Thả bước đi về

Sư cô Như Hiếu

Năm nay, sinh nhật cây Hồ Đào tròn mười tuổi thì tôi, cũng đã theo Thầy và tăng thân tu tập được mười năm (tôi qua Làng trước một ngày xuất gia của các sư em cây Hồ Đào). Mười năm. Nhanh quá!

Tôi vẫn còn nhớ những ngày sắp rời chùa để sang Làng tu học, một số rất ít người biết tôi nghỉ học đã thắc mắc rằng tại sao tôi lại bỏ học ngang mà đi như vậy và khuyên tôi nên tiếp tục học cho xong khóa Phật học viện. Nhưng khi biết tôi đã quyết định đi thì mọi người chỉ biết lắc đầu, thở dài buông một câu “thiệt không thể hiểu nỗi…” Thật sự thì tôi đâu có bỏ học nửa chừng, tôi chỉ thay đổi cách học thôi mà. Nhưng tại sao tôi phải thay đổi cách học. Mỗi người có một cách nhận xét về tôi.

Tâm Ban Đầu

Mọi cái bắt đầu thật đẹp!

Bước vào một cuộc sống mới, cuộc sống của một người xuất sĩ với những ngày đầu, mọi cái đối với tôi thật đơn giản. Thời gian đầu ấy, hầu như tôi không biết đến nhu cầu cá nhân là gì ngoài việc học kinh, tụng kinh, làm những gì sư phụ chỉ bảo và đến trường. Tôi rời nhà vì mục đích muốn trở thành người tu và khi được chấp nhận ở chùa, chỉ cần được tu thôi, tôi thấy mình may mắn lắm rồi. Thức khuya dậy sớm tụng kinh, chấp lao phục dịch, bị quở phạt, v.v.. tôi không thấy có gì phiền hà cả. Tâm phán xét, buộc tội, so sánh hơn thua, thị phi nhân ngã… đã bị sức mạnh của Bồ đề tâm quy phục. Cho đến khi tôi được đi học và tiếp xúc với bên ngoài.

Ước mơ của người trẻ

Thả bước đi về.1Mười năm về trước, tôi là một tu sĩ trẻ và bây giờ tôi vẫn thấy mình còn trẻ như thường mặc dù các sư em tôi thường ưa đùa nghịch đã liệt tôi vào “Hội người cao tuổi” (so với các sư em nhỏ thôi). Những người trẻ thường có nhiều ước mơ và hoài bão lắm. Cũng như những người trẻ, thuở còn là ni sinh của trường Phật học (cách gọi các sư cô còn đi học), tôi cũng có những ước mơ như hầu hết các bạn đồng tu: Làm một điều gì đó có ích cho mình, cho đạo và cho xã hội. Và lúc ước mơ trong mình đã đủ lớn thì ước muốn thực hiện ước mơ trong mình cũng lớn lên theo.

Những lúc thay giờ đổi tiết học, chúng tôi thường có những buổi “đàm đạo hành lang”, nói lên ước mơ của từng người và đưa ra những mục đích của mình cũng như dự tính đến những điều sẽ làm sau khi tốt nghiệp các khóa học. Người thì muốn đăng ký học thêm lớp dịch thuật kinh điển, người thì muốn ra trường nếu được đề cử thì đi dạy ở trường Cơ bản hay Trung cấp Phật học, người thì muốn tiếp tục du học, lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ Phật học hoặc đăng ký tiếp một khóa học nào đó, ngôn ngữ chẳng hạn; nhưng cũng có người thì không muốn chi cả, sau khi tốt nghiệp thì về chùa tu tập thôi. Còn riêng tôi, khi được hỏi như vậy thì tôi đã hỏi lại các bạn tôi rằng: “Nếu chỉ còn hai năm để sống thì nên chọn học tiếp hay trở về tu thôi?” (vì chúng tôi còn hai năm học nữa mới tốt nghiệp) Bạn tôi chọn phương pháp hai: “Trở về tu thôi!” Và cuộc đời của tôi chuyển hướng bắt đầu từ câu trả lời ấy. Đó là thời gian chúng tôi đang học lớp Học viện Phật giáo tại Huế (Cử nhân Phật học).

Học

Tôi đi tu lúc còn nhỏ nên khi vào chùa phải đi học một lần hai chương trình vừa Nội điển vừa Ngoại điển. Huế cái thời tôi, nếu muốn được trình Điệu (tập sự) thì phải có bằng cấp Hai (lớp 9) và muốn thọ giới Lớn phải tốt nghiệp phổ thông Trung học (lớp 12). Sau này còn có một điều lệ mới là muốn thọ giới Lớn thì phải có bằng Trung cấp Phật học, điều này tôi mới được biết cách đây ba năm khi tôi trở về sống ở Huế. Chùa tôi làm ruộng và làm rẫy. Đi học về, tôi tranh thủ cùng các chị em ra vườn hay làm vườn xong thì tôi tranh thủ vào học bài. Thường thì tôi học bài trong khi làm việc hoặc trên đường tới trường. Tôi thường viết bài ra giấy, có khi còn viết ở tay. Ngồi se nhang, quét sân, tưới cây, cuốc đất hay đạp xe tới trường tôi đều tranh thủ học bài. Mọi thời gian hầu như tôi chỉ dành cho việc học và gần như quên hết những gì xung quanh.

Tôi cũng biết yêu thích thiên nhiên, vẫn thấy trăng đẹp, gió mát, vẫn rung động trước cái đẹp của một bông hoa đang nở, v.v.. nhưng tôi gần như không có đủ thời gian để thưởng thức, để nhìn sâu vào mọi sự mọi vật. Ngay cả những khó khăn của tôi, tôi cũng phớt lờ nó vì lý do không có đủ thời gian học bài, đó là do tôi thấy vậy thôi. Việc học đã kéo tôi ra khỏi đời sống hiện tại. Tôi, một người tu sĩ trẻ thời đó, một ngày hai thời kinh sáng tối, đi học và làm việc chùa.

Tuổi trẻ của tôi đi qua với các chương trình học: Chưa xong chương trình phổ thông Trung học lại thi vào các khóa Cơ bản Phật học, Trung cấp Phật học, Học viện Phật giáo. Chưa đủ, trong lúc học các chương trình ở trường, một vài chị em chúng tôi còn rủ nhau đăng ký một chương trình Phật học hàm thụ bốn năm trên Nguyệt san Giác Ngộ hay những môn học thêm vào buổi tối. Thời gian cứ thế đi qua, tôi không có mặt cho Thầy, huynh đệ và những gì xung quanh tôi đã đành, ngay cả chính tôi, tôi cũng không có mặt cho chính mình. Tôi bỏ bê việc tự chăm sóc mình cho đàng hoàng, có những lúc tôi chỉ ăn qua loa tô mì gói hoặc nhịn đói để kịp giờ đi học.

Ở đời, người ta vì danh lợi, vì công ăn việc làm, vì chưa có cơ hội học hỏi và thực tập những lời Bụt dạy nên họ chạy theo cái học, cái bằng cấp đã đành. Còn tôi, một người xuất sĩ, trên danh nghĩa là “thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp” (luôn luôn nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui với đời đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ và giác ngộ), ấy vậy mà tôi đã để cho cái học lôi kéo.

