và muốn tiếp tục tìm cách hại mình thì các vị chân tu này rất cảm động.

Những ngày gần Noël thành phố nào của Âu Châu cũng mượt mà tơ lụa, tủ kính này tiếp nối tủ kính kia đầy dẫy những áo quần cực kỳ sang trọng, dày dép quần áo đủ kiểu, nữ trang đủ loại. Đèn nến và các thứ dụng cụ trong nhà ngoài ngõ cái gì cũng quá sang trọng thừa thãi. Tôi ứa nước mắt nghĩ tới các em tôi vừa chạy tránh kịp thời một cuộc ném bom ở Trà Lộc. Công trình xây dựng của chúng tôi sáu tháng, tám tháng với bao nhiêu tình thương bỗng tan tành ra một đống tro. Nhà của chú Trì, chú Lâm, O Lập… giờ chỉ là một đống ngổn ngang gạch ngói… Sao mà có sự bất công như thế kia? Tôi có đang nằm mơ không? Không, tôi không nằm mơ vì tôi cũng gặp những tấm lòng vàng ngọc như Hebe Kohlbrugge, như Margrit Witwer và nhiều Margrit khác như Laura Hassler, Mobi Warren, Pierre Marchand, Heidi Vacarro, Eliza Calzavara, Fritz Siegenthalen, André Gillet, Graziella Marchiano, rồi sau này là Kirsten Roep, Laura và Juul Pauwell. Họ có giàu gì đâu! Cũng sẵn sàng nằm túi ngủ trên sàn nhà lạnh như tôi, cũng lương hạng bét trong xã hội vì để thì giờ lo những công tác lợi đời, giúp người mà không hề tính toán. Lương tiền chỉ một ngàn mỗi tháng như Margrit mà dám dành hết một ngàn ấy cho công tác tình thương của chúng tôi. Đi đâu tôi cũng được che chở bởi một mạng lưới tình thương của các bạn đồng thanh tương ứng. Không ai dụ dỗ ai. Nếu trong mỗi người mà không có sẵn chất liệu ấy thì làm sao dụ được họ đứng trong sương tuyết gió đông rét mướt Âu Châu trong các buổi Vigil cho Việt Nam. Riêng tại hai nước Hà Lan và Anh Quốc, một nhóm những người bạn rất thương Việt Nam của tôi tại các thành phố như Utrecht, Driebergen (Hà Lan), London, Oxford (Anh) có sáng kiến mỗi tuần một lần, vào ngày có chợ trời, đông người qua lại, thiên hạ đem rau tươi, trái cây trong vườn nhà, những loại hoa mới ươm, cheese làm tại nhà, nước trái cây tự ép… ra chợ bán, thì các bạn cũng có một quầy gọi là VIGIL FOR VIETNAM – Ngày Chay cho Hòa Bình Việt Nam – để hình trẻ em Việt Nam bịt khăn tang vì ba mẹ chết, hình các cháu chạy dưới bom, hình bà mẹ ôm xác con và biểu ngữ PRAY FOR THE STOP OF KILLING IN VIETNAM. Các bạn mặc áo ấm đứng lặng yên trong chợ từ hừng sáng họp chợ cho đến trưa mới về. Ở Việt Nam ta không biết có ai làm được như thế mỗi tuần cho Israel, Palestine, Iraq, Afghanistan chưa? Và như thế mỗi tuần đều đặn từ mùa Đông, qua mùa Xuân, Hạ, Thu, dù mưa dù tuyết hay nắng… không thiếu phiên chợ nào. Không biểu tình, không đả đảo chê khen ai, nhưng họ đứng phát tài liệu của Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam, đại diện những người chạy dưới đạn bom.

Các bạn tổ chức cho tôi cũng không giàu có gì, Margrit là thư ký một Hội Từ Thiện nên lương tháng cũng chỉ vừa đủ sống. Nhưng cô cho tôi trọn tháng lương 13 của cô. Còn Anne Marie thì mượn được giảng đường của trường học. Có khi một vị linh mục Đức hay mục sư Hà Lan trong giờ thuyết pháp cho tín hữu đã mời tôi lên bắt đầu bằng bản hát Đêm Cầu Nguyện Bụt Thích Ca giáng sinh trong cõi đời đang bị ma vương và bạo lực căm thù tàn phá, rồi sau đó cho tôi nói về Việt Nam tùy thích. Buổi nói chuyện dĩ nhiên không nên quá dài. Tôi rất quen thuộc đủ mọi loại thuyết trình. Khi cần dài một giờ, cần ngắn 20 phút, cần thật ngắn 10 phút, năm phút, tôi đều biết cách nói những gì cần nói.

 

  

   Disk hát cho hòa bình

 

Tôi nói chuyện ở trường học, thánh đường, giảng đường, phòng khánh tiết. Tôi gặp riêng từng nhân vật tăm tiếng của vùng đó, của thành phố đó. Tôi nói bằng trái tim và mỗi ngày tôi sẵn sàng làm việc với sáu, bảy, tám buổi nói chuyện truyền thanh, truyền hình, gặp gỡ riêng hay thuyết trình công cộng… Các bạn sợ tôi mệt nhưng tôi bảo làm sao mà tôi mệt được khi đồng bào tôi đang chạy dưới đạn bom, khi nhà họ đang cháy và có thể trong khi tôi đang nói chuyện đây thì họ đang đi tìm con lạc sau trận lửa đạn. Hành trang của tôi chỉ có hình chị Nhất Chi Mai của tôi, chỉ có hình các cháu bịt khăn tang trước xác chết của bố mẹ và anh chị chúng…

Đây là hình ảnh tôi đang đứng giữa chợ Luân Đôn trong một sáng mùa đông cùng với các bạn người Anh cho một buổi Vigil for Peace in Viet Nam.

 

           Ngày Chay cho Hòa Bình Việt Nam ở Liên Hiệp Anh

 

Tóm được tôi đến làm nhân chứng, họ trân quý tôi và bớt những cái hẹn làm việc không quan trọng để giữ gìn sức khỏe cho tôi, nhưng tôi nhấn mạnh: “Tôi không mệt, xin các bạn tổ chức thật nhiều cuộc gặp gỡ cho tôi, so với những người phải chạy dưới bom đạn thì ai mệt? Làm sao báo tin cho oanh tạc cơ biết là tôi đang mệt được?” Tôi phải nói thay cho những người đó, các em các cháu tôi, đồng bào bất hạnh của tôi. Trong cuộc hành hương này tôi chỉ có những lời trăn trối của chị Mai (Nhất Chi Mai), hình ảnh của o Lập, chú Tân, chú Bảy bên mấy cháu vừa mất mẹ, vừa mất nhà đang ngồi co ro nheo nhóc làm hành trang. Tôi phải sống và chết với những hình ảnh ấy cho tới ngày môi bé thơ các cháu được vang ca khúc hát thanh bình.

 

Anh Quốc

Năm 1970 tôi đi Anh quốc. Mục Sư David Harding tổ chức cho tôi đi gặp ngài Tổng Giám Mục Coventry, Lord Philip Noel-Baker (giải Nobel Hòa Bình sau đệ nhị thế chiến) và nhiều dân biểu Quốc Hội Anh. Tôi cũng nói chuyện nhiều lần ở đài BBC tiếng Anh và tiếng Việt. Chủ bút tuần báo Peace News rất hứng khởi viết nhiều bài chiếm trọn cả tập mấy mươi trang báo về nhiều khía cạnh khác nhau của phong trào. Họ tìm ra được nhiều hình ảnh, trong đó có hình một tăng sĩ Việt Nam cầm hoa tặng cho binh sĩ ông Nguyễn Cao Kỳ và hình đoàn tu sĩ ngồi yên trước xe tăng đang tiến tới. Ông Devi Prasad, chủ tịch Hội War Resistance International (WRI) rất quý tôi và nhiều lần mời tôi đến nói chuyện mỗi khi có đại Đại Hội WRI thế giới hay cuộc họp riêng của ban lãnh đạo.

