Chương 15: Trẻ em và nạn nhân súng đạn của bên nào thì cũng khổ như nhau

 

Bảo trợ các cháu mồ côi vì chiến tranh

Theo truyền thống Việt Nam, khi em mình hay anh chị mình chẳng may mất đi và để lại đàn con mồ côi thì mình phải đem cháu về nuôi, không do dự. Nếu mình là bà nội hay ngoại thì dĩ nhiên sẽ nuôi cháu mồ côi của mình. Người Việt Nam trước khi bị Pháp đô hộ không để tất cả trẻ mồ côi vào một khu nhà chung. Chưa có danh từ Trại Mồ Côi. Nếu một bà mẹ lo không xuể cho 12 đứa con thì một sư cô hay một ma sơ cũng không thể nào chăm sóc nổi 60 cháu, 80 cháu, 100 cháu. Lo cho quá đông trẻ em sẽ không có tình người, sẽ đối xử rất máy móc, rất tội. Nhưng nếu cô, dì, hay cậu mợ nuôi cháu mà cậu nghèo quá, mợ chưa là người giỏi thì có thể bắt đứa cháu mồ côi đi ở đợ, làm thuê, không cho đi học… Vì lẽ đó chúng tôi quyết định tìm người bảo trợ để các cháu mồ côi vì chiến tranh được tiếp tục ở với bà nội, bà ngoại hay cô dì chú bác mà không là gánh nặng cho gia đình cưu mang các em. Sau bức thư kêu gọi của GHPGVNTN đầu tháng Ba 1973 do Thầy cùng hai Hòa Thượng Thiện Minh và Huyền Quang thảo tại Bangkok, lúc nghe tin Hiệp Định Hòa Bình cho Việt Nam vừa ký kết xong tại Paris, trong đó Giáo Hội thỉnh mời chư tăng ni trên toàn quốc để thêm thì giờ lo tái thiết và phát triển đất nước sau chiến tranh và để tâm lo cho trẻ em nghèo khó, chúng tôi được báo tin chỉ một năm thôi, vào đầu năm 1974, GHPGVNTN đã có hơn 300 nhà giữ trẻ được thành lập trong 42 tỉnh Miền Nam mà Giáo Hội Trung Ương không hề cung cấp một đồng nào cho chuyện xây dựng và điều hành… Quý sư cô mở cửa Ký Nhi Viện từ sáu giờ sáng đến sáu giờ chiều để bà nội, bà ngoại hay cô dì gửi con cháu để đi làm rồi chiều mang cháu về. Người nào khá giả thì đóng góp một ít tiền gạo tiền rau cho các cháu, nhưng phần đông là các sư cô nuôi ăn, giặt giũ mà chúng tôi không bảo trợ gì cả. Bà con trong nước người giàu người nghèo mỗi người một tay, đủ từ bi để giúp sư cô tại địa phương mình xây dựng và chăm sóc thiếu nhi, không để các cháu lêu lổng ngoài đường sinh tệ nạn. Tuy thế, nếu các cháu có người bảo trợ, gửi tiền về cho bà nội phụ tiền gạo rau thì thức ăn cho các cháu sẽ khá hơn. Thế là Văn Phòng Phật Giáo tại Paris bắt đầu đề nghị các tỉnh Giáo Hội PGVNTN chọn và gửi hồ sơ các cháu mồ côi, từ sơ sinh tới 16 tuổi để chúng tôi tìm người đỡ đầu. Hồ sơ ghi tên tuổi, địa chỉ từng cháu, nói vài hàng vì sao bố chết, vì sao mẹ mất, học lớp mấy, trường nào, địa chỉ trường học. Bên này chúng tôi đề nghị mỗi người đỡ đầu cho mỗi cháu 25 Francs một tháng, tương đương với 5 mỹ kim hay 2 Anh Kim rưỡi. Chúng tôi dịch hồ sơ ra tiếng Pháp, Anh, Hà Lan, Đức và Ý và gửi đến các Ủy Ban chăm sóc trẻ em của từng nước để tìm người bảo trợ các cháu. Ở Pháp, để bớt việc cho Phái Đoàn, Pierre Marchand và Neige Achiary lập ngay Comité pour les Enfants du Vietnam; Anh quốc có Third Way in Vietnam; Hoa Kỳ có nhóm của Laura Hassler ở vùng New York East Coast và Richard Murray vùng Trung Mỹ với Chicago; Hà Lan có nhóm chị Kirsten Roep và Hans Lourens. Tiền từ các nước gửi về Phái Đoàn, chúng tôi gửi về Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Xã Hội GHPGVNTN mà Hòa Thượng Thích Thiện Hòa là chủ tịch. Ban Thủ Quỹ của Hòa Thượng sẽ chuyển tiền về từng tỉnh Giáo Hội và huyện Giáo Hội để gửi vào từng ký nhi viện do quý ni sư như Ni Sư Thể Thanh hay Ni Sư Cát Tường, Sư Bà Viên Minh, sư cô Như Huyền… đảm trách. Mỗi quý sư cô trưởng Ký Nhi Viện gửi qua Phái Đoàn thư cám ơn của các cháu khi các cháu đến nhận tiền trợ cấp. Cháu nào nhỏ thì lăn tay đỏ chói và có mấy dòng chữ run run của bà nội. Sư cô Trưởng Ký Nhi Viện theo dõi xem khi về nhà các cháu có áo quần và được ăn uống đầy đủ không. Nếu cháu ở với chú, bác hay cô dì thì sư cô xem chừng chú hay bác ấy có lấy tiền của cháu đi cờ bạc, rượu chè không, cháu có bị gia đình bảo trợ như thím hay dượng đánh đập không.

Hoàn cảnh đất nước rất đau buồn vì chiến tranh, nhưng chương trình này đã cho thầy trò chúng tôi rất nhiều niềm vui.

Trước nhất là văn phòng Phái Đoàn Phật Giáo ngày càng đông người tham dự để dịch hồ sơ ra tiếng Pháp, tiếng Anh. Có khi các sinh viên tình nguyện dịch hồ sơ ở lại văn phòng làm việc trễ vì cần gửi gấp 80 hồ sơ đi Thụy Sỹ, 45 hồ sơ đi Amersfoort, 30 hồ sơ đi Lyon… Các cô thì cứ vào phòng bên trong của tôi, Mobi, Hương và Neige mà ngủ tạm và các cậu thì ở ngoài “thiền đường” tức phòng khách + phòng ăn + phòng ngồi thiền với chú Thanh Hương. Thầy cũng đòi được dịch trực tiếp một số hồ sơ các cháu mỗi ngày dù công việc của Thầy thật là nhiều. Lúc sau, khi có Thoa, Lợi qua Pháp và gia đình Thoa đòi mướn phòng cho hai em ở và anh Cao Thái cũng chia một phòng nơi chung cư đó thì số người tại văn phòng lại vui hơn. Như thế ai mệt có thể về tạm ngủ ở bên “nhà” anh Cao Thái.