Tôi cứ tưởng cần có trí tuệ thì phải học nhiều thứ. Tôi đã hiểu sai lời Bụt dạy. Cái tuệ mà Bụt dạy là cái tuệ giác, tuệ giác tức là sự giác ngộ do công phu tu học, do sự quán chiếu về bản chất của những gì xảy ra xung quanh và bên trong mình mà đưa đến cái “Thấy”. Cái thấy ấy là tuệ giác của đạo Bụt, là sự nghiệp của người tu, sự nghiệp giác ngộ. Những gì tôi đã học ở trường chỉ là kiến thức, kiến thức và tuệ giác không giống nhau chút nào, bởi kiến thức thật sự không giúp tôi xử lý được những cảm thọ và khó khăn trong tôi, dù là kiến thức Phật giáo.

Con người cần có kiến thức để giúp cho sự hiểu biết thêm rộng rãi. Kiến thức không có hại, không xấu xa, nhưng nếu không áp dụng cái hiểu của mình để quán chiếu vào những đối tượng nhận thức, để giúp mình xử lý những cảm thọ, tri giác, những khó khăn đến với mình thì kiến thức ấy cũng không giúp gì cho sự nghiệp giác ngộ mà ngược lại, nó trở thành một chướng ngại rất lớn trong sự tu học của mình. Chữ giác ngộ mà tôi muốn nói ở đây là khả năng nhận ra các nguyên nhân đưa đến những khó khăn và trở về thực tập chuyển hóa chúng để lòng mình được thư thái nhẹ nhàng.

Có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi bởi suốt ngày đêm vừa học vừa làm. Đầu óc tôi có lúc căng lên và muốn nổ tung ra, nhất là trong những kỳ thi cử xảy ra với thời điểm vụ mùa, Tết đến. Có lúc tôi tự hỏi ai đã bắt tôi phải trở thành một người bận rộn như vậy, và rồi câu hỏi vẫn bị bỏ qua một bên và tôi, tôi vẫn đi tiếp về phía học. Tôi chưa bao giờ chán học, kể cả bây giờ. Mọi chuyện học hành của tôi khá thuận. Thầy và huynh đệ luôn yểm trợ cho việc học của tôi, nhất là khi tôi đã thọ giới Lớn và vào Phật học viện thì ít phải làm việc tay chân. Nhưng không vì vậy mà áp lực của việc học trong tôi giảm bớt, tôi vẫn thấy con đường tu học của mình quá mơ hồ và thấy thiếu thiếu một cái gì đó chưa rõ ràng lắm.

Một buổi tối, đến phiên tôi lên chánh điện (ngủ để giữ chùa), tôi ra trước chánh điện ngồi học bài dưới ánh sáng của cây đèn Dược Sư. Ngước nhìn lên tượng đức Bổn Sư, tôi thấy vòng hào quang cứ chớp liên tục với những đường tia đủ màu sắc. Tôi không thấy đẹp chút nào, có lẽ do thức khuya nên khi nhìn một hồi tôi bỗng thấy hoa mắt. Tôi đứng dậy và đi đến cái công tắc điện, tắt đèn hào quang và trở lại vị trí cũ. Bức tường phía sau tượng Ngài được làm bằng gỗ mun đã trở lại nguyên màu. Ngài ngồi đó bình an với nụ cười hàm tiếu, nhìn lên tượng Bụt, tôi bỗng thấy lòng mình nhẹ nhõm vô cùng. Tôi nhìn lại việc học của tôi và tự hỏi có phải nó cũng là một vòng hào quang giả đang xoay chuyển ngày đêm không ngừng và làm cho tôi chóng mặt, mệt mỏi? Tại sao tôi chưa chịu tìm đến cái công tắc của tôi? Tại sao tôi chưa chịu bấm nút “dừng lại” mà cứ để cho nó xoay vần hoài vậy?

Ngồi nhìn lại những năm tháng đi qua trong cuộc đời tu của mình, tôi bỗng thấy mình quá bận rộn. Tôi chưa bao giờ có mặt thật sự mỗi khi các sư em tôi đến với tôi. Và tôi, tôi cũng chưa bao giờ tìm tới với các sư chị tôi để chia sẻ những gì trong lòng mình. Mọi khó khăn gặp phải trong cuộc sống tôi đều chôn vùi nó xuống dưới chiều sâu tâm thức, nói rõ hơn là tôi chưa mở lòng ra được với các huynh đệ của tôi. Nhìn lại kết quả của những năm tháng tu học, tôi thấy lòng mình trống rỗng.

Tôi thấy mình trống rỗng là bởi những khó khăn đến với tôi, tôi không có cơ hội nhìn lại để tìm ra nguyên nhân của chúng, để chuyển hóa cho lòng mình được nhẹ nhàng hơn mà thường thì tôi đổ lỗi cho người này người kia. Không chia sẻ ra được nhưng cũng không tự mình chuyển hóa những khó khăn nên mọi chuyện tồn đọng lâu ngày đã khiến tôi trở nên bệnh hoạn. Và, Bụt ơi! Cái tôi cảm thấy thiếu thiếu ấy là sự thảnh thơi và cuộc sống nhẹ nhàng của một người xuất sĩ.


Những người chưa hiểu Bụt đã tự gắn cho Ngài vòng hào quang đã đành. Còn tôi, tôi cũng chưa hiểu tôi và tự đi gắn cho mình một vòng hào quang giả mới tội nghiệp chứ. Ai bắt tôi phải học cái kiểu này? Ước mơ được sống một cuộc sống nhẹ nhàng, thảnh thơi vẫn còn đây, tại sao tôi không bắt đầu, tôi còn đợi đến bao giờ? (Thời gian này tôi đã tự thực tập theo pháp môn của Làng do quý thầy quý sư cô giáo thọ về hướng dẫn ở chùa Từ Hiếu).

Tự hỏi mình nhưng mọi cái không đơn giản, để thực hiện những ước mơ mà mình ấp ủ đôi lúc không dễ dàng chút nào, có khi phải đánh đổi rất nhiều thứ. Và tôi đã phải đánh đổi thật.

Thời gian này sức khỏe của Sư Bà tôi khá yếu. Hôm trước ngày đi, tôi ra liêu ở chơi và ngủ lại đêm với Sư Bà và đó cũng là những giờ phút cuối cùng Thầy trò tôi được ở bên nhau (tôi qua Làng được một năm rưỡi thì Thầy tôi viên tịch). Tình Thầy trò mười mấy năm sống bên nhau, nay tôi lại rời Thầy ra đi theo sự lựa chọn của riêng mình trong lúc sức khỏe Thầy đang xuống, nước mắt tôi như chực trào ra. Linh cảm như báo trước cho tôi biết lần ra đi này rất có thể tôi sẽ không còn cơ hội được ngồi bên Thầy trong ngày trở lại. Nhưng tôi không thể muốn một lần được cả hai cái, hoặc tôi sẽ ra đi theo sự lựa chọn con đường tôi đã quyết và phải xa Thầy, hoặc tôi ở lại bên Thầy và vẫn tiếp tục đi học và buông thả mọi thứ như lâu nay. Ở lại bên Thầy, tôi có giúp được gì cho Thầy và cho tôi? Cuối cùng thì tôi cũng ra đi, vậy đó mà bây giờ đã mười năm trôi qua kể từ khi tôi đến Làng.

