Lắng nghe bằng trái tim

(Tâm Từ Hòa là một sư cô lớn lên ở Úc và hiện đang sống tại chùa Liên Trì, Hong Kong. Sư cô là một người xuất gia trẻ rất “năng nổ” trong các khóa tu Wake Up ở Đông Nam Á. Dưới đây là một chia sẻ rất thật khi sư cô có nhân duyên qua Trung Quốc để hoằng pháp với tăng thân.)

AIAB, ngày 14 tháng 5, 2012

Con kính bạch Thầy và Sư cô,

Chuyến đi Trung Quốc đầu tiên của con với thầy Pháp Khâm, thầy Pháp Chung, sư chị Sĩ Nghiêm và anh Simon vừa qua là một sự bất ngờ và rất kỳ diệu đối với con. Con mới được thọ giới Lớn và chỉ thích ở nhà để được học giới. Nhưng một tuần trước chuyến đi, trong buổi họp tỳ kheo ni con được tăng thân đề cử đi vì các sư chị khác không đi khóa tu được. Có lẽ vì đi với tinh thần cởi mở và hoàn cảnh bất ngờ mà con lại ít khái niệm và mong muốn vì con hoàn toàn không biết chi tiết của chuyến đi. Con chỉ có việc tin tưởng vào quý thầy, sư anh và sư chị như con nghé nương theo trâu mẹ và đàn trâu để qua sông. Con rất vui vì có cơ hội được học hỏi cách hướng dẫn khóa tu cho giới doanh nghiệp, một lãnh vực mà trước đây con rất ít tiếp xúc vì chưa bao giờ có sở thích tìm hiểu cả. Con biết con chỉ cần hết lòng thực tập theo dõi hơi thở và bước chân chánh niệm, khi quý thầy và sư chị cần con làm gì thì con hoan hỷ sẵn sàng giúp một tay. Con không biết một chữ hay một tiếng Hoa nào hết nên tự nghĩ rằng con sẽ không cống hiến được gì nhiều ngoài sự có mặt và năng lượng chánh niệm của mình. Tuy nhiên, con thích hát những bài hát thực tập chánh niệm và con thấy thiền sinh rất cảm động mỗi khi họ hát những bài thiền ca ấy. Họ chia sẻ là họ rất thích những bài hát giản dị này nên con đã cố gắng học vài bài hát bằng tiếng Hoa cho vui. May là các chị em mới ghi âm những bài hát bằng tiếng Hoa và sư cô Đoan Nghiêm, trong thời gian ngắn thăm AIAB cũng dạy cho con học tiếng Hoa được vài lớp, điều này đã làm khơi dậy sự thích thú để con tự học. Con thấy hát những bài hát chánh niệm là một phương tiện rất thích hợp cho nhiều người, lời của những bài hát như những lời kinh có khả năng đi thẳng vào tâm và tưới tẩm những hạt giống an lành và hạnh phúc cho người nghe.

Hai ngày đầu trong chuyến đi năm ngày, con chật vật với những cảm xúc bất lực và bất hòa trong mình. Lúc đó con bị cúm, phải uống thuốc và cảm thấy mù mờ không biết mình phải làm gì, nên làm gì trong môi trường khác lạ, không hiểu gì hết. Nhưng được tới Nam Kinh để thăm viếng chùa Kiến Sơ và đảnh lễ tổ tiên tâm linh, thiền sư Tăng Hội là một cơ hội rất hiếm có làm con quên hết phiền não nhỏ bé của mình. Trước đây vài tuần, một số quý thầy và quý sư cô nhà mình đã đến thăm đất Tổ, bây giờ có tên là “The Porcelain Tower of Nanjing”, nhưng chỉ được đứng trước cổng và chụp vài tấm hình mà thôi. Lần này không biết được duyên lành nào mà khi tới thì cổng đã mở và khi xin phép ông gác cổng thì ông ta cho phép đi dạo trên đường xi măng, nhưng không được đi lên đất khảo cổ, nơi mà vài năm trước những người khảo cổ đã đào lên một tháp cao 1.8m có chứa cất một kho tàng vô giá là Xá lợi và nhục kế của Bụt. Có một bài phóng sự viết là nơi nào có Xá lợi Bụt sẽ được hưởng ánh sáng trí tuệ và năng lượng từ bi của Bụt. Con thấy cũng thích hợp lắm vì Trung Quốc là nơi rất cần đạo Bụt ứng dụng vì Trung Quốc có rất nhiều quyền lực trong nền kinh tế thế giới hiện đại, người dân càng ngày càng phát tài. Nam Kinh được coi là thành phố lớn và hiện đại hạng thứ nhì sau thành phố lớn như Bắc Kinh. Ở phố chính của Nam Kinh, hầu hết góc đường nào cũng có một màn ảnh TV rất to đặt trên các tòa nhà doanh nghiệp cao. Và TV thì quảng cáo 24/24 những hình ảnh lộng lẫy đầy màu sắc quyến rũ như đang rót vào tàng thức của người dân, bày cho họ cách phải tiêu thụ như thế nào mới có thể được xem là người giàu sang phú quý và có giá trị. Nào là hàng hiệu Giorgio, Armani, Burberry, Dior, Chanel, v.v.. Con ngạc nhiên khi thấy những bảng quảng cáo và tiệm đồ hiệu này còn lớn hơn bên Tây phương, nơi xứ sở của những sản phẩm ấy. Nhưng khi bước vào cổng nơi đất Tổ, không khí trong lành và rất yên tịnh. Con đường có hai hàng cây phong cổ thụ, cành lá sum suê và xanh tươi tỏa đầy bóng mát. Cả nhóm dừng lại chụp hình rồi đi thiền hành trên con đường im mát giữa hai hàng cây, cảnh đẹp tuyệt vời như một bức tranh huyền thoại.