Niềm vui thứ hai là khi dịch trực tiếp hồ sơ các cháu mất cha mẹ, tình thương của Thầy và của chúng tôi đối với các cháu càng sâu nhờ được Thầy dạy chúng tôi cách cùng quán chiếu như Thầy, ví dụ như khi đọc chỗ mẹ cháu chết vì mìn nổ trên xe khi đem rau cải đi bán, Thầy quán chiếu ra sao…. để thấy mình là cháu, cháu cũng là mình, mình với cháu là một, không có người cho không có người nhận, tương tức ra sao.

Niềm vui thứ ba là giúp những gia đình Tây Phương có duyên bảo trợ một cháu được sự tiếp xúc sâu sắc hơn với thực tại Việt Nam, kêu gọi chấm dứt chiến tranh không trên lý thuyết nữa. “Đây này, tôi nuôi cháu Lê Thị Trang này, cha cháu đi lính bị giết, mẹ cháu bị mìn nổ khi đi xe lam chở rau ra chợ bán này, cháu cần hòa bình để có thể đi học an ổn.” Gia đình Hà Lan này treo hình cháu lên tường để nhắc con cháu bên Tây Phương biết “mình may mắn lắm. Bên kia (Vietnam) có cháu bằng tuổi con mà đã mất cha mất mẹ rồi, nếu gia đình mình không chia sớt thì em không có cơm ăn v.v…”

Niềm vui thứ tư là Thầy có dịp dạy chúng tôi khi gửi thư kèm theo tiền về cho các cháu cô nhi qua tỉnh Giáo Hội, huyện Giáo Hội, qua quý thượng tọa hay quý ni sư, thì chúng tôi phải viết khiêm cung lễ phép ra sao. Tôi nhớ có lần thầy MT bên Niệm Phật Đường KA ghé qua, thấy chúng tôi đang biên thư cho từng Thượng Tọa Trưởng Ban Từ Thiện Phật Giáo mỗi tỉnh, thầy phát tâm viết giúp. Thường thì chúng tôi viết trước một bức thư chung và chỉ đổi tên Thượng Tọa hay Sư Bà hay Ni Sư, đổi số tiền sẽ gửi (tùy theo con số cô nhi mình tìm ra người bảo trợ). Chúng tôi đánh máy thư thầy MT viết dùm, nhưng khi đọc xong thầy Nhất Hạnh không chịu. Thầy sửa lại câu văn cho từ tốn hơn, khiêm cung hơn, xin chư tôn đức rủ lòng thương trao giúp cho chúng con số tiền là… đến tận tay các cháu… Thầy Nhất Hạnh nói mình càng gửi tiền nhiều thì càng phải khiêm cung hơn, nhất là với chư tôn đức đạo cao, đức lớn, lãnh đạo cả tỉnh Giáo Hội, xưa nay đâu có làm việc này. Viết cho Thượng Tọa Trưởng Ban Tỉnh Giáo Hội Quảng Ngãi hay Quảng Nam hay Bình Định mà viết như vậy không được. Chư tôn đức không phải nhân viên của mình. Cách thức của chúng tôi là gửi tiền thì qua Giáo Hội Trung Ương, nhưng mỗi lần đều có một bức thư gửi trực tiếp tới chư tôn đức mỗi tỉnh Giáo Hội, cám ơn lòng ưu ái của chư tôn đức đã từ bi đứng ra lãnh dùm từng ấy tiền cho từng ấy trẻ thơ, cám ơn ni sư hay sư bà đã chịu trách nhiệm phát tiền cho các cháu, xin chư tôn đức dạy các cháu sau khi vừa nhận được tiền thì viết thư cám ơn ngay tại chỗ, để chúng tôi có bằng chứng báo cho ân nhân mừng là tiền đã tới tận tay các cháu v.v..

 

 

 Các cháu mồ côi ở Huế

 

