Cảm đi

Có một điều giúp mình có thêm tình thương, hiểu biết và bao dung. Nếu thiếu vắng điều này, người đó có thể trở nên khô cằn, lạnh lùng và nhạt nhẽo. Đó là cái cảm. Hãy tưởng tượng sống mà không “cảm”. Không có cảm xúc, cảm thông, không cảm hóa được một ai. Không cảm nhận, cảm giác, thậm chí không cảm cúm! Sống chung với nhau mà không cảm kích và cảm mến. Thiếu sự cảm động, cảm thương, và không có cảm nghĩ gì về nhau. Khi không có những cái cảm này thì dễ rơi vào mặc cảm, trầm cảm, và vô cảm. Vì thế, sự đồng cảm rất cần thiết và cũng chính là chất liệu nuôi nguồn cảm hứng trong mình.

Mình có cảm động với những điều đang có và không có? Trong quá khứ, hiện tại, hoặc tương lai, đã có những giây phút nào cho mình cảm xúc đáng nhớ? Mình muốn cảm hóa ai trong cuộc đời? Điều gì cho mình cảm hứng? Mình đã đi qua trầm cảm chưa và đã ứng xử như thế nào? Ít nhất một lần mình đã có cảm tình với đối tượng đặc biệt, hay gặp tiếng sét ái tình? Nhờ vậy nên mình cảm thông được với những khó khăn, cảm kích những hạnh phúc, để không trở thành người vô cảm.

Ai trong chúng ta cũng nghe nói cuộc đời vô thường, nhưng lạ thay Bụt đã dạy không có gì mất đi. Những tâm ý, lời nói và hành động sẽ theo mình như hành trang, như “chữ ký” đặc biệt của từng cá nhân. Mẹ tôi mất vào năm 2014 vì ung thư đại tràng. Tôi đủ duyên lành có mặt bên cạnh mẹ suốt bốn năm cuối đời. Những ngày chở mẹ đi bác sĩ, vào thuốc hóa trị (chemotherapy), mỗi sáng cầm tay mẹ đi bộ đến công viên rồi dùng yến mạch (oatmeal) giúp tôi trân quý sự có mặt của mẹ. Những khoảnh khắc rón rén nhìn mẹ ngồi yên đọc sách hay thắp hương mỗi đêm trước khi đi ngủ sẽ không bao giờ phai mờ trong trái tim tôi. Bao nhiêu kỷ niệm, hình ảnh tôi có với mẹ cho tôi niềm an ủi, khích lệ đến ngày hôm nay và cả mai sau. Thế thì làm sao mẹ tôi có thể mất được. Mẹ vẫn còn hiện hữu rất rõ trong lòng tôi. Tôi nhận ra rằng khi mình còn nghĩ về một ai thì vị ấy vẫn sống mãi, dù biểu hiện này đã ẩn tàng mất rồi.

 

 

Giây phút cho tôi cảm giác thư thái, gần gũi và thân mật với chính mình nhất là khi nằm trên giường, chuẩn bị đi vào giấc ngủ, ngồi yên theo dõi hơi thở và phát lời nguyện cho sự thực tập ngày mai. Thú thật, nhiều khi tôi quên hẳn lời phát nguyện tối qua nhưng ít nhất hạt giống tốt đã được tưới trong mười giây. Vốn dễ ngủ nên đôi khi tôi chỉ có một hoặc hai phút như thế trong đêm. Ước gì mình vào giấc ngủ chậm hơn một chút để có thể tâm tình với chính mình giữa màn đêm tĩnh lặng và không gian riêng tư. Một mình với chiếc mền ấm, thân đang buông thư, ý thức về tâm trí, mỉm cười để dừng những dòng suy nghĩ không lành mạnh và không tích cực. Niềm hạnh phúc của tôi đơn sơ như thế. Suốt 15 năm qua, tôi gửi lòng biết ơn đến mẹ và ba trước khi vào giấc ngủ. Tôi nghĩ đến mẹ và ba đã làm gì để tôi có cơm ăn, áo mặc và tình yêu thương lớn lên mỗi ngày. Dù mình có quyền lực hay thành đạt đến đâu nhưng một việc mình không bao giờ làm được, đó là tự mình thay tã. Nhiều đêm tôi thầm cảm ơn mẹ đã làm việc này và mớm cơm cho tôi. Mẹ nhai thức ăn thật kỹ để con có thể nuốt dễ dàng. Rồi tôi nghĩ đến hình ảnh ba làm những việc nặng ngoài ruộng đồng, đặc biệt khi mẹ mang thai. Ba đã bảo vệ mẹ và con khi con chưa chào đời. Gần đây lòng biết ơn của tôi dâng trào khi nghĩ đến việc mẹ và ba đã không tạo áp lực, bắt tôi phải “học giỏi nhất lớp.” Điều này đã giúp tôi có cuộc sống yên ổn và phát triển tự nhiên theo khả năng của mình. Tôi kết thúc một ngày với niềm biết ơn để nhận tình cảm sâu sắc từ mẹ và ba.

