Thầy ôm các con vào lòng

Sáng nay thức dậy, tôi ngồi yên trước ngọn nến, uống vài ngụm trà olong. Tôi cảm được không gian bình yên của buổi sáng. Bên ngoài, mọi loài còn đang chìm trong giấc ngủ ấm áp của mình. Những ngày làm biếng, tôi có cảm giác thật thân quen với căn phòng Bird nest này. Không gian nơi đây kéo tôi trở về, lắng xuống tận sâu trong tâm hồn. Căn phòng mới sửa, chưa được sử dụng nhiều, đôi chỗ còn dở dang, những cái kho nho nhỏ bên cạnh đang được sửa lại để tận dụng. Dù vậy, đây là nơi ổn định để tôi ngồi yên, học bài hay đọc sách trong những ngày làm biếng. Buổi sáng là không gian yên nhất trong ngày.

Sáng nay, cảm giác nhớ Thầy đi lên trong tôi. Hình ảnh thân quen của Thầy dần hiện rõ. Thầy thường đi đến các xóm trong dịp làm biếng. Qua xóm Mới, Thầy hay ngồi chơi, đi bộ với các con. Có lẽ mấy ngày qua nghe hồi ký của Thầy nên cảm giác nhớ Thầy về nhiều hơn. Trong hai tuần làm biếng sau an cư, có quý thầy từ Thái Lan ghé Làng trước khi qua Đức để nhập chúng nên sư mẹ Thoại Nghiêm sắp xếp cho anh chị em nghe chung hồi ký của Thầy. Tôi không nghĩ sẽ có ngày được nghe lại hồi ký của Thầy.

Thầy là người đã đặt những bước chân đầu tiên ở Làng, đã gầy dựng và phát triển Làng cho đến bây giờ. Điều này quả không dễ dàng. Tôi mong ai cũng có dịp đến Làng. Đến để mà thấy, để chứng nghiệm sự linh thiêng nơi mảnh đất này. Ở xóm Mới, tôi nhớ nhất là con đường Thầy thường dẫn đại chúng thiền hành. Con đường lên đồi Dương Xuân. Những ngày quán niệm tứ chúng tại xóm Mới, Thầy thường hướng dẫn đại chúng thiền hành lên đó. Một đoàn dài, có lúc hơn cả ngàn người. Thầy đã đến nơi, ngồi xuống mà phía sau, tít đằng xa vẫn còn người đang bước. Thầy thường thỉnh ba tiếng chuông cho đại chúng thở, ngồi yên để thưởng thức những mầu nhiệm của trời đất, thưởng thức khung cảnh thênh thang trước mặt. Lạ thay, cả ngàn người mà không ai nói với ai tiếng nào, không khí thật yên, ai cũng thưởng thức từng phút giây hiện tại, thưởng thức nhịp điệu của từng hơi thở, thưởng thức không gian, cảnh vật và tận hưởng năng lượng tập thể đang có mặt. Tất cả như đang thở cùng một nhịp. Đúng như một dòng sông. Thật là nhiệm mầu!

 

Ở xóm Mới, chị em chúng tôi được luân phiên hướng dẫn thiền hành. Có lần vào ngày quán niệm, tôi dẫn đại chúng theo con đường đó, mới đi được vài bước tôi nhớ đến Thầy, rồi hình ảnh Thầy trong tôi hiện lên rõ nét. Tôi đi với sự thực tập: con đang đi cho Thầy. Tôi để ý đến từng bước chân của mình và giữ ý thức: những bước chân này là bước chân của Thầy, thật vững chãi, thật yên, thật nhẹ nhàng. Thầy cùng tôi đi hết đoạn đường thiền hành trong bình an.

