Thông điệp mùa Vu Lan

Được biết, sau khi tác phẩm ra đời, Thiền sư đã phát động phong trào cài hoa hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Xin Thiền sư cho biết lần đầu tiên phong trào này được phát động là vào mùa Vu Lan năm nào, tại đâu? Thiền sư có gặp sự trở ngại nào chăng khi đưa ra một nét văn hóa tuy đẹp đẽ song cũng rất mới lạ này?

Tôi không hề có ý định phát động phong trào Cài Hoa Hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Phong trào ấy tự động phát khởi một cách tự nhiên mà thôi. Điều đó cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Hồi đó, năm 1962, sau chín tháng nghiên cứu về khoa Tỷ Giáo Tôn Giáo tại Princeton University, tôi về nghỉ hè tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Ban ngày tôi chơi và nói chuyện với thanh thiếu niên về Văn Hóa Việt Nam và đi chèo thuyền trên hồ, ban đêm tôi viết văn. Tôi đã viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi. Viết xong tôi gửi cho các vị đệ tử của tôi trong đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn do tôi hướng dẫn.

Bài này gửi qua chị Trương thị Nhiên. Chị Nhiên và đoàn Sinh Viên Phật Tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay ba trăm bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại Học Sài Gòn. Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một chiếc hoa màu hồng cho người còn mẹ hay màu trắng cho người mất mẹ, hay mất mẹ. Rằm tháng bảy năm ấy họ họp nhau lại tại Chùa Xá Lợi, làm Lễ Bông Hồng Cài Áo lần đầu tiên. Anh Tôn Thất Chiểu, một thành viên của đoàn Sinh Viên Phật Tử đã gửi cho Hòa Thượng Thích Đức Tâm, hồi đó đang làm chủ bút cho nguyệt san Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già Trung Phần. Tập San Liên Hoa đã đăng nguyên bài dưới tựa đề là Nhìn Kỹ Mẹ. Hòa Thượng Trí Thủ, bổn sư của Hòa Thượng Đức Tâm, đọc được đoản văn trên nguyệt san Liên Hoa đã khóc vì cảm động.

Sau đó Bông Hồng Cài Áo được in ra nhiều lần, một số các chùa bắt đầu tổ chức Lễ Bông Hồng Cào Áo. Từ đó, Lễ Bông Hồng Cài Áo đã trở thành một truyền thống. Tôi không nghĩ là đã có những trở ngại trong khi phong trào được lan rộng. Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả bằng quyển Bông Hồng Cài Áo, in khổ ốm dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu Lan. Quyển sách nhỏ này đã phải tái bản nhiều lần. Năm 1965 đoàn Cải Lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở tuồng Bông Hồng Cài Áo và có mời tôi tham dự.

Tại trong nước cũng như tại ngoại quốc, đoản văn Bông Hồng Cài Áo đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.

Theo Thiền sư, giữa Ngày lễ của Mẹ trong văn hóa Nhật và ngày Vu Lan Báo hiếu trong văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng và khác biệt nào?

Lễ Bông Hồng Cài Áo tổ chức tại Làng Mai mỗi mùa Hè kể từ năm 1983 đã làm theo tinh thần Việt Nam, khác truyền thống Nhật. Lễ này không những để vinh danh người Mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người Cha nữa. Mỗi người được cài hai chiếc hoa hồng, một dành cho Mẹ và một dành cho Cha. Chiếc hoa dành cho Cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho Mẹ. Và anh sẽ cài một hoa hồng cho Cha khi Cha còn sống, một hoa hồng cho Mẹ khi Mẹ còn sống.

 

Không ít người thắc mắc tại sao Thiền sư lại chọn hoa hồng mà không phải là loài hoa nào khác? Phải chăng đơn thuần chỉ vì hoa hồng là loài hoa biểu trưng cho tình yêu?

Mình nên hiểu chữ hồng trong bông hồng là đỏ. Cài hoa hồng thì cài hoa hồng đỏ. Cài hoa khác như hoa cẩm chướng thì cẩm chướng màu cũng đỏ, không nhất thiết là phải có hoa hồng (rose). Và khi Mẹ không còn, Cha không còn thì được cài hoa trắng. Các đệ tử người Hoa của tôi khi làm lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên tại Đài Loan năm 1995 thì họ dùng hoa cẩm chướng màu đỏ và trắng cho buổi Lễ Cài Hoa tưởng nhớ Mẹ Cha. Mẹ Cha còn thì cài hoa cẩm chướng màu hồng. Mẹ Cha mất thì cài hoa cẩm chướng màu trắng. Bất cứ hoa gì cũng được kể cả hoa lan.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc thành công ca khúc Bông Hồng Cài Áo từ bài văn của Thiền sư, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng vào sâu trong đời sống văn hóa dân tộc. Xin cho Thiền sư cho biết cảm nhận mình của khi nghe bài hát ấy – lần đầu tiên cũng như bây giờ?

Phạm Thế Mỹ làm Bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra , tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy.

Là một người rất quan tâm đến giới trẻ Việt Nam nói riêng và giới trẻ trên toàn thế giới nói chung, Thiền sư có nhắn nhủ điều gì với các bạn trẻ nhân mùa Vu lan năm nay?

Ngày Lễ Bông Hồng Cài Áo không phải chỉ để tưởng nhớ công ơn Mẹ Cha. Các bạn phải biết thực tập nhìn sâu, tức là thực tập thiền quán trong ngày ấy. Phải thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp nào mà mình đã tiếp nhận từ Cha và từ Mẹ. Rồi thấy được Cha và Mẹ không phải là những thực tại có ngoài mình mà đang có ngay trong mình. Mình là sự tiếp nối của Cha, mình là sự tiếp nối của Mẹ. Và mình mang Mẹ, mang Cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho Mẹ, thở cho Cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của Cha Mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng Hiếu.

Nếu bạn lỡ có những khó khăn với Cha hay Mẹ thì đừng nghĩ cạn là Mẹ không thương, Cha không thương. Có thể những vụng về trong quá khứ về phía Cha Mẹ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm khuất lấp tình thương ấy. Mình biết nếu có gì xảy ra cho mình thì Cha Mẹ sẽ khóc hết nước mắt.. Và nếu có gì xảy ra cho Mẹ hay cho Cha thì mình cũng sẽ khóc hết nước mắt. Phải thấy rằng các vị đã có nhiều khổ đau và khó khăn mà chưa đủ khả năng chuyển hóa nên đã tự làm khổ mình và làm khổ lây đến các con. Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực tức, và do đó đã lỡ nói những lời không dễ thương, có những phản ứng không đẹp đẽ với Cha và với Mẹ. Bên nào cũng chịu một phần trách nhiệm.

Thấy được cái khổ của Cha, của Mẹ, mình tìm cách giúp Cha và giúp Mẹ. Mình phải biết nói lời hối lỗi đã không giúp được Mẹ Cha mà còn làm cho Cha Mẹ khổ đau thêm. Sử dụng pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập được truyền thông, để dựng lại thâm tình, đó là điều mình có thể làm được. Tôi có nhiều vị đệ tử đã làm được việc đó, người Việt cũng như người ngoại quốc.

Có những người trẻ dại dột đã đi tự tử. Đó là một hành động tuyệt vọng, nhưng cũng là một hành động trừng phạt. Trừng phạt người đã làm mình khổ, trong trường hợp này, đó là những vị sinh thành ra mình. Ta sinh ra đời để thương yêu, không phải để trừng phạt. Chết như thế là một sự thất bại. Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù. Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để Mẹ vui, để Cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá. Đọc Bông Hồng Cài Áo để nhớ điều đó. Tôi chúc bạn một ngày Vu Lan thật ngọt ngào, thật hạnh phúc, thực tập thành công.

Nếu bạn được cài bông trắng, nên quán chiếu là Cha hoặc Mẹ vẫn còn còn trong bạn và có mặt trong từng tế bào của cơ thể bạn. Đưa bàn tay lên nhìn, bạn sẽ thấy bàn tay ấy của bạn mà cũng là bàn tay của Cha, của Mẹ. Trong bàn tay bạn, có bàn tay của Cha, của Mẹ. Bạn hãy đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của Mẹ hay của Cha đang đặt trên trán bạn. Thật là nhiệm mầu.