Khi biết tôi đang tu học theo pháp môn Làng Mai, nhiều người đến nói với tôi, rằng tu theo Làng Mai khỏe thiệt, khỏi phải học hành chi hết, chỉ thở và cười thôi. Nghe vậy tôi chỉ “thở và cười thôi” mà không nói. Cái “thở và cười thôi” ấy, có ai biết là tôi đã thực tập nhiều lắm mới áp dụng được trong những trường hợp như vậy. “Đến để mà thấy, tự mình thông đạt…” Bụt đã dạy như vậy và tôi cũng đang làm chuyện đó.

Mùa Đông, mùa Thầy trò chúng tôi được ở yên với nhau suốt ba tháng An cư mà không có ai ra ngoài để hướng dẫn những khóa tu. Trong ba tháng đó, Thầy trò chúng tôi trở về, cùng nghiên cứu và học hỏi, thực tập những lời Bụt dạy. Thầy là người nghiên cứu và thực tập trước, sau đó đem ra hướng dẫn lại cho chúng tôi. Sau khi được Thầy hướng dẫn, giảng giải xong, chúng tôi về phòng tiếp tục “nghiên cứu” và quán chiếu lại lời Bụt, lời Thầy dạy rồi đem áp dụng vào đời sống của mình.

Tôi không biết là mình đã được học bao nhiêu kinh luận từ Thầy, phải nói là học nhiều hơn ở trường tôi trước đây nhiều lắm nhưng cách học ở đây rất khác. Trong các trường Phật học mà tôi đã từng học trước đây, theo chương trình của từng niên khóa, chúng tôi được học các kinh luận và nhiều môn học khác mà ban Giám hiệu trường đưa ra, ban Giảng huấn và tăng ni sinh chỉ việc làm theo. Một học kỳ có khi có đến mười mấy môn học. Phần nhiều chúng tôi không học hết các kinh hay các môn học khác trọn vẹn trong một học kỳ, nhưng vẫn làm bài kiểm tra, thi cử và khép lại bài kinh đang học nửa chừng để qua học kỳ kế tiếp với một bài kinh hay một môn học khác. Có những môn học, ban Giám hiệu phải mời các giáo sư ở tận Sài Gòn như giáo sư Trần Tuấn Mẫn, hay ở nước ngoài về như cô Thái Kim Lan ở Đức. Trong thời gian đó, những môn học khác được dừng lại để nhường giờ, ưu tiên cho các giáo sư ở xa về dạy. Có khi chúng tôi học một môn suốt hơn cả tuần mỗi ngày, sau đó thì làm bài thi hay tiểu luận và vị giáo sư, sau khi đã nhận bài của tăng ni xong thì lên đường bay về trú xứ của mình, chấm dứt một môn học.

Tôi rất thích cách học này và tôi thầm cảm ơn ban Giám hiệu đã có những môn học như vậy. Học cái gì ra cái đó và khi học như vậy, tôi thấy mình đi sâu hơn vào nội dung của môn học ấy mà không bị phân tán bởi phải học một lúc quá nhiều thứ. Nhưng nếu không biết cách học, không nhìn sâu vào môn học để hiểu và áp dụng môn học ấy vào sự thực tập trong đời sống của mình, để giúp thay đổi tình trạng mà chỉ học cho có học, học để thi cử thì sau khi các giáo sư rời lớp rồi thì môn học ấy cũng sẽ rời mình đi luôn. Tôi rất thích học các kinh đại thừa và ở trường đã có dạy, ví dụ như Kinh Kim Cương mang tư tưởng của giáo lý về vô tướng, vô trụ.

Khi hướng dẫn kinh này, các vị giáo thọ đã trình bày về tư tưởng của kinh, cắt nghĩa về câu, về ý rất hay và tôi rất thích (vì học kinh bằng chữ Hán), nhưng nếu có thì giờ để hướng dẫn thêm cho tăng ni biết cách áp dụng những lời Bụt dạy vào đời sống hàng ngày của người xuất gia một cách thực tế thì rất quý cho chúng tôi. Tôi nghĩ nếu sau khi được nghe giảng, tăng ni sinh viên có giờ để thảo luận, để chia sẻ và đi sâu về những gì đã học để áp dụng vào đời sống của mình thì rất hay, điều này tôi mới thấy sau này. Mười năm rồi, không biết bây giờ ban Giám hiệu đã thay đổi cách dạy mới hay chưa?

Ở Làng Thầy chúng tôi cũng dạy nhiều môn lắm. Tôi không phải học một lần nhiều môn mà học từ từ, học nhẹ nhàng hết môn này đến môn khác. Học hết tháng này đến năm nọ và không phải thi cử để lấy điểm hay xếp thứ hạng và cũng không phải tốt nghiệp chi cả. Làng Mai là một trường đại học bách khoa không bao giờ tốt nghiệp, chúng tôi thường đùa với nhau như vậy. Cứ sau khi Thầy dạy, chúng tôi “cả lớp học” gồm cả cư sĩ và xuất sĩ đều có thì giờ ngồi chung với nhau, chia sẻ cái hiểu và sự áp dụng lời dạy của Thầy vào đời sống của mình, gọi là giờ pháp đàm.

Chúng tôi ai cũng có quyền chia sẻ, được mời chia sẻ về sự thực tập của mình, cách áp dụng những lời dạy của Bụt, của Thầy vào đời sống hằng ngày của mình mà không phô bày kiến thức. Tất cả mọi người cùng ngồi đó, có mặt để lắng nghe nhau trong tinh thần cởi mở và đón nhận mà không có sự so sánh hay – dở, không phán xét. Sau khi lắng nghe nhau, chúng tôi có cơ hội hiểu nhau hơn, biết được người kia đang thực tập ra sao để học hỏi kinh nghiệm tự thân cũng như yểm trợ nhau trong sự tu học.

Ngoài những Kinh Luận dạy chung cho hai giới xuất sĩ và cư sĩ, trong ngày xuất sĩ ở Nội viện Phương Khê, Thầy còn dạy cho chúng tôi những kinh mà Bụt từng dạy riêng cho người xuất sĩ. Những lúc đó tôi có cảm giác như Thầy đang đóng vai trò của một nhà phẫu thuật đang giải phẫu cho chúng tôi. Thầy chỉ cho chúng tôi thấy những khối u trong thân tâm, nguyên nhân đưa tới khối u và phương pháp cắt bỏ những khối u ấy để không làm ảnh hưởng tới những tế bào khác. Nếu có làm bài thì chúng tôi làm bằng cách viết thư cho Thầy, chia sẻ sự thực tập của mình. Chỗ nào chúng tôi chưa hiểu để thực tập thì thỉnh Thầy dạy thêm.

Khi đọc thư của đệ tử, Thầy biết được người này đang kẹt ở điểm nào và kịp thời tháo gỡ cho chúng tôi bằng cách cho pháp thoại, nhờ vậy nên chúng tôi được Thầy tháo gỡ những gút mắc trong tâm rất nhiều. Ngày xưa Bụt cũng đã từng làm như vậy với đệ tử của Ngài, và những bài kinh đó được gọi là thể loại Nhân duyên. Có khi thì Thầy cho chúng tôi làm bài tập, tùy theo sự thực tập của từng người mà Thầy cho đề tài để quán chiếu. Khi làm bài ở lớp, tôi chỉ cần nắm được nội dung của bài, chỉ cần học thuộc lòng là làm bài thôi. Nhưng bài tập của Thầy tôi thì không đơn giản như vậy, nếu không thực tập, không quán chiếu, nhìn sâu vào những gì bên trong và bên ngoài mình, không áp dụng sự thực tập vào đời sống của mình để chuyển hóa thì không thể làm bài được.

