Nở ra rồi một đoá từ bi
(Sư chú Aggapanno xuất gia năm 2015 tại Indonesia và đang nương tựa đại chúng chùa Pháp Vân, xóm Thượng, Làng Mai để tu học từ năm 2017 đến nay. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh)
Hạt giống giận
Con ra đời tại Indonesia, mười bảy năm sau khi Tướng Suharto chiếm chính quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 1965. Thế hệ những người gốc Hoa ở Indonesia, lớn lên trong giai đoạn từ 1965 đến 1998, phải mang trong mình rất nhiều khổ đau do hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Đối với con, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó người Indonesia gốc Hoa vào giai đoạn đó không phải là một điều dễ dàng. Nhiều người Indonesia bản địa vẫn luôn nghĩ là người Hoa ai cũng giàu có, vì vậy họ không có cảm tình và rất ganh tị. Người Hoa bị đàn áp nặng nề, và cộng đồng người Hoa phải đối diện với nạn diệt chủng trong hơn ba mươi năm trên đất Indonesia. Ở trường tiểu học, con đã bị bạn bè và thầy cô giáo kỳ thị, hiếp đáp, bởi vì gia đình con nghèo trong khi gia đình các bạn thì giàu có.
Hạt giống giận bắt đầu lớn lên trong lòng con. Con không thể hiểu được tại sao mình lại sinh ra là một người Hoa nghèo mà không phải là một người địa phương như những người hàng xóm, hoặc một người Hoa giàu có như các bạn cùng lớp. Nỗi hiềm hận trong lòng con càng lớn thêm khi ba con gặp rắc rối với những người Indonesia bản địa.
Con đã lớn lên như thế với hạt giống tức giận và hiềm hận. Vào năm học cuối cùng của con ở cấp hai, một cuộc khủng hoảng chính trị đã diễn ra ở Indonesia. Nhiều người bản địa đã tấn công vào khu vực của người Hoa. Ám sát, cướp bóc và xâm phạm tình dục đã diễn ra. Họ đã hành hạ, giết chết hầu như bất cứ người Hoa nào họ gặp và cưỡng hiếp phụ nữ. Hầu hết các nạn nhân là người Hoa nghèo hoặc trung lưu. Những người Hoa giàu có đã kịp chạy ra nước ngoài để lánh nạn.
Cuộc khủng hoảng chấm dứt với sự sụp đổ của chính quyền Suharto. Sau mấy thập niên bị chế độ độc tài khống chế, hệ thống thông tin cuối cùng đã được thông thoáng. Thời gian này con đang học cấp ba. Trong trường học, các thầy cô giáo luôn khuyến khích học sinh tư duy phản biện và sáng tạo. Học sinh được dạy cách tranh luận và chủ động tìm kiếm những thông tin có giá trị chứ không chỉ theo những gì người khác nói. Chúng con đã được học về cách thức tướng Suharto sử dụng để chia rẽ người Indonesia bản địa và cộng đồng người Hoa. Ông ta đã bắt tay với những doanh nhân người Hoa giàu có, nhưng cùng lúc ấy lại cấm người Hoa không được học tiếng Hoa, cấm văn hóa và tín ngưỡng của người Hoa.
Con đã lớn lên với một ngọn lửa uất ức và hận thù trong tim. Nhận ra mình đã lớn lên một cách không lành, con bắt đầu tìm kiếm một con đường thoát. Con đã thực tập trong rất nhiều truyền thống tâm linh và bắt đầu thiền tập. Có vẻ như sự cố gắng của con mang lại kết quả tốt vì con đã bình tĩnh lại từ khi bắt đầu thiền tập. Nhưng ngọn lửa kia vẫn còn đó. Thiền tập chỉ là một cơ chế giúp con trốn chạy sự giận dữ của mình. Bất cứ khi nào cơn giận đi lên là con thiền tập để lắng dịu lại. Khi tác dụng của thiền yếu đi, con lại tức giận như cũ. Bao giờ đọc tin tức về những áp bức, bất công, cơn giận của con lại bùng lên. Thiền tập chỉ là một lớp điểm trang con phủ lên khuôn mặt giận dữ của mình để người khác chỉ có thể thấy con là một con người đẹp đẽ. Nhưng khi lớp điểm trang đó phai đi, con người đẹp đẽ ấy trở thành một con quái vật.
Với lòng tức giận đó, con kết bạn với nhiều người từ các nhóm bị gạt ra bên lề xã hội, như nhóm đồng tính, nhóm thân Cộng, nhóm Sa man giáo, nhóm vô thần, nhóm theo thuyết bất khả tri, và thành viên của các tôn giáo bị chính phủ coi là dị giáo. Rất nhiều người trong số đó đã bị đàn áp rất tàn bạo. Họ bị mất việc, mất cơ hội được đến trường, thậm chí gia đình họ có người còn bị mất cả mạng sống. Khi nghe họ kể lại, nước mắt của con đã trở thành nhiên liệu tưới vào ngọn lửa tức giận vốn có sẵn trong con.
