Tiểu Sử Thượng Tọa Thích Từ Minh

Tổ Đình Từ Hiếu

Tổ 10, khu vực 2 – Phường Thủy Xuân – Thành Phố Huế – Tel : (+84) 543.884.051


Tiểu Sử Giám Tự Mới
Thượng Tọa Thích Từ Minh

 

Pháp Tự: Thích Từ Minh
Pháp danh: Tâm Trí
Thế danh: Hồ Thức
Sinh ngày: 15 tháng 09 năm 1970
Nơi sinh: Thừa Thiên Huế – Việt Nam

Thầy tập sự xuất gia tại Chùa Từ Hiếu năm 1989 (19 tuổi).
Thọ giới Sa Di tại chùa Từ Hiếu vào ngày 18 tháng 07 năm 1992 với Hòa thượng Thích Đức Phương.
Thầy là đệ tử của Hòa Thượng Thích Chí Mậu.

Thầy thọ giới lớn trong Đại Giới Đàn Từ Hiếu tổ chức tại Chùa Từ Hiếu vào năm 1997 do Hòa Thượng Thích Như Đạt làm Hòa Thượng Đàn Đầu.

Thầy đến Làng Mai tu học từ năm 2006 đến năm 2009 và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 2009 trong Đại Giới Đàn Mùa Sen Mới với bài kệ truyền đăng như sau:

Mây từ để lộ vầng minh nguyệt
Rót xuống trần gian ánh dịu hiền
Lắng khúc hải triều lên nhịp sống
Ngồi trên sinh tử vẫn an nhiên.

Thầy Thích Từ Minh thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Kiến thức Phật học của Thầy rất vững vàng, giới hạnh rất nghiêm túc, được mọi người trong chúng kính nể và tin cậy.

 


 

Thư mời ăn mừng Tổ Đình có Giám tự mới

Văn thư công cử Giám tự Tổ đình Từ Hiếu

Cầu nguyện sức khỏe H.T Giám tự Tổ đình Từ Hiếu

Thông bạch gởi tứ chúng thuộc đạo tràng Mai Thôn
Về việc trì niệm kinh sám cầu nguyện cho sức khỏe của Hòa Thượng Giám Tự Tổ Đình Từ Hiếu

Kính gởi liệt vị Tôn Đức trong Môn Phái Tổ Đình Từ Hiếu.
Kính gởi các vị Viện Chủ, Trú Trì, Giám Tự, Tri Sự các tự viện am thất thuộc Môn Phái Tổ Đình Từ Hiếu
Kính gởi toàn thể nam nữ cư sĩ Phật tử và thân hữu cùng các đạo tràng tu tập thuộc Môn Phái Tổ Đình Từ Hiếu trong và ngoài nước.

 

Tôi vừa được báo tin Hòa Thượng Thích Chí Mậu, Giám Tự Tổ Đình Từ Hiếu trở bệnh nặng: tủy không tái tạo được máu và tim đang bị phù. Tứ chúng thường trú tại Tổ Đình cùng với các y bác sĩ đang tận tâm săn sóc và chữa trị.

Cùng với tứ chúng thường trú tại Tổ Đình, các chùa của Đạo Tràng Mai Thôn cũng đang hết lòng trì niệm kinh sám nhất tâm hộ niệm cho sức khỏe của Hòa Thượng Giám Tự.

Tôi tha thiết kêu gọi liệt vị Tôn Đức cùng toàn thể tứ chúng tại các tự viện am thất và các đạo tràng tu tập thuộc Môn Phái Tổ Đình Từ Hiếu trong và ngoài nước nhất tâm trì niệm: Sám Pháp Địa Xúc, Từ Bi Tam Muội Thủy Sám Pháp và Lương Hoàng Sám Pháp để đồng hộ niệm.

Nguyện nhờ sức gia trì của Tam Bảo trong mười phương và công đức trì niệm của liệt vị mà sức khỏe của Hòa Thượng Giám Tự sớm được phục hồi.

Tôi cũng xin tứ chúng thường trú tại Tổ Đình hết lòng thực tập và tận tâm tận lực cùng nhau săn sóc và chữa trị cho Hòa Thượng.

