Hạnh phúc là con đường

Vậy là Thầy và tăng thân đã về tới chùa Liên Trì, Hongkong chiều ngày 15/5. Sau 15 ngày hoằng pháp tại Hàn Quốc trông Thầy ốm hẳn, chưa khi nào thấy thầy gầy quá như vậy, nhưng không sao rồi Thầy sẽ khỏe thôi. Thời khóa ở Hongkong thì khác hẳn ở Korea, đại chúng có đến ba ngày để nghỉ ngơi. Thiên nhiên và khí hậu ở đây thật dễ thương, mặc dù chỉ một vài phút là thời tiết đã đổi khác. Có những ngày sau giờ ăn trưa mà sương mù vẫn còn giăng kín cả núi đồi, cứ tưởng như là mới ăn sáng xong vậy. Anh chị em xuất sĩ chúng tôi thường hay đi bộ vào rừng, ở đó có những con đường rất yên lắng, người ta làm đường bê tông cho người đi bộ. Những cây tràm lá nhỏ phủ kín hai bên đường, thỉnh thoảng có những con bò rừng đang ăn cỏ. Rồi chúng tôi cũng leo lên Đồi Thả Diều (Kite flying hill) ngắm chiều xuống trên biển và chụp hình tượng Bụt ngồi lớn nhất Hongkong tọa lạc tại làng Ngong Ping, chỉ mất khoảng mười lăm phút đi bộ từ chùa Liên Trì.

Chương trình hoằng pháp của Thầy ở đây được bắt đầu với một ngày quán niệm cho các thầy cô giáo và những người làm việc trong ngành giáo dục vào ngày 18.05 tại Trung tâm Giáo dục Tôn giáo và Tâm linh. Có khoảng 700 người đã có mặt hôm ấy để được đi thiền hành, ngồi thiền, nghe pháp thoại, ăn cơm chánh niệm, thực tập thiền buông thư và pháp đàm với các thầy các sư cô. Chương trình Đạo đức học ứng dụng được Sư Ông khuyến khích đưa vào trong ngành giáo dục chỉ trong mấy năm trở lại đây nhưng nó đã lan đi rất rộng rãi. Từ Châu Âu, rồi Châu Mỹ và bây giờ đã lan rộng đến Châu Á và nó đã được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của các thầy cô giáo và những người làm trong ngành giáo dục.

Happy Teachers will Change the World – Các thầy cô giáo hạnh phúc có thể thay đổi được thế giới.” Đó là chủ đề chính dành cho các nhà giáo dục trong chuyến đi này của Thầy và Tăng thân. Hầu như các thầy cô giáo có mặt trong các ngày tu này đều có một mong muốn như nhau là làm sao để họ có thể áp dụng và biết cách đưa những lời hướng dẫn của Thầy đến cho các học trò của họ. Họ thật là những người thầy giáo, cô giáo không những chỉ dạy học mà còn hiểu được những khó khăn của học sinh trong thời đại mới.

Trong khi hai phần ba tăng thân đi tổ chức quán niệm ở Trung tâm Giáo dục Tôn giáo và Tâm linh thì các vị xuất sĩ còn lại ở nhà đã làm việc với các vị cư sĩ tình nguyện (Volunteer) để chuẩn bị cho ngày lễ Phật đản (Vesak). Chùa Liên Trì khuôn viên thì rộng nhưng không có thiền đường đủ chỗ cho 600 trăm người đến tham dự cho nên chương trình Pháp thoại và lễ tắm Bụt được sắp đặt ngoài trời. Chỉ có điều ai cũng cầu mong cho trời đừng mưa, nếu mưa thì thật tội nghiệp cho bà con. Nhưng biết cầu ai bây giờ? Cứ làm thôi, trong lúc chuẩn bị là đã hạnh phúc rồi. Bắt đầu 8 giờ sáng, các vị Volunteer đã sắp xếp cho thiền sinh đón xe bus lên chùa Liên Trì.


Thiền hành trước giờ pháp thoại

Chương trình cho lễ Vesak được bắt đầu với buổi thiền hành. Thầy đã hướng dẫn cho đại chúng đi thiền hành đi qua chùa Bảo Liên Thiền Tự, ngồi thiền ngoài trời và sau đó đi vòng về chùa Liên Trì. Trong buổi đi thiền hành Thầy đã khuyến khích mọi người đi với mỗi bước chân với sự trị liệu, mỗi bước chân là nuôi dưỡng, mỗi bước chân là tự do, tự do với những gì mình đang lo lắng, buồn phiền. Sau thiền hành là giờ pháp thoại. Bài pháp thoại dài 45 phút mà ai cũng cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của Thầy và niềm hạnh phúc ấy lan tỏa khắp hội chúng. Mới ngày hôm trước Thầy còn rất mệt nhưng hôm nay giọng nói của Thầy rất khỏe.

Nội dung bài pháp thoại đã được gói gém trong thông điệp Phật đản 2013 của Thầy, nhưng phải nghe pháp thoại trược tiếp mới cảm nhận được cái hùng khí của nó. Giọng Thầy dõng dạc, đầy hùng lực như muốn giúp cho mọi người con Bụt đập tan đi những niềm tin mù quáng, những sự hành trì sai lệnh với giáo pháp của đức Thế Tôn. Thầy nói trong truyền thống đạo Bụt chúng ta luôn gọi Bụt là Thầy, Thầy gốc “Bản sư” nhưng trên thực tế trong sự hành trì chúng ta không xem Bụt là Thầy mà chúng ta đã xem Bụt như là một đấng thần linh để cầu xin. “Ngày hôm nay ta ăn mừng sự xuất hiện của Siddhartha trên hành tinh này. Nhưng hầu hết chúng ta đều chỉ biết tôn sùng Siddhartha như một quyền lực thiêng liêng có khả năng ban phúc trừ họa. Không mấy ai trong chúng ta đang đi được trên đường Siddhartha đã đi, biết cách xử lý khổ đau, chế tác hạnh phúc, tái lập được truyền thông, tiếp xúc với Niết bàn trong hiện tại. Đạo Bụt của chúng ta phần lớn chỉ là đạo Bụt của tín mộ. Những gì mà Bụt khuyên chúng ta nên buông bỏ như danh lợi, tài sắc v.v… bây giờ chúng ta lại cầu Bụt ban cho chúng ta những cái đó.” Và Thầy cũng đề nghị phải đem những kinh như: Kinh Người Áo Trắng, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm giảng dạy cho người cư sĩ và khi người cư sĩ đến chùa không phải chỉ để cúng vái mà phải nên tìm cách để được học những kinh căn bản đó. Đó là những kinh chuyển tải được giáo lý và cách hành trì cụ thể và đích thực của đạo Bụt.

Sau giờ pháp thoại là lễ tắm Bụt sơ sinh, đại chúng vân tập tại thiền đường ngoài trời, ngồi thiền và tụng kinh, sau đó niệm Bụt và đi nhiễu vào vườn Bụt. Trước giờ đi thiền đại chúng đã được tập bản niệm Bụt mới “Namo Shakya Munaye Buddhaya” cho nên buổi lễ đã diễn ra rất hùng tráng, ai cũng cảm thấy ấm lòng. Ban tổ chức đã thiết sẵn ba vị Bụt sơ sinh, bởi vì một vị Bụt thì không đủ. Sau giờ ăn trưa chánh niệm thì có thiền buông thư do sư cô Chân Không hướng dẫn, và đó cũng là chương trình cuối của ngày lễ Vesak.

Vào cuối ngày, sau khi các bạn thiền sinh đã trở về thì các huynh đệ chúng tôi ai cũng nói ông trời thương chúng ta quá, một ngày không mưa, không có nắng nóng, gió lại mát, thật không có gì vui bằng.

Hôm nay được tắm cho Như Lai
Trí tuệ quang minh công đức lớn
Chúng sinh ba cõi đang chìm đắm
Được thấy trần gian hiện pháp thân

Xem thêm:  Hình ảnh Sư Ông tại Hongkong >>

Từ chuyến hoằng pháp đầu tiên vào năm 2001 của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai, hạt giống đã được gieo trồng nơi xứ này. Làng Mai HongKong được thành lập vào tháng Năm, năm 2007, trong chuyến đi HongKong lần thứ ba của Sư Ông. Sau chuyến đi năm 2007, thầy Pháp Khâm cùng các thầy cô Làng Mai đang tu học tại Việt Nam và Thái Lan thường trở lại HongKong mỗi ba tháng một lần để tổ chức khóa tu và hướng dẫn thiền sinh tu học. Hai năm sau, vào tháng Hai năm 2009, một trung tâm thực tập chánh niệm đã được thiết lập tại khu phố du lịch và thương mại Tsim Sha Tsui, Kowloon. Quý thầy Pháp Khâm, Pháp Chung, Pháp Chứng và Pháp Dũng là chúng thường trú của trung tâm. Tuy lọt thỏm vào giữa phố xá đông người, nhưng quý thầy vẫn tu tập tinh chuyên. Hằng ngày quý thầy vẫn duy trì được thời khóa như các trung tâm Làng Mai khác: thiền tọa, thiền hành, thiền làm việc. Một vài thiền sinh đến ngồi thiền buổi sáng với quý thầy. Tuy nhiên, đa số là đến sinh hoạt vào sau giờ làm việc, để tham dự buổi thiền hành ngoài công viên với quý thầy vào buổi chiều và thiền tọa vào buổi tối. Họ thấy được tầm quan trọng của sự thực tập. Nó giúp họ giảm bớt được căng thẳng và đem lại nhiều bình an và hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Có những bữa trời mưa không đi thiền hành ngoài trời được, quý thầy hướng dẫn thiền sinh đi thiền hành ở dưới đường xe điện ngầm (subway).Chuyến hoằng pháp năm 2010 của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai tại HongKong vừa qua đã đem lại rất nhiều lợi lạc cho người dân HongKong… Trích: Sư Ông Làng Mai khai sinh Viện Phật học Ứng dụng Châu Á.

