Ngày Chánh Niệm tại World Bank, 9-10.09.2013

Nhân duyên với World Bank

Hai mươi năm về trước có một bác sĩ trẻ (gốc người Hàn quốc nhưng lớn lên ở Hoa Kỳ) tên Kim Young Jim đọc được quyển sách Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức – một quyển sách do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viết cho những anh em Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đang làm việc dưới bom đạn năm 1974 trong chiến tranh Việt Nam. Khi nhậm chức Viện Trưởng Viện Đại Học Darmouth vào năm 2009, ông đã tuyên bố “Quyển sách Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm thay đổi đời tôi.”

Kim Young Jim và Sư Ông Làng Mai

Khi vừa hay tin Tổng Thống Barack Obama mời Kim Young Jim làm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank, xin viết tắt là WB) – tổ chức chuyên cho các nước nghèo mượn vốn nhằm xóa đói giảm nghèo, thầy Pháp Lưu vốn là sinh viên Đại Học Darmouth nhớ câu tuyên bố khi xưa của ông Viện Trưởng nên thử e-mail báo tin cho ông Kim biết tác giả quyển sách mà ông khâm phục đó sắp đi dạy một vòng Hoa Kỳ. Thầy Pháp Lưu viết thêm rằng tác giả này là một thiền sư nên không thích nói lý thuyết và gặp gỡ để chào hỏi xã giao. Nếu ông muốn tham dự khóa tu của thầy tôi thì chúng tôi sẽ để dành cho ông một chỗ danh dự tại một trong những khóa tu mà thầy chúng tôi hướng dẫn trên đất Mỹ.

Ông mừng quá và hỏi thăm là Thiền sư có thể nào đến giảng cho nhân viên WB nghe không? Thầy Pháp Lưu nói thầy chúng tôi chỉ muốn chia sẻ sự thực tập chánh niệm cho nhiều người  để họ có thêm bình an trong cuộc sống tất bật hôm nay, chỉ cách cho họ chuyển hóa được những cảm xúc mạnh như giận dữ, sợ hãi, tuyệt vọng v..v chứ không chỉ đến WB để thuyết pháp một cách đơn thuần. Ông viết thư hỏi lại: “Vậy Thiền Sư có thể đến dạy một ngày chánh niệm tại WB không?”

Lúc đó là tháng 5/2013, Sư Ông và tăng thân đang ở bên Hàn quốc. Thầy Pháp Lưu sợ các thầy các sư cô trong ban giáo thọ sẽ bác bỏ đề nghị chia bớt 2 ngày nghỉ ngơi của Sư Ông ở Tu Viện Bích Nham, vì muốn giữ gìn sức khỏe cho Sư Ông. Thầy điện thoại trực tiếp đến ban thị giả nhờ trình lên, xin Sư Ông hoan hỷ chấp nhận dạy hai ngày cho WB. Nghe nói ông Kim Young Jim là người có tâm bồ đề lớn, nếu mình không giúp thì thật là đáng tiếc! Trước đó nhiều năm, ông Kim đã từng nhuận văn và in một quyển sách 600 trang chứng minh là WB làm việc không có hiệu quả và thậm chí còn làm tổn hại người nghèo… Vì lý do đó, ông đề nghị WB nên ngưng hoạt động. (Có thể đó là một số kiến nghị của ông nhằm cải thiện tình trạng cho WB). Hay cũng vì lý do đó mà Tổng Thống Obama tiến cử ông vào vị trí chủ tịch WB để ông có dịp chứng minh những gì mình nói là có thể thực thi được. Như chúng ta được biết vừa vào vị trí mới, ông ra lệnh đuổi ngay hai trong bốn “đại thần” của WB, vì ông nắm được những việc làm chưa hay, hay chưa đúng tinh thần xóa đói giảm nghèo của họ. Ông Kim còn cắt bớt ngân sách này, giảm thiểu những chi tiêu phí phạm kia, khiến cả ngàn nhân viên cũng khá lo âu và bất an vì với đà này không biết số phận mình sẽ ra sao. Kết quả là gần đây ông đã chỉnh lý ngân sách và thanh lọc được một số việc nội bộ.

Cuối cùng, Sư Ông cũng nhận lời nhờ vào những thông tin thầy Pháp Lưu cung cấp. Trong buổi sinh hoạt đầu tiên ông Kim thuật lại với nhân viên chuyện trao đổi qua lại giữa ông với thầy Pháp Lưu. Khi thầy Pháp Lưu báo tin Sư Ông nhận lời tới WB, ông nói: “Ôi chao! thật là một may mắn quá bất ngờ khi tôi hay tin Thiền Sư nhận lời tới dạy cho chúng ta! Vì thế mới có được ngày hôm nay…

Chương trình sinh hoạt hai ngày tại WB:

Ngày 09/09, Sư Ông Làng Mai cùng 36 quý thầy, quý sư cô từ đạo tràng Mai Thôn và các trung tâm khác của Làng trên thế giới tới World Bank để hướng dẫn ngày chánh niệm. Vì chỗ ngồi có giới hạn nên chỉ có 500 nhân viên được tham dự trực tiếp, danh sách ghi danh chờ đợi (waiting list) khá dài. Hai ngày sinh hoạt với Sư Ông và tăng thân Làng Mai đều được thu hình và phát sóng đến các văn phòng của World Bank trên khắp thế giới.

  • Ngày 09/09/2013: trò truyện và tham khảo giữa Tiến sĩ Richard Davidson, Tiến sĩ Brian Davey, Chủ tịch World Bank Jim Young Kim và Sư Ông Làng Mai.

Bắt đầu vào 11:00, Chủ tịch Kim giới thiệu Sư Ông, Tiến sĩ Brian Davey, Tiến Sĩ Richard Davidson. Nội dung buổi trò chuyện như sau:

Tiến sĩ Kim Young Jim, Khoa học gia thần kinh Davidson Richard, Ts Brian Davey và Sư Ông Làng Mai

Trong giảng đường, Thiền sư ngồi giữa 3 vị học giả: Tiến sĩ Kim Young Jim, Khoa học gia về thần kinh học Davidson Richard và Tiến sĩ Brian Davey. Tiến sĩ Davidson nói về những tác động tích cực của các kỹ thuật giảm căng thẳng, những bằng chứng khoa học và y tế cho thấy khi lợi ích của cá nhân được chăm sóc thì họ sẽ tạo nên một lực lượng lao động hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn. Tiến sĩ Davey nói về chương trình chăm sóc sức khỏe của World Bank cho công nhân viên.

Sau khi Khoa học gia Richard Davidson chia sẻ, Thiền sư ngồi thật yên, thật dung dị, thoải mái, chia sẻ về cách Thiền sư và Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội làm việc xóa đói giảm nghèo ra sao trong những năm 1965 – 1975: bắt đầu làm hai làng hoa tiêu thử nghiệm từ đầu năm 1964 đến tháng 9 năm 1965 với hay bàn tay trắng không tiền bạc, rồi thành lập chính thức trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) tháng 9 năm 1965. Phong trào phụng sự kéo dài mãi cho tới tháng năm 1975 mới chấm dứt. Những người tình nguyện dấn thân phụng sự được gọi là tác viên xã hội của TNPSXH. Trường này chủ trương là không đem tiền tới nơi nghèo đói mà chỉ đi tới những làng mạc nghèo với hai bàn tay không và một tấm lòng tự nguyện dấn thân, chia sẻ cho đồng bào cơ cực. Họ chỉ có một trái tim thơm nồng tình thương cùng với sự dấn thân của tuổi trẻ vào con đường cách mạng bản thân, giúp dân nghèo làm cách mạng, cùng với dân  tự lập, tự xây dựng cho thôn làng của họ bằng sự tự đứng lên lo cho con em mình với khả năng và những điều kiện có sẵn trong  tay mà không chờ đợi sự trợ giúp bên ngoài; giúp người dân sáng suốt tìm cách tự trợ, rồi sau đó mình mới kêu gọi bà con bên ngoài giúp một tay. Ý thâm sâu của Thiền sư là nếu anh tới với quá nhiều tiền thì hư việc hết, bởi vì thiên hạ chỉ nghĩ tới đồng tiền của anh và họ chỉ muốn mượn càng nhiều càng tốt.

Thiền sư dạy cách làm cho tâm bình an, về thiền chánh niệm có công năng trị liệu, chuyển hoá, hòa giải, tái lập truyền thông, chế tác bình an và hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Tiến sĩ Richard Davidson ngồi lắng nghe thật say sưa những điều hình như quá mới lạ với ông… Ông Kim thì cứ cười hoài, tâm đắc. Chỉ có tiến sĩ Brian Davey thì mặt còn hơi nghiêm, nhưng nét mặt của ông cũng từ từ giãn ra.

Tiếp theo là phần đặt câu hỏi:

1.Trong xã hội tranh giành ảnh hưởng ngày nay, mình không có thì giờ để ăn, để sống cho thoải mái hạnh phúc được. Ai cũng muốn là người giỏi nhất, làm tốt nhất. Vậy mình phải làm sao?

Sư Ông hỏi: “Ai cũng muốn làm number ONE đó hả? Thì phải chọn thôi, chọn làm NUMBER ONE hay chọn được HẠNH PHÚC?” Thiên hạ cười lớn thích thú.

2. “Thời bây giờ, đôi khi trong sở làm họ bắt mình thực hiện ba bốn việc, ba bốn dự án cùng một lúc. Khó quá! Thầy có cách gì không?”

Sư Ông trả lời ngắn gọn: “Chánh niệm là ăn thì chỉ ăn thôi, đi thì chỉ đi thôi, như vậy thì tiếp xúc với thức ăn mới sâu, đi từng bước mới thâm sâu. Làm việc cũng phải như thế.

 

  • Ngày 10/9/2013: Ngày quán niệm tại World Bank.

Phương pháp làm quyết định và Ban “Lắng nghe từng nhân viên”


Thời khoá như sau:

    8:15- Thiền hướng dẫn
    8:30- Ông Chủ tịch Kim giới thiệu Sư Ông với thính chúng
    8:40- Tụng Kinh
    9:00- Sư Ông cho pháp thoại
    10:30- Vấn đáp với Sư Ông
    11:30 – Thiền hành
    13:00 – Ăn trưa trong chánh niệm
    14-15:00- Thiền buông thư (Sư Cô Chân Không)
    15:00- Vấn đáp với quý thầy cô giáo thọ
    6:30- Buổi tiệc ăn chiều cám ơn

      Ngày 10/09, tăng thân trở lại WB từ sáng sớm để có trọn ngày quán niệm. Ngày hôm đó họ làm bình phong cao để chặn không cho người vào nếu không có ghi tên. Sư cô Đẳng Nghiêm hướng dẫn ngồi thiền, thầy  Pháp Lai dạy thiền ca. Quý thầy cô lên ngồi phía trên để nghe Sư Ông dạy đoạn đầu trước khi tụng kinh.

      Trước hết, Sư Ông chỉ cách sống thế nào để an trú được trong phút  giây hiện tại. Sư Ông dạy thiền đi, thiền chỉ (dừng lại), thiền quán, dạy về năng lượng từ bi trong mỗi người, năng lượng lắng nghe sâu gọi là quán thế âm (avalokiteshvaraya). Có quán thế âm trong tự thân từng người cộng hưởng với quán thế âm của  đại chúng thì sức mạnh trị liệu tập thể  mới dũng mãnh. Rồi Sư Ông giảng rằng quý thầy sư cô tụng kinh không phải là để cầu nguyện mà để tập trung năng lượng lắng nghe sâu, đem bình an trị liệu cho chính mình khi tụng lần đầu. Lần tụng thứ hai sẽ gửi năng lượng cho những người chung quanh mình và tụng lần thứ ba thì gửi năng lượng cho những người đang đau khổ khắp nơi. Tăng thân bắt đầu lên tập trung lắng nghe sư cô Trai Nghiêm đàn và sau đó cả tăng đoàn bắt đầu niệm danh hiệu Bồ tát Lắng nghe sâu Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn. Hình như có nhiều người khóc.

      Tăng đoàn Làng Mai niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn (Namo Avalokiteshvara)

      Trong hai ngày ở WB, năng lượng hùng hậu của Sư Ông đã được chuyển tải qua các bài pháp thoại, đem lại nhiều lợi lạc cho thính chúng. Điều này có thể thấy được qua sự chăm chú lắng nghe của Tiến sĩ Richard Davidson và gương mặt càng lúc càng tươi lên của ông. Đối tượng chia sẻ thứ hai của Sư Ông là ông Kim – Giám Đốc WB, bắt đầu từ “chuyện tình 20 năm về trước ở Đại Học Darmouth” (đã tuyên bố với sinh viên trong buổi nhậm chức là tác giả quyển Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức đã thay đổi đời tôi như đã nói ở trên). Vì người thuyết pháp (chủ thể) và người nghe (đối tượng) là một nên dù buổi giảng ngày hôm qua cũng chỉ từng ấy nội dung mà lại rất khác bao nhiêu lần khác. Ngày hôm đó cũng thế. Cũng bốn câu thần chú Sư Ông đã thuật biết bao nhiêu lần, vậy mà lần này dường như sống động, hấp dẫn hơn các lần trước khiến các Thầy và các sư cô cảm thấy tiếc cho ông Kim. Sau khi tụng kinh ông phải đi ngay vì có buổi họp với các lãnh đạo cao cấp đến từ nhiều nước. Các sư cô cứ xuýt xoa “Ui chao, uổng cho ông Kim quá đi, nếu ông được học hôm nay sẽ biết cách về đọc thần chú cho vợ con. Gia đình ông sẽ có bình an hạnh phúc hơn.”