 

Kính thư

khuondauTNH.png

Niên Trưởng Môn Phái và Trụ Trì Tổ Đình Từ Hiếu

Tùng hạ tại gia

Như chúng ta đã biết, trong mùa An Cư Kết Đông 2010 – 2011 tại đạo tràng Mai thôn, đã có 176 xuất sĩ và 49 vị cư sĩ kết giới tu học tại đạo tràng. Nhưng cũng có khoảng 60 vị cư sĩ ghi tên “tùng hạ” theo kiểu tại gia. Nghĩa là mỗi ngày những vị này cũng có ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm trong chánh niệm và làm việc trong chánh niệm. Nhiều người phải đi làm, nhưng ngoài thời gian đi làm, họ không đi đâu nữa. Họ cũng được nghe mỗi tuần hai pháp thoại và mỗi tuần họ được dự một buổi pháp đàm trực tuyến điện thoại do các sư cô ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Maison de l’Inspir) chủ trì. Những thiền sinh ở vùng phụ cận Paris thì có thể trực tiếp tới thiền đường tham dự, còn những vị khác thì phải tham dự vào bằng điện thoại (réunion téléphonique).

“Tùng hạ tại gia” là một pháp môn mới, đã diễn ra tại nước Pháp từ ba năm nay. Ở Việt Nam cũng sẽ có khả năng tổ chức tu tập như thế. Xin dịch ra Việt văn một số các thư báo cáo của các thiền sinh “tùng hạ tại gia” để quý vị thân hữu thấy được rằng tu tập theo cách thức này cũng đem lại nhiều chuyển hóa và hạnh phúc.

Thầy Làng Mai

 

__________________________

(60 vị cư sĩ ghi tên “tùng hạ” chỉ là con số ghi tên chính thức, ngoài ra có nhiều vị tự nguyện tham gia. Mùa An Cư 2011-2012 lại về, nhiều vị cư sĩ về Làng đã giao hẹn sẽ cùng nghe pháp thoại và có ngày quán niệm tại nhà khi họ trở về nhà. Theo thông tin mới nhất, năm nay đã có trên 600 vị cư sĩ tại các nước “tùng hạ tại gia” cùng tăng thân)

Thiết lập trung tâm thực tập chánh niệm tại Việt Nam

Ngày 24.12.2013, thiền sinh quốc tế tham dự lễ Giáng Sinh tại Làng Mai đã góp ý viết một lá thư và đồng lòng ký vào thư thỉnh nguyện gửi đến các vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam. Lá thư nhằm thỉnh cầu Nhà nước Việt Nam cho phép thành lập một trung tâm thực tập chánh niệm ngay trên đất nước đã sản sinh ra một vị thiền sư nổi tiếng – người đang giảng dạy pháp môn chánh niệm khắp nơi trên thế giới.

Chúng tôi xin chia sẻ lá thư này đến quý vị thân hữu và mong rằng quý vị cũng sẽ viết thư hay kí tên vào thư này gửi đến các vị lãnh đạo Việt Nam để giấc mơ có một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai tại Việt Nam sớm trở thành hiện thực.

(Lá thư được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh)

 

 

 

Thư thỉnh nguyện thiết lập trung tâm thực tập chánh niệm tại Việt Nam

Kính gửi:

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

 

Kính thưa các vị Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam,

Tôi vô cùng biết ơn đất nước Việt Nam đã cống hiến cho thế giới một vị thiền sư đáng kính, một bậc thầy về chánh niệm – Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đang còn sống và có mặt với chúng ta trong cuộc đời này.

Nhờ những hạt giống đẹp đẽ trong di sản văn hóa và tâm linh Việt Nam mà mọi người khắp nơi trên thế giới được thừa hưởng tuệ giác của tổ tiên dân tộc Việt Nam.

Chính bản thân tôi, nhờ những pháp môn chánh niệm do Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn, đã có nhiều chuyển hóa và trị liệu. Cá nhân tôi cũng như gia đình và đồng nghiệp ngày càng có nhiều niềm vui, hạnh phúc, an lạc và sống hòa hợp với nhau hơn, nhờ biết áp dụng các pháp môn thực tập của Làng Mai trong đời sống hằng ngày.

Tôi không hiểu vì sao pháp môn thực tập này lại không được khuyến khích và phổ biến rộng rãi ở Việt nam? Vì sao Thiền Sư Thích Nhất Hạnh – một vị thầy được thế giới xem như là “Cha đẻ của Chánh Niệm” (“Father of Mindfulness”), người đã hướng dẫn các khóa tu chánh niệm khắp nơi trên thế giới – lại không được tự do về giảng dạy ở Việt Nam, ngay chính gốc rễ của truyền thống đẹp đẽ này?

Thiền sư đã thành lập những trung tâm thực tập chánh niệm ở châu Âu, châu Mỹ, ở Úc, Hồng Kông và Thái Lan, vậy mà vẫn chưa có được một trung tâm thực tập tại Việt Nam? Vì sao những khóa tu chánh niệm không được phép tổ chức tại chùa Từ Hiếu, chùa gốc của Thiền sư ở Huế? Khi có rất nhiều người Việt trong nước sẵn sàng thành lập những trung tâm thực tập chánh niệm theo pháp môn Làng Mai tại Việt Nam. Vì sao không thể có một trung tâm thực tập chánh niệm ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam?

