Hoa Mộc Lan
(Chân Hỷ Nghiêm)
Mừng tu viện Mộc Lan tròn 10 tuổi
Các bạn thân mến
Tu viện Mộc Lan nằm ở vùng Red Hill thuộc thành phố Batesville Mississippi. Vào trung tuần tháng 3 năm 2010, tôi được Thầy dạy về đó để xây dựng chúng xuất sĩ thường trú. Khi nhận được sự chỉ dạy của Thầy, trong tôi có một sự phản ứng. Biết bao câu hỏi và lo lắng đi lên. Trên tôi còn có nhiều sư anh, sư chị lớn nữa, tại sao Thầy dạy tôi về Mộc Lan? Một nơi mới, còn hoang sơ như thế này, làm sao tôi đủ sức? Tất cả đều “Vạn sự khởi đầu nan”. Cùng tứ chúng xây dựng cơ sở vật chất để tạm đủ tiện nghi cho chúng xuất sĩ tu học đã là khó nhiều rồi, mà cùng lúc xây dựng nền tảng tu học cho tứ chúng lại càng khó hơn. Ôi! Bao nhiêu câu hỏi lo sợ trong đầu cứ tuôn ra, làm cho tôi càng lo lắng và muốn tránh né sự chỉ dạy này của Thầy.
Nhưng may thay, tôi đã kịp dừng lại, lắng lòng và thì thầm với chính mình: “Chư Bụt ơi! Chư Tổ ơi! Xin hãy soi sáng và chỉ dạy cho con, con phải làm gì bây giờ? Con không muốn phản bội lại chí nguyện năm xưa của con. Con không muốn con là người đệ tử không vâng theo tuệ giác và chỉ dạy của Thầy”. Tôi nhớ lại rất rõ từng cử chỉ, lời nói của Thầy trước đó vài tuần, khi tôi về nội viện Phương Khê xin phép và chào Thầy để về Mỹ thăm gia đình. Chào Thầy xong, Thầy bảo tôi và một sư chị cùng ngồi uống trà. Trong lúc Thầy pha trà, Thầy nói: “Này con, Mộc Lan chưa có quý thầy, quý sư cô”. Nghe Thầy nói tôi giật bắn cả người và cảm rằng Thầy đang nói với tôi. Như một phản xạ tự nhiên, tôi thưa vội: “Bạch Thầy, sau biến cố Bát Nhã, con chỉ muốn ở Làng thôi, để được ngủ trong lòng đạo cả, cho hồn thơ ấu được nâng niu”. Thưa vội cho Thầy biết ý của tôi xong, tôi thấy mình thật vụng về và có lỗi với Thầy quá. Tôi liền để tâm tới hơi thở và lắng nghe cảm xúc của mình, tôi nghe rõ nhịp đập của tim với cảm giác lo sợ. Thầy vẫn tự tay tiếp tục chế trà cho hai chị em tôi. Thầy đem ly trà đến trao cho tôi và nói: “Con uống trà đi”. Tôi chắp tay xá và cẩn trọng tiếp nhận ly trà từ đôi bàn tay ấm áp của Thầy.
Trao trà cho tôi xong, Thầy bước sang phía sau đặt bàn tay lên đầu tôi xoa ba vòng. Tôi cảm nhận tình thương trìu mến Thầy ban cho thật tròn đầy, nhưng cảm giác lo lắng, sợ hãi vẫn hiện diện trong tôi, nó đang quyện vào với sự thương yêu trìu mến của Thầy. Ý tưởng trong tôi bắt đầu thì thầm “chết rồi”, tôi có cảm giác cử chỉ này của Thầy như một dấu ấn đóng xuống, ký sắc lệnh tôi sẽ về Mộc Lan. Sự thật đã đến, giây phút nhận tin về Mộc Lan, thú thật với các bạn tôi không đủ chánh niệm để thực sự có bình an. Thế là tôi thắp hương cầu xin chư Bụt, chư Tổ soi sáng cho tôi phải làm gì bây giờ. Lạy Bụt xong, tôi ngồi yên theo dõi hơi thở để lắng nghe tiếng nói của bồ đề tâm trong lòng. Cuối cùng tôi đón nhận lời soi sáng của chư Bụt, chư Tổ trong tôi: “Về Mộc Lan đi con, đừng tránh né những khó khăn phía trước, nhân duyên đã được sắp đặt trước rồi”.