Ta hãy tôn vinh Mẹ, tôn vinh Cha trong trái tim. Bụt dạy: Vào thời không có Bụt ra đời thì thờ Cha thờ Mẹ cũng là thờ Bụt. Đây là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Nguồn cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

(Được BBT chuyển ngữ từ bài viết “Thich Nhat Hanh’s Live, Meditative Calligraphy will Absolutely Inspire You” đăng trên tờ Huffington Post – một trong những tờ báo lớn của New York, ngày 13/9/2013)

Xuất gia từ năm 1949, Thiền sư Thích Nhất Hạnh – vị Thiền sư người Việt thường được gọi một cách thương kính là Thầy – luôn được mọi người kính ngưỡng bởi những đóng góp của Thầy cho sự nghiệp hòa bình, cho con đường hiểu biết và thương yêu.

Chánh niệm là nền tảng của những pháp môn thực tập mà Thầy giảng dạy: Thầy cho rằng an trú trong giây phút hiện tại – mà không phải là ở tương lai hoặc trong quá khứ – chính là con đường duy nhất để đạt được sự bình an chân thật.

Mặc dù khá bận rộn với lịch trình của các khóa tu, chưa kể thời gian viết lách và cho ấn hành nhiều tác phẩm có giá trị cũng như những nỗ lực cứu giúp người nghèo đói ở các nước thuộc thế giới thứ ba thông qua hoạt động của Làng Mai, một trung tâm thiền tập do Thầy sáng lập, Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn dành thời gian để tổ chức một cuộc triễn lãm thư pháp tại ABC Home, thành phố New York (từ ngày 6/9 đến 31/12/2013).

Cuộc triễn lãm với chủ đề “Thiền Thư pháp: Nghệ thuật chánh niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh” đã bắt đầu vào ngày 6/9 vừa qua, trong đó trưng bày 88 tác phẩm thư pháp nổi tiếng nhất của Thầy. Những tác phẩm thư pháp này hiện đang được đấu giá và 60% số tiền thu được từ các cuộc đấu giá này sẽ được dành để yểm trợ cho những công việc của Thầy, cho các tu viện và các thầy, các sư cô Làng Mai cũng như cho những dự án mà Làng Mai đang yểm trợ.

Thich Nhat Hanh calligraphy exhibit at ABC Home -New York

Thầy viết thư pháp

Vào đêm khai mạc cuộc triễn lãm, Thầy đã tặng cho các vị khách tham dự hôm đó một cơ hội hiếm có, đó là được trực tiếp xem Thầy viết thư pháp.  Năm tác phẩm thư pháp được viết trực tiếp hôm đó cũng được đem ra đấu giá. “Viết thư pháp cũng là thiền tập,” Thầy chia sẻ trong một cuộc họp báo. “Trong những bức thư pháp mà tôi viết có mực, có trà, có hơi thở, và có năng lượng của niệm, của định. Những dòng thư pháp này có tác dụng nhắc nhở mọi người trở về với chánh niệm, trở về với sự tỉnh thức.”

Những bức thư pháp của Thầy chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy đẹp rồi, nhưng được tận mắt chứng kiến Thầy viết thư pháp thì quả thật là tuyệt vời – đó là chia sẻ của một người có mặt trong buổi hôm đó.

“Trước sự chứng kiến của mọi người, Thầy bắt đầu cầm bút viết những dòng thư pháp như Con đã về, Con đã tới, mỗi cử động của Thầy đều là một nghi lễ. Dõi theo những cử động đầy chánh niệm của Thầy khi viết thư pháp, dường như tất cả chúng tôi – những người có mặt hôm đó – không thể nào không cảm nhận rõ ràng sự có mặt của một vị thầy với năng lượng định tĩnh và tràn đầy hỷ lạc.” Agapi Stassinopoulos, người phụ trách trang blog của Huffington Post và tác giả của cuốn sách Unbinding the Heart chia sẻ.

Stassinopoulos chia sẻ thêm rằng cô được chứng kiến cảnh mọi người xúc động như thế nào khi được nhìn Thầy viết thư pháp trong buổi hôm đó: “Khi đưa mắt nhìn mọi người trong khán phòng, tôi có thể thấy rõ rằng ai cũng đang nhìn Thầy bằng con mắt thán phục đến sững sờ. Từ nơi Thầy toát ra một sự tĩnh lặng thoát tục. Chúng tôi đều cảm nhận rõ rằng trước mặt chúng tôi là một vị thiền sư và năng lượng định tĩnh đó chính là phép mầu mà Thầy để lại trong lòng mỗi chúng tôi.”

Xem thêm: Giác ngộ trong từng nét bút

Một vài hình ảnh của buổi triển lãm thư pháp tại New York:

Triển lãm thư pháp ABC New York 2013 (14).png

Cắt băng khai mạc buổi triển lãm

Triển lãm thư pháp ABC New York 2013 (12).png

 

 

Triển lãm thư pháp ABC New York 2013 (1).jpg

 

Triển lãm thư pháp ABC New York 2013 (2).jpg

 

Triển lãm thư pháp ABC New York 2013 (6).jpg




Người cha của Chánh niệm

Thich Nhat Hanh speaks at the Royal Festival Hall, South Bank, London 29.03.2012

THÍCH NHẤT HẠNH, vị thiền sư 86 tuổi, hiện đang ở Ireland sẽ giúp chúng ta chuyển hóa thân tâm, làm đẹp đời sống của chính chúng ta bằng những phương pháp đơn giản có thể thực hành được trong đời sống hằng ngày.

Tối ngày mai, có ít nhất là 2000 người  trên cùng khắp Ireland sẽ tụ họp về Convention Center ở Dublin để lắng nghe Thiền sư Thich Nhất Hạnh – vị thiền sư người Việt Nam, 86 tuổi, người mà đã thành công lớn trong việc khơi dậy niềm hứng khởi tu tập Thiền Chánh Niệm trong đời sống của cả thế giới người Tây Phương.

Trong 30 năm gần đây, ông thầy tu vốn là một nhà hoạt động cho hòa bình, một nhà văn, một Thiền sư (mà các đệ tử vẫn thân thương gọi người là Thầy – tiếng  Việt Nam chỉ có nghĩa là thầy dạy học, thầy dạy tu – từ trung tâm tu học của người là Làng Mai đã đi thuyết giảng rất nhiều nơi trên các nước Âu Châu, Bắc Mỹ Châu và rất nhiều nước vùng Đông Nam Á.

Thông điệp của Thầy rất  đơn giản nhưng khi thực tập thì kết quả lại sâu sắc, thâm trầm. Chỉ cần chú tâm trở về hoàn toàn với  hơi thở và đem tâm chú ý đơn thuần vào những hành động hằng ngày, chúng ta có thể từ từ chuyển hóa và trị liệu nhiều vết thương trong ta và những người khác bằng lòng từ và tâm thương yêu.

Qua những cuốn sách của Thiền sư (Thầy đã viết hơn 100 quyển sách), Thầy đã dùng nhiều cách thiền quán, những bài tập, những câu chuyện thực tập và chuyển hóa thật của một số thiền sinh và những góp ý của Thầy để giúp người đọc đạt được sư bình an mà Thầy vẫn nhắc nhở để chúng ta nhớ là sự bình an đó đang có sẵn nơi ta trong bất cứ lúc nào. Tăng thân xuất sĩ ở Làng Mai là một mẫu mực cho sự thực tập chánh niệm. Họ có thể chào đón hướng dẫn tu tập cho một ngàn người mỗi tuần trong suốt bốn tuần mùa Hè. Cô Josephine Lynch chia sẻ rằng: “Thiền sư đã thực sự sống với những gì Thầy dạy. Thức ăn ở đó hoàn toàn không có thịt cá mà cũng không có trứng, không có sữa và những thực phẩm làm từ sữa như phô mai, sữa chua. Các xóm ở Làng Mai đang cố gắng có một ngày không dùng xe hơi trong tuần. Trẻ em, gia đình và cách sống cộng đồng là trung tâm của những sinh hoạt tại Làng Mai. Vì thế những khóa tu ở đây không có được sự im lặng nhiều như những khóa tu khác“. Cô Josephine Lynch là người dạy chánh niệm ở vùng này và cũng là thành viên nhóm tu chánh niệm tại Ireland. Cô cũng là người thỉnh Thầy về dạy ở Ireland.

Thiền sư sinh năm 1926, xuất gia lúc 16 tuổi và tám năm sau đã cùng thành lập chùa Ứng Quang, sau đó trở thành Phật Học Đường Ấn Quang, Phật Học Viện hàng đầu rất nổi tiếng tại Miền Nam Việt Nam về học Phật.

