Hạnh phúc là con đường

Vậy là Thầy và tăng thân đã về tới chùa Liên Trì, Hongkong chiều ngày 15/5. Sau 15 ngày hoằng pháp tại Hàn Quốc trông Thầy ốm hẳn, chưa khi nào thấy thầy gầy quá như vậy, nhưng không sao rồi Thầy sẽ khỏe thôi. Thời khóa ở Hongkong thì khác hẳn ở Korea, đại chúng có đến ba ngày để nghỉ ngơi. Thiên nhiên và khí hậu ở đây thật dễ thương, mặc dù chỉ một vài phút là thời tiết đã đổi khác. Có những ngày sau giờ ăn trưa mà sương mù vẫn còn giăng kín cả núi đồi, cứ tưởng như là mới ăn sáng xong vậy. Anh chị em xuất sĩ chúng tôi thường hay đi bộ vào rừng, ở đó có những con đường rất yên lắng, người ta làm đường bê tông cho người đi bộ. Những cây tràm lá nhỏ phủ kín hai bên đường, thỉnh thoảng có những con bò rừng đang ăn cỏ. Rồi chúng tôi cũng leo lên Đồi Thả Diều (Kite flying hill) ngắm chiều xuống trên biển và chụp hình tượng Bụt ngồi lớn nhất Hongkong tọa lạc tại làng Ngong Ping, chỉ mất khoảng mười lăm phút đi bộ từ chùa Liên Trì.

Chương trình hoằng pháp của Thầy ở đây được bắt đầu với một ngày quán niệm cho các thầy cô giáo và những người làm việc trong ngành giáo dục vào ngày 18.05 tại Trung tâm Giáo dục Tôn giáo và Tâm linh. Có khoảng 700 người đã có mặt hôm ấy để được đi thiền hành, ngồi thiền, nghe pháp thoại, ăn cơm chánh niệm, thực tập thiền buông thư và pháp đàm với các thầy các sư cô. Chương trình Đạo đức học ứng dụng được Sư Ông khuyến khích đưa vào trong ngành giáo dục chỉ trong mấy năm trở lại đây nhưng nó đã lan đi rất rộng rãi. Từ Châu Âu, rồi Châu Mỹ và bây giờ đã lan rộng đến Châu Á và nó đã được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của các thầy cô giáo và những người làm trong ngành giáo dục.

Happy Teachers will Change the World – Các thầy cô giáo hạnh phúc có thể thay đổi được thế giới.” Đó là chủ đề chính dành cho các nhà giáo dục trong chuyến đi này của Thầy và Tăng thân. Hầu như các thầy cô giáo có mặt trong các ngày tu này đều có một mong muốn như nhau là làm sao để họ có thể áp dụng và biết cách đưa những lời hướng dẫn của Thầy đến cho các học trò của họ. Họ thật là những người thầy giáo, cô giáo không những chỉ dạy học mà còn hiểu được những khó khăn của học sinh trong thời đại mới.

Trong khi hai phần ba tăng thân đi tổ chức quán niệm ở Trung tâm Giáo dục Tôn giáo và Tâm linh thì các vị xuất sĩ còn lại ở nhà đã làm việc với các vị cư sĩ tình nguyện (Volunteer) để chuẩn bị cho ngày lễ Phật đản (Vesak). Chùa Liên Trì khuôn viên thì rộng nhưng không có thiền đường đủ chỗ cho 600 trăm người đến tham dự cho nên chương trình Pháp thoại và lễ tắm Bụt được sắp đặt ngoài trời. Chỉ có điều ai cũng cầu mong cho trời đừng mưa, nếu mưa thì thật tội nghiệp cho bà con. Nhưng biết cầu ai bây giờ? Cứ làm thôi, trong lúc chuẩn bị là đã hạnh phúc rồi. Bắt đầu 8 giờ sáng, các vị Volunteer đã sắp xếp cho thiền sinh đón xe bus lên chùa Liên Trì.


Thiền hành trước giờ pháp thoại

Chương trình cho lễ Vesak được bắt đầu với buổi thiền hành. Thầy đã hướng dẫn cho đại chúng đi thiền hành đi qua chùa Bảo Liên Thiền Tự, ngồi thiền ngoài trời và sau đó đi vòng về chùa Liên Trì. Trong buổi đi thiền hành Thầy đã khuyến khích mọi người đi với mỗi bước chân với sự trị liệu, mỗi bước chân là nuôi dưỡng, mỗi bước chân là tự do, tự do với những gì mình đang lo lắng, buồn phiền. Sau thiền hành là giờ pháp thoại. Bài pháp thoại dài 45 phút mà ai cũng cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của Thầy và niềm hạnh phúc ấy lan tỏa khắp hội chúng. Mới ngày hôm trước Thầy còn rất mệt nhưng hôm nay giọng nói của Thầy rất khỏe.

