Ăn mừng Làng Mai 40 tuổi

Làng đã có những nhiều chương trình khác nhau để ăn mừng Làng Mai 40 tuổi. 

Đại chúng đã có dịp quây quần lại bên nhau trong một khuôn viên tuy nhỏ thôi mà rất sum vầy để được cùng thưởng nhạc trong không gian bình yên mà thắm tình huynh đệ. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, đại chúng cùng hướng về quý thầy, quý sư cô để chứng kiến giây phút cắt bánh như một dấu ấn cho hành trình Làng Mai 40 tuổi hôm nay và mai sau.

24 cây đèn được thắp sáng, tăng thân vừa chính thức chào đón thêm các vị giáo thọ xuất sĩ cũng như cư sĩ mới. Các vị sẽ mang theo ngọn đèn mà chư Tổ, Thầy cùng tăng thân trao cho làm ánh sáng chiếu soi trên con đường tu tập, tiếp tục đi với nhau như một dòng sông, tiếp nối Thầy đem đạo Bụt đi vào cuộc đời.

Buổi lễ rải tro của Thầy tại chùa Cam Lộ, Xóm Hạ, Làng Mai diễn ra với rất nhiều cảm xúc chan hoà. Hơn 500 thiền sinh của khoá tu đã được trực tiếp tham dự những bước thiền hành bên Thầy và sau đó cùng nhau tiếp nhận tình thương của Thầy gửi về cho cỏ cây hoa lá núi đồi Làng Mai.

Chúng con biết ơn Thầy mãi có mặt đó cho mỗi chúng con, trong từng nụ hoa chiếc lá, để mỗi khi gọi tên Thầy, chúng con lại tự khắc thấy Thầy ngay.

Thầy đã về đã tới. Con cũng đã về đã tới.

 

Khóa tu kỉ niệm 40 năm Làng Mai

Làng đã chọn tháng 6 năm nay để tổ chức ăn mừng kỉ niệm 40 năm Làng Mai (1982-2022). Khóa tu vừa diễn ra trong 2 tuần từ ngày 03.6-17.06.2022 với chủ đề “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”. Đây là dịp cho các vị thân hữu, các vị giáo thọ cư sĩ, tiếp hiện cư sĩ và thiền sinh trở về Làng để cùng với quý thầy, quý sư cô thực tập ngồi yên, đi thiền, nghe pháp, pháp đàm và chấp tác trong niềm vui.

Các bài pháp thoại trong khóa tu này đã được chia sẻ bởi quý thầy, quý sư cô giáo thọ của Làng Mai, Pháp. Đại chúng đã được học hỏi và thực tập chung với nhau theo những nội dung chia sẻ về các dấu ấn Làng Mai là: Đã về đã tới, Đi như một dòng sông, Nhị thời tương tức và Sát na dị thục. Thiền sinh tham dự  khoá tu có cơ hội tham dự những buổi vấn đáp với quý thầy, quý sư cô giáo thọ từ các trung tâm Làng Mai quốc tế. Đây là quý thầy, quý sư cô đã từng sống và tu tập tại Làng Mai, Pháp trong nhiều năm khi Sư Ông còn khoẻ và nay về thăm Làng nhân dịp kỉ niệm Làng Mai 40 tuổi.

Khoá tu kết thúc, Làng vừa chào đón thêm khoảng 70 vị Tiếp Hiện xuất gia và cư sĩ. Cùng với đó là khoảng 200 thiền sinh đã phát nguyện thọ nhận 5 giới tân tu để thực tập. Các vị này đều thuộc thế hệ thứ 10 phái Liễu Quán với pháp danh bắt đầu bằng chữ “Nguyên”. 

Tiết trời tháng 6 tại Làng đang bắt đầu vào hè. Dưới những tán cây sồi cổ thụ mà Thầy đã trồng khi mới xây dựng Làng Mai, đại chúng đã được chở che và thừa hưởng năng lượng tình thương và hạnh phúc từ Thầy.  

