Ngàn xưa hẹn trở về

_Trích sổ công phu_

Để tôi cùng có mặt

ngày 03 tháng 11 năm 2015

Hôm nay là ngày xuất sĩ. Tôi lên Sơn Cốc khá sớm để được dạo quanh. Một vài bóng áo nâu đã có mặt, ai cũng đang thưởng thức không khí tĩnh lặng nơi đây. Thầy đi Mỹ trị bệnh chưa về. Ba hôm nữa là tròn một năm ngày tôi đặt chân đến Làng.

Nắng bắt đầu lên. Tôi đến ngồi bên một thân cây đặt cạnh dòng Phương Khê. Mùa này có mưa nên nước nhiều, ngồi đây tôi có thể nghe tiếng suối róc rách. Tôi nhắm mắt theo dõi hơi thở. Nắng mai ôm trọn lấy tôi. Mấy hôm nay tâm tư tôi tràn ngập sự cô đơn, và tôi có cảm giác như vừa bước chân lên một hoang đảo lạnh để một mình tôi đối diện với chính tôi, để phải tìm cho ra một lời đáp cho cuộc đời mình. Trong tôi, thấp thoáng đâu đây cái mặc cảm rằng tôi có vẻ thờ ơ với tất cả những điều tôi đã có được. Tôi có cần thiết chọn con đường cho riêng mình mà gạt phắt hết những hy vọng và tin tưởng mà bao nhiêu người đã dành cho và muốn tôi thực hiện? Hình ảnh ngôi chùa Kim Sơn, nơi tôi xuất gia tu học suốt 14 năm cứ hiện về như những đợt sóng dồn dập dằn vặt năm uẩn tôi. Có những câu nói mà trước đây tôi đã nghe và nghĩ rằng đó là vấn đề của người khác, không liên quan đến mình. Vậy mà bây giờ, tôi nhận ra bên trong tôi cũng có những câu y hệt như vậy: Tôi có bỏ Thầy Tổ mà đi? Tôi có cô phụ gốc rễ? Tôi có coi thường những mối liên hệ khác trong đời sống hàng ngày trước đây? Tôi có nên trở về nếp cũ? Trong những buổi ngồi thiền gần đây, ý tưởng kia cứ đi lên làm tôi chao đảo, giam hãm tôi trong một căn phòng vô hình. Tôi gọi Thầy và tác ý năng lượng vững chãi, an lành, can đảm của Thầy đang bảo hộ tôi.

Trong giây phút ấy, hình ảnh con cá chép vượt vũ môn trong dáng điệu uy dũng nhưng rất cô đơn bỗng nhiên xuất hiện. Con cá chép dùng hết sức bình sinh để thực hiện một cú nhảy vượt vũ môn mà biến thành rồng thênh thang. Cú nhảy ấy, có thể khiến nó thấy như có gì đó mất mát khi bỏ lại hồ nước, bỏ lại mấy tảng đá, bỏ lại rong rêu, bỏ lại những thứ quen thuộc vốn đã gắn bó với đời sống của một con cá chép. Cái thấy mất mát đó cũng là một ngã rẽ. Nếu nhảy qua được phía bên kia, hóa rồng, con cá chép ngày xưa ấy sẽ thấy mình thực sự không mất mát gì cả. Dù không còn phải cần đến rong rêu, những hốc đá để làm nhà, những thứ thân quen xưa cũ nhưng con cá chép ngày xưa đó không coi thường, vẫn thỉnh thoảng về thăm nơi chốn cũ, và thấy nơi đó còn đẹp hơn với cái nhìn rất mới nơi đôi mắt của loài rồng.

Giây phút ấy đến nhanh như một tia chớp. Tôi bám lấy hơi thở và nuôi hình ảnh ấy thật sâu trong tâm thức. Tôi đã thấy mình mang được cả tổ tiên đất đai và tổ tiên tâm linh Kim Sơn lên đường. Câu trả lời đã đến không còn chút nghi ngờ. Tôi không cô phụ, không phản bội, không chạy trốn, tôi chỉ làm cái điều mà tôi cần làm. Tôi làm cho bản thân mình, cho ước muốn vun bồi tình đạo xưa nay với tổ chức Phật giáo, với Thầy Tổ, với người dân quanh vùng, với ngôi chùa nơi mình được sinh ra. Làm cho hay, thì sau này, cuộc trở về của mình mới đẹp. Khi đó mình nhận ra rằng mình đã không bị chôn vùi bởi những lề thói cũ đã từng giam hãm, từng chế ngự mình. Tôi xác lập chủ quyền cho con đường tâm linh của mình, không bị giới hạn bởi những ước lệ đã có. Tôi biết cái gì mình thiếu. Và mình đang lên đường để làm đẹp thêm cái vốn liếng mình đang thực sự thiếu, thực sự đói khát đó.