 

Năm 2011, Thầy đến HongKong và đã đặt nền tảng cho sự ra đời của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á (AIAB). Tại ngôi Chánh Điện Chùa Liên Trì, ở đảo Lantau xinh đẹp này, ngày 1 tháng 5 năm 2011, Thầy đã giảng bài Pháp Thoại đầu tiên, bắt đầu cho sự hoạt động của AIAB. Sau bài pháp thoại là buổi lễ cúng dường Tu viện dựa trên chuyện Vua Tần-Bà-Sa-La cúng dường Tu Viện Trúc Lâm cho Tăng đoàn của Bụt ngày xưa, các vị Thí chủ cúng dường Chùa đã rưới nước rửa tay cho Thầy để công bố sự hoạt động của Tăng thân Làng Mai tại đây được bắt đầu trước sự chứng kiến và niềm hân hoan của tứ chúng… Mỗi ngày lại có thêm nhiều người biết đến và thực tập hơn và đã xây dựng được một Tăng Thân cư sĩ thực tập vững chãi, yểm trợ cho chúng xuất sĩ trong những hoạt động dưới sự hướng dẫn của Thầy Pháp Khâm và Đại chúng ở đây. Trích:  Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á (AIAB)

 

Quán niệm dành cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe

Ngày 21.5, Thầy sẽ giảng pháp thoại trong ngày quán niệm dành cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe với chủ đề Thân và Tâm là một (Body and Mind are One). Ngày quán niệm sẽ được bắt đầu bằng một thời ngồi thiền, sau đó Thầy sẽ giảng pháp thoại và dẫn đại chúng đi thiền hành. Sau bữa cơm trưa sẽ có thiền buông thư và buổi chiều sẽ có pháp đàm. Ngày quán niệm do Trung tâm Phật học Ứng dụng Á châu và Trung tâm Chăm sóc Hành vi Sức khỏe của Trường Đại học HongKong cùng tổ chức. Công tác có liên quan đến việc chăm sóc và phục vụ con người là việc làm rất ý nghĩa. Trong khi chăm sóc sức khỏe, tình cảm, tinh thần của những người có vấn đề, các chuyên viên y tế và nhân viên xã hội rất cần được yểm trợ về cả hai mặt thân và tâm để họ có thể làm việc được lâu dài.

Trong ngày quán niệm, chúng ta sẽ học cách thở có chánh niệm, đi thiền hành, ăn cơm im lặng, buông thư, lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ. Những thực tập này sẽ giúp chúng ta thong thả lại, biết nghỉ ngơi một chút trong cuộc sống bận rộn hàng ngày. Chúng ta sẽ được nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh (Thầy) chỉ dạy về cách chăm sóc thân tâm trong khi phục vụ và chăm sóc người khác. Pháp thoại và pháp đàm sẽ tập trung vào đề tài có liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phục vụ con người.

Sau đó, Thầy sẽ hướng dẫn khóa tu gia đình 4 ngày (22-26.05) với chủ đề: Hạnh phúc là con đường tại Wu Kwai Sha.

Ngày 27.05.2013, Thầy sẽ giảng pháp thoại công cộng tại Hong Kong Coliseum, Hung Hom, Kowloon.



Thông điệp của Chư Tổ: Chuyển hóa sợ hãi – Xây dựng tình thâm

Tuy chấp tác nhiều công việc, nhưng trưa nào đại chúng cũng được dùng cơm trưa chung với Thầy ở đại sảnh của Viện Phật Học. Thầy trò cùng ngồi quây quần bên nhau ăn cơm thật vui và ấm cúng. Thầy ngồi chính giữa rồi gọi các sư con ngồi gần lại, gắp cho các sư con từng miếng đậu hũ kho. Vừa dùng cơm, Thầy vừa mỉm cười, giây phút Thầy trò có mặt bên nhau thật là đầy đủ. Dùng cơm xong, Thầy dạy: “Thầy sẽ kể cho đại chúng nghe một câu chuyện bằng cả hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Anh để khỏi phải cần thông dịch”. Ngay lập tức, những ai còn đang bưng bát cơm thì đặt xuống liền, vì ai cũng biết câu chuyện của Thầy lúc nào cũng hấp dẫn nên không ai muốn bỏ lỡ một câu.

Dùng cơm trưa chung với Thầy

Thầy bắt đầu: Ở Đại Hàn, Phật giáo đang mất dần vị trí của mình. Nên ban tổ chức đã tổ chức một buổi pháp thoại công cộng cho khoảng 10.000 người ở thành phố Phủ Sơn (Busan) – Trung tâm Phật Giáo lớn nhất của Hàn Quốc. Việc thông báo cho buổi pháp thoại đã được chuẩn bị trước đó nhiều tháng. Và ban tổ chức cho biết sẽ có khoảng 11.000 người tới tham dự buổi pháp thoại này. Nhưng trước ngày pháp thoại công cộng Thầy đã bị bệnh nặng. Thầy nằm trên giường không thể trở mình dậy được. Chỉ có vài người trong ban tổ chức và quý sư cha, sư mẹ lớn mới biết được tin đó, ai cũng lo lắng cho Thầy.

 

Thầy kể tiếp, giọng Thầy thật đều đặn và ấm áp.

Thầy nhớ rằng Thầy đã nằm yên như vậy, đêm trước ngày cho pháp thoại Thầy nghĩ là Thầy sẽ chịu thua và sẽ không đến được buổi pháp thoại ngày mai. Hơn bốn mươi năm nay Thầy chưa từng bỏ một buổi pháp thoại nào. Cả hàng ngàn tình nguyện viên đã làm việc suốt mấy ngày đêm liền cho buổi pháp thoại, nếu Thầy không đến được thì biết bao nhiêu là tổn thất. Và lần này, Thầy thấy Thầy đã cố gắng tốt nhất, hết sức, hết lòng về phía Thầy rồi. Thầy thấy đau nhức trong người nhưng Thầy không khổ, không buồn. Ngày hôm đó, ba giờ chiều là Thầy cho pháp thoại, nhưng 1 giờ 30 phút Thầy vẫn còn nằm yên trên giường trong khi đó cần gần một tiếng đồng hồ để đi đến chùa Beomeosa nơi diễn ra buổi pháp thoại công cộng.

Đại chúng lắng yên nghe thầy kể tiếp.

Thầy nằm yên một hồi lâu rồi Thầy nói với chư Tổ rằng: “Chư Tổ muốn cho người dân Đại Hàn nghe con nói pháp thoại thì chư Tổ cho con mạnh lên, còn nếu không thì con đau cũng được, tùy ý chư Tổ”. Thầy thấy Thầy rất an lòng, không có lo lắng gì hết. Từ hơn ba mươi năm trước, mỗi chuyến đi Mỹ, Thầy phải cho pháp thoại cho hàng ngàn người tại những thính phòng rất lớn hoặc tại các trường đại học. Nếu Thầy bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ và sẽ làm cho không biết bao nhiêu người thất vọng. Vì vậy Thầy luôn thấy mình ái ngại. Mà tánh Thầy thì không muốn làm cho ai đau khổ và thất vọng hết. Thầy đã chuyển hóa hạt giống lo ngại trong Thầy sau đó vài năm. Tối hôm đó, Thầy chấp nhận và bình an với tình trạng sức khỏe của mình. Thầy đã làm tốt nhất những gì Thầy có thể làm được, còn lại Thầy xin giao cho chư Tổ. Thầy xin chư tổ giúp đỡ. Rồi bỗng nhiên Thầy nghĩ: “Mình muốn chư tổ giúp mình thì mình cũng cần giúp chư Tổ điều gì đó chứ!” Và Thầy gắng dậy. Thầy đi cạo râu.

Giọng kể chuyện của Thầy thật là hài hước và hấp dẫn khiến đại chúng vừa thở phào một cái, vừa cười một tràng.

Lúc đó Thầy nghĩ, Thầy cạo râu cái đã, còn đến đó được hay không thì tính sau. Sau khi mười phút Thầy trở dậy được, cạo râu xong, Thầy thấy trong người bắt đầu có năng lượng. Thầy nghĩ Thầy đi đến được nơi cho pháp thoại, còn nói pháp thoại được hay không cũng để tính sau. Hai giờ chiều Thầy lên xe cùng quý thầy, quý sư cô đến chùa Beomeosa.

Khi Thầy tới, Thầy trú trì chùa Beomeosa và các Thượng tọa đã làm lễ đón tiếp Thầy rất trang nghiêm. Thầy trú trì thỉnh Thầy chia sẻ trong buổi pháp thoại về buổi lễ cầu nguyện hòa bình cho Nam và Bắc Triều Tiên, sẽ diễn ra ngày 27 tháng 9 năm 2013. Quý thầy, quý sư cô được thông báo là Thầy sẽ chỉ tới cho pháp thoại thôi, nên sư cha Pháp Ứng đã lên ngồi trên bục giảng, dự định sẽ thỉnh chuông cho đại chúng tụng niệm danh hiệu Bồ Tát Avalokiteshvara trước khi Thầy cho pháp thoại. Nhưng khi Thầy tới pháp đường thì đại chúng vẫn chưa tụng kinh. Thầy cố gắng lên bục giảng và ngồi xuống, hướng dẫn đại chúng chỉ một hay hai câu về cách thực tập khi nghe quý thầy, quý sư cô tụng niệm danh hiệu Avalokiteshvara. Thầy để cho năng lượng tập thể ôm lấy Thầy và Thầy chỉ thở cho khỏe. Thầy rất ngạc nhiên là khi Thầy bắt đầu nói thì giọng nói của Thầy rất rõ ràng và rành mạch. Sau khoảng mười phút Thầy nói pháp thoại thì Thầy trông thấy từng khuôn mặt của quý thầy, quý sư cô bắt đầu thư giãn và tươi tắn lên. Mặc dù còn có vài vị vẫn ngồi khóc, nước mắt giọt ngắn, giọt dài, vì thương Thầy quá. Và có nhiều vị thiền sinh thấy quý sư cô khóc họ cũng khóc theo. Khi thầy kết thúc pháp thoại Thầy thấy quý thầy, quý sư cô đều mỉm cười, buông thư và hạnh phúc. Đó thực sự là một phép lạ.