Chị Kirsten Roep và ủy ban Hà Lan lo cho Việt Nam

Ủy Ban ở Hà Lan là Ủy Ban đắc lực và thành công nhất so với mười mấy tiểu ban các nước khác. Có được may mắn này – nghĩa là số người bảo trợ tăng rất nhanh – là nhờ những rủi ro trước đó (có “bùn” mới có “sen”). Số là từ 1969 đến 1971, bà Hebe Kohlbrugge, vị bồ tát đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái thoát chết trong đệ nhị thế chiến, đã hết lòng giúp TNPSXH ở Việt Nam về tài chính. Nhưng năm 1971 bà bị Giáo Hội Tin Lành cho hưu trí, thế là chương trình Ban Xã Hội từ thiện của bà bị ngưng hẳn. Những người kế vị chỉ muốn giúp người Ky Tô thôi nên chúng tôi đã đột ngột bị chấm dứt những nguồn tài trợ từ Hà Lan để giúp nạn nhân chiến cuộc và phụ giúp chút đỉnh chi phí điều hành Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Lúc đó tôi khuyến khích các bạn Hà Lan cứ tự đứng lên làm một hội nhỏ thôi, không dựa vào Giáo Hội Tin Lành, Giáo Hội Thiên Chúa nào hết, tự mình thắp đuốc lên mà đi như chúng tôi, trường TNPSXH đang làm tại Việt Nam. Nếu tâm mình an và chỉ có một nguyện duy nhất là giúp người khổ thì khó khăn gì cũng vượt được. Các bạn thương tôi nhưng có vẻ khá lo lắng. Ngày xưa, cô Hebe Kohlbrugge không cần làm chi nhiều. Các nước Âu Châu thường có tập quán đi nhà thờ và sau khi làm lễ xong sẽ được mời bỏ tiền vào những chiếc rổ nhỏ của các linh mục hay mục sư chuyển đến từng hàng ghế. Có người cho vài đồng thôi nhưng có người cho nhiều. Mỗi khi Ban Xã Hội kêu gọi giúp Việt Nam theo chương trình của cô Trưởng Ban thì chỉ sau một vòng kêu gọi vài tuần, cô Hebe có ngay vài ba chục ngàn florins tiền Hà Lan. Còn bây giờ chúng ta chỉ có vài bà mẹ trẻ, vài sinh viên thiện nguyện và anh thư ký FOR để lập hội thì làm sao vươn lên nổi? Tôi khuyến khích: “Trường TNPSXH chúng tôi giữa chiến tranh sôi bỏng, không có sự trợ giúp của GHPGVNTN mà vẫn có cả trăm người đi công tác chỗ này, đi cứu trợ chỗ kia mà”. Chị Kirsten Roep người Đan Mạch (lấy chồng Hà Lan), cũng sinh năm Cọp như tôi và cũng gan dạ làm việc nào cũng đi tới cùng như tôi, sẵn sàng đứng lên lãnh trách nhiệm làm Thư Ký Hội. Chị tự thảo Nội Quy, tự đi khai báo và xin giấy phép. Chồng chị là giáo sư địa chất Thomas Roep, khi thấy tôi nói vanh vách tên đá quartz, granit, basalt, tên các fossile nhiều thời thì anh thích quá xem tôi như đồng chí về địa chất học. Cháu Jens mới mười tuổi cũng lắng nghe mẹ và cô trao đổi về chiến tranh, về trẻ em Việt Nam đáng thương ra sao, nên khi mẹ đi vắng, khách gọi điện thoại tới nhà, cháu trả lời rành mạch như người lớn! Hans Lourens là một thanh niên trẻ mới vào nghề làm thư ký cho Hội FOR Hà Lan, thay cho bác Peter Eterman vừa về hưu. Anh giúp chúng tôi liên lạc với tất cả hội viên FOR Hà Lan. Hans rất hiền, ít lời nhưng hăng say làm giúp những gì chúng tôi cần giúp. Ba chị em chúng tôi bắt đầu Ủy Ban cho Việt Nam này chỉ với 23 hồ sơ cô nhi. Tôi tình nguyện trở qua Hà Lan mỗi năm nhiều lần khi có dịp để gặp báo chí và nói chuyện về công tác của Phật Giáo. Nhờ có cô “Cọp Kirsten” biết viết nội quy là Hội này “chỉ bảo trợ những công tác xã hội của thầy Nhất Hạnh thôi, không giúp các hội đoàn nào khác” nên sau này, khi Hội lớn nhanh có nhiều tiền, đã tránh được biết bao rắc rối xảy ra.

Chuyến đi thăm Hà Lan thứ hai, nhờ tờ báo Trouw viết thêm một bài, chúng tôi đã bắt được liên lạc với những người tốt khác như anh Juul và chị Laura Pauwells ở Nijmegen.

Chị Kirsten là một phụ nữ vô cùng thông minh, can đảm và có lòng thương vô bờ bến. Chị tự học tiếng Việt để có thể dịch hồ sơ cô nhi giúp với chúng tôi. Mobi Warren thì ở chung nên học tiếng Việt không khó. Còn Kirsten thì ở quá xa, một bên chồng con, một bên công việc tổ chức, sổ sách tiền bạc, vậy mà chị cũng tự học được và hiểu khá nhiều các hồ sơ để khi nào chúng tôi buồn ngủ dịch sai thì chị điện thoại hỏi lại để sửa. Ủy Ban lớn nhanh như thổi, chỉ trong vòng hơn ba năm mà từ 23 người bảo trợ, các anh chị bên này tìm ra hơn 14 ngàn người Hà Lan bảo trợ cho các cô nhi Việt Nam vào tháng 3 năm 1975.

Bảy năm sau, khi Hội rất lớn, thấy Hội có nhiều tiền quá, có những người không thật lòng nhảy vào và gây khá nhiều rắc rối. Lần cuối cùng Phái Đoàn Phật Giáo gửi tiền về Việt Nam là 437.800 mỹ kim (của nhiều Ủy Ban khác nhau chứ không phải chỉ của Ủy Ban Hà Lan), gửi từ 23 tháng 4 năm 1975 mà đến tháng 9 năm 1975, ở Việt Nam quý Hòa Thượng vẫn chưa nhận được. Chúng tôi căn dặn các bạn nên chờ tình hình rõ ràng hơn, khoan gửi tiền về Việt Nam nữa, nhưng các bạn Hà Lan mới vào Ủy Ban tiếc dịp may, thiên hạ đang sẵn sàng gửi tiền vào tài khoản của mình mà dặn ngưng, dặn chờ đợi. Họ nghĩ nhanh và đơn giản: “Thôi dẹp thầy Nhất Hạnh quách, cứ làm thẳng với chính quyền Hà Nội cho dễ để tiếp tục nhận tiền của ân nhân, chứ nếu tiền không gửi đi thì không có quyền nhận tiếp.” Chúng tôi đã cho biết trước là tôi không chắc tiền sẽ tới tay các cháu, mà đó chính là điều kiện căn bản Ủy Ban hứa với ân nhân các cháu (vì lúc ấy thầy Giám Đốc Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đang còn bị tù, anh Tổng Thư Ký Lê Nguyên Thiều còn đang trốn chui vì Công An kêu lên làm việc tra hỏi từ 6h sáng đến 8h tối ngày này qua ngày khác). Sở dĩ các vị chủ tịch và thủ quỹ Ủy Ban Hà Lan này muốn tiếp tục là để họ còn được tiếp tục làm Giám Đốc một chương trình thu vào hàng tháng 75.000 dollars. Chị Kirsten chỉ làm Tổng Thư Ký nhưng nhờ chị ghi kỹ lưỡng sâu sắc ngay từ đầu trong Nội Quy như kể trên nên khi chị đem nội quy ra xét thì họ không dùng tiền này để gửi cho chánh quyền Việt Nam được và bắt buộc chấm dứt chương trình. Tiền còn lại trong ngân sách, tăng thân quyết định trao hai trăm nghìn guilders cho trẻ em đói ở Brazil qua đức Hồng Y Helda Camara, người có nhiều chương trình giáo dục bên Brazil cho trẻ em nghèo khổ. Còn lại một trăm ngàn guiders, tăng thân gửi tặng cho quý thầy Phật giáo ở Bangladesh đang lo cho hơn 300 cô nhi. Bangladesh là xứ Hồi Giáo, chính quyền Hồi đối xử rất tệ với khoảng 200 ngàn dân thiểu số theo đạo Phật ở một vùng núi nên chúng tôi giúp họ thật đúng lúc.