      Tuy nhiên, khi tăng thân về lại State Hotel Plaza, thị giả cho biết là trưa hôm qua Ông Kim Young Jim đã có buổi tham vấn riêng với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh rồi mà không có thị giả nào được ngồi kề bên. Sư Ông dạy nhiều thứ lắm và ông cũng mở lòng ra trình bày và xin ý kiến về nhiều vấn đề, từ chuyện gia đình đến việc làm v…v. Ông ghi chép cẩn thận như đi học chứ không nghe suông, không xem nhẹ những điều Sư Ông nói.

      Nghệ Thuật Lắng Nghe

      Kế tiếp Sư Ông dạy thêm về nghệ thuật lắng nghe mà không phản ứng, không phán xét để người kia có dịp nói ra hết những phiền muộn trong lòng mình. Nhờ thế mà mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn. Nếu mình có oan ức vì người kia hiểu sai về mình thì cũng tiếp tục thực tập lắng nghe. Bởi vì, mục đích của mình là để cho người kia nói ra cho bớt khổ. Chuyện hòa giải sẽ dễ dàng hơn và sau đó người bị oan sẽ từ từ cung cấp những thông tin xác thực để người kia dần dần thấy mình sai và sẽ tự động xin lỗi sau.

      Tình yêu thương chân thật

      Sư Ông dạy về tình thương chân thật phải có bốn yếu tố của bốn tâm vô lượng: Từ là tìm cách luôn đem niềm vui cho người kia; Bi làm vơi được nỗi khổ của người kia, muốn được thế thì phải tập lắng nghe sâu để hiểu, để thấy và để làm vơi nỗi khổ; Hỷ là tạo không khí vui tươi khi ở bên nhau, ý thức sự có mặt của nhau; Xả là không phân biệt kỳ thị, niềm vui, niềm hạnh phúc là của chung, niềm đau nỗi buồn, sự rủi ro cũng là của chung. Mình tập như thế với hai người, rồi ba người, rồi bốn người rồi cả những người cùng chung mái nhà, văn phòng, đoàn thể…

      Sư Ông cũng dạy nghệ thuật truyền thông đưa đến hòa giải như chuyện những người Palestinians và người Do Thái đến làng Mai tu học…

      Phương pháp làm quyết định

      Sư Ông đề nghị phương pháp làm quyết định (decision making process) mà World Bank có thể áp dụng theo mô hình của Làng Mai. Ở Làng Mai, không có một cá nhân nào có thể làm quyết định một mình, ngay cả Sư Ông. Tất cả đều do Hội đồng Tỳ kheo quyết định. Nhưng Sư Ông chính cũng là một Tỳ kheo nên những chuyện liên quan đến Sư Ông thì thầy Trụ trì đi thỉnh ý Sư Ông trước. Còn những chuyện lớn trong chúng, thầy Trụ trì có bổn phận ngồi thưa chuyện với từng sư anh lớn để thỉnh ý, để biết ý và dung hòa ý với các sư anh trước. Khi họp Hội đồng Tỳ kheo, thầy Trú Trì trình bày những nét chính để Hội đồng Tỳ kheo góp ý. Ai cũng góp ý kiến của mình hết, dù tuổi hạ (năm xuất gia) còn rất thấp. Khi có bất đồng ý kiến thì sư anh lớn có mặt hôm đó sẽ nhẹ nhàng giải thích bằng tuệ giác và kinh nghiệm của sư anh về việc ấy cho người sư em đang bất đồng ý kiến nghe cho tới khi nào trong Hội đồng Tỳ kheo có sự đồng ý hoàn toàn, có trên có dưới và ai cũng ý hòa đồng duyệt.

      Ở Làng dù chuyện lớn hay chuyện nhỏ gì đều cũng phải do Hội đồng Tỳ kheo hoặc Hội đồng Tỳ kheo ni làm quyết định. Sau khi có sự đồng ý 100% rồi mới theo phương pháp Tác Pháp Yết Ma (sangha karman). Người chủ buổi họp có thể nêu lên như sau: “Đây là sự đề nghị của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng Tỳ kheo v.v…, nếu ai đồng ý thì xin giữ im lặng và nếu ai không đồng ý thì xin nói lên.” Làm như thế ta sẽ cho người khác có cơ hội nói lên ý kiến của mình. Người chủ tọa buổi họp sẽ thông báo như thế 3 lần. Sau 3 lần nếu không có ai phát biểu gì, có nghĩa là sự đề nghị về quyết định ấy đã được chấp thuận. Đây là phương pháp làm quyết định lấy sự hài hoà của tập thể làm nền tảng mà trong đó không có cá nhân nào cảm thấy có áp lực riêng. Ai cũng được đóng góp vào quá trình làm quyết định trong công trình xây dựng…

      Ban “Lắng nghe từng nhân viên”

      Sư Ông đề nghị World Bank cũng nên thành lập một ban “Lắng nghe sâu”. Ban Lắng nghe này có bổn phận và trách nhiệm lắng nghe với tâm từ bi về những khó khăn, khổ đau hoặc sợ hãi mà những công nhân viên đang phải đối diện. Tập lắng nghe như thế ta sẽ giúp được những người ấy vơi nhẹ được nỗi khổ niềm đau trong lòng của họ. Họ sẽ có tự tin nơi chính mình, vào các bạn đồng nghiệp và công ty hơn. Nếu một người có niềm tin, có hạnh phúc thì sự đóng góp của người ấy sẽ được cao hơn. World Bank có thể gửi nhóm người trong Ban lắng nghe này về Làng hoặc các trung tâm tu học của Làng tại Mỹ để được đào tạo.

      Chia sẻ của ông Kim và nhân viên World Bank:

      Vào ngày 20-09-2013, ông Kim đã gửi một lá thư rất dễ thương tỏ lòng biết ơn của ông đến Sư Ông và tăng thân Làng Mai đã đến hướng dẫn ngày Chánh niệm ở World Bank. Ông Kim rất biết ơn tuệ giác và sự chỉ đạo của Sư Ông dành cho ông và công nhân viên của World Bank. Ông nói, “Cái mà chúng tôi cần phải xây dựng bây giờ là một tăng thân World Bank thật sự—nơi mà tất cả mọi người đều làm việc chung để cùng nhau đạt được nhiều thành tích.” Sau khi đó thầy Pháp Lưu cũng viết một lá thư hồi âm lại cho ông Kim để  bày tỏ lòng biết ơn về sự tử tế và thái độ cởi mở của ông khi đem sự thực tập chánh niệm vào World Bank. Thầy Pháp Lưu sẽ tiếp tục giữ liên hệ và yểm trợ sự thực tập ở World Bank cùng với ông Kim.

      Sau hai ngày sinh hoạt với Sư Ông và tăng đoàn Làng Mai, nhân viên World Bank đã có nhiều phản hồi rất dễ thương và tích cực. Có người nói những phương pháp thực tập như thiền đi, thiền ăn, thiền buông thư cứ như là trong huyền thoại. Họ nói: “Truyền thống tâm linh này không có vẻ gì là một giáo phái (sect). Tôi thấy cách tu tập của họ rất cụ thể, ai cũng sử dụng được và nó vượt lên trên tôn giáo (Tôi là người Công Giáo vậy mà tôi cảm thấy mình có thể thực tập được và có nhiều lợi lạc). Những chia sẻ của các thầy các sư cô thật đơn giản và rất thực tế từ sự thực tập của chính họ. Chúng tôi đã được nghe những đề nghị cụ thể và đầy tuệ giác của họ về cách hành xử hàng ngày, nhờ sự thực tập mà ta có thể xử lý công việc khéo léo hơn và cuộc sống của ta sẽ đỡ khổ hơn. Các thầy các sư cô làm tất cả những điều này với một sự tươi vui, thanh thản và nhẹ nhàng. Điều đó đã tạo cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh cho tôi.”

      Một nhân viên khác là E.C.T chia sẻ: “Thật là một sự kiện tuyệt vời và tạo nhiều hứng khởi! Thiền hành là thực tập mà tôi thích nhất. Tôi tập trung duy nhất vào việc đi, đi thật chậm, mắt nhìn xuống đất, để ý tới cỏ xanh, tới những chiếc lá sồi, tới những trái sồi rụng trên mặt đất … Tôi không biết là mình đã đi bao xa và đi đến đâu, nhưng điều đó thật không có gì quan trọng trong khi thiền hành. Tôi chỉ biết là mình có dừng lại, ngồi yên lặng cạnh hồ và sau đó quay về. Tôi ước gì lúc đó có máy đo huyết áp. Chắc chắn là huyết áp của tôi đã giảm một cách chưa từng thấy. Một kinh nghiệm phải nói là quá tuyệt vời.”

      Và một nhân viên nữa nói là cô ấy có cảm tưởng như Sư Ông đang nói chuyện trực tiếp với mình dù là Sư Ông đang giảng cho cả một khán phòng. Cô mong rằng những đồng nghiệp khác trong các chi nhánh của Ngân hàng Thế giới ở khắp nơi cũng có được cơ hội để được gặp “Brother Thầy”. Cô này thật dễ thương, cô nghĩ tên của Sư Ông là Thầy. Brother, trong tiếng Anh dùng để gọi một vị tu sĩ nam (Chú thích của BBT).

      Một nhân viên khác đã đến Làng Mai tu tập vài năm về trước chia sẻ: “Brother Thầy đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của tôi. Tôi nghĩ mọi người nên đến Làng Mai bên Pháp để dự khóa tu ở đó. Vài năm trước đây tôi đã đến đó để tu tập 1 tuần. Sau khi học cách sống giản dị và ăn thức ăn chay tịnh (chỉ cần 24 tiếng đồng hồ là mình sẽ quen ngay), sự căng thẳng và sợ hãi  vốn là nguyên nhân khiến tôi tìm đến Làng đã bắt đầu giảm bớt. Thật đáng ngạc nhiên là chỉ cần một thời gian ngắn ngủi như vậy mà tôi đã có được sự thay đổi đó. Những bài pháp thoại của Thầy thật sự đem lại cho tôi rất nhiều cảm hứng.”

      Còn rất nhiều những phản hồi tích cực như vậy và kết quả là World Bank đã quyết định mở ra hai phòng để dành cho nhân viên thực tập thiền. Chúng tôi thật sự vui mừng vì nhân viên của World Bank có được nhiều cảm hứng khi tiếp xúc với pháp môn chánh niệm. Chúng tôi tin rằng họ sẽ làm việc có hiệu quả hơn trong việc phục vụ cho nhân loại khi đem phép thực tập này vào trong công việc và đời sống hàng ngày.

      Thị giả

      Xem thêm:


      Nhân viên World Bank thực tập thiền với Sư Ông và Tăng thân Làng Mai

      Sư Ông đưa nhân viên World Bank đi thiền hành trên đường phố Washington DC

      Nhân viên World Bank ngồi thiền bên bờ hồ với Sư Ông Làng Mai


      Nhật ký thị giả

      Sau khi kết thúc ngày quán niệm dành cho người Việt tại đại học Brock với khoảng 900 người tham dự. Ngày 20/08/2013, Sư Ông lên xe bus cùng với quý thấy, quý sư cô về Tu viện Bích Nham. Ngày 25.08 mới bắt đầu có khóa tu đầu tiên nhưng các thầy, các sư cô từ Mộc Lan, Lộc Uyển đã tới tu viện Bích Nham trước để có dịp gần gũi và chơi với Sư Ông, sau nữa là giúp một tay cho các khóa tu ở Bích Nham. Tôi được chơi với các anh chị sư em thật vui. Tăng thân xuất sĩ, gồm có 103 vị.

      Quý thầy và quý sư cô  cùng 74 cư sĩ tình nguyện đảm đương từ khâu tổ chức đến việc lo mướn hotel, xe buýt để đưa đón 850 thiền sinh (325 người ở phòng và cắm lều quanh tu viện, 525 người ở ngoài hotel). Đến việc sắp xếp địa điểm ăn-ngủ và mọi sinh hoạt khác như nấu ăn, dọn dẹp, rửa nồi… cho 1042 (thiền sinh và xuất sĩ). Quả thật là tuyệt vời! Tôi thầm cảm ơn cha mẹ các em đã yểm trợ cho con mình nhập vào dòng sông lý tưởng. Toàn là những người con ưu tú của gia đình dòng họ.

      Tổng số có 850 thiền sinh được khéo léo chia vào 43 gia đình để cùng pháp đàm và thực tập làm việc trong chánh niệm trong những giờ thiền làm việc. Có hơn 600 người trên danh sách chờ đợi (waiting list) nhưng phải đau lòng  mà từ chối vì cố gắng nhận 850 thiền sinh là con số quá tải của mình rồi.


      Có rất nhiều chuyện quá vui trong khóa tu này mà Sư Ông dặn thị giả nhớ ghi lại kẻo quên. Nhóm pháp đàm của sư chú Pháp Triển nghe các em thiếu nhi và thanh niên nói: “Trời ơi, trong khóa này mình có một siêu sao (superstar). Sư cô gì mà quay như cái bông vụ, bay bay đẹp hết xẩy.” (Khi đó là lúc sư cô Chân Không đang dạy 5 thế Hy Mã Lạp Sơn, thế quay vòng tròn mà không chóng mặt). Trong ngày thực tập chánh niệm cũng có thanh thiếu niên nói: Thật là quá “ngầu”! Có một sư cô đó lớn cỡ bà ngoại mình, đi thanh thản vào bảo chúng mình nằm dài xuống buông thư. Mới năm phút sau, thiên hạ đã ngủ khò hết còn sư cô thì cầm máy phát âm lên hát để ru mình ngủ bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp và  tiếng Việt. Hay dễ sợ luôn! Khi mọi người thức dậy, sư cô lại dạy về phương pháp làm chủ cơn giận rồi tiếp xúc với tổ tiên huyết thống, tổ tiên đất đai và tổ tiên tâm linh nữa. Chúng tôi “thích sư cô ngầu” nầy nhất!”