Niềm ao ước thâm sâu nhất của tôi là các pháp môn thực tập của Làng Mai có thể đến được với tất cả mọi người thuộc tất cả các thành phần trong xã hội, cũng như mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Tôi biết rất nhiều nhà giáo dục, nhà doanh thương cũng như những người làm việc trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được hưởng rất nhiều lợi lạc từ sự thực tập chánh niệm trong khi thở, khi đi, khi ăn, khi làm việc và sự thực tập buông thư.

Các phương pháp thực tập này giúp chúng ta hạnh phúc hơn và làm cho đời sống của chúng ta có nhiều ý nghĩa hơn. Tôi được chứng kiến nhiều cặp vợ chồng, những đối tác trong công việc, đã thiết lập lại được truyền thông và hòa ái với nhau. Cách thực tập này cũng đồng thời giúp xã hội ta ngày thêm liêm trực và đẹp đẽ.

Tôi thấy những pháp môn thực tập của Làng Mai không mang tính tôn giáo, mà là một nếp sống được hình thành và phát triển từ di sản văn hóa và tâm linh của dân tộc Việt Nam. Bất kỳ ai, dù theo hay không theo một tôn giáo nào, cũng đều được hưởng rất nhiều lợi lạc khi biết áp dụng những phương pháp thực tập này vào đời sống hằng ngày.

Tôi kính mong chính quyền Việt Nam xem xét lại trường hợp này và mở ra cho người dân Việt Nam cơ hội có được một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai ngay chính trên đất nước mình.

Ký tên

(Họ tên và địa chỉ)

 




 

Gởi thư thỉnh nguyện đến các vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam.

Kính gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Địa chỉ: Văn phòng Chủ tịch nước, số 1 – đường Hoàng Hoa Thám – Quận Ba Đình – Hà Nội.

Kính gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Địa chỉ: Văn phòng Trung ương Đảng, số 1A – Hùng Vương – Quận Ba Đình – Hà Nội.

Kính gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Địa chỉ: Văn phòng Chính phủ, số 1 – đường Hoàng Hoa Thám – Quận Ba Đình – Hà Nội.

Kính gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Địa chỉ: Văn phòng Quốc hội, số 37- Hùng Vương – Quận Ba Đình – Hà Nội.

 

Xin kính cảm ơn sự yểm trợ hết lòng của quý vị.

– Xem bản dịch tiếng Pháp >>

 

 

Nguyên bản tiếng Anh

 

Establishing a Plum Village Practice Center in Viet Nam

 

Dear Mr. Prime Minister,

I have a lot of gratitude to Vietnam for offering to the world the greatest living teacher of mindfulness, Ven. Thich Nhat Hanh. Thanks to the beautiful seeds in Vietnam’s cultural and spiritual heritage, the rest of the world has profitted from the wisdom of the Vietnam’s ancestors.

In my own life, thanks to the mindfulness teachings in the Vietnamese Zen tradition of Thich Nhat Hanh, I have experienced great transformation and healing. Myself as well as my family and my co-workers have become more happy, joyful and peaceful, and harmonious thanks to applying the Plum Village mindfulness practices in our daily life.

I do not understand why this style of practice is not legal in Vietnam. Why can Thich Nhat Hanh, the “Father of Mindfulness”, lead mindfulness retreats throughout the world but not in Vietnam, the root source of this beautiful tradition? Thich Nhat Hanh has been able to establish practice centers in Europe, America, Thailand, Australia and Hong Kong, but why not in Vietnam? Why is it not legal to organise mindfulness retreats at Thich Nhat Hanh’s Root Temple Tu Hieu in Hue? Many Vietnamese people in Vietnam are ready to establish some legal Plum Village practice centers in Vietnam. Why can’t there be a Plum Village practice center in the North, the South and the Central of Vietnam?

It’s my deep wish that these practices be available to everyone, in all countries and all walks of life. I know many educators, businesspeople, health workers who profit immensely from mindful walking, mindful breathing, mindful eating, mindful working and deep relaxation. These practices make us happier and give our life meaning. I have seen couples and co-workers restore communication and harmony. These practices give our society more integrity and beauty. I have seen that these practices are not Buddhist as such, but are a way of living born from Vietnam’s rich heritage. Any person of any faith (or none) can profit from applying these practices in their daily life.

I hope that Vietnam will reconsider the situation, and offer your citizens a chance to have a Plum Village Practice Center in their homeland.