Từ trái qua: Sư cô Tâm Từ Hòa, sư cô Sĩ Nghiêm, thầy Pháp Khâm, thầy Pháp Chung và anh Simon

Với sự nghiên cứu của thầy Pháp Khâm và sư chị Sĩ Nghiêm, con được biết là sau khi Tổ sư Tăng Hội viên tịch, chùa và tháp đã bị sụp đổ và đã được xây cất lại ba lần theo sự vô thường của những đời vua. Nhưng Nam Kinh tới bây giờ vẫn được xem là “cái nôi” của Phật Pháp ở Trung Quốc. Trong khi cô Quế Phương (người trong ban tổ chức) đi hỏi ông quản lý đất khảo cổ, chúng con rất tự tại và thảnh thơi men theo con đường làm tạm bằng tre dẫn đến một cái nhà lớn và khi gặp ông quản lý, hỏi ra mới biết đó là nơi tháp Xá lợi đã được đào lên. Xung quanh có những mẫu đất rào lại bằng dây với những tấm bảng: “Art gallery” và “Quan Âm Đường”, y như mô hình vẽ về cảnh chùa cũ trước khi ngôi chùa và tháp cao chín tầng bị đổ lần cuối. Chúng con đang thật sự đi trên đất mà tổ Tăng Hội đã từng thiền hành những bước chân chánh niệm, và những bậc tổ sư kế tiếp qua các thời đại đã mang đạo Bụt đi vào cuộc đời. Con đang được đi trên đất mà tổ tiên tâm linh đã đi hơn 1800 năm trước. Con ý thức mình đang là sự tiếp nối của tổ tiên tâm linh. “Khai thông suối nguồn. Bồi đắp gốc rễ” là hai câu đối khởi đầu cuộc hành trình trở về với chính mình (xuất gia) của con. Nó đã gây nhiều cảm hứng để con tìm hiểu thêm về tổ tiên huyết thống của mình, và bây giờ con có cơ hội tiếp xúc một cách cụ thể hơn với tổ tiên tâm linh trong con. Đây là một món quà rất bất ngờ và tuyệt vời cho con. Con thấy những gì mầu nhiệm tự đến khi mình không mong cầu, khi mình chỉ có tâm hoan hỷ và cởi mở. Chỉ cần có niềm tin và đi cùng tăng thân với bước chân và hơi thở chánh niệm là đủ hành trang để đi khắp nơi. Con cảm thấy mình đã thấy được cái neo và không lo lắng mình đang bị lang thang trôi dạt một cách mù mờ trên biển Pháp vô lượng. Như trong bụng người Mẹ, em bé ý thức được cái nhau và cuống nhau đang nuôi dưỡng và mang sự sống đến cho mình.

Chúng con gặp ông quản lý đất khảo cổ và ông ấy mời chúng con trở lại thăm sau hai năm khi The Porcelain Tower đã được hoàn thành. Theo hai thông dịch viên, sư chị Sĩ Nghiêm và anh Simon, Tiếp Hiện cư sĩ (OI), đó cũng là lời ngỏ ý mời mình ra khỏi khu vực này liền vì bảo vệ sắp đến và sẽ không hoan hỷ khi thấy khách lạ.