Đại chúng niệm danh hiệu Bồ Tát Avalokiteshvara

Chư Tổ đã gửi thông điệp và muốn Thầy nói ra: “Rằng vũ khí nguyên tử hay vũ khí hạt nhân mà người Bắc Triều Tiên đang thử không phải là vấn đề mà vấn đề chính là nỗi sợ hãi. Tại vì người dân Bắc Triều Tiên rất sợ. Họ sợ nước Mỹ, sợ Nam Hàn và khối tự do chiếm đóng họ nên họ mới phải chế tạo vũ khí hạt nhân”. Vì vậy chủ đề của bài pháp thoại đó là: ‘Vấn đề then chốt không phải là vũ khí hạt nhân’. Nếu tổng thống Obama làm cho người ta hết sợ thì dầu có vũ khí hạt nhân cũng không có hại gì hết. Điều này cũng đúng cho Iran nữa. Chư tổ muốn Thầy nói thông điệp đó và Thầy đã nói được như vậy. Thầy nói về sự hòa giải trong gia đình. Lấy ra khỏi gia đình những cái giận, cái phiền, cái sợ thì tự nhiên hòa giải được và áp dụng vào vấn đề Nam-Bắc Triều Tiên. Người dân Hàn Quốc phải biết sử dụng gia tài đạo Bụt để làm an bình thân tâm, xử lý và làm chủ những cảm xúc lớn như giận dữ, sợ hãi. Phải tập lắng nghe nhau, hiểu và thương nhau để từ từ xây dựng tình thâm thành một khối.

Khi Thầy nói xong, Thầy trụ trì rất mừng và đã mời Thầy ở lại dùng trà nhưng Thầy từ chối để đi về nghỉ.

Thầy kết thúc câu chuyện bằng kết luận:

C Tổ đã giúp Thầy và Thầy cũng rất cẩn trọng. Thầy không nói dư một lời nào cả. Thầy biết Thầy có ít năng lượng nên Thầy phải sử dụng khéo léo và Thầy đã nói được hết thông điệp đó.

Buổi cơm trưa cùng Thầy thật là dễ thương, Thầy đã nạp năng lượng cho các sư con để chuẩn bị bước vào khóa tu lớn, phụng sự cho cả ngàn người sẽ về Học Viện tu học trong những ngày sắp tới.

EIAB ngày 31.05.2013 – Tâm Yên

 

Phật tử đại Hàn trong pháp thoại công cộng tại chùa Bemeosa, Busan

Có nhau ta còn tương lai

Sáng 30.5.2013 hơn hai trăm quý thầy, quý sư cô chờ đón Sư Ông ở Học Viện. Khoảng 10 giờ rưỡi thì Sư Ông về tới và việc đầu tiên của Thầy luôn luôn là ngồi chơi với các sư con. Tất cả đàn con xúm xít xum quanh Thầy, ai ai cũng nhìn ngắm Thầy mình cho thật là kỹ. Thầy đen và gầy hơn một chút sau chuyến đi Châu Á dài ngày, nhưng nụ cười của Thầy vẫn rạng rỡ và dạt dào lòng từ bi với từng sư con. Thầy cũng nhìn thật kỹ càng từng khuôn mặt của các sư con, các sư cô Xóm Hạ, các sư cô Xóm Mới, các sư cô chùa Đại Bi, các thầy Xóm Thượng, các thầy Xóm Sơn Hạ, các thầy ở EIAB, các sư cô thiền đường Hơi Thở Nhẹ…

Đây là giây phút giờ đây bên nhau

Thầy trò có mặt cho nhau thật là đầm ấm biết bao nhiêu. Bỗng dưng Thầy hỏi: Giờ này là giờ gì con? Có sư chị ngồi cạnh Thầy khe khẽ trả lời: “Bạch Thầy, giờ này là giờ chúng ta bên nhau ạ!”. Thầy mỉm cười, nụ cười là câu trả lời: đúng rồi đó con! Đại chúng cười theo, và ai cũng đều hiểu, câu thần chú mới của chúng ta là gì rồi nhé! Mỗi ngày, sư con của Thầy càng thương Thầy và biết ơn Thầy. Thầy luôn tìm tòi cái mới, tạo cảm hứng cho các sư con thực tập chánh niệm. Thầy luôn không ngừng học hỏi, thay đổi, làm mới đạo Bụt để thích ứng với thời đại mới.

Đây là giây phút giờ đây bên nhau

 

Tháp chuông bao dung

Chỉ có tháp chuông của Học Viện Ứng Dụng Châu Âu là khác biệt nhất trong tất cả các tháp chuông của Làng. Mới nhìn trông nó như một chú Rô Bốt khổng lồ đứng song song cùng rừng cây cao vút để mang tiếng chuông vang xa xuống phố, lên rừng. Ngắm thật kỹ thì tháp chuông là một công trình chuyển hóa, chúng được làm từ những cột trụ bê tông sẵn có của tòa nhà từ trước! Tháp chuông được lắp ráp thật khéo léo để nâng đỡ Bồ Tát Chuông Đại Hồng. Đó là sự kết hợp tinh tế của văn hóa Phương Đông giữa lòng Phương Tây.

Xung quanh tháp chuông, theo bước chân thiền hành chúng ta có thể cùng dạo chơi trên con đường Vui và con đường Xưa Mây Trắng, với rất nhiều các vị Bụt, chúng ta cũng có thể ngồi xuống bên cạnh Bụt, để thở một hơi cho thư thái, tách mình ra khỏi khói bụi của phố phường dưới kia, vốn chỉ cách học viện vài bước chân. Sự có mặt của Học Viện, của quý thầy, quý sư cô, của pháp môn, của vườn Bụt, tháp chuông… đã cống hiến cho người dân Đức một không gian sống mới, căng bằng và tĩnh lặng. Bao nhiêu đợt người Đức từ Phố Phường đã tìm đường về Học Viện để chiêm ngưỡng tháp chuông, để tận hưởng một đời sống tâm linh mới trong xã hội hiện đại đầy thử thách đang cần một câu trả lời kịp thời về ý nghĩa của cuộc đời, sống để làm gì?

Vườn Bụt Đa Bảo

Chuông đại Hồng đã điểm.

Sáng hôm nay (31.5.2013), quý thầy và quý sư cô chào đón các bạn cộng tác viên cho khóa tu đến, cùng dựng lều, cùng hát ca, cùng bắt đầu cho chương trình chăm sóc cho hơn cả ngàn người sẽ đến đây tham dự ngày quán niệm vào Chủ Nhật (02.06.2013). khóa tu dành cho người Hà Lan sẽ diễn ra từ ngày 4/6 tới 9/6/2013, có khoảng 500 thiền sinh tham dự và khóa tu dành cho người Đức 11/6 đến ngày 16/6/2013 có khoảng 600 thiền sinh. Buổi chiều nay, có lễ cúng Đại Thí Thực ở tháp chuông Bao Dung. Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm và hùng tráng. Thầy Pháp Ấn làm chủ buổi lễ và với sự có mặt của quý thầy trong ban kinh sư cùng toàn thể quý thầy quý sư cô và các bạn thiền sinh người Đức cũng như các cô chú, anh chị và các cháu tăng thân người Việt trong vùng. Sư Ông đã có mặt chứng minh và thỉnh lên ba tiếng chuông đại hồng khua vang tỉnh mộng cho muôn loài.

Lễ cúng đại thí thực ở tháp chuông Bao Dung

Từ sáng trời mưa khá nặng hạt, nên đại chúng không chấp tác ngoài trời được. Mưa kéo dài cho tới 3 giờ chiều. Nhưng tới 4 giờ, khi buổi lễ bắt đầu thì trời ngừng mưa. Giữa giờ cúng thí thực, gió thốc mạnh liên hồi, làm căn lều được dựng lên cho pháp đàm bị bay ra xa, nhưng đến hồi kết thúc thì trời bắt đầu có nắng ấm trở lại bình thường. Với tấm lòng cầu nguyện cho những cô hồn còn chưa có nơi nương tựa được về chùa tu học, đại chúng đã tụng kinh hộ niệm rất hết lòng. Kết thúc buổi lễ là lễ rước linh từ tháp chuông vào trong bàn linh ở tiền sảnh học viện EIAB. Hình ảnh quý thầy, quý sư cô đắp y đi từng bước vững chãi qua con đường kéo dài từ tháp chuông tới học viện thật trang nghiêm và cảm động. Đại chúng đã tụng Ba Sự Quay Về Nương Tựa bằng tiếng Anh để kết thúc buổi lễ Đại Thí Thực và cũng là lễ Quy Y cho các vong hồn, uổng tử. Sau năm năm có mặt ở thành phố Wadbroel, hôm nay là ngày đầu tiên bàn thờ linh của EIAB đã có linh vị. Kỳ thị và hận thù đã và đang được chuyển hóa thành thương yêu và hiểu biết bằng nếp sống tỉnh thức. Cầu nguyện cho tiếng chuông đại hồng của học viện sẽ vang lên mỗi ngày để kêu mọi loài tỉnh thức, xóa bỏ hận thù kỳ thị, và những mặc cảm tội lỗi trong quá khứ để cùng xây dựng tương lai hòa bình và an lạc.

Sánh vai ta cùng giúp đời

Các công việc đã được từ từ hoàn tất cho buổi ra mắt công chúng Đức vào ngày quán niệm 02.06.2013 với đề tài: “Hòa giải để trị liệu”. Trước khi các khóa tu chính thức bắt đầu thì chúng xuất sĩ đã có khóa tu tự nhiên rất đậm tình huynh đệ và nhiều niềm vui và tiếng cười. Mỗi năm, đại chúng xuất sĩ từ làng lại qua Học viện đông đủ, không còn Xóm Mới, Xóm Hạ hay xóm Thượng. Quý sư cô ở chung trong hoặc cắm lều sau chùa Đại Bi và quý Thầy ở chung trong và cắm lều ở phía sau học viện EIAB. Cùng chấp tác, cùng uống trà và chia sẻ niềm vui, khó khăn, thử thách trên bước đường tu học cũng như những chuẩn bị cho năm tới. Song song với việc chăm sóc thiền sinh, ban tổ chức cũng không quên có chương trình dành riêng cho chúng xuất sĩ. Sau khi các khóa tu kết thúc ngày 16.06, ngày 18 và 19 là dành riêng cho chúng xuất sĩ. Cùng tu, cùng học, cùng chơi, các thầy các sư cô cùng làm việc và hiến tặng niềm vui cho cuộc đời.