Thỉnh cầu Chủ tịch nước bãi bỏ án tử hình ở Việt Nam

Đạo Tràng Mai Thôn

Martineau – 3358 Dieulivol – France

 

Kính gửi: Ngài Trương Tấn Sang,
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(thư gửi qua Ngài Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Pháp)

Kính thưa Ngài Chủ tịch nước,

Chúng tôi – thành viên và thân hữu của Đạo Tràng Mai Thôn ở Pháp, trong đó có các giới xuất gia và cư sĩ thuộc nhiều quốc tịch – kính viết thư này đến Ngài Chủ tịch để xin Ngài với sự đồng thuận của Nhà nước CHXHCN Việt Nam ra lệnh bãi bỏ án tử hình tại Việt Nam.

Hiện giờ trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã bãi bỏ án tử hình. Năm 2010, chỉ còn lại 21 quốc gia thi hành án này. Nếu Ngài Chủ tịch hành động sớm thì trước hết sẽ có thể cứu mạng được cho 586 tử tù ở Việt Nam đang chờ đợi đến phiên mình bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc, như ông Nguyễn Anh Tuấn đã bị vào ngày 6 tháng 8 vừa qua. Phương pháp tử hình này đã chứng tỏ không có khả năng răn đe và cảnh cáo những người khác. Xin Ngài Chủ tịch và Nhà nước Việt Nam rủ lòng thương can thiệp để những vị tử tù này có cơ hội lấy công chuộc tội trong thời gian ở tù và trở thành những người lương thiện.

Vào đầu đời Lý, các phương pháp hành quyết như bỏ vào vạc dầu, voi giày, ngựa kéo, v.v. đã được bãi bỏ, vì lúc ấy đất nước ta đã bắt đầu thấm nhuần sự giáo hoá của đạo Bụt. Vào thời của Bụt, Angulimala đã được vua Ba Tư Nặc ân xá và cuối cùng đã trở nên một trong những người nhân từ nhất trong giáo đoàn của Bụt.

Nếu Nhà nước Việt Nam đồng ý, chúng tôi có thể gửi các vị giáo thọ xuất sĩ hoặc cư sĩ vào trong các nhà tù để hướng dẫn tu tập và giúp cho các tù nhân chuyển hóa và tìm lại được niềm vui sống ngay trong những ngày ở tù, như chúng tôi và các bằng hữu của chúng tôi đã và đang làm trong một số nhà tù ở khắp nơi trên thế giới.

Chúng tôi cũng đang chia sẻ lá thư này với các thân hữu trong các cộng đồng nhân bản và tôn giáo trên thế giới. Rất nhiều người sẽ ký tên vào lá thư này để cùng thỉnh cầu Ngài Chủ tịch sử dụng quyền lực của mình, giúp cho rất nhiều người trong hiện tại và tương lai được thấm nhuần ơn mưa móc.

Xin trân trọng ghi ơn Ngài Chủ tịch và kính chúc Ngài Chủ tịch an khương và trường thọ.

 

Ngày 13 tháng 8, 2013

Đạo Tràng Mai Thôn
Tel.: +( 33) 5.56.61.66.88
Fax.: +( 33) 5.56.61.61.51
E-mail: NH-Office@plumvillage.org

 

Xem bản tiếng Anh >>


 

Thông tin từ các website khác:


    New York Time

    Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp chỉ trích việc tái hành quyết án tử hình của Việt Nam
    U.N. Criticizes Vietnam’s Resumption of Executions

    Australia Network News

    Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc chỉ trích Việt Nam về án tử hình

     


     

    Kí tên thỉnh cầu:

    Nếu các bạn muốn để tên mình vào trong danh sách những người ký thư,
    xin liên lạc với BBT trang nhà Làng Mai: banbientap@langmai.org hoặc ký trực tuyến qua trang web:

    Banning the Death Penalty in Vietnam

     

    Hiện tại đã có 8437 chữ ký trên thư thỉnh nguyện, trong đó có 3865 chữ ký trực tuyến.

    Bảy điểm đề nghị của Thiền sư Nhất Hạnh về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo

    1. Nhà nước xác nhận ý muốn thực hiện sự tách rời giáo quyền ra khỏi chính quyền. Giáo quyền và chính quyền là hai lãnh vực riêng biệt không có quyền can thiệp vào nhau. Nhưng cả giáo quyền và chính quyền đều phải có đạo đức, nếu cả hai đều không muốn phá sản. Vì vậy tôn giáo có thể giúp cho chính trị và chính trị có thể giúp cho tôn giáo, nhưng cả hai bên đều phải theo luật pháp quốc gia. Bên tôn giáo có thể đóng góp tuệ giác và nhắc chừng về chiều hướng tâm linh đạo đức trong cả hai ngành lập pháp và hành pháp, bên chính trị có thể đóng góp ý kiến về sự suy thoái đạo đức trong tôn giáo và sự lạm dụng giáo quyền trong việc tìm cầu danh lợi và quyền bính, và yểm trợ cho tôn giáo trong những công tác giáo dục đạo đức và thực tập đưa tới lành mạnh hóa xã hội.