Tới Dương Châu, cách Nam Kinh khoảng hai tiếng bằng xe hơi, chúng con ở một khách sạn gần chùa Văn Phong (WenFeng temple), nơi có khóa tu ba ngày cho 45 giám đốc (37 nam, 8 nữ) của các chi nhánh ngân hàng CITIC trong vùng Tô Châu (Jiangsu). Nhóm này đã được cấp trên, ông Tổng Giám Đốc cho hai sự lựa chọn: một là tham dự chương trình huấn luyện nghề nghiệp do ngân hàng cùng Đại Học Nam Kinh đã sắp xếp, trong đó có hai ngày học Phật Pháp căn bản do Thượng tọa Tịnh Nhân dạy và dự khóa tu ba ngày do “nhân viên” của Viện Phật Học Ứng Dụng (AIAB) hướng dẫn; haiaiH là đi tìm việc nơi khác. Con được “bật mí” là những thành phần tham dự khóa tu này đều là đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc và có địa vị trong ngành ngân hàng. Con không biết ngoài hai lớp và khóa tu có nội dung Phật pháp ra, chương trình này còn có những buổi huấn luyện nào khác hay không, nhưng đây là lần đầu tiên ông Tổng Giám Đốc đã lồng yếu tố Phật pháp vào khóa tu nghiệp, và bắt buộc nhân viên phải tham dự vì trước đây khi để tùy hỷ thì không mấy ai ghi danh. Con chưa gặp ông Tổng Giám Đốc này nhưng trong môi trường cạnh tranh “cắt cổ” của ngành doanh nghiệp, và trong tình huống tế nhị của tôn giáo dưới chế độ cộng sản, chắc ông ta cũng phải có bản lãnh lắm mới có thể dám làm điều này. Có thể ông ta đã gặp phước duyên lành và nếm được vị pháp diệu lạc của sự tỉnh thức, nên có năng lực quyết tâm như vậy.

Trong ban tổ chức mời quý thầy quý sư cô Làng Mai qua hướng dẫn khóa tu, chúng con được gặp ba người trẻ dưới 30 tuổi, anh Hà Quân Thạnh là trưởng nhóm chỉ mới có 28 tuổi, chị Hà Quế Phương 25 tuổi được nhiệm vụ “bảo vệ” chúng con, và cô ấy đã rất tận tình chăm sóc từng li từng tí từ thức ăn tới nơi ở của chúng con. Vài năm trước anh Quân Thạnh đã dự một khóa tu và được nghe thầy Tịnh Nhân thuyết pháp khai mở cho anh ta nguồn cảm hứng và niềm tin nơi Phật pháp. Sau đó duyên lành tiếp tục đến khi anh được mời làm việc tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Trung Hoa của trường đại học Nam Kinh (Institute of Chinese Culture Research Nanjing University). Anh Quân Thạnh đã buông bỏ doanh nghiệp của mình để theo con đường huấn luyện với mục đích làm sống lại nền tâm linh cho người Trung Quốc, nhất là tìm cách mang đạo Bụt ứng dụng vào đời sống. Trong buổi ăn tối gặp mặt, anh chia sẻ ước vọng xây dựng một trung tâm thực tập chánh niệm đạo Bụt ứng dụng đầu tiên tại thành phố Nam Kinh. Anh Quân Thạnh với chức trưởng nhóm cùng sáu nhân viên phụ giúp có mục đích muốn giới thiệu Phật pháp cho những người không có, hoặc có ít niềm tin và hiểu biết về Phật pháp, nhất là cho giới trí thức, và chương trình này là một thí điểm khởi đầu cho quá trình tu nghiệp (professional development) để tìm cách tăng trưởng năng xuất của những người giám đốc và giảm sự căng thẳng (stress).

Thời khóa trong ba ngày có những điểm khác khóa tu thường tổ chức tại Làng và AIAB. Có ít sinh hoạt hơn, coi như là ba ngày quán niệm. Buổi sáng thứ nhất bắt đầu 9 giờ, thầy Pháp Khâm hướng dẫn cách ngồi yên và thiền hành chậm trong thiền đường của chùa Văn Phong. Đây là cách khởi đầu khóa tu khá “mạnh” (intensive) vì “thiền sinh” chưa bao giờ phải đi chậm như vậy, cho nên chúng con thấy rất vui khi quý thầy quý sư cô nhà mình cứ bị người đi sau đá trúng gót chân nhiều lần.

Vì cơ hội “chọc thủng” tập khí hối hả của họ rất hiếm cho nên ngay buổi đầu thầy Pháp Khâm cho thiền sinh biết hai thực tập căn bản nhất của Làng là dừng lại để theo dõi hơi thở bụng và để tâm theo bước chân chánh niệm. Trong buổi pháp thoại cũng như buổi pháp đàm, chúng con thấy họ không ngồi yên được. Cứ mỗi nửa tiếng họ trở thành “cóc bỏ trên đĩa” phải đứng lên, đi ra ngoài hút thuốc lá hay đi vệ sinh, nói với nhau vài câu gì đó rồi mới trở lại ngồi yên được. Pháp thoại ngày đầu thầy Pháp Khâm trình bày lịch sử Phật Giáo ở Trung Quốc và giới thiệu tổ Tăng Hội ở Chùa Kiến Sơ tại Nam Kinh, nhằm soi sáng kho tàng tâm linh và tổ tiên vô giá mà họ đang có.