 

Thụy Điển, Giáo hội Lutheran và Thủ Tướng Olof Palme

Năm 1972 khi chúng tôi đi Thụy Điển để dự Hội Nghị bảo vệ địa cầu do Đại Đồng Thế Giới tổ chức song song với Đại Hội Liên Hiệp Quốc bảo vệ thiên nhiên, Thầy chúng tôi và phái đoàn có dịp gặp các vị tôn đức trong Giáo Hội Tin Lành Lutheran toàn quốc Thụy Điển. Thầy nói về những mất mát các giá trị tâm linh đạo đức nếu chiến tranh kéo dài. Mục sư Karl Axel Elmquist là người rất dấn thân, không chấp nhận chiến tranh, ông đã từng tham dự trong Chiến Dịch Stop the Killing now của Tổ Chức Lương Tâm Quốc Tế ICCV. Ông mời Thầy chia sẻ với chư tôn đức lớn trong Giáo Hội việc Giáo Hội Thụy Điển có thể làm gì giúp dân Việt Nam. Thầy dạy tôi ra trình bày những chương trình phát triển cộng đồng của Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và chương trình giúp nạn nhân chiến cuộc, cô nhi chiến tranh, cách tác viên TNPSXH ở lại với dân xây dựng lại trường học nhà cửa những nơi mới vừa bị oanh tạc như ở Trà Lộc Quảng Trị. Giáo Hội Lutheran thấy cái cách Phật tử Việt Nam hành xử với những người muốn ám hại mình gần với thánh kinh hơn là con của Ky Tô và chính quyền Thụy Điển đã không công bằng đối với dân Việt Nam. Chiến tranh tàn phá Việt Nam như thế mà chỉ giúp Miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Chính quyền Thụy Điển đã xem Việt Nam Cộng Hòa như bù nhìn nên không muốn cho Nam Việt Nam một đồng tài trợ nào hết. Tôi nói: “Khi trẻ em và người lớn bị đạn thì họ khổ đau như nhau và chúng tôi, những tình nguyện viên công tác giúp người thì không phân biệt đạn của bên này hay của bên kia. Chúng tôi băng bó, đem thuốc men, thức ăn cho nạn nhân chiến cuộc không kể bên này bên kia. Thật ra những người đi kháng chiến trong rừng sâu đâu có giữ quả phụ, cô nhi và chính con nhỏ của họ trong rừng sâu được. Chính người tác viên xã hội Phật Giáo lo hết cho những người khổ đó. Trong số trẻ em đi học ở những vùng Việt Nam Cộng Hòa cũng có những cháu nghèo không có cha, một số là con của những người theo Mặt Trận Giải Phóng đó, nhưng khi thấy các cháu thiếu ăn, đói, không có tiền cắp sách đến trường học thì chúng tôi thương và lo cho không phân biệt.” Từ từ ai cũng thấy nếu Thụy Điển thật tình muốn giúp người khổ ở Miền Nam thì phải qua Phật giáo mới thật là xác thực giúp người khổ.

Nhưng làm sao xoay ngược cả guồng máy chính quyền Đảng Xã Hội Thụy Điển? Họ gửi tôi đi gặp dân biểu thuộc Đảng thân nhà thờ. Sau đó họ lại xin hẹn cho tôi đi gặp vài dân biểu Đảng đối lập chính phủ. Cuối cùng tôi lại phải đi gặp các dân biểu Đảng cầm quyền. Mỗi khi có được cái hẹn với vài dân biểu quan trọng là họ mời tôi phải bay đi Thụy Điển để gặp cho bằng được ông hay bà ấy. Tôi ý thức rằng các vị này rất bận, chỉ cho tôi gặp tối đa năm phút và tôi chỉ có năm phút thôi để chuyển tới họ những gì cần chia sẻ. Cô gái Việt Nam áo dài tóc dài này là ai mà họ phải mất thì giờ với cô ấy? Tôi chẳng cần chuẩn bị chi cả. Tôi chỉ theo dõi hơi thở, không suy tư, để tâm cho thật an và để từ bi biểu hiện trong tâm. Thương cả mọi người, những nạn nhân chạy dưới bom đạn đã đành mà thương cả những người lính của cả hai bên. Rồi khi nhìn vào mắt vị dân biểu đó tôi chỉ nói vài câu đầu xem họ để tâm vào hướng nào và lắng nghe họ phát biểu trước, rồi nhìn sâu vào câu nói của họ tôi diễn giải thêm về hướng đó, lúc nào cũng giữ tâm thật bình an và từ bi. Năm phút mà lợi lạc cho các vị ấy vô cùng, họ hiểu và thương Việt Nam thật tình. Thế là tôi phải bay đi Thụy Điển mấy lần chỉ để thuyết phục các ông này mỗi ông vài phút. Tôi hơi tiếc tiền máy bay – 1.450 Francs vé khứ hồi trong khi tôi chỉ cần 25 Francs là giúp được một cháu mồ côi tiền ăn mỗi tháng, dù các bạn Thụy Điển trả tiền vé cũng vậy – nên tôi không vui lắm khi phải đi. Nhưng các bạn năn nỉ quá nên tôi cũng chiều. Không ngờ nhờ tôi thuyết phục được dân biểu của cả ba đảng, tại kỳ họp Quốc Hội Thụy Điển tháng sau đó, nhóm dân biểu Đảng đối lập đưa ra buộc chính phủ phải giúp chương trình an sinh xã hội tại Miền Nam Việt Nam qua Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đảng thân nhà thờ ủng hộ ngay, dù là đảng nhỏ nhưng đảng này mà ngả bên nào là bên đó thắng vì đảng đối lập và đảng cầm quyền cán cân bằng nhau. Nhờ có mấy dân biểu trong Đảng cầm quyền đã gặp tôi nên Đảng này cũng đồng ý luôn. Thế là Quốc Hội Thụy Điển chấp nhận trên nguyên tắc sẽ giúp Miền Nam Việt Nam về an sinh xã hội qua GHPGVNTN. Nhưng khi đi vào thực tế thì họ buộc các nhà thờ Thụy Điển, bạn của chúng tôi, phải làm sao có sự ưng thuận của Thủ Tướng lúc đó là ông Olof Palme, vì Bộ Swedish International Development Aid (SIDA) chuyên lo chuyện tài trợ xã hội của chính phủ không dám tài trợ nếu Thủ Tướng không đồng ý. Vậy thì phải đi gặp Thủ Tướng. Nhưng cô gái Việt Nam nhỏ xíu này là ai mà Thủ Tướng một nước chịu tiếp? Các mục sư Thụy Điển hơi bi quan, chắc không dễ gì đi gặp Thủ Tướng đâu.