Dưới đây là một vài hình ảnh sinh hoạt có trong khoá tu này:

 

Ngôi làng của chúng tôi

Sư cô Diệu Nghiêm (Jina) & Sư cô Từ Nghiêm (Eleni)

Sư cô Diệu Nghiêm (thường được biết đến là sư cô Jina), người Ireland, quốc tịch Hà Lan, xuất gia trong truyền thống thiền Tào Động ở Nhật Bản. Sư cô đến Làng Mai vào năm 1990 và từng là trụ trì xóm Hạ từ năm 1998 tới năm 2014. Sư cô Từ Nghiêm (còn được gọi là sư cô Eleni), người Mỹ, tới Làng vào năm 1990, xuất gia vào năm 1991.
BBT đã có cơ hội ngồi chơi, lắng nghe quý sư cô chia sẻ kỷ niệm về những ngày đầu của Làng Mai và về cuộc sống của quý sư cô trong tăng thân non trẻ khi ấy.

Nếp sống tăng thân

Sư cô Từ Nghiêm: Tôi tới từ Manhattan, một thành phố với những tòa chung cư bê tông đồ sộ. Tôi lớn lên trong một căn hộ chung cư như vậy. Về Làng, sống trong cộng đồng phần lớn là người Việt, tại một vùng nông thôn nước Pháp là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt đối với tôi. Tôi rất khâm phục cách những gia đình người Việt có thể chung sống hạnh phúc và hòa hợp với nhau.

Cả ba và mẹ tôi đều từng là những người nhập cư trên đất Mỹ. Lúc đầu, họ dùng tiếng mẹ đẻ và sau đó học sử dụng tiếng Anh. Có lẽ vì vậy mà ba mẹ đã trao truyền cho tôi cảm giác thoải mái khi sống với những nền văn hóa khác. Tôi đã quen sống trong cả hai nền văn hóa nên những thay đổi ban đầu không khó khăn lắm. Hơn nữa, tôi thấy người Việt có văn hóa ứng xử rất hòa nhã và lễ độ. Tôi còn nhớ khi ba của thầy Pháp Ứng đến Làng, cách Thầy chào đón ba của thầy Pháp Ứng khiến tôi rất cảm động. Khi ba thầy Pháp Ứng bước vào phòng, Thầy đứng dậy khỏi bàn, tiến về phía ông và chào đón ông rất nồng hậu.

Thầy rất thích nghe những bài thiền ca bằng tiếng Việt. Sau pháp thoại hoặc trước khi thiền hành, Thầy thường mời một ai đó trong đại chúng lên hát. Sau bữa ăn, mọi người cũng thường ngồi lại và hát với nhau. Khi đó, Làng còn rất ít người. Cả đại chúng ngồi vừa đủ hai bàn dài trong nhà ăn. Sau giờ ăn im lặng, mọi người đều để tô chén đó, không vội rửa liền mà cùng hát với nhau. Rất thảnh thơi!

Đúng với tên “Làng Mai”, tôi thấy đây đúng nghĩa là một ngôi làng. Tôi từng có cơ hội đi thăm Việt Nam, vì vậy tôi nhận ra một ngôi làng phải là như vậy. Thầy đã mang tinh thần đó để xây dựng Làng Mai, nơi đúng như một gia đình: có Sư Ông, sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị, sư em.

Sư cô Diệu Nghiêm: Lúc tôi mới tới Làng, mọi thứ tương đối nề nếp. Khi có giờ chấp tác, đại chúng sẽ tập họp và có người nói: “Cần phải dọn nhà vệ sinh, ai muốn nhận dọn nhà vệ sinh? Vâng, con sẽ dọn nhà vệ sinh! Cần sắp xếp thiền đường… Vâng!…” Mọi người đơn giản là tự nguyện làm việc. Tôi chẳng để ý xem mọi chi tiết có được quy củ không. Tôi chỉ nghĩ rằng được có cảm giác gắn kết hài hòa như thế này thật là tuyệt vời!