      Có một vị chia sẻ trong pháp đàm rằng: Năm nay ông đã 60 tuổi, sắp xin hưu trí vì thấy mệt mỏi với ngành dạy học sau 40 năm phục vụ. Nhờ sắp hưu trí nên mới đi khóa tu để giải khuây. Bỗng sáng nay nghe Sư Ông kể chuyện mục sư  Martin Luther King, Sư Ông nói: “Cái hồi đó đó, hồi mà tôi còn trẻ lắm, cách đây hơn 20 năm. Lúc đó, tôi mới có sáu mươi bảy tuổi thôi, tôi đã làm… gì đó. Ông nghe Sư Ông nói hồi Sư Ông còn trẻ lắm, mới sáu mươi bảy tuổi thôi mà làm biết bao nhiêu là việc phụng sự cho đời. Còn mình, bây giờ mới 60 tuổi mà đã than già, tính chuyện về hưu, nhất định kỳ này về sẽ để hết năng lượng vào vấn đề đưa cách dạy ứng dụng đạo đức toàn cầu cho học sinh trong lớp học. Ông nói: “ông đã làm việc lâu năm nên rất có uy tín trong trường, thế nào tiếng nói của ông cũng được lắng nghe”.

      Trong nhóm pháp đàm của thầy Pháp Hữu có một cô gái 26 tuổi, mặt eo xèo, buồn bực và rất hay quạu. Ngày thứ nhất: Khi mọi người giới thiệu thì cô nói: “Tui không thích đi khóa tu này, tui bị mẹ tui ép đi, tui không thích cái gì ở đây hết.” Ngày thứ hai: cô ngồi yên, ít quạu hơn nhưng cũng ít chia sẻ. Buổi pháp đàm chót cô đã chia sẻ là cô làm việc cho một trại cai nghiện rất khó xử lý. Khi cô đi khóa tu nầy thì cô khóa điện thoại lại, không mở ra. Trước hai ngày kết thúc khóa tu cô mới mở điện thoại thì thấy toàn là tin xấu và rất bức xúc. Cô bực mình, giận phát run. Tự nhiên cô bắt gặp mình tự trở về hơi thở và nói: “Chào em, cơn giận của tôi, tôi thở đây!”. Trời! Cô buông rơi chiếc máy điện thoại, cô không tưởng tượng mình có thể phát ra câu này, cái câu mà trong khóa tu cô rất ghét, không thích nghe, cô không thích làm mấy điều Sư Ông nói. Và lạ quá, cô thấy mình có sự bình tĩnh sau khi nói và thở như vậy. Vì thế, vào ngày cuối của khóa tu cô đã nhận năm giới. Mặt cô tươi ra, không còn quạu quọ như ngày mới tới. Cô còn hẹn gặp lại các bạn trẻ Wake Up vùng New York City…

      Trong nhóm pháp đàm Hoa Thủy Tiên của sư cô Chân Không, có bà cụ than lãng tai nặng quá không nghe gì hết. Đến giờ pháp thoại của Sư Ông bà đổi chỗ ngồi ba lần mà vẫn không nghe. Nhưng hôm sau trở lại bà vui hẳn ra. Hỏi bà đã nghe được chưa? “Chưa! Nhưng đâu có gì quan trọng, không khí tu tập ở đây khiến tôi vui quá chừng. Tôi thật là may mắn tham dự được khóa tu mà đáng lẽ đã hết chỗ từ lâu, tôi cứ đi liều đến dù điện thoại không ai trả lời. Thế rồi, tôi cũng có một chỗ ngủ trong phòng nhiều người. Niềm vui lớn! Tôi được học giáo lý của Bụt, chủ nhật thì đi nhà thờ Episcopal.

      Trong khóa tu này ai cũng có chỗ đứng theo truyền thống tâm linh của mình, thật đẹp và lành hay thật là bao dung. Tôi vừa là con chiên vừa là Phật tử. Còn John thì khóc cả buổi, vợ nhất định ly dị nên anh cũng đành phải chịu nhưng rất thương hai đứa con. Sau khi nghe sư cô dạy về phương pháp làm mới, về khiêm cung, tìm hiểu cái tưởng sai lầm về mình và cái tưởng sai lầm về người kia, vì vậy mà mình làm cho nhau khổ đau, mắt anh sáng lên, như nắm được chiếc chìa khóa của vấn đề.

      Khóa tu chấm dứt bằng buổi truyền 5 phép Tu Tập Chánh Niệm cho hơn 500 người.

      Ngày chủ nhật 1/9/2013 là ngày chánh niệm gây quỹ cho Tu Viện Bích Nham. Mỗi người tham dự xin được đóng góp 35 dollars. Có hơn 2000 người ghi tên. Thế là Bích Nham sắp có 70 000 dollars để làm tường cách nhiệt trong phòng ngủ của các sư cô.

      Một buổi sáng thật mầu nhiệm. Từ khi Sư Ông giảng sơ lược chương trình trọn ngày rồi dạy từng pháp môn cụ thể như thiền hành, thiền thở, cách nghe chuông hay ăn trong chánh niệm… Sau đó tăng thân xuất sĩ tụng kinh Nammo Valokiteshvaraya. Tập thể dục rồi mới thuyết pháp. Hôm nay Sư Ông nói về Bốn câu thần chú và thiếu phụ Nam Xương.

      Đến thời khóa thực tập thiền hành phải chia thành hai nhóm vì có hơn 2170 người. Buổi chiều sư cô Chân Không hướng dẫn thiền buông thư làm cho nhiều người hạnh phúc. Một vị nói trong pháp đàm: “Lạ quá, sư cô vừa đi vào là bắt thiên hạ nằm dài xuống hết và sau đó hướng dẫn buông thư”. Ồ! mới năm phút thôi là thiên hạ đã rơi vào giấc ngủ. Mà vui quá mình còn nghe có cả tiếng ngáy nữa. Kế đó sư cô còn hát ru mọi người ngủ, giọng hát của sư cô nghe sao trẻ quá như cô gái 17 tuổi vậy. Lạ ghê!  Sau giờ buông  thư sư cô  mời mọi người ngồi dậy, rồi chia sẻ về cách làm chủ cơn giận. Trước tiên, sư cô nói chuyện chú bé 11 tuổi nổi giận vì là nạn nhân của tập khí do ba chú bé truyền lại. Rồi sau đó sư cô từ từ đưa mọi người vào cách lạy có chánh niệm để tiếp xúc với tổ tiên.

      Bốn giờ chiều là vấn đáp với quý Thầy cô giáo thọ.Thầy Pháp Dung trả lời rất khéo về việc thèm ăn (craving) sô cô la của các sư em của thầy, cách trả lời chứng tỏ thầy có thực tu. Buổi vấn đáp ấy mọi người rất thích và mê cách quý thầy sư cô trả lời nữa. Chấm dứt một ngày chánh niệm hoàn mãn. Ai cũng hạnh phúc và gặt hái thật nhiều lợi lạc “Đi có một ngày mà mình được học nhiều thứ quá!”

      Sau đó thầy Pháp Nguyện, sư cô Chân Không và sư cô An Nghiêm trả lời phỏng vấn cho tờ Wall Street. Cô này thích quá nói cô sẽ viết một loạt ba bài. Sư Cô Tùng Nghiêm cũng trả lời cô phóng viên của một tờ báo khác. Sư Ông cũng đồng ý tiếp các phóng viên của tờ Times Magazine cùng với sư cô Hiến Nghiêm và sư cô Chân Không.

      Kết thúc khóa tu, hết ngày chánh niệm trời đổ mưa rất lớn. Sư Ông cầu nguyện cho tu viện Lộc Uyển (Deer Park) có mưa  để cho cỏ cây thêm tươi mát. Vì nghe nói lâu rồi không mưa!

      Thị giả

      Nghệ thuật xử lý khổ đau

      Hôm nay, ngày 25 tháng 8 năm 2013, từ lúc 2 giờ chiều thiền sinh từ các nơi bắt đầu về tới tu viện Bích Nham để tham dự khoá tu “The Art of Sufffering” (Nghệ thuật xử lý khổ đau) được tổ chức từ ngày 25 cho đến hết ngày 30 tháng 8 năm 2013. Số thiền sinh tham dự là 770 người, trong đó có 685 người lớn, 65 trẻ em và 20 thanh thiếu niên. Khoảng một nửa số thiền sinh ngủ lại đêm tại tu viện Bích Nham và một nửa còn lại mỗi ngày phải về ngủ ở Trung Tâm Nghỉ Mát Honor’s Haven (Honor’s Haven Resort) cách tu viện Bích Nham chừng 20 phút đi xe buýt. Tu viện phải thuê phòng cho những vị này vì Bích Nham không đủ chỗ ở.

      Niệm Bồ Tát QTA 2013

      Niệm danh hiệu Bồ Tát Avalokiteshvara

      Buổi sáng thiền sinh thức dậy lúc 5 giờ, ở Tu viện cũng như ở Trung Tâm Nghỉ Mát. 5 giờ 30 thì thiền sinh ở Trung Tâm lên xe buýt về Tu viện để kịp 6 giờ sáng đi thiền hành với Thầy và đại chúng. Sau đó thì đi vào thiền đường Đại Đồng để ngồi thiền buổi sáng. Sau giờ ăn chiều thiền sinh lên xe buýt trở về TrungTâm Nghỉ Mát để tham dự pháp đàm. Tại Trung Tâm Nghỉ Mát cũng có 32 vị xuất sĩ, gồm có 15 thầy và 17 sư cô có mặt để hướng dẫn pháp đàm và giám sát cho sự thực tập im lặng hùng tráng sau giờ pháp đàm cho đến sau buổi ăn sáng ngày hôm sau tại Tu viện.

      Tu viện Bích Nham toạ lạc tại một vùng rừng đồi thuộc thị trấn Pine Bush, tiểu bang New York. Cảnh trí rất xanh tươi và ngoạn mục. Địa chỉ của Tu viện là số 3, đường Mindfulness, Pine Bush, New York, 12566, U.S.A.

      Số lượng các vị xuất sĩ có mặt tại Bích Nham trong khoá tu này là 103 vị, trong đó có những vị tới từ các tu viện Lộc Uyển, Mộc Lan và Mai Thôn. Ngoài ra còn có 35 tình nguyện viên trong số thiền sinh Hoa Kỳ phụ tá cho các thầy, các sư cô chăm sóc và điều hành khoá tu.

      Hạnh phúc ta trao nhau

      Hạnh phúc ta trao nhau

      Chủ đề của khoá tu như ta đã biết là Nghệ Thuật Xử Lý Khổ Đau. Ai cũng có khổ đau trong lòng, và vì vậy ai cũng cần học cách xử lý khổ đau trong bản thân để đừng bị khổ đau của mình sai xử, tạo khổ đau cho kẻ khác. Biết cách xử lý khổ đau của tự thân, mình sẽ khổ đau rất ít và có thể sử dụng khổ đau một cách khéo léo để chế tác hiểu biết và từ bi, làm hạnh phúc cho mình và cho kẻ khác. Xử lý được khổ đau tự thân, ta sẽ không làm khổ người khác và có thể giúp cho họ xử lý được khổ đau của họ. Phép thực tập này ai cũng cần học hỏi, dù người ấy thuộc về bất kỳ một tôn giáo hoặc lập trường chính trị nào. Môn học này, Làng Mai gọi là Global Ethics (Đạo Đức Toàn Cầu); Không có mầu sắc tôn giáo và ý thức hệ.

      thiền sinh BN 2013

      Thiền ca trước giờ pháp thoại

      Có tới 700 người trong danh sách chờ đợi, họ muốn ghi tên vào khoá tu này nhưng Tu viện đã hết chỗ. Thiết bị của Tu viện không đủ để thu nhận trên con số 770 người, đó là một điều đáng tiếc. Điều đáng tiếc này cũng vừa xảy ra cho khoá tu mà tăng thân hướng dẫn tại trường Đại Học Brock ở St. Catherine, gần Toronto, Canada. Tuy là một trường Đại Học, nhưng họ chỉ nhận 1350 thiền sinh, và cũng có khoảng 700 thiền sinh vì ghi tên trễ nên đã không có dịp tham dự. Khoá tu ở Canada này dành cho giới giáo chức, vì vậy ¾ các thiền sinh là giáo chức, đại đa số là người Canada và người Mỹ (xem bài liên quan Điểm đến của nền giáo dục hiện đại)..

      Tối nay lúc 7 giờ tại thiền đường Đại Đồng, lễ khai mạc khoá tu sẽ được cử hành với sự thực tập trì niệm Hồng Danh Avalokitesvara (Bồ Tát Quán Thế Âm) do các vị xuất sĩ phụ trách. Sau đó các vị giáo thọ Chân Linh Nghiêm người Thái Lan và Chân Pháp Lưu người Hoa Kỳ sẽ nói pháp thoại hướng dẫn tổng quát để toàn thể thiền sinh biết cách tham dự khoá như thế nào để có nhiều hạnh phúc và chuyển hoá nhất.