Tâm Yên

Một số hình ảnh chấp tác chuẩn bị khóa tu:

 

Họp toàn chúng chuẩn bị cho các khóa tu

Họp chúng trước giờ chấp tác

Chăm sóc vườn hoa trước chùa Đại Bi

Cùng chơi sau giờ chấp tác

 

Con đường Vui

Vào lúc 10:45 sáng nay, thứ tư (29.5.2013), tứ chúng Làng Mai tại EIAB đã vui mừng đón Sư Ông và tăng đoàn từ Hong Kong về lại châu Âu sau hơn hai tháng hoằng pháp tại một số quốc gia ở Châu Á. Dù còn mệt sau một chuyến bay dài (11 tiếng) nhưng Sư Ông vẫn từ bi xuống ăn trưa với đại chúng. Sư Ông đã được quý thầy, quý sư cô đại diện các chùa báo cáo tình hình tu học tại nhà trong lúc Người đi vắng. Có một điều mà ai cũng vui khi báo cáo lại cho Sư Ông là dù Sư Ông đi vắng nhưng thiền sinh vẫn đến Làng tu tập rất đông và hạnh phúc. Hai năm trước đây khi Sư Ông đi hoằng pháp ở Mỹ, có một cô cư sĩ đến từ Canada mà không biết là Sư Ông không có “nhà”. Khi đến nơi cô không được hạnh phúc lắm, cô nói tại sao văn phòng không báo cho cô biết, nếu cô biết cô đã không tới. Cô đăng ký ở một tuần. Sau một tuần, cô gia hạn thêm một tuần nữa, rồi một tuần nữa. Sau cùng cô đã ở lại Làng dự luôn cả một khóa an cư kiết đông. Mời bạn xem những hình ảnh sinh hoạt khóa tu mùa xuân tại làng ở đây >>

Trước đó, vào ngày thứ bảy (25.5.2013), chúng xuất sĩ của ba xóm bốn chùa ở Làng Mai, Pháp đã đến Wadbroel bằng xe buýt để cùng với đại chúng EIAB chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp của Sư Ông tại đây. Khi đến nơi, mọi người rất hạnh phúc khi nhìn thấy tháp Chuyển Hóa đã sắp hoàn thành. Đại chúng bắt tay vào giúp kiến tạo vườn Bụt ở khu vực quanh tháp, bao gồm con đường “Vui” và con đường “Đường Xưa Mây Trắng”. Tám tượng Bụt đã được an vị nhìn xuống con đường Vui, trông thật bình an. Công trình tháp Chuyển Hóa đã đem lại thật nhiều hạnh phúc cho đại chúng và thiền sinh người Đức ở đây. Những khối đá hình trụ đúc sẵn từ thời Đức Quốc Xã thay vì dùng vào việc phục vụ cho chính quyền cũ, nay đã trở thành một biểu tượng tâm linh, đem lại thật nhiều chuyển hóa, trị liệu và bình an.

Mời bạn nếu có dịp đến thăm EIAB, thăm tháp Chuyển Hóa để đi trên con đường Vui, thăm lại con đường Đường Xưa Mây Trắng và tu tập cùng đại chúng ở đây.

 

Một số hình ảnh tại vườn Bụt

Barbara, cô thiền sinh người Đức giúp thiết kế vườn Bụt

 

Bụt thiền tọa, con thiền …chấp tác

 

Tháp Chuyển Hóa đang trong  quá trình xây dựng

Anh muốn làm gì với đời anh?

 

Các kỹ sư của Google tham dự ngày chánh niệm

Cần có một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày

Một điều có thể nhận thấy qua chuyến đi hoằng pháp tại Bắc Mỹ lần này là tất cả mọi người – kể cả giới chính trị, giới doanh thương, và các nhà trí thức – đều nhận ra rằng mình cần phải thực tập một cái gì đó, mình phải có một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày, nếu không thì mình sẽ không thể chịu nổi và sẽ “giữa đường đứt gánh”.

Trong chuyến này mình chọc thủng được màn lưới và đưa sự thực tập chánh niệm vào dòng chảy chính của xã hội (mainstream). Mình được mời hướng dẫn hai ngày thực tập tại Ngân hàng thế giới (World Bank – viết tắt là WB). Rất nhiều người ngạc nhiên: tại sao WB lại cần tới mấy ông thầy tu làm gì? Chính những nhân viên trong WB cũng nói: trời đất ơi, tại sao lại đem mấy ông thầy tu tới đây?

Ông Kim Young Jim, Giám đốc WB rất thích có một ngày chánh niệm do Thầy và Tăng đoàn Làng Mai hướng dẫn tại trụ sở của WB. Ngày xưa khi còn làm Viện trưởng Viện đại học Darmouth, ông rất thích cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức. Ông nói là cuốn sách này đã thay đổi cuộc đời ông. Và khi được Tổng thống Obama cử làm Giám đốc WB, ông muốn đem những điều đã đọc trong cuốn sách này vào thực tập trong WB. Thầy Pháp Lưu – vốn là sinh viên trường Darmouth – viết thư cho ông và hỏi ông có muốn có một ngày chánh niệm tại WB không. Ông nói rất muốn. Nhưng ông cũng sợ người ta phản đối.

Ông Kim đưa lá thư của thầy Pháp Lưu cho một người phụ tá tên là Nicolas và nói: này anh, anh làm thế nào để có được ngày quán niệm trong WB, anh ráng đi. Tiến sĩ Nicolas là người tin cẩn nhất của ông trong WB. Nicolas lên Internet tìm hiểu Tăng đoàn Làng Mai là ai, thực tập như thế nào. Ông cũng rất muốn có một ngày chánh niệm nhưng cũng sợ sự phản ứng nặng nề của các nhân viên trong WB. Bữa đó, ông có than thở với phu nhân thì được bà chia sẻ rằng nếu Làng Mai đến WB thì đó là chuyện hy hữu, có thể đó là chuyện hay nhất từ trước đến nay tại WB. Được bà yểm trợ nên ông cương quyết tổ chức. Ông trả lời thầy Pháp Lưu là Giám đốc Kim sẽ viết thư mời Thầy và tăng đoàn Làng Mai.

Đối thoại với Giám đốc Kim và các nhà khoa học tại WB

Để cho đỡ sốc, ngày đầu WB mời các nhà khoa học tới để đối thoại với Thầy, để chứng tỏ là mình không đem chuyện tôn giáo vào trong WB. Họ mời những người như Tiến sĩ Davidson Richard và Tiến sĩ Brian Davey – những nhà thần kinh học để nói về chuyện tu tập chánh niệm có thể giúp người ta như thế nào, ví dụ như giảm căng thẳng,v.v. Ngày đó, những người có ý nghi ngờ, tuy không ra dự nhưng vẫn âm thầm ngồi nghe trong văn phòng để xem thử mình nói gì. Rốt cuộc ngày hôm sau, tất cả đều bỏ hết công việc ra tham dự. Và ngày hôm đó trở thành một ngày thực tập rất hạnh phúc, có đi thiền hành, có pháp thoại, có thiền buông thư, có vấn đáp v.v. Rất là hay.

Sau ngày ấy, nhân viên WB viết thư khen ngợi ông Giám đốc hết lời. Nghe nói là ở WB có một bức tường để mình dán lên những điều gì mình bất mãn đối với những vị trong Ban Giám đốc. Mình có thể viết và dán lên đó để “xì hơi”. Trước đó thì nhiều người chỉ trích và lên án đủ thứ, nhưng sau ngày đó, họ dán lên toàn là những lời khen ngợi.

Khoa học kỹ thuật có thể giúp con người trở về với chính mình?

Tăng đoàn Làng Mai cũng đã đến hướng dẫn một ngày Chánh niệm tại trụ sở của Google. Những lời hướng dẫn thiền hành và bài pháp thoại cùng buổi vấn đáp của Thầy được truyền đi khắp thế giới cho các nhân viên của Google ở tất cả các nước. Hôm đó theo chương trình, các thầy, các sư cô Làng Mai tới ăn sáng với nhân viên Google, sau đó đi thiền hành. Bảy trăm người đi thiền hành rất nghiêm túc. Có những người đến muộn, vào lúc tất cả đều đang ngồi lặng yên giữa buổi thiền hành, đã có cảm giác năng lượng tại Googleplex – trụ sở của Google – hôm đó thật hùng tráng kỳ diệu. Sau giờ thiền hành thì có pháp thoại. Thầy làm thiền hướng dẫn trước khi nói pháp thoại. Sau đó có ăn cơm im lặng, rồi có thiền buông thư, vấn đáp, v.v. Rất là hạnh phúc.

Chiều đó, Thầy cùng với các thầy Pháp Dung, Pháp Lưu, Pháp Linh và sư cô Hiến Nghiêm có một buổi gặp gỡ với một số vị kỹ sư trẻ trong Google. Vấn đề đưa ra là khoa học kỹ thuật (technology) có thể giúp con người bớt khổ được hay không? Trong bài pháp thoại tại Google, Thầy đã nói: mỗi người trong chúng ta đều có những nỗi khổ, niềm đau trong lòng, và những nỗi khổ niềm đau đó có thể mang theo những nỗi khổ, niềm đau của cha, của mẹ, của ông bà, tổ tiên. Phần lớn chúng ta không biết xử lý nỗi khổ, niềm đau cho nên chúng ta hay khỏa lấp và chạy trốn. Chúng ta dùng những phương tiện kỹ thuật để chạy trốn chính mình. Chúng ta dùng Internet, telephone, truyền hình, âm nhạc, sách báo để khỏa lấp nỗi khổ, niềm đau, tại vì chúng ta không có khả năng trở về để xử lý những khổ đau ấy.

Một nét đặc trưng của nền văn minh chúng ta là trốn chạy, trốn chạy bản thân. Và khi mình trốn chạy bản thân thì mình cũng trốn chạy khỏi gia đình mình, tại vì nếu mình không thể có mặt cho chính mình thì làm sao có thể có mặt cho những người mình thương. Thành ra mình bỏ bê gia đình luôn. Đồng thời mình cũng trốn chạy thiên nhiên, trốn chạy đất Mẹ. Đất Mẹ rất đẹp, rất lành; đất Mẹ có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Nhưng mình không có khả năng trở về với đất Mẹ để được chữa trị và nuôi dưỡng. Mình trốn chạy bản thân, gia đình và đất Mẹ. Mà khoa học kỹ thuật (technology) đang giúp mình chạy trốn. Những máy móc, những thiết bị điện tử và mạng lưới Internet giúp cho con người chạy trốn bản thân, chạy trốn gia đình và chạy trốn xã hội. Và trong khi tiêu thụ những thứ đó thì nỗi khổ niềm đau trong mình cứ từ từ tăng tiến. Đó là tình trạng của thế giới ngày nay. Vậy thì câu hỏi đặt ra cho những nhà doanh thương, cho những hãng lớn chuyên sản xuất ra những thiết bị điện tử là những thiết bị điện tử đó có thể đóng được một vai trò ngược lại hay không? Thay vì giúp người ta chạy trốn bản thân, chạy trốn gia đình, chạy trốn thiên nhiên thì làm sao để những thiết bị điện tử đó nhắc mình trở về để chăm sóc hình hài của mình, chăm sóc những cảm thọ, tri giác của mình, những khổ đau trong lòng mình? Các anh có thể làm cho tôi một cái máy; các anh có thể đưa những software nào vào trong các thiết bị điện tử hoặc điện thoại cầm tay, để mỗi khi tôi đi hấp tấp thì cái máy đó nhắc rằng: “này bạn, tại sao lại đi hấp tấp như vậy? Hãy đi theo kiểu thiền hành. Hãy đi từng bước thảnh thơi. Đừng suy nghĩ nữa”. Cái máy điện thoại của anh có thể làm được chuyện đó hay không?