Bữa cơm trưa được ăn trong im lặng và khi nghe tiếng chuông đầu tiên là họ vội vàng hấp tấp đi ăn – như những người chạy đua khi nghe tiếng súng khởi đầu thì vùng lên chạy “hết ga” để nhanh tới điểm kết thúc. Trong vòng 15 phút họ ăn xong, liền đứng dậy ra ngoài hút thêm điếu thuốc và trò chuyện với nhau. Con thầm nghĩ chắc sư anh sư chị của mình cũng đang mỉm nụ cười thông cảm. Bữa cơm ngày thứ hai có vài người bắt đầu có khả năng ăn chậm lại để thưởng thức và ý thức được mình ăn quá nhanh và tiêu thụ một cách quá phí phạm trong đời sống hàng ngày.

Ban tổ chức có dự định là sau bữa ăn trưa cho thiền sinh trở về khách sạn nghỉ ngơi, nhưng sau khi được hướng dẫn thiền buông thư, tất cả đều tươi tỉnh ra, không khí và năng lượng trong nhóm tự nhiên khác hẳn. Trước khi cho thiền buông thư, con thấy có nhiều căng thẳng và năng lượng của sự băn khoăn. Họ bồn chồn vì không biết ba ngày “huấn luyện” ở chùa sẽ như thế nào trong khi họ là những giám đốc rất bận rộn với nhiều công việc và đòi hỏi từ tứ phía: nào là nhân viên, khách hàng, dự án, kế hoạch cộng với sự “lựa chọn” đặc biệt của cấp trên đưa xuống.

Pháp đàm sau giờ thiền buông thư là một cách sắp xếp thời khóa rất hữu hiệu, vì sau khi được nghỉ ngơi, thiền sinh cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn, cho nên ai cũng mở lòng chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Có một ông thiền sinh chia sẻ là trước đây không thích Phật giáo và nghĩ rằng Phật pháp là một cách coi bói. Ông ấy không có niềm tin và cũng không có ý thích tìm hiểu thêm. Nhưng sau khi tham dự hai lớp học Phật pháp căn bản của thượng tọa Tịnh Nhân, ông ta thấy Phật pháp chỉ dạy cho người ta cách giải quyết những khó khăn khổ đau trong đời, và là cách hiến tặng tình thương cho đời. Một ông khác thêm vào: “Sau khi học hai lớp của thượng tọa Tịnh Nhân, bây giờ chúng tôi có cơ hội học cách thực tập những gì mình đã học qua như tư thế của thân thể, như thiền ngồi và thiền đi chậm. Ngay cả lúc nằm và ngủ mình cũng có thể thiền được. Thực tập như vậy giúp tôi an tịnh thân thể của tôi.” Ông ta kể một cách thích thú, như người mới khám phá ra được điều hay mới lạ. Người khác thì hỏi cách đối trị cảm xúc của mình, và khi ngồi thiền phải làm gì để không suy nghĩ nữa? Họ thắc mắc về sự buông bỏ và tự cảm thấy mình đang bị kẹt trong một cái bẫy mâu thuẫn không lối ra, bây giờ làm sao mà buông bỏ được công việc căng thẳng này và sự đòi hỏi liên tục của gia đình nếu muốn đạt tới sự an lạc như các thầy và các sư cô? “Cho dù tôi muốn buông bỏ đi nữa tôi cũng không làm được”. Một ông khá trẻ chia sẻ: “Thường khi gặp nhau chúng tôi hỏi thăm nhau dạo này sao rồi? Chỉ có một trong hai câu đáp: “mệt quá” hoặc là kể những điều không vừa ý trong đời. Rồi chúng tôi nhìn lại thời thơ ấu chỉ có hai bàn tay trắng nhưng có hạnh phúc, nay chúng tôi có nhiều tài sản nhưng không có niềm vui như xưa nữa.” Có cô chia sẻ: “Làm sao tôi có thể thực tập những pháp môn này vì công việc ở sở quá nhiều và về nhà phải lo cho chồng con nữa.” Buổi pháp đàm rất thú vị vì họ không ngần ngại và cởi mở chia sẻ liên tiếp cho dù không quen biết nhau nhiều.