May quá, có anh Bo Wickmark. Anh Bo và vợ là một cặp vợ chồng trẻ rất thích tôi, thương tôi như chị ruột, lại thuộc Đảng Xã Hội đang cầm quyền. Chắc họ không dư dả lắm nên chẳng cho tôi đồng nào nhưng lúc nào cũng sẵn sàng đưa đón tôi mỗi khi tôi sang nước này. Đảng Xã Hội đặc cách Bo làm đại diện Đảng lo liên lạc với đại diện các tôn giáo, nhờ vậy mà Bo Wirkmark có thể xin một buổi gặp mặt với Thủ Tướng cho tôi.

 

Chính trị gia” Bo Wirckmark bị bắt buộc nghe tôi hát dân ca Việt Nam.

Anh cao hơn tôi một thước, hay ít nhất cũng 90 phân, to người, tóc vàng và rất nhiệt tình. Mỗi lần nói chuyện với anh tôi phải ngước lên như nói chuyện với một cái cây! Anh say sưa lắng nghe tôi kể về tình hình Việt Nam, về công tác giúp người khổ chúng tôi làm, về cách chúng tôi chối từ bạo động, chối từ trách móc ngay cả với những người mới ám sát bạn bè mình. Anh là người giúp tổ chức cho tôi đi Thụy Điển lần đầu và nhiều lần sau này. Anh sống thanh bạch nên tuy theo Đảng Xã Hội nhưng anh quen nhiều Mục Sư Giáo Hội Lutheran. Tháng 4 năm 1971, nhân dịp lễ Phục Sinh có hội chợ khá lớn quy tụ cả ngàn người ở thành phố Uppsala, anh mời tôi đi Thụy Điển chỉ để diễn thuyết trong 4 nhà thờ lớn ở Uppsala trong ngày ấy thôi. Buổi sáng tôi lần lượt nói chuyện trong thánh đường hai nhà thờ đầu, thiên hạ tới rất đông, nhưng trưa hôm đó lúc 15h khi chúng tôi tới nhà thờ thứ ba, chỉ có chưa tới 200 người nghe. Có lẽ vì cũng cô gái Việt Nam đó, nói từng ấy chuyện, có gì hấp dẫn đâu và có người đã nghe rồi hai lần. Vì thế chiều đó, trong khi chờ ăn chiều để rồi tối tôi lại sẽ nói thêm lần nữa lúc 19h tại một nhà thờ khác, các thanh niên xách ghi ta ra khảy đàn và hát các bản nhạc dân ca. Tôi đứng nghe thấy vui vui và hỏi: Các bạn có muốn nghe dân ca Việt Nam không? – Nghe! Họ thích thú ngạc nhiên đáp. Thế là tôi tả về Hò Miền Nam. – Bạn biết không, tôi nói, khi nông dân gặt lúa trên những cánh đồng lúa vàng ở miền Nam Việt Nam, trông từ xa ruộng lúa rộng mênh mông như biển. Khi gió thổi qua mặt biển lúa chín vàng này thì ta chỉ thấy những ngọn sóng nho nhỏ nhấp nhô nhấp nhô, vui tươi… Vì thế nhạc dân ca bắt đầu bằng: Hò lơ hó lơ lắng tai nghe chúng tôi đây hò lờ. Nhịp nhạc ngắn vui như nhịp sóng lúa. Rồi tôi giải thích: Để đỡ mệt các bạn gái và trai chia ra làm hai nhóm, nhóm bên này vừa gặt vừa hát đặt câu hỏi và nhóm kia phải hát đối lại sao cho hay. Nếu không đối được thì nhục lắm. Nhưng nhờ thế mà dân ca dân gian giàu có vô cùng. Ví dụ như tất cả các cô hát: Hò lơ, hó lơ lắng tai nghe chúng em đây hò lờ. Rồi một cô hát cao một mình, đặt câu hỏi cho bên kia như: Tới đây không hát thì hò. Tất cả các cô cùng hát: A li hò lờ. Lại hát một mình: Chẳng phải con cò ngóng cổ mà nghe! Các cô cùng hát thật đông: Hò lơ hó lơ lắng tai nghe chúng em đây hò lờ.

Yên lặng khá lâu. Bên nam bỗng cất lên tiếng tất cả con trai: Hò lơ hó lơ lắng tai nghe các anh đây hò lờ! Một giọng Nam đầu đàn hát một mình: Câu hò tui để trong khạp da bò. Các anh hát chung: A li hò lờ. Hát solo: Tui quên đậy nắp… nên nó bò sạch trơn! Các anh vui mừng hát lớn: Hò lơ hó lơ lắng tai nghe các anh đây hò lờ. Và cứ thế đối đáp qua lại bằng lời hát kéo dài suốt thời gặt lúa nên quên mệt vì có niềm vui. Còn nếu như chèo ghe chở lúa trên sông, đi suốt đêm buồn ngủ, người ngồi ghe hay hát những điệu kéo dài như những con kinh của Miền Nam: Hò hò o ò ó o o ớ ơ hò, nhà be ènước chảy ảy y y ý chia a á đôi.. ối ôi ôi ôi. Cũng hát đối đáp để ghe bên kia đáp cho vui mà quên cái mệt vì chèo ghe suốt đêm. Rồi tôi kết luận: Nhưng đã lâu lắm rồi, dân quê chúng tôi không còn hát nữa. Trông cho lúa chín mau mau, đi gặt suốt ngày, gặt suốt đêm, im thin thít gặt cho nhanh, lặng lẽ đào hầm chôn dấu cất gạo kẻo đạn bom tới đốt cháy tan nát hết. Rồi chồng chết, vợ chết, con chết, nhà cháy… còn lòng dạ nào để hát?