Năm 1961 Thầy đi Hoa Kỳ và dạy học về Tôn Giáo Tỷ Giáo (so sánh về các tôn giáo) ở đại học Princeton và đại học Columbia New York. Đến  năm 1963 Thầy trở về lại Việt Nam để hướng dẫn phong trào tranh đấu bất bạo động cho hòa bình Việt Nam.  Năm 1964 thiền sư thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo người Phật tử đi về thôn quê xây trường học, bệnh xá  và những hợp tác xã về nông nghiệp, chăn nuôi và giúp tái thiết và xây dựng lại những thôn làng bị tàn phá trong do chiến tranh.

Thầy cũng đã thành lập nhà xuất bản để in nhiều sách kêu gọi hòa giải giữa hai phe lâm chiến và cũng là chủ bút tuần báo Hải Triều Âm, tiếng nói chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Năm 1966  Người đi Hoa Kỳ để kêu gọi ngưng chiến  tại Việt Nam.

Vì những công tác xây dựng và  tình thương lớn ấy mà Martin Luther Jr đã đề nghị thiền sư cho Giải Nobel Hòa Bình năm 1967.

Thiền Sư trở lại Pháp khi có cuộc hòa đàm tại đây và đã làm Trưởng Phái Đoàn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Parí. Sau khi Hòa Ước được ký kết năm 1973, thiền sư vẫn bị từ chối cấp thị thực để trở về nước Việt Nam phụng sự. Năm 1975 Thầy lui về cư trú tại Phương Vân Am, thiền quán, làm vườn, đóng sách và đi dạy thiền khắp nơi trên thế giới.

Chính tại một khóa tu dạy tại Hoa Kỳ mà  Tiến sĩ  người Hoa Kỳ John Kabat- Zinn đã  học thiền chánh niệm với Thiền sư đã nhận ra rằng ta có thể dùng Thiền Chánh Niệm để trị liệu những bệnh trầm kha kéo lâu ngày và khó trị . Tiến Sĩ John Kabat-Zinn đã chế tác Tám Tuần Trị Giảm Stress và đã từ đó lan truyền khắp nơi về cách trị liệu bằng chánh niệm này.

Một trong những cuốn sách rất nổi tiếng của Thiền sư và được biết nhiều nhất là quyển Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức trong sách nầy thiền sư đã chia sẻ rằng Chánh Niệm đã cứu sống Thầy bằng cách nào khi Thầy bị trầm cảm khá nặng sau cái chết của mẹ Thầy. Một cuốn sách thứ hai cũng khá nổi tiếng là An Lạc Từng Bước Chân (do Đức Đạt Lai La Ma đề tựa) thiền sư đã viết :”Gốc rễ của chiến tranh nằm sâu trong cách sống hằng ngày của chúng ta- cách chúng ta phát triển kỹ nghệ, xây dựng xã hội và tiêu thụ. Chúng ta không thể đổ tội cho một phía, phía này hay phía kia. Chúng ta phải tập vượt lên trên khuynh hướng muốn theo phe”

Thiền sư được mời trở về Việt Nam năm 2005, sau 40 năm bị lưu đày.

Một thiền giả người  Hoa Kỳ đã diễn tả thiền sư Nhất Hạnh như là nơi giao thoa của một đám mây, một con ốc sên và một phiến sắt nặng- một sự hiện diện thật sự cho đời sống tâm linh”.

Nữ tu Công Giáo Stanilaus Kennedy, người sáng lập Trung Tâm The Sanctuary and Focus ở Ái Nhĩ Lan đã  diễn tả Thiền sư  như  “Người Cha của Chánh Niệm“.

Nữ tu đã nói rằng: “Thiền sư thực sự muốn làm mới đạo Bụt và kêu gọi cách tu rất thực tiễn gọi là Đạo Bụt Dấn Thân và dạy ta sử dụng tuệ giác nhìn sâu để thấy thật rõ mọi việc để áp dụng đời sống hằng ngày và làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau. Thầy là người tỉnh thức và có thao thức rất sâu sắc để giúp đời. Tuy đã thấy rõ Chánh Niệm là vượt cao hơn tôn giáo nhưng người luôn kính trọng các tôn giáo khác”.

Trong 10 năm qua thiền sư đã thành lập hai thiền viện tại Hoa Kỳ (Tu Viện Lộc Uyển ở California và Tu viện Bích  Nham ở New York), Viện Phật Học Ứng Dụng châu Á (HongKong) và Viện Phật Học Ứng Dụng châu Âu ở Đức quốc. Sau khi thuyết giảng ở Dublin thiền sư sẽ hướng dẫn một khoá tu ở Killarney cho hơn 800 người. Và Thầy sẽ về Làng Mai hướng dẫn khóa tu cho khoa học gia suốt 21 ngày, từ 1 đến 21 tháng sáu dương lịch.

Sau khóa tu Mùa Hè ở Làng Mai Thiền sư lại đi dạy tiếp ở Đức quốc, Hà Lan và Ý. Lúc sau này Thầy ít khi chịu cho báo chí phỏng vấn nhưng qua những cuốn sách, những khóa tu, những giáo thọ xuất của Thầy và những thiền sinh đã trực tiếp thực tập chánh niệm với Thầy, thông điệp của Thầy đã tiếp tục có âm hưởng lớn tới những vị trong và ngoài cộng đồng tu học.

CHÚNG TA LỚN HƠN CƠN GIẬN CỦA CHÚNG TA

Ngay trong giây phút mà ta cảm thấy như ta hoàn toàn tràn ngập bởi cơn giận dữ thì nằm sâu trong ta vẫn còn lòng thương. Khả năng nói lời cảm thông hiểu biết, tha thứ vẫn còn đó. Ta phải tin điều đó. Chúng ta lớn hơn cơn giận dữ ấy, chúng ta lớn hơn nỗi khổ niềm đau kia. Ta phải luôn nhớ rằng chúng ta có khả năng hiểu, thương và tha thứ trong ta dù tình trạng có bế tắc cách mấy ta cũng phải nên nhớ điều đó để nhất định tìm cách thương thuyết để đưa đến sự giải quyết thỏa đáng” .

– from Taming the Tiger Within – meditations on Transforming Difficult Emotions by Thich Nhat Hanh from his books, No Death, No Fear; Anger and Going Home (Penguin, 2004)

Chuyển ngữ từ
The Irish Times
– Tuesday, April 10, 2012

The father of mindfulness

SYLVIA THOMPSON

Ông thầy tu của cả mọi thời

Hình ảnh quen thuộc và đại chúng mà mọi người thường biết về Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không nói lên được những thành tựu mà thầy đã thực hiện như một bậc đạo sư, như một học giả và như một chiến sĩ xả thân cho hòa bình và công bằng xã hội.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh thường được các thiền sinh tu tập với người gọi một cách thân thương “Thầy”. Thầy là một đạo sư trực thuộc một truyền thống đạo sư, gồm nhiều thế hệ đạo sư đã thành đạt. Năm mười sáu tuổi, thầy đi xuất gia ở một thiền viện ngoại ô thành phố Huế. Thầy bổn sư của thầy thuộc thế hệ thứ 41 dòng thiền Lâm Tế. Thầy Thích Nhất Hạnh thuộc thế hệ thứ 42 dòng Lâm Tế và cũng là thế hệ thứ 8 phái Liễu Quán, một phái thiền tiến bộ có ảnh hưởng lớn ở miền Trung Việt Nam.

Phật Giáo Việt Nam có một lịch sử chuộng tinh thần dung hợp, Thầy đã là một nhân tố rất tích cực cổ xúy sự kết hợp nhiều truyền thống khác nhau về một mối. Nhận thức của Thầy được xiển dương rõ ràng trong dòng thiền Tiếp Hiện, gồm vừa tu sĩ vừa cư sĩ do thầy thành lập từ năm 1966. Dòng Thiền này không chấp nhận thái độ giáo điều, trong sự tu tập cũng như trong hành động. Dòng thiền này tìm đủ mọi cách có thể để làm sống dậy và nuôi dưỡng tinh thần từ bi và hiểu biểu biết thâm sâu trong sự sống hằng ngày. Người thực tập theo dòng Tiếp Hiện xem tinh thần từ bi và hiểu biết thâm sâu quan trọng hơn bất cứ tổ chức, cơ cấu hay truyền thống Phật Giáo nào.