      Sư cô Linh Nghiêm và Thầy Pháp Lưu cho hướng dẫn tổng quát

      Khóa tu dành cho giáo chức tại đại học Brock (11-16/08/2013), Toronto, Canada

      Trường đại học Brock, nơi diễn ra khóa tu dành cho giáo chức thành lập năm 1964. Sinh viên của trường đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới. Trường là một trong những trường dẫn đầu về chất lượng đào tạo các chương trình đại học và các chương trình học thuật ở Canada. Ban tổ chức của khóa tu cho biết, chương trình ghi danh cho khóa tu vừa để lên mạng trong vòng 1 giờ đồng hồ đầu là đã có hơn 400 người ghi danh. Trong vòng 4 tuần đầu số người đăng ký đã lên đến 800 người. Tổng cộng tính luôn chúng xuất sĩ số người tham dự khóa tu là 1425 người, trong đó có 100 tình nguyện viên (volunteers), 780 giáo chức, còn lại là những người làm việc trong trường như nhân viên xã hội (social workers), tư vấn (consultants), quản trị (administrators)… Có hơn 800 người trên danh sách chờ đợi để đăng ký nếu còn cơ hội.

      1425 người là con số tối đa mà trường Đại Học Brock có thể chấp thuận vì sức chứa của cả phòng ngủ và phòng ăn đều có hạn. Đại học Brock có hai nhà ăn: Decew và Lowenberger, mỗi nhà ăn chỉ chứa được 360 người. Mỗi nhà ăn nhận phục vụ phân nửa thiền sinh là 720 người nên phải chia ra thành hai đợt, mỗi đợt 360 người. Trong khi nhóm A gồm 360 người ăn trước thì nhóm B 360 người còn lại tập thể dục, tập khí công, yoga hay về nhà nghỉ. Các bạn tình nguyện viên đã làm việc từ sớm để biến nhà tập thể dục (Gymnasium) thành một giảng đường trang nghiêm vì giảng đường chính thức quá nhỏ không đủ chỗ cho tất cả mọi người.

      Nhà tập thể dục (Gymnasium) biến thành thiền đường dành cho thiền sinh ngồi thiền và nghe pháp thoại      

       

      Pháp thoại: Có trà trong thư pháp của Thầy

      Trong khóa tu này, Sư Ông giảng ba bài pháp thoại và ngày thứ tư thiền sinh được đặt câu hỏi trực tiếp với Sư Ông. Vì có 900 thiền sinh là người mới nên ngày đầu tiên Sư Ông dạy những pháp môn căn bản như: nghe chuông trong chánh niệm, đi thiền hành, ăn trong chánh niệm… truớc khi vào đề tài chính: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới”. Nghe chuông như thế nào mà tất cả các tế bào trong cơ thể mình cùng nghe. Mình có thể mời ông bà, tổ tiên mình cùng nghe chuông với mình. Khi nghe chuông mình dừng tất cả các hành động, suy nghĩ và nói năng và đặt sự chú tâm vào hơi thở. Thở vào: Con đang lắng nghe bằng tất cả các tế bào trong cơ thể của con và để cho năng lượng bình an thấm vào từng tế bào của cơ thể… Thở ra: Tiếng chuông đưa con trở về ngôi nhà đích thực bây giờ và ở đây. Khi cả ngàn người cùng thở như vậy thì năng lượng chánh niệm và bình an sẽ rất hùng hậu… Điều tuyệt vời nhất mà khóa tu có thể đem lại đó là năng lượng chánh niệm tập thể, năng lượng này có khả năng trị liệu rất lớn. Sư Ông nâng ly trà lên và bắt đầu giảng về tương tức, về không sinh không diệt và có trà trong thư pháp mà thầy viết. Sư Ông giảng về Bát Chánh Đạo và Bốn loại thực phẩm. Không có cái gì tồn tại nếu không có thức ăn. Tình thương, hạnh phúc và bình an cũng vậy.

        Khóa tu có 60 em thiếu nhi nên Sư Ông luôn dành 15-20 phút đầu của buổi giảng để chia sẻ thực tập cho các em. Ngày thứ ba (13/08), Sư Ông kể cho các em thiếu nhi về một giấc mơ mà trong đó Sư Ông thấy mình được tuyển đi một cuộc thi đặc biệt. Khi lọt vào bên kia cách cửa tuyển chọn, Sư Ông nhìn lui thấy có anh chàng mặt y chang như Sư Ông mà Sư Ông mời vào thì ban giám khảo lắc đầu: “Thầy thì được, nhưng ông kia thì rất tiếc, không được!”. Sư Ông thấy mình đi dọc theo những hành lang được trình bày rất nghệ thuật, rất khác thường và có cảm tưởng cuộc thi này đặc biệt lắm. Khi lên tới chỗ thi thì nguy nhất là họ cho biết cuộc thi này là thi âm nhạc! Mà Sư Ông có phải là nhạc sĩ đâu? Sư Ông sờ trong túi trên áo choàng ngoài, bỗng Sư Ông mừng quá vì sờ đúng một quả chuông con! Sử dụng chuông thì Sư Ông rất rành từ hồi 16 tuổi kia. Nhìn quanh, Sư Ông thấy thiền sinh rất đông đảo mà ngút ngàn như trong một đấu trường (arèna), bao quanh là một khung trời lồng lộng. Tên Sư Ông được kêu lên đầu tiên. Sư Ông rất tự tại, đi từng bước nhẹ nhàng ra trình diễn trước thính chúng… Giám khảo hình như là đức Bụt Như Lai… Sư Ông sắp trình bày chi đó thì giật mình tỉnh dậy. Hồi đó thì Sư Ông chưa hiểu. Nhưng bây giờ thì Sư Ông hiểu rồi. Cái người  giống hệt Sư Ông mà không được vào phòng cũng chính là Sư Ông nhưng hồi đó chưa được chuyển hóa. Sư Ông nói: “Các con cũng thế, mình khi chưa tu học cũng là người đó. Nhưng khi đã chuyển hóa rồi thì cũng là người đó nhưng nhẹ nhàng hơn, bình an hơn, sâu sắc hơn. Các con ráng thực tập dừng lại, trở về hơi thở, không nghĩ suy lung tung, sống cho sâu sắc từng phút giây hiện tại. Có định tâm từng phút giây hiện tại thì cái thấy nào cũng có định và khi có định tâm thì cái thấy sâu sắc hơn, nhiều tuệ giác hơn.”

        Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương

        Sau đó, Sư Ông dạy các em thỉnh chuông. Trước khi thỉnh chuông, mình sẽ thức chuông để báo cho mọi người biết là sắp có một tiếng chuông vang lên. Như vậy người nghe có đủ thời gian để trở về với hơi thở, dừng lại mọi suy nghĩ và hành động để nghe chuông. Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt, có khả năng đánh thức mọi người và mọi loài. Trước khi thỉnh chuông, mình đọc bài thi kệ Thỉnh chuông:

        Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
        Xa xôi tăm tối mọi loài nghe
        Những ai lạc bước mau dừng lại
        Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.

        Sư Ông dạy các em mỗi khi thỉnh một tiếng chuông thì thở vào thở ra ba hơi thở, nhưng vì các em nhỏ nên hơi thở sẽ ngắn hơn người lớn. Sau khi thở xong ba hơi, các em có thể thêm 10 giây nữa cho người lớn có đủ thời gian thở ba hơi thật sâu và đầy đủ. Thỉnh chuông và nghe chuông trong chánh niệm có thể đem tới rất nhiều niềm vui, bình an và thư giãn.

        Sau khi các em nhỏ ra ngoài chơi, Sư Ông dạy cho thiền sinh làm sao thực tập chánh niệm trong các buổi họp, thiết lập không gian thực tập tại nhà, cách tưới tẫm hạt giống tốt và ăn trong chánh niệm. Người cũng dạy về Tứ Niệm Xứ (Thân, Thọ, Tâm, Pháp). Ngày thứ hai sư ông nói về Henri Kỷ Cương, giáo sư của trường French School ở Toronto, tu tập chánh niệm rất hay và dạy học sinh nghe chuông rất hay. Giáo Sư Nguyễn Văn Kỷ Cương có pháp danh Tâm Thành, thọ 14 giới Tiếp Hiện với Sư Ông Làng Mai năm 1991 với pháp hiệu Chân Tịnh Nhãn. Ông trở thành Giáo Thọ của Làng Mai từ năm 1994. Ông đã viết cuốn sách mỏng, được nhiều người tìm đọc, là cuốn “Thiền trong lớp học,” nói về kinh nghiệm mang Thiền vào trường học, dạy cho các học sinh thực tập ngay trong lớp học.

          Trong buổi Vấn Đáp ngày thứ tư, điều làm đại chúng bất ngờ và vô cùng xúc động là có một em trai khoảng 5-6 tuổi lên hỏi Sư Ông bằng tiếng Pháp: “Sư Ông có thể hát một bài không?” Chúng xuất sĩ ai cũng hồi hộp không biết Sư Ông sẽ trả lời em thế nào. Lúc đó sư cô Định Nghiêm lên để thông dịch cho Sư Ông nên mọi người nghĩ là Sư Ông sẽ trả lời: “Có Sư Ông trong sư cô Định Nghiêm nên sư cô Định Nghiêm sẽ hát cho con nghe.” Nhưng thật bất ngờ, Sư Ông đã hát một bài hát con nít bằng tiếng Pháp mà Sư Ông học từ ngày xưa. Sư Ông vừa hát vừa nhịp tay và nhịp chân rất tự nhiên. Hình ảnh đó dễ thương quá nên Sư Ông hát xong cả thiền đường nở đầy hoa.

          Có những câu hỏi về vấn đề tự tử. Sư Ông đề nghị mình nên có tăng thân để cùng tu học nâng đỡ nhau. Trong tăng thân có chừng vài ba người mà mình tin tưởng được thì những lúc lâm nguy phải cầu cứu họ. Những phút giây bực tức rất vô thường, nó sẽ chuyển hóa sau vài chục phút nói chuyện với bạn bè mình tin cậy. Trong buổi vấn đáp có hai câu hỏi liên quan tới các vấn đề biến đổi về khí hậu.

          Áp dụng Chánh niệm như thế nào trong đời sống, công việc và nghề nghiệp?

          Khóa tu có đến 55 nhóm pháp đàm, mỗi nhóm từ 25 đến 30 người, trong đó có những nhóm dành riêng cho giáo sư đại học, giáo sư trung học… Nhóm nào cũng chia sẻ là họ rất hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ vì những lời dạy của Sư Ông mà còn vì những gì quý thầy, quý sư cô chia sẻ và dạy dỗ. Mỗi khi nhìn quý thầy, quý sư cô chia sẻ, chơi với nhau, chia nhau một chút thức ăn… họ thấy có một thứ tình cảm rất dễ thương, không giống ở ngoài. Có một em trai người Hoa Kỳ bị bệnh trầm cảm đến không muốn sống, em không thấy ý nghĩa của sự sống. Em đã thử hút xì ke nhưng chỉ lâng lâng được vài phút. Ba mẹ em quá chừng lo lắng nhưng cũng chẳng giúp gì được cho em. Tới khi em gặp được tăng thân ở Bích Nham, có cái gì khó diễn tả thâm trầm mà sâu sắc đã giữ được nụ cười và niềm tin nơi em. Và em nhất định đi theo tăng thân suốt đời. Có rất nhiều người trẻ, xinh đẹp cũng học giỏi, ba mẹ là người thành công nơi đất mới, là người rất tử tế trong cộng đồng người Việt nhưng không hiểu sao cháu nào cũng bị bệnh trầm cảm…

          Sau này tìm hiểu ra chúng tôi mới biết chìa khóa chỉ là “Ái ngữ và Lắng nghe”. Ba mẹ làm rất hay, thành công tốt trong xã hội nhưng có sai sót là mặc nhiên nghĩ con mình phải hiểu rằng ba mẹ đi vượt biên đã bị hải tặc cướp hết, giờ đây con không bị những thứ đó thì con chỉ lo học thôi. Nhưng các con lại nghĩ học có nhiều bằng cấp để làm gì? Sao mà “boring” ngán đến thế. Các cháu uống rượu nhiều cũng chưa hết ngán. Đi chơi chỗ này chỗ kia… cũng vậy thôi, ngán quá chừng và cứ thế mà bị trầm cảm, đưa đi bác sĩ tâm lý trị liệu cũng chẳng đi đến đâu. Có lẽ ba mẹ không đủ ái ngữ khi thuật cho các cháu nghe nổi cực khổ của ba mẹ. Nhưng khi gặp Sư Ông, các cháu thấy được một hướng đi mới, một niềm tin mới… Mà sao lạ quá, Sư Ông cũng nói như ba mẹ, mà lại… khác!

          Gia đình pháp đàm do thầy Pháp Đăng làm chủ tọa dành cho các bác sĩ trị liệu tâm thần nhưng cũng có sự tham gia của các vị làm cai tù, làm xã hội, cố vấn cho người trẻ nghiện ngập. Thầy đưa ra câu hỏi: “Bạn áp dụng Chánh niệm như thế nào trong đời sống, công việc, nghề nghiệp của quí vị?”. Thiền sinh có cơ hội chia sẻ kinh nghiệp làm việc và đời sống của họ. Đa số bác sĩ là những người giỏi, làm việc ở các bệnh viện, trường đại học lớn. Họ là những người có lòng muốn giúp đời nhưng họ đều công nhận chỉ nếp sống chánh niệm mới giúp họ có đủ sức tự chăm sóc mình và giúp cuộc đời. Họ nói công việc chăm sóc người bệnh tâm thần rất cần tâm bình an, tỉnh táo, cởi mở, yêu thương. Các tâm này chính là chánh niệm. Chánh niệm trước hết là sống tỉnh thức để tự chăm sóc chính mình bằng cách tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm, tươi mát, yêu thương.