Mỗi khi anh giận và chất adrenaline lên cao ở trong máu thì cái máy ấy có thể nhận biết và nhắc: “Anh đang giận, anh đang có một cảm xúc. Anh không nên làm gì hết. Hãy trở về để thở và chăm sóc cảm thọ trong anh”. Và khi có một người sắp tự tử đang kêu cứu trên mạng Internet thì tự khắc có người nói rằng: “Đừng, anh đừng làm chuyện đó. Bây giờ  anh phải nghe lời dạy của một vị thầy: một cảm xúc chỉ là một cảm xúc thôi. Nó tới, nó ở lại một thời gian rồi nó đi, tại sao anh phải chết vì một cảm xúc như vậy?”.

Cái máy có thể nhắc mình: “Câu thần chú thứ nhất: người thương ơi, tôi đang có mặt cho em đây (I am here for you) rất hay, tại sao hôm nay anh chưa thực tập? Anh hãy gọi về nhà và nói với chị câu thần chú ấy đi”. Những thiết bị điện tử bây giờ có thể được trang bị bằng những thiết bị cảm ứng (sensor) có thể biết những gì đang xảy ra trong cơ thể mình và trong tâm của mình. Chúng có thể nhắc mình trở về chăm sóc chính mình và chăm sóc gia đình của mình.

Những thiết bị điện tử kia có thể đưa người sử dụng tới một tu viện online, để người đó có thể biết được đường hướng phải thực tập như thế nào, để có thể xử lý được những cảm xúc mạnh, những cơn giận, những nỗi buồn, những nỗi niềm thất vọng của mình. Các anh rất giỏi về kỹ thuật và công nghệ, vậy các anh hãy giúp chúng tôi làm ra những thiết bị điện tử có khả năng giúp chúng tôi trở về với chính mình, trở về với gia đình của chúng tôi, lập ra một tu viện trực tuyến để chúng tôi đến tu tập và chuyển hóa.

Thầy và tăng đoàn Làng Mai đã ngồi với các vị kỹ sư của Google để bàn luận về việc chế ra được những thiết bị như vậy. Tăng đoàn Làng Mai cũng đã đến thăm và làm việc với Facebook và Twitter. Có khả năng Facebook hay Google sẽ giúp mình mở một trung tâm thực tập online để giúp nhân viên của họ và những người trên thế giới có thể trở về để được hướng dẫn tu tập khi có vấn đề khổ đau hay tuyệt vọng. Thầy tin rằng thế nào pháp môn thực tập chánh niệm, nhờ kỹ thuật và công nghệ, cũng sẽ được phổ biến trên thế giới một cách rộng rãi gấp trăm, gấp ngàn lần bây giờ.

Làm thế nào để giữ thăng bằng giữa công việc và đời sống?

Một vấn đề nữa mà Google đặt ra là làm thế nào để giữ thăng bằng giữa công việc và đời sống. Tại vì nếu mình bận rộn quá thì mình không có thì giờ để sống. Không lẽ chúng ta sống chỉ là để kiếm tiền thôi sao? Trong khi lo làm cho được nhiều tiền, bỏ hết thì giờ để trở thành doanh nghiệp Number One thì ta không có thì giờ để sống, để chăm sóc cho ta và cho những người mà ta thương yêu. Như vậy có đáng để cho ta thành công không? Làm thế nào để sử dụng công phu thực tập chánh niệm mà thiết lập lại được sự cân bằng giữa công việc và đời sống?

Thầy nói rằng ở Làng Mai chúng tôi có bốn hoạt động: tu, học, làm việc và chơi. Cách chúng tôi là làm sao để tu cũng là chơi, học cũng là chơi, làm việc cũng là chơi. Mà chơi cũng là làm việc, chơi cũng là học, tại vì trong khi chơi chúng tôi cũng chế tác được tình huynh đệ, cũng làm mới lại được thân tâm. Thành ra anh có thể làm thế nào để công việc của anh trở nên dễ chịu, và công việc đó không làm đánh mất sự sống của các anh.

Phải làm thế nào để công việc trở thành sự sống. Ví dụ như trong lúc viết thư pháp – vẽ một vòng tròn,  thì khi thở vào, tôi vẽ nửa vòng tròn trước; khi thở ra, tôi vẽ nửa vòng tròn còn lại và tôi mỉm cười. Có khi tôi mời thầy tôi, mời cha tôi, mời các đệ tử của tôi cùng vẽ vòng tròn với tôi. Trong khi vẽ vòng tròn như vậy, tôi thấy đây không chỉ là công việc mà đây là sự sống, đây là tu học, đây là niềm vui, đây là công tác xây dựng tăng thân. Và như vậy công việc này cũng là chơi, công việc này cũng là xây dựng tình huynh đệ, công việc này cũng là sự sống.

Vấn đề là làm sao khi làm việc các anh đừng tự đánh mất mình trong công việc, mà phải thấy công việc là niềm vui. Chánh niệm có thể giúp các anh làm được điều đó. Đừng tư duy theo kiểu lưỡng nguyên, cho công việc là một chuyện, còn đời sống là một chuyện khác. Phải làm sao để mình được sống trong khi làm việc, mà không đánh mất mình trong công việc.

Ước muốn sâu sắc nhất của đời mình là gì?

Tăng đoàn Làng Mai đã gặp một số các nhà doanh thương lớn ở Mỹ, những nhà tỷ phú. Họ muốn biết làm thế nào để trong khi làm ra tiền, mình không bị khổ đau, không đánh mất sự sống của mình. Chính Google đề ra khẩu hiệu là: chúng ta có thể làm giàu, nhưng chúng ta không cần phải đi con đường tà (we can make money without being evil). Thầy đặt câu hỏi: nếu trong khi làm giàu mà anh bỏ bê bản thân anh, bỏ bê gia đình anh, anh bỏ bê trái đất thì cái đó có phải là “evil” không? Theo Thầy thì cái đó cũng là “evil” rồi.

Vì vậy cho nên tư niệm thực (ước muốn sâu sắc nhất của mình) rất quan trọng. Thầy đề nghị tất cả các nhà doanh thương, những ông chủ lớn đều phải có bồ đề tâm, tức là một ước muốn sâu sắc và thánh thiện (volition hay intention). Đây cũng là một trong những nội dung chính yếu được giảng dạy trong chuyến đi hoằng pháp lần này.

Google đã đề nghị Thầy nói về ba đề tài: intention (ý định, ước muốn), insight (tuệ giác) và innovation (đổi mới, cải cách). Thầy nói ước muốn chân chính của mình (intention) phải là giúp xã hội, giúp con người trở về với bản thân, tại vì hướng đi của văn minh bây giờ là chạy trốn bản thân, chạy trốn gia đình và chạy trốn thiên nhiên. Đó là một hướng đi sai lạc, làm cho khổ đau càng ngày càng lớn. Bây giờ đây, đường hướng sử dụng kỹ thuật (technology) của anh và công ty của anh phải có một hướng đi cho tốt. Và hướng đi này sẽ làm cho anh có hạnh phúc. Đó là làm sao giúp được con người trở về được với bản thân để tự chăm sóc mình, chăm sóc những người thương và chăm sóc thiên nhiên. Vì vậy cho nên chuyện làm ra tiền trở thành thứ yếu, tại vì có tiền mà không có hạnh phúc thì có tiền để làm gì?

Tại World Bank, Thầy đã nói câu đó. Thầy nói: giữa hai cái, anh phải chọn một cái thôi, một là trở thành Number One, hai là hạnh phúc. Anh thấy cái nào quan trọng thì anh chọn. Nếu anh muốn trở thành number one thì anh phải hy sinh hạnh phúc, còn nếu anh muốn hạnh phúc thì anh phải hy sinh cái ý định trở thành number one. Vậy thì tư niệm thực (volition) của anh là gì? Muốn có nhiều tiền, muốn thành number one hay muốn có hạnh phúc?

Thầy có đề nghị các nhà doanh thương, các nhà kỹ thuật phải ngồi lại và tìm hiểu xem thử mình thật sự muốn gì. Đâu là ước muốn sâu sắc của đời mình? Thầy đã sử dụng những cụm từ mà Thầy đã dùng trong khóa tu mùa hè ở Làng. Con người chúng ta có những mối quan tâm thường nhật như: làm thế nào để có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, có người thương. Nhưng ngoài những tiện nghi vật chất và tình cảm đó, mình còn có cái ước muốn nào cao hơn nữa không?

Anh muốn làm gì với đời anh? Hay mục đích của đời anh chỉ là để đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm? Ngoài những quan tâm thường nhật, anh còn có mối quan tâm tối hậu (ultimate concern): anh muốn làm gì với cuộc đời mình? Thầy đề nghị các nhà doanh thương, các nhà chính trị và các nhà kỹ thuật phải tìm một nguồn tư niệm thực lành mạnh. Thầy thấy nguồn tư niệm thực hay nhất bây giờ là ý chí giúp con người trở về với bản thân để chăm sóc bản thân, trở về với gia đình để chăm sóc gia đình mình, và trở về với thiên nhiên để được nuôi dưỡng và trị liệu, cũng như giúp thiên nhiên phục hồi lại được cái đẹp của nó. Đó là những nét chính của sự giảng dạy trong chuyến đi.