Các thầy, các sư cô và các anh chị trong dòng Tu Tiếp Hiện thực tập cần mẫn 14 giới Tiếp Hiện – thường gọi 14 cách tu tập chánh niệm mà Thiền Sư đã biên soạn năm 1966. Mười bốn giới này được thai nghén và chế tác trong thời gian chiến tranh Việt Nam và kinh nghiệm đã trải qua trong chiến tranh của thiền sư đã là cột trụ cho sự phát triển những phép tu tập do Thầy hướng dẫn cho những thiền sinh đến với Thầy. Trong bốn mươi năm đầu của đời Thầy, đất nước Việt Nam hoàn toàn đắm chìm trong cuộc tranh chấp bằng vũ khí, trước nhất là chống đối sự chiếm đóng của quân đội Nhật, rồi cuộc chiến giành độc lập để thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp và cuối cùng là cuộc chiến Việt Nam có sự can thiệp của Hoa Kỳ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi Hoa Kỳ vào cuối năm 1961 để nghiên cứu về tôn giáo tỷ giáo và sau đó được mời dạy tại Đại Học Princeton và Columbia, New York Hoa Kỳ, trong lúc đó có sự căng thẳng lớn giữa chính quyền Thiên Chúa Giáo Ngô Đình Diệm và Phật Giáo Việt Nam. Đến năm 1964, theo lời yêu cầu của những bạn đồng lý tưởng Thầy gấp rút trở về lại Việt Nam trong lúc chiến tranh đang có mòi lan rộng. Cũng năm nầy, Thầy thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội nhằm huấn luyện tu sĩ và cư sĩ trẻ dấn thân đối phó với sự nghèo đói, thất học và thiếu tổ chức ở nông thôn, xây dựng lại những thôn làng bị chiến tranh tàn phá, định cư những nạn nhân chiến cuộc, lập trường học, trạm y tế cho những vùng nông thôn xa ở Việt Nam. Vào giữa năm 1970, trường Thanh niên Phụng Sự Xã Hội có gần mười ngàn người vừa tác viên, vừa trợ tác viên, vừa cảm tình viên tự nguyện đến hợp tác.

Thiền Sư Nhất Hạnh quả là người lãnh đạo của Đạo Bụt Dấn Thân ở Việt Nam và đã đem Đạo Bụt Dấn Thân này qua phương Tây nhưng Thầy luôn khiêm cung và bảo rằng Thầy chỉ theo gương của vua Trần Nhân Tông của thế kỷ 13. Ông vua này, sau khi nhường ngôi cho con, đã đi tu và thành lập Thiền Phái Trúc Lâm, cho đến bây giờ thiền phái này vẫn còn thịnh hành ở Việt Nam.

Giữa năm 1966 Thầy rời Việt Nam và đã trực tiếp gửi cho chính quyền Hoa Thịnh Đốn tuyên ngôn kêu gọi hòa bình. Đi thuyết giảng khắp bắc Mỹ châu, Âu châu, Úc châu và Á châu, Thầy trình bày tình trạng thảm khốc do chiến tranh gây ra ở Việt Nam. Đó cũng là lần thầy gặp tu sĩ Thomas Merton, dòng Trappist Công giáo. Linh mục đã gọi thầy là “người anh em của tôi” và đó cũng là năm Thầy gặp Mục Sư Martin Luther King Jr. . Tiến Sĩ Martin Luther King đã đề nghị trao giải Nobel Hòa Bình cho Thầy năm 1967 và trong bức thư gửi hội đồng giám khảo giải Nobel người viết: “Tôi chưa thấy người nào xứng đáng nhận giải Nobel Hòa Bình bằng ông thầy tu Việt Nam tao nhã này. Những cái thấy của ông, nếu đem thực hiện sẽ xây được cả thành quách lớn cho hòa bình”. Nhưng Giải Nobel Hòa Bình chưa bao giờ tới tay Thầy và những công tác cho hòa bình của Thầy đã khiến cho cả hai phía chiến tranh đều từ chối quyền trở về nước của Thầy, trước là Việt Nam Cọng Hòa rồi sau đó là chính quyền Cộng Sản.

Gần phân nửa đời, ông thầy tu tám mươi tuổi Thích Nhất Hạnh đã bị sống lưu đày ở phương Tây. Ban đầu thầy lập văn phòng ở Paris cho đến giữa năm 1975. Sau đó Thầy về Phương Vân Am (nông trại khoai lang) ở một thời gian gần như ẩn tu, chỉ làm vườn, thiền quán và viết lách. Sư cô Chân Không, người học trò trưởng từng phụ tá cho Thầy trên 30 năm đã diển tả thời gian này như là thời gian khó khăn nhất cho Thiền Sư bởi vì không thể viết lách và giảng dạy cho hằng triệu độc giả đang còn ở trong nước. Hàng ngàn đệ tử của Thầy và hàng trăm công trình văn hóa, xã hội mà thầy hướng dẫn đều đang nằm trong đất nưóc Việt Nam, trong khi đó thì Thầy lại bị lưu đày ở phương Tây. Nhưng thiền sinh Tây Phương bắt đầu tìm đến với Thầy và cùng với Thầy giúp đỡ bao nhiêu người tị nạn đã trốn khỏi đất nước Việt Nam vào thời hậu chiến tranh, vừa độc tài vừa nghèo đói. Cuối năm 1982 Phương Vân Am đã trở nên quá nhỏ đối với số người tìm đến muốn học đạo với Thầy. Phương Vân Am phải dời về Làng Mai với cơ sở rộng rãi hơn, tọa lạc ở miền tây nam tỉnh Dordogne, Lot & Garonne và Gironde, và chính nơi đây Thầy vẫn còn định cư cho tới bây giờ.

Ông thầy tu này rất ít khi rảnh rang. Trong 30 năm qua Thầy không ngớt hướng dẫn các khóa tu tập, trị liệu cho cựu chiến binh Hoa Kỳ của trận chiến Việt Nam, chữa bệnh tâm thần cho họ, hướng dẫn tu tập cho những người làm việc xã hội, cho những người làm việc cho hòa bình, cho tù nhân, cho công an cảnh sát, cho người Palestine và người Do Thái, cho thương gia, cho dân biểu quốc hội và cho mọi thành phần trong xã hội. Là một tác giả sáng tác rất nhiều sách, Thầy đã viết hơn 60 cuốn sách gồm cả những cuốn giáo khoa căn bản về chánh niệm. Thầy cũng là tác giả những sách rất uyên bác về lịch sử Phật Giáo Việt Nam, về A Tì Đàm, Duy Thức Học…( Triết Học Phật giáo và Tâm lý học Phật giáo) về Giới Luật (Giới Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni tân tu) về Phật Giáo Tịnh Độ. Thầy đã thành lập những trung tâm tu học rất lớn ở tiểu bang California và tiểu bang Vermont cùng hằng trăm tăng thân tu tập khắp bắc Mỹ châu, hằng trăm tăng thân ở Âu châu, Úc châu và Á châu với tên là Cộng Đồng Tu Tập Chánh Niệm.

Đầu năm 2005, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được về nước sau gần 40 năm lưu đày với một phần nhỏ gia đình tâm linh của Thầy gồm 100 tu sĩ và 90 cận sự nam và nữ thuộc trên bốn mươi quốc gia. Đúng như mọi người vẫn chờ đợi, Thầy mời các đệ tử Tây Phương cùng đi với Thầy trong chuyến hành hương ba tháng đó. Thầy nói: “Tôi mong các bạn cùng đi Việt Nam với tôi để có thể hiến tặng cho Việt Nam năng lượng thực tập cao nhất của các bạn về niệm, về định và về tuệ. Đó là phẩm vật quý nhất mà tôi có thể cúng dường cho tổ tiên và cho đất nước tôi sau 39 năm vắng mặt”. Và cũng đúng như mọi người chờ đợi, rất nhiều sinh hoạt của Thầy, ví dụ trong đó có những khóa tu cho tăng ni kéo dài cả tuần lễ, và trong thời gian này, lần đầu tiên quý thầy và quý sư cô đã có dịp ngồi lại với nhau để chia sẻ sự tu học. Và đã khai thông được tình trạng ứ đọng, đem các phe chống đối đến ngồi lại với nhau để cùng sinh hoạt và tụng giới chung.