Sau pháp đàm là thực tập thiền hành ngoài trời trong khung cảnh yên tịnh và mát mẻ của chùa Văn Phong, chúng con đi vòng quanh một cái tháp cao. Thiền hành thật là một pháp môn tuyệt diệu, nhất là cho những người mới biết đến thiền và khó có thể ngồi yên trong khoảng thời gian dài. Họ rất thích thiền hành cho dù tập khí vừa đi vừa nói quá nặng trong một số thiền sinh. Buổi thực tập thiền hành ngoài trời cùng với mười động tác chánh niệm mang lại cho họ nhiều năng lượng thoải mái và nhẹ nhàng để kết thúc một ngày học tập nhiều điều mới lạ.

Có lẽ đã nếm được sự an lạc trong ngày đầu nên sáng hôm sau, đúng 9 giờ là họ vào ngồi thiền nên không mất nhiều thì giờ. Với những lời hướng dẫn thiền ngồi chăm sóc thân thể phối hợp với hơi thở, con cảm nhận như họ rất thích buổi công phu và không khí của buổi ngồi thiền yên hơn hôm trước nhiều. Buổi pháp thoại ngày thứ hai, thầy Pháp Khâm nói về tâm lý Phật pháp qua những thí dụ cụ thể, dễ hiểu và gắn liền với hoàn cảnh công việc và gia đình của họ. Trong buổi pháp đàm có người phát biểu cách trình bày có hệ thống của thầy Pháp Khâm giúp họ hiểu được cách vận hành của tâm, và những hạt giống trong tàng thức biểu hiện thành tâm hành trong ý thức giúp họ thấy được cách áp dụng sự thực tập trong đời sống hàng ngày.

Sau buổi thiền buông thư thứ nhì, con thấy rất thú vị và mỉm cười khi họ đến buổi pháp đàm một cách rất thoải mái và vui vẻ. Có một vài người rất thích nghe tiếng chuông nên trong giờ rảnh, họ tự động lên ngồi kế cái chuông lớn và bắt chước quý thầy, quý sư cô ngồi thẳng lưng rồi thỉnh chuông. Có một ông tới buổi pháp đàm vui vẻ giơ chiếc khánh lên cao và công bố như một em bé trai: “Đây, tôi đã mang Pháp khí đến cho quý thầy quý sư cô dùng!” Họ rất thích thú như những trẻ em hớn hở với cơ hội được học và thực tập một cái gì mới mẻ và thú vị lắm. Thầy Pháp Chung hướng dẫn cách thỉnh chuông và theo dõi hơi thở. Tiếng chuông êm dịu của thầy làm họ lắng nghe như trong trạng thái thôi miên (mesmerized), đang thưởng thức toàn vẹn hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu. Từng lượt mỗi người được thực tập thỉnh ba tiếng chuông. Phẩm chất tiếng chuông càng lúc càng tăng cao vì hơi thở càng sâu và chậm hơn, và năng lượng trạo cử lăng xăng lắng xuống rõ rệt. Họ còn xin thầy thỉnh chuông lại để ghi âm trong điện thoại di động của họ để nhắc họ trở về hơi thở trước khi trả lời.

Sau khi thực tập thỉnh chuông, có một ông trưởng phòng chia sẻ nỗi bế tắc rất thiết thực trong môi trường giới doanh nghiệp. Ông ta nói: “Tôi cảm thấy người trong xã hội Trung Quốc thời đại như đang đi trên một xa lộ với tốc độ 100km/giờ, nhưng trong môi trường ngân hàng, chúng tôi cảm thấy mình đang bị kẹt trong xa lộ với tốc độ 150km/giờ! Tôi không thể nào ngừng và buông bỏ như quý vị (quý thầy và quý sư cô) được. Tôi ngưng thì sẽ có tai nạn lập tức, và tôi không thể nào chậm lại vì sẽ có rất nhiều áp lực từ cấp trên và những nhân viên ở dưới địa vị của tôi. Tôi phải làm sao bây giờ? Tôi phải thực tập như thế nào mới có được an lạc và thảnh thơi?”

An trú trong hơi thở chánh niệm trong khi thực tập lắng nghe nên con không còn xem họ là những đảng viên, chỉ thấy họ như những cô chú ruột thịt của mình. Tính cách của họ lịch sự, tôn trọng và lễ phép với nhau. Họ cũng có tâm hướng thiện, khao khát những điều rất con người như được hạnh phúc, được an lạc cho mình và người thương của mình. Nhìn lại thì là lẽ đương nhiên, nhưng có thể vì con được sanh ra và lớn lên trong thời hậu chiến đói khổ, tương lai mù mịt ở Việt Nam, và vì bố mẹ, ông bà con đã chịu nhiều thống khổ dưới chế độ cộng sản nên con chỉ được nghe những lời hận thù về đảng cộng sản. Bây giờ tiếp xúc được với những khổ đau của họ con thấy trong mình những thành kiến bất thiện và lệch lạc được rơi rụng, chỉ còn lại tình người mà thôi.