Hôm 25.10.2013, Tăng đoàn cử ra mười thầy và sư cô đi với Thầy để gặp khoảng 30 nhà doanh thương cỡ lớn nhất ở Mỹ. Sau buổi sinh hoạt có đi thiền hành vào khoảng 40 phút. Tối hôm sau (26/10), các nhà doanh thương này đều đến nghe thầy giảng tại nhà hát Paramount Theatre ở Oakland. Đề tài chiều hôm ấy là: làm cho máu trở về tim, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Nội dung của buổi nói chuyện sáng hôm 25/10 tại Presidio Park, San Francisco cũng tương tự như buổi gặp gỡ ở Google. Buổi sáng hôm ấy, Thầy đã có dịp viếng thăm công viên Kaiser và thiền viện San Francisco với phái đoàn xuất sĩ.

Sức mạnh của từ bi

Trong chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ lần này có hai trường đại học mời mình, đó là đại học Harvard và đại học Standford.

Trường Y (Harvard Medical School) và Trường Y tế Cộng đồng (Harvard School of Public Health) cùng đứng ra tổ chức hai ngày học hỏi và tu tập chánh niệm với sự cộng tác của tổ chức Cambridge Health Alliance Physicians. Các bác sĩ tới tu tập trong hai ngày đó sẽ nhận được tín chỉ của chương trình giáo dục thường xuyên (continued education). Bên Mỹ họ bắt buộc các nhà hành nghề y khoa mỗi năm phải học thêm về chuyên ngành.

Thầy và Tăng đoàn tại đại học Havard

Ngày đầu tiên (11/9), có mười mấy giáo sư dạy về thiền quán và về tâm lý trị liệu.  Ngày hôm sau (12/9), Thầy nói về phương pháp trị liệu thân tâm bằng thiền tập. Hôm ấy có hướng dẫn thiền tọa, thiền hành, pháp thoại và vấn đáp. Đề tài là sức khỏe cộng đồng và sức khỏe cá nhân. Làm sao thiền quán có thể giúp phục hồi sức khỏe con người và sức khỏe cộng đồng?

Ngày 24/10, đại học Standford tổ chức một buổi đàm luận về đề tài từ bi. Trong khuôn khổ của ngành não bộ thần kinh (neuroscience), họ muốn tìm hiểu từ bi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người. Năng lượng từ bi có thể có tác dụng chữa trị cho con người được hay không? Thầy được mời tới để chia sẻ về đề tại này.

Trong buổi đàm luận này, các giáo sư cho biết là lâu nay y khoa chỉ tìm hiểu những yếu tố gây ra bệnh tật để chữa trị, mà chưa tìm hiểu những yếu tố tích cực giúp tăng cường sức khỏe. Đây là lần đầu tiên có một trường đại học nghiên cứu về từ bi, và thấy được vai trò của từ bi trong sự trị liệu cho con người và làm tăng tiến phẩm chất của đời sống.

Thầy nói rất rõ là từ bi có khả năng hóa giải hận thù, và khi hóa giải được hận thù thì con người mình trở nên thư giãn ra. Sự thư giãn đó giúp cơ thể phục hồi và trị liệu được. Khi có từ bi thì mình ngủ ngon hơn. Năng lượng từ bi còn có tác dụng bảo hộ cho mình. Súng ống và quân đội chưa chắc bảo vệ được mình nhiều bằng năng lượng từ bi. Như trường hợp của thầy Baddhiya, hồi thầy còn làm thống đốc một tiểu bang, có quân đội, có lính gác, nhưng thầy luôn sống trong lo sợ và không có an ninh. Khi đi tu rồi, thầy có rất nhiều từ bi và luôn được bảo hộ bởi năng lượng từ bi, vì vậy mà thầy thấy an ninh hơn rất nhiều, không sợ bị cướp, bị giết như trước đây nữa.

Ngoài ra, khi mình có từ bi thì mình có rất nhiều bạn. Giống như trong trường hợp Anathapindika (Cấp Cô Độc), ông là người rất từ bi cho nên ông có rất nhiều bạn bè và nhiều an ninh. Khi ông bị phá sản thì các bạn tới giúp ông gây dựng lại sự nghiệp một cách dễ dàng.

Nếu mình giàu thì cũng có rất nhiều người đến với mình, nhưng những người đến với mình có thể không phải để làm bạn đâu, họ đến với mình để mà nhờ cậy vào tiền của mình thôi. Vì vậy mà những nhà tỷ phú thường rất cô đơn. Họ luôn nghi ngờ những người đến với họ không phải là vì tình bạn, mà vì muốn lợi dụng vị thế của họ. Còn người có từ bi thì không bao giờ bị cô đơn. Không có từ bi thì mình không thể nào liên hệ với bất kỳ chúng sinh nào, bất kỳ con người nào khác. Vì vậy cho nên từ bi có khả năng chữa trị, có khả năng thiết lập liên hệ giữa mình với những người khác rất hay.

Buổi sinh hoạt hôm ấy rất hào hứng. Trong trường đại học có một buổi sinh hoạt như vậy rất là mới lạ, tại vì khung cảnh các buổi tọa đàm ở đại học thường rất khô khan với những con số, những công thức, những dữ kiện,v.v.Buổi sinh hoạt hôm đó rất linh động. Thầy đã nói rất nhiều về phương pháp chế tác từ bi.

Thầy đề nghị trong trường đại học, các giáo sư và sinh viên đừng chỉ nghiên cứu và giảng dạy bằng miệng và bằng khối óc, mà cần phải ngồi lại để cùng nhau chế tác năng lượng từ bi bằng chánh niệm, chánh định và tuệ giác. Quý vị phải dạy từ bi bằng cách sống của mình, chứ không phải bằng những bài giảng mà thôi. Khi quý vị có khả năng chế tác từ bi thì cách quý vị nhìn, cách nghe, cách tiếp xử với người khác khiến người ta thấy rất rõ năng lượng từ bi đó, chứ không phải chỉ do sự giảng dạy mà người ta hiểu được từ bi. Mọi người tham dự, trong đó có giáo sư James Doty – chủ tọa của buổi đàm luận rất thích và có nhiều cảm hứng từ những điều Thầy chia sẻ.

Giáo sư James Doty và Thầy

Hành trình của chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ

Chuyến đi bắt đầu với khóa tu cho các nhà giáo tại đại học Brock, Toronto, Canada, với đề tài với đề tài “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới” (“Happy teachers will change the world”). Khóa tu bắt đầu từ ngày 11/8 đến ngày 16/8. Khóa tu vừa chấm dứt thì ngày 17/8 có một buổi thuyết giảng công cộng tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Sony (Sony Centre for the Perfoming Arts). Trong buổi thuyết giảng này Thầy giảng về chủ đề: Present moment – Wisdom for global peace and happiness (Giây phút hiện tại – Tuệ giác đem lại bình an và hạnh phúc cho thế giới). Ngày 18/8 là một ngày quán niệm dành cho người Việt, có 900 người tới tham dự. Ngày 19/8 thì Thầy và Tăng đoàn qua Mỹ.

Ngày 22/8, có một ngày xuất sĩ tại tu viện Bích Nham. Từ ngày 25 – 30/8 thì có khóa tu cho những người nói tiếng Mỹ. Trước khi lên đường sang tu viện Mộc Lan, có một buổi thuyết giảng tại Beacon Theatre, New York ngày 7/9. Và cũng trong ngày này, Thầy đã khai mạc buổi triễn lãm thư pháp tại ABC Home, New York. Phòng triễn lãm này sẽ mở cửa trong vòng 4 tháng, và theo báo cáo, ngày nào cũng có rất đông người đến tham quan. Có rất nhiều người đã đặt mua những thư pháp ở đó. Sợ rằng sau bốn tháng thì những thư pháp ở đó sẽ bị bán hết, không còn để cho thầy Pháp Nguyện tổ chức một buổi triễn lãm khác.

Ngoài hai ngày cho World Bank (9 – 10/9) và hai ngày cho Havard (11 – 12/9), mình còn có một buổi pháp thoại công cộng ngày 14/9 và một buổi ngồi thiền công cộng (Sit in Peace) ngày 15/9 trước nhà thờ Trinity Church ở Boston. Chủ đề ở Boston là The country of the present moment – the wisdom for global peace and happiness (Xứ sở của giây phút hiện tại – Tuệ giác đem lại bình an và hạnh phúc cho thế giới).

Pháp thoại công cộng tại nhà thờ Trinity Church, Boston

Ở Mộc Lan có hai khóa tu, một khóa tu cho người Việt (19 – 22/9) và một khóa tu cho người Mỹ (24 – 29/9). Sau hai khóa tu ở Mộc Lan thì Tăng đoàn đi Lộc Uyển. Ngày 4 – 8/10 là khóa tu cho người nói tiếng Việt. Và khóa tu tiếng Anh với chủ đề “Tìm lại ngôi nhà đích thực của chúng ta” (“Finding our true home”) bắt đầu từ ngày 11/10 và kết thúc ngày 16/10. Ngày 19/10, Thầy có buổi thuyết giảng công cộng tại Pasadena. Rồi sau đó mình đi lên miền Bắc California.

Ngày 23/10 là dành cho Google, ngày 24/10 là dành cho Standford, ngày 25/10 là để cho các nhà doanh thương, ngày 26/10 là diễn thuyết công cộng tại Paramount Theatre với đề tài “Làm mới thân tâm – Tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm” (“Refreshing our Hearts, Touching the Wonders of Life”). Ngày 27 là ngày quán niệm cho người Việt tại tu viện Kim Sơn. Và ngày 28 thì Thầy và Tăng đoàn về lại Pháp, kết thúc chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ năm 2013.

Các bài có liên quan:

– Có Bụt trong xe

– Bụt có khổ không?

Bụt có khổ không?

 

 

Pháp thoại công cộng tại Paramount Theatre, Oakland

Trong chuyến đi hoằng pháp tại Bắc Mỹ năm nay, có nhiều chuyện để kể từ từ. Nếu Thầy quên thì các vị khác sẽ bổ túc cho Thầy.

Cần có thêm vài ngàn người xuất gia nữa…

Một trong những điều mình thấy là số người muốn ghi tên tham dự các khóa tu và những buổi thuyết giảng rất đông. Ví dụ như buổi thuyết giảng công cộng tại Oakland, nhà hát chỉ chứa được 3200 người thôi nhưng khi mình mở đăng ký trực tuyến qua Internet cho người ta ghi danh tham dự khóa tu thì chỉ bốn giờ sau là hết chỗ, không mua vé được nữa. Rất nhiều người muốn tới nghe mà không có chỗ, do đó mình phải mời họ lên mạng để nghe trực tuyến. Có một tổ chức tên là Sounds True phụ trách về việc thông báo và ghi tên những người lên mạng để nghe. Hôm đó Sounds True báo cáo rằng số người lên mạng để nghe pháp thoại trực tuyến là 35000 người. Điều đó chứng tỏ rằng số người muốn tu học rất đông. Tất cả các khóa tu đều như vậy.