_____________________
Bài của Andrea McQuillin
Sư cô Khiết Nghiêm chuyển ngữ từ Shambala, Sun Mars 2006, trang 56

Đông Phương Học thực chất và hướng đi

 

essays-and-commentaries-on-engaged-buddhism-jpgTạp chí Human Architecture (Kiến Trúc Con Người) ở Hoa Kỳ vừa ra một số đặc biệt về tư tưởng tương tức (Interbeing) và Đạo Bụt Đi Vào Cuộc Đời (Engaged Buddhism) của Thiền Sư Nhất Hạnh, với tiêu đề Hình tượng Xã Hội của Thích Nhất Hạnh, khảo luận và phê bình về Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời (Thích Nhất Hạnh’s Sociological Imagination, Essays and Commentaries on Engaged Buddhism). Số báo đặc biệt này được ra mắt vào Mùa Hạ 2008, Bộ VI, số 3. Chủ bút của tờ báo là M.H.Tamdgidi, giáo sư Xã hội học tại Trường Đại Học University of Massachusetts ở Boston, Ma. Mở đầu số báo có bài giới thiệu của Giáo Sư Winston Langley, quyền Viện Trưởng Viện Đại Học Boston, giáo sư Chính Trị Học. Tư tưởng chỉ đạo của số đặc biệt này có liên quan mật thiết với Khoa Đông Phương Học (Orientalism). Có những người không tin là Tây Phương có khả năng hiểu được Đông Phương, dù là đã có hơn 200 năm Đông Phương Học. Họ nghĩ là người Tây Phương có cái nhìn quá nhị nguyên và có sẵn cái óc kỳ thị vì vậy hai trăm năm nghiên cứu về Đông Phương cũng vẫn không giúp cho người Tây Phương cởi bỏ được cái thành kiến là Đông Phương thấp kém hơn (inferior) Tây Phương về mọi phương diện . Edward Said, Giáo Sư Đại Học Columbia ở New York, năm 1978 (1)có viết một cuốn sách với tựa đề Đông Phương Học(Orientalism), và cuốn sách này đã gây sóng gió trong giới tư tưởng và triết học Phương Tây. Ông viết : « Khoa Đông Phương Học đại khái xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ  18 … như môt thể cách Tây Phương nhằm thay đổi cấu trúc của Đông Phương và thống trị Đông Phương » (Orientalism emerged roughly in the late 18th century… as  a Western Style for dominating, restructuring and having authority over Orient » Bị ảnh hưởng của Đông Phương Học, những nhà Xã Hội Học nổi tiếng như  Karl Marx và Max Weber cũng đã có một cái nhìn méo mó về Đông Phương . Khi nói đến cách thức sản xuất của Châu Á (the Asiatic Modes of Prodution) Marx cũng đã bị ảnh hưởng bởi cái nhìn không thấu triệt của Đông Phương Học và đã phát biểu theo những giả định của Đông Phương Học. Ông nói rằng cách thức sản xuất ở Á Châu bị chi phối bởi những con người không có tự do cá nhân, những con người hoàn toàn bị ràng buộc với gia đình và xã hội, rằng con người cá nhân mà không được làm cá nhân, chỉ có thể được tìm thấy trong xã hội Trung Quốc thời xưa (the non-individuated  individuel was to be found in Ancient China), và do cách thức sản xuất cũng như do những con người như thế mà « hầu như là không thể có cơ hội nào thay đổi được xã hội trong cách thức sản xuất ấy » (there was very little social change of anykind in societies with an Asiatic Mode of Production) Phương thức sản xuất của Đông Phương tạo ra những chế độ trung ương tập quyền nghiêm khắc, những vị bạo chúa tự xưng mình là con trời, thiên tử, có quyền hạn tuyệt đối trên người dân. Giáo Sư Tamdgiti viết : Với cái thấy duy vật, trần tục, vô thần và chống tôn giáo và với ảnh hưởng của Đông Phương Học, cái nhìn mác xít về Đồng Phương và về Châu Á không cho người ta thấy được những giá trị thành tựu trí thức của nền Văn Hóa Phương Đông được ần chứa tiềm tàng trong hình thức đạo học của nền văn hóa này.

So sánh hai nền văn hóa, họ có khuynh hướng cho rằng Đông Phương thì giỏi chịu đựng khổ hạnh còn Tây Phương thì biết tranh đấu để chiến thắng, Đông Phương thì tìm cách xoa dịu khổ đau và xa lánh cuộc đời còn Tây Phương thì sử dụng trí tuệ để làm chủ và thay đổi thế giới. Max Weber trong khi nghiên cứu các đạo Tin Lành, Do Thái và Phật giáo, đã bị ảnh hưởng lề thói tư duy của Đông Phương Học khá nhiều, cho rằng có một khác biệt bản thể (ontological difference) giữa các nền kinh tế Đông Phương và Tây Phương. Đạo Bụt có khuynh hướng thụ động, bất cần, muốn rút ra, trong khi lề lối suy tư của Tây Phương là thật tế, hữu hiệu và năng động. Ví dụ trong khi Tây Phương cho sự chấp nhận chịu đựng là yếu kém và thụ động thì Đạo Phật lại cho đó là một thái độ đại hùng, vô úy, chỉ có thể đạt được với quán chiếu sâu sắc.  Khi gặp khó khăn với đoàn thể hoặc với nhà cầm quyền thì người theo Đạo Phật có khuynh hướnh  « rút lui » để thiền quán và tìm sự an ủi. Thiền quán chỉ là thụ động và chấp nhận.  Giáo sư Langley,Viện trưởng Viện Đại Học Massachusetts, trong bài viết Thích Nhất Hạnh của Châu Á (Asia’s Thích Nhất Hạnh) đã viết: Á Châu có những tuệ giác triết học, đạo đức, xã hội, kinh tế và ý thức hệ rất thực tiễn có thể giải đáp được cho những vấn đề lớn lao của xã hội mà con người đang phải đương đầu, những tuệ giác ấy được dựa trên nguyên tắc tương quan tương duyên. Tu thân cũng quan trọng như tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Ta không có hy vọng thay đổi và chuyển hóa những điều kiện đang đe dọa và làm cho xuống cấp con người cũng như môi trường của con người, nếu ta không biết tự tu, tu với nhau, và trong tinh thần tương tức. Giáo Sư cũng nói rằng Á Châu từ nay không cần bận tâm về những cái mũ giả định mà Tây Phương đã đội vào cho mình lâu nay như thụ động, tiêu cực, v..v…nữa mà có thể, với những thành quả đạt được trong lĩnh vực giải phóng, đi vào ngay trong lãnh thổ của những người đã dán danh hiệu cho mình lâu nay, để  giúp lãnh đạo cho việc chữa trị tập thể. Những người như Mahatma Gandhi và Thích Nhất Hạnh không hề có mặc cảm, họ đã chứng tỏ một cách hùng hồn là tư tưởng đạo học Đông Phương có khả năng giải phóng và thay đổi xã hội. Và ta có thể nói tới những phương thức giải phóng của Á Châu (the Asiatic Modes of Liberation…).

Tập san được chia làm bốn phần, bắt đầu bằng bài giới thiệu của Giáo Sư Viện Trưởng. Phần đầu có vài bài pháp thoại mới, vài lá thư và một bài thơ của Thích Nhất Hạnh có chủ đề Đạo Phật Vào Đời – có liên hệ tới các vấn đề chiến tranh, xung đột, môi trường, kỹ nghệ thực phẩm, tiêu thụ và lịch sử phong trào Đạo Phật Vào Đời. Phần thứ hai gồm những bài nghiên cứu và áp dụng quan điểm Đạo Phật Nhập Thế  của Thích Nhất Hạnh vào Khoa Học Xã Hội, khai thác sự trùng hợp giữa tư tưởng của thầy với triết lý thực dụng (Pragmatism) của William James, với tư tưởng Môi Trường sâu (Deep Ecology) của Arne Naess,  với triết lý xã hội, hình tượng xã hội và phân tích ý thức hệ . Phần thứ ba là bảy bài nghiên cứu áp dụng tư tưởng Thích Nhất Hạnh trong các trường hợp như giải quyết xung đột chính trị quốc tế, đem chánh niệm và thiền tập vào học đường, đem chánh niệm và ý thức tâm linh vào lãnh vực giữ trật tự an ninh trong các thành phố Hoa Kỳ, áp dụng chánh niệm và thiền quán để trị liệu trong trường hợp những người bị ám ảnh vì chiến tranh, đem ý niệm Đạo Phật Vào Đời vào lý thuyết kinh tế  và  vào guồng máy kinh tế, tư duy về Đạo Phật vào Đời để tìm ra những phương thuật hữu hiệu đối phó được với cuộc khủng hoảng sinh môi và hâm nóng địa cầu, và sau hết là dùng tư tưởng đạo Phật vào đời để đối trị với những thương đau , mất mát và bất hạnh trong gia đinh.Phần thứ tư đăng một bài tiêu biểu cho lối tư duy Tây Phương không hiểu thấu được cái tinh hoa của tinh thần đạo học Đông Phương do một vị giáo sư tuy đang giảng dạy về Tư Tưởng Thích Nhất Hạnh nhưng không thực sự nắm được tư tưởng Thích Nhất Hạnh và tiếp theo là một bài của Sư Cô Tùng Nghiêm soi sáng lại cho bài nói trên.