          Các bác sĩ rất muốn nghe thầy Pháp Đăng kể kinh nghiệm làm sao thầy vượt qua bệnh tật, sống vui và cười hoài. Nhưng thầy mời họ chia sẻ tiếp về đời sống của họ, bởi vì thầy thấy họ có nhu cầu cần được chia sẻ nhiều hơn. Sau đó thầy mới chia sẻ:“Chánh niệm là nguồn năng lượng trị liệu vô biên. Chánh niệm là có mặt thật sự, có nhiều trình độ chánh niệm, chánh niệm cao nhất là có mặt mạnh mẽ với sự sống, bạn không còn suy nghĩ gì nữa, bạn thâm nhập vào sự sống, bạn là nắng, là không khí, là trời xanh…Chánh niệm là tâm cởi mở nên bạn luôn tiếp xúc với sự sống vì thế bạn tiếp nhận nhiều nguồn năng trong lành để trị liệu. Cái trọng yếu là bạn trở thành một với nắng, bạn luôn an trú trong hiện tại. Sự thật là hiện tại chưa bao giờ rời xa bạn, chỉ có bạn bị kẹt vào gì đó trong tâm hay trong đời sống vì thế bạn không kết nối được với sự sống.”

          Chánh niệm cho trẻ em

          Các em thiếu nhi được Sư cô Đàn Nghiêm, sư cô Phú Nghiêm, thầy Pháp Triển và sư chú Bồ Đề chăm sóc. Năng lượng của các em rất nhiều, các em vui chơi rất hết lòng. Nhìn các em chơi và thực tập luôn luôn tạo nhiều niềm vui và tiếng cười cho rất nhiều người. Các em được các thầy các sư cô dạy hát thiền ca, chơi trò chơi, thực tập ngồi thiền, thiền hành, thiền lạy, ăn trong chánh niệm… như người lớn nhưng được các thầy các sư cô hướng dẫn theo cách thức để các em dễ dàng tiếp nhận. Các em nhỏ  thực tập rất dễ thương. Khi người lớn đi nghe chia sẻ về Năm phương pháp thực tập chánh niệm thì các em được nghe chia sẻ về sự thực tập Hai Lời Hứa.

          • Con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.
          • Con xin mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.

          Cuối khóa tu có 20 em đã nhận Hai lời hứa để tiếp tục nuôi lớn tình thương và hiểu biết.

          Chương trình cho thanh thiếu niên (Teenage Program)

          Vì thời khóa đi thiền hành khá sớm (6 giờ sáng) nên nhiều em nhỏ không thức dậy nổi. Các em được ngồi thiền riêng 30 phút trễ hơn đại chúng trong một căn phòng nhìn ra cả một khu vườn xanh. Mỗi sáng các em đều ngồi thiền 30 phút rồi được hướng dẫn đi thiền hành tự do vào nhà ăn và được ngồi ăn chung bàn với các bạn teen của mình trong im lặng. Sau khi thời khóa buổi sáng chấm dứt, các em cũng được đi thiền hành vào nhà ăn, cùng khất thực trong im lặng nhưng được ngồi ăn trưa ngoài trời để sau 15 phút im lặng các em có cơ hội trò chuyện với quý thầy, quý sư cô và các bạn của mình. Chương trình teens đáng lẽ chỉ dành cho các em từ 13 tới 17 tuổi nhưng lại có đến 5-6 em 11-12 tuổi xin gia nhập vì thích chương trình. Các em tham dự rất hăng hái, hết lòng và tích cực.

          Đặc biệt, trong buổi chia sẻ về Năm phương pháp thực tập chánh niệm, thầy Pháp Uyển và sư chú Trời Hiện Tại đã chia sẻ về kinh nghiệm trước khi đi tu đã từng dùng thuốc phiện, uống rượu và có những liên hệ tình dục… và họ đã chuyển hóa được những tập khi đó nhờ thực tập chánh niệm nên các em rất rúng động. Các em đã mở lòng chia sẻ trong các buổi pháp đàm về những khó khăn mà mình đang đi qua và cuối cùng cả 20 em đều phát nguyện nhận Năm Giới (tuy trong thời khóa mới thuyết trình được ba giới thôi). Có lẽ vì các em thật sự thấy được sự tương tức và lợi ích của Năm giới. Trong lễ truyền giới có một em chưa viết đơn xin nhận giới nhưng rồi lại quyết định bước ra để nhận giới cùng các bạn. Trong thời gian của khóa tu các em cũng có cơ hội tham vấn với các thầy các sư cô. Các em tỏ ra rất quyến luyến và đến ngày đi vẫn chưa muốn rời. “Chị rất được nuôi dưỡng bởi khóa tu và chơi với các em Teens!” – Sư cô Bạch Nghiêm chia sẻ.

          Thầy Pháp Uyển, sư cô Bạch Nghiêm, sư chú Trời Hiện Tại và Trời Giải Thoát cùng các em thanh thiếu niên

          Một buổi làm mới bất ngờ

          Trước khi thầy Pháp Đăng và sư cô Định Nghiêm hướng dẫn về pháp môn làm mới có một cô thiền sinh bị tàn tật la lớn tiếng là cô đang đau khổ vì không ai quan tâm đến người tàn tật. Cô giận nên cô nói rất nặng lời, cả đại chúng đều thở để lắng nghe. Không khí thật nặng nề, mọi người đều bị ảnh hưởng bởi năng lượng buồn đau của cô. Có lẽ cô mặc cảm là không ai quan tâm đến cô, cô đòi mọi người chú ý tới cô và phải công nhận sự có mặt của cô. Giọng nói của cô đầy trách móc và cả đại chúng đều thực tập để ôm ấp năng lượng giận hờn đó.

          Sau đó, sư cô Định Nghiêm chia sẻ phần đầu phương pháp làm mới. Thầy Pháp Đăng đã cám ơn những gì cô thiền sinh chia sẻ và bắt đầu nói về cách chăm sóc cho dòng sông cảm thọ, tâm tư, làm sao để giúp dòng sông trôi chảy…Thiền sinh mở lòng ra, không khí trở nên thông cảm, nhẹ nhàng hơn. Thầy tiếp tục chia sẻ và đại chúng mở lòng thêm. Thầy đã dùng ngôn ngữ hết sức thương yêu. Cô thiền sinh ban nãy giờ ngồi rất yên, không còn phản ứng nữa, mặt cô thư giãn ra.

          Cuối cùng thầy mời thiền sinh lên thực tập làm mới. Có hai mẹ con nọ lên làm mới trước, sau đó thầy mời cô thiền sinh ấy lên thực tập. Lần này ngôn ngữ của cô nhẹ nhàng hơn. Cả hội chúng đều cảm thấy nhẹ lòng. Tuy là hiểu lầm nhưng cô đau khổ thì mình phải tìm cách giúp và lắng nghe cô. Thiền sinh rất hạnh phúc vì thấy thầy và sư cô đã thực tập những gì mà Sư Ông dạy. Thầy khích lệ thiền sinh tiếp tục thự tập làm mới với người thương bằng điện thoại. Sau buổi làm mới các thiền đến cám ơn thầy và sư cô đã giải quyết khổ đau cho cô thiền sinh tàn tật thật tuyệt vời. Họ nói: “You are the role model for us.” (Thầy và sư cô đã làm gương cho chúng con.)

          Ngoài pháp đàm, trong khóa tu còn có các nhóm sinh hoạt về các chủ đề khác nhau: Đem chánh niệm vào các lĩnh vực giáo dục,Trị liệu và chuyển hoá căng thẳng (stress) trong công việc, Ái ngữ và Lắng nghe sâu do thầy Pháp Dung, Richard Brady, Jack Miller, Meena Srinivasan, Michele Chaban, Theo Koffler, Jon Kristian Salunga, Katherine Weare, and John Bell  hướng dẫn- Họ là những thiền sinh đã có nhiều năm ứng dụng pháp môn Chánh niệm vào các lĩnh vực giảng dạy và thực tập. Các buổi thuyết trình đều rất hào hứng và sôi nổi, tạo cảm hứng thực tập cho rất nhiều người.

          Đa số thiền sinh là giáo sư đại học. Nghe khóa tu cho giáo chức họ nghĩ là sẽ có những hội nghị bàn tròn, các giáo sư lão thành phát biểu ý kiến, v.v… Nhưng buổi đầu khóa tu lại nghe tụng kinh, mấy trăm thầy tu niệm Bồ tát Quan Thế Âm… Họ sốc lắm nhưng đến cuối khóa tu thì có khoảng 500 người thọ Năm Giới. Một cô thiền sinh tham dự khóa tu đã chia sẻ: “Rõ ràng là nếu bây giờ bạn muốn có một đời sống bình an và bảo vệ sự sống, bạn phải có một cái nhìn sáng tỏ về cách thức tiêu thụ. Năm giới là sự đóng góp cho nền đạo đức toàn cầu.” Chia sẻ của cô liên quan đến kinh nghiệm thực tập về giới thứ 2: Hạnh phúc chân thật và giới thứ 5: Tiêu thụ có chánh niệm.

          Khóa tu chấm dứt thật tuyệt vời, không ai muốn ra về. Ai cũng đòi chụp hình với quý thầy quý sư cô. Ba tăng thân ở Toronto đồng tổ chức khóa tu này, mỗi tăng thân được tặng một bức thư pháp của Sư Ông. Các bạn tình nguyện viên thì ra về hạnh phúc với tấm áo pull có dòng chữ: “Happy teacher will change the world”. Sư cô Định Nghiêm chia sẻ: “Các thầy cô giáo tội lắm, họ khát khao tu tập, làm cho chị ước gì từ đây về sau cứ dành khóa tu cho họ, để sau đó họ lại đi dạy bao nhiêu là con nít và người trẻ.

          Một vài hình ảnh của khóa tu:

          Có trà trong thư pháp của Thầy

          u

          m. 

          Ban tổ chức và các tình nguyện viên

          in clusive irises family

          Các em nhỏ chơi trò chơi ngoài trời

          Điểm đến của nền giáo dục hiện đại

          Sư Ông Làng Mai cùng gần 30 quý thầy quý sư cô rời phi trường Bordeaux ngày 08.08.2013 để tới Toronto, Canada bắt đầu cho chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ kéo dài gần ba tháng với sự mong đợi của các thầy các sư cô ở các tu viện Lộc Uyển, Bích Nham và Mộc Lan cũng như rất nhiều các tăng thân cư sĩ người Việt, người Mỹ và người Canada. Trong Tăng đoàn đi Bắc Mỹ có các vị đệ tử lớn của Người như sư cô Chân Không, thầy Pháp Đăng, thầy Pháp Niệm, thầy Pháp Dung, sư cô Thoại  Nghiêm, sư cô Định Nghiêm, sư cô Tuệ Nghiêm, sư cô Bích Nghiêm, sư cô Thanh Ý… và cũng có các thầy, các sư chú, các sư cô trẻ khác cùng đi.

          Khoá tu dành cho giáo chức và sinh viên với chủ đề: Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới có 1326 thiền sinh trong đó có tới 780 nhà giáo dục và 931 thiền sinh mới dự lần đầu tiên. Ba tu viện của Làng ở Mỹ đã đề cử hơn một nửa quý thầy, quý sư cô thường trú (hơn 30 vị) đến Toronto để cùng Sư Ông hướng dẫn cho khóa tu này. Trong đó có Sư cô Trung Chính, sư cô Giới Nghiêm, sư cô Thệ Nghiêm, sư cô Kính Nghiêm, thầy Pháp Hải,… Các sư chú mới xuất gia trong gia đình cây Kim Ngân Hoa (tháng 11/2012) cũng được cùng các sư cha, sư mẹ đi hướng dẫn khóa tu. Sư cô Linh Nghiêm (Làng Mai Thái Lan) và sư cô Châu Nghiêm (Học viện EIAB – Đức) cũng có mặt để yểm trợ. Trong khóa tu này có tới 55 gia đình pháp đàm trong đó có những nhóm dành riêng cho giáo sư đại học, giáo sư trung học… sinh viên và có chương trình thanh thiếu niên và chương trình dành cho trẻ em (có khoảng 45 em). Thiền sinh tới từ Mỹ, Mexico, Canada,… ai cũng khao khát tu học, hết lòng thực tập và trông cậy vào sự thực tập Chánh Niệm như một hướng đi cho tương lai của ngành giáo dục hiện đại.

          Niệm danh hiệu Bồ Tát Avalokiteshvara

          Ngày 11/08, sau lời khai thị của Sư Ông, quý thầy quý sư cô đã niệm danh hiệu Bồ Tát Avalokiteshvara để mở đầu cho khóa tu rất trang nghiêm và cảm động. Sư Ông bắt đầu buổi hướng dẫn tổng quát với những lời hướng dẫn ngắn gọn về thiền hành trong khoảng 15 phút: Thiền hành là một phương pháp thực tập mầu nhiệm để có thể sống một cách sâu sắc trong giây phút hiện tại, trong đời sống hàng ngày. Mỗi bước chân đều có thể đưa chúng ta trở về với ngôi nhà đích thực của mình ngay bây giờ và ở đây. Trở về để cảm nhận những màu nhiệm của sự sống. Trở về để tiếp xúc với những yếu tố trong lành xung quanh để có thể được nuôi dưỡng và trị liệu. Điểm đến của chúng ta là trong mỗi bước chân. Mỗi chúng ta đều ý thức rằng, quá khứ đã đi qua và tương lai chưa tới. Chỉ có một giây phút duy nhất mà sự sống tồn tại. Về với giây phút hiện tại không phải là một tuyên ngôn mà là sự chứng nghiệm.