Ai cũng được dạy nói lời “cảm ơn” ngay từ lúc bé. Nhiều vị đã gìn giữ cử chỉ đẹp này khi lớn lên, nhưng có vị quên hẳn hoặc nói mà trong lòng không có cảm xúc. Có những lời dù đẹp cách mấy nhưng khi sử dụng như cái máy thì vẫn trở thành vô nghĩa. Tôi hay tự nhắc nhở vì biết mình dễ rơi vào tình huống này. Thế nên khi nói lời cảm ơn, tôi thật sự muốn có cảm xúc để cảm động với những gì người kia đã tặng. Đây là một cách để các hormone hạnh phúc như dopamine, serotonin, oxytocin và endorphin được tiết ra trong não bộ. Từ đó, tim, gan, thận, hệ tiêu hoá và tất cả các tế bào trong cơ thể cũng được nuôi dưỡng. Nhiều nghiên cứu cho thấy chế tác lòng biết ơn bằng cách viết xuống hay chia sẻ ra rất hữu hiệu, lợi lạc cho sức khỏe và niềm hạnh phúc thường nhật. Khi biết thông tin này, tôi thấm thía tầm quan trọng việc nuôi lớn lòng biết ơn. Tôi càng có thêm cảm hứng thực tập chánh niệm, thường xuyên trở về với hơi thở để tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc, kể cả khi khó khăn và khổ đau đang có mặt.

Mình không chỉ cảm ơn những gì quý, lành và đẹp trong đời mà cũng cần dành thời gian cho những đắng cay, phụ bạc và khó khăn đã đến. Trong mùa đại dịch Covid-19, tôi đã sử dụng zoom để kết nối với gia đình, người thân và các bạn thiền sinh với mục đích làm lớn mạnh tình người, chế tác hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau. Khi mở zoom lên, khuôn mặt đầu tiên xuất hiện là chính mình. Ban đầu tôi thiếu sự thoải mái vì bất chợt thấy mình không tươi, mặt có mụn và chưa chấp nhận sự “xuất hiện” như thế. Dần dần tôi làm quen và tập mỉm cười với người hiện lên đầu tiên trên zoom. Tại sao không chứ? Ngồi đó nhìn chính mình qua màn hình, trong lòng cảm thấy thoải mái và tự nhiên, đó là bước quan trọng để thực tập thương yêu tự thân. Tôi biết có những người không ưa nhìn nét mặt của mình tí nào. Bao nhiêu nỗi buồn, giận dữ và chán ghét đi lên khi soi gương. Có lẽ vì những tổn thương trong quá khứ, hoặc nhan sắc không như mong muốn, nên mình chỉ để ý những điểm chưa đẹp khi nhìn vào gương hay qua zoom. Cũng có vài vị cho tôi hay họ có cảm giác khó chịu khi nghe lại giọng thâu băng của chính mình. Điều này khá thú vị và khó hiểu đối với tôi. Ai cũng nhận thấy giọng mình qua máy ghi âm rất khác với lúc nói chuyện trực tiếp. Thế nhưng cái khác biệt có nhất thiết dẫn đến phản ứng không muốn nghe hay không muốn nhìn, thậm chí sự chán ghét bản thân?