Nói xong tôi nhìn quanh, ồ thiên hạ tập họp hơn bốn trăm người… nhiều hơn cả 300 người mỗi nhà thờ lúc buổi sáng. Im lặng rất lâu trong sự bồi hồi vì hình như giọng nói tôi chấm dứt có nghẹn ngào và mắt tôi có ướt. Chiều đó thay vì nói về tình hình Việt Nam, tất cả ban tổ chức đề nghị tôi hát dân ca và chỉ nói ngắn gọn về Việt Nam thôi. Và tối đó có hơn một ngàn người tham dự. Kinh nghiệm này khiến Bo Wirmark hết khuyên tôi đừng hát trong nhà thờ nữa. Trước đó anh nói: Mục Sư chỉ nhường cho chị có 15 phút. Nếu chị mà hát là mất hết 4 phút rồi, không có giờ cho thiên hạ nghe về thực tại Việt Nam.

Bài tôi thường hát trong các nhà thờ mà được các linh mục và mục sư đều thích là Đêm Cầu Nguyện (thơ và nhạc của Thầy): Giờ phút linh thiêng, gió lặng chim ngừngTrái đất rung động bảy lần khi bất diệt đi ngang dòng sinh diệt… Bàn tay chuyển pháp trong hương đêm tinh khiết… ấn cát tường nở trắng một bông hoa… Thế giới ba ngàn đồng thanh ca ngợi, đồng thanh ca ngợi, văn Bụt Thích Ca—Nam mô đức bổn sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. Đêm nao, từ trời Đâu Suất nhìn về, chư thiên thấy địa cầu quê hương tôi sáng hơn vì sao sáng… và tinh tú muôn phương chầu về… cho đến khi vừng đông tỏa rạng. Cho đến khi Vườn Lâm Tỳ Ni biến thành chiếc nôi êm chào đón Bụt sơ sinh. Nam mô đức Bụt Thích Ca Mâu Ni. Nhưng đêm nay, từ địa cầu quê hương tôi… loài người mắt lệ rưng rưng hướng cả về mấy từng trời Đâu Suất… Tiếng kêu khóc của sinh linh ngã gục dưới bàn tay ma vương, dưới bàn tay bạo lực căm thù. Trong bóng đêm loài người quê hương tôi đã mòn mỏi mong chờ… giờ mầu nhiệm để vô biên hé mở… Cho bóng tối tan đi với niềm lo sợ, cho Hội Long Hoa về, Nam Mô Đức Bụt Di Lặc sẽ hạ sanh trong tương lai. Cho Hội Long Hoa về… để pháp âm tiếp nối bằng lời ca tiếng hát em thơ.

 

Làm sao mà gặp được Thủ Tướng?

Tôi nghĩ đến Bo Wirmarck vốn vẫn khoe với tôi là anh thuộc đảng Xã Hội, anh không theo đạo nhưng nhà thờ nào cũng thương anh vì anh là Ủy Ban liên hệ với các nhà thờ của đảng Xã Hội. Tôi điện thoại cho Bo. – Hả, chị cần gặp Olof Palme hả? Ôi dễ ợt, bạn em mà. Đúng thế, 15 phút sau Bo điện thoại lại: – Thủ Tướng đồng ý gặp chị ngày thứ ba tuần sau. Vậy chị phải bay sang đây ngày thứ hai nhé!

Khi gặp Thủ Tướng Olof Palme, tôi chẳng chuẩn bị chi cả, chỉ chuẩn bị ngồi yên, thở cho bình an cho khoẻ nhẹ và tươi mát. Tôi biết đảng này không ưa tôn giáo nên tôi mời ông tự đặt mình trong da thịt một người trẻ như tôi, lớn lên trong không khí chiến tranh giết chóc và muốn làm cái gì ích lợi cho bao nhiêu người không may mắn. Nhưng khi thấy các chính trị gia xung quanh tôi dữ quá, tôi phải nương tựa nơi hiền nhất là các ông thầy tu. Vậy thôi, tôi không dùng tôn giáo khi đi công tác giúp người khổ để rủ người ta vô đạo Phật. Tôi chỉ cần thực tập pháp môn tu tập của Bụt để giúp tôi có bình an thôi. Rồi tôi chia sẻ ngắn gọn cho ông biết tôi bắt đầu giúp trẻ em đường phố từ hồi còn nhỏ xíu ra sao, rồi tôi vào Làng Cầu Kinh, Thảo Điền giúp thiên hạ bỏ rượu đi trồng thêm hoa mầu phụ ra sao, tôi ngăn được các anh lính Mỹ vì sợ hãi, vì không biết tiếng Việt, vì hoảng hốt… thoát được rủi ro nhả đạn vào nông dân một làng không xa thành phố như Làng Thảo Điền ra sao, rồi khi tôi có mấy trăm người bạn trẻ cùng đi phụng sự ở thôn làng xa bị thiên hạ giữa đêm mang mặt nạ vào bắt cóc, ném lựu đạn hay dẫn ra bờ sông bắn chết ra sao, và chúng tôi vẫn một niềm tin lớn là kẻ thù chúng ta không phải là con người mà là cái thấy sai lầm (tưởng sai) của họ về chúng tôi, chúng tôi là người A mà người ám sát tưởng là B nên nhất định giết… còn người Mỹ và các nước Tây Phương muốn thương Việt Nam mà không hiểu nên làm khổ dân Việt Nam ra sao. Buổi hẹn chỉ được 15 phút nhưng tôi ngồi 30 phút và ông chăm chú nghe, ngạc nhiên và trầm ngâm, ông ra lệnh dời buổi hẹn kế trễ hơn. Cuối cùng tôi biết không nên lạm dụng lòng tốt của ông nên tự ngưng sau 45 phút. Ông rất cám ơn tôi đã mở mắt cho ông nhiều điều mới về tình hình Việt Nam. Dĩ nhiên là ông Olof Palme đồng ý cho bộ phận Bộ Ngoại Giao chuyên lo về giúp các nước phát triển (Swedish International Development Aid hay SIDA) giúp Phật Giáo ngay!