          Với phong cách giảng hóm hỉnh chứa đựng đầy tình thương, Sư Ông từ bi nhắc lại những các thực tập thở như thế nào khi đi. Kết hợp bước chân và hơi thở: Thở vào bước 2 – 3 bước: đã về, đã về; thở ra bước 3 – 4 bước: đã tới, đã tới, đã tới. Làm sao để có thể về trong từng bước chân của mình và bước đi như một con người tự do. Mỗi bước chân đều có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi bước chân có thể chế tác được vững chãi và tự do. Chỉ cần thực tập thiền hành, mỗi chúng ta đã có thể tự trị liệu. Sư Ông luôn luôn gây cảm hứng thực tập cho các Sư con của mình cũng như thiền sinh trên khắp thế giới bằng chính niềm vui, hạnh phúc, sự vững chãi trong mỗi bước đi.

          Sư Ông còn kể một câu chuyện về một cô phóng viên tới Làng với dự định là viết một bài về thực tập Chánh Niệm. Cô ở lại xóm Mới hai tuần, và mặc dù cô đã nghe tất cả những lời hướng dẫn về thiền hành nhưng buổi đầu tiên khi cô thực tập, tâm cô đã “từ chối” không chịu đi thiền hành cùng với đôi chân của cô. Nhưng chỉ sau đó 15 phút, cô đã có thể đưa tâm trở về và tận hưởng từng bước chân của mình. Khi trở về cô đã viết một bài báo về Làng Mai với tựa đề: Xứ sở của giây phút hiện tại. Sư Ông khen bài báo đó rất hay vì nó đã được viết bằng chính kinh nghiệm thực tập của cô phóng viên.

           

          Hướng dẫn tổng quát.jpg

          Sư cô Tùng Nghiêm và Thầy Pháp Hải cho hướng dẫn tổng quát

          Sau đó, Sư Ông mời thầy Pháp Hải tới từ tu viện Lộc Uyển (Mỹ) và sư cô Tùng Nghiêm tới từ Làng Mai Pháp Quốc lên chia sẻ về những thực tập cụ thể trong khóa tu. Trước khi đi nghỉ Sư Ông mời đại chúng sáng hôm sau đi thiền hành với Sư Ông vào lúc sáu giờ sáng trước buổi ngồi thiền.

          Vì thiền sinh khá đông nên sáng hôm sau, ban tổ chức chia thành hai nhóm để đi thiền hành. Một nhóm do Sư Ông hướng dẫn và một nhóm do Sư cô Trung Chính (tu viện Lộc Uyển) hướng dẫn đi từ hai tòa nhà của đại học Brock. Khi sư ông ngồi xuống nghỉ thì nhóm do sư cô Trung Chính hướng dẫn nhập vào và sau khi ngồi thiền một vài phút, Sư Ông dẫn đại chúng về thiền đường rồi bắt đầu giờ thiền tọa.

          Đi như một con người tự do

          Trước khi đi Bắc Mỹ, thầy Pháp Dung đã gửi một lá thư cho Bộ trưởng bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam Phạm Vũ Luận để chia sẻ về ước mơ: Đem chánh niệm vào các lãnh vực giáo dục Việt Nam. Trong lá thư thầy Pháp Dung có chia sẻ: “Có thể Việt Nam đang nhìn về phương Tây để tìm kiếm một mô hình giáo dục cho đất nước mình. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam vốn là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, trong đó giáo dục là một khía cạnh thiết yếu và quan trọng của nền văn hóa dân tộc. Lịch sử Việt Nam đã có biết bao vị thầy lỗi lạc đáng để chúng ta kính ngưỡng và học hỏi. Tình nghĩa thầy trò cũng là một di sản văn hóa quý giá và độc đáo của Việt Nam. Thật vậy, nghề giáo luôn được đánh giá cao và rất được quý trọng trong xã hội Việt Nam. Vào dịp lễ Tết, các bậc phụ huynh và học sinh đều đến thăm thầy cô giáo để bày tỏ tấm lòng quý kính và biết ơn của mình. Không những vậy, Việt Nam còn có ngày lễ truyền thống để tôn vinh các nhà giáo, đó là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng thời nhận thấy rằng truyền thống giáo dục của Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trước tình trạng các trường học hiện chú trọng quá nhiều vào thi cử và bằng cấp, giáo viên và học sinh ngày càng bị áp lực căng thẳng và không có sự thực tập để giúp họ lắng dịu thân tâm và chăm sóc các cảm xúc mạnh. Chính vì vậy mà chúng tôi mong muốn cung cấp một chương trình đào tạo có khả năng đưa sự thực tập chánh niệm vào trong mô hình giáo dục hiện đại, đồng thời giúp duy trì và nuôi dưỡng tình nghĩa thầy trò trong trường học.” Lá thư đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các bạn trẻ trong đó có giảng viên, sinh viên, học sinh tại Việt Nam.

           

          14/08, khóa tu đã tới ngày thứ 4, các bài pháp thoại đã được đưa trên Pháp đường trực tuyến. Ngày mai, thiền sinh sẽ được đặt câu hỏi trực tiếp với Sư Ông. Ban biên tập sẽ chuyển ngữ những lời dạy của Sư Ông trong khóa tu này và đăng trong thời gian tới để chia sẻ với quý vị về những lời dạy của Người. Ước mong các thầy cô và các bạn sinh viên, học sinh Việt Nam có thể thừa hưởng được tuệ giác của Thầy và ứng dụng những thực chánh niệm vào trong việc giảng dạy cũng như học tập của mình.

          Một số hình ảnh về khóa tu:

          Niệm danh hiệu Bồ Tát (4).jpg

          Niệm danh hiệu Bồ Tát như một cơ thể


          Thiền hành (1).jpg

          Từng bước chân thảnh thơi

          Ngồi yên (1).jpg

          Ngồi yên như núi




          Hoằng Pháp Tại Bắc Mỹ

          Điểm đến của nền giáo dục hiện đại
          Khóa tu dành cho giáo chức 11-16.08 tại đại học Brock, Toronto, Canada
          Khóa tu dành cho giáo chức tại đại học Brock (11-16/08/2013), Toronto, Canada
          Nghệ thuật xử lý khổ đau
          Khóa tu tại tu viện Bích Nham 25.8-30.8/2013
          Nhật ký thị giả
          Khóa tu tại Tu viện Bích Nham 2013
          Ngày Chánh Niệm tại World Bank, 9-10.09.2013
          Ghi chép của thị giả về những lời dạy của Sư Ông cho ông Kim Young Jim – Chủ tịch Ngân hàng thế giới (World Bank) và nhân viên trong hai ngày sinh hoạt chánh niệm (9-10.09.2013) tại World Bank, Washington DC.
          Tổng kết chuyến đi Bắc Mỹ

          Sinh hoạt năm 2013

          Hoằng Pháp Tại Bắc Mỹ
          11.8 – 27.10
          Hoằng pháp tại EIAB
          Hoằng pháp tại Hongkong (AIAB)
          18-27.05.2013
          Hoằng Pháp tại Hàn Quốc
          01.05-14.05.2013
          Hoằng pháp tại Thái Lan
          29.03.2013 – 28.04.2013
          Khóa tu gia đình – Singapore (16-20.03.2013)
          Hoằng pháp các nơi khác
          Làng Mai mùa Xuân
          Làng Mai mùa Hè
          Khóa tu dành cho người nói tiếng Pháp 2013
          15-22/03/2013
          Tay trong tay ta đi tới
          Khóa tu xuất sĩ 17-24/02/2013
          DVD “Bước tới thảnh thơi, Đi trong chánh niệm”
          Bụt và Tổ trong ta
          Làng Mai mùa thu
          Làng Mai mùa Đông
          Lễ xuất gia cho 27 cây Đoàn (Linden tree)
          “…Khi mình xuất gia, mình phải buông bỏ hết. Mình tham dự vào Tăng đoàn và không còn nghĩ tới một tương lai riêng của mình nữa. Tương lai của mình là tương lai của Tăng đoàn. Sự nghiệp của mình là sự nghiệp của Tăng đoàn. Những khó khăn của mình trở thành những khó khăn của Tăng đoàn. Những thành đạt của mình trở thành những thành đạt của Tăng đoàn. Và ngược lại, những khó khăn của Tăng đoàn trở thành những khó khăn của mình, và những thành đạt của Tăng đoàn cũng trở thành những thành đạt của mình. Mình không có một cái ta riêng nữa, không có một tương lai riêng nữa. Mình có một tương lai chung”.

          Lễ xuất gia của 42 Cây Sồi Đỏ

          Ngày hôm nay đẹp lắm thật mà!

          Sáng ngày 18/12/2014, tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, 42 Cây Sồi Đỏ đã ra đời trong niềm vui của tứ chúng Làng Mai. Lễ xuất gia diễn ra thật trang nghiêm, ấm áp và đầy tình thương. Dường như ai trong đại chúng cũng cảm thấy lòng hân hoan, tươi mới khi được chứng kiến các giới tử với gương mặt sáng ngời đang quỳ xuống tiếp nhận giới pháp.

          Sư Thúc Chí Mãn đã thay mặt Sư Ông Làng Mai truyền giới Sadi và Sadi ni cho các giới tử. Quý thầy, quý sư cô lớn xuống tóc và trao y cho các giới tử. Lễ xuất gia cũng được truyền trực tuyến đến trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan (Gia đình Cây Sồi Đỏ có 10 em được xuất gia tại Làng Mai và 31 em được xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan và một em được xuất gia tại tu viện Lộc Uyển, Mỹ).

          Đến từ các quốc gia khác nhau (Việt Nam, Thái Lan, Phi-líp-pin, Thụy Sĩ, Pháp, Ireland và Mỹ), 42 người trẻ cùng chung lý tưởng này đã tìm về dưới mái nhà tâm linh, quyết tâm buông bỏ mọi ràng buộc để cùng đi trên con đường của hiểu biết và thương yêu. Năng lượng của Tâm Bồ Đề dũng mãnh và tinh khôi đã lan tỏa và làm xúc động tất cả mọi người có mặt trong buổi lễ xuất gia hôm ấy, đặc biệt là cha mẹ và người thân của các giới tử.

          Lễ xuất gia tại Làng Mai

          Lễ xuất gia tại Thái Lan

          Mặc dù Sư Ông không trực tiếp có mặt trong buổi lễ xuất gia, nhưng năng lượng và tình thương lớn của Người vẫn tỏa chiếu trong từng ánh mắt, nụ cười của quý thầy, quý sư cô có mặt trong buổi lễ và trong gương mặt rạng rỡ, sáng ngời của các sư em tân sadi, sadi ni.

          Sư Ông và Tăng thân đã đặt cho 42 Cây Sồi Đỏ những cái tên thật đẹp, chan chứa bao tình thương và sự gửi gắm của Bụt, của Thầy và Tăng thân:

          Trời Bến Giác, Trời Hải Thượng, Trời Hồng Bàng, Trời Văn Lang, Trời Tịnh Trú, Trời Vững Chãi, Trời Đại Địa, Trời Hoan Hỷ, Trời Dương Xuân, Trời Đại Việt, Trời An Trú;

           

          Trăng Trúc Lâm, Trăng Chánh Định, Trăng Thuần Hậu, Trăng Chánh Niệm, Trăng Chánh Tuệ, Trăng Mặc Chiếu, Trăng Thương Yêu (Bác Ái Nguyệt), Trăng Từ Hòa, Trăng Thảnh Thơi (Tự Tại Nguyệt), Trăng Viên Mãn, Trăng Thiên Lý, Trăng Từ Mãn, Trăng Thiên Ý, Trăng Bình An, Trăng Khiêm Cung, Trăng Ngân Hà, Trăng Bao Dung, Trăng Từ Bi, Trăng Hòa Hợp, Trăng Trung Hậu, Trăng Từ Hiếu, Trăng Tinh Tấn, Trăng Vô Ưu, Trăng Thiên Ân, Trăng An Lạc, Trăng Cát Tường, Trăng Tịnh Mặc, Trăng Tuổỉ Ngọc, Trăng Hòa Ái, Trăng Lam Điền, Trăng An Hòa.

          Tái sinh trần tạ ơn Người từ bi

          Sau buổi lễ xuất gia, đại chúng có một buổi thiền trà để chào đón các thành viên mới của gia đình Áo Nâu. Không khí thật đầm ấm và tươi vui! Nhìn các sư em vừa mới được cạo sạch mái tóc, mặc vào chiếc áo nâu giản dị, khiêm cung, trông ai cũng sáng đẹp, rạng ngời!