Sau đây xin mời các bạn đọc bài giới thiệu tập san của Giáo Sư Langley

Thích Nhất Hạnh, người của Châu Á
Những phương thức Á Đông nhằm giải phóng con người và xã hội

Tại Tây phương, nhất là tại Tây phương, và cả ở những vùng khác trên thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Tây phương, danh từ Đông phương thường mang một ý nghĩa tiêu cực và thua kém. Tây phương đã nhìn và đã gọi  lục địa Châu Á và người Châu Á với tiêu chuẩn của nền nhân bản Tây phương, cho văn hóa Đông phương là thấp kém và con người Đông phương thiếu tự do.

Cố học giả Edward Said, tác giả cuốn Đông Phương Học, đã nói lên với rất nhiều can đảm rằng những ý niệm và từ ngữ mà Tây Phương sử dụng để miêu tả Đông Phương chứa đựng nhiều mâu thuẩn, úp mở và lúng túng. Ông đã sử dụng nhiều năm tháng của cuộc đời ông để vạch trần bộ mặt của cái gọi là Đông Phương Học, đã đưa ra những đề tài phản bác đường lối nghiên cứu ấy và đã tạo rất nhiều không gian và cơ hội để chúng ta có thể vạch lại hướng đi cho một nền Đông Phương Học đứng đắn.

Tuy cuốn sách đã đạt tới những thành tựu lớn lao, nhưng tác giả vẫn chưa thiết lập ra được những tiêu chuẩn để các dân tộc trên thế giới có thể tạo dựng một tương lai chung. Nhưng nói về những phương thức của Á Đông nhằm giải phóng con nguười và xã hội (The Asiatic Modes of Liberation), thì ta đã có thể bắt đầu bằng những quy tắc tìm thấy trong Đạo Phật Nhập Thế (Engaged Buddhism).

Tôi hiểu giải phóng ở đây có nghĩa là những hành động và những quá trình giải phóng, trong lĩnh vực sự sống và hành sử cá nhân, ý nghĩa cuộc đời, tuệ giác và liên hệ giữa con người và con người. Á Châu có những nguồn tuệ giác thực tiễn trong các lĩnh vực triết học, đạo học, xã hội, kinh tế và ý thức hệ, có khả năng đối phó và giải quyết được những vấn đề lớn nhất của nhân loại hiện nay. Những tuệ giác ấy đã dựa trên nền tảng tương quan tương duyên giữa vạn vật. Những đạo lý tu tập để chuyển hóa tự thân cũng quan trọng ngang bằng những nguyên tắc nhằm giải quyết các vấn đề triết học và kinh tế . Công cuộc giải phóng xã hội không thể tách rời ra khỏi công cuộc giải phóng bản thân con người. Những nguyên lý như tương tức, tương dung, tương duyên, vô ngã, cái ta riêng biệt và cái ta cộng đồng… không phải là chỉ để giải thích về vũ trụ vạn hữu mà còn là những phép tu tập chuyển hóa và hoàn thiện bản thân. Chúng cũng là những hành động rất cần thiết cho sự hoàn thành bổn phận, tranh đấu cho nhân quyền và hoàn tất trách vụ của mình đối với xã hội.

Những phương thức Á Châu nhằm giải phóng con người và xã hội còn nói lên rằng ta không thể nào thay đổi và chuyển hóa tình trạng đang đe dọa và làm xuống cấp con người và trái đất nếu ta không biết cách tu tập để chuyển hóa bản thân, chuyển hóa cọng đồng và chuyển hóa mối liên hệ giữa con người và con người. Nó cũng nói lên rằng  Đông Phương chẳng cần phải chua chát, cay cú hay bận tâm khi nghe Tây Phương dùng những danh từ và khái niệm có tính cách chê bai, bóp méo và coi thường Đông Phương, mà trái lại, với những thành quả đã đạt được, Đông Phương có thể đi ngay vào trong mảnh đất Tây Phương và giúp cho Tây Phương chuyển hóa và giải phóng. Sự có mặt lịch sử của Mahatma Gandhi là một ví dụ, không thể nào lầm lẫn được. Và thầy Nhất Hạnh nữa, khi thầy dạy chúng ta : trong khi đi tìm phương cách cứu vãn địa cầu, cả nạn nhân cũng như kẻ gây ra tai nạn không ai có cơ hội sống còn nếu còn có ý muốn loại trừ nhau.

Những bài khảo cứu trong tập san này đều có chủ ý đi về hướng chấp nhận nhau, ôm lấy nhau, gạn lọc tâm ý mình và thực hiện con người toàn vẹn. Và tập san nầy đã thành công trong việc vinh danh cuộc đời và sự nghiệp giảng dạy của thầy Nhất Hạnh, trong đó có chủ trương đem đạo Phật đi vào cuộc đời.

_______________________
Tác giả Winston Langley là giáo sư chính Chính Trị Học tại trường Đại Học Massasuchetts. Ông cũng dạy về nhiều môn khác như Luật Lệ Quốc Tế và Nhân Quyền. Ông hiện là Quyền Viện Trưởng Viện Đại Học Massasuchetts . Trong các tác phẩm đã ra đời của Ông, ta có thể kể : Women ‘ Rights  in the US : A Documentary History  và Human Rights : The Major Global Instruments.

Giác ngộ trong từng nét bút

Sư cô Chân Tại Nghiêm chuyển ngữ nguyên bản tiếng Anh
“A brush with enlightenment”

đăng trên tờ Bangkok Post, ra ngày 8/4/2013

Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Bangkok, Thái Lan, trong bầu không khí háo hức chờ đợi của đông đảo khách tham dự, nhân vật chính – tâm điểm của sự chú ý – vẫn giữ vẻ thư thái và tĩnh lặng, điều này càng khiến cho mọi người dồn hết sự chú tâm, dõi theo từng cử động của Người trong khi chuẩn bị cho buổi viết thư pháp.

 

Sư Ông cắt băng khánh thành triển lãm thư pháp tại Thái lan

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – vị thiền sư người Việt nổi tiếng thế giới – rót một ít trà vào nghiên mực, hòa mực với trà rồi nhẹ nhàng nâng ngọn bút lên và bắt đầu thể hiện nghệ thuật thiền qua những nét bút pháp của mình.

Không hề có một chút cố gắng, vị thiền sư 87 tuổi đưa từng nét bút chậm rãi và đều đặn, toàn thân tĩnh lặng, chỉ có bàn tay cầm bút là di chuyển một cách hết sức tự nhiên và linh hoạt, chuyên chở nguồn tuệ giác của một vị thiền sư trong từng nét chữ. This is it  (tạm dịch: Nó đây rồi! Cái mà ta tìm kiếm đây rồi!). Peace is possible (Bình an là điều có thể có được). Breathe and smile (Thở và cười).

Những dòng chữ ngắn gọn, giản dị nhưng sâu sắc và có công dụng lớn lao này đã trở thành những thiền ngữ mang chữ ký của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Những câu thư pháp này chứa đựng trong đó giáo lý căn bản của đạo Bụt và có tác dụng nhắc nhở mọi người về sự thực tập chánh niệm.

“Viết thư pháp cũng là thiền tập” – đó là lời chia sẻ của Thiền sư, một nhà thơ, nhà văn và cũng đồng thời là một nhà hoạt động vì hòa bình, một người nổi tiếng với những bài giảng về đạo Bụt ứng dụng trong đời sống hàng ngày. “Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết”.