Đọc bài của đệ tử, Thầy biết liền người này có thực tập thiệt hay là chỉ nói lý thuyết. Trước đây tôi làm bài nghiêng về kiến thức, bây chừ tôi làm bài theo hướng kiến giải, tôi thấy thực tế hơn cho tôi nhiều. Thầy cũng là một nhà văn, nhà thơ nên chúng tôi cũng được Thầy dạy cho cách làm câu đối, thi kệ hay cách viết văn trong tinh thần thực tập. Ngày trước tôi viết bài để chấm điểm, để chứng minh, bình luận và so sánh giữa cái này và cái kia, kinh này và kinh khác, bây giờ tôi cũng viết nhưng cách viết khác hơn nhiều.

Thầy đã dạy cho chúng tôi rằng: “Khi viết là giúp mình quán chiếu về chính mình trong quá trình tu học và để hiến tặng cho mọi người những cái thấy của mình. Cái thấy thì không bao giờ giống nhau, tùy theo mức độ của sự thực tập và quán chiếu, bây giờ viết chưa hay nhưng thực tập lâu ngày thì có thể mình sẽ viết hay hơn. Vì vậy mình không cần mặc cảm là mình viết văn dở, câu cú chưa hay mà chỉ cần viết thật, chia sẻ thật là hay lắm rồi.” Tôi thấy đúng như vậy, nếu sau này tôi viết về chuyện tu học của tôi, chắc chắn tôi sẽ viết khác hơn bây giờ. Với những môn học ngoài, tăng thân cũng có mời những nhà khoa học như ông Trịnh Xuân Thuận về Làng, chia sẻ về vấn đề khoa học, vũ trụ và con người cũng như trao đổi với nhau giữa những cái thấy của nhà khoa học và nhà Đạo học để giúp nhau chăm sóc đất Mẹ.

Làng là trung tâm tu học quốc tế nên chúng tôi cũng có cơ hội học hỏi, thừa hưởng được rất nhiều về các truyền thống tôn giáo khác hay văn hóa của các nước, những môn nghệ thuật từ các thiền sinh về Làng tu tập. Ngoài học với Thầy ra, tôi còn học từ các sư anh, sư chị và sư em của tôi nữa. Tôi học cách sống, cách hành xử, cách nói năng, cách đi, cách đứng, cách đóng góp ý kiến của mỗi người trong chúng. Mỗi người là một bài pháp thoại sống không lời, một kinh nghiệm sống không mang tính chất lý thuyết, một viên ngọc quý không cần quảng cáo chất lượng bởi tất cả đều đang là mình, chính mình.

Học là một nghệ thuật, một sự thưởng thức, là đón nhận nguồn tuệ giác của Bụt và của những người đi trước để biết cái nào nên hay không nên áp dụng vào đời sống tu tập của mình. Học cũng là cách giúp tôi tiếp xúc với Bụt, với Tổ, với Thầy, với huynh đệ và với chính mình. Bụt vì muốn mình biết cách để thực tập nên mới dạy cho mình những phương pháp trở về quán chiếu, nhìn sâu vào chính mình để chuyển hóa những khổ đau và sống nhẹ nhàng. Vậy đó mà tôi đã đem cái tâm chất chứa lời Bụt dạy để làm vốn liếng cho mình. Việc học đâu phải là xấu xa tội lỗi, chỉ vì tôi chưa biết cách học cho có nghệ thuật nên mới thấy mình đầy ắp và mệt mỏi đấy thôi. Tội và oan cho Bụt, cho quý Ngài quá! Cầu cho mọi người đừng ai học kiểu như tôi trước đây nữa.

Tu

Học, tu, làm việc và chơi là bốn điểm cần có trong sinh hoạt của con người. Thầy không chỉ dạy kinh luật cho chúng tôi mà còn dạy cho chúng tôi về nghệ thuật sống, đó là phải biết cân bằng bốn điểm trên vào cuộc sống của mình. Tu là một nghệ thuật, học là một nghệ thuật, làm việc là một nghệ thuật và chơi cũng là một nghệ thuật. Những gì tôi đã chia sẻ trên cho biết rằng trước đây tôi là người chưa biết nghệ thuật sống. Đúng thôi, học không có nghệ thuật thì tu, chơi và làm việc cũng không có nghệ thuật là điều đương nhiên.

Nghe nói tôi sang Pháp tu học, nhiều người nghĩ rằng chắc tôi đi học một chương trình gì đặc biệt lắm, mới lạ lắm và cao siêu lắm, ít nhất thì cũng biết nói tiếng Pháp. Làm như ở Việt Nam không có các trung tâm dạy tiếng Pháp nên tôi phải sang tận Pháp để học ngôn ngữ. Và khi nghe tôi nói sang đây để học cách làm mới lại chính tôi thì mọi người nghe có vẻ như tôi đang đùa với họ vậy.

Tôi có cảm giác như mình là một “trung tâm sản xuất tri giác sai lầm.” Đi tu, tôi cứ nghĩ tu là phải tụng kinh cho nhiều, lạy sám hối cho nhiều, cầu nguyện cho nhiều, làm việc cho nhiều và học cho nhiều thì mới gọi là tu. Tu là không được chơi, chơi là có tội. Vì vậy tôi đã cố gắng để làm những điều như mình nghĩ. Tôi đã làm với hình thức nhiều hơn là nội dung và có khi là sợ hơn là muốn làm, sợ người khác nói mình tu mà giải đãi. Có những lúc tụng xong một thời kinh, tôi về phòng nằm dài và cảm thấy như mình không thể thở tiếp được vì “muốn đứt hơi”. Tôi đã coi trọng số lượng mà không biết rằng tu tập thì cần phẩm chất hơn. Có khi vừa tụng kinh xuống, thấy mấy điệu làm cái gì không vừa ý, tôi trợn cặp “mắt cua” của mình lên. Tôi cũng là bà Tư mà Thầy thường hay kể, đang ngồi niệm Bụt mà nghe người khác gọi tên mình hoài nên thả mõ, ngưng tụng và ra la cho họ một trận.

Khi đã trở thành người xuất sĩ, tôi cũng đã từng gặp những khó khăn chung và riêng. Tứ Diệu Đế là đề thi khi tôi vào lớp Phật học viện mà tôi đã thuộc nằm lòng, vậy đó mà tôi chẳng biết cách áp dụng vào đời sống hàng ngày của mình. Học về con đường đưa tới diệt khổ mà chẳng biết diệt bằng cách nào. Tôi chưa biết cách tìm ra nguyên nhân của mọi khổ đau, chưa biết mọi thứ đều do bên trong mình mà ra cả, chỉ nhìn những yếu tố bên ngoài và kết tội chúng. Tội nghiệp cho quý Ngài đã đầu tư lầm vào một đứa như tôi. Bây chừ tôi cần phải tu thiệt để chuyển hóa những tri giác sai lầm trong tôi và để đền đáp ân đức của quý Ngài thôi.