Một trong những điều ở Làng mà tôi rất thích là bất cứ khi nào có dịp để ăn mừng là mình ăn mừng. Kể cả khi mình chưa bao giờ nghe về sự kiện hay lễ hội đó, nhưng có người kể về nó và nói cách làm, vậy là chúng ta làm. Cho nên tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ giữ truyền thống này của Làng Mai. Thầy rất khuyến khích mình làm như vậy. Ăn mừng sự sống! Bởi thế mà mình có lễ hội hoa thủy tiên, lễ hội hoa mai, lễ mừng trăng lên…

Sư cô Từ Nghiêm: Vào những năm 1990-1991, mỗi chiều Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi đều có một buổi thiền trà tại Thiền đường Nến Hồng của xóm Hạ. Thỉnh thoảng Thầy cũng tham dự. Những năm thầy Giác Thanh còn ở xóm Thượng thì thầy sẽ tới làm trà chủ cho những buổi thiền trà này. Đây là một kinh nghiệm rất thiền vị. Thầy Giác Thanh sẽ đọc và bình những bài thơ của các thi sĩ Việt Nam. Đó là những giờ phút mà mọi người đều cảm thấy hứng thú và thư giãn.

Tình thầy trò

Sư cô Từ Nghiêm: Trong những năm đầu tiên ấy, chúng tôi đều là những người mới làm quen với sự thực tập, hoàn toàn non nớt, chỉ là những đứa trẻ một hoặc hai tuổi trong sự thực tập thôi. Lúc ấy, chúng tôi chưa có y chỉ sư.

Tại xóm Hạ có một căn phòng dành cho Thầy. Hồi đó, Thầy bắt đầu huấn luyện các vị trụ trì. Mỗi khi có việc gì, Thầy cho gọi các vị đó vào phòng để dạy, còn chúng tôi thì được tự do. Có những vị được huấn luyện làm thị giả thì Thầy dạy cách pha trà… Khi nào Thầy muốn dạy ai thì vị thị giả sẽ tới nói “Thầy muốn gặp sư cô/ sư chú”. Tôi vô cùng khâm phục cách Thầy bắt đầu xây dựng một tăng thân xuất sĩ với những người mới bắt đầu thực tập như vậy. Thầy dạy chúng tôi làm thị giả thì phải làm sao, làm trụ trì thì như thế nào. Khi nghe có những khó khăn trong tăng thân thì trong bài pháp thoại kế tiếp, Thầy sẽ dạy dựa trên những vấn đề khó khăn đó.

Năm 2001, tôi được làm thị giả một ngày cho Thầy tại tu viện Lộc Uyển bên Mỹ. Một kỷ niệm rất vui! Tôi làm chưa quen nên các sư cô chỉ cho tôi cách mang túi, đặt giày của Thầy ở chỗ nào nơi thiền đường… Khi làm thị giả Thầy trong buổi pháp thoại hôm đó, tôi để đôi giày của tôi ở chái ngoài của thiền đường. Nhưng sau buổi pháp thoại, Thầy đã rời thiền đường bằng cửa đối diện! Thầy vẫn đi đôi dép lê, còn tôi phải theo Thầy bằng chân trần! (Cười) Sau đó thì quý thầy, quý sư cô phải tới “cứu” tôi.

Sư cô Diệu Nghiêm: Tôi rất ấn tượng với sự bình an tỏa ra từ Thầy. Dường như Thầy không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì xảy ra xung quanh. Hồi đó, không khí của khóa tu 21 ngày và khóa tu mùa Hè rất khác nhau. Khóa tu 21 ngày thường được tổ chức chu đáo và năng lượng khá yên, còn khóa tu mùa Hè là khóa tu gia đình nên không khí rất rộn ràng. Tôi thấy rất thú vị khi quan sát Thầy đi qua hai khóa tu một cách thật thoải mái, nhẹ nhàng. Thầy đi lại, tiếp xử hoàn toàn tự nhiên, vui vẻ (dù trong cảnh yên hay cảnh động). Tôi rất ấn tượng với sự sáng tỏ và vững chãi nơi Thầy.

Sư cô Từ Nghiêm: Mỗi dịp Giáng sinh chúng tôi lại đến Sơn Cốc và tập trung trong thư viện của Thầy. Trên bàn làm việc của Thầy có một cây thông Noel nhỏ và ở dưới gốc có vài món quà. Thầy mở những gói quà hết sức chánh niệm. Nếu đó là một hộp bánh hoặc một gói trái cây khô, Thầy luôn chia cho các con. Đó là sự thực tập chia sẻ với tăng thân. Thực tập đó làm tôi rất cảm động. Thầy luôn muốn tất cả các con của Thầy được thưởng thức quà cùng Thầy.