Sau dịp đi Anh lần đầu, tôi lập được nhóm thân hữu tự đặt tên “Third Way in Việt Nam” – Con đường thứ ba của Việt Nam. Xin đính chính ngay là Con đường thứ ba chứ không phải Lực Lượng Thứ Ba như nhiều chính trị gia tại Paris thời đó tự xưng để sẵn sàng chiếm chỗ chiếm ghế trên chính trường. Khi mà bên Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam muốn giết đến tên Cộng Sản cuối cùng mới chịu ngưng chiến, khi mà bên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Miền Bắc muốn giết đến tên lính ngụy cuối cùng, thì phải có con đường thứ ba để chấm dứt chiến tranh. Đó là con đường của Phật Giáo Việt Nam thời bấy giờ. Lúc ấy trên thế giới đâu đâu cũng chia ra hai phe. Một là anh theo phe Miền Bắc, hai là anh theo phe Miền Nam. Thầy chúng tôi nói: Chúng tôi không có lực lượng thứ ba. Chúng tôi chỉ có con đường thứ ba để ôm cả hai miền Nam Bắc anh em vào lòng mà thôi.

Đa số các bạn trong nhóm Third Way in Vietnam là giáo sư trung học và tiểu học. Các bạn cũng tìm người đỡ đầu cho các cháu mồ côi, xin mỗi người cho 2 bảng rưỡi mỗi tháng. Nhóm này cũng in lại ngay 1.000 số Le Lotus của Phái Đoàn Phật Giáo để gửi cho bạn hữu, nhất là những người đã từng tiếp Thầy hay tôi và những người có đóng 2 pounds rưỡi mỗi tháng để nuôi một cháu mồ côi.

Cũng trong chuyến đi này tôi khám phá được Anh quốc là một nước có truyền thống lâu đời giúp người nghèo khó. Nước Anh có rất nhiều tổ chức từ thiện. Họ không thuộc nhà thờ nào hết. Làng nào, vùng nào cũng hay có những nhóm từ thiện độc lập hoặc một chi nhánh của OXFAM. Thành phố nào cũng có một tiệm OXFAM Shop bán áo quần cũ để gây quỹ cho nhiều chương trình từ thiện của OXFAM. Quần áo cũ, nhưng vẫn còn tốt vì mới chỉ dùng vài lần rồi hết mốt, được các bạn đem đến tặng cho Oxfam shop, rồi một nhóm bạn thiện nguyện đến giặt giũ ủi xếp tươm tất và đem trình bày lại như áo mới, bán giá rẻ hơn áo mới nhưng vẫn khá tiền. Tổ chức này do một nhóm người không theo tôn giáo nào có lòng từ bi lớn thành lập năm 1942 để quyết cứu một số người đói bên Hy Lạp trong thế chiến thứ hai. Sau đó tổ chức lớn dần ở nhiều thành phố Anh và lan rộng ra 15 nước trên thế giới. OXFAM có giúp Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội hai chương trình kinh tế tự túc là một trại chăn nuôi và một số đất ở Long Thành định trồng đào lộn hột. Nhưng sau 1975, đất này tan tác và dân nghèo di tản từ các nơi về chiếm. Cũng tốt! Đất là để cho người cần trồng trọt để nuôi gia đình!

Huddersfield Relief Committee do Elisabeth Wilson thành lập đã rất thương quý chúng tôi. Không nhiều, nhưng đều đặn hàng tháng Elisabeth gửi cho chúng tôi tiền giúp năm mươi cháu cô nhi. Christian Aid, Save the Children, Help the Age là những tổ chức từ thiện khác nhau đều đã đưa bàn tay ưu ái đến nâng đỡ các cháu cô nhi Việt Nam và các bô lão cô đơn vì con cháu đều chết vì chiến tranh…

 

Khoảng cách văn hóa

Năm 1967 khi giáo sư George T. Kahin tới Việt Nam, tôi đã tổ chức cho ông đi gặp những người trí thức có lòng, rất muốn Mỹ ngưng chiến và đưa lịch trình rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam như Thầy chúng tôi đề nghị. Sau khi ở luôn năm ngày, thực hiện xong các cuộc phỏng vấn, ông chào tôi ra về và rụt rè hỏi tôi có chịu nhận dùm 6 cái áo sơ mi còn mới tinh, còn nằm trong bao chưa cắt giấy nilon bọc bên ngoài không? Tôi bỗng nghĩ đến dân Việt Nam cái gì cũng nhờ Mỹ viện trợ rồi, nay mình giúp ông ta mấy ngày mà bây giờ ông trả tiền cho mình đây và bật khóc tủi thân khiến ông phải năn nỉ xin lỗi quá chừng. Ra phi trường, ông nói sẽ đi sang Pháp gặp Thầy trước khi về Hoa Kỳ, ông hỏi tôi có gửi gì cho Thầy không? Hôm đó sắp đến Tết Việt Nam, chúng tôi thương Thầy vì sứ mạng mà phải xa quê, ăn Tết cô đơn giữa mùa Đông lạnh lẽo nên tôi nhờ ông đem dùm hai cái bánh chưng, một thẩu mứt gừng dẻo và một thẩu dưa món cho Thầy và dĩ nhiên là tôi có biên thư báo cáo tình hình. Nhưng nghe Thầy kể lại là khi ông ghé sang Paris, các anh chị trong Hội Phật Tử Việt Kiều đều có mặt hôm đó vì nghe ông George Kahin, một thành viên trong Ban Cố Vấn Chính Trị Tối Cao cho chánh phủ Hoa Kỳ, vừa là Viện Trưởng Viện Đại Học Cornell đến tận Pháp để thăm Thầy. Vậy mà vừa tới nơi ông đặt lên bàn nào là dưa món, nào là mứt gừng và hai cái bánh chưng to tướng mà tôi đã bắt ông mang sang cho Thầy. Chị Phương Anh bỗng bật khóc, ông Kahin lại một phen thất kinh. Sao lạ thế, tặng 6 cái áo sơ mi mới toanh cũng khóc mà vừa đem bánh chưng dưa món ra cũng khóc! Sau đó chị Phương Anh mới giải thích là chị thẹn vì một người quan trọng như ông Kahin, đi một sứ mạng quan trọng như ông mà “bị” mang nào bánh chưng, mứt gừng và dưa món. Mắc cỡ cho dân Việt Nam quá!

Những năm đầu học tiếng Anh, tuy rằng các bạn nói tôi “hiểu”(!) và tôi nói họ cũng “hiểu”(!) nhưng có những khoảng cách văn hóa mà tôi cũng muốn chia sẻ ra đây cho vui. Ở Đức, tiến sĩ Kloppenburg và các đệ tử của ông trong nhóm Hilft Vietnam tổ chức cho tôi chia sẻ tại một trường đại học ở Heidenburg. Trong giảng đường hơn 300 sinh viên, sau khi chia sẻ xong, tôi bỗng giật mình nghe tiếng những đấm tay đập bàn cộp cộp vang dậy tưởng chừng như mấy trăm người muốn tới đấm tôi vậy. Tôi hơi hoảng, đứng yên, theo dõi hơi thở xem họ sắp la lối gì mình đây. Té ra là họ quá cảm động và thay vì vỗ tay khen thưởng thì những sinh viên Đức này diễn tả bằng những tràng đấm bàn tán thưởng! Một bữa khác cũng ở Đức, sau một ngày đi gặp sáu nhóm sinh viên rồi giáo sư, rồi dân biểu, rồi hội nhà thờ Lutheran, nhà thờ Công Giáo, chiều đó tôi về nhà một người bạn của bác Kloppenburg. Bà chủ nhà người Đức ưu ái hỏi tôi có thèm được ăn cơm như ở Việt Nam không? Tôi nói cơm trắng là món căn bản mà người Việt nào cũng ưa ăn. Sau đó họ hỏi tôi có ăn thịt bò vò viên sốt cà không? Tôi nói không, không ăn thịt mà cũng không ăn cá. Thế là chiều hôm đó gia đình chuẩn bị rất công phu một nồi cơm trắng cho tôi. Và thế là hết! Không xì dầu, không rau luộc, cà chua xà lách gì hết, không tàu hũ là dĩ nhiên vì lúc đó Âu Châu không có tàu hũ, không cheese không trứng chi cả. Còn gia đình họ thì nào khoai tây nướng bơ, nào thịt bò vò viên, nào ravioli xà lách cheese… Tôi ngồi ăn cơm trắng, trong ruột hạt gạo vẫn còn sống. Tuy nuốt không trôi, tôi không dám chê, chỉ xin chủ nhà cho một cái chả trứng (tôi dùng chữ omelette mà chữ omelette đối với tôi là rau xào đổ trứng lên làm cái trứng tráng rau – lỗi tại tôi không giải thích chi tiết!) Ngồi tới khi họ ăn uống xong, nhà bếp mới đem ra một cái bánh bột mì cứng ngắc, chắc trong đó có trứng đánh trộn bột mì dày mo, không muối không đường, lạt nhách, mà họ cho là omelette! Tôi mỉm cười méo miệng không dám than thở chi và đành đi ngủ bụng đói meo, tự an ủi “Mình mới đói có một bữa thôi mà, có vậy mới càng thấm thía cái khổ của đồng bào chạy giặc”.