Buổi pháp thoại cuối của khóa tu, thầy Pháp Khâm trình bày những đức hạnh và cách chế tác quyền lực đích thực theo nội dung trong quyển sách Power (Quyền Lực) của Sư Ông. Sau đó thầy cho vấn đáp. Có một ông đặt câu hỏi: “Những điều thầy nói rất hay và lý tưởng lắm cho mọi người, nhưng trong thế giới doanh nghiệp tôi không biết phải hành xử tử tế bằng cách nào với những người tranh dành lợi lực và tiền tài bằng đủ cách bất lương. Họ có thể giấu giếm thông tin tài liệu để gian lận hoặc chiếm đoạt lợi lạc cá nhân, bất cần đến mối quan hệ với người khác. Nếu tôi không làm gì hết thì sẽ chịu thiệt hại, không những cho riêng mình mà cho những nhân viên trong ngân hàng luôn. Tôi phải làm như thế nào, và làm sao áp dụng những lý tưởng đẹp đẽ này trong môi trường như vậy?” Ông hỏi xong tất cả thính chúng đều im lặng. Không khí trĩu nặng với sự mong chờ vì đó là thực tế mà họ phải đối phó hầu như mỗi ngày. Con cảm thấy đây là giây phút đỉnh điểm trong khóa tu. Ba ngày qua tăng thân mình như đã dìu dắt họ đi chuyến du ngoạn lên núi. Trên đường đi đã có lúc khó nhọc và nóng bức, nhưng đồng thời họ cũng được thưởng thức, nuôi dưỡng và trị liệu bởi không khí khoáng đãng của núi rừng (môi trường yên tịnh của chùa). Bây giờ tất cả đều đứng trước một vực thẳm trong câu hỏi này. Lúc đó con cũng hồi hộp không biết thầy sẽ trả lời như thế nào vì đây là giây phút mà mình có thể làm rung động trái tim và thức tỉnh Bồ Đề tâm của họ. Con hết lòng tâm niệm “đánh tin” SOS tới Sư Ông – “Sư Ông ơi, con xin Sư Ông gởi năng lượng trí tuệ và từ bi đến cho thầy Pháp Khâm con làm sao khai mở được trái tim của những người đáng thương này đi Sư Ông!”

Thầy Pháp Khâm im lặng một hồi rồi từ tốn và lần lượt kể những câu chuyện bi thảm có thật trong giới giàu sang nổi tiếng. Như hai người bạn cùng một công ty đang tuyển chọn giám đốc. Cả hai đều muốn được lên chức. Ông A tìm mọi cách để được chức vụ nhưng khi thấy người bạn thành công, ông A quá tuyệt vọng và đi tự tử. Ông B đau khổ vô cùng khi mất một người bạn thân của mình, cũng từ chức bỏ công ty. Thầy liền trình bày tiếp vài chuyện điển hình tương tự về những người nổi tiếng giàu sang với gia tài cả triệu, cả tỷ đô Mỹ nhưng vẫn tìm đến cái chết vì tuyệt vọng trong tình cảm hay cuộc đời không có hạnh phúc và ý nghĩa. Thầy kết thúc bằng cách mời các thiền sinh nhìn kỹ lại cái nhu yếu thiết thực nhất của họ, cũng như của tất cả mọi người là gì, có phải là hiểu người thân cận và được người khác hiểu mình, thương và được thương không? Câu trả lời đơn giản nhưng đầy hiệu nghiệm, như tiếng chuông đại hồng chánh niệm được thỉnh vang, thấm tận lòng người nghe. Không khí im lặng tuyệt diệu với sự tỉnh thức. Tiếng chuông hùng tráng này đã làm lắng yên tất cả những câu hỏi, những băn khoăn và tiêu tan những mối nghi ngờ, bất công trong lòng của họ. Giây phút thật nhiệm mầu!

Bữa cơm trưa sau buổi pháp thoại này có chất lượng nhẹ nhàng, từ tốn và thảnh thơi hơn bữa ăn đầu nhiều. Thường khi ăn xong họ liền ra ngoài hút thuốc hay làm gì khác nhưng hôm nay có người ăn chậm hơn và ngồi lại lâu hơn trong im lặng, có người quan sát và chụp hình quý thầy và quý sư cô để lưu lại tư cách ăn trong chánh niệm đang được thực tập.