Tôi mở mắt, thấm những giọt nước trên má. Mặt trời đã lên cao. Tôi mỉm cười, lòng tràn đầy niềm biết ơn. Trong lòng Phương Khê, tôi thấy rõ mình, lòng ngập tràn xúc động. Tôi sung sướng lắm, thấy mình chạm được cái tự do trong lòng, không phải tuân thủ những tiện nghi vật chất lẫn những tiện nghi tình cảm thông thường. Tôi không coi thường chúng, nhưng cũng không phải kỳ kèo mệt mỏi vì chúng, chỉ thấy mình không thích hợp và không quen với cách sống đó nữa, thế thôi. Tôi chắp tay xá xuống, rồi đứng dậy đi tới phía cội tùng già. Gặp sư anh Pháp Ứng, tôi mỉm cười chắp tay xá, trong lòng rất biết ơn năng lượng của tăng thân. Nơi góc căn nhà gỗ cổ kính giữa lòng Phương Khê, tôi đã ngồi thiền trong suốt buổi chiều để nuôi cái thấy kia thêm thâm sâu. Lúc tôi bước ra ngoài trời, đại chúng chơi trò chơi đã xong và đang đến phần trao quà. Nếu không được ngồi thiền, thiền hành, chấp tác, uống trà, hay ăn cơm giữa lòng tăng thân mỗi ngày suốt một năm qua, tôi biết sẽ rất khó để tôi có thể bắt gặp giây phút mầu nhiệm sáng nay.

Ngày về

Thời gian ở Kim Sơn, tôi thích đi dạo ra trước ngôi tháp và đảnh lễ thầy Trí Thuyên, một vị xuất sĩ trẻ đã bị quân Pháp bắn vào năm 1947. Đọc Việt Nam Phật giáo sử luận hay Bây giờ mới thấy, hoặc trong những bài pháp thoại của Thầy, tôi biết Thầy và thầy Trí Thuyên là bạn thân của nhau. Ngày 10 tháng 3 năm 2016, nhằm ngày 2 tháng 2 Âm lịch, tôi may mắn được làm thị giả cho Thầy. Khi nhận tin, tôi khá bất ngờ, lúc đó đang trong thời điểm làm biếng mười ngày sau khóa tu xuất sĩ. Và còn bất ngờ hơn khi tôi khám phá ra, ngày tôi bắt đầu làm thị giả cho Thầy, thì ở Kim Sơn, đại chúng cũng đang tưởng niệm 69 năm ngày thầy Trí Thuyên viên tịch. Tôi có viết trong sổ công phu rằng: “Kính bạch thầy Trí Thuyên, trong thâm sâu tâm linh con biết rằng, Người đã gọi con lên làm thị giả cho Thầy. Con tin rằng thầy của con hiện tại ở Kim Sơn cũng sẽ cảm thấy rất vui lòng vì điều này”.

Được cơ may thân cận Thầy trong thời gian làm thị giả, tôi đã học được những bài học Thầy trao truyền. Trong mỗi bữa ăn, Thầy đưa từng muỗng thức ăn lên miệng bằng tất cả sự chú tâm, thận trọng và thưởng thức. Chánh niệm đã trở thành sự sống của Thầy. Thầy thưởng thức từng ngụm trà một cách trầm lặng. Ngắm nhìn thiên nhiên, Thầy trở thành người vô sự. Một bông hoa ngọc lan nở, với Thầy cũng là một phép mầu. Tôi thương lắm mỗi khi nhìn thấy bàn tay trái của Thầy chăm sóc và đánh thức bàn tay phải. Thầy ngồi vào bàn, với bàn tay trái, Thầy cầm bút, vẽ từng vòng tròn thư pháp và mỉm cười. Một bông hoa nở trên trang giấy, bông hoa nở trong lòng Thầy. Bông hoa ấy cũng nở trong lòng mỗi chúng tôi.