Ở tiểu bang Wales, tôi được mời thuyết trình về Việt Nam tại thính đường tòa thị sảnh Cardiff. Ông dân biểu của Wales sẽ giới thiệu tôi chiều ngày hôm trước buổi thuyết trình, nhờ thế sẽ có đông người tới nghe hơn. Trước khi lên đường đi Cardiff, sáng hôm ấy tại Luân Đôn tôi có buổi gặp mặt nói chuyện với một ký giả ở Radio BBC tiếng Anh, rồi mới ngồi xe lửa bốn giờ để tới Cardiff. Cô chủ nhà ở Cardiff (Wales) mời tôi đi uống trà “Please come and have tea with us”, tôi từ chối, xin phép không ra vì còn mệt. Tôi nghĩ thầm là ăn cơm chiều sẽ ra chơi với họ luôn. Tôi không ngờ là ở tiểu bang Wales, Tea có nghĩa là dinner (ăn chiều). Sáu giờ, rồi bảy giờ, rồi tám giờ… không ai mời gì cả. Tôi đói bụng nhưng mệt nên đi ngủ sớm. Sáng hôm sau tôi hỏi: “Hôm qua tôi mệt đi ngủ sớm bỏ dinner, xin lỗi nhé.” Bà chủ ngạc nhiên “Dạ thưa không, em có mời cô đó chứ. Nhưng cô từ chối nói mệt, muốn không ăn nên em không dám ép”. Lúc đó tôi mới nhớ khoảng 4h chiều, bà ấy có mời. Tôi hỏi: “Vậy ở đây dinner mấy giờ?” “Dạ thưa, chúng tôi có High Tea lúc 4 giờ.” Té ra High Tea là buổi ăn chiều! Ở Stockholm cũng vậy, mới ở phi cơ xuống và về nhà mục sư Karl Axel Elmquist, người tổ chức chuyến đi của tôi, ông bà mời ăn chiều mà cũng nói Tea (uống trà) lúc 3h trưa. Tôi lại quên tưởng tea là uống trà thật. Nhưng ra ngồi thì thấy thức ăn đủ thứ nào là khoai lang tây đút lò ăn với bơ, nào là cheese nướng bánh mì và súp “la ghim” (legumes) – nói theo người bình dân Đà Lạt. Tôi không ăn thêm vì mới ăn trên phi cơ, nghĩ rằng đây là ăn trưa, chờ tối ăn luôn cũng được. Ai dè đó là buổi ăn chiều của họ mà mới 3h trưa nên tôi tưởng là ăn trưa. Chiều, rồi tối đến, tôi chờ hoài cũng không ai mời chi. Tôi hơi đói bụng, nhỏ nhẹ hỏi xin chút gì lót dạ trước khi đi ngủ. Bà chủ bèn cho tôi chiếc bánh lạt mỏng và tách trà. Thế là nhịn đói buổi chiều.

Trong một buổi ăn trưa tại văn phòng Phái Đoàn, tôi làm một đĩa to chả trứng tráng có cà chua và epinard xanh xanh đỏ đỏ rất ngon và đẹp để ăn với cơm trắng và xì dầu. Tôi nghĩ bụng như vậy là đủ bữa trưa cho tôi, Jim Forest, Laura và chú Thanh Hương. Ai ngờ vừa ngồi vào bàn Jim lấy nĩa chẻ đĩa trứng to ra làm bốn và bỏ hết một phần tư đĩa chả trứng vào chén của mình. Tôi vội bỏ đũa, vào bếp tráng thêm một đĩa trứng thứ hai đem ra bàn và hớn hở cười nói: “Đây thêm nhé, kẻo Anh Jim đói bụng.” Jim ngượng, ngồi im không chia đĩa chả ra làm tư nữa. Tôi mới chợt nhớ ra là ở Tây Phương, vào bàn ăn, mỗi người lấy một phần của mình và cứ vậy ăn từ đầu đến cuối bữa, không đưa đũa ra gắp nhiều lần như người Việt. Văn phòng có 4 người thì đĩa chả chia làm bốn là đúng! Thế mà Jim vừa chia phần đã bị tôi chê đói bụng.

 

Tôi đi Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt chiến tranh

Tháng 3 đến tháng 5 năm 1970, tôi đi Hoa Kỳ theo lời mời của Fellowship of Reconciliation (FOR). Người đi theo để hướng dẫn thay đổi theo từng vùng, nơi quan trọng như New York City, Washington DC và Chicago thì có bác Alfred Hassler, các tiểu bang khác thì có anh Ronald Young và bác Allan Brick. Tôi nhớ được mời tới ăn chiều tại nhà một cư sĩ quyền thế ở New York City để tôi gặp rất nhiều văn hào trong đó có Arthur Miller. Alfred mời tôi chia sẻ. Tôi quên là đã nói gì nhưng sau đó có hát bài Đại Bác Ru Đêm của Trịnh Công Sơn để nói về niềm đau “từng vùng thịt xương, có mẹ có em…” và “Ghế đá công viên, dời ra đường phố, người già co ro…” để nói đến ghế đá của nhạc sĩ chính là những chiếc bàn thờ mà người Phật tử đem xuống đường để ngăn chặn bạo động thô tháo của đoàn xe tăng ông Nguyễn Cao Kỳ phản phúc gửi đến sau khi bắt hết những ứng cử viên Phật tử rồi bầu cử quốc hội như áp lực thế giới và quần chúng Việt Nam muốn. Ông Arthur Miller nói tiếng hát tôi giống như những sợi tơ mong manh giăng giăng như mây trời, nghe mà cứ sợ tơ sắp đứt, nhưng không đứt mà có khi lại lên cao hơn và càng lên cao càng rung nhẹ hơn! Thật diệu kỳ, đánh động tận xương tủy người nghe và khó mà không thấy mắt mình ướt. Tôi nhủ thầm “thanh quản này của má mà! Và con cất lên cao bằng trái tim của má con mình thương bé bơ vơ mùa loạn lạc nên những nghệ sĩ như Arthur Miller đã cảm nhận và diễn tả được. Lạy Phật cho những người nghe má con mình hát sẽ thương dân Việt Nam hơn và hết lòng lo chấm dứt đạn bom.” Tôi hát xong thì tuy không hứa hẹn gì với tôi nhưng tôi biết họ sẽ làm hết khả năng họ để can thiệp sao cho chấm dứt bom đạn trên đầu người dân vô tội như chú Bảy, o Tân…

Gần như mỗi ngày tôi phải đi một thành phố, có khi đi bằng xe hơi, có khi phải bay chuyến đêm và sáng dậy có khi lên truyền hình lúc 7 giờ sáng, khi thiên hạ xem buổi truyền hình trước khi đi làm.

Chỗ nào tôi cũng phải gặp một ký giả quan trọng của tiểu bang đó như Michigan, Madison, Illinois, Vermont, Massachusetts, Connecticut, Minneapolis, Ohio, New Orleans, North Carolina, Florida, Atlanta, Pennsylvania, Kansas, Colorado, Washington State, Portland, California… Có khi tôi phải lấy chuyến bay sớm để kịp họp báo lúc 8 giờ 30 khi vừa tới phi trường. Sau đó họ đưa tôi đến Đài Truyền Hình gọi là truyền hình “Call-In” và giới thiệu chúng tôi là ai rồi thính giả điện thoại vào tổng đài để đặt câu hỏi. Tiếng Anh ở mỗi tiểu bang mỗi khác! Nếu tôi không hiểu một câu nào cho đầy đủ, anh Ronald Young hay bác Allan Brick phải viết xuống câu hỏi thì tôi mới nhận ra họ hỏi gì. Sau đó tôi trả lời bằng cách phát âm của tôi và người đi theo sẽ lặp lại câu nói của tôi bằng thứ tiếng Mỹ thông thạo của họ nếu thấy cách phát âm của tôi dở quá! Thường thính giả hay khán giả rất thích nghe tiếng nói trực tiếp của tôi, nên khi có chút giờ rảnh rỗi tôi phải nhờ anh Ronald hay bác Allan dạy tôi phát âm lại cho đúng nhất cái câu mà ban nãy tôi nói thiên hạ chẳng hiểu. Khi trả lời, tôi chỉ trả lời bằng trái tim đau xót của tôi đối với đồng bào chạy dưới bom đạn mà cũng tràn đầy tình thương với người cầm súng cả hai bên Việt Nam và ngay cả với những binh sĩ Hoa Kỳ. Tôi chỉ trách chính sách không đi sát thực tại Việt Nam nên gây ra đau khổ làm khán thính giả thương lắm. Chiều đó thế nào họ cũng đến khá đông tại hội trường lớn để nghe tôi và thấy tôi bằng thịt bằng xương. Hôm đầu tiên ở một thính đường trường đại học Minnesota, sau khi buổi thuyết trình chấm dứt, thiên hạ đổ xô lên, có người tặng hoa, có người đưa bao thư nhưng có người nhét vào tay tôi tờ 5 dollars không bì thư, tôi bỗng tủi thân đứng khóc. Tôi tới đây đâu phải để lượm những tờ đô la này! Một thanh niên Việt Nam thấy mặt tôi buồn tủi và hiểu ngay, anh tới nói với tôi: “Cô đừng tủi. Mỹ là vậy đó. Muốn thể hiện tình cảm, họ đưa tiền ra để chứng tỏ là họ rất thương quý. Họ xài tiền kỹ lắm, nếu không trân quý thì họ không đưa tiền như vậy đâu!” Tôi thật ngẩn ngơ!