Được tổ chức lần đầu tiên tại Thái Lan, cuộc triển lãm với chủ đề “Thiền Thư pháp: Nghệ thuật chánh niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh” đã trưng bày các tác phẩm thư pháp của Thiền sư với số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

“Khi bắt đầu vẽ một vòng tròn, tôi thở vào và vẽ nửa vòng tròn trong khi thở vào, rồi tôi thở ra và vẽ nửa vòng còn lại trong khi thở ra”, Thiền sư chia sẻ, “trong suốt thời gian vẽ vòng tròn, tôi cũng đồng thời ý thức rằng trong bàn tay này của tôi có bàn tay của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên. Vì vậy mà khi tôi vẽ vòng tròn này thì cha, mẹ, ông bà tổ tiên và cả các vị thầy tâm linh của tôi cũng đang vẽ cùng tôi. Và vì chúng tôi cùng nhau vẽ vòng tròn này nên không hề có một cái ngã riêng biệt. Do vậy, chỉ vẽ một vòng tròn thôi nhưng ta có thể có được tuệ giác về vô ngã (anatta)”.

Chính sức mạnh từ phương pháp thiền tập và tuệ giác đó đã làm cho nghệ thuật thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở nên đặc biệt và được nhiều người yêu thích trên khắp thế giới.

“Mọi người đều muốn đem năng lượng của Thầy về nhà. Bức thư pháp Thầy viết chứa đựng năng lượng mà Thầy đã chế tác ra, đó là năng lượng hiểu biết, thương yêu và chánh niệm”, thầy Pháp Niệm thuộc Tăng thân Làng Mai chia sẻ.

Một vài nhà phê bình nghệ thuật gọi những tác phẩm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là “choreographic calligraphy” (nghệ thuật kết hợp giữa thư pháp và vũ đạo), bởi vì các bức thư pháp của Thiền sư đều toát lên vẻ thanh thoát với những nét chữ thẳng, vững chãi kết hợp với những đường cong uốn lượn, tạo nên một bố cục hài hòa và sống động như một điệu múa.

Tuy vậy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu viết thư pháp vào năm 1994 chỉ với mục đích là làm phương tiện để nuôi dưỡng các học trò của mình trong nghệ thuật sống chánh niệm.

Peace is every step“Tôi nhớ hồi đó trên cầu thang nơi chúng tôi thường đi lên đi xuống có đặt tấm thư pháp Peace is every step – An lạc từng bước chân. Những dòng thư pháp này đã giúp tôi rất nhiều trong sự thực tập”, sư cô Đẳng Nghiêm chia sẻ.

Đây đó trong các trung tâm tu học của Làng Mai trên khắp thế giới, người ta có thể nhìn thấy những tác phẩm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được treo trong thiền đường, nhà ăn, cầu thang hay thư quán.

Số thư pháp mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tính cho đến nay ước chừng hơn 10.000 tác phẩm. Số tiền thu được từ các tác phẩm thư pháp của Thiền sư đã và đang được sử dụng để tài trợ cho các chương trình nhân đạo tại các nước đang phát triển.

Có thể kể tên một số tác phẩm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được yêu thích nhất như: Breathe, you are alive (Thở đi con và ý thức rằng con đang sống). This is it (Nó đây rồi! Cái mà ta tìm kiếm đây rồi!). Be beautiful, be yourself (Con chỉ đẹp khi là chính con). I have arrived, I am home (Con đã về, con đã tới).

Mỗi tác phẩm thư pháp đều là một đề tài thiền tập – đó là lời của Thiền sư. Chẳng hạn như bức thư pháp Be beautiful, be yourself, Thiền sư giải thích rằng: “Ta phải là chính ta thì ta mới đẹp. Ta không cần phải trở thành một ai khác. Chẳng hạn như một đóa sen, tự thân nó đã rất đẹp, nó không cần phải cố gắng để biến thành hoa hồng hay một loại hoa khác mới đẹp. Trong mỗi chúng ta đều có hạt giống của niềm vui, của thương yêu và hạnh phúc. Nếu chúng ta để cho những hạt giống này được biểu hiện thì ta sẽ trở thành một đóa hoa đẹp trong vườn hoa của nhân loại”.

Còn về bức thư pháp Let go and be happy (Buông bỏ để có hạnh phúc), Thiền sư giải thích rằng: “Buông bỏ ở đây nghĩa là buông bỏ những ham muốn, hờn giận, và buông bỏ luôn cả ý niệm của ta về hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần phải có cái này hoặc cái kia thì mới có thể hạnh phúc. Nhưng chúng ta có thể không biết rằng chính cái ý niệm về hạnh phúc đó lại là chướng ngại để chúng ta có hạnh phúc thực sự. Nếu chúng ta can đảm buông bỏ ý niệm đó thì hạnh phúc sẽ đến với chúng ta ngay lập tức”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề nghị những người tham dự buổi triển lãm thư pháp thực tập im lặng hùng tráng và giữ chánh niệm trong suốt buổi tham quan. “Ta cần duy trì hơi thở chánh niệm và đem tâm trở về với thân. Khi ta thực sự có mặt thì ta có thể để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong trái tim ta”, Thiền sư chia sẻ. “Trong chiều sâu tâm thức của ta có hạt giống của hiểu biết, thương yêu, hạt giống của niềm vui, hạt giống của tuệ giác, của giác ngộ. Nếu chúng ta để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào và tiếp xúc với hạt giống tuệ giác trong ta thì chúng ta sẽ có được sự giác ngộ mà chúng ta mong muốn”.

“Vì vậy khi chúng ta đi thật chậm qua các bức thư pháp và để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong ta và tiếp xúc, tưới tẩm những hạt giống đẹp và lành nơi ta thì chúng ta sẽ được chuyển hóa và trị liệu trong thời gian đi xem các tác phẩm thư pháp.”

“Nửa giờ trong phòng triển lãm là nửa giờ thiền tập. Nếu làm được như vậy thì khi bước ra khỏi phòng triển lãm, chúng ta có thể trở thành một con người hoàn toàn mới”.

 

Toàn cảnh phòng triển lãm thư pháp tại Thái Lan

Lời Bụt cất lên từ vùng đất đau thương

 

Thầy Nhất Hạnh là một thiền sư đã thực sự đưa được đạo Bụt vào cuộc đời, đã phát động mạnh mẽ phong trào cải cách văn hóa và xã hội theo tinh thần đạo Bụt, và phong trào này đã lan rộng trong nhiều nước khắp thế giới.

Thầy là một nhà thơ lớn, thơ của Thầy thâm sâu, uyên áo, nói lên được những gì mà ngôn ngữ không thể diễn tả hết được. Thầy đã hướng dẫn phong trào đấu tranh cho hòa bình trong cuộc chiến Việt Nam, hết sức bênh vực người đồng bào đang bị kẹt giữa hai lằn bom đạn, vì vậy cho nên Thầy càng được đồng bào Thầy thương kính bao nhiêu thì tánh mạng của Thầy lại càng bị đe dọa bởi hai phe lâm chiến bấy nhiêu. Nhưng sức mạnh của đại bi tâm không thể lay chuyển đã giúp Thầy vượt thắng mọi khó khăn để tiếp tục tạo dựng niềm tin trong hàng triệu trái tim người. Tất cả những ai đã dũng cảm chống đối cuộc chiến tương tàn giữa anh em một nhà đều được Thầy hết lòng ủng hộ và nâng đỡ. Thầy đã hướng dẫn phái đoàn Phật giáo có mặt bên Hội Nghị Paris, đã sáng lập dòng tu Tiếp Hiện, đã mở trường đại học Vạn Hạnh và xây dựng trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Nhiều tác viên và giáo viên của trường trong khi hoạt động trong môi trường chiến tranh đã bị thảm sát một cách oan ức. Thầy đã được mục sư Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa Bình. Thầy cũng đã tổ chức nhiều chuyến cứu trợ thuyền nhân tị nạn Việt Nam ngoài biển và cứu trợ trẻ em nạn nhân của nghèo đói và chiến tranh. Thầy hiện sống tại Làng Mai, một vùng quê ở Pháp, và hàng năm đi thuyết giảng khắp thế giới để xiển dương đạo Bụt nhập thế. Tổ chức Buddhist Peace Fellowship ở Hoa Kỳ mà thi sĩ Gary Snyder đã hợp tác thành lập hiện nay là một trong những tổ chức dẫn đầu đi theo đường lối của Thầy.