    Ngày xưa vua Lý Thái Tổ đã yểm trợ đạo Phật xây dựng cơ sở giáo hội, và thiền sư Vạn Hạnh đã chỉ bày thêm cho vua về các đường lối kinh tế, văn hóa, đạo đức và chính trị. Nhưng vua không chen vào để kiểm soát Phật giáo và thiền sư cũng không nhận trách vụ gì trong guồng máy chính trị.Nhà nước bảo đảm là từ nay các vị xuất gia sẽ không bị mời làm dân biểu quốc hội, trở nên thành viên hội đồng nhân dân các cấp và của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hoặc trở nên đảng viên của bất cứ một đảng phái chính trị nào. Xen vào lãnh vực chính trị như thế các vị xuất gia sẽ phạm giới, làm mất uy tín của giáo đoàn Phật giáo và cũng làm cho chính quyền mang tiếng là sử dụng những vị ấy để kiểm soát tôn giáo. Từ nay các vị xuất gia sẽ không còn nhận huân chương của chính quyền. Vị cao tăng nào làm cố vấn giỏi, đề nghị được những biện pháp cụ thể lợi nước lợi dân thì chỉ có quyền nhận một chiếc y màu tím như các vị cao tăng quốc sư đời trước.

    2. Trong những năm qua đã có xảy ra nhiều điều đáng tiếc trong Phật giáo do những hiểu lầm, e sợ, nghi kỵ và vụng về gây ra . Những điều này đã gây khó khăn không ít cho nhà nước và cho cộng đồng Phật giáo. Nhà nước xin trân trọng chính thức kính mời tất cả các vị tôn túc trưởng lão trong cộng đồng Phật giáo làm cố vấn cho cả hai cơ quan lập pháp và hành pháp của nhà nước để giúp tháo gỡ những khó khăn đang có, hàn gắn những đổ nát, xây dựng lại tình huynh đệ trong cộng đồng Phật giáo và thiết lập truyền thông tốt với phía nhà nước. Danh sách các vị được mời: Hòa thượng Trí Quang, Trí Tịnh, Nhật Liên, Huyền Quang, Quảng Độ, Phổ Tuệ v.v… (xin thêm cho đủ ba miền). Nhà nước muốn lắng nghe liệt vị tôn túc trưởng lão về những vấn đề lớn có liên hệ tới cộng đồng Phật giáo. Các vị tôn túc có thể gặp gỡ nhiều tuần hoặc nhiều tháng bất cứ tại một địa điểm nào trong nước, có thời gian và không gian thoải mái để nghiên cứu và đưa ra những đề nghị và những giải pháp cụ thể. Nhà nước cam kết là không tìm cách gián tiếp hay trực tiếp ảnh hưởng tới tư duy và quyết định của chư vị tôn túc. Nhà nước mong liệt vị sẽ soi sáng cho nhà nước về những điểm sau đây:

    Pháp Lệnh về tôn giáo có những điểm nào tích cực cần phát triển và những điểm nào không phù hợp với tinh thần Phật giáo cần phải chỉnh lý? Xin cho các cơ quan lập pháp và hành pháp biết để tu bổ, hoàn thiện và nếu cần, các cơ quan lập pháp và hành pháp sẽ tham vấn lại với liệt vị trước khi tu bổ và hoàn thiện.
    Làm thế nào để hợp nhất hai giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong tình huynh đệ và đặt cộng đồng này ra ngoài ảnh hưởng của các vùng quyền lực chính trị trong nước và ngoài nước? Xin cho nhà nước biết, nhà nước có thể làm gì (và không nên làm gì) để yểm trợ cho sự phối hợp ấy. Sự có mặt của hai giáo hội sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp quốc gia không bị chi phối bởi chính trị là một sự kiện có thể chấp nhận và thực hiện được, nếu hai bên có điều kiện để ngồi xuống và nói hết cho nhau nghe về những khó khăn và những ước vọng của nhau. Nhà nước cần lắng nghe những khó khăn bên phía Phật giáo và bên phía Phật giáo cũng cần lắng nghe về những khó khăn mà nhà nước đang gặp phải. Không có gì mà ta không thể thực hiện được, nếu ta chịu ngồi xuống nói chuyện thành thật và thẳng thắn với nhau.