 

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đi Hoa Kỳ

Cái thấy của Thầy về thực tại Việt Nam

Từ khi thầy chúng tôi đến Hoa Kỳ, một làn gió lạ thổi mát cả không khí hiểu lầm về Việt Nam. Trước đó chính giới Hoa Kỳ nghĩ rằng người Phật tử thì thân Cộng Sản nên muốn giúp Việt Nam chống Cộng hữu hiệu thì chỉ có giải pháp duy nhất là giúp người Thiên Chúa Giáo, rằng nếu Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản thì cả Á Châu sẽ rơi vào tay Cộng Sản như thế cờ domino. Cách trình bày thực tại Việt Nam của Thầy chúng tôi đã cho Hoa Kỳ và thế giới biết rằng Phật Giáo Việt Nam không thể tách rời với dân tộc Việt, dân tộc Việt Nam với mấy nghìn năm văn hiến đã có những thời kỳ Phật giáo cực thịnh. Một ông vua Phật tử Trần Nhân Tông đã đánh đuổi khỏi đất nước Việt đội quân Nguyên của Hốt Tất Liệt, con cháu của Thành Cát Tư Hãn, ra khỏi Việt Nam và giữ vững biên thùy. Ông vua Phật tử ấy thắng được thế giặc thật mạnh mẽ là nhờ có sự khiêm cung biết hỏi ý toàn dân trong Hội Nghị Diên Hồng khi thế giặc quá mạnh và đã giữ được lòng bao dung, giữ được bốn tâm vô lượng từ bi hỷ xả không ngằn mé trong khi đánh giặc chống Tàu. Quân đội Việt Nam suốt 20 thế kỷ qua không cần quân đội nước ngoài nào hết mà vẫn giữ được độc lập, tự do và thực thi tam giáo (đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão) đồng dung, đồng tu, đồng trị nước, dựng nước và giữ nước. Người binh sĩ Hoa Kỳ mà không biết văn hóa Việt Nam, càng ở đông, ở lâu tại Việt Nam chỉ càng gây tai hại bất lợi cho khối tự do. Nhưng việc quan trọng nhất là các bên lâm chiến phải thương thuyết gấp để ngưng chiến ngay tức khắc và tuyên bố lịch trình rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. Điều này sẽ gây niềm tin cho toàn dân và nâng cao uy tín của khối đồng minh, khiến cho Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam không mất chính nghĩa (không bị gọi là “Cõng rắn cắn gà nhà”).

Ai mời Thầy đi Hoa Kỳ?

Thầy được giáo sư George Kahin, Khoa Trưởng Chính Trị Học Đại Học Cornell, nhân danh Hội Đồng các Viện Đại Học Hiệp Chủng Quốc, Ủy Ban Cố Vấn cho chính quyền Hoa Kỳ về chính sách Việt Nam mời sang tham khảo tại Đại Học Cornell, Ithaca, New York State. Giáo sư George Kahin sau đó nói rõ là Thầy phải qua Hoa Kỳ giúp ông vì ông nghĩ chính sách này sai mà không biết nói cách nào để thuyết phục Ủy Ban Cố Vấn Chính Quyền Hoa Kỳ thay đổi chính sách. Sau đó có lẽ nhờ tổ tiên Việt Nam âm thầm giúp hay sao mà khiến Thầy ngay trong những ngày đầu đã gặp một Hội đoàn khá lớn, có uy tín liêm trực vì Hội này đã tranh đấu cho hòa bình từ hồi thế chiến thứ nhất, là Hội Fellowhip of Reconciliation viết tắt là FOR. Ông hội trưởng là Alfred Hassler đã đứng ra tổ chức cho Thầy đi gặp những nhân vật lớn trong chính quyền và giới trí thức Hoa Kỳ để trình bày về tình hình Việt Nam. Thấy mọi người quá mờ mịt về văn hóa, dân tộc Việt nên Thầy phải viết ngay một tài liệu đem đi kèm là cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa và Thầy tự dịch ra tiếng Anh. Cuốn sách đã được nhà xuất bản Hill &Wang thuộc nhóm xuất bản sách lớn Doubleday in ra hơn 40.000 bản. Tiếng nói của Thầy như một nguồn ánh sáng mới khuấy động tâm can quần chúng và nhiều trí thức lớn ở Hoa Kỳ. Trước khi Thầy tới Hoa Kỳ, chẳng khi nào lương tâm Hoa Kỳ (chính quyền và quần chúng) có thể nghĩ họ đang làm sai, thay vì giúp dân Việt Nam họ đang hại Miền Nam Việt Nam mất chính nghĩa. Đa số dân chúng Hoa Kỳ rất nhân hậu, nghĩ rằng tổ tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã đổ nhiều xương máu để tìm tự do cách đây 200 năm thì bổn phận con cháu của những tổ tiên này bây giờ là phải giúp Việt Nam tìm tự do. Điều này rất đẹp nhưng than ôi, họ thương mà chưa được học theo lời Bụt dạy: THƯƠNG thì phải HIỂU thì mới thương đúng và đem hạnh phúc cho người mình thương. Còn nếu không hiểu thì càng thương chỉ càng làm khổ người mình thương. Người Hoa Kỳ rất thương dân Việt Nam và muốn giúp dân Việt nhưng thương mà không hiểu nên mới giúp bằng cách gửi quân đội qua với những anh lính Mỹ ngây thơ non nớt, không hiểu gì về Văn Hóa Việt Nam hết. Như vậy thì càng giúp càng giết chính nghĩa của những người Miền Nam đang tranh đấu cho tự do mất rồi.

Tháng 5 đến tháng 11 năm 1966, thầy Nhất Hạnh đã gặp và trình bày về cái thấy của người Việt Nam trước Quốc Hội Hoa Kỳ, sau đó nói chuyện thêm với nhiều hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Thầy đã trình bày với Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara cái vụng về của chính sách Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Thầy nói chuyện nhiều lần trên truyền hình ABC, NBC và trong nhiều buổi mít tinh lớn. Thầy cũng đọc thơ của Thầy về chiến tranh Việt Nam ở Tòa Thị Sảnh Thành Phố New York cùng chung với các thi sĩ Robert Frost và Arthur Miller. Thầy họp báo nhiều lần, trong nhiều thành phố từng tiểu bang Hoa Kỳ. Bác Alfred Hassler nói “Con số hội viên Hội Thân Hữu Hòa Giải (FOR) tăng hơn mười lần sau khi Thầy đi một vòng Mỹ Quốc tổ chức bởi hội FOR.”

Đi một vòng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ xong, Thầy cùng bác Alfred Hassler tiếp tục đi một vòng các nước Âu Châu như Hà Lan, Anh Quốc, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Pháp, Ý,… Rồi Thầy lại cùng với bác Raphael Goult đi Úc Châu, Tân Tây Lan, Thái Lan, và Nhật Bản.

Đầu năm 1968 Thầy trở lại Bắc Mỹ và trình bày trước Thượng Viện Quốc Hội Canada về cái sai lầm của chính sách giúp Việt Nam qua cách làm vụng về của Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

 

Thầy gặp ông U Thant, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, để trình bày cái thấy của Phật Giáo Việt Nam về cuộc chiến tranh này

 

Tháng 5 năm 1971, Thầy nhận lời mời của những thượng nghị sĩ George McGovern, Claiborne Pell, và Birch Baye đến nói chuyện tại buổi gặp mặt đông đảo các nghị sĩ Thượng và Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn và sau đó Thầy lại đi thêm một vòng nước Mỹ và nói chuyện với những vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị tại đây.