Tôi thương Thầy tôi, các sư chị và sư em tôi nhưng tôi chưa biết cách đem lại hạnh phúc cho Thầy và huynh đệ tôi, có lúc vô ý tôi còn làm cho Thầy và huynh đệ tôi buồn nữa là khác. Giai đoạn khó khăn nhất của tôi là thời kỳ Phật giáo ở Huế thiếu sự truyền thông. Ngày khai giảng Trường cơ bản Phật học là ngày mà sau khi về chùa, đêm đó tôi đã khóc rất nhiều. Tôi cảm thấy niềm tin của mình bị lung lay và có lúc tôi cảm thấy chới với, không biết nên tin vào ai vì ai tôi cũng kính, cũng thương như nhau. Tiếp tục làm người xuất gia hay trở về cuộc sống trước đây là một câu hỏi đã dằn vặt tôi trong thời gian ấy, bởi đi đâu tôi cũng nghe nhiều người bàn tán về chuyện phân chia giữa Giáo hội, Tăng đoàn. Nhưng phước đức của tôi vẫn còn nên tôi đã không bỏ cuộc.

Hồi đó dù thương kính quý Ngài nhưng trong tôi vẫn có sự trách móc và đổ lỗi. Tôi đổ lỗi cho những vị lớn đã không chăm sóc cho chúng tôi, những người xuất gia trẻ có được cuộc sống an ổn về mặt tinh thần. Tôi thầm trách quý Ngài đã gieo vào đầu chúng tôi những hạt giống phân biệt, chia rẽ và trách móc.v.v.. Tâm mình đâu phải là cái hố rác, vậy đó mà tự tôi đã đào cho mình một cái hố rác và để cho người khác tha hồ đổ rác xuống rồi tự trở lại trách móc đủ điều. Tôi đã chưa hiểu những khó khăn của các vị lớn, chưa có sự cảm thông và chưa biết cách thực tập nhìn sâu để thấy rõ nguyên nhân của những gì đã xảy ra cho tăng chúng ở Huế.

Trong tôi, hạt giống tội lỗi và mặc cảm đi lên rất nhiều, nhất là mỗi khi thấy một người cư sĩ chắp tay chào mình một cách cung kính, tôi cảm thấy mắc cỡ bởi mình là người tu mà sống thiếu sự hòa hợp. Đôi lúc đạp xe đi học mà tôi không dám ngẩng mặt nhìn lên. Tôi hổ thẹn với tất cả. Tất cả đều do sự thực tập của tôi còn yếu kém. Tôi không trở về nhìn sâu vào tôi để biết được những cảm thọ, những tâm hành đang diễn biến trong mình để ôm ấp và chuyển hóa. Không hiểu mình để cảm thông cho chính mình, chuyển hóa khó khăn của mình thì làm sao tôi hiểu và cảm thông cho người khác được.

Bây giờ, sau những năm thực tập với Thầy và tăng thân, tôi đã có cái nhìn khác hơn. Tôi biết cách trở về nắm lấy hơi thở, có mặt cho những cảm xúc đang đi lên và mỉm cười được với chúng. Khi biết được nguyên nhân có mặt của những cảm thọ, tôi dễ dàng để chuyển hóa chúng hơn. Đến với tăng thân, tôi cũng gặp những khó khăn như chuyện xảy ra ở Bát Nhã. Nhưng tôi không còn trách móc hay đổ lỗi mặc dù có lúc trong tôi cũng phát sinh những tâm niệm không dễ thương và tôi đã kịp thời trở về để chăm sóc những tâm niệm ấy.

Hơi thở là nơi giúp tôi trở về để nhận diện chính mình nhiều nhất và thành công nhất. Tôi thấy được những người đã làm cho tăng thân tôi gặp nhiều khó khăn thì chính họ cũng khổ. Thay vì trách móc và lên án thì chúng tôi nhắc nhau trở về thực tập phát khởi tình thương để gởi đến cho những người đã gây ra khó khăn cho chúng tôi. Nhưng trước khi làm được với người ngoài thì tôi đã thực tập với chính tôi trước. Tôi biết cách ngồi yên để lắng nghe tôi, lắng nghe những tập khí tiêu cực và tích cực với trái tim không phân biệt, không kỳ thị, không chối bỏ mà nghe với trái tim biết thương và chấp nhận những tập khí còn yếu kém vụng về nơi mình.

Ngồi yên là sự thực tập căn bản và rất cần thiết của người tu. Tôi nói người tu vì trong đó có cả hai giới xuất sĩ và cư sĩ, ai có thực tập chuyển hóa thì đó là người tu mà không chỉ cạo đầu và mặc áo tu mới gọi là người tu. Những ai muốn tu thì đều cần ngồi yên. Ngồi yên là một nghệ thuật trong khi tu. Ngày trước khi mới tập ngồi yên, tôi thấy rất khó vì tôi không thấy tâm mình yên gì cả. Tôi vật lộn với những cảm thọ đi lên trong mình nhiều lắm. Thân thì yên mà tâm còn nhiều bão tố.

Thường khi làm việc thì tôi thấy mình không suy nghĩ gì, nhưng khi ngồi yên lại thì bao nhiêu chuyện cứ đi lên trong đầu và tôi có mặc cảm là mình ngồi thiền mà không định tâm. Sự thật thì không phải như vậy. Khi làm việc, tôi tu chưa giỏi nên bị công việc lôi kéo, tôi ham làm việc mà quên theo dõi sự vận hành của tâm mình nên không thấy đó thôi. Nhờ ngồi yên nên mới giúp tôi thấy rõ những gì đang xảy ra trong mình; những cảm thọ, tri giác và tôi cười với những gì đang có mặt mà không cần xua đuổi, mặc cảm tội lỗi hay chạy trốn chúng. Thực tập ngồi yên đã giúp tôi trở về chăm sóc cho tâm tôi được lắng dịu, giúp tôi nhận ra những nguyên nhân của bệnh tật để trị liệu bằng phương pháp buông thư và gởi tình thương đến cho cơ thể, giúp tôi nhận ra được nguyên nhân của những khó khăn để chuyển hóa cho thân tâm được nhẹ nhàng.

Tôi rất thích ví dụ về ly nước táo ở thể bị khuấy động và để lắng yên. Ly nước bị khuấy động thì không phân biệt và thấy được những cặn bã rõ ràng, không thấy được phần nước trong. Chỉ khi nào ly nước được để yên thì những cặn bã mới lắng xuống phía dưới đáy ly và giúp ta nhận ra được những thành phần nằm trong ly nước. Ở Phật học viện tôi học trước đây cũng có giờ thực hành về thiền. Tôi rất thích giờ thiền tập này, mỗi tuần có một giờ thiền học. So với các môn thế học khác thì môn Thiền học có số giờ khiêm tốn nhất, 45 phút trong một tuần vừa học lý thuyết vừa thực hành, trong lúc đó thì các môn học khác đều học tới 90 phút. Có lúc vào ngồi thiền, tôi cảm thấy mình chưa thật sự đi sâu vào hơi thở, chưa làm lắng dịu những lao xao của giờ học trước đó thì đã hết giờ rồi. Tôi không biết có phải các Ngài tâm lý, lo tăng ni sinh trẻ chúng tôi không quen ngồi lâu nên đã bớt giờ thiền thực hành, tôi nghĩ vậy (90% tri giác sai lầm).

