Lời giới thiệu

Tôi thường học hỏi được rất nhiều từ những học trò của tôi. Với tôi, học trò cũng là thầy. Sư cô Chân Không là một trong những người ưu tú nhất trong số những học trò như vậy. Để tôi kể cho quí vị nghe một trong những bài học quan trọng mà tôi đã học được từ sư cô. Đó là vào năm 1966. Cuộc chiến tại Việt Nam đang càng ngày càng khốc liệt. Tôi mải miết nghĩ cách để vận động nhiều vị tôn đức trong Giáo Hội chịu cùng đứng ra kêu gọi chấm dứt chiến tranh, và nhiều khi không thể nuốt trôi miếng cơm nào mỗi khi nghe tin một trận chiến khốc liệt vừa xảy ra. Bữa đó, tại chùa Pháp Vân ở Phú Thọ Hòa, sư cô Chân Không, đang chuẩn bị một dĩa rau thơm cho món phở, sư cô quay qua hỏi tôi: “Bạch Thầy, Thầy có thể cho con biết những loại rau thơm này ở miền Bắc gọi là gì không?” Nhìn sư cô đang cẩn trọng đặt những nhánh rau vào chiếc dĩa lớn với tất cả sự chú tâm, tôi bỗng bừng tỉnh. Sư cô có khả năng duy trì sự chú tâm vào những cọng rau thơm. Và tôi nhận ra rằng tôi cũng nên học để tâm tới những nhánh rau, chứ không phải chỉ nghĩ về chiến tranh mà thôi. Thầy trò chúng tôi trao đổi với nhau mười phút về những loại rau thơm ở miền Nam, Trung và Bắc. Tâm trí tôi thoát khỏi những suy nghĩ về cuộc chiến trong khoảng thời gian đó đủ giúp tôi lấy lại được sự cân bằng mà tôi đang rất cần. Năm 1968, khi sống ở miền Nam nước Pháp, tôi đã phát hiện ra những loại rau thơm của vùng Provence với tất cả sự chú tâm và thích thú.

Nhiều năm sau, một người bạn Hoa Kỳ hỏi tôi: “Thưa Thầy, Thầy trồng rau xà lách làm gì cho mất thời gian. Thầy dành thời gian đó để làm thơ có hơn không? Ai mà không trồng được rau xà lách, nhưng ít ai có thể sáng tác những bài thơ sâu sắc như thơ của Thầy.” Tôi mỉm cười đáp: “Bạn ơi, nếu tôi không trồng những cây xà lách thật chánh niệm như vậy thì tôi không làm ra những bài thơ như vậy được.” Tôi đã không tiết lộ rằng câu trả lời của tôi có xuất xứ từ bài học với sư cô Chân Không mười hai năm trước. Cho đến hôm nay, tôi vẫn tiếp tục học từ sư cô. Một vị thầy luôn nên có khả năng làm học trò và một đệ tử cũng luôn phải cùng lúc làm thầy. Nhớ được điều này, cả thầy và trò sẽ cùng lợi lạc.

Điều khiến tôi khâm phục nhất ở sư cô là khả năng sống an lạc và hạnh phúc. Niềm tin vững chắc của sư cô đối với giáo pháp ngày càng được củng cố khi sự tu tập không ngừng mang lại cho sư cô hoa trái của chuyển hóa, chữa trị và niềm vui. Sự vững chãi, an lạc và hạnh phúc của sư cô là nguồn động viên nhiệm màu cho rất nhiều các bạn ở Làng Mai cũng như trong đại gia đình tăng thân. Nguồn vui của sư cô là làm việc giúp người và giúp chuyển hóa xã hội. Nằm sâu bên trong những công tác của sư cô là một tình thương lớn và sự quan tâm sâu sắc. Chân Không cũng có nghĩa là tình thương đích thực. Câu chuyện cuộc đời sư cô vượt xa những gì ngôn từ có thể diễn tả, đó là cả một bài Pháp sống.

Thật tiếc là cuốn sách này còn quá ngắn, không chuyển tải hết sự sâu sắc và sống động những gì sư cô đã đi qua. Sư cô còn rất nhiều chuyệnđể kể cho chúng ta, có thể dài gấp 10 lần cuốn sách này. Nhưng sư cô là một nhà hoạt động xã hội hơn là một nhà văn, và hiện tại chúng ta phải bằng lòng với tác phẩm này thôi. Nếu có cơ hội tiếp xúc với sư cô, quí vị đừng quên xin sư cô chia sẻ cho nghe những kinh nghiệm của sư cô. Quí vị sẽ học hỏi được rất nhiều. Sư cô đích thực là một vị bồ tát.

Thích Nhất Hạnh

Làng Mai, Pháp Quốc

Tháng Năm, 1993