Khoảng thời gian 1966-1968, Thầy nuôi dưỡng được những liên hệ bằng hữu thân quý với một số những người rất nổi tiếng trong công trình đóng góp cho dân quyền và nhân quyền như mục sư Martin Luther King Jr., Alfred Hassler, Raphael Goult, Richard Deats, các linh mục Thomas Merton, Daniel Berrigan, nữ tu Dorothy Day, ca sĩ Joan Baez, ký giả Jim Forest, v.v..

Nhưng vào khoảng 1970, khi tôi tới Hoa Kỳ, trừ những vị vừa kể tên trên, đa số những người Mỹ trong phong trào tranh đấu hòa bình tại đây có những thái độ khiến tôi rất ngạc nhiên. Tại sao các anh Mỹ cao lớn dềnh dàng thế kia như Stewart Mitchell ở AFSC, David Mc Reynolds, Hội Laity & Clergy Concerns mà lại dễ nản thế? Họ nản lòng vì chiến tranh kéo dài lâu quá mà chưa thấy chấm dứt. Họ mới tranh đấu có bốn năm năm mà đã nản lòng thì thử hỏi các bạn tôi ở Việt Nam, nếu không có chiều sâu nội tâm tâm linh, sẽ nản như thế nào sau ba mươi năm bom đạn? Chán nản rồi thì các bạn Hoa Kỳ này, trong các phong trào kêu gọi chấm dứt chiến tranh, lại nghĩ một cách đơn giản: “ta phải giúp làm sao để chính quyền Hà Nội đánh cho quân đội Hoa Kỳ thua trận càng sớm càng tốt. Như thế thì chiến tranh mới sớm chấm dứt. Chứ giữ thái độ hiền hiền, từ bi ôm ấp cả hai bên theo lối thầy Nhất Hạnh thì chắc còn lâu lắm chiến tranh mới có thể chấm dứt.” Tôi thật đau lòng khi nghe biết được họ suy nghĩ đơn giản, ngây thơ rồi hành động như vậy. Nghĩ đơn giản như thế nên trước nhất họ mời cho được các chính khách của chính phủ Miền Bắc tham dự các buổi họp hòa bình và có vẻ muốn lắng nghe bên chính quyền Miền Bắc hơn là tiếng nói của người dân chạy dưới bom. Riêng chúng tôi đã từng biết những gì những người Cộng Sản đã hành xử trong Tết Mậu Thân 1968 vừa qua ở Huế và nhiều nơi khác, nên nghe như thế lòng tôi thật nát tan. Đó là chưa kể tôi lớn lên ở miền Nam và miền Nam đã tiếp đón không biết bao nhiêu nhân vật yêu nước đã từng tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp từ năm 1944, đã hy sinh tận xương tủy trong chiến khu với những người Cộng Sản đầu tiên nhưng đã bị đày đọa như thế nào bởi chính quyền miền Bắc. Rồi chính sách cải cách điền địa đấu tố khiến những người con đã theo Đảng phải đứng ra đấu tố cha mẹ như thế nào cho vừa lòng Đảng. Ai đã đọc được quyển Khu Rừng Lau của người yêu nước Doãn Quốc Sỹ mới thấy đắng cay thế nào khi thấy lòng yêu nước của những người không theo đảng đã bị ám hại tinh tế ra sao. Ôi nếu chiến tranh Việt Nam được chấm dứt bằng sự thắng trận của chính quyền Hà Nội thì cuộc thanh trừng sẽ tàn ác như thế nào? Tôi rùng mình và thật đau lòng phải nghe những người đấu tranh cho hòa bình mà kêu gọi cho một bên thắng trận quách đi cho mau. Tôi tự hỏi: Mình đi đâu đây?

 

Tôi đi Hoa Kỳ

Như đã nói, năm 1970 tôi đi Hoa Kỳ trình bày tiếng nói của người dân Việt chạy dưới đạn bom. Tôi gặp rất nhiều các bạn năng nổ hoạt động cho Việt Nam nhưng rất nông cạn, họ nói rất nhiều lý thuyết nhưng không tiếp xúc được với thực tại của Việt Nam. Tiếng Anh của tôi thì chưa đủ giỏi mà nghe họ phê bình lên án khá nông cạn nên tôi rất đau lòng. Quần chúng thì lúc nào cũng cảm động và thích thú khi nghe tôi chia sẻ nhưng các Hội Đoàn tranh đấu cho hòa bình mọc ra như nấm và nói năng rất lý thuyết: “Cứ để cho Hà Nội đánh cho Hoa Kỳ thua nặng thì Hoa Kỳ mới học được bài học, cô đừng mất thì giờ kêu gọi hòa bình chung chung, cứ theo Hà Nội quách đi, rồi ngưng chiến ta sẽ tính tiếp!”

Khi gặp Bộ Chính Trị Ngoại Giao Chính Phủ (State Department) Hoa Kỳ thì tôi nản hơn bao giờ hết. Sau bao nhiêu tâm huyết tôi muốn chia sẻ, họ chỉ lặp lại như cái máy “Chúng tôi phải làm hết sức giúp dân Việt Nam chống Cộng Sản, đó là cách hay nhất. Việt Nam Cộng Hòa phải có nhiều súng bom, phi cơ oanh tạc và quân đội.” Tôi nói: “Tôi đồng ý nhưng xin đừng gửi lính Hoa Kỳ qua Việt Nam”. Họ trả lời: “Nhưng chánh phủ Việt Nam yêu cầu.” Tôi nói: “Tôi không chắc. Anh rể tôi là Bùi Thanh Thủy, đại úy Quận Trưởng quận Cái Răng tỉnh Bạc Liêu, không muốn điều đó, anh chỉ than thiếu súng đạn tốt trong khi du kích có súng rất tốt của Trung Cộng. Nhưng chánh phủ Hoa Kỳ cứ gửi binh sĩ Hoa Kỳ qua Việt Nam cùng với súng đạn làm anh tôi mất chính nghĩa vì dân quê nghĩ rằng anh tôi bán nước cho Hoa Kỳ như những người Việt Nam bán nước cho thực dân Pháp. Anh tôi đã bị giết vì không có sự ủng hộ của toàn dân…”, nhưng Bộ Chính Trị Ngoại Giao Hoa Kỳ làm tôi có cảm tưởng như mình đang nói với những bức tường! Chính phủ và chính sách Hoa Kỳ này quả thực là không thông minh, không có thói quen lắng nghe. Họ chỉ căn cứ trên báo cáo của tình báo Hoa Kỳ CIA như sự thật tuyệt đối, sai bét với thực tại và hành xử quá máy móc. Bụt dạy cái thấy, cái nghe của chúng ta dù rõ mồn một cũng chỉ là những cái tưởng – cái tri giác còn phiến diện về thực tại, còn thiếu nhiều khía cạnh khác của thực tại mà chúng ta chưa nắm được hết. Ta cần khiêm cung hơn, lắng nghe hơn để hiểu tình trạng thì mới thiệt là thương dân Việt Nam. Hồi này khả năng diễn giải Phật Học ứng dụng của tôi còn quá yếu nên tôi không thuyết phục được State Departement (Bộ Chính Trị Ngoại Giao), chỉ tức ấm ức mà khóc thôi. Tôi không biết dạy họ: Muốn thương dân Việt Nam, giúp Việt Nam có tự do thì phải hiểu văn hóa lịch sử của người ta, các bạn nên tập khiêm cung hơn về cái thấy cái nghe của các bạn và phải luôn luôn kiểm chứng lại những tin tức nhận được từ trước. Có thể thầy Nhất Hạnh nói được với Ông Robert McNamara mà vì thế ông đã cố gắng làm gì đó nhưng không được nên đã từ chức.

Richard Murray hay Dick Murray

Ngược lại thì tôi cũng rất may mắn gặp được những tấm lòng vàng như tiến sĩ Richard Murray. Anh là người lãnh đạo nhóm thân hữu Quaker AFSC (American Friend Service Committee) ở Chicago, nhóm duy nhất trong nhiều nhóm Quaker AFSC ủng hộ con đường kêu gọi ngưng chiến tức khắc và quân đội Hoa Kỳ phải rút quân đúng lịch trình như đề nghị của Phật Giáo. Dick rất có khả năng lắng nghe, nhìn sâu, biết đau những gì người Việt đau và trân quý những gì tôi đề nghị.