Thật lòng con cảm thấy mệt mỏi vì sự tức giận của mình. Con muốn nghỉ ngơi. Nhưng mặt khác, con lại thấy lòng ray rứt vì không thể làm gì để giảm thiểu khổ đau của những người xung quanh. Trong thời gian ấy, con đã tìm được một việc làm tốt, nhưng con không thấy thỏa mãn chút nào. Sau một thời gian dài chiêm nghiệm, con bỏ việc và quyết định xuất gia như một thầy tu đạo Bụt. Lúc ấy con không biết nhiều về đời sống xuất gia. Điều duy nhất mà con biết là giáo lý đạo Bụt nói đến việc mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sanh và giúp họ thoát khỏi khổ đau. Con cũng được gây cảm hứng bởi hình ảnh của một số vị thầy lớn trong đạo Bụt, đặc biệt là Thầy và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Cuộc đời quý Ngài cũng đã trải qua bất công và đàn áp, nhưng quý Ngài vẫn trung kiên với con đường của tình thương và từ bi.
Tách trà cho một sự mở đầu mới mẻ
Tiếng chuông mời con trở lại với ngôi nhà đích thực của mình, bây giờ và ở đây. Thời thiền tọa tối vừa chấm dứt. Trong suốt thời thiền tọa con đã quán chiếu về sự thực tập Sám pháp địa xúc. Thực tập này giúp con thực sự nhìn sâu vào gốc rễ khổ đau của mình – một người Indonesia gốc Hoa nghèo đang bị đốt cháy bởi hận thù. Con thấy cơn giận trào lên mỗi khi con phải lạy xuống trước tổ tiên đất đai, những người đã làm tổn thương con, rõ ràng đó là ông Suharto, bạn bè cùng lớp và thầy cô giáo. Nhưng khi đang thiền lạy với đại chúng, con không thể đứng đó trong khi tất cả mọi người đều đang lạy xuống. Thầy giáo thọ giải thích cho con rằng lạy xuống trước một người nghĩa là mình cảm ơn người đó về tất cả những điều tốt đẹp mà người đó đã trao truyền cho mình, chấp nhận tất cả những điều không hay mà họ đã làm, những khiếm khuyết và tập khí chưa đẹp của họ cũng như của chính tự thân mình. Chấp nhận họ vì chúng ta tương tức với họ. Chúng ta phát nguyện sẽ thực tập để chuyển hóa năng lượng của các tập khí không đẹp mà họ đã trao truyền cho chúng ta. Lúc ấy, trí năng của con chấp nhận lời giải thích này nhưng lòng con thì vẫn chưa thông.
Một hôm con và một sư anh cùng uống trà với nhau. Sư anh pha trà thật chánh niệm. Con đón nhận với tất cả lòng biết ơn. Hai anh em cùng thưởng thức trà trong giây phút hiện tại, có mặt cho nhau với ly trà trong hai tay.
“Sư anh, em có thể hỏi sư anh một điều không?”, con hỏi. Sư anh gật đầu, cười. Con hỏi: “Trong thời gian Bát Nhã xảy ra chuyện, sư anh đang ở đâu?”.
“Sư anh đang ở đó.” Sư anh bắt đầu kể lại cho con nghe về biến cố ấy.
Trong thời gian xảy ra biến cố ở Bát Nhã, sư anh con vẫn còn ở tuổi thiếu niên (teen). Một nhóm người đã tấn công vào tu viện trong khi quý thầy và quý sư cô đang tụng kinh. Họ phá cổng và đã hành xử rất bạo động với quý thầy, quý sư cô. Sư anh con là một trong những người đã bị đánh, dù khi ấy sư anh vẫn còn là một chú sa di nhỏ tuổi. Vì biến cố ấy mà sau đó sư anh phải rời bỏ quê hương Việt Nam để nương náu ở Thái Lan. Sư anh chia sẻ với con về nỗi nhớ quê hương. Nghe sư anh kể chuyện, con đã khóc. Con không hiểu tại sao sư anh vẫn có thể nhớ thương mảnh đất nơi mà sư anh đã bị đối xử một cách bạo động và tàn bạo như vậy.
“Bởi vì sư anh yêu quê hương”, đó là câu trả lời duy nhất của sư anh. Chúng con tiếp tục thưởng thức một ly trà nữa. Con vẫn còn nhiều câu hỏi trong đầu nhưng con không dám hỏi thêm. Con không muốn tạo ra một vết thương khác cho sư anh bằng cách đi sâu vào chi tiết về những gì đau lòng nhất mà sư anh đã phải đi qua trong thời đó. Mặt khác, con rất ấn tượng khi sư anh vẫn giữ vẹn tình yêu và lòng từ bi đối với quê hương và đồng bào mình. Con chưa bao giờ được học về một tình thương và lòng từ bi như thế. Con đã tiếp nhận một nền giáo dục trong trường Cơ Đốc giáo, và Kinh Thánh dạy rằng khi người ta tát mình vào má trái, mình phải chìa má phải ra cho họ, nhưng ba mẹ con luôn nói rằng giáo lý ấy chỉ áp dụng cho những bậc thánh nhân chứ không phải cho những người phàm như mình.