Tất cả những thành quả lớn lao này có được là nhờ năng lượng từ bi dồi dào của Thầy. Cũng như các Phật tử khác, Thầy luôn đề cao đức từ bi, nhưng Thầy lại đi xa hơn bằng cách đem sức mạnh của từ bi vào việc chuyển đổi những bất công xã hội để mọi loài đều có cơ hội thực sự hạnh phúc . Ở Nhật hiện nay, các nhà sư chỉ làm công việc ứng phú và tang lễ, hoặc làm những hướng dẫn viên du lịch hơn là làm công việc của người thầy hướng dẫn về tâm linh cho quần chúng . Họ không hề quan tâm đến tình trạng xã hội, chính trị và kinh tế chung quanh họ, vì vậy mà người Nhật bây giờ không còn biết gì về sự phát triển của đạo Bụt trong quá khứ và hiện nay trên thế giới. Trong khi đó, Thầy Nhất Hạnh là hiện thân của bồ tát Quán Thế Âm, lắng nghe tiếng kêu cứu của muôn loài và dấn thân trên con đường giúp họ làm vơi bớt niềm đau nỗi khổ. Cho nên ngoài việc giảng dạy Phật pháp, Thầy vẫn dành nhiều thì giờ để chăm sóc những nạn nhân của chiến tranh và áp bức.

Ngay trong thời chiến tranh Việt Nam, tôi đã biết tìm đọc bất cứ cái gì mà Thầy viết ra. Tôi đã cho đăng lại bài thơOur green garden (Đừng biến mảnh vườn xưa thành mồi ngon lửa dữ) của Thầy trong tập san Arts of Activism của trường đại học Wisconsin; bài thơ này đã được đăng trong tập The Cry of Vietnam do nhà Unicorn Press xuất bản năm 1968. Năm 1976, nhà Unicorn Press lại xuất bản tập thơ Zen Poems của Thầy. Mùa thu vừa qua, nhà Parallax Press lại xuất bản thêm tám cuốn sách của Thầy, ngoài mười hai cuốn đã xuất bản trước đây, chưa kể những băng video thâu những bài pháp thoại của Thầy cũng được phát hành bởi nhà Parallax Press.

Cuốn Interbeing (Giới Tiếp Hiện chú giải) trình bày mười bốn giới luật của dòng tu Tiếp Hiện, một dòng tu được Thầy sáng lập vào năm 1964, giữa lúc chiến trường Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn khốc liệt với sự tham chiến của người Mỹ. Mười bốn giới thể hiện một quyết tâm chuyển hóa bản thân, thích ứng với hoàn cảnh tâm lý và xã hội, nhắm tới sự tạo dựng sự an vui lâu dài cho chính mình và cho muôn loài. Mười bốn giới là một đường hướng rất thực dụng cho đời sống hàng ngày trong từng giây từng phút, mặc dầu mỗi người tùy khả năng và phương tiện có thể hành trì một cách khác nhau.

Cuốn For the future to be possible (Để có một tương lai) nói về lợi ích của sự hành trì năm giới quý báu trong mọi khía cạnh của đời sống văn minh hiện tại, đã chú giải về kinh Người Áo Trắng; trong sách có sự đóng góp kinh nghiệm của một số học giả của nhiều tôn giáo khác nhau. Qua cuốn sách này, ta thấy đường hướng từ bi cứu khổ của Thầy đã ảnh hưởng sâu xa tới những nhà hoạt động xã hội.

Cuốn Love in action (Tình thương biểu hiện trong hành động) nhấn mạnh đến hạnh nguyện của những bồ tát dấn thân vào cuộc đời đau thương để xoa dịu và chữa lành những vết thương chiến tranh. Tình thương theo đạo Bụt phải được thể hiện bằng hành động, không phải chỉ là một lý thuyết suông.

Một người phải hoạt động nhiều như thế, phải chăm lo cho chu toàn nhiều công như thế, làm sao Thầy vẫn có thì giờ để làm thơ ? Có nhiều đọc giả khó tính cho rằng Thầy chỉ làm thơ để giải trí cho vui, nhưng thi sĩ Robert Lowel, một người rất ngưỡng mộ Thầy, đã xem Thầy là một nhà thơ Ộthứ thiệtỢ có tâm hồn tao nhã hiếm có và trí tuệ sáng ngời. Thơ của Thầy đã được hàng triệu người Việt Nam yêu chuộng nhưng đồng thời cũng bị hai chính quyền quốc gia và cọng sản lên án nặng nề. Họ lo ngại rằng cái chí khí cao thượng và dũng cảm chứa đựng trong thơ của Thầy có thể làm lung lay và sụp đổ chế độ chính trị bạo tàn của họ. Tập thơ Call me by my truename  (Hãy gọi đúng tên tôi) xuất bản bằng tiếng Anh chắc chắn sẽ làm rung động và soi sáng cho phần lớn chúng ta, những người yêu thơ hay không yêu thơ, trên phương diện tâm linh cũng như phương diện nghệ thuật. Tập thơ có hai phần : phần Tích môn và phần Bản môn.

Chủ đề của những bài thơ trong phần Tích môn là từ bi quán và lý duyên sinh của mọi hiện hữu; nắm vững điều này ta mới có thể giữ được cái nhìn tươi mát giữa những khổ đau chất ngất của chiến tranh . Chúng ta  tránh được thái độ chạy trốn thực tại khổ đau bằng sự đi tìm hưởng thụ những khoái lạc giả tạo của thời đại mới. Chúng ta cũng tránh được không rơi vào tình trạng hoài nghi thất vọng của thuyết hiện sinh hay hư vô chủ nghĩa. Mọi hiện tượng của đời sống như khổ đau, tàn bạo và bất công đã đưa đến sự tàn hoại con người và vạn vật là những cái ta không thể trốn tránh được trong vòng sinh diệt vô thường, trái lại chính những khổ đau cơ bản ấy có thể đóng góp vào sự sáng tạo tuyệt vời của trái đất. Nhiều bài thơ đã diễn tả thật sâu sắc những hình ảnh đó, như hình ảnh

hỏa châu sáng trên trời

em bé vỗ tay reo

nhưng tiếng súng đã nổ

tiếng cười tắt theo

và chứng nhân còn đó

(Chứng nhân còn đó)

Một buổi sáng thức dậy, giữa lúc tình hình chiến sự Việt Nam vẫn sôi sục trong biển lửa và máu, nghe tin một trong những người Tiếp Hiện đầu tiên của mình đã dùng lửa để tự thiêu cho hòa bình, nhà thơ tự hỏi :

tại sao vũ trụ đẹp lên vô cùng ?

tại vì tôi sắp chết ?

tại vì tôi mở mắt ?

(Chân Dung)

Hình ảnh của lửa được dùng rất nhiều trong thơ của Thầy, để nói về chiến tranh, có khi để nhắc lại một chút lửahồng bếp cũ (Xóm Mới), hay để nói về thi ca (Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người) nhưng thường là để ám chỉ rằng, như Bụt đã nói trong Kinh Lửa, mọi sự đang đang bốc cháy, và biến đổi không ngừng trong tiến trình sinh diệt của vạn vật.

Thầy Nhất Hạnh luôn luôn thấy mình và những người khổ đau là một, nhất là khi những người ấy là những nhà tu, những người đang tự thiêu cho hòa bình :

lửa đốt cháy lòng tôi, đau thế gian,

ngã gục người học tăng bé nhỏ

em đốt tuổi xanh thành lửa đỏ

cháy ngất trời cao ngọn đuốc

rực về sông núi âm u

ôi thịt xương em

cho tôi quỳ ngàn năm bên đóng tro yêu quý

luyện phép linh thiêng

biến em thành hoa hồng trở lại

những đóa sen búp đầu mùa chưa kịp hái…

(Lửa đốt em tôi)

Thầy cũng thấy mình là kẻ đang bị hy sinh cho hòa bình :

tôi biết chiều nay chính em sẽ bắn tôi

để lại vết thương cho Mẹ ôm ấp ngàn đời nhức nhối…

…ngực tôi đây em bắn đi,

mạch máu của Mẹ truyền cho đây, em cắt đi,

để mà xây dựng nên lâu đài em mơ ước…

(Đừng biến mảnh vườn xưa thành mồi ngon lửa dữ)

Trong bài thơ Let me give back to our homeland (Xin trả về cho non sông cho nhân loại cho đồng bào) được trình bày dưới hình thức một vở kịch một màn trong cuốn Love in action (Tình thương trong hành động), Thầy cũng xác định lại rằng :

xương các em là xương tôi

thịt các em là thịt tôi

xương tôi tan

thịt tôi nát…

khi Thầy hay tin bốn tác viên Phụng Sự Xã Hội vừa bị kẻ lạ mặt bắn ngã gục bên bờ sông.

Còn da các em đây xin gửi trả về