Buổi thị giả thứ 16, ngày 25 tháng 3 năm 2016

Như chư Tổ ngày xưa, bây giờ Thầy cũng ngày đêm truyền trao pháp hành sinh động: Ngươi đỡ chân, ta vì ngươi mà bước; ngươi dâng thuốc, ta vì ngươi mà uống; ngươi đưa cơm, ta vì ngươi mà ăn; ngươi trái lễ, ta vì ngươi mà la dạy; ngươi pha trà, ta vì ngươi mà đưa tay ra tiếp; ngươi muốn học, ta vì ngươi mà dạy bảo; ngươi đưa bô tới, ta vì ngươi mà đi tiểu; ngươi muốn học vô thường, ta vì ngươi mà bệnh, thử hỏi ta có truyền tâm ấn cho ngươi không, ai phụ bạc ai. Tôi cảm được điều này trong thời gian làm thị giả. Thầy cũng đang bệnh cho tăng thân, cho Làng, cho các con của mình có dịp lớn lên thêm. Thầy đang chịu đựng những đau nhức, vậy mà, ngày nào Thầy cũng có thời giờ ngắm nhìn sự sống đang tuôn dậy. Đó không là một phép lạ, không là một bài pháp thoại đầy sinh khí và sống động thì là gì? Ta đòi tiếp nhận gì từ Thầy nữa, nếu không tiếp nhận được những bài học cụ thể đó.

Sức mạnh của Thầy vẫn còn toát ra từ đôi mắt. Tôi nhớ một buổi sáng trong ngày thứ hai của Đại giới đàn Ân Nghĩa, Thầy ở lại cốc Ngồi Yên và dậy uống trà rất sớm. Sau đó Thầy dạy hai anh em thị giả chúng tôi mặc áo dài, đẩy xe lăn cho Thầy đi ngắm trăng. Tôi đẩy xe lên con đường bên hông tháp chuông xóm Thượng. Trăng buổi mai tròn và sáng lắm, Thầy ngồi yên ngắm trăng, thỉnh thoảng đưa tay lên chỉ cho hai đứa học trò được tiếp xúc sâu hơn. Vào thiền đường Nước Tĩnh, Thầy nhìn quanh cách trang trí một chút rồi lại ngắm trăng, lại chỉ cho hai anh em. Sau đó, Thầy đồng ý ra thiền đường Chuyển Hóa thăm. Chư Tôn đức đang dùng sáng và Thầy cũng dùng sáng chung. Thầy dùng rất chánh niệm, đưa từng muỗng thức ăn lên miệng cẩn thận và dứt khoát, ánh mắt sáng như ánh mắt mấy lần tôi bắt gặp ở Thái Lan năm 2013 khi được ở chơi bên Thầy. Chính ánh mắt và phong thái ấy đã khiến Hòa thượng Giác Quang ngồi khóc trong bữa ăn. Dùng sáng xong, Thầy về lại, gần đến cốc Ngồi Yên thì mặt trời vừa ló dạng. Thầy thấy và chỉ cho mọi người, rồi Thầy mời chư Tôn đức xuống cốc ngắm mặt trời lên. Khung cảnh thật huy hoàng.

Buổi thị giả thứ 27, ngày 5 tháng 4 năm 2016

Ngủ giữa lòng Phương Khê, tôi nằm mơ thấy có một bé trai chừng mười tuổi, nghèo đói và ốm yếu. Bé biết rằng mình phải đi trên một chuyến tàu đặc biệt để đến địa điểm đó thì bé sẽ tìm thấy được cuộc đời mình. Bé phải lên đường. Nhưng bé không có tiền. Với một cái bao đựng vài vật dụng, bé lựa thời điểm và trốn lên khoang chở hàng tối tăm, chật chội. Tàu lăn bánh, từ đồng bằng rồi từ từ băng qua những triền đồi cong cong và những cánh rừng hoang dại.

Tàu ngang qua một hầm tối, bỗng bé nghe trong đầu những câu chữ gì đó có hình ảnh của cơn mưa tầm tã. Tự nhiên bé buồn ghê lắm, trong cửa kính chiếu hậu, bé thấy mình thực sự là một kẻ độc hành, cô đơn cùng cực, không có bạn bè, không có người thân, không một lời hỏi han, không một tiếng động viên. Trước thời điểm đó, không biết lý do gì đã xảy ra mà bạn bè tan tác mỗi người một phương. Những người bạn có thể đang ở trên những chuyến tốc hành khác và hẳn là cũng đang cô đơn như thế. Bé buồn, nhưng bé không khóc.