Trong màn đêm tĩnh mịch, con nhắm mắt lại để mang ý thức trở về với hiện tại. Con có thể nghe em bé bị tổn thương trong mình đang gào khóc. Thở vào, con tiếp cận với em bé đang tổn thương đó. Thở ra, con ôm lấy em bé. Nước mắt của em chảy như một dòng sông. Nước mắt của em chính là nước mắt của con. Em chính là em bé tổn thương trong con. Em đã bị bạn cùng lớp, bị thầy cô ruồng rẫy. Em là một người Hoa nghèo bị hàng xóm láng giềng chối bỏ. Em cũng là một phần của con nhưng lại bị con chối bỏ. Con không muốn giống như em. Con luôn hình dung mình được sinh ra là một người bản địa không bao giờ bị chính quê hương của mình đẩy ra bên lề xã hội. Hoặc sinh ra là một người Hoa giàu có, lúc nào cũng có thể dùng tiền để giải quyết vấn đề. Con đã thật sự ruồng rẫy em bé đó. Giờ đây, con ôm và xin lỗi em.
Con mở mắt ra, đứng dậy và bước qua thư viện. Con thấy bước chân của mình an nhiên hơn sau khi đã xin lỗi em bé tổn thương trong lòng. Em bé ấy đang mỉm cười với con, và bước cùng con sang thư viện. Nụ cười của em cũng chính là nụ cười của con. Bật đèn lên, con đưa tay lấy ngẫu nhiên một quyển sách của Thầy và mở ra. Thật kỳ lạ, trước mắt con là bài thơ “Hãy gọi đúng tên tôi”.
Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước
Và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du
Tôi là con ếch bơi trong hồ thu
Và cũng là con rắn nước trườn đi tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái
Tôi là em bé nghèo Ouganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra, hai bàn chân bằng hai ống sậy
Tôi cũng là người chế tạo bom đạn
Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á Phi.
Tôi là em bé mười hai bị làm nhục nhảy xuống biển sâu
Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm
Tôi là người đảng viên cao cấp, cầm quyền sinh sát trong tay
Và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang chết dần mòn trong trại tập trung cải tạo
Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời xuân, ấm áp cỏ hoa muôn lối
Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về bốn đại dương sâu
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng tôi khóc tôi cười
Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi giật mình tỉnh thức
Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
Cánh cửa xót thương.
(Hãy gọi đúng tên tôi – thơ Sư Ông Làng Mai)
Nước mắt con lại chảy như một dòng sông, nhưng giờ đây nỗi hiềm hận trong tim con đã bắt đầu được yên ngủ trong tàng thức và đóa hoa từ bi đang dần hé nở. Con nhận ra rằng cảm thọ của mình khi lắng nghe những câu chuyện về áp bức bất công không phải do lòng từ bi thật sự, mà là sự thương hại dành cho bản thân khi nhìn thấy phần nào hình ảnh của chính mình trong hoàn cảnh bị áp bức bất công ấy.
Đó là lý do tại sao con đã không thấy được phần khác của mình trong vai người áp bức. Con đã không thấy được rằng rất nhiều lần con đã góp phần tạo ra sự áp bức qua suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Con cũng không thấy được rằng khi những kẻ ấy áp bức người khác, thực ra họ cũng muốn cố gắng đi ra khỏi những khó khăn của chính họ, nhưng lại bằng những cách thức rất sai lầm. Trong quá khứ, con đã không có đủ hiểu biết, vì vậy con luôn đổ lỗi cho họ.
Một lần nữa, con nhắm mắt lại, mang ý thức trở về với hơi thở và giây phút hiện tại. Con thấy các bạn cùng lớp, các thầy giáo, cô giáo trong hình thức của những đứa trẻ bị tổn thương. Con cũng thấy ông Suharto là một đứa trẻ bị thương. Con thấy rất rõ những khổ đau của họ. Tất cả các em bé đều đang khóc nức nở. Nước mắt của các em chảy như một dòng sông. Nước mắt đó cũng chính là nước mắt của con. Con đến gần và ôm từng em bé vào lòng, xin lỗi vì trước đây con chỉ biết đổ lỗi cho các em. Cuối cùng, con thấy những nụ cười hiện lên trên môi các em như những hoa sen đang nở. Nụ cười của các em cũng là nụ cười của chính con.
Từ khoảnh khắc ấy, con có thể thấy mình rõ ràng hơn. Khi con quyết định trở thành một người xuất gia, con chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là phụng sự và giúp mọi người, mọi loài chuyển hóa khổ đau. Rồi con nhận ra rằng muốn phụng sự và giúp người khác, trước tiên con phải chuyển hóa khổ đau của chính mình. Con nguyện sẽ cố gắng để chăm sóc em bé bị thương trong mình. Con cũng nguyện nhìn sâu và lắng nghe sâu, cả những kẻ áp bức và bị áp bức, bởi vì thật sâu bên trong mỗi người, ai cũng có một em bé bị thương cần được chăm sóc và chữa lành.
Cầu mong Bụt Tổ chứng minh và yểm trợ để con đời đời hoàn thành ước nguyện.