Bát Nhã xưa và nay
Chân Sùng Nghiêm
Thời gian trôi qua thật nhanh, gia đình xuất gia Cây Vú Sữa gần đến sinh nhật lần thứ 15. Một quãng thời gian không phải là ngắn. Khi nhìn lại thì mình đã làm được gì? Chuyển hóa được gì? Và có bước tiến như thế nào cho bản thân? Bao nhiêu câu hỏi cần phải nhìn lại để chấn chỉnh đời sống tu học.
Mỗi độ xuân về, năm hết, Tết cổ truyền sắp đến là chúng tôi luôn nhắc đến ngày xuất gia và tính xem mình xuất gia được bao nhiêu năm rồi. Ngồi lại với nhau là kể bao nhiêu chuyện, chuyện từ thời xin vào tập sự ở chùa Từ Đức, chuyện hái ổi trên đường đi rừng về mà không xin phép rồi được Sư Bá dạy tôi và thầy Pháp Toại (chú Cường hồi đó) dẫn các em đi sám hối, chuyện tổ chức ngày sinh nhật đầu tiên,…
Tôi nhớ lần thôi nôi tròn một năm của gia đình Cây Vú Sữa, sư mẹ Thoại Nghiêm mua tặng mỗi người một cây vú sữa để trồng, sư cô Phúc Nghiêm thì mua rất nhiều trái vú sữa làm quà. Thế nhưng, tre chưa già mà măng đã mọc. Mấy tháng sau, gia đình Cây Hướng Dương xuất gia, chúng tôi có em. Trở thành sư anh, sư chị, hết được cưng như trước, nhưng thay vào đó thì có nhiều em để chơi cùng. Phải nói rằng chính môi trường, con người và pháp môn đã thu hút rất nhiều người trẻ sau khi chúng tôi đặt chân đến Bát Nhã.
Những năm đầu, mỗi lần kỉ niệm ngày xuất gia, anh chị em chúng tôi ngồi lại chia sẻ chuyện tu học của mỗi người, chuyện khó khăn vặt vãnh, chuyện giận hờn vu vơ vì không hiểu nhau. Nhưng dần dần theo năm tháng, đề tài chuyển thành chuyện chúng, chuyện này chuyện khác trong chúng, chuyện công việc,… Rồi ý thức nhắc nhau mỗi lần họp mặt đừng nói chuyện công việc nữa, nhưng chỉ được vài phút, đề tài trở lại y như cũ, nóng hổi hơn, hấp dẫn hơn.
Chúng tôi đặt chân đến Bát Nhã đúng ngày 12 tháng Tư âm lịch. Mọi thứ dường như rất mới với chúng tôi, từ cuộc sống, môi trường, con người. Thế nhưng chúng tôi không cần tốn thời gian để làm quen mà bắt tay ngay vào việc xây dựng cho một tương lai mới. Nào là trồng cây, trồng hoa, trồng rau,… Rồi làm các công việc như mua giường, ráp giường, đóng kệ, hay tổ chức thời khóa tu học. Chúng lúc đó còn ít người lắm, chỉ có vài sư cô lớn từ Làng về chăm sóc chúng tôi gồm 13 chị em gia đình Cây Vú Sữa và 11 sư chị “Huệ” đến từ chùa Kiều Đàm. Mọi thứ diễn ra thật nhẹ nhàng, dễ chịu. Mặc dù toàn tiểu thư, chỉ quen cầm viết nhưng chị em xúm xít chơi với nhau, cùng xây dựng cuộc sống đầy thú vị, làm việc gì cũng xong. Trong một thời gian ngắn mọi thứ đi vào ổn định. Quý sư cô bắt đầu tổ chức ngày quán niệm hàng tháng đầu tiên cho bà con đến tu tập. Rồi sau đó tổ chức các khóa tu lớn cho người trẻ đến tu học. Bát Nhã là một mảnh đất mới, một trung tâm theo phương pháp mới, không giống các chùa xưa nay đã có trên đất Việt Nam. Những khóa tu theo hình thức mới đó đã thu hút bao nhiêu người trẻ ở lại xin tập sự xuất gia. Và gia đình Vú Sữa bắt đầu có em để chăm.