Nội dung bài pháp thoại đã được gói gém trong thông điệp Phật đản 2013 của Thầy, nhưng phải nghe pháp thoại trược tiếp mới cảm nhận được cái hùng khí của nó. Giọng Thầy dõng dạc, đầy hùng lực như muốn giúp cho mọi người con Bụt đập tan đi những niềm tin mù quáng, những sự hành trì sai lệnh với giáo pháp của đức Thế Tôn. Thầy nói trong truyền thống đạo Bụt chúng ta luôn gọi Bụt là Thầy, Thầy gốc “Bản sư” nhưng trên thực tế trong sự hành trì chúng ta không xem Bụt là Thầy mà chúng ta đã xem Bụt như là một đấng thần linh để cầu xin. “Ngày hôm nay ta ăn mừng sự xuất hiện của Siddhartha trên hành tinh này. Nhưng hầu hết chúng ta đều chỉ biết tôn sùng Siddhartha như một quyền lực thiêng liêng có khả năng ban phúc trừ họa. Không mấy ai trong chúng ta đang đi được trên đường Siddhartha đã đi, biết cách xử lý khổ đau, chế tác hạnh phúc, tái lập được truyền thông, tiếp xúc với Niết bàn trong hiện tại. Đạo Bụt của chúng ta phần lớn chỉ là đạo Bụt của tín mộ. Những gì mà Bụt khuyên chúng ta nên buông bỏ như danh lợi, tài sắc v.v… bây giờ chúng ta lại cầu Bụt ban cho chúng ta những cái đó.” Và Thầy cũng đề nghị phải đem những kinh như: Kinh Người Áo Trắng, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm giảng dạy cho người cư sĩ và khi người cư sĩ đến chùa không phải chỉ để cúng vái mà phải nên tìm cách để được học những kinh căn bản đó. Đó là những kinh chuyển tải được giáo lý và cách hành trì cụ thể và đích thực của đạo Bụt.

Sau giờ pháp thoại là lễ tắm Bụt sơ sinh, đại chúng vân tập tại thiền đường ngoài trời, ngồi thiền và tụng kinh, sau đó niệm Bụt và đi nhiễu vào vườn Bụt. Trước giờ đi thiền đại chúng đã được tập bản niệm Bụt mới “Namo Shakya Munaye Buddhaya” cho nên buổi lễ đã diễn ra rất hùng tráng, ai cũng cảm thấy ấm lòng. Ban tổ chức đã thiết sẵn ba vị Bụt sơ sinh, bởi vì một vị Bụt thì không đủ. Sau giờ ăn trưa chánh niệm thì có thiền buông thư do sư cô Chân Không hướng dẫn, và đó cũng là chương trình cuối của ngày lễ Vesak.

Vào cuối ngày, sau khi các bạn thiền sinh đã trở về thì các huynh đệ chúng tôi ai cũng nói ông trời thương chúng ta quá, một ngày không mưa, không có nắng nóng, gió lại mát, thật không có gì vui bằng.

Hôm nay được tắm cho Như Lai
Trí tuệ quang minh công đức lớn
Chúng sinh ba cõi đang chìm đắm
Được thấy trần gian hiện pháp thân