Đôi khi tôi ngồi nghe lại những bài chia sẻ trước đây để làm quen với giọng nói và hình ảnh tự thân qua màn hình. Tôi để ý tâm tư và cảm thọ với sự thích thú. Đối với tôi, bước đầu thương yêu bản thân là nhận diện, chấp nhận và trân quý những gì mình đang có: giọng nói và nhan sắc. Tôi tự hỏi mình có muốn nhìn khác hơn không? Tự đặt những câu hỏi và tự trả lời để sự kết nối giữa mình với chính mình mỗi ngày được thông suốt hơn. Những lúc cảm thấy buồn, cô đơn hay có những niềm riêng không tiện chia sẻ, ngoài việc an tịnh tâm hành trong buổi ngồi thiền, tôi còn trò chuyện với mình qua zoom. Tôi không ngại bày tỏ tâm sự trong lòng vì biết sẽ không ai nghe và không ai thấy, nên trái tim tự nhiên mở rộng để tình thương có thể ôm ấp những gì đang biểu hiện. Có một đêm tôi ngồi làm việc trước máy tính và bỗng thấy sao thương mình quá. Với những khó khăn tôi đang đi qua lúc bấy giờ, sự chia sẻ với vài vị mình kính quý, tin tưởng và thương yêu vẫn chưa đủ. Tôi quyết định mở zoom lên, nhìn tự thân và nói, “I know you are sad right now – Chị biết em đang buồn.” Cuộc “tâm tình với chính mình” kéo dài hơn một tiếng và lòng tôi nhẹ hơn hẳn. Là người tu, một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất là cảm hóa người khác, nhưng cảm hóa tự thân là điều thiết yếu cho đời mình thêm bình an. Khi gặp những chướng ngại và khó khăn như lạnh lùng, ganh tỵ hay oan ức, tôi thở những hơi thật sâu và chậm để cảm nhận những gì đang dâng trào trong lòng rồi từ từ cảm hóa nó. Đó là công việc tôi cần làm mỗi ngày để tăng trưởng lòng biết ơn với những gì cuộc đời và những người chung quanh đang “ban tặng”.

Khí trời đang vào thu. Lá đổi màu và bắt đầu rụng. Rừng cây trở nên trống trải hơn, khiến cảnh vật dễ được nhìn thấy hơn. Sự nóng bức của mùa hè, cái ẩm của miền nam nước Mỹ tạm thời đi qua. Thật là một cảm giác dễ chịu và thoải mái. Mùa thu đang hát ca thông điệp gì cho mình đây. Có lần tôi hỏi một sư cô: “Sư em có biết mùa nào trong năm làm con người dễ rơi/ngã xuống không? Con người dễ trầm cảm vào mùa nào?” Vị đó trả lời, “Dạ, mùa thu (Fall) phải không sư cô?” Thời tiết se lạnh, ngày ngắn hơn nên làm con người rút mình lại một cách tự nhiên. Với những ai có khuynh hướng trầm cảm, đây là thời điểm khó khăn và khá chật vật. Có những bệnh cần nhiều thời gian để bác sĩ theo dõi, làm xét nghiệm từ tháng này đến tháng khác mới hiểu được nguồn gốc, mức độ… Với những ai mắc bệnh trầm cảm theo mùa, họ có thể chuẩn bị những hành trang và tâm lý khi mùa thu đến, thay vì quá lo lắng và sợ hãi. Chỉ cần biết nguyên nhân của bệnh là bước đầu cho việc điều trị rồi. Sau khi mẹ mất, không hiểu vì sao cứ mỗi thứ năm tôi lại hay rơi nước mắt, có những cảm xúc buồn lạ kỳ và khó hiểu. Sáu tháng sau tôi mới nhận ra rằng mẹ tôi mất vào tối thứ năm và từ đó lòng tôi bỗng nhiên nhẹ hơn nhiều. Trong một chuyến đi hướng dẫn khoá tu cho các bạn trẻ vào tháng ba, tôi chỉ muốn im lặng, khó chịu với những người chung quanh và lòng trở nên nặng trĩu. Ban đầu tôi khó chấp nhận tâm trạng này của mình vì không hiểu nguyên do. Sau khi trở lại tu viện, tôi tìm ra nguyên nhân. Mẹ tôi mất vào tháng ba.