Một tu viện mới, tăng thân mới, hình ảnh người xuất sĩ mới cùng một pháp môn mới đang có mặt trên quê hương. Tất cả những điều đó đã gây ấn tượng mạnh đến tâm thức của người dân. Chỉ sau hơn một năm mà số lượng các vị xuất sĩ đã tăng lên gần hai trăm. Không chỉ những người trẻ phát tâm xuất gia theo Làng mà còn có quý thầy, quý sư cô đã xuất gia trong những truyền thống khác cũng đến xin tu học chung. Số lượng người xuất gia càng lúc càng tăng. Bốn năm sau, số lượng lên đến 400, toàn là người trẻ. Không biết nếu Bát Nhã còn thì con số sẽ lên đến bao nhiêu, có thể đến hàng ngàn? Một chuyện vui mà tôi nhớ là năm 2007 khi Sư Ông và phái đoàn về tổ chức khóa tu. Số lượng người tham dự khóa tu quá tải cho thiền đường, chỗ ngủ, chỗ ăn,… Tôi làm tri khách cùng với các sư cô khác bị choáng ngợp với lượng người đông như vậy, không biết cách giải quyết, rất khó khăn trong cách tổ chức sắp xếp cho thiền sinh. Sư cô Bích Nghiêm tình nguyện vào để giúp. Sư cô đã quen tổ chức cho hàng ngàn người đến khóa tu ở Làng. Chúng tôi khó khăn với việc sắp xếp chỗ ngủ, phải tận dụng hết tất cả thiền đường nhỏ, lớn và thiền đường Cánh Đại Bàng. Thiền đường Cánh Đại Bàng lúc đó có thể chứa cả ngàn người ngồi nghe pháp thoại, tối thì tận dụng để làm chỗ ngủ. Tôi và sư cô Bích Nghiêm chia ô theo hình chữ nhật chỉ đủ cho một người nằm, đánh số thứ tự để cho các vị ghi danh tiện chia người. Chia dọc, chia ngang không còn chỗ hở rồi dán số thứ tự. Vậy mà cũng ổn, không nghe ai phàn nàn sau đó. Chắc có lẽ bà con ham tu học nên chịu cực chịu khổ vài đêm mà không nề hà gì. Tôi tự hỏi nằm xếp lớp như vậy không biết với những ai khó ngủ thì sẽ ra sao?
Mấy năm đi qua, chúng tôi được lớn lên trong sự bao bọc, chỉ dạy của Ôn Đức Nghi, của quý thầy, quý sư cô. Được nuôi dưỡng bởi những năng lượng trẻ, tươi vui của các chị em xung quanh nên đời sống xuất gia với tôi cũng đủ đầy hạnh phúc. Thời gian cứ trôi, mọi thứ dần ổn định, bắt đầu đi vào nề nếp tu tập, học hành. Quý thầy, quý sư cô mời thầy về dạy chữ Hán, tổ chức lớp Kinh, và thêm nhiều lớp học khác. Một hình ảnh nuôi dưỡng trong tôi là mỗi ngày đều thấy bóng dáng của Ôn Đức Nghi với bộ đồ màu vàng, đội nón lá xuống ni xá thăm quý sư cô. Ôn rất thương quý sư cô nên hay xuống thăm hỏi. Có lần Ôn khuyên quý sư cô gắng tu học hết lòng, sống hết lòng ở đây và chết ở đây. Ai chết Ôn sẽ chôn mỗi người dưới một gốc thông. Có dịp đi ngang vườn thông, tôi hay nhìn các cây thông để xem cây nào sẽ dành cho mình.
Rồi vô thường đến, một ngọn gió đi qua, Bát Nhã trở thành huyền thoại, với bao kỉ niệm vui buồn… Mặc dù vậy nhưng trong thâm sâu, mỗi người đều mang ơn mảnh đất Bát Nhã. Cái nôi của bao nhiêu người trẻ từ lúc còn là những mầm xanh. Có lần ngồi trên xe buýt, Sư Ông nói với chị em tôi: “Cánh Đại Bàng đã đưa Bát Nhã đi rất xa, Bát Nhã ở Đức, ở Pháp, ở Úc, ở Mỹ, ở Hong Kong, Thái Lan,…”. Ở đâu anh chị em Bát Nhã cũng có mặt phụng sự và chung tay để xây dựng tăng thân.
Bát Nhã ngày xưa nay đã thành mưa
Rơi xuống mặt đất thành hạt Bồ đề.
(Sư cô Đôn Nghiêm)
Những hạt Bồ đề mỗi ngày mỗi lớn. Các gốc thông giờ đây không một bóng người. Anh chị em Bát Nhã tung cánh khắp nơi để góp tay chung sức mang đạo Bụt đi vào cuộc đời. Những ai đang còn biểu hiện trong tăng thân dù ở trung tâm nào tôi cũng thấy rất quý, rất đáng trân trọng tâm huyết tu học của họ.
Bát Nhã xưa đã chuyển mình để hôm nay người trẻ khắp nơi vẫn tiếp tục bước vào tăng thân, nguyện nắm tay nhau để xây dựng cho tương lai đạo pháp. Những hạt Bồ đề cuối cùng của thời kỳ Bát Nhã bây giờ cũng đã trưởng thành. Các sư em Cây Sen Hồng là những người trẻ cuối cùng bây giờ cũng đã lớn. Tháng 2 năm 2020 các sư em sẽ nhận truyền đăng làm giáo thọ rồi.
Gần đến ngày sinh nhật, tôi điểm lại chuyện xưa, chuyện nay để khơi dậy những mầm xanh Bát Nhã, để chúng tôi tiếp tục trân quý nhau, động viên nhau làm động lực vững bước trên con đường tươi đẹp này. Hẹn sẽ viết tiếp vào lần sau.