Tu là để giúp mình chuyển hóa những tập khí chưa dễ thương của mình và hóa giải những nội kết giữa mình và người khác để đưa tới sự hòa hợp, hòa hợp với chính mình và hòa hợp với mọi người cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn, tự do hơn. Vậy đó mà tôi trước đây, không những không hóa giải được nội kết trong chính mình mà còn làm mất hòa hợp giữa mình và người khác nữa chứ. Tội nghiệp Thầy Tổ và huynh đệ tôi, tội nghiệp những người đã gieo hạt giống không đúng chỗ vào thửa ruộng của tôi. Cầu cho mọi người đừng ai tu tập như tôi trước đây nữa.

Làm việc

Quý thầy ở chùa Tổ (Từ Hiếu) và chùa Từ Phong Lan Nhã thường khen chị em chùa tôi làm việc giỏi và nhanh nhẹn (vì chúng tôi hay qua chấp tác giỗ Tổ, đi làm ruộng, đi đốn củi thông với nhau). Ngày trước tôi cũng thấy vui khi được khen như vậy. Tôi làm việc nhanh lắm, sau này thực tập quán chiếu tôi đã nhận ra đó là hạt giống do ba tôi trao truyền, ba tôi làm việc phải nói là “tốc hành”. Tôi làm việc với mục đích là làm cho xong và vì muốn làm cho xong nên tôi đã làm một cách vội vã. Chưa làm xong công việc này tôi đã nghĩ tới công việc khác. Tôi có cảm giác mình như một con lật đật, đi đứng làm việc như bị ma đuổi. Có khi cơ thể tôi mệt nhoài mà tôi vẫn không chịu ngưng công việc, tôi làm gắng cho xong mà công việc thì có bao giờ xong đâu. Việc gì tôi cũng “tranh thủ” và vì tôi muốn làm việc cho nhanh, cho mau xong nên khi người khác làm việc từ từ thì tôi thấy khó chịu và khởi tâm bực bội. Có những lúc vì muốn công việc mau xong nên tôi làm lật đật, kết quả là mọi việc bị đổ vỡ và nó trở thành chậm hơn.

Thời gian đầu mới đến Làng, những tập khí cũ cứ thúc đẩy tôi phải làm việc cho nhanh, đôi lần tôi đã đánh mất sự có mặt của mình trong công việc và để tâm suy nghĩ về chuyện khác. Nhưng tôi biết, tôi đang được sống trong một môi trường mà ai cũng thực tập làm việc thảnh thơi nhẹ nhàng nên thế nào tôi cũng được chuyển hóa. Và tôi đã chuyển hóa thiệt mặc dầu chưa được hoàn toàn 100%.

Tôi thích làm việc trong tinh thần hiến tặng. Ở Làng ai cũng làm việc, dù làm việc bằng tay chân hay làm việc bằng trí óc chúng tôi cũng thực tập với tâm bình đẳng và hiến tặng. Bình đẳng nghĩa là không có sự phân biệt giữa công việc, không có công việc nào quan trọng hơn công việc nào và không có ai quan trọng hơn ai cả. Anh chị em tôi làm việc với nhau rất vui. Vừa rồi tại khóa tu tại Phật học Viện châu Âu ở Đức, tôi làm trong đội rửa nồi.

Hôm ấy là ngày cuối cùng của khóa tu, sau giờ cơm trưa thiền sinh rời học viện. Vì thiền sinh đông nên có đến mười hai dãy bàn ăn, xoong nồi và khay đựng thức ăn nhiều lắm. Trưa đó thiền sinh trong đội rửa nồi đã về hết nên đội tôi chỉ còn lại mấy người. Thấy vậy, các “sư cha” Pháp Ứng, Pháp Niệm, Trung Hải, Pháp Trạch (trú trì viện Phật học) và cả Venerable Kaili (thượng tọa Khai Luật, “sư anh” lớn nhất ở Xóm Thượng) đều đến “xăn tay áo” rửa nồi giúp, có cả “sư cha” Từ Hải và “sư mẹ” Phước Tâm cũng chung đội với tôi.

Rửa nồi là một nghệ thuật, rửa nồi cũng là rửa tâm, là sự hiến tặng niềm vui cho mọi người. Thấy các sư cha sư mẹ đứng xếp hàng rửa nồi, các sư em hạnh phúc lắm, cứ đứng nhìn và cười tủm tỉm. Không có công việc nào là tầm thường cả, chỉ có sự phân biệt khiến cho tâm mình trở nên tầm thường và hạn hẹp mà thôi. Tôi thấy cái quan trọng là phẩm chất làm việc của từng người qua sự thực tập. Khi tôi lau chùi nhà vệ sinh có chánh niệm, có niềm vui thì tôi ghi vào sổ công phu của mình một dấu cộng. Nhưng khi tôi ngồi thiền mà không có phẩm chất, tôi ghi vào sổ công phu một dấu trừ. Tôi hạnh phúc bởi tôi còn có sức khỏe đủ để đóng góp khả năng của mình cho tăng thân, biết thực tập dừng lại mỗi khi cơ thể tôi lên tiếng “chị ơi, em cần nghỉ!”

Làm việc cũng là tu. Tôi luôn nhớ lời Thầy dặn, rằng làm việc không phải để cho xong mới có hạnh phúc mà phải hạnh phúc ngay trong khi làm việc. Từ khi biết thưởng thức công việc mình làm, tôi thấy mọi cái trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn. Nhờ có mặt và nhìn sâu vào những gì mình làm, tôi đã khám phá ra những vụng về cũng như tài năng của tổ tiên tâm linh và gia đình huyết thống trong tôi. Ngày trước tôi để cho công việc làm chủ tôi, bây giờ tôi trở lại làm chủ công việc, chúng tôi đổi ngôi cho nhau trong tinh thần hòa hợp.

Tu học là để làm chủ chính mình. Vậy đó mà tôi đã để cho công việc làm chủ tôi, sai khiến tôi một cách ngon ơ. Tôi cứ nghĩ làm việc nhiều thì có phước nhiều để tu. Phước huệ song tu mà. Tôi quên rằng phước đức được xây dựng bằng những chất liệu của sự tươi mát, nhẹ nhàng, thương yêu và hiến tặng trong khi làm. Còn công việc thì dù có tái sinh lại ngàn đời vẫn không thể nào làm hết được, chỉ có mình biết cách dừng lại mà thôi. Tội nghiệp ba mạ và tổ tiên của tôi đã cho tôi thân thể này, vậy mà tôi đã không biết chăm sóc, giữ gìn, sử dụng cho đúng pháp để nuôi dưỡng tổ tiên, để phụng sự cho cuộc đời mà đã phí phạm sức khỏe một cách thiếu ý thức. Cầu cho mọi người đừng ai làm việc kiểu như tôi trước đây nữa.