Dick tổ chức nhiều buổi diễn thuyết công cộng ở nhiều nơi như phòng khánh tiết thành phố, trường Đại Học Chicago, nhiều nhà thờ lớn (Thiên Chúa, Memonite, Church of Christ), các hội đoàn… Ngày xưa khi còn là học sinh đi giúp đồng bào trong các khu ổ chuột nghèo đói, tôi khéo léo xin những người hàng xóm, các bạn bè, mỗi người chỉ cho tôi một đồng mỗi tháng thôi nhưng nhờ cho ít nên ai cũng ham cho. Vì thế tháng nào tôi cũng có được mấy trăm đồng giúp người nghèo. Bây giờ, hợp tác với Richard Murray tôi cũng chỉ xin mỗi người 5 dollars một tháng. Anh hiểu rất nhanh và rất thích thú đề nghị của tôi, in sẵn cả ngàn phiếu hứa giúp 5 dollars mỗi tháng. Sau khi nghe tôi nói chuyện, ai cũng cảm động, anh phát phiếu ra và rất nhiều người tự điền tên và địa chỉ vào phiếu để anh sẽ tiếp tục gửi cho họ những tin tức của Phật Giáo Việt Nam. Thế là về nhà anh ghi tên từng người tình nguyện cho mỗi cháu 5 dollars mỗi tháng, căn dặn họ gửi vào trương mục nào và mỗi tháng nhóm Quakers ở Chicago của tiến sỹ Murray sẽ chuyển tiền cho Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam. Nhóm này đã giúp tôi tìm ra hơn một ngàn người bảo trợ. Lá thư Le Lotus bằng tiếng Anh cũng được Dick Murry in ra hàng ngàn bản bằng tiền túi của anh vì tiền thiên hạ cho hằng tháng anh đã gửi hết cho Phái Đoàn rồi, mà mỗi lần tôi chỉ gửi đến Dick một bản. Nhờ thế các thí chủ 5 dollars mỗi tháng được biết tin tức Việt Nam, nhiều người dấn thân hơn, họ có thể cho thêm 20 đô chương trình này, 100 đô chương trình khác. Dick luôn luôn ủng hộ lập trường Phật Giáo 100%. Dick Murray, một người Quaker mà cũng như Phật tử, rất đau lòng mỗi khi các hội đoàn khác ăn gian nói dối, bóp méo sự thật rằng dân Việt Nam chỉ muốn sự thắng trận của chính quyền Hà Nội trên bọn tay sai bán nước Miền Nam.

 

Sinh Viên Đại Học Stanford

Chiều 31 tháng 3 năm 1970, tôi tới Đại Học Stanford, California Hoa Kỳ. Trường này nổi tiếng dạy giỏi và học phí rất cao nên phần đông sinh viên là con nhà giàu hoặc là sinh viên rất xuất sắc được nhận học bổng. Chương trình là tôi sẽ chia sẻ về tình hình Việt Nam cho sinh viên tại Cafetaria Ball Room. Các cô các cậu sinh viên đua nhau hát giỡn, khi thấy tôi vào cũng không ngó ngàng gì, tới giờ tôi giảng mà vẫn làm bộ như không muốn giao microphone cho tôi. Tôi vừa giận vừa tủi thân, nhưng tập thở và nhìn sâu hơn để hiểu, chấp nhận cái vô tư, vô minh của những người trẻ lớn lên trong môi trường hoàn toàn khác mình để thương được họ. Khi cầm máy phát âm lên tôi nói rất thật: “Các bạn xinh đẹp quá, dễ thương quá và tôi chắc các anh em của các bạn từ 18 tuổi trở lên cũng xinh đẹp tuấn tú như các bạn. Nhưng nếu họ mặc vào chiếc áo binh sĩ Hoa Kỳ, đeo đầy súng ống, băng đạn và lựu đạn thì họ trở nên rất đáng sợ đối với người nông dân Việt Nam. Sáng ngày đó của năm 1967, nếu tôi không có mặt ở cái làng hẻo lánh Thảo Điền không xa Sài Gòn là mấy và không kịp thời giải thích thì chắc những người con trai dễ thương như các bạn vì hoảng sợ đã trở thành những người tàn sát dân vô tội không thương tay như vụ Đại Úy Calley mà báo chí Hoa Kỳ đang phanh phui mấy hôm nay. Calley đã bắn hàng trăm phụ nữ, con nít và bô lão ở một làng của tỉnh Quảng Ngãi. Làng Thảo Điền là nơi mà tôi và chú Nhất Trí hay vào dạy trẻ em và làm công tác phát triển cộng đồng, không có quân đội quốc gia mà cũng không có du kích Cộng Sản. Sáng đó, vừa dừng xe mobylette trước cổng làng tôi quá ngạc nhiên thấy trong làng có đầy binh sĩ Hoa Kỳ mặc áo rằn ri thật dễ sợ. Tôi trở về hơi thở chánh niệm, buông thư cái gương mặt lo âu méo xẹo của tôi, rồi nhẹ nhàng mỉm cười với chính mình. Nhìn sâu vào mặt các anh lính Hoa Kỳ, tôi thấy mặt anh nào cũng trẻ măng, ngây thơ như các bạn bây giờ đây, nhưng đầy sợ hãi căng thẳng. Họ nhìn tôi, tôi nhìn họ gượng cười và nhẹ nhàng hỏi: “Các anh làm gì ở đây? Tôi là người làm công tác xã hội tại đây, định vào dạy các trẻ học”. Nghe tôi nói tiếng Anh họ giật mình đứng thẳng nhìn tôi lạ lùng rồi thư giãn ra một chút: “Chúng tôi tìm VC (Việt Cộng).” Tôi trả lời: “VC thì không có ở đây đâu. Ở đây chỉ có hoặc là nông dân hoặc người chài lưới rất nghèo khó. Mỗi ngày chúng tôi có người vào dạy học cho các cháu nhỏ vì ở đây không có trường học”. Anh binh sĩ Mỹ nói cái cây cầu dài cách đây không xa mới suýt bị giật mìn, vậy thì Việt Cộng chắc núp không xa đây. Tôi chợt nhớ ra và thật tình kể: “À, một bữa tối cách đây ba ngày, các anh du kích có về đây trói ông xã trưởng làng Thảo Điền lại và đòi đốt nhà ông vì ông hợp tác với chính quyền này. Dân làng quýnh quáng lạy các anh du kích và nói nếu các anh đốt nhà ông xã trưởng thì cũng có nghĩa là đốt hết cả trăm ngôi nhà lá của dân làng mất rồi vì tất cả đều bằng lá dựng san sát nhau! Họ suy nghĩ một hồi rồi quyết định tha không đốt nhà, nhưng bắt ông xã trưởng phải từ chức, nếu không lần sau họ sẽ giết. Thế là họ rút đi và không còn ai ở lại đây, ba ngày qua tôi tới cũng không gặp họ.” Người lính Mỹ không tin tôi mấy (sau này qua Hoa Kỳ, tôi mới biết là khi anh sinh viên Mỹ được huấn luyện làm binh sĩ đi Việt Nam thì anh phải nên nhớ VC không hẳn phải là đàn ông, họ có thể là những cô gái nhỏ, đẹp, có thể là một đứa trẻ và nhất là những ông thầy tu Phật giáo!) Anh vẫn đi lục lọi từng góc nhà, xem xét các bàn thờ xem có vỏ đạn hay dấu tích gì của du kích không. Sau đó anh đưa ông Sếp lớn của anh tới gặp tôi. Anh này cũng hỏi như thế và tôi cũng lặp lại sự thật. Họ ở thêm hai mươi phút rồi rút đi êm thắm. Thưa các bạn, xin đừng đi Việt Nam, đừng gửi anh mình, em mình, cha mình đi Việt Nam và khuyên bạn bè đừng đi Việt Nam. Họ sẽ đau khổ, sợ hãi và làm bậy như đại úy Calley giết người vô tội ở Quảng Ngãi.”