          Trong buổi thiền trà, các sư em Cây Sồi Đỏ được có cơ hội chia sẻ và nói lên lòng biết ơn của mình với Thầy, với Tăng thân cũng như với cha mẹ và người thân. Dưới đây là một vài chia sẻ rất dễ thương của các sư em:

          Thiền trà ở Làng

          Thiền trả ở Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan

          Sư em Trăng Chánh Định (người Phi-líp-pin) chia sẻ: “Con rất hạnh phúc vì mẹ, anh chị và hai cháu của con đã có mặt để yểm trợ cho con trong buổi lễ xuất gia sáng nay. Con rất biết ơn gia đình con. Mặc dù gia đình con theo truyền thống Cơ Đốc Giáo, nhưng mọi người trong gia đình đã mở lòng chấp nhận cho con được xuất gia theo truyền thống đạo Bụt. Sáng nay, trong lúc ngồi thiền trước khi buổi lễ xuất gia bắt đầu, tự nhiên trong con đi lên hình ảnh những vị thầy đã từng dẫn dắt con trên con đường tu tập và cho con có được ngày hôm nay. Lòng con tràn đầy niềm biết ơn! …”

          Sư em Trăng Vô Ưu: “Hôm nay con rất là vui và niềm vui làm cho khuôn mặt của con tròn ra, hơi bất bình thường (cười). Hôm qua con đi ngủ sớm, sáng nay 3 giờ rưỡi là con đã mở mắt rồi. Con cứ trông cho đến giờ để mình lên đường…Con tự nói với lòng mình là sáng nay mình phải cứng rắn lên, không được khóc. Con đã chọn được con đường. Sư Ông và ba mẹ đã giúp con tìm thấy con đường, cho nên con không có gì phải khóc. Vậy mà cuối cùng con cũng vẫn khóc…nhưng những giọt nước mắt đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Giờ này chắc là mẹ con cũng đang khóc ở nhà…Ba mẹ thương con rất nhiều. Sáng nay lúc cạo tóc, con cảm thấy rất biết ơn ba mẹ đã cho con mái tóc như vậy. Còn bây giờ (vừa rờ đầu), đầu con hơi cứng cứng, nó là lạ làm sao! Con thấy rất là vui vì bây giờ con được giống quý thầy, quý sư cô và được làm đệ tử của Sư Ông…”

          Sư em Trăng Hòa Hợp: “Tên ba mẹ con đặt là Xuân Lộc. Tên mới của con là Chân Trăng Hòa Hợp. Lúc vừa ra khỏi thiền đường, chị con hỏi: em có thích tên mới không? Con nói: thích chớ! Chị con nói: lạ quá, tưởng em thích mấy cái tên như Trúc Lâm, hay tên núi, tên sông gì chớ…Con thích núi lắm! Nhưng thật ra khi nghe tên Hòa Hợp, con cũng thích lắm! Con nói sao quý thầy, quý sư cô “ngầu” quá đi, sao biết ruột con hết vậy? (cười) Lúc nhỏ con có tập khí chọc người khác lắm, đến bây giờ vẫn còn. Con thích chơi một mình, và cứ ngồi một mình là con lại nghĩ ra một trò gì đó để chọc người khác. Và đó là nguyên nhân của sự bất hòa trong một thời gian ngắn (cười). Con sẽ thực tập để không đi tìm niềm vui trong chuyện chọc phá người khác nữa. Và con sẽ thực tập để con có niềm vui nhiều hơn, hạnh phúc nhiều hơn, cho thân tâm con được hòa hợp. Và trong trường hợp có các sư anh, sư chị nào đang giận nhau, con giả bộ bước qua một cái, con đi tới, đi lui…các sư anh, sư chị nhìn thấy con thì  nhớ là mình phải sống hòa hợp nha! Sư Ông rất muốn mình sống hòa hợp với nhau và thương nhau (cười). Con rất biết ơn quý thầy, quý sư cô đã yểm trợ cho con. Con nhớ câu Kiều đầu năm của con là: Trùng sinh ân nặng bể trời/ Tái sinh trần tạ ơn người từ bi. Con thấy con vừa được tái sinh và con sẽ tiếp tục tái sinh…”

          Một số hình ảnh của lễ xuất gia tại Làng Mai:

           

           

           

           

           

           

           


          Xem thêm hình ảnh Lễ xuất gia của gia đình Cây Sồi tại Làng Mai và Thái Lan: https://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/xuat-gia-cay-soi-do

           

           

          Lễ Đối thú khai mạc khóa an cư kiết đông 2014 – 2015

          Sáng ngày 15.11.2014, tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng đã diễn ra lễ Đối thú An cư năm 2014 – 2015 trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh với sự tham dự của đông đảo tứ chúng Làng Mai.

          Điều đặc biệt là lễ Đối thú an cư năm nay đã diễn ra với sự chứng minh của Chư Tôn Đức cùng đông đảo quý thầy, quý sư cô lớn về từ các trung tâm Làng Mai ở Mỹ, Hồng Kông, Paris…Sự có mặt của Chư Tôn Đức và quý thầy, quý sư cô lớn khiến cho ai trong đại chúng cũng xúc động trước năng lượng ấm áp và hùng hậu của một đại gia đình tâm linh.

          Trong không khí trang nghiêm, hùng tráng của buổi lễ, tất cả đại chúng đều ý thức rằng Thầy vẫn đang có mặt và đang an cư cùng đại chúng. Nhớ lại ngày này năm ngoái, Thầy đã có lời chia sẻ và sách tấn đại chúng:

          "Thường thường chúng ta nói rằng ngày Tự tứ là ngày vui nhất của Đức Thế Tôn. Nhưng theo Thầy, ngày vui nhất của Đức Thế Tôn là ngày đối thú an cư, tại vì ngày đó mình thấy rõ ràng trước mặt mình có tới 90 ngày để sống chung với nhau và thực tập chung với nhau…

          Chúng ta là những người may mắn, tại vì ở châu Âu hay châu Mỹ, ít nơi nào có thể tổ chức được ba tháng an cư và có tăng thân tu học đông đảo như ở Làng Mai, cho nên đây là một hạnh phúc rất lớn mà Thầy trò mình được hưởng. Trong mùa an cư này, chúng ta phải xây dựng lại sức khỏe tâm linh cũng như sức khỏe thể chất. Chúng ta làm như vậy không chỉ là cho riêng chúng ta, mà làm cho tất cả mọi người. Tại vì nếu chúng ta không có một sức khỏe tâm linh và sức khỏe thể chất thì chúng ta không đi xa được…”

          Mùa an cư năm nay, tại xóm Thượng và Sơn Hạ có 52 vị tỳ kheo, 18 vị sadi, 60 vị cận sự nam, tổng cộng là 130 vị; tại xóm Hạ có 57 vị tỳ kheo ni, 5 vị sadi ni và 13 vị cận sự nữ, tổng cộng là 75 vị; tại xóm Mới có 57 vị Tỳ kheo ni, 1 vị Thức xoa ma na, 9 vị Sa di ni và 18 cận sự nữ, tổng cộng là 85 vị. Như vậy, số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn trong mùa an cư kiết đông năm nay là 290 vị, tất cả đều sẽ an trú, tu tập miên mật trong 90 ngày.

          Trong lễ đối thú an cư, thầy Pháp Cầu, sư cô Hội Nghiêm, sư cô Từ Nghiêm, sư cô Giác Nghiêm  thay mặt cho đại chúng – các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sadi, sadi ni, cận sự nam và cận sự nữ – của chùa Pháp Vân (xóm Thượng), chùa Sơn Hạ (Sơn Hạ), chùa Cam Lộ (xóm Hạ), chùa Từ Nghiêm (xóm Mới) và Thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Paris) – thỉnh cầu Thầy Làng Mai (được đại diện bởi quý thầy, quý sư cô lớn trong đại chúng: thầy Pháp Đăng, sư cô Bảo Nghiêm, sư cô Thanh Ý và sư cô Gia Nghiêm) làm chỗ nương tựa cho đại chúng trong ba tháng an cư kiết đông.

          Dưới đây là lời tác bạch của thầy Pháp Cầu thay mặt cho thầy trụ trì chùa Pháp Vân (xóm Thượng):

          "Chúng con biết chúng con còn nhiều vụng về, yếu kém và sự thực tập chưa thực sự miên mật nhưng chúng con có niềm tin rất lớn vào Thầy và rất an tâm khi được nương tựa vào những chỉ dạy tận tụy của Thầy. Thầy luôn nhắc nhở chúng con phải nuôi lớn tình huynh đệ vì đó là chất keo sơn để giúp mình dán chặt với tăng thân, để đi xa và lâu bền trên con đường cùng nhau chuyển hóa, độ đời. Tình huynh đệ chính là tâm đại từ, đại bi nên khi phát nguyện xây dựng tình huynh đệ chính là nuôi lớn tâm đại từ, đại bi ấy. Có từ, có bi là có đủ năng lượng và hạnh phúc để thực hiện chí nguyện sâu sắc nhất của mình.

          Trong mùa an cư kiết đông này, chúng con nguyện thực tập những điều vô cùng căn bản mà Thầy luôn dạy dỗ, khích lệ, đó là hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm, để chế tác được hỷ, lạc trong đời sống hàng ngày. Và làm sao để cảm thấy ngày càng buông thư, thảnh thơi khi tham dự thời khóa của đại chúng, để  thấy thời khóa là tự do mà không phải là cưỡng ép, mệt nhọc. Nhờ nương tựa và tu tập trong vòng tay che chở và kiên nhẫn của tăng thân mà chúng con thấy được rằng những thực tập căn bản hàng ngày như hơi thở có ý thức, buông thư, thiền hành, ăn cơm im lặng, làm mới là những thực tập thiết yếu để gieo trồng hạnh phúc. Và đỉnh cao của đạo Bụt, của sự rong chơi chính là rèn luyện những pháp hành ấy một cách nhu nhuyến nhất. Thầy là người có hạnh phúc lớn, biết rong chơi. Hôm nay chúng con quỳ ở đây, trước Thầy, chúng con cảm thấy may mắn vô cùng để dâng lên Thầy và tăng thân những phát nguyện ấy. Kính xin Thầy chứng minh và chấp nhận cho chúng con".

          Lời tác bạch của sư cô Hội Nghiêm đại diện chùa Cam Lộ (xóm Hạ):

          "Chúng con kính bạch Thầy!

          Trong những ngày vừa qua Thầy đã nhắc nhở cho chúng con ý thức sâu hơn về vô thường, giúp chúng con trở về trân quý sự sống, trân quý các sư anh, sư chị, sư em, trân quý những người thương của mình nhiều hơn và rõ ràng hơn. Chúng con ý thức rằng nếu mỗi hơi thở chúng con thở trong chánh niệm, nếu mỗi bước chân chúng con bước đi trong ý thức, nếu mỗi nụ cười chúng con cười cho có hạnh phúc thì Thầy luôn ở trong mỗi chúng con và chung quanh chúng con. Trong mùa đông này, đại chúng xóm Hạ chúng con nguyện thực tập tinh chuyên và nuôi lớn Thầy trong tự thân mỗi chúng con. Mỗi khi cảm xúc đi lên, chúng con sẽ trở về theo dõi hơi thở thật sâu, bước những bước chân thật vững chãi để tiếp xúc với Thầy trong mỗi chúng con. Chúng con biết rằng ước muốn của Thầy là xây dựng tăng thân và nuôi lớn tình huynh đệ. Trong mùa an cư này chúng con nguyện làm điều đó. Và đó là món quà quý nhất mà chúng con dâng lên Thầy.

          Thầy đã trao truyền cho chúng con rất nhiều pháp môn, Thầy đã lập cho chúng con một tăng thân rất đẹp. Chúng con nguyện sẽ gìn giữ và làm đẹp mãi mãi. Thầy đã từng nói: Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ. Hôm nay con cũng thấy rằng: Đã có tăng thân rồi, con không còn lo sợ. Chúng con nguyện trong mùa đông này sẽ thực tập chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau, bỏ qua những lỗi lầm nho nhỏ, để đến với nhau bằng tình chị em, bằng tình huynh đệ. Sáng nay con đường mùa thu từ xóm Hạ lên xóm Thượng rất đẹp và chúng con đã thở bằng hơi thở của Thầy, ngắm mùa thu cho Thầy. Con đường xóm Thượng cũng rất đẹp. Chúng con đã đi dạo bằng đôi chân ý thức của Thầy, bằng hơi thở của Thầy và bằng cái nhìn của Thầy. Chúng con nguyện giữ gìn cho nhau, chăm sóc nhau, thương yêu nhau để có một mùa an cư đẹp và lành, như mùa thu sáng hôm nay. Chúng con xin Thầy từ bi chấp nhận lời tác bạch của chúng con."

          Thay mặt cho Thầy Làng Mai, quý thầy, quý sư cô lớn đại diện cho các chùa của Làng Mai (thầy Pháp Đăng, sư cô Bảo Nghiêm, sư cô Thanh Ý và sư cô Gia Nghiêm) đều có lời chia sẻ, sách tấn đại chúng. Dưới đây là lời chia sẻ của Thầy Pháp Đăng:

          Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Sakya Mâu Ni
           
          Kính bạch Thầy!
           
          Kính thưa chư Tôn Đức!

           

           

          Chúng con cảm thấy hạnh phúc và thật ấm áp trong lòng khi được an cư với sự có mặt của Thầy trong mùa Đông năm 2014-2015, dù thân Thầy đang thị hiện một chút bệnh nhưng tâm Thầy đang tỏa sáng.

          Chúng con cảm thấy hạnh phúc và ấm áp trong lòng khi có sự hiện diện của chư Tôn Đức để chứng minh buổi lễ Đối thú An Cư và có mặt để yểm trợ của các sư anh, sư chị từ các đạo tràng khác trong mùa an cư năm nay.

          Chúng con cảm thấy hạnh phúc và ấp áp được an cư với tăng thân. Hiện giờ, tăng thân đang thực tập vững chãi.

          Trong ý thức biết ơn và sáng tỏ ấy, đây là giây phút ấm áp và hạnh phúc cho tất cả chúng con. Sự thị hiện bệnh của Thầy giúp cho chúng con thức dậy để thực tập hết lòng và ý thức rõ đời mong manh như hạt sương, bóng nước.

          Chúng con nguyện đặt niềm tin vào sự thực tập. Chỉ có sự thực tập thì mỗi chúng con mới chế tác được năng lượng an lạc, vững vàng, thảnh thơi và nếu hợp lại năng lượng ấy thì cả tăng thân sẽ vững vàng và thảnh thơi.