Chơi

Tôi lớn lên ở miền núi. Nhà tôi ở một mình giữa đồi hoang suối vắng, xung quanh chẳng có nhà nào. Chỉ khi đi học tôi mới gặp bạn bè, hoặc muốn có bạn chơi thì tôi phải đi lên xóm trên hay xuống xóm dưới mà nhà thì ở cách xa nhau, thành thử tôi cũng làm biếng đi chơi. Suốt ngày tôi lang thang một mình trên đồi dưới suối. Vào chùa, ngoài Sư phụ và Bà (mẹ của sư phụ tôi) chùa chỉ có một mình tôi. Sau một thời gian sư phụ tôi mới nhận thêm một điệu nữa nhưng chúng tôi nói chuyện rất ít. Khi về Huế và đi học, tôi mới có thêm bạn để chơi. Nhưng thật ra thì chúng tôi cũng chẳng có nhiều thì giờ để chơi với nhau. Học xong thì ai về chùa đó. Về chùa thì lo làm việc, tụng kinh và học bài, giờ đâu để ngồi chơi, mà nếu có ngồi chơi là được nhắc liền.

Con người luôn cần sự quân bình giữa cái học, tu, làm việc và chơi mà tôi thì bị mất thăng bằng nhiều quá. Nếu đặt bốn điểm đó lên bàn cân thì ba điểm kia sẽ hất bổng điểm chơi của tôi ra khỏi bàn cân bởi không có trọng lượng. Tôi chưa có một ý niệm về chơi và cũng không giỏi để đến chơi với người khác. Do không biết chơi nên tôi không mở lòng ra với mọi người. Mỗi khi có chuyện buồn, tôi thường nghỉ học đạp xe đi vòng vòng quanh mấy cửa thành trong Thành Nội, hay vào tháp Tổ Liễu Quán ngồi khóc (chùa tôi ở gần tháp Tổ), hoặc rủ hai người bạn thân về biển hóng gió cho đến hết giờ học mới đạp xe về chùa. Vì vậy trước khi tới Làng tôi chưa bao giờ xếp giờ chơi vào thời khóa của mình. Thời khóa của tôi chỉ có ba môn: Tu (tụng kinh), học và làm việc.

Đến Làng, tôi học được cách chơi của các anh chị em. Có nhiều cách để anh chị em tôi tới chơi với nhau. Ngồi uống trà và kể chuyện cho nhau nghe trong tinh thần hiểu biết và xây dựng, chơi thể thao, đi bộ hay ngồi lại đàn hát cho nhau nghe hoặc chia sẻ pháp đàm cũng là một hình thức ngồi chơi với nhau. Trong những lúc ngồi chơi, tôi luôn ý thức đây là cơ hội để tôi và mọi người hiểu nhau, chúng tôi đang xây dựng tình huynh đệ. Tôi không để cho những cái vui lôi cuốn và đánh mất mình, không để cho những câu chuyện không nuôi dưỡng kéo mình đi như trước đây nữa.

Tôi quan sát và thấy rằng ở đây anh chị em làm gì cũng hết lòng. Làm việc hết lòng, tu hết lòng, học hết lòng mà chơi cũng hết lòng lắm. Tôi cũng thực tập chơi như các anh chị em. Cứ tưởng chơi là dễ, ai ngờ khó thiệt bởi em bé trong tôi đã quen lang thang một mình nên khó để hòa vào với mọi người. Các anh chị em thực tập dễ thương nên đã chủ động đến chơi với tôi. Dần dần tôi cũng quen và bớt mặc cảm là mình vụng về trong khi chơi. Em bé trong tôi ngày trước không có bạn để chơi, chú Điệu trong tôi cũng không có bạn để chơi và sư em thuở “ni sinh” trong tôi cũng không có thì giờ để chơi, vì vậy tôi chơi cho những “người thương” trước đây của tôi.

Chơi với anh chị em và tôi cũng tập chơi với chính tôi. Có những lúc tôi ngồi yên và chơi với những cảm thọ đang diễn trò trong tôi, gọi tên và cười với chúng. Có khi tôi mời những người “bạn cũ” đến chơi, những người bạn (khó khăn) mà trước đây khi họ đến, tôi đã làm lơ vì không có đủ thời gian để tiếp. Tôi ngồi yên và lắng nghe những người bạn mình chia sẻ, tìm hiểu để biết rõ lý do khi bạn tìm đến tôi. Khi biết được lý do rồi, tôi cảm thấy thoải mái để tiếp bạn mình, chơi với bạn mình và tiễn bạn mình “ra về” trong niềm vui thân thiện. Khi tôi chơi được với tôi, hiểu được tôi và chấp nhận được tôi thì tôi cũng chơi và chấp nhận được người khác.

Tôi đã nhận ra rằng tu cũng là chơi, làm việc cũng là chơi và học cũng là chơi. Chơi có nội dung của sự thực tập giúp tôi trở về sống sâu sắc hơn với chính mình. Thật ra tôi có nhiều người bạn để chơi lắm, chẳng qua là do tôi không chịu khám phá, làm quen nên không nhận ra đó thôi. Một đồi hoa sim tím nhạt hay một rẫy hoa cà phê trắng toát là bạn; những bông lau trên đồi, những dòng suối mát với tiếng nước róc rách cũng là bạn; những hòn sỏi nhỏ hay những chiếc lá thu rơi là bạn; những chú chim sâu hay những cánh bướm là bạn; những trang kinh sơ tâm hay những bộ chữ Hán cho người sơ học cũng là bạn; những hờn tủi, niềm đau trong tôi hay những niềm vui, nụ cười tươi, v.v.. tất cả đều là những người bạn của tôi.

Sở dĩ trước đây tôi đạp xe lang thang hay ngồi khóc một mình khi có khó khăn buồn tủi là vì tôi chưa biết cách chơi với chính mình, chưa nhận ra những người bạn dễ thương của mình nên đã mượn những cái bên ngoài để quên đi mọi thứ. Tôi tìm trong các kinh Bụt dạy, chưa có kinh nào Bụt dạy mọi người khi buồn thì nên đi lang thang, ngồi khóc hay đến những nơi ồn ào để tiêu túng thời gian và quên đi buồn đau của mình cả. Vậy đó mà đã một thời, tôi đóng vai người ngoài cuộc, không biết mình có một Câu lạc bộ sang đẹp, ấm áp để tham dự vào những trò chơi lành mạnh đầy nuôi dưỡng. Câu lạc bộ của tình huynh đệ, của thiên nhiên đất trời, của sự quay về với hải đảo tự thân nơi chính mình. Tội nghiệp cho những huynh đệ của tôi, những người bạn đồng môn của tôi đã có một người bạn chẳng trung thành, chẳng hiểu bạn bè chi cả. Cầu cho mọi người đừng ai rong ruổi, lang thang như tôi trước đây nữa.


Ngày nớ cũng là bây chừ

Trước khi trở thành một con ếch thật sự thì con ếch phải trải qua thời kỳ trứng nước và làm thân của con nòng nọc với cái đuôi lòng thòng ngộ nghĩnh. Nếu không trải qua thời kỳ trứng nước và làm nòng nọc thì nó không thể trở thành ếch được và chúng ta cũng không thể gọi nó là ếch. Sở dĩ nó được gọi là ếch vì nó đã trải qua quá trình tiến hóa để “rụng” cái đuôi lòng thòng ấy. Nòng nọc biết thay đổi (rụng) cái đuôi để trở thành ếch.