Các sinh viên tới sát tôi lắng nghe, vài người khóc, người thì chạy đi làm cho tôi một ly trà gói, người thì hỏi chúng em nên làm gì giúp các bạn Việt Nam…

 

Nước Costa Rica và các vị trưởng tử của đức Ky Tô vùng Nam Mỹ chỉ tin sức mạnh của bom đạn

Năm 1971, tôi tham dự Đại Hội Ky Tô Giáo về Bất Bạo Động ở Costa Rica, Trung Mỹ. Ở đây trời nóng như Việt Nam. Tôi xa nước ba năm rồi, nhớ cây xoài, cây ổi, cây chuối quá chừng. Ngồi dưới gốc xoài, lượm những trái xoài non chua chấm muối ớt thật hạnh phúc. Tôi muốn nhắn với các bạn ở Việt Nam là chiến tranh thì chiến tranh nhưng cũng có những nơi mà còn xoài, còn ổi, còn chuối, và ăn xoài chua chấm muối ớt vẫn ngon như thường. Tôi gặp khoảng 40 vị lãnh đạo các nhà thờ Ky Tô ở Nam Mỹ. Đối với họ thì sử dụng vũ khí vẫn là thượng sách. Có thể vì thế mà ban tổ chức muốn mời cho được cô gái nhỏ Việt Nam này, dù phải tốn thật nhiều tiền máy bay cho tôi bay thật xa, để tôi nói gì? Sau khi lắng nghe quý Cha (linh mục) và những mục sư diễn tả sự dữ dằn bạo động của những chính quyền độc tài của họ và họ kết luận rất lý thuyết là phải có vũ khí và đánh giặc thôi, tôi nhẹ nhàng trình bày những khổ đau của người nông dân nghèo khó ở quê tôi nhưng chắc cũng nghèo khó như các nước quý vị. Tôi nói: Một khi chiến tranh mà bắt đầu thì khó dừng lại lắm. Trên đất nước chúng tôi bao nhiêu người nông dân ước mơ:

“Một gian nhà lá hai vồng khoai lang

Thế thôi mà lạy mười phương

Ba mươi năm lẻ chưa tròn giấc mơ’’

Chiến tranh đã kéo dài quá lâu, kéo theo những chính quyền độc tài, chắc không thua gì chính quyền các nước của quý vị. Thực trạng như vậy làm cho người dân mất tất cả niềm tin vào con người và vì thế chúng tôi không đem lý thuyết cách mạng tới. Chúng tôi cùng xem xét tại chỗ, thấy con cái họ cần những gì cấp thiết thì mời họ cùng nhau đứng lên lo chung về giáo dục, y tế, vệ sinh công cộng, canh nông, v.v.. Không có trường học, chúng tôi đi hỏi chính quyền xã, quận, rồi tỉnh về việc xây ngôi trường. Thấy ngân sách quốc gia không đủ, chúng tôi không chê bai ông quận trưởng là vô trách nhiệm nhưng cũng không chờ đợi chánh quyền, chúng tôi cùng nông dân đứng dậy bàn việc nên làm sao để giúp nhau, người đóng góp ba bụi tre, người ba ngàn tàu lá dừa nước, người góp công sức lao động để xây cất ngôi trường tre lá cho con em họ, xây trạm y tế, xây nhà vệ sinh công cộng, khuyến khích xây nhà vệ sinh cá nhân, chọn các em có sức học khá trong làng cho đi tu nghiệp thêm để về dạy lại cho con em của họ… Chính quyền rồi cũng sẽ giúp thôi, chúng tôi không xem chính quyền là kẻ thù. Chúng tôi bàn với nông dân cách cùng nhau tiêm chủng cho súc vật, cùng nhau canh tân canh nông, trồng thêm những hoa mầu mới như cà rốt, bông cải, su su… để có thêm thu nhập, mở mang lại những nghề tiểu thủ công như chầm nón lá, dệt lụa… Tóm lại phải có tình thương, thấy trách nhiệm là trách nhiệm chung, cùng làm ngay những gì có thể làm được hôm nay dù là nhỏ nhặt nhất để giúp con cái của nhau. Tất cả đều là anh em một nhà không phân chia người thân kẻ thù. Kẻ thù của chúng tôi chỉ là cái thấy sai về nhau và tập cách không xem người kia là xấu và mình là tốt. Không nói lý thuyết, nhưng chúng tôi làm việc siêng như kiến, có vẻ chậm như kiến, cứ bò từ từ, xây một làng, rồi hai, rồi ba làng, rồi năm làng hoa tiêu… Những nơi bị đạn bom chúng tôi đưa dân đến nơi bình an hơn, làm những Trung tâm tái định cư ở các vùng đất mới, phì nhiêu hơn. Cần tiền, chúng tôi mời mọi người tới xem công tác rồi mỗi người phát tâm đóng góp, không làm ngân sách cầu cứu ngoại viện. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội chúng tôi có hơn 3.000 người bảo trợ tài chính hàng tháng mà mỗi người bảo trợ tự xem như là thành viên của chính phong trào. Có người cho 1.200 đồng, 600, 500, 300 mà cũng có người 30 đồng 20 hay chỉ 10 đồng mỗi tháng… Từng bàn tay, rồi từng bàn tay của toàn dân cùng trách nhiệm, cùng tự nguyện, cùng xây dựng. Chúng tôi học tổ chức làm việc trong tình thương – tự nguyện và trách nhiệm, cùng dân quê làm chung, xây dựng những gì thực tiễn cho con em để cùng lập những cộng đồng có tu, có học, giúp đỡ nhau. Chúng tôi gọi đó là “cách mạng” không bằng lời mà bằng hành động. Tôi chỉ được phép nói 20 phút, nhưng các vị tu sĩ ấy hơi giật mình. Bất bạo động không phải lý thuyết. Tình thương, lòng khát khao đem hạnh phúc đến cho mọi người không thể bằng chiến tranh vũ khí. There is no way to Peace, Peace and Love are the way – Không có con đường dẫn đến bình an, bình an và tình thương là con đường. Cuối cùng ai cũng ngộ ra rằng chỉ có tình thương, trách nhiệm và tự nguyện mới giúp ta tiến từng bước giúp người. Giáo sư Jean Goss-Mayr rất tương đắc những điều tôi nói. Sau khi tôi nói xong, Jean bèn lên trình bày rất hùng hồn: “mình là người lãnh đạo tinh thần quần chúng thì chỉ có con đường bất bạo động mới gần được với Ky Tô”. Tuy cùng một ý nhưng cách trình bày của anh thật khác cách của tôi, khiến cho quý cha khúc khích cười nhỏ, xầm xì: “Jean nói cái gì cũng trúng hết, cái gì cũng bất bạo động hết, chỉ có cách trình bày của anh là rất bạo động mà thôi!”Có lẽ vì Jean bực mình các linh mục chỉ tin vào sự giải quyết bằng cây súng và vũ khí nên đã phản ứng hơi mạnh!

Vừa xong Đại Hội ở Costa Rica, tôi được điện tín Thầy báo là Thầy đang ở Canada, sau khi trình bày với quốc hội Canada về tình hình Việt Nam thì Thầy bị chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa vô hiệu hóa hộ chiếu. Thầy cần tôi bay về Pháp trước chuẩn bị đón Thầy vì nếu lỡ rủi ro mà Thầy bị bắt ở phi trường thì gọi Le Monde, Agence France Presse họp báo ngay. Thầy kể khi đi ngang phi trường Atlanta chờ đổi máy bay, họ không cho Thầy vô, bỏ Thầy vào phòng quarantine như những tên tội phạm. Nhìn lên tường, đâu cũng thấy đầy những bản “wanted” nghĩa là “đang truy nã thủ phạm này”.

Cuối cùng Thầy bay được về tới phi trường Paris bình an và phải xin giấy tị nạn tại Pháp.

Sau Costa Rica, tôi đi thêm các nước Âu Châu nữa. Lại đi Đan Mạch, Na Uy, làm bạn với giáo sư Ernest Arneness, đi gặp dân biểu quốc hội này, ông chánh đảng chính trị kia ở Thụy Điển, Tây Đức và Vương quốc Bỉ… Tôi đi như trong những giấc mơ. Gặp các ông bộ trưởng, các nhà thần học, các văn nhân nghệ sĩ tiếng tăm để làm gì? khi mà đồng bào tôi vẫn chạy dưới đạn bom.