Tôi về Mộc Lan ngày 16 tháng 3 năm 2010. Một Phật tử thân tín đón tôi ở phi trường. Về đến Mộc Lan, không khí lạnh cuối đông trùm lấy cả châu thân tôi. Cảm giác trống vắng, đơn độc, lạnh lẽo, ảm đạm bao phủ cả không gian trong lòng tôi. Gia đình Phật tử thân tín đã nấu sẵn thức ăn trưa để trong bếp cho tôi rồi đi làm. Lúc đó, tôi mới thấm thía cái cảm giác “tôi sợ lắm hồn em trong đơn độc”. Nhưng may thay, “người tu sĩ cũng là người chiến sĩ”, nghĩa là phải chiến thắng nội tâm như trong kinh đức Thế Tôn đã dạy: “Thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình”. Thế là tôi quay về an trú trong từng hơi thở vào ra, làm bạn và hài hoà với những cảm giác mà tôi chưa từng nhận diện khi sống trong vòng tay của Thầy, xung quanh đông đúc sư chị, sư em.
Rồi tôi cũng quen dần với những cảm giác, cảm xúc lúc ẩn tàng, lúc biểu hiện trong tôi. Sau vài ngày nghỉ ngơi, tôi bắt đầu lên kế hoạch và bàn bạc với các vị cư sĩ chủ trì tu viện Mộc Lan về việc tiến hành xây dựng ni xá để có chỗ ở cho quý sư cô. Lên kế hoạch đâu vào đó, tôi trở về Làng Mai, hoàn tất vài thủ tục để có giấy thường trú ở Pháp lâu dài. Biết thời gian được ở Làng rất ít, tôi tranh thủ về nội viện Phương Khê để được ngồi chơi và đi thiền hành với Thầy.
Mùa xuân ở Làng thật đẹp! Chim hót véo von đủ âm điệu. Hoa lá đâm chồi, nảy lộc đủ màu sắc, khoe mình trong nắng xuân. Một không gian yên bình và thanh nhã. Hạnh phúc hơn nữa là tôi được đi thiền cùng Thầy, đưa võng cho Thầy mỗi khi Thầy dừng lại nghỉ chân. Thầy trò không cần phải nói gì, chỉ cần có mặt trọn vẹn để cho không gian bao la thanh bình ôm trọn thân tâm và thấm sâu vào lòng. Bỗng nhiên, Thầy nhẹ nhàng ngồi dậy nói: “Này con, con về lại Mộc Lan kiếm một cái chuông nào tạm treo lên để thỉnh chuông đại hồng sáng tối đều đặn liền cho Thầy, nhớ nghe con. Khi nào đủ duyên mình sẽ xin Phật tử Đài Loan phát tâm cúng dường chuông đại hồng và mình sẽ xây tháp chuông giống ba xóm ở Làng”. Tiếp nhận lời dạy của Thầy, trở về Mộc Lan tôi thực hiện liền không chần chừ trễ nải.
Từng bước, từng bước một, sau sáu tháng ròng rã làm ngày làm đêm, chúng tôi cũng hoàn tất được ni xá trong niềm sung sướng của tứ chúng. Tiếp đến chúng tôi xây dựng cốc “Chịu Chơi” cho Thầy, rồi nhà vệ sinh công cộng để có chỗ cho cư sĩ gần 1000 người đến Mộc Lan tu học khóa tu năm ngày, do Thầy và chúng xuất sĩ Làng Mai trực tiếp hướng dẫn vào cuối tháng 9 năm 2011. Khóa tu kết thúc, Thầy dắt tôi đi chỉ chỗ xây thiền đường và tháp chuông, và nói: “Này con, mình có mặt nơi này không phải mình muốn là được, mà do Bụt Tổ sắp đặt đó. Vì thế, con không thể nào cưỡng lại sự sắp đặt của Bụt Tổ”. Nghe Thầy dạy, tôi chỉ biết chắp tay cúi đầu: “Dạ, thưa Thầy”. Sau hơn một năm kể từ khi nhận tin Thầy dạy tôi về Mộc Lan, tôi cũng tự chuyển hoá dần những vùng vẫy có mặt trong lòng.