Ngày tôi đi gặp 8 chuyên viên của nhóm Swedish International Development Aid, ai cũng rất thích thú. Các chuyên viên này hỏi những câu rất khó về công tác cộng đồng nhưng đó là “nghề” của tôi nên tôi chia sẻ hết lòng, khiến họ nghe mà mắt cứ sáng lên. Họ nói họ giúp Việt Nam từ bao nhiêu năm mà nay mới nghe được những tình tiết tế nhị và cách làm việc giúp người khéo léo sát thực tế như thế. Tuy nhiên, khi mọi người đều hài lòng về các câu trả lời của tôi thì Bộ SIDA này vướng vào một khó khăn căn bản. Họ nói “cho tới nay luật chung là một chính phủ chỉ giúp một chính phủ, thà Phật Giáo có một chính phủ gọi là chính phủ lực lượng thứ ba thì chúng tôi giúp tiện hơn”. Nhưng tôi thưa: thầy chúng tôi nói rõ ràng là Sẽ không bao giờ có chính phủ của lực lượng thứ ba. Chúng tôi chỉ muốn có con đường thứ ba, con đường hòa giải mà anh em cùng là dân Việt chấp nhận nhau, mỗi bên nhường một chút để chấm dứt chiến tranh, không cho người ngoại quốc Mỹ, Úc, Đại Hàn… không hiểu văn hóa Việt, chen vào tàn phá ngày càng nhiều những gia sản tâm linh, văn hóa của dân tộc chúng tôi. Tôi cũng nói tôi ra đi kêu gọi giúp đỡ Việt Nam ngưng chiến và giúp nạn nhân chiến cuộc và sẵn sàng nhận tiền từ Chính Phủ Thụy Điển, nếu là tiền từ chính phủ Hoa Kỳ hay các nước có gửi vũ khí tới để kéo dài chiến tranh thì chúng tôi không nhận được. Tại vì chúng tôi thấy có cái gì quá vô lý khi quân đội của nước ấy bỏ bom tan nát nhà chúng tôi, rồi bộ Xã Hội của nước ấy cho gạo cho tiền để xây dựng lại. Chúng tôi không thể nhận đồng tiền ấy. Các bạn trong chính quyền Thụy Điển rất tâm đắc về điều chia sẻ này.

Cuối cùng họ tìm ra giải pháp: Chính Phủ Thụy Điển sẽ giúp đỡ thông qua nhà thờ Lutheran. Số tiền mà Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Xã Hội của GHPGVNTN cần, họ sẽ cho 75% của dự án và nhà thờ phải lạc quyên quần chúng nhà thờ cho 25% còn lại. Đợt đầu họ ủng hộ xây ba trung tâm Tái Thiết và Phát Triển của GHPGVNTN ở ba nơi là Tánh Linh, Quảng Nam và Quảng Trị với số tiền 1.500.000Kr Thụy Điển (khoảng 300.000 dollars). Nhà thờ Lutheran gửi qua trương mục ngân hàng đứng tên Hòa Thượng Thích Thiện Hòa ở Sài Gòn. Thầy Tổng Thư Ký Thích Châu Toàn và anh em TNPSXH thì làm dự án. Hai Hòa Thượng lớn Thiện Minh và Huyền Quang cùng ê kíp của quý thầy thanh tra duyệt xét và TNPSXH lấy tiền ra từng đợt theo tiến trình của công tác.

Vì thấy có chính phủ Thụy Điển giúp nên nhóm chính khách không thuộc bên này hay bên kia và tự xưng thuộc Lực Lượng Thứ Ba rất muốn chen vào Ủy Ban để có chân đứng quốc tế. Các ông chẳng biết công tác nào cả nên không được công nhận và vì thế sinh tâm ganh ghét, nói xấu và chụp mũ “GHPGVNTN đã bị Mỹ mua rồi, tham nhũng lắm. Tiền chính quyền Thụy Điển gửi qua Việt Nam các ông dùng mua xe Mercedes đi chơi!!!…”

Tháng 11 năm 1974, một tờ báo không dễ thương viết một bài báo nói xấu rằng Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển của Giáo Hội Ấn Quang xài tiền bạc lem nhem. Ngay ngày hôm sau, một cựu dân biểu của Việt Nam Cộng Hòa đang ở Thụy Điển dịch bài báo ra tiếng Thụy Điển và trao ngay cho Swedish International Development Aid (SIDA). Anh Bo Wirckmark, đại diện cho đảng cầm quyền điện thoại cho Phái Đoàn – hơi hoảng hốt – báo tin về bài báo mà SIDA mới nhận được đã dịch sẵn ra tiếng Thụy Điển. Tôi xin anh cứ bình tĩnh, nên trở về với hơi thở và mỉm cười đi, không nên hoảng hốt. Tôi nói: “Tuy ở đây nhưng tôi liên lạc thường xuyên và biết các bạn ở Việt Nam làm việc giỏi lắm. Không tỳ vết đâu. Anh nên chuẩn bị một phái đoàn Thụy Điển gồm các vị mục sư của Giáo Hội Lutheran và vài vị trong SIDA đi thăm Việt Nam mà quán sát nhé, tôi tin là anh sẽ vui khi thấy công việc tái thiết mà SIDA giúp đang tiến hành tốt đẹp”. Ba hôm sau, Phái Đoàn Thụy Điển đến Việt Nam. Thầy Châu Toàn đưa đoàn đi xem công tác ở Tánh Linh, Quảng Phước, trung tâm Quảng Nam và Quảng Trị. Họ rất ngạc nhiên khi thấy dự án thực hiện nhanh như thế. Tiền chính phủ Thụy Điển gửi về mới sáu tháng mà ba trung tâm định cư đã thành hình: trung tâm Tánh Linh do chính anh em tác viên TNPSXH thực hiện, trung tâm Quảng Nam do TNPSXH hợp tác với Gia Đình Phật Tử với sự đỡ đầu của Thượng Tọa Long Trí, và trung tâm Quảng Trị do Thượng Tọa Chánh Trực. Sổ sách quá phân minh (thầy Huyền Quang thì kỹ lưỡng vô cùng về mặt này, TNPSXH còn kỹ hơn nữa, có ban kiểm soát do hai vị tôn đức Huyền Quang và Thiện Minh nên lại càng chặt chẽ). Ông Phan Quang Đán, bộ trưởng Xã Hội của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, xin phép đi xem khu định cư Tánh Linh của TNPSXH thuộc Ủy Ban để rồi so sánh và trách nhân viên Bộ Xã Hội của chính phủ sao thực hiện quá lâu. Dự án của chính phủ được thực hiện ở gần đó, bắt đầu hơn năm nay mà chưa có gì. Ở vùng Tánh Linh, Quảng Phước, Phước Tuy, anh em đã cùng dân di cư xây xong 300 ngôi nhà bằng tre và tranh, có vườn rau cải, có giàn đậu, giàn bí, bầu leo quanh hàng rào nhà, bầu đang có trái đong đưa. Giữa trung tâm có nhà giữ trẻ, trường học, trạm xá. Ông Phan Quang Đán cứ xuýt xoa khen Phật giáo làm nhanh và làm giỏi quá. Ông nói “Thanh niên thiếu nữ TNPSXH nhỏ xíu như kia, lương tiền không có gì ngoài cơm canh rau, làm ngày làm đêm hay sao mà nhanh và đẹp quá. Có bí mật nào xin mách cho chúng tôi, Bộ Xã Hội, với! (Ông Bộ Trưởng đâu có biết anh em chúng tôi được nuôi bằng bồ đề tâm, bằng những bài thơ của Thầy, chia sẻ lòng thương nước thương dân, ngọn lửa bồ đề tâm đó đâu có lương tiền nào mua được!) Phái Đoàn Thụy Điển thì mừng rỡ vô cùng. Họ cứ suýt soa “Từ trước tới nay, chính phủ chúng tôi chỉ giúp chính quyền Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, các bạn ấy lấy cớ là vì làm du kích nên tiền bạc không bao giờ báo cáo rõ ràng và công tác không bao giờ thấy rõ được như vầy, chỉ thấy mờ mờ qua hình họ chụp gửi tới thôi. Chưa bao giờ mà chúng tôi hài lòng thế.”