 

International Committee of Conscience on Vietnam (ICCV) hay Ủy Ban Lương tâm Quốc Tế về Việt Nam và chiến dịch Ngưng Giết Ngay – Stop the Killing Now

Nhân một buổi thiền trà sáng, Thầy bàn phải làm cái gì nữa chứ không thể để chiến tranh kéo dài mãi. Thầy trò quyết định làm một cuộc vận động gọi là “Stop the Killing now!” và đề nghị hội đoàn chủ trương là International Committee of Conscience on Vietnam (ICCV), hội đoàn mà bác Alfred Hassler cùng với một số nhân sĩ trên các nước có chi nhánh FOR đã thành lập theo lời đề nghị của Thầy. Hội ICCV chuẩn bị chiến dịch này trong nhiều tháng và quyết định tung chiến dịch bằng một cuộc họp báo tại Paris ngày 11 tháng 10 năm 1971. Cùng ngày này, ICCV cho in nguyên một trang lớn trên nhật báo New York Times chữ ký của 9.000 nhân sĩ trong 22 nước, từ những danh nhân nghệ sĩ như Joan Baez, Graeme Allwright, Claude Nougaro, những vị lãnh đạo tinh thần của nhiều tôn giáo, chính khách của nhiều chính quyền… cùng ký tên kêu gọi “chấm dứt sự giết chóc ngay bây giờ”. Trong số nhân sĩ của 22 nước này có đến năm trăm (500) nghị sĩ quốc hội nhiều nước và trong đó có mười tám (18) nghị sĩ Việt Nam Cộng Hòa nữa!

Trong buổi họp báo tại Hotel Lutèce Paris, chúng tôi mời được một số nhân sĩ đến từ nhiều nước như Anh Quốc, Đức, Hà Lan, Pháp, Việt Nam, Ý, Áo, Thụy Sĩ, v.v.. để cùng đi thăm bốn phe lâm chiến đang ngồi hoài trong bàn hội nghị mà cuộc thương thuyết thì kéo mãi chưa xong. Các nhân sĩ trong chiến dịch Stop the Killing Now này xin hẹn để đi thăm từng đại diện trong bàn Đàm Phán Paris cho Việt Nam: 1/ Việt Nam Cộng Hòa, 2/ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, 3/ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và 4/ Phái Đoàn Hoa Kỳ. Cùng đi với phái đoàn nhân sĩ của ICCV thì phải có Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam là thầy Nhất Hạnh, tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng, giáo sư Cao Ngọc Phượng…

Chúng tôi cùng vào chung với các nhân sĩ của ICCV như nhà thần học Hannes De Graaf, tiến sỹ Heinz Kloppenburg, tiến sỹ Maria Lucker, tiến sỹ Howard Shomer, nhà báo Jim Forest, giáo sư Jean Goss-Mayr, Kenneth Lee… để gặp Phái đoàn Miền Bắc, Phái Đoàn Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và ngồi lắng nghe mỗi phái đoàn lâm chiến trình bày. Sau đó các nhân sĩ ICCV quay lại xin Thầy chia sẻ cái thấy của Phật Giáo về quan điểm của từng phe lâm chiến. Thầy nói rất ôn tồn, đánh giá cao thiện chí của mỗi phái đoàn, phân tích điểm nào gần thực tại Việt Nam, điểm nào xa thực tế văn hóa và lịch sử Việt Nam và khuyến khích mỗi đoàn nên trình bày lại cho chính phủ phía họ nên nhượng thêm một bước nữa để sớm đi đến thỏa hiệp. Những lời này, nếu không có các nhân sĩ ngoại quốc cùng ngồi đó lắng nghe thì chắc chắn sẽ không được đếm xỉa.

Cùng ngày, bác Alfred Hassler và chị Heidi Vaccaro ở Rome đã tổ chức được cho 300 thầy tu Công giáo đi diễn hành trên đường phố Rome, mỗi cha mang tên một thầy tu Phật giáo Việt Nam đang nhịn ăn cầu nguyện cho Hòa Bình ở khám Chí Hòa Sài Gòn. Báo chí nói khá nhiều về tin này trên nhiều nước. Và một tuần sau thì chính quyền Miền Bắc có những điểm đề nghị mới, rồi chính quyền Miền Nam cũng vậy. Các điểm đề nghị chấm dứt chiến tranh của bốn phe lâm chiến đến gần nhau hơn chứ không xa như trước. Vai trò Phái Đoàn Hòa Bình của Phật Giáo là khuyến khích bằng áp lực quốc tế để bốn bên cuối cùng phải đi tới giải pháp chấp nhận ký Hòa Ước vào tháng 3 năm 1973 tại Paris.

 

Tên cướp trên xa lộ và cô gái bị hãm hiếp

Năm 1972, World Council of Church WCC (Hội Đồng các nhà thờ Tin Lành trên toàn thế giới) trụ sở tại Genève có mời Hòa Thượng Huyền Quang, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN và Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, đại diện Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng, sư chú Thanh Hương và giáo sư Cao Ngọc Phượng được mời làm phụ tá hai vị này. Đây là một cuộc gặp mặt quan trọng của các nhân sĩ tôn giáo để tìm một lập trường chung cho Việt Nam. Tại Hội Nghị, mục sư Leopold Niilus, đại diện WCC đặc trách cho Việt Nam đã đề nghị Hội Đồng Các Nhà Thờ trên thế giới nên có lập trường rõ rệt hơn về Việt Nam, chỉ nên ủng hộ những người bị áp bức thôi: “Thưa quý vị, tình trạng của Việt Nam hiện nay là chỉ có tên tướng cướp đang hãm hiếp một cô gái trên xa lộ. Chúng ta phải rõ ràng, nhà thờ nên đứng về phe tên tướng cướp hay về phe cô bé bị hãm hiếp? Cô gái bị hãm hiếp là dân Việt Nam và tên cướp trên xa lộ là quân đội tàn bạo của Hoa Kỳ. Cô gái bị hãm hiếp là dân Việt Nam đang tranh đấu một cách tuyệt vọng với tên tướng cướp Hoa Kỳ, ta phải làm gì và làm ngay đi.” Có lẽ mục sư Niilus thuộc vào số những vị tu sĩ Nam Mỹ theo chủ trương “Thần Học Giải Phóng” (Theologians of Liberation) nên có lòng thương rất lớn với người bị áp bức. Thầy trò chúng tôi đều thấy thế và cũng rất đồng ý với mục sư, nhưng trong tôi vẫn thấy có cái gì rất trật nếu chỉ ủng hộ chính quyền Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mà thôi. Cảm thấy thế nhưng tôi chưa nghĩ ra cách ăn nói ra sao thì Thầy chúng tôi đã được mời cầm micro. Thầy từ bi nhìn mọi người mỉm cười: “Cảm ơn mục sư lắm, chúng ta ai cũng phải đứng về phe cô gái bị hãm hiếp ngay, không do dự. Tuy nhiên cách tu tập của chúng tôi là tập nhìn sâu từng việc. Chúng tôi tập nhận diện ai là tướng cướp và ai là cô gái bị hãm hiếp. Với tôi, tên tướng cướp là cái ác tâm của những người đang ung dung ngồi ở Nhà Trắng Hoa Kỳ, ở Điện Cẩm Linh Nga, ở Bắc Kinh Trung Quốc và ngay ở Hà Nội Việt Nam, đã cung cấp những tin tức không đúng sự thật, bóp méo sự thật, đã cung cấp vũ khí và lý thuyết của chủ nghĩa thiên đàng của họ, và dấu nhẹm sự thật với quần chúng của họ. Tên tướng cướp là cái ác của những người ra lệnh ép buộc gửi ra chiến trường những đứa con trai thiên thần của quê hương, biến những thanh niên ngây thơ, trái tim còn nóng bỏng sự hy sinh tha thiết cho một cái gì đẹp và lành nhất cho cuộc đời thành những kẻ giết người thành thạo, tập bắn vào đầu anh em đồng loại của họ, những người cũng cùng có một trái tim yêu thương như họ. Đối với chúng tôi, cô gái bị hãm hiếp không phải chỉ là những bà mẹ, những người nông dân lam lũ chạy dưới đạn bom mà còn chính là những binh sĩ cả Miền Bắc lẫn Miền Nam trái tim còn thơm mùi yêu thương, không biết sự thật là mình đang bị đưa vào một guồng máy rất vô lý, nghiến nát tính người của mình, đang bị gửi ra chiến trường để giết những người lính Hoa Kỳ không vì quyền lợi thực dân như người Pháp đô hộ Việt Nam xưa mà chỉ vì muốn đem lại tự do cho dân Việt. Cô gái bị hãm hiếp ấy cũng là những người lính Mỹ hoàn toàn không biết sự thật gì về Việt Nam, ra đi đáp lời kêu gọi giải phóng cho dân Việt Nam khỏi nạn độc tài tàn ác.” Cả thính đường thật im lặng và cảm động.

Ông Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Thờ đã đứng dậy cám ơn Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam và long trọng hứa sẽ ủng hộ hết lòng tiếng nói của Phái Đoàn PGVNTN