Thỉnh thoảng chúng tôi được phép mang đồ ăn sang cho Thầy. Tôi còn nhớ, có một lần Thầy đã nấu món “scrambled eggs” từ đậu hũ và sữa đậu nành. Thật may mắn và cảm động khi được thấy Thầy nấu ăn. Thầy mặc một cái áo len mùa đông rất dày và đứng bên bếp để nấu cho tất cả chúng tôi. Thật là tuyệt vời. Thầy dành rất nhiều tình thương cho các đệ tử. Tại bàn ăn, Thầy chia sớt thức ăn cho mọi người vào những cái đĩa nhỏ. Thức ăn không có nhiều, Thầy chỉ lấy một miếng, còn lại chia hết cho mọi người.

Nghe Pháp

Sư cô Từ Nghiêm: Nhà ăn của xóm Hạ bây giờ, trước kia là một căn phòng nhỏ. Thầy thường cho pháp thoại ở đó. Cuối căn phòng có một bức tường ngăn bằng gạch men, không cao hẳn tới trần mà lưng lửng, như một bức vách thấp. Đằng sau đó có mấy cái bếp nấu ăn. Tới cuối buổi pháp thoại, chúng tôi bỗng ngửi thấy mùi thức ăn tỏa ra từ đó, do các sư cô bắt đầu nấu ăn (Cười). Cuộc sống giản đơn của chúng tôi khi đó thật đẹp, thật tự nhiên. Trong phòng ăn có một cái đồng hồ, mỗi mười lăm phút, chuông đồng hồ vang lên. Thầy ngừng giảng và thầy trò cùng thở, những giây phút đó thật bình an. Hồi đó, thầy Nguyện Hải là người ghi hình. Thật tuyệt vời khi chúng ta còn giữ lại được những bài giảng từ hồi ấy. Thầy đã sử dụng một cái máy ghi âm cassette và mỗi lần hết băng thì phải dừng lại, cho băng mới vào và lại tiếp tục.

Sư cô Diệu Nghiêm: Những lời dạy của Thầy rất rõ ràng. Chúng tôi lắng nghe và cố gắng để hiểu. Những điều chúng tôi chưa hiểu thì cũng không sao. Đối với tôi, được hưởng sự có mặt của Thầy đã là đủ. Tôi đã được nuôi dưỡng rất nhiều trong khóa tu 21 ngày khi tôi vừa tới Làng. Sau khóa tu đó, tôi nghĩ tôi có đủ vốn liếng để thực tập ít nhất là trong ba năm.

Nếu pháp thoại Thầy cho bằng tiếng Việt thì sư cô Chân Không sẽ phiên dịch. Tôi rất thích nghe sư cô, bởi vì tôi sẽ được biết thêm những thông tin bên lề và tôi sẽ hiểu ngữ cảnh hơn! (Cười) Rất sống động!

Trong khóa tu 21 ngày và khóa tu mùa Hè, Thầy dạy cách thực tập với rất nhiều vấn đề xảy ra trong tăng thân cư sĩ, các vấn đề gia đình, cũng như trả lời các câu hỏi từ thiền sinh. Cho đến khóa tu An cư kiết Đông đầu tiên của tôi, tôi mới thấy “Ồ, giờ thì chúng ta thực sự được nghe những giáo lý thâm sâu và được thấy khía cạnh học giả của Thầy. Đúng là cái mà tôi đang kiếm tìm”. Thời gian an cư thực sự là thời gian học hỏi của tôi.