    3. Chính sách của nhà nước hiện thời để đối phó với các tệ nạn xã hội như tội phạm, mãi dâm, ma túy, trác táng và tham nhũng là xây dựng những tổ văn hóa, những thôn văn hóa, những khu phố văn hóa, v.v… Cố nhiên nhà nước đang kêu gọi mọi nỗ lực của nhân dân và tăng cường sự kiểm tra và trừng phạt, nhưng những phương tiện pháp trị ấy không đủ để đối trị được tận gốc những tệ nạn kia. Các giáo hội có chương trình đức trị gì cụ thể để giúp cha mẹ truyền thông được với con cái, vợ chồng truyền thông được với nhau, tái lập lại được hạnh phúc trong gia đình để tuổi trẻ khỏi phải đi tìm cầu quên lãng trong ma túy, rượu trà, trác táng, băng đảng, tội phạm? Ngôi chùa trong thôn xóm sẽ làm được gì để đóng góp và phục hồi nền tảng đạo đức và niềm tin xóm làng?

    4. Các giáo hội có thể làm được gì để giúp chấm dứt tình trạng lợi dụng trong nội bộ Phật giáo và nội bộ chính quyền ngoài sự kêu gọi hay phản đối? Nạn tham nhũng và tranh giành không phải chỉ có mặt trong đảng và trong chính trị mà cũng đang có mặt trong tôn giáo. Liệt vị tôn túc có những biện pháp cụ thể nào để giúp chấm dứt tình trạng hư hỏng của tăng ni sinh, của những vị xuất gia chỉ biết củng cố danh vọng và quyền hành, của những thành phần trong guồng máy hành chính các cấp? Chúng tôi cần tuệ giác của liệt vị, cũng như liệt vị có thể cần tới chúng tôi trong việc bảo hộ Phật pháp, ngăn chặn những thành phần thối nát không hành trì giới luật đang thao túng trong lãnh vực tôn giáo.

    5. Nhà nước sẽ ra lệnh cho các ban ngành yểm trợ giới xuất gia bằng cách cấp phát hộ khẩu cho bất cứ vị xuất gia nào muốn gia nhập vào một tổ đình hay một tu học viện để tu học, không cần phải đi qua quá trình xin giấy tạm trú ba tháng, quá trình này trong quá khứ đã gây nên nạn tham nhũng trong cả hai giới giáo quyền và chính quyền. Nhà nước cam kết từ nay trở đi, thời hạn cấp phát hộ chiếu cho người xuất gia cũng là tối đa 21 ngày như những công dân Việt Nam khác, chứ không phải từ sáu tháng đến hai năm như trước.

    6. Chuyến về thăm và hành đạo của Thiền sư Nhất Hạnh và Phái đoàn Quốc tế Làng Mai tuy chưa chấm dứt nhưng đã đem lại rất nhiều hàn gắn, trị liệu, nuôi dưỡng và hạnh phúc cho Phật tử từ Nam, Trung, Bắc, hàn gắn được nhiều đổ vỡ, dựng lại được nhiều đổ nát và xây đắp được tình huynh đệ. Việc chư tăng Thừa Thiên đã đến tụng giới chung với nhau lần đầu ngày 22 tháng 2 năm 2005, sau hơn 10 năm trời tụng giới riêng đã đem lại hạnh phúc lớn lao cho cả các giới xuất gia và tại gia tại Thừa Thiên, cả trong nước và ngoài nước. Các buổi giảng diễn của Thiền sư, trong đó có buổi giảng tại Học Viện Hành Chính Quốc Gia, TP HCM, các buổi giảng  do Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Ủy Ban về Người Việt Nam ở Nước Ngoài tổ chức và các khóa tu trong đó có khóa tu cho 1.200 người xuất gia tại chùa Hoằng Pháp, quận Hóc Môn, TP HCM và khóa tu cho 900 người xuất gia tại chùa Từ Hiếu, Huế đã giúp tháo gỡ rất nhiều tri giác sai lầm, nghi ngờ và sợ hãi. Các vị Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ cũng được thoải mái làm các việc như thế, và bảo đảm quý vị có quyền di chuyển tự do, thuyết pháp và hành đạo trên mọi miền đất nước và sẽ tìm cách yểm trợ các vị. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một thực tại. Nếu quý hòa thượng muốn giáo hội này phục hoạt lại, điều này không phải là một việc khó. Việc khó là chúng ta phải ngồi lại với nhau để nói chuyện, để thiết lập lại truyền thông với nhau, để lắng nghe nhau, để thấy được những khó khăn của nhau và để cùng đi đến những quyết định chung có thể làm đẹp lòng cho cả hai phía.