Trong khi đó phương tiện của mình để đáp ứng được nhu cầu tu học hiện nay lại rất hạn chế. Có những khóa tu mình chỉ có thể tiếp nhận được chừng 1000 người thôi hoặc ít hơn, nhưng luôn luôn có 700 – 800 người ở trong danh sách chờ đợi (waiting list). Như khóa tu ở Hồng Kông đầu tháng năm năm nay, mình chỉ có thể đáp ứng được cho 1300 người thôi, trong khi đó số người muốn tới tu rất đông. Tại tu viện Lộc Uyển, Bích Nham, Mộc Lan cũng vậy.

Trong những khóa tu ấy, Thầy có nói chuyện về tình trạng của Tăng đoàn Làng Mai. Thầy nói rằng ở châu Âu, nước nào cũng muốn có một khóa tu mỗi năm nhưng ước nguyện đó vẫn chưa thành đạt. Hiện nay, tại châu Âu chỉ có 3 nước: Pháp, Đức, Hà Lan là có khóa tu hàng năm. Còn những nước khác như Ý, Tây Ban Nha… nhiều lắm là hai năm mới có một khóa tu. Đó là vì tăng đoàn không có đủ người để gửi đi, mình thiếu các vị giáo thọ. Vì vậy Thầy kêu gọi phải có thêm vài ngàn người xuất gia nữa mới tạm đáp ứng được nhu cầu tu học. Thầy nói rằng trong quý vị ngồi đây, nếu ai thấy ngoài đời không có chuyện gì đáng làm thì nên đi xuất gia để mà phụng sự. Tại vì chỉ trong một khóa tu 6 ngày mà đã có rất nhiều người chuyển hóa và hòa giải được với gia đình. Người ta hạnh phúc lắm.


Cõi Tịnh Độ hay nước Chúa không phải là nơi không có khổ đau

Trong chuyến đi lần này, có những điều Thầy nói làm cho thiên hạ sốc rất nhiều. Những điều này đơn giản thôi, nhưng đối với họ rất mới lạ. Ví dụ như: trong cõi Tịnh độ của Bụt, cõi thiên đường của Chúa có đau khổ không? Hầu hết mọi người đều tin rằng ở cõi Tịnh độ hay ở cõi thiên đường thì làm gì có đau khổ nữa? Nhưng theo giáo lý tương tức của đạo Bụt, không có khổ đau thì không có hạnh phúc. Không có bùn thì không có sen. Nếu muốn có những bông sen thơm và tinh khiết thì phải có bùn mới được. Có bùn mới làm ra sen. Hạnh phúc và khổ đau cũng vậy. Chính nhờ cái bùn của khổ đau mà mình làm ra được bông sen của hạnh phúc. Vì vậy, Thầy nói rằng: “theo tôi, nước Chúa không phải là chỗ không có khổ đau. Nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Chắc chắn là như vậy”.

Thầy cũng nói: “Nếu quý vị gửi con của quý vị tới những chỗ không có khổ đau thì con của quý vị sẽ không có cơ hội học hỏi để hiểu và để thương. Nếu không có hiểu và thương thì mình không phải là một người có hạnh phúc. Và muốn học hiểu, học thương thì mình phải tiếp xúc với khổ đau. Cõi Tịnh độ hay nước Chúa không phải là chỗ không có khổ đau, mà là chỗ người ta biết học hỏi từ khổ đau, biết sử dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc cũng như người biết sử dụng bùn để nuôi sen.”

Chuyện ở nước Chúa mà có khổ đau là chuyện mà lâu nay người ta không nghĩ tới, không ai tin như vậy. Hầu hết mọi người đều tin rằng đã là nước Chúa, đã là Thiên quốc rồi thì chắc chắn là không còn khổ đau nữa. Nhưng sự thật mà mình quan sát được là nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Khổ đau và hạnh phúc đi với nhau như một cặp bài trùng, không có cái này thì không có cái kia, cũng như một tờ giấy có mặt trái và mặt phải vậy. Mình không thể lấy mặt trái ra khỏi mặt phải. Mình không thể nói: anh tới đây lấy mặt trái đi về Bordeaux, còn chị lấy mặt phải đi về Toulouse. Đó là điều không thể làm được. Hai cái chỉ muốn ở chung thôi, không có cái này thì cũng không có cái kia.

Nếu không có dưới thì cũng không có trên, không có phải thì không có trái, nếu không có thì không có không, nếu không có khổ đau thì không có hạnh phúc. Rất rõ ràng. Đó là sự thật 100%. Vậy nên chúng ta đừng có ảo tưởng tìm tới một cõi không có khổ đau. Không! Tịnh độ và nước Chúa là những nơi có khổ đau, chắc chắn là như vậy. Nhưng ở những nơi đó người ta biết cách khổ, biết cách sử dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc. Thầy có dạy rằng khi quý vị biết cách khổ thì quý vị khổ rất ít. “If you know how to suffer, you suffer much less”. Câu này họ thích lắm. Nếu mình biết cách khổ thì mình khổ rất ít, và mình lại có thể làm ăn khá hơn: mình có thể sử dụng khổ đau đó để chế tác thành hiểu và thương để làm nền tảng cho hạnh phúc.

Bụt có khổ, nhưng vì Bụt biết cách khổ cho nên Ngài khổ rất ít

Thầy có kể rằng ngày xưa khi còn trẻ, thầy cũng tin như mọi người là khi mình thành Bụt rồi thì mình không còn khổ nữa. Nếu thành Bụt rồi mà còn khổ thì thành Bụt để làm gì? Đó là lý luận của mình. Nhưng nếu mình thấy được sự thật là khổ đau và hạnh phúc tương tức thì mình có một cái nhìn rất khác. Thành ra sự thật là Bụt có khổ, nhưng vì Bụt có tuệ giác và tình thương lớn, và vì Bụt biết cách khổ cho nên Bụt khổ rất ít. Thầy nghĩ rằng Bụt cũng có nhức đầu, đau bụng, nhức mỏi chứ không phải là không. Nói rằng Bụt không đau bụng, nhức đầu, không nhức mỏi là không đúng. Tại vì đã có hình hài thì phải có những chuyện đó thôi. Nhưng vì Bụt có trí tuệ và từ bi lớn, và vì Bụt biết cách khổ cho nên Bụt khổ rất ít.

Có thể có những người không đồng ý với Thầy. Họ nói: nếu thành Bụt mà còn khổ thì thành Bụt để làm gì? Đó là lý luận của đa số. Nhưng Thầy thấy rất rõ là Bụt cũng khổ như mình nhưng Bụt khổ rất ít, tại vì Ngài có quá nhiều trí tuệ và từ bi. Nếu cần khổ thì Ngài cũng khổ. Ví dụ như nghe tin đệ tử thương yêu của mình là thầy Xá Lợi Phất tịch thì Bụt có buồn không? Bụt có phải là một tảng đá đâu? Khi đệ tử thương của mình qua đời mà Bụt tỉnh bơ thì đâu được. Chắc chắn là Bụt có khổ nhưng vì Bụt có sẵn tuệ giác về vô thường, vô ngã, biết rằng thầy Xá Lợi Phất đang tiếp tục có mặt trong các sư em của thầy, thì Bụt khổ ít hơn các thầy khác nhiều. Bụt khổ ít hơn thầy Ananda, có phải vậy không? Cho nên sự thật Thầy trao truyền là Bụt có khổ nhưng Ngài khổ rất ít. Ngài biết cách khổ. Cũng như Thầy vậy, Thầy cũng khổ nhưng Thầy khổ ít hơn nhiều người khác. Ví dụ nếu mình biết giáo lý về mũi tên thứ hai. Mũi tên thứ hai là sự lo lắng, sự bực bội của mình, nó làm cho mình khổ gấp mười lần, và vì vậy đừng để cho mũi tên thứ hai cắm vào thì mình đã bớt khổ nhiều rồi, huống hồ mình lại còn có những phương pháp khác.

Khi thành Bụt rồi thì mình còn phải tu nữa hay không?

Khi còn là một thầy tu trẻ, Thầy còn có một câu hỏi nữa là: khi thành Bụt rồi thì mình còn phải tu nữa hay không? Thực tế trong kinh nói rất rõ là Bụt cũng có ngồi thiền, đi thiền hành và thực tập an ban thủ ý như các thầy khác. Thành ra mình hỏi tại sao thành Bụt rồi mà còn phải thực tập nữa, còn phải tu nữa? Tu là để thành Bụt, tại sao thành Bụt rồi còn phải tu nữa? Đó là những câu hỏi rất thực tế.

Câu trả lời cũng dễ thôi, nhưng tại sao mình loay hoay mất bao nhiêu năm mà tìm không ra. Đó là vì hạnh phúc cũng vô thường. Bụt có rất nhiều hạnh phúc, và vì hạnh phúc của Bụt cũng vô thường như hạnh phúc của mình cho nên Ngài phải tiếp tục tu để tiếp tục chế tác hạnh phúc. Thí dụ như mình đạp xe đạp, mình đạp mấy cái thì xe chạy, nhưng nếu mình không tiếp tục đạp thì xe đâu chạy nữa. Hạnh phúc của Bụt cũng vậy. Ngài biết cách nuôi dưỡng hạnh phúc cho nên hạnh phúc của Ngài kéo dài. Còn mình không biết nuôi dưỡng hạnh phúc cho nên hạnh phúc của mình rất ngắn ngủi.

Bởi vậy cho nên thành Bụt rồi mà Bụt cũng phải thực tập thôi. Ngài cũng thực tập an ban thủ ý, Ngài cũng thực tập thiền hành, thiền tọa, ăn cơm im lặng như mình vậy để nuôi dưỡng hạnh phúc của Ngài. Câu trả lời rất dễ, vậy mà trước đây mình cứ dại dột cho rằng: đã thành Bụt rồi thì còn tu nữa để làm gì?

Thầy nói những điều  này bằng một ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu cho nên thiền sinh dễ hiểu và dễ chấp nhận. Những cái ban đầu gây sốc cho người ta rốt cuộc rồi người ta cũng hiểu và chấp nhận được.