Vẻ uy thiêng của đất trời, của rừng, của cây gọi bé trở về với cái đẹp. Bé không thể ngồi yên hoài giữa khoang tối. Bé thấy trong lòng có một tiếng gọi thâm sâu nào đang lên tiếng khiến bé rất xúc động. Bé đưa mắt nhìn qua cửa khoang tàu. Tiến ra chút nữa, bé đưa cả đầu mình ra ngoài cửa để nhìn không gian khoáng đạt bên ngoài khi tàu đi qua những khu rừng, những sườn đồi và vách núi. Bé quên rằng mình có thể bị phát hiện. Bé hạnh phúc nhìn quanh. Tàu bỗng chạy chậm hẳn, đến độ không còn nghe tiếng gió xẹt qua, nhưng không dừng lại. Cửa kính chỗ người lái tàu mở ra. Bé thấy được rất rõ khuôn mặt hiền lành, đầy ý chí và vui vẻ của người lái tàu. Bé phát hiện ra người lái tàu đang hướng đôi mắt về phía mình qua kính chiếu hậu. Bé thót tim và vô cùng sợ hãi. Bé sẽ bị đuổi xuống tàu. Bé như bị điểm huyệt. Trong giây phút đó, qua kính chiếu hậu, bé thấy người lái tàu đang mỉm cười, một nụ cười quá đỗi quen thuộc vọng về trong tiềm thức. Chỉ vậy thôi mà bé tự biết rằng bé có thể đến được nơi bé cần đến một cách an toàn. Người đàn ông còn nheo mắt với bé và gật đầu rồi sau đó tiếp tục quan sát đường ray. Rồi bỗng nhiên ông ta cất lời, hay đã đọc một câu thơ: “Chúng ta luôn thương những mảnh đời như vậy”.

Tôi thức dậy, nước mắt đầm đìa. Tôi khóc một cách chân thành và trẻ dại, những giọt nước mắt cứ như là những giọt nước mát lạnh ngày nào mà chú bé đã vốc uống từ giếng nước Kim Sơn thơm trong ấy. Hình ảnh Thầy thay thế hình ảnh của người lái tàu. Lòng tôi cứ gọi “Thầy ơi, Thầy ơi…” Giấc mơ khiến cả năm uẩn tôi chấn động mãnh liệt. Tôi cảm nghe mình như là một đứa bé nghèo nàn rách rưới đi tìm một cái gì quý nhất cho cuộc đời mình. Và tôi đã được chấp nhận để tham dự vào chuyến tàu trở về. Người lái tàu đã chấp nhận tôi bằng một nụ cười đầy uy đức. Tôi không còn là một người xa lạ, một người còn mang trên mình nhiều nỗi mặc cảm trong cuộc trở về này nữa. Như tự ngàn xưa đứa bé nghèo đói, ốm yếu kia là tôi, và Thầy chính là người lái chuyến tàu mang tôi về nơi bình yên để tôi gặp được điều tôi đã bao ngày tìm kiếm, để tôi được đích thực là tôi. Một giấc mơ không hẳn chỉ là một giấc mơ. Với tôi, giấc mơ ấy chứa đựng trọn vẹn gia tài và con đường đích thực của mình.

Tiếng gọi vào dòng

Một buổi chiều tôi đi bộ từ Sơn Hạ lên xóm Thượng. Chân trời mang màu hỏa hoàng với những rừng cây chuyển màu và rụng lá. Con đường ngập lá vàng. Tôi nhận ra một bụi cỏ nhỏ và những chiếc lá mới, những thứ mà đã đi trên con đường này bao nhiêu lần nhưng tôi chưa từng để ý. Giây phút đó, tôi chợt hiểu ra tại sao Thầy cứ dạy đi dạy lại về hơi thở và bước chân, cứ nhắc hoài cái đẹp của con đường huyền thoại, cứ ca ngợi trúc tím trời xanh hay chỉ cho học trò sự mầu nhiệm của một chiếc lá. Ngày xưa nghe pháp thoại, đọc sách hay nghe huynh đệ kể những mẩu chuyện về Thầy, tôi hay thắc mắc có gì nơi những thứ đó đâu mà Thầy cứ nhắc hoài không chán? Hôm ấy nhìn thấy một bụi cỏ và những chiếc lá mới trên con đường cũ, tôi mỉm cười và nhận ra trong mắt tôi đã tìm thấy được một lần cái đẹp, sự mầu nhiệm của những điều tưởng như bình thường đó. Và đã thấy được một lần rồi thì tôi có thể hiến tặng cho tôi cái thấy đó thêm một lần nữa. Những phát hiện đơn sơ ấy nuôi lớn niềm vui thực tập trong tôi, nuôi lớn sự biết ơn nơi tuệ giác linh động của Thầy, nuôi lớn niềm tin về khả năng tiếp nhận và trao truyền dòng chảy tâm linh không bao giờ đứt đoạn nơi tăng thân.

Con đường lá
Trải ngàn thu
Cánh mai nở
Thoảng hương trầm
Thơm mỗi nét cổ thư.