Những gói quà tình thương gửi về Việt Nam

Sư cô Từ Nghiêm: Chúng tôi làm những gói quà để gửi về Việt Nam trong thời kỳ đầu của chương trình giúp trẻ em đói ở Việt Nam, vào những năm đầu thập kỷ 90. Chúng tôi đi đến các tiệm dược phẩm và mua các loại thuốc phổ thông không cần bác sĩ kê đơn như Paracetamol hay Tylenol. Chúng tôi bỏ chúng vào những cái hộp nhỏ kèm theo một lá thư. Lá thư đó được viết dưới dạng thư của một người nào đó ở Làng Mai gửi về thăm hỏi bạn bè ở Việt Nam. Hồi bấy giờ mình không thể nói quà đó từ Thầy hay Làng Mai được. Theo cách này, những gói nhỏ mang theo một lá thư rất dễ thương, viết đại ý “tôi mong gia đình anh, chị được khỏe mạnh”, động viên họ sống tích cực và mong họ nhận món quà mà chúng tôi, những người bạn, gửi đến cho họ. Tôi được biết rằng họ sẽ bán lại những thuốc đó để lấy tiền mua gạo. Những gói nhỏ tình thương thường xuyên được gửi đi, có lẽ là mỗi tuần. Đó là một công tác quan trọng trong những ngày đầu Làng Mai thực tập đạo Bụt dấn thân.

Tiếp nối Thầy và làm mới lại sự thực tập

Sư cô Diệu Nghiêm: Thầy luôn luôn sáng tạo, luôn luôn làm mới. Chúng ta có đang làm mới không? Có sự thực tập nào mà chúng ta nghĩ nên được làm mới không? Có thể theo thời gian, có những thực tập đã mất đi chút ít ánh sáng của nó…

Thầy luôn thực tập thiền hành, từ những ngày đầu, thậm chí trước cả khi có tăng thân. Tôi nhớ có một ngày tôi làm thị giả cho Thầy. Tôi đi sau Thầy từ thiền đường xóm Thượng về cốc của Thầy, quan sát xem Thầy có cần gì không. Thầy nói gì đó với tôi khi chúng tôi vẫn đang đi và tôi giữ im lặng. Đó không phải là một câu hỏi nhưng tôi cũng không đáp lại vì đang để tâm vào bước chân. Tôi nghĩ: mình đang đi mà, đâu cần phải nói. Và Thầy đã dừng lại. Thầy hỏi: “Con có muốn mình dừng lại khi nói chuyện không?”, “Vâng, thưa Thầy”. Sau đó, hai thầy trò tiếp tục đi. Thầy trò nói chuyện với nhau khi đã về đến cốc. Từ đó trở đi, Thầy dạy đại chúng: nếu đi thì mình chỉ đi thôi, nếu muốn nói chuyện thì mình dừng lại. Đó là một thực tập mới mà Thầy đưa ra lúc bấy giờ.

Sư cô Từ Nghiêm: Có những thực tập của Thầy mà tôi rất kính phục và muốn tiếp nối, đó là sự thực tập của Bồ tát Thường Bất Khinh. Vị Bồ tát luôn thấy được những điều tốt đẹp nơi mọi người và chia sẻ cho họ biết họ có những phẩm chất tốt đẹp như vậy. Thầy luôn luôn tin tưởng vào điều này. Có một lần Thầy đã đề cập đến một bài kinh, trong đó Bụt dạy rằng nếu một người nào đó chỉ còn một con mắt, ta phải nên tìm mọi cách bảo vệ con mắt đó. Có nghĩa là, nếu một người thực tập rất yếu nhưng vẫn còn có tâm nguyện thì phải bảo vệ tâm nguyện đó, đừng quá nghiêm khắc với người đó. Cái hiểu của Thầy rất bao la và Thầy có rất nhiều lòng từ bi.

Có những người đến Làng trong tình trạng có vấn đề về thần kinh. Thầy luôn nói hãy để họ ở lại và thực tập. Không có một áp lực nào cho họ hết. Chúng tôi chỉ nói họ đi ngồi thiền nếu có thể, hoặc đi thiền hành và ăn cùng đại chúng. Họ ở đây trong vòng một tuần lễ. Tôi nhớ Thầy nói rằng năng lượng tập thể của chánh niệm, lòng từ bi, sự tử tế và không khí hòa nhã sẽ giúp được cho những người này. Đó là cách của Thầy trong những ngày đầu khi xây dựng tăng thân như một ngôi làng, nơi mọi người có thể đến sống và thực tập. Tôi còn nhớ khả năng nhìn nhận rất sâu sắc của Thầy, sự hiểu biết và lòng từ bi rất lớn, luôn tìm thấy những điều tốt đẹp nhất nơi mọi người và cho họ một cơ hội.