Tại sao mọi người gọi tôi là sư cô. Họ gọi tôi sư cô vì bây giờ tôi đã “rụng” tóc và khoác trên mình chiếc áo của người xuất gia. Nhưng trước khi trở thành người xuất gia thì tôi là một em bé, một chú Điệu tập tành để trở thành một người xuất gia thật sự. Tôi cũng từng mang trong mình “cái đuôi” của những yếu kém vụng về, những tập khí chưa dễ thương, những tri giác sai lầm và những khó khăn buồn tủi. Mặt khác tôi cũng thấy được trong tôi niềm thao thức, những ước muốn hoàn thiện chính mình. Và tôi đã trở về.Trở về nương tựa tăng thân để cùng nhau tu tập.

Thời gian đầu thực tập tôi phải trải qua rất nhiều khó khăn. Khó khăn về môi trường mới, ngôn ngữ bất đồng, văn hóa khác biệt hay vấn đề thức ăn, v.v.. là những cái bên ngoài, tuy có khó thiệt, nhưng không khó bằng sự thực tập làm chủ chính mình. Tôi có quá nhiều tập khí tiêu cực đã được huân tập từ nhiều phía, nhiều năm. Trước đây tôi khỏa lấp, chôn vùi và chạy trốn chúng, đã đến lúc tôi phải đối diện với chính tôi, đối diện với những hạt giống đang có trong tôi để ôm ấp và chuyển hóa. Không phải tự nhiên mà tôi cười tươi, tôi lắng nghe sâu, tôi chủ động đến với người khác, tôi nói một lời nhẹ nhàng dễ nghe, tôi biết ngồi yên… được.

Có lúc tôi đã phải vật lộn nhiều lắm với những cảm xúc, những tập khí, mặc cảm đi lên trong mình. Nhiều khi chúng trồi lên nhiều quá khiến cho tôi không thể xử lý tình huống được và dù không muốn, tôi cũng đã cho ra những cử chỉ, lời nói hay suy nghĩ không dễ thương chút nào và sau đó, tôi tự ăn ăn hối hận. Những gì mà trước đây người khác đã làm cho tôi buồn và không nuôi dưỡng tôi, tôi hoàn toàn không muốn lặp lại với người khác. Nhưng đâu phải tôi muốn là làm được liền, tôi cần có thời gian và trở về thực tập nhiều lắm. Trong những sinh hoạt tiếp xúc với nhau, đôi lúc tôi phải cẩn thận lắm mới không để cho những năng lượng tiêu cực “xì” ra. “Làm sao biết từng nỗi đời riêng, để yêu thêm…” Ngày trước tôi hay ngâm nga câu hát này của Trịnh Công Sơn. Bây giờ thì tôi thấy “làm sao để nhận diện được những tập khí trong mình, dù tích cực hay tiêu cực để trở về chăm sóc cho chính mình…” hơn.

Với những gì cùng tôi đi qua trong những năm trước đây đã cho tôi khá nhiều kinh nghiệm thực tế tự thân. Tôi biết hướng dẫn và đào tạo cho người xuất gia, nhất là những người xuất gia trẻ như chúng tôi không đơn giản chút nào, trước hết phải hiểu được họ. Riêng tôi, tôi thích được hướng dẫn tu học một cách rõ ràng và cụ thể, không chung chung, không khái quát, cần thực tế mọi chuyện, nhất là chuyện tu học. Bởi tôi biết rằng nếu không học rõ ràng, không thực tập cụ thể thì tôi không thể hiểu được, không thể làm được những gì Bụt đã trao truyền.

Bụt đã trao truyền thì tôi là sự tiếp nối của Bụt. Tôi không muốn tiếp nối Bụt một cách sai lầm, tôi không muốn đem Thầy Tổ tôi, đem quý Ngài đã từng dạy dỗ cho tôi, đem huynh đệ và gia đình tôi đi về hướng tối tăm. Con nòng nọc muốn rụng đuôi để trở thành ếch. Tôi cũng muốn thực tập để làm “rụng” đi những tập khí tiêu cực và trở thành một sư cô, một người tu thiệt. Có con nòng nọc mới có con ếch. Cũng vậy, nếu không có những năm đi học ở các trường Phật học, được quý Ngài giảng dạy, trao truyền cho tôi những kiến thức về Phật pháp thì làm sao tôi có thể tiếp nhận những lời Thầy dạy hôm nay một cách dễ dàng được.

Mỗi khi Thầy dạy các kinh bằng chữ Hán hay những môn luận, tôi thấy niềm biết ơn trong tôi đối với quý Ngài nhiều lắm, bởi quý Ngài đã trao truyền cho tôi vốn liếng về kiến thức Phật học. Quý Ngài đã cho tôi những thực phẩm rất lành mạnh, Thầy là người bày cho tôi công thức, cách nấu và nếu tôi là người khéo tay thì tôi sẽ tự nấu được cho mình những món ăn ngon, lành mạnh và biết cách chế biến ra thêm nhiều món ăn mới. Thử nghĩ nếu có người biết công thức nấu ăn, biết cách nấu ăn và muốn nấu ăn mà không có thực phẩm để nấu; hay có thực phẩm mà không biết cách nấu; hoặc vừa có thực phẩm và vừa biết cách nấu nhưng không chịu nấu thì có giúp ta vượt qua cơn đói?

Nhưng sự thật thì tôi cũng đã khám phá ra rằng từ nơi Thầy, tôi đã thấy được không chỉ có một kho thực phẩm tâm linh, một cửa hàng, một đại lý, một công ty mà có quá nhiều thực phẩm tâm linh lành mạnh, tươi ngon đầy quý giá. Từ gia tài thực phẩm tâm linh quý giá mà Bụt để lại, Thầy tôi đã tiếp nhận một cách sâu sắc và giờ đây, Thầy tôi đã sản xuất được thực phẩm, chế biến thực phẩm và cung cấp thực phẩm cho tất cả những ai cần đến những món ăn, món ăn tinh thần có khả năng nuôi dưỡng cả thân lẫn tâm. Tuy biết rằng cái gì cũng có giá trị của nó, nhưng tôi vẫn thấy mừng cho các sư anh, sư chị và sư em của tôi cũng như các thiền sinh đã may mắn tìm ra được kho thực phẩm tâm linh quý giá này từ Thầy tôi mà không quá mất nhiều thời gian như tôi. Đã đến nơi có đầy đủ thực phẩm tâm linh cho sự sống mà mình cần rồi, không lẽ mình lại quay lưng bỏ đi. Đi đâu? Tìm chi?

Tương tức là vậy, nếu không có cái này thì cũng không có cái kia. Rác cũng chính là hoa, tôi đang thực tập để nhìn sâu hơn vào đề tài này. Nếu không có em bé thiếu bạn chơi ở miền núi, không có những ngày làm Điệu, không có một thời làm ni sinh của trường Phật học, không có những năm tháng thực tập vụng về, hay những tháng ngày khó khăn trước đây xảy ra cho tôi, và nếu không trở về nương tựa tăng thân thì sẽ không có tôi bây giờ. Tôi là một với tất cả và tất cả cũng chính là tôi. Cầu mong cho tất cả mọi người đều có được một cuộc sống nhẹ nhàng và tự do. Tự do trong khi tu, trong khi học, trong khi làm việc và trong khi chơi.