Ý thức vô thường, Thầy cũng đã lớn tuổi, không biết sức khỏe còn cho phép Thầy đi hoằng pháp ở Mỹ bao nhiêu chuyến nữa. Vì thế, chúng tôi thiết kế một bản vẽ để xây thiền đường với ước mong cho kịp chuyến hoằng hóa vào năm 2013 tại Bắc Mỹ của Thầy. Mộc Lan sẽ có thiền đường cho 1000 thiền sinh ngồi thiền, nghe pháp thoại.
Các bạn có biết không, nhân duyên thật kỳ lạ. Nếu đến Mộc Lan, ấn tượng đập ngay vào mắt các bạn sẽ là mái của thiền đường Hải Triều Lên với một vùng màu đỏ sáng tươi, ngược lại với màu đằm thắm, tĩnh mặc. Bạn sẽ ngỡ ngàng, ngạc nhiên hoặc thắc mắc tại sao lại là màu đỏ, ai chọn màu này, ai đã quyết định chọn màu đỏ… cả loạt câu thắc mắc được hỏi nhau. Như tôi đã nói, nhân duyên thật kỳ lạ. Red Hill (Đồi Đỏ) là địa danh của vùng này. Thiền đường là điểm chính của tu viện Mộc Lan, lại là “Red Roof” (mái đỏ). Dù bạn thấy thích hay không thích, thiền vị hay không thiền vị thì nó cũng đã biểu hiện trước tầm mắt của bạn rồi. Tuy vậy, khi bạn thong thả bước vào bên trong thiền đường, bạn sẽ có một cảm xúc mới trong lòng bởi không gian yên lắng, hài hòa. Nơi đây, bạn sẽ không thấy tượng Bụt như các chùa hay các thiền viện khác. Nhìn lên cao phía trung điểm, bạn chỉ thấy một cửa sổ tròn bằng kính màu (stained glass window) với hình đức Bụt. Là Phật tử Á đông, bạn sẽ thấy lạ mắt. Nhưng nếu bạn là thiền sinh Tây phương, bạn lại thấy gần gũi và thân thiện. Chỉ là sự khác biệt về quan niệm và văn hóa mà thôi.
Bản chất đạo Bụt là vượt thoát ý niệm, có khả năng dung thông, như trong kinh Hoa Nghiêm có câu: “Hai đế dung thông ấn tam muội”. Các bạn ơi!, nếu các bạn hỏi tôi tại sao thiền đường lại là mái đỏ thì tôi không biết gì cụ thể để trả lời. Tôi sẽ chỉ mỉm cười và mượn bốn chữ “nhân duyên là thế” để nói cho bạn nghe thay câu trả lời. Nhưng nếu bạn hỏi tôi về ý nghĩa của ô cửa sổ tròn bằng kính màu với hình đức Bụt, nội dung của tác phẩm nghệ thuật này là gì, ai là nghệ nhân chế tác, tôi sẽ rất sung sướng chia sẻ cho bạn nghe hết những chi tiết và phác họa của tác phẩm.
Mùa xuân năm 2011, tôi được tháp tùng Thầy và tăng thân trong chuyến hoằng pháp Đông Nam Á gồm các nước Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản và Hồng Kông. Một đài truyền hình lớn của Phật giáo Đài Loan, do Ni sư Chứng Nghiêm làm cố vấn, mời Thầy thuyết giảng về đề tài môi trường. Sau buổi thuyết giảng và đối thoại, ban tổ chức tặng quà lưu niệm cho Thầy. Đó một tác phẩm nghệ thuật được làm bằng thủy tinh, tượng đức Thế Tôn với bàn tay trái đặt lên trái đất, tay phải nâng cái chuông, và ánh mắt nhìn xuống quả địa cầu. Tôi rất ấn tượng khi nhìn thấy tác phẩm này. Thế là tôi hỏi thăm để thỉnh cho được về Mộc Lan một tượng như thế. Đến khi khởi sự xây thiền đường, tôi thỉnh ý Thầy về cấu trúc để nhờ kiến trúc sư lên thiết kế. Thầy dạy tôi đi xem các nhà thờ quanh vùng rồi làm thiền đường cho hài hòa với văn hóa bản địa. Tôi thưa với Thầy ý tưởng làm hình Bụt bằng chất liệu kính màu theo tác phẩm nghệ thuật bằng thủy tinh mà Ban tổ chức ở Đài Loan đã tặng cho Thầy, Thầy hoan hỷ.