Giờ đây Làng đã trở thành một trung tâm thiền tập quốc tế, một Viện Cao đẳng Phật học. Chúng ta đang ở trong thời đại kỹ thuật số. Nhưng tôi nghĩ vẫn rất hay nếu ta có thể duy trì được những giá trị truyền thống của Việt Nam, những nét văn hóa, ẩm thực, thơ ca, Tết… Bên cạnh đó, ta vẫn có thể đi về hướng kết hợp tuệ giác đạo Bụt với những khám phá mới trong lĩnh vực khoa học não bộ, sinh thái, v.v. Đó là con đường đạo Bụt dấn thân. Tôi nghĩ tất cả đều là một phần của Làng Mai.

Điều quan trọng là chúng ta luôn đi về hướng xây dựng một tăng thân tứ chúng, có tính quốc tế và không ngừng tìm tòi những phương pháp mới, giản đơn để đem giáo lý đạo Bụt đến với mọi người trên khắp thế giới, không phân biệt quốc gia, tôn giáo, văn hóa…

 
 

 

Xuất bản sách mới “Ân Tình” của Thầy Pháp Nguyện

 

Ân Tình ở đây mang nghĩa trong tình thương chứa đựng lòng biết ơn, trong đó có tình thầy trò, tình cha mẹ, tình huynh đệ, tình bạn bè, tình tăng thân, tình người và tình muôn loài. Tác phẩm đơn sơ này hàm chứa và ghi dấu tất cả những ân tình đó trong những lúc vui buồn cũng như trong những lúc chia ngọt sẻ bùi trên con đường tu học và phụng sự của tác giả.

Tôi đã đọc Ân Tình của thầy Pháp Nguyện nhiều lần và mỗi lần tôi đọc lại cho tôi môi cảm xúc khác nhau. Có những bài viết rất cảm động mà tôi không cầm được nước mắt. Mỗi bài viết là một câu chuyện và mỗi câu chuyện là một nguồn cảm hứng giúp cho người đọc hiểu thêm về sự lợi lạc của việc tu học và hành trì, về những tình huống đặc biệt khi Sư Ông dạy thầy, về những khía cạnh của cuộc đời, và về cuộc đời của chính mình để nhìn lại. Lời văn cũng như ý văn rất trong sáng, mộc mạc, chân tình và thánh thót giúp cho người đọc cảm thấy gần gũi. Tất cả các bài viết trong quyển sách này là những kinh nghiệm dồi dào có thể chuyển tải được giá trị tu học và phụng sự của tác giả trong 14 năm qua, dưới sự hướng dẫn của Sư Ông Làng Mai (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) cùng sự đồng hành và dìu dắt của tăng thân Làng Mai. Tôi rất mong nhiều người có cơ duyên đọc được quyển sách này đế thừa hưởng được kinh nghiệm và tuệ giác của tác giả.” (Sư cô Thích Nữ Chân Không)

Ân Tình là một tập hợp các bài viết trong quá trình 14 năm tu học của thầy Chân Pháp Nguyện. Những trải nghiệm, khám phá và học hỏi được tác giả ghi chép rất cụ thể, rõ ràng và giàu cảm xúc với tấm lòng biết ơn.

Độc giả có thể tìm hiểu và đặt mua sách tại đây:

Phanbook

Netabook

Sách Khai Minh

Shopee

 

 

Tại miền Bắc, Việt Nam

Tăng thân Hải Phòng:

  • Thiền đường Hiên Mây
    Sinh hoạt 20h-21h30 tối thứ Tư hàng tuần tại 3/63 đường Cầu Đất, Thành Phố Hải Phòng.
  • Thiền đường Hoa Phượng
    Sinh hoạt tụng giới tại vào tuần cuối cùng mối tháng tại thiền đường Hoa Phượng (Venice 16-05, Vinhomes Imperia, Cầu Bính, Hải Phòng)
    Liên hệ: Chân Vô Ngã – Tuấn:  0934 63.63.63 