    7. Bên phía nhà nước có Ban Tôn giáo của Chính phủ để yểm trợ cho tôn giáo, bên phía Phật giáo thì có Ban Tôn giáo liên hệ với thế quyền để yểm trợ cho bên nhà nước. Ban Tôn giáo của Chính phủ không có mục đích kiểm soát và điều khiển các tôn giáo mà chỉ để quán sát và đề nghị với các hàng giáo phẩm về những lạm dụng có thể xảy ra trong địa hạt tôn giáo và để biết được những gì nhà nước có thể làm để bảo vệ an toàn cho các cơ sở tôn giáo và yểm trợ cho giáo hội trong công tác xây dựng xã hội, lành mạnh hóa xã hội. Ban Tôn giáo liên hệ với thế quyền không có mục đích tham dự, cầu cạnh hoặc thao túng chính quyền mà chỉ để quán sát và cố vấn cho chính quyền về những phương pháp bài trừ lạm dụng, bất công, tham nhũng, có hại cho nhà nước, cho quốc gia và cho Phật giáo.

    Sáu điểm đề nghị của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh về sự cởi mở của ĐCS Việt Nam

     

    1. Người Cộng Sản Việt Nam cảm thấy thoải mái trong nếp sống văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam và nguyện sống như thế nào để có thể mỗi ngày làm đẹp thêm nếp sống ấy.

    2. Người Cộng Sản Việt Nam ý thức rằng cây có cội, nước có nguồn và tổ tiên là
    nguồn gốc của mình, từ đó mình đã tiếp nhận được rất nhiều tuệ giác, kinh nghiệm và nếp sống văn hóa đẹp và lành.

    3. Người Cộng Sản Việt
    Nam cảm thấy thoải mái khi mặc quốc phục và thắp một cây hương ở Đền Hùng, trên bàn thờ tổ tiên đặt trong nhà mình, và trước các đài kỷ niệm liệt sĩ. Đền Hùng, bàn thờ tổ tiên và đài liệt sĩ là biểu tượng cho sự quý mến cội nguồn và nếp sống ân nghĩa, không phải là đối tượng của một tín ngưỡng thần linh (Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một biểu tượng cho cội nguồn và ân nghĩa ấy).

    4. Người Cộng Sản Việt Nam thấy được rằng phần tôn giáo tín ngưỡng bao quanh
    đạo Phật không phải là cốt tủy của đạo Phật. Cốt tủy của đạo Phật là một nguồn tuệ giác (trí tuệ) siêu việt được tất cả những nhận thức như có/không, tâm/vật, có khả năng bao dung, có khả năng chế tác tình huynh đệ lớn (từ bi), có khả năng chuyển hóa hận thù, kỳ thị, là những phép thực tập cụ thể giúp người tháo gỡ được những khó khăn nội tâm, tái lập được truyền thông, đem lại hòa giải trong nội thân, trong gia đình và trong xã hội. Nguồn tuệ giác này và những phép thực tập này nếu được đem áp dụng đúng phép có công năng xây dựng lại được những gia đình hạnh phúc, những thôn làng yên vui, những khu phố văn minh không bị những tệ hại xã hội như tội phạm, bạo động, ma túy, băng đảng và sắc dục xâm chiếm. Truyền thống từ bi và tuệ giác này đã giúp dân tộc Việt Nam xây dựng nên một nếp sống thuần từ, kiến tạo được những thế kỷ hòa bình và làm nên bản sắc của nền văn hóa dân tộc. Bản sắc này được luân lưu trong dòng máu của tất cả mọi người Việt, kể cả những người không nghĩ rằng họ là Phật tử.

    5. Dù thấy rằng có nhiều người tự cho là theo Phật giáo nhưng chỉ biết cúng lễ cầu
    xin, người Cộng Sản Việt Nam vẫn cảm thấy thoải mái, không kỳ thị với những người này và chỉ thấy mình được may mắn hơn, được có cơ hội học hỏi và sử dụng nguồn tuệ giác đạo Phật để có một chiều hướng sinh hoạt nội tâm phong phú, có thêm sức mạnh để vượt thắng khó khăn, tạo dựng được cảm thông và hạnh phúc trong gia đình, tổ chức và thành tựu được sự nghiệp mình một cách mau chóng.

    6. Người Cộng Sản Việt Nam cảm thấy thoải mái sống chung với tất cả các truyền
    thống nào (đã du nhập vào Việt Nam từ lâu hay mới du nhập) có khuynh hướng dân tộc hóa để trở thành một phần xương thịt của sự sống dân tộc, và tình huynh đệ giữa những truyền thống có đặc tính văn hóa dân tộc ấy là một sự thật không cần mang danh hiệu và màu sắc tôn giáo, chủng tộc, chủ thuyết, hoặc ý thức hệ.