Sau buổi thiền buông thư chót có thực tập Năm cái lạy với vài từ ngữ điều chỉnh lại cho bớt tính cách chuyên môn Phật pháp. Buổi ngồi chơi (Be-In) để kết thúc khóa tu rất cảm động. Có một ông chia sẻ ông ta rất cảm động khi thực tập thiền lạy vì ông nhớ đến câu chuyện bà Mẹ nghèo đã nhiều lần hy sinh bát mì cho con gái của mình được lớn nên người. Hạt giống từ bi trong ông ta đã được tưới tẩm và ông ấy khóc nức nở không ngừng trước tất cả đồng nghiệp. Ông ta nói mình có thể học hỏi hơn khi biết ơn. Ông khác chia sẻ: “Thường tôi không thích nghe về lý thuyết và lịch sử Phật giáo trừ khi nhìn về phương diện văn hóa. Nhưng tôi thấy 5 Tâm Sở Biến Hành giúp tôi hiểu được sự vận hành của tâm mình.” Ông khác nói: “Trong công việc phải làm nhanh mới được coi là hữu hiệu, nhưng tôi thấy làm nhanh giảm phẩm chất của sự truyền thông. Chậm lại sẽ có nhiều kết quả tốt hơn, và tôi cảm thấy bình an khi nói chuyện với quý thầy quý sư cô. Trước đây tôi tới khóa tu quyết tâm đạt được mục đích thiền. Nhưng ba ngày qua tôi đã thay đổi khái niệm về thiền. Thiền là làm lắng dịu tâm trong những công việc đang làm. Tôi đã học được những tập khí tốt mà có thể sử dụng trong suốt cuộc đời của tôi, và ba cửa giải thoát có thể giúp tôi buông bỏ những phiền não trong mình.” Một cô nói: “Trong quá khứ tôi không muốn và không thích đến chùa thân cận với người xuất gia. Nhưng trong khóa tu ngắn ngày này, tôi cảm thấy an lành.” Cô khác phát biểu: “Sáng nay tôi thức dậy với những lời của bài hát “Ta hạnh phúc liền giây phút này…” trong đầu của tôi, và nó làm tôi cảm thấy nhẹ nhàng và vui. Tôi rất thích những bài hát chánh niệm đã được học.”

Trong khóa tu này chúng con không đọc và tụng kinh, nhưng những bài hát thực tập chánh niệm không khác gì những bài kinh khế cơ cho những người doanh nhân có ít thiện cảm với Phật giáo, và con nghĩ nó cũng có tác dụng mầu nhiệm không kém so với người Phật tử nghe kinh. Một ông hớn hở chia sẻ là ba ngày qua đã giúp ông ta thấy được sự vô thường của đời sống. “Mình có hạnh phúc là đủ rồi!” và ông ta nói câu “Present moment, wonderful moment!” như người đã chứng kiến được lẽ tự nhiên tuyệt vời của câu này. “Trong quá khứ tôi không tin khi người ta nói mình phải sống có hạnh phúc, nhưng bây giờ tôi mới thấy được mình có thể có hạnh phúc thật sự, và có thể mang hạnh phúc cho người bằng cách sống chánh niệm. Tôi có nhiều cảm hứng muốn làm những điều giúp ích và tốt lành cho gia đình hơn.”

Anh Quân Thạnh chia sẻ vài lời kết thúc: “Tôi cảm thấy an lành khi tổ chức khóa huấn luyện có khả năng giúp người tham dự được an lạc. Tôi cũng đã từng dự khóa tu tại chùa Văn Phong nhiều lần và được rất nhiều cảm hứng hạnh phúc và bình an. Thầy trụ trì rất từ bi và muốn mang đạo Bụt ứng dụng cho dân chúng Trung Quốc với những khóa tu miễn phí.” Thầy trụ trì tự tại có đôi lời khuyến khích thiền sinh mỗi ngày tắt điện thoại di động và cho mình được ngồi yên và “nghỉ phép” 15 phút. “Biết cách nghỉ ngơi là bí quyết tăng trưởng khả năng làm việc của mình.”

Sau khi các thiền sinh đã về, chúng con ngồi lại với thầy trụ trì và hai người trong ban tổ chức. Anh Quân Thạnh chia sẻ là bây giờ Đảng Cộng Sản Trung Quốc có khuynh hướng muốn phát triển nền văn hóa, và Phật giáo có thể hoạt động dưới dạng văn hóa và “interest groups” (nhóm có chung sở thích) mà không bị dẹp tắt nhanh chóng. Khi chúng con nói tới sự xây dựng tăng thân, một cộng đồng tu tập để yểm trợ cho nhau thì anh Quân Thạnh chia sẻ là gần đây số người Trung Quốc theo đạo Phật Tây Tạng càng tăng và họ đã thành lập những cộng đồng cùng sở thích tu tập. Nhưng những hoạt động có tính cách “cộng đồng” sẽ dễ bị gây sự chú ý không lành của Đảng, vì vậy anh ta cũng phải cẩn thận để bảo vệ ông Tổng Giám Đốc, là người chủ của mình. Tại đại học Nam Kinh đã có sẵn những “interest groups”, và nhóm này được tiếp tục hoạt động dưới tựa đề “Nanjing University Citic Bank human culture and creative culture research group” (Anh ta giải thích là tựa đề dài dòng và lòng vòng như vậy để tránh sự kiểm tra và hòa vào chính sách phát triển văn hóa của Đảng).

Con thấy cách nhìn này cũng phù hợp với mục đích và hướng đi ứng dụng Phật pháp của Làng là không tách rời đời sống hàng ngày. Các pháp môn Thầy trò mình thực tập chính là văn hóa và cách sống hàng ngày để làm sao cho có sự hiểu và thương, có hòa hợp và để sống hết lòng với mọi người. Cả hai thầy trụ trì và ban tổ chức thấy rõ nhu cầu thiết yếu của sự chậm lại để lắng dịu quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống Trung Quốc hiện đại. Rất nhiều người trẻ phải đối phó với những áp lực của sự cạnh tranh trong lãnh vực giáo dục. Càng ngày đà phát triển càng tăng, dân chúng càng có nhiều tài khoản thì mức độ stress cũng theo đà tiêu thụ mà tăng lên.

 

Cùng tăng thân tu học

Sư Ông ơi, con đã trở về Hong Kong được hai tuần rồi nhưng mỗi ngày đều có những giây phút con nhớ đến những thiền sinh đáng thương đó. Mỗi lần như vậy, con thấy đau xót với môi trường đầy độc tố, thiếu từ bi và hoàn cảnh bế tắc của họ. Con trở lại với hơi thở và có mặt cho mình, thầm niệm như đang cùng thực tập và nhắn nhủ họ hãy nhớ trở về hải đảo tự thân, nơi an toàn và thoải mái mà họ đã được tiếp xúc trong khóa tu vừa qua. Suốt thời gian khóa tu con không nói và không hiểu được nhiều, chỉ theo dõi hơi thở, an trú trong tự thân mà con thấy mình cảm nhận và hiểu bằng một cách khác, và có thể “nghe một mà hiểu được mười” như Sư Ông đã dạy. Con không biết con tới mức độ “mười” chưa, nhưng có lẽ vì điều kiện bất đồng ngôn ngữ cho nên con chỉ còn việc chú tâm vào hơi thở và an trú trong cơ thể. Trước đây con làm ngành tâm lý trị liệu, là một người chuyên môn nghe những nỗi khổ của người, nhưng con chưa từng bao giờ được học tập cách lắng nghe thấu đáo như vậy. Vì trước đây con chỉ biết nghe bằng ngôn từ và kiến thức mà không biết nghe bằng trái tim và sự có mặt toàn diện (listen with my whole being). Vì tình huống này mà bỗng nhiên con khám phá ra cách lắng nghe với tâm im lặng, không dựa vào khái niệm gì hết. Vì vậy con cảm thấy mình đã tiếp xúc với nỗi khổ một cách toàn vẹn hơn trước, và nó đã làm trái tim của con vỡ ra, chạm vào một cái gì đó thật sâu mà con chưa biết gọi đúng tên được. Nó làm con chỉ muốn yên lặng trào nước mắt. Có phải đó là lòng xót thương không Thầy?

Sự đau đớn và thống khổ của họ đã làm con rất thương tâm, giống như những niềm đau nỗi khổ không giới hạn của những người bệnh tâm thần mà con đã từng tiếp xúc trước khi đi xuất gia.

Con biết ơn và cảm động khi họ đã mở lòng chia sẻ phiền não của họ cho dù họ đủ tuổi và kinh nghiệm ở đời để làm cô, chú, hoặc cha mẹ của con. Và con thấy họ có đủ niềm tin nơi chúng con cho dù họ có gốc rễ trong Đảng Cộng Sản. Sư Ông ơi, con nghĩ cho dù mình đã không được xây dựng nơi quê nhà, nhưng có lẽ bây giờ tổ tiên Tăng Hội đang cần năng lực của tăng thân mình hơn ở gốc rễ nơi Nam Kinh, Trung Quốc. Đảng cộng sản cũng đã từng từ Trung Quốc nhập xuống Việt Nam. Con thầm nghĩ, nếu mình chuyển hóa và chữa lành gốc rễ bị bệnh thì có lẽ những cành lá cũng sẽ được tốt tươi hơn ở nơi quê nhà.