Gương kia ngự ở trên tường

Thầy Chân Trời Thiện Chí

Thầy Trời Thiện Chí, người Bun-ga-ri, xuất gia trong gia đình Cây Dẻ Gai vào năm 2018 và hiện đang tu học tại xóm Thượng, Làng Mai. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

 

 

Không lâu sau khi đại dịch Covid bùng phát, mẹ nói với con rằng mẹ cảm thấy cô đơn. Con đã gọi cho mẹ mỗi tuần, thậm chí là hai lần một tuần, nhưng dường như không đủ. Khi biết mẹ rất thích những cái gương, con đã quyết định sẽ tự làm một món quà cho mẹ: một chiếc gương thần kỳ có thể phát ra tiếng nói của Thầy để xoa dịu mọi nỗi muộn phiền của mẹ. Con muốn nó mang vẻ sáng tạo, cổ xưa và một chút huyền bí, với dáng hình bầu dục cổ điển. Chỉ tưởng tượng thôi là nụ cười của Bụt đã sáng lên trong lòng con rồi. Con nghĩ: Ồ, phần kính nên để tràn ra ngoài khung và để lộ ra bài kệ Soi gương. Ngọn lửa của niềm cảm hứng, sự quyết tâm cao độ, và một niềm hứng khởi mạnh mẽ nhưng êm dịu bắt đầu luân chuyển trong thân tâm con. Các vật liệu được dễ dàng tìm thấy từ kho buông bỏ của đại chúng. Mọi thứ đã sẵn sàng.

Nhưng rồi, những khó khăn bắt đầu nảy sinh và nhanh chóng tràn ngập tâm trí con. Đầu tiên, làm một cái khung thật không đơn giản. Tốn đến vài tháng. Con không biết làm sao để có thể gắn phần gốm vào cái đế gỗ đằng sau, và cái hình dạng mà con tưởng tượng thật khá phức tạp, với rất nhiều chi tiết. Con hết sức nỗ lực để làm, nhưng không đi tới đâu cả. Cuối cùng, con đành bỏ cuộc, nỗi thất vọng trào dâng trong con.

Sau khoảng hai tháng, tình cờ con tìm được một loại kẽm dạng mắt lưới có thể dùng như một cái sườn cho phần gốm. Niềm lạc quan trở lại trong con, và sức sáng tạo lại dâng trào như mùa xuân đang về. Bây giờ con làm thong thả hơn trước nhưng cái gương vẫn dần thành hình. Khi chế tác chiếc gương, con nhận ra rằng con không thể dự đoán trước là mình sẽ mất bao lâu để hoàn tất, cũng không biết kết quả sẽ ra sao. Rồi con bắt đầu tự hỏi: có phải con đang làm cái gương này hay cái gương này đang dùng con như một điều kiện để nó có thể biểu hiện?

Khi phần gốm đã khô hoàn toàn, con bắt tay vào vẽ với niềm vui rất lớn. Tuy nhiên, màu sắc nhìn không được thật lắm. Với nụ cười tươi, một thầy trêu con: “Thầy Thiện Chí biết không, chiếc gương nhìn có vẻ hơi giống trong phim kinh dị!”. May mắn thay, có một thiền sinh vốn là chuyên gia trong lĩnh vực phục chế đồ cổ đã giúp con làm cho cái khung nhìn tự nhiên hơn.

Rốt cuộc, khi mở kiện hàng lớn nhận được từ Pháp, mẹ con hết sức vui mừng và thích thú! Con thầm nghĩ: ước gì con có thể thấy gương mặt của mẹ khi mở quà và nhìn thấy cái gương. Nụ cười của mẹ là phần thưởng xứng đáng cho tất cả những nỗ lực của con. Bây giờ, chiếc gương được đặt ở một nơi đầy nắng trong phòng mẹ, và đang truyền đi những lời dạy sáng đẹp của Thầy qua bài kệ “Soi gương” được viết bằng tiếng Bun-ga-ri: “Đẹp nhất là tình thương – Và cái nhìn rộng rãi”.