    Những điểm thỉnh cầu và đề nghị đến Chủ tịch nước CHXHCNVN – 2007

     

    1. Xin chính phủ ra lệnh lập một đài tưởng niệm thuyền nhân thiệt mạng trên biển cả tại Vũng Tàu.

    2. Xin cho các thân nhân của những người được chôn trong các nghĩa trang quân đội VNCH cũ được dễ dàng viếng thăm, cúng lễ và bốc mộ.

    3. Xin chính phủ yểm trợ việc xây dựng tháp kỷ niệm Bồ tát Thích Quảng Đức tại TP HCM.

    4. Xin cho những người gốc Việt cư trú ở nước ngoài được về nước thăm viếng, làm việc, đầu tư, giảng dạy, hoằng pháp mà không cần Visa.

    5. Xin bắt đầu cho phép một số những người gốc Việt cư trú ở nước ngoài được có song tịch (quốc tịch đôi) để họ có dịp bày tỏ niềm trung thành của họ với tổ quốc và quê hương.

    6. Xin đừng xem các thầy và các sư cô gốc Việt về nước để yểm trợ Phật giáo là những giáo sĩ ngoại quốc và xin cấp phát dễ dàng cho các vị ấy loại Visa làm việc tôn giáo nhiều lần trong 5 năm một cách dễ dàng mau chóng. Xin chính phủ cho phép các vị ấy chia sẻ sự tu học của mình đến mọi tầng lớp nhân dân trong cũng như ngoài các cơ sở của giáo hội cũng như tại các cơ sở công cộng khác của đất nước mà không có sự phân biệt kỳ thị.

    7. Xin có một chính sách đặc biệt đối với Phật giáo, bởi vì đạo Phật đã là nền móng dựng nước và giữ nước trong gần hai ngàn năm, và là yếu tố chính của nền văn hóa Việt Nam.

    8. Để Phật giáo theo kịp đà hội nhập vào đời sống mới, chấm dứt tình trạng ủng trệ hiện nay và đóng góp tích cực phần mình vào công trình văn minh hóa nếp sống gia đình, cộng đồng và xã hội, xin cho phép Phật tử Việt Nam tự do thành lập nhiều hội đoàn Phật giáo với những nét đặc thù của mình. Những hội đoàn này chỉ cần đăng ký hợp pháp là có thể hoạt động được ngay như ở bất cứ một nước văn minh nào trên thế giới. Phật tử Việt Nam có quyền chọn lựa một hoặc nhiều hội đoàn thích hợp để có cơ hội đóng góp công phu và tài năng của mình. Những hội đoàn này có quyền truyền bá tư tưởng và pháp tu tập của mình ra các nước ngoài (tương tự như phương thức W.T.O trong lãnh vực kinh tế). Các hội đoàn đó có thể bao gồm: Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thỉ, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tông, Giáo Hội Phật Giáo Tịnh độ Tông, Giáo Hội Phật Giáo Khất Sĩ, Giáo Hội Phật Giáo Thiên Thai Giáo Quán Tông, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tịnh Đạo Tràng, Giáo Hội Phật Giáo Sư Sãi Tây Nam Bộ, Giáo Hội Phật Giáo Nam Tông K’mer, Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, Giáo Hội Đạo Bụt Nhất Quán, Giáo Hội Phật Giáo Hiện Đại Hóa, Gia Đình Phật Tử, Hội Sinh Viên Phật Tử, Hội Học Sinh Phật Tử, Hội các nhà Khoa Học Phật Tử, Hội các nhà Giáo Phật Tử, Hội Y Sĩ Phật Tử, Hội các nhà Văn Phật Tử, Hội Phật Học Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Chỉnh Lý, v.v…

    9. Xin cho Tăng Ni được phép hành đạo khắp nơi trên lãnh thổ quê hương (như Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận tuyên bố) không bị hạn chế bởi vấn đề hộ khẩu, có quyền dựng chùa viện bất cứ ở đâu không kể nơi đó có nền chùa cũ hay không – các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, v.v…

    10. Xin chính phủ thực hiện việc tách rời tôn giáo khỏi chính trị và chính trị khỏi tôn giáo… ngưng lại mọi quản chế của chính quyền trên giáo quyền, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và trước hết là ngành Công an Tôn giáo. Tất cả các đoàn thể tôn giáo đều được sinh hoạt tự do trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, như bất cứ một hội đoàn văn hóa, thương mại, công nghiệp và xã hội nào.

    ____________________________

    Bản thỉnh cầu đã được thiền sư Thích Nhất Hạnh đích thân trao cho ngài Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết trong dịp phái đoàn Làng Mai được thừa tiếp tại Phủ Chủ Tịch ngày 05.05.2007