Xem thêm:  Hình ảnh Sư Ông tại Hongkong >>

Từ chuyến hoằng pháp đầu tiên vào năm 2001 của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai, hạt giống đã được gieo trồng nơi xứ này. Làng Mai HongKong được thành lập vào tháng Năm, năm 2007, trong chuyến đi HongKong lần thứ ba của Sư Ông. Sau chuyến đi năm 2007, thầy Pháp Khâm cùng các thầy cô Làng Mai đang tu học tại Việt Nam và Thái Lan thường trở lại HongKong mỗi ba tháng một lần để tổ chức khóa tu và hướng dẫn thiền sinh tu học. Hai năm sau, vào tháng Hai năm 2009, một trung tâm thực tập chánh niệm đã được thiết lập tại khu phố du lịch và thương mại Tsim Sha Tsui, Kowloon. Quý thầy Pháp Khâm, Pháp Chung, Pháp Chứng và Pháp Dũng là chúng thường trú của trung tâm. Tuy lọt thỏm vào giữa phố xá đông người, nhưng quý thầy vẫn tu tập tinh chuyên. Hằng ngày quý thầy vẫn duy trì được thời khóa như các trung tâm Làng Mai khác: thiền tọa, thiền hành, thiền làm việc. Một vài thiền sinh đến ngồi thiền buổi sáng với quý thầy. Tuy nhiên, đa số là đến sinh hoạt vào sau giờ làm việc, để tham dự buổi thiền hành ngoài công viên với quý thầy vào buổi chiều và thiền tọa vào buổi tối. Họ thấy được tầm quan trọng của sự thực tập. Nó giúp họ giảm bớt được căng thẳng và đem lại nhiều bình an và hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Có những bữa trời mưa không đi thiền hành ngoài trời được, quý thầy hướng dẫn thiền sinh đi thiền hành ở dưới đường xe điện ngầm (subway).Chuyến hoằng pháp năm 2010 của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai tại HongKong vừa qua đã đem lại rất nhiều lợi lạc cho người dân HongKong… Trích: Sư Ông Làng Mai khai sinh Viện Phật học Ứng dụng Châu Á.

 

Năm 2011, Thầy đến HongKong và đã đặt nền tảng cho sự ra đời của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á (AIAB). Tại ngôi Chánh Điện Chùa Liên Trì, ở đảo Lantau xinh đẹp này, ngày 1 tháng 5 năm 2011, Thầy đã giảng bài Pháp Thoại đầu tiên, bắt đầu cho sự hoạt động của AIAB. Sau bài pháp thoại là buổi lễ cúng dường Tu viện dựa trên chuyện Vua Tần-Bà-Sa-La cúng dường Tu Viện Trúc Lâm cho Tăng đoàn của Bụt ngày xưa, các vị Thí chủ cúng dường Chùa đã rưới nước rửa tay cho Thầy để công bố sự hoạt động của Tăng thân Làng Mai tại đây được bắt đầu trước sự chứng kiến và niềm hân hoan của tứ chúng… Mỗi ngày lại có thêm nhiều người biết đến và thực tập hơn và đã xây dựng được một Tăng Thân cư sĩ thực tập vững chãi, yểm trợ cho chúng xuất sĩ trong những hoạt động dưới sự hướng dẫn của Thầy Pháp Khâm và Đại chúng ở đây. Trích:  Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á (AIAB)

 

Quán niệm dành cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe

Ngày 21.5, Thầy sẽ giảng pháp thoại trong ngày quán niệm dành cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe với chủ đề Thân và Tâm là một (Body and Mind are One). Ngày quán niệm sẽ được bắt đầu bằng một thời ngồi thiền, sau đó Thầy sẽ giảng pháp thoại và dẫn đại chúng đi thiền hành. Sau bữa cơm trưa sẽ có thiền buông thư và buổi chiều sẽ có pháp đàm. Ngày quán niệm do Trung tâm Phật học Ứng dụng Á châu và Trung tâm Chăm sóc Hành vi Sức khỏe của Trường Đại học HongKong cùng tổ chức. Công tác có liên quan đến việc chăm sóc và phục vụ con người là việc làm rất ý nghĩa. Trong khi chăm sóc sức khỏe, tình cảm, tinh thần của những người có vấn đề, các chuyên viên y tế và nhân viên xã hội rất cần được yểm trợ về cả hai mặt thân và tâm để họ có thể làm việc được lâu dài.

Trong ngày quán niệm, chúng ta sẽ học cách thở có chánh niệm, đi thiền hành, ăn cơm im lặng, buông thư, lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ. Những thực tập này sẽ giúp chúng ta thong thả lại, biết nghỉ ngơi một chút trong cuộc sống bận rộn hàng ngày. Chúng ta sẽ được nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh (Thầy) chỉ dạy về cách chăm sóc thân tâm trong khi phục vụ và chăm sóc người khác. Pháp thoại và pháp đàm sẽ tập trung vào đề tài có liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phục vụ con người.

Sau đó, Thầy sẽ hướng dẫn khóa tu gia đình 4 ngày (22-26.05) với chủ đề: Hạnh phúc là con đường tại Wu Kwai Sha.

Ngày 27.05.2013, Thầy sẽ giảng pháp thoại công cộng tại Hong Kong Coliseum, Hung Hom, Kowloon.