Thỉnh thoảng tôi đi một mình lên đồi Dương Xuân để ngồi yên. Chỉ đến đó thôi là tôi thấy trong lòng nhẹ nhàng, tâm hồn thoải mái như bỏ lại bao nhiêu thứ phía sau. Nhìn lên bầu trời, thấy lòng mình bao la, tôi có cảm giác như mình đang được cuộn tròn, được che chở bởi đất trời nơi đây. Niềm biết ơn trong tôi trào dâng. Tôi nhận ra rằng khi lòng biết ơn trong tôi càng lớn thì tôi hay nghĩ tới và cảm thấy áy náy với những gì Thầy gửi gắm, mong đợi nơi tôi. Sau khi nhận đèn truyền đăng làm giáo thọ vào năm 2012, tôi về Thái Lan tu học. Thái Lan lúc đó đang xây dựng trung tâm mới. Đầu tháng Ba năm 2013, đại chúng chuyển từ nhà bác Pu Lư lên đất mới. Đến cuối tháng Ba, Thầy cùng quý thầy, quý sư cô về Thái để khánh thành trung tâm mới cũng như mở khóa tu cho người Thái và người Việt. Sau khóa tu, tôi được làm thị giả đi khóa tu ở Hàn Quốc với Thầy. Kết thúc khóa tu, tôi và sư cô Linh Nghiêm, sư cô Quy Nghiêm về lại Thái Lan. Thầy và phái đoàn tiếp tục khóa tu ở Hồng Kông. Tôi biết sắp xa Thầy nên trước khi Thầy đi hai ngày, tôi tránh không gặp Thầy vì sợ sẽ khóc nhè. Vậy mà trước khi xe buýt lăn bánh, từ Seoul (Hàn Quốc) để ra phi trường bay đi Hồng Kông, tôi được gọi lên gặp Thầy. Khi ấy, Thầy đã ngồi sẵn trên xe. Thầy dặn tôi: “Con về Thái ôm hết các sư em cho Thầy”. Nghe Thầy dạy, tôi chắp tay “dạ”. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là về Thái thì thiền ôm các sư em giúp Thầy. Chỉ là thực tập “thiền ôm”, không làm có lẽ cũng không sao. Thực sự, tôi không thích thực tập pháp môn này lắm. Vậy rồi, tôi quên bẵng chuyện này đi một thời gian.

Sau đó vài năm, lời dặn của Thầy trở lại, đánh thức tôi. Tôi nhận ra rằng nó không đơn giản như tôi nghĩ. Lúc đầu tôi chỉ “dạ” vì Thầy dạy gì thì trước tiên cũng phải “dạ”. Khi nghe tôi “dạ”, Thầy cười và nói: “Con dạ rồi đó, con phải làm cho được”. Thầy Pháp Hữu, lúc đó đang làm thị giả, phá lên cười trước vẻ ngây ngô của tôi. Ui chao, bây giờ mới thấy Thầy đã trao cho tôi một công án và công án của thiền sư không dễ chút nào. Tôi còn nhớ Thầy thường hay viết thư cho các con của Thầy. Cuối thư Thầy viết: “Thầy ôm các con vào lòng”. Nghe thật đơn giản nhưng thấy được lượng bao dung từ Thầy. Thầy thấy và hiểu được những học trò của mình và với tình thương, với lòng bao dung Thầy đã “ôm” được hết tất cả.

Một lần, tôi tham dự buổi họp về vấn đề khó khăn của một sư em. Buổi họp kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Nhìn cho kỹ, ai cũng có những khó khăn, những vụng về, những hạn chế riêng nên mới cần được ôm ấp và chấp nhận từ người khác. Chỉ với một quyết định vội vàng, mình có thể mất sư em. Chỉ có lòng kiên nhẫn, tình thương, cùng với sự bao dung mới có thể thay đổi một con người.

Cái “dạ” ngày đó với Thầy làm tôi áy náy cho đến bây giờ. Càng ngày, tôi càng chạm vào thực tế một cách cụ thể hơn. Và lời nhắn nhủ của Thầy trở về với tôi nhiều hơn. Tôi thấy sự thực tập trong tôi còn giới hạn. Sự phân biệt đúng sai, thương ghét, giận hờn, đòi hỏi, hơn thua… vẫn còn đó. Làm sao có cái nhìn bao dung và tình thương lớn để chấp nhận hết tất cả mọi người. Càng lúc tôi thấy mình phải thực tập nhiều hơn, phải quán chiếu sâu hơn về điều này. Suốt cuộc đời chắc còn chưa đủ. Và có lẽ tôi sẽ vẫn còn những vụng về khi thực tập công án Thầy trao, nhưng tôi biết chỉ cần có sự chờ đợi và lòng kiên nhẫn thì một ngày nào đó tôi có thể thay đổi chính mình, đồng thời ôm ấp và chấp nhận người khác một cách dễ dàng hơn.