 

 

Quý thầy và quý sư cô tại Mộc Lan cùng thực tập một ngày im lặng mỗi tháng để trân quý sự im lặng và nhận diện những gì thường đi lên trong tâm. Vào “Ngày hơi thở và bước chân”, tất cả đều thực tập không đọc sách, làm việc, dùng thiết bị điện tử. Mỗi người tìm cho mình một nơi lý tưởng để ngồi uống trà, theo dõi hơi thở và lắng nghe nội tâm mà không cần phán xét hay xua đuổi. Cảnh vật tại Mộc Lan rất đẹp trong mắt tôi. Không biết hôm nay mình sẽ chọn không gian tuyệt vời nào đây: tháp chuông, trong rừng, trước nhà khách hay tượng đài Tăng Thân Yêu Quý? Cuối cùng tôi chọn ngồi trong rừng để ngắm lá thu rơi cho kỹ và thưởng thức trọn vẹn. Tôi pha trà, dùng bánh pía, đốt lá xô thơm, thở những hơi thở thật sâu và chậm. Tiếng chim hót không ngừng, lá rơi nhẹ và đẹp kỳ diệu. Bỗng nhiên một suy nghĩ đi lên trong tôi: Mục đích lá rơi là để trưởng dưỡng cây và làm đất giàu có hơn. Cái “rơi rụng” đem đến bao nhiêu sự mầu nhiệm, như bọn trẻ con nhờ ngã mới biết đi, biết chạy. Để có thức ăn thì bao nhiêu trái và hạt phải rơi xuống. Thế thì khi ngã là lúc mình có sự lớn lên trong cuộc sống. Ngã xuống không phải để rơi vào tuyệt vọng, buồn chán mà để chuyển hóa, đứng lên lại từ từ, rồi đi tiếp về hướng chân thiện mỹ. Nhiều người chọn chấm dứt cuộc sống khi ngã xuống. Rất đáng thương vì họ không thấy có lối thoát. Nhưng trên cuộc đời này có gì mà không có lối thoát? Cái gì lại không có mục đích?

Những lá xanh hay đang đổi màu còn nguyên vẹn trên cây rồi cũng sẽ rơi. Chúng không mặc cảm chậm, đi sau hay không có mục đích. Nhìn các bạn và những người thân, ai cũng có công ăn việc làm, địa vị ổn định, còn mình vẫn hai bàn tay trắng. Mình đang fall behind (đi sau) nên nỗi buồn và mặc cảm dâng trào. Thật ra người đi sau cũng rất quan trọng. Đi sau để yểm trợ và nâng đỡ cho người đi trước. Đi sau để học hỏi những kinh nghiệm rồi từ đó cải thiện bản thân tốt hơn. Thời đại này ai cũng muốn được nhất, nhất về xe mình lái, điện thoại mình xài, học vấn cao, quyền lực trong sở làm… Để có được cái nhất, nhiều người đã hy sinh hiện tại. Không có thời gian để chăm sóc chính mình, bỏ quên người thương trong gia đình và thậm chí hại người khác để được nhất. Thôi thế thì đi sau cũng được.

Có lần tôi tự hỏi, “Bội Nghiêm sợ mất gì nhất trong cuộc đời?” Tôi đáp: “Bội Nghiêm sợ mất cảm giác cảm.” Tôi tự ngẫm nghĩ: nếu một ngày nhìn hình ảnh em bé đang chơi đùa nhưng trong lòng không cảm kích, tôi sẽ như thế nào? Thấy một bà cụ 85 tuổi vẫn còn lái xe đi trên đường phố nhưng tôi không cảm phục, thì sẽ ra sao? Về đến nhà, thấy chị đang chải tóc cho mẹ chồng nhưng tôi không cảm động, có bất thường quá không? Cầm trên tay bàn chải đánh răng và chải răng mà lại không cảm thấy hạnh phúc thì có đáng tiếc cho tôi không? Ngồi đây, viết những dòng chữ này nhưng trong lòng không thấy có gì đặc biệt thì tôi quả thật thiệt thòi. Mất cảm giác, cảm xúc, cảm động, không khác gì người chỉ có xác nhưng không có hồn. Thế thì hãy cảm đi!

(Chân Bội Nghiêm)