(còn tiếp)

Bài viết có liên quan:

Có Bụt trong xe

Có Bụt trong xe

(Trích pháp thoại của Thầy ngày 31/10/2013 tại xóm Thượng – phần I)

Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 31 tháng 10 năm 2013. Chúng ta đang ở tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, trong khóa tu mùa thu. Sáng nay tại Phương Khê, khi thức dậy thì ở ngoài là 3 độ C. Làng Mai đang vào mùa thu, lá chưa vàng nhiều. Sáng nay có sương mù nhưng khi mặt trời lên thì sương cũng tan hết. Hôm nay Thầy có cơ hội kể lại một ít về chuyến đi vừa qua ở Bắc Mỹ. Chiều nay, có thể các vị khác sẽ tiếp tục kể. Thầy chỉ kể vài nét chính thôi.

Cầu nguyện Đất Mẹ cho một ngày mưa

Chuyến đi vừa qua kéo dài hai tháng hai mươi ngày. Trước khi lên đường, Thầy không được khỏe lắm, còn ho. Sang tới Canada vẫn còn ho. Nhưng chuyến đi này rất may mắn. Sau khóa tu Canada thì Thầy hết ho. Ở Mỹ, mình có ba tu viện: tu viện Bích Nham ở New York, tu viện Mộc Lan ở Mississippi và tu viện Lộc Uyển ở California. Ba nơi đều không có mưa; trời nắng kéo dài và trong rừng suối khô cạn. Nhưng khi tăng đoàn tới thì cả ba nơi đều có mưa. Ban đầu thì là Bích Nham. Thầy tới được chừng ba, bốn ngày thì trời bắt đầu mưa. Rất là hạnh phúc. Các loài chúng sanh, kể cả loài người nữa, đều hạnh phúc. Cây cối cũng rất là hạnh phúc.

Mộc Lan cũng vậy. Thiếu mưa rất lâu, nhưng sau khóa tu cho người Việt thì có mưa. Vì vậy mà khóa tu cho người nói tiếng Mỹ được hưởng cái sự mát mẻ đó, rất là hay. Tại tu viện Lộc Uyển, nắng lâu ngày quá nên nhiều cây sage đã bắt đầu chết. Vì vậy trước khi về Lộc Uyển,  Thầy đã bắt đầu chú nguyện, gửi năng lượng cầu đất Mẹ và cha Trời cho mưa, nhưng đến khi xuống tới phi trường Los Angeles rồi thì nghe nói vẫn chưa có mưa. Vì vậy mà ngồi trên xe, Thầy tiếp tục chú nguyện. Thầy nói: Tăng đoàn Làng Mai xin đất Mẹ và trời Cha cho một ngày mưa hoặc một đêm mưa. Và đôi khi Thầy nghĩ đất Mẹ và cha Trời chưa thương Tăng đoàn Làng Mai đủ để trời mưa, cho nên Thầy cầu cứu với đất Mẹ là tất cả các loài chúng sanh ở trong rừng, kể cả các loài cây cối đang rất mong đất Mẹ cho một ngày mưa, một đêm mưa.

Và cuối cùng thì có mưa. Chiều hôm đó, Thầy ngồi thiền trong nhà và nhìn ra thấy mưa rất đẹp, trong lòng có rất nhiều hạnh phúc. Ngày hôm sau Thầy đi thăm cây, và thấy rõ ràng là cây cối đang rất hạnh phúc. Chỉ cần năm ngày sau là các cây sage lấy lại phong độ, bắt đầu cho ra những đọt non. Thành ra chuyến đi này rất may mắn, có ba trận mưa tại ba trung tâm của mình.

Chuyến đi này có rất nhiều khóa tu, nhiều ngày quán niệm, và nhiều buổi diễn thuyết công cộng. Phái đoàn làm việc rất nhiều. Các thiền sinh cũng như quần chúng được hưởng rất nhiều lợi lạc. Không những vậy mà các thầy các sư cô ở tại ba tu viện đều có cơ hội đi theo Thầy và tăng đoàn trong suốt chuyến đi. Thành ra thầy trò và huynh đệ có cơ hội làm việc chung với nhau, ngồi với nhau, đi với nhau, phụng sự với nhau, rất là hạnh phúc.

Bụt có ngồi trong xe không?

Có một hôm ngồi trên xe bus, Thầy hỏi vị thị giả của Thầy: “Con nghĩ là Đức Thế Tôn có ngồi trong xe với mình hay không?”. Thầy Pháp Nguyện trả lời: Dạ có. Thầy nói: có chắc hay không? Hôm ấy có tới ba chiếc xe bus. Thầy ngồi trong một chiếc, và còn hai chiếc kia… Muốn biết là có Bụt ngồi trong xe hay không, chuyện đó cũng dễ thôi.

Nếu trong xe năm chục người ngồi mà có một người thôi đang thở trong chánh niệm thì có nghĩa là Bụt đang ngồi trong xe. Mà nếu có hai người, ba người, năm người cùng thở, cùng ngắm phong cảnh trong chánh niệm thì sự có mặt của Bụt rất là rõ ràng. Và nếu tất cả năm chục người đều đang thở thì chuyện đó là chuyện rất mầu nhiệm. Thầy có nói rằng chỉ cần trong xe có một người thở trong chánh niệm thôi là đã có Bụt ở trong xe. Và có Bụt ở trong xe thì tất cả mọi người trong xe đều được bảo hộ bởi năng lượng đó và trong xe có an ninh hơn nhiều.

Ngồi trong xe, xe bus hoặc xe van hoặc xe thường, nếu quý vị muốn hỏi câu hỏi “có Bụt ngồi trong xe này hay không?” thì quý vị có thể tự trả lời được. Mình có quyền làm cho Bụt có mặt trong xe hay không? Nếu mình thở trong chánh niệm thì mình biết chắc là có Bụt đang ngồi trong xe và cả xe đều được bảo vệ.

Ngồi trên máy bay từ San Francisco về Paris, Thầy cũng có hỏi: Có Bụt ở trong máy bay này hay không? Câu trả lời rất rõ. Muốn có Bụt trong máy bay thì mình chỉ cần thở trong chánh niệm. Thành ra mình có một quyền năng rất lớn mà mình không biết. Nếu có hai người, ba người thở thì sự có mặt của Bụt càng rõ ràng hơn nữa. Cho nên Thầy muốn các vị, từ xóm Thượng đi xuống xóm Hạ hay đi về xóm Mới, khi ngồi trên xe nên hỏi: trong xe này có Bụt ngồi với mình hay không?

Thầy nhớ trong một chuyến đi Ấn Độ do giáo thọ Shantum Seth tổ chức, mình đi một phái đoàn tới 300 người, vì vậy cho nên mình có tới 11 chiếc xe bus. Và Thầy muốn là trên chiếc nào cũng có Bụt ngồi cả chứ không phải chỉ có chiếc của Thầy. Cho nên Thầy yêu cầu trên mỗi chiếc xe bus đều có một cái chuông, lâu lâu mình thỉnh một tiếng chuông cho mọi người thở. Và khi mọi người đều thở thì chắc chắn là có Bụt đang ngồi trong xe với mình. Bụt đang ngồi với mình thì mình có hạnh phúc nhiều hơn, có an ninh nhiều hơn. Thành ra muốn biết là Bụt có ở trong xe hay không, câu trả lời rất dễ.

Khắp nơi trên thế giới, tăng thân mình khi đi xe nên có chuông trên xe. Phải có một cái chỗ để chuông. Ở Việt Nam cũng như ở các nước Phật giáo, trong xe hơi người ta thường treo tượng Bụt, hoặc là treo một túi kinh trong đó có Bát Nhã Tâm Kinh,v.v., nhưng không có nghĩa rằng khi mình có treo tượng Bụt thì có Bụt ở trong xe. Dù tượng Bụt làm bằng plastic, hay làm bằng ngọc đi nữa thì cái đó cũng không phải là Bụt. Chỉ khi nào trong xe có người thở và nhìn trong chánh niệm thì khi đó mới có Bụt thật mà thôi. Cho nên Thầy đề nghị từ nay về sau, trong mỗi xe của tu viện đều phải dán lên câu: Có Bụt ngồi trong xe không? Và khi lên xe thấy câu đó thì mình có thể nói: thôi, để mình làm cho Bụt có mặt đi! Nếu những người khác đang bận lo lắng, bận suy nghĩ về những chuyện khác thì mình làm việc này cho họ.

Ngày hôm qua Thầy đã viết xuống câu thư pháp “Bụt có ngồi trong xe không?” hay là câu “Có Bụt trong xe không?”. Từ nay về sau trên mỗi xe, hoặc là xe bus, hoặc là xe van hoặc xe thường đều nên dán câu đó, và chúng ta cũng cần có thêm một cái chuông nhỏ nữa. Và vị nào lái xe thì khi đại chúng đã lên xe rồi, có thể nhắc: không biết có Bụt ở trong xe hay không? Và nhờ một người thỉnh chuông cho mọi người thở. Đó cũng là một phương pháp thực tập chánh niệm.

Có Bụt trong cuộc đời là chúng ta đã có hạnh phúc nhiều lắm! Nhưng đâu phải chỉ có Bụt trong cuộc đời, mà mình còn có nhau nữa, cho nên hạnh phúc đó rất là lớn! Vì vậy khi mình thỉnh chuông thì mọi người sẽ không nói chuyện, không suy nghĩ mà trở về với hơi thở và ý thức rằng mình đang có Bụt trong cuộc đời và mình cũng đang còn có nhau. Còn hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa?

(còn tiếp)

Tổng kết chuyến đi Bắc Mỹ

Có Bụt trong xe
Ở Việt Nam cũng như ở các nước Phật giáo, trong xe hơi người ta thường treo tượng Bụt, hoặc là treo một túi kinh trong đó có Bát Nhã Tâm Kinh,v.v., nhưng không có nghĩa rằng khi mình có treo tượng Bụt thì có Bụt ở trong xe. Dù tượng Bụt làm bằng plastic, hay làm bằng ngọc đi nữa thì cái đó cũng không phải là Bụt. Chỉ khi nào trong xe có người thở và nhìn trong chánh niệm thì khi đó mới có Bụt thật mà thôi.
Bụt có khổ không?
(Trích pháp thoại của Thầy ngày 31/10/2013 tại xóm Thượng – phần II)
Anh muốn làm gì với đời anh?
(Trích pháp thoại của Thầy ngày 31/10/2013 tại xóm Thượng – phần III)