Đi thăm Quảng Nam, thầy Long Trí giải thích lý do dự án ở đây chậm hơn ở Quảng Phước là vì vùng này chưa được an ninh lắm. Phật tử căng dây chia đất thì nghe tin đoàn quân chính quy Miền Bắc đang di chuyển tới gần Trung Tâm Định Cư của Phật Giáo. Anh em TNPSXH lo quá, đến cầu cứu với Thượng Tọa Long Trí. Thầy và chư tôn đức vùng này đã lập trường học miễn phí dạy dỗ trẻ em ở đây, lập Gia Đình Phật Tử Quảng Nam hơn 30 năm qua. Các em này khi lớn lên, có em đi du kích, có em theo quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Thầy âm thầm đi thương thuyết để quân du kích xoay hướng, đi ra xa vùng Trung Tâm định cư, tránh oanh tạc cơ có thể bỏ bom tan nát Trung Tâm này. Các anh du kích đồng ý với điều kiện thầy phải thuyết phục đồn cảnh sát công an và đồn quân đội Việt Nam Cộng Hòa rút ra khỏi trung tâm. Thầy lại qua bên Quốc Gia để thương thuyết, và khi hai đồn của Quốc Gia rút ra khỏi trung tâm thì cuối cùng trung tâm mới yên mà vào việc. Vì thế mà trễ hơn Quảng Phước. Trung Tâm định xây ở Quảng Trị thì tuy là Hòa Ước đã ký ở Paris nhưng những trận đánh lớn quanh Quảng Trị còn dữ dội quá nên chúng tôi chỉ kịp bàn bạc trên nguyên tắc là sẽ làm vùng Hải Lăng này, cũng có thể sẽ đổi sang vùng khác như khẩn đất ở Cam Hiệp, Cam Ranh chẳng hạn và đưa ba trăm gia đình vào đây lập nghiệp với sự hỗ trợ của chương trình. Tôi cho các bạn Thụy Điển biết vì đây là Trung Tâm do các bạn tài trợ nên các bạn được nghe kỹ và tưởng chỉ có nơi này là đặc biệt thôi. Thật ra quý thầy trong GHPGVNTN khi nào có dịp là cứ âm thầm thương thuyết như thầy Long Trí đã thương thuyết vừa qua.

Thế là nhờ bài báo trên báo Đại Đoàn Kết nói xấu và chụp mũ Ủy Ban mà Phái Đoàn Thụy Điển sang thăm và khâm phục, quay rất nhiều phim, chụp khá nhiều hình và quyết định sẽ tặng thêm 10 triệu Krones tức là 2 triệu mỹ kim cho Ủy Ban trong đợt tới, xuất tiền vào tháng 5 năm 1975. Thế là “rác” (bị chụp mũ tiền bạc lem nhem) đã biến thành “hoa” (sự khâm phục của Phái Đoàn Thụy Điển sau khi tìm hiểu, xét sổ, khảo sát tại chỗ). Nhưng lúc đó là đã tháng 3 năm 1975. Ủy Ban chưa kịp gửi kế hoạch và dự án mới ở 2 địa điểm Quảng Ngãi và Thừa Thiên để sử dụng 10 triệu Krones đó thì Quảng Trị lửa đỏ, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa bỏ Vùng Một Chiến Thuật tháo quân về Nam và chỉ trong vòng một tháng cả 42 tỉnh Miền Nam thuộc Việt Nam Cộng Hòa bị bắt buộc phải đầu hàng Miền Bắc. Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Xã Hội của GHPGVNTN không nhận tiền chính phủ Thụy Điển được nữa vì quý thầy đã bị ngưng hết các hoạt động.

Chương trình giúp cô nhi chiến tranh rất đẹp. Tính tới tháng 4 năm 1975 chúng tôi đã tìm ra được 14.000 người bảo trợ từ Hà Lan, 2.000 từ Thụy Sĩ, 3.000 từ Pháp, 1.000 bên Anh, 1.300 người ở Hoa Kỳ và vài trăm người bảo trợ ở những nước mình không có người địa phương giỏi như Ý, Tây Ban Nha, Đức.

 

 

 Phát 5.000 cái mền của Thụy Điển tặng

 

Nói chung, hơn 20.000 người bảo trợ chương trình này là 20.000 nhịp cầu nối 20.000 cô nhi Việt Nam với 20.000 trái tim người phương Tây.

Ngồi yên và nhìn sâu tôi thấy được Miền Nam như một ngôi nhà với 42 cột nhà hùng tráng. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khi hay tin Quốc Hội Hoa Kỳ đòi cúp một phần viện trợ Miền Nam đã máy móc tính rằng nếu bớt viện trợ từng ấy tiền thì Miền Nam phải bỏ bớt vài tỉnh cho lọt vào tay Miền Bắc để Hoa Kỳ thấy rõ điều lợi hại. Nhưng ông Thiệu không thấy rằng cả khu nhà không thể nào đứng vững nếu lấy bớt chỉ ba cái cột trong 42 cột. Nó mất thăng bằng ngay và toàn ngôi nhà sụp đổ nhanh chóng.

 

 

 Các sư cô ngồi yên nhìn ngôi nhà Việt Nam sụp đ