Chúng tôi được giới thiệu đến gặp một nghệ nhân ở Jackson Mississippi, ông Andrew Young, chuyên làm các bức tranh kính màu cho các nhà thờ. Chúng tôi được tới xem nơi ông làm việc. Ông phát họa và làm nhiều hình Chúa, thiên thần. Nhìn bức tranh nào, tôi cũng thấy sống động, tôi muốn ông làm hình của Bụt cũng sống động như vậy. Tôi hỏi ông có biết về đức Thế Tôn không? Ông Andrew trả lời chưa bao giờ biết. Tôi mời ông đọc quyển Living Buddha Living Christ và Đường xưa mây trắng của Thầy, để ông có thể tiếp cận gần gũi với hình ảnh Bụt thì ông mới phác họa được. Trong tâm thức của ông lâu nay chỉ quen thuộc với hình ảnh Chúa và môn đồ của Ngài mà thôi.
Không biết Andrew có đọc xong hai quyển sách mà tôi giới thiệu hay không, nhưng ông đã hoàn thành bức tranh Bụt bằng kính màu với những cấu trúc và đường nét nghệ thuật sắc sảo và linh hoạt. Hoa Mộc Lan là loại hoa đặc thù của vùng Mississippi. Tám cánh hoa Mộc Lan tượng trưng cho Bát chánh đạo được nở dưới gốc cây Bồ đề lúc Bụt chứng ngộ, bắt đầu sự nghiệp giúp chúng sanh thoát khổ. Bàn tay trái đức Thế Tôn nâng cái chuông là hình ảnh tiếng chuông chánh niệm mà Làng Mai thực tập. Bàn tay phải Ngài đặt lên trái đất, mang thông điệp: trái đất chúng ta đang bị hâm nóng mỗi ngày, nhân loại phải ý thức về cách chúng ta đang tiêu thụ và tàn phá đất Mẹ. Bức hình Bụt bằng kính màu này có một nét độc đáo mà ít người tiếp xúc được. Đó là tùy theo cách bạn đứng ở hướng nào trong thiền đường Hải Triều Lên, nếu bạn nhìn sâu, bạn sẽ thấy ánh mắt của Bụt quay về hướng bạn, nét miệng mỉm cười.
Thầy tôi thường dạy rằng, một truyền thống tâm linh muốn được tồn tại và giữ được bản sắc riêng của nó, thì phải hội nhập và học hỏi văn hóa bản địa. Đó cũng là một nhân duyên khiến thiền đường Hải Triều Lên không thiết trí tượng Bụt như những ngôi chùa, tu viện theo truyền thống Á đông. Có những vị Phật tử Á đông trong thời gian đầu đã nhận xét: “Sao giống Chúa quá”, hoặc hỏi: “Sao thiền đường không có tượng Bụt. Bụt đâu để con lạy?”. Tôi từ tốn chia sẻ cho các vị ấy hiểu. May mắn thay, các vị mở lòng lắng nghe, đón nhận và cảm thấy thoải mái hơn. Tâm các vị an bình, nhẹ nhàng có được giây phút lắng yên khi được ngồi, được thở, được bước đi những bước chân đã về đã tới nơi mảnh đất Mộc Lan.
Các bạn ơi, thời gian thấm thoát trôi, Mộc Lan đã biểu hiện mười năm rồi. Chúng con tri ân sâu sắc đến với mọi nhân duyên xa gần, đến bậc Thầy đầy từ bi và đức độ, người đã không ngừng trao truyền và giáo dưỡng chúng con. Chúng con xin tri ân quý Tôn túc đã đến Mộc Lan từ những ngày tháng đầu tiên, chỉ dạy và khích lệ chúng con. Chúng con xin tri ân quý sư anh, sư chị, sư em đã từng san sẻ với mảnh đất Mộc Lan những giọt mồ hôi, những tiếng cười trong sáng, những năng lượng bình an trong công phu tu tập hằng ngày. Kính tri ân các vị cư sĩ một lòng hộ trì Tam bảo bằng sự tu học của mình.
Mộc Lan giờ đã có hai xóm. Xóm quý thầy là xóm Trúc, xóm quý sư cô là xóm Mai. Ứng với câu đối mà Thầy tôi đã viết cho thiền đường Hải Triều Lên:
Nhìn trúc mộc lên xanh nghe hải triều lên mấy độ
Thấy mai lan nở rộ nguyện phát túc về siêu phương.