          Nhiều khi sự thực tập của chúng con còn yếu và chính cái đó làm cho chúng con bất an, lên xuống, lo lắng. Nếu chúng con thực tập hết lòng thì Thầy luôn có mặt. Chánh niệm mạnh thì niềm vui, sự bình an, hạnh phúc sẽ lớn. Điều này tuy đơn giản nhưng chúng con thường hay quên.

          Chúng con đặt niềm tin nơi tăng thân. Không có tăng thân, chúng con dễ rơi vào cảm giác cô đơn, tuyệt vọng. Cái đẹp của tăng thân là sự hòa hợp và thanh tịnh. Chúng con nguyện thực tập mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi lời nói, sự lắng nghe, mỗi tư duy trong hòa hợp. Nếu chưa hòa thì anh em ngồi lại với nhau chia sẻ mà hòa giải và không nói khi người khác không có mặt, không giữ sự bất hòa ở trong lòng khiến cho tăng thân đi xuống. Trong buổi họp, chúng con có quyền được chia sẻ nhưng sau đó chúng con thực tập buông bỏ ý kiến riêng để sự quyết định của tăng thân được hòa hợp.

          Sự thanh tịnh của tăng thân là sự thực tập giới luật và uy nghi. Mùa Đông này, ban giáo thọ đã ra quyết định là không lên mạng cho việc cá nhân. Mong quý thầy, quý sư chú, các vị cận sự nam ở xóm Thượng không dùng internet, trừ những vị có những phận sự được đại chúng giao phó.

          Chúng con đặt niềm tin nơi các vị trụ trì trẻ, các sư anh, các sư chị, các sư em trẻ. Các sư em trẻ phải biết dùng tất cả tài năng của mình để cống hiến cho tăng thân. Các sư em nhớ lắng nghe các sư anh lớn, và các sư anh ấy cũng biết lắng nghe các sư anh lớn hơn nữa, và như vậy tăng thân mới có sự tiếp nối tương thân, tương tức trong tình thương và hòa điệu, thì thế nào tăng thân sẽ vững mạnh.

          Cuối cùng chúng con đặt niềm tin nơi tuệ giác ‘bất sinh bất diệt’ của Bụt mà Thầy đã trao truyền: Đám mây không thể nào chết được mà chỉ biến thành cơn mưa hát ca rơi xuống đất mẹ thân yêu để tưới mát cho ruộng vườn, cỏ cây, hoa lá và muôn loài.

           

          Người thương của chúng con đều là những đám mây. Thầy là một đám mây vĩ đại; cũng như đám mây, Thầy không thể nào từ có mà thành không, không thể nào từ sinh mà thành diệt. Đám mây ấy đã làm ra những cơn mưa pháp rơi vào đất tâm của tất cả chúng con và mọi người khắp trên thế giới. Nhìn đâu, chúng con cũng Thầy xuất hiện.

          Chúng con kính chúc chư Tôn Đức, quý thầy, quý sư chú, các cận sự chùa Pháp Vân gặt hái được nhiều hoa trái để xây dựng một tăng thân đẹp có tình anh em làm chỗ nương tựa cho nhiều người trên thế giới. Mỗi một người tỏa sáng thì cả tăng thân sẽ tỏa sáng, nghĩa là pháp thân Thầy Tổ và chư Bụt sẽ tỏa sáng.

           

           

          Một số hình ảnh của Lễ Đối thú An cư 2014 – 2015:

           

           

           

           

          Xem thêm hình ảnh về Lễ Đối thủ An cư.>>

          Mừng ngày biểu hiện của 29 Cây Trắc Bá

          Mở thêm rộng lớn con đường

          Tin vui vừa mới đến! Đó là Gia đình Áo Nâu vừa có thêm 29 thành viên mới – 29 cây Trắc Bá. Đây là niềm vui lớn của tứ chúng Làng Mai trước khi bước vào khóa tu mùa hè.

          Sáng ngày 2.7.2014, tứ chúng Làng Mai đã vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng để yểm trợ năng lượng cho lễ xuất gia của 29 em trong gia đình Cây Trắc Bá – trong đó 9 em được xuất gia tại Làng Mai và 20 em được xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan.

          Tất cả mọi người có mặt hôm ấy, đặc biệt là cha mẹ và người thân của các em, đều vô cùng  xúc động trong giờ phút thiêng liêng khi các em được Thầy xuống tóc.

          “Cạo sạch mái tóc

          Nguyện cho mọi người

          Dứt hết phiền não

          Độ thoát cho đời”.

          Tại Làng Mai

          Tại Thái Lan

          Nhìn ánh mắt sáng ngời và nét mặt rạng rỡ của 29 giới tử – phần lớn là người trẻ – đến từ nhiều quốc gia khác nhau (Thụy Sĩ, Úc, Anh, Malaysia, Singapore, Đức và Việt Nam) cùng quỳ xuống tiếp nhận giới pháp, ắt hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: điều gì đã khiến cho những người trẻ này quyết định xuất gia? Phải chăng họ thất tình, chán đời mà đi tu? Chúng ta hãy nghe chia sẻ của hai sư chú trong gia đình Cây Trắc Bá.

          Sư chú Trời Đại Dụng – 24 tuổi, người Malaysia:

          “Trước khi biết đến Thầy và pháp môn tu học ở Làng Mai, con hầu như không biết gì về đạo Bụt. Con nghĩ đạo Bụt chỉ là cầu nguyện và khấn vái mà thôi. Trước đây, con luôn tìm kiếm một hướng đi cho cuộc đời mình, con không biết phải làm gì với cuộc đời mình. Con tìm kiếm hạnh phúc và đắm mình trong những thú vui của tuổi trẻ. Vì vậy mà con hiếm khi có mặt ở nhà với gia đình. Cha của con khi đó cũng rất nóng tính, đó cũng là một trong những lý do khiến cho con không muốn có mặt ở nhà với cha mẹ. Nhưng sau một vài năm thực tập theo pháp môn Làng Mai, cha con đã thay đổi và có thể nói những lời dịu dàng, từ ái với con cũng như với mọi người trong gia đình. Điều này làm cho con rất xúc động và mối liên hệ giữa hai cha con trở nên tốt đẹp hơn. Dần dần, con cũng đi theo cha đến những ngày quán niệm do tăng thân địa phương tổ chức. Và đó là nhân duyên giúp con tiếp xúc với những lời dạy của Thầy. Kể từ đó, con thực sự thấy là mình cần phải dừng lại cách sống không lành mạnh trước đây. Con muốn sống một đời sống có ý nghĩa. Con muốn hết lòng thực tập để chuyển hóa những khổ đau trong tự thân…Con thấy mình thật may mắn vì được sự yểm trợ hết lòng của gia đình và được sự chỉ dạy trực tiếp của Thầy”(được chuyển ngữ từ tiếng Anh).

          Sư chú Trời Đại Đồng – 31 tuổi, người Việt:

          “Con lớn lên cũng thường đi chùa, nhưng cũng chỉ đi vãng cảnh hoặc thắp hương khấn vái. Tình cờ cách đây khoảng hơn 3 năm, con trông thấy một vài cuốn sách Phật giáo ở nhà một người bạn, và con mượn về đọc. Không biết nhân duyên thế nào mà con mượn được cuốn Đường xưa mây trắng và Người Vô sự. Sau khi đọc xong cuốn Đường xưa mây trắng thì con mê Phật giáo liền, một đạo Bụt của sự thực tập chứ không phải là việc đi chùa vãng cảnh như trước nữa. Trong thời gian đọc sách của Thầy, con cũng có thực tập, nhưng chỉ thực tập một mình nên cũng không có kết quả gì cả. Và mùa hè năm ngoái, con thu xếp được thời gian để về Làng Mai tham dự hai tuần đầu của khóa tu. Có được sự thực tập chung với tăng thân, hạt giống xuất gia của con nẩy mầm và càng ngày càng lớn lên. Khi con quay trở lại Paris để tiếp tục chương trình học thì nguyện vọng xuất gia của con vẫn tiếp tục lớn lên. Sau đó con đã quyết định dừng việc học và quay trở về Làng xin xuất gia. Con trở về Làng từ hồi đầu khóa tu mùa đông vừa rồi. Mỗi ngày thực tập, chí nguyện của con càng ngày càng lớn lên. Và dịp này, con rất hạnh phúc được Thầy và Tăng thân cho phép con được xuất gia”.

           

          Đây là giây phút hồi hộp và thú vị!

          Giây phút hồi hộp và thú vị nhất là giây phút Thầy đọc tên 29 cây Trắc Bá. Mỗi cây được Thầy đặt cho một cái tên rất dễ thương, mang bao tình thương và sự gửi gắm của Bụt, của Thầy và Tăng thân:

          Trời Đại Nghĩa, Trăng Linh Mẫn, Trăng Linh Dị, Trăng Linh Tuệ, Trời Đại Đạo, Trời Đại Đồng, Trời Phạm Trú, Trời Đại Dụng, Trăng Thiên Nga, Trời Quang Thái, Trăng Bối Diệp, Trăng Linh Các, Trăng Thanh Khí, Trăng Chí Nguyện, Trăng Linh Tú, Trời Quang Minh, Trăng Kỳ Vọng, Trăng Bích Thủy, Trời Đại Lượng, Trăng Thanh Sơn, Trời Nhất Quán, Trời Quang Huy, Trời Quy Nguyện, Trăng Cố Quận, Trăng Cổ Tích, Trời Tây Nguyên, Trời Tây Sơn, Trăng Linh Ứng, và Trăng Linh Bảo.

          Sau buổi lễ xuất gia, cả đại chúng cùng ngồi vòng tròn ăn trưa chung với nhau để chào đón các sư em mới. Không khí thật đầm ấm và vui tươi! Thầy Pháp Áo mang ra một chiếc gương lớn để các sư em mới nhìn hình tướng của mình thay đổi như thế nào. Cạo sạch mái tóc, khoác lên trên mình chiếc áo nhật bình nâu giản dị, trông các sư em sao mà đẹp, mà lành! Cái đẹp của giới thân, của tâm bồ đề dũng mãnh và tinh khôi!

          Ngồi trong vòng tròn, các sư em Cây Trắc Bá được có cơ hội chia sẻ và nói lên lòng biết ơn của mình với Thầy, với Tăng thân cũng như với cha mẹ và người thân.

           

          Sư em Trăng Linh Dị – người Úc gốc Hoa chia sẻ (được chuyển ngữ từ tiếng Anh):

          “ Sáng hôm nay trong buổi lễ xuất gia, con thực sự xúc động khi lần đầu tiên con được lạy tứ ân để tỏ lòng biết ơn cha mẹ, ơn thầy, ơn bằng hữu và mọi loài chúng sanh. Đó là một giây phút huyền thoại. Con đặc biệt biết ơn cha mẹ của con đã có mặt để yểm trợ cho con trong ngày xuất gia. Trước khi con xuất gia, cha mẹ chỉ có một mình con, còn bây giờ cha mẹ đột nhiên có tới hàng trăm đứa con (cười). Có thể con đường mà con lựa chọn không giống với mọi người và không phải là điều mà cha mẹ mong đợi nơi con. Cha mẹ thường tự hỏi không biết trong quá khứ mình đã làm điều gì sai để khiến cho con của mình phải bỏ nhà đi tu. Nhưng con xin thưa rằng sở dĩ con đi tu là vì cha mẹ đã làm quá nhiều những điều hay, điều lành. Cha mẹ đã dạy cho con tình thương là điều quan trọng nhất trong cuộc đời này, và con cần phải biết giúp đỡ mọi người và sống như thế nào để luôn là một công dân hữu ích của xã hội. Cảm ơn cha mẹ đã tưới tẩm những hạt giống của hiểu biết và thương yêu trong con, và cho phép con được đi trên con đường mà con lựa chọn. Cảm ơn cha mẹ đã luôn có mặt bên con…”


          Hạnh phúc khi thấy con trai của mình trở thành một người xuất gia, cha của sư chú Trời Đại Dụng chia sẻ:

          “Đây là một giây phút thật đặc biệt và cũng thật là hạnh phúc cho cả gia đình. Tôi nhớ cách đây vài năm, chúng tôi đến Làng Mai cùng với tăng thân Malaysia, khoảng 23 người. Khi vào thăm Thầy, có một người trong nhóm mới hỏi con trai tôi – Jiunn (bây giờ là sư chú Trời Đại Dụng): cháu có muốn xuất gia không? Jiunn trả lời: Không, cha của cháu mới muốn xuất gia, chứ cháu thì không. Vậy mà bây giờ thì hình như ngược lại! (cười) Dù sao thì đó cũng là một sự tiếp nối đẹp đẽ của tôi. Tôi rất vui vì con trai tôi đã thấy được con đường sáng đẹp này, sau khi đã vượt qua rất nhiều thử thách. Sau một vài tháng ở Làng Mai, với sự nuôi dưỡng và yểm trợ của đại chúng, Jiunn đã chuyển hóa được rất nhiều và vững chãi hơn trong sự thực tập. Tôi nghĩ sự chuyển hóa của June sẽ là tấm gương tốt cho chị gái và hai em trai của Jiunn . Là cha mẹ, chúng tôi rất hạnh phúc khi có một người con trai như vậy. Cảm ơn con trai! (cười)”.

           

          Lễ xuất gia của gia đình Cây Trắc Bá tại Thái Lan

          Toàn bộ buổi lễ xuất gia tại Làng Mai được truyền trực tuyến đến Thiền đường Trời Phương Ngoại, Thái Lan qua mạng Internet. Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan:

           

           

           

          Để xem thêm hình ảnh về Lễ xuất gia của gia đình Cây Trắc Bá, xin bấm vào đây: http://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/le-xuat-gia-cua-gia-dinh-cay-trac-ba