Sơn Cốc
(Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh)
Sơn Cốc giống như một nơi để cho mình nương tựa, cũng giống như được về nhà ông nội khi Chân Đức (CĐ) còn nhỏ. CĐ thấy rất bình an và hạnh phúc khi ở đó.
Ở Sơn Cốc có khá nhiều cây tùng Deodara. Những cây tùng này có gốc gác ở vùng Himalaya, Ấn Độ. Gỗ của chúng thường được dùng để tạc tượng các thần linh.
Ba cây tùng lâu năm nhất đứng thành hình tam giác phía sau nhà. Thầy thương ba cây tùng này lắm. Khi nào không ngủ được, Thầy thường quán tưởng đến hình ảnh ba cây tùng. Khi đi thiền hành ở Sơn Cốc, Thầy hay dừng lại làm thiền ôm với ba cây tùng, và Thầy dạy CĐ cách thiền ôm với cây. Nguyên tắc thực tập giống như thiền ôm với một người, chỉ khác là cây thì không ấm áp, trừ những ngày hè nóng bức có ánh nắng mặt trời chiếu lên thân cây. Bạn vòng tay ôm thân cây (bây giờ thì phải cần hai thầy, hoặc hai sư cô có cánh tay dài dang ra mới ôm trọn được thân một cây tùng). Bạn áp má mình vào thân cây và thở để có mặt 100% cho cây, và mầu nhiệm thay, cây cũng có mặt đó cho bạn. Vững chãi, không lay chuyển và thảnh thơi. Thậm chí khi có gió mạnh, bạn cũng sẽ thấy thân cây không hề lay động. Năm nay khi ôm những cây tùng, CĐ cũng đồng thời cảm thấy mình đang thiền ôm với Thầy.
Những cây tùng này có một năng lượng trị liệu rất lớn. Có lần Thầy nói: “Con có thể nói chuyện với cây, hỏi cây làm cách nào để chịu được cái lạnh lẽo của mùa đông”. CĐ nhận ra rằng khả năng chịu đựng thời tiết vô cùng khắc nghiệt làm cho thân tâm con người trở nên mạnh mẽ. Chúng ta cũng có thể tiếp xúc với bản môn khi thiền ôm với cây, bởi vì một cái cây, cũng như tất cả những cái khác, không có một cái ngã riêng biệt, không có bắt đầu cũng không có kết thúc.
Một món quà khác mà các cây tùng hiến tặng cho ta là tiếng gió reo qua cành lá. Nếu bạn ngủ trong một căn phòng ở phía bắc của ngôi nhà, nằm trên giường, bạn có thể nghe được tiếng reo của gió. Và trong đêm trăng, ngước mắt nhìn qua khung cửa nhỏ trên nóc nhà, bạn có thể thấy mặt trăng chiếu sáng qua cành lá. CĐ rất thích tiếng gió reo, tiếng chim hót và tiếng nước róc rách chảy tràn qua đá. Bạn có thể ngồi cạnh dòng suối trong vườn tre, tiếng suối sẽ giúp bạn thư giãn và quên đi tất cả những bận rộn của đời thường.
Mùa thu này, CĐ và các sư em rất thích ngắm các chú sóc đỏ ở Sơn Cốc. Trong khi ăn sáng, chúng tôi nhìn bọn sóc tìm nhặt hạt. Sau khi nhìn quanh để chắc chắn là không có ai dòm ngó, các chú chôn hạt xuống. Các chú sóc chỉ có thể nhặt hạt trong vườn ở Sơn Cốc, bởi chúng không thể đi xa được trên những đôi chân nhỏ xíu đó.
Trong các cánh đồng hàng xóm, có các cây hồ đào và hạt dẻ mà đôi chân con người có thể đi đến một cách dễ dàng. Sư cô Trai Nghiêm quyết định giúp các chú sóc bằng cách đem một số hạt từ cánh đồng hàng xóm về để trong sân nhà. Nhiều ngày sau, chúng không động đến một hạt nào. Rồi một sáng nọ, khi một chú sóc nghĩ rằng không có ai đang dòm ngó, chú đã đến và lần lượt lấy đi chín hạt hồ đào để bổ sung vào kho thức ăn dự trữ cho mùa đông của mình.
Ở cuối vườn của Sơn Cốc có một cái nhà cũ, có lẽ từng là nơi cư ngụ của các gia đình nông dân và gia súc. Phía trên một trong các vòm cửa có khắc con số 1744. Trong những năm gần đây, Thầy rất ước ao ngôi nhà được trùng tu. Thầy Trời Đại Nghĩa hiện đang coi sóc việc trùng tu này. Phần rộng nhất của ngôi nhà sẽ trở thành thiền đường, nhìn ra những ngọn đồi, cánh đồng và các cánh rừng lân cận. Công việc tiến hành khá chậm, nhưng cách làm nề và mộc đều theo truyền thống của địa phương để biểu lộ sự gần gũi, thân thiện với môi trường.
Một ngày nọ, CĐ cùng hai sư cô nữa vui thích trát bùn trộn rơm lên bức tường cũ kỹ của ngôi nhà. Các sư cô người Việt nói rằng, ngày xưa ở Việt Nam, người dân cũng có truyền thống xây tường bằng rơm và bùn. Có thể vào năm tới, thiền đường sẽ được hoàn tất để một lần nữa chúng ta có thể tổ chức ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc, bởi vì gần đây ở Sơn Cốc không đủ chỗ để tổ chức ngày xuất sĩ. Chúng ta ai cũng mơ ước một ngày nào đó Thầy sẽ quay lại Sơn Cốc để thấy thiền đường đã được làm xong, điều mà Thầy rất muốn thực hiện. Lần cuối cùng lúc Thầy còn ở Sơn Cốc, khi thời tiết cho phép, ngày nào Thầy cũng bảo thị giả đẩy xe ra con đường phía sau khu vực đang được trùng tu để Thầy có thể xem tiến độ của công trình.
Trong mùa An cư kiết thu năm nay, các sư cô từ cả xóm Mới lẫn xóm Hạ đều đến Sơn Cốc để ăn trưa và có mặt cho nhau. Có lần các sadi từ ba xóm đã tổ chức ngày sadi ở Sơn Cốc. Sơn Cốc tiếp tục là suối nguồn của niềm vui và sự nuôi dưỡng cho các thầy, các sư cô. Dù có nhiều vị chưa bao giờ được trực tiếp gặp Thầy, họ vẫn có thể cảm được năng lượng của Thầy. Năng lượng ấy đã thấm vào từng gốc cây, ngọn cỏ, không khí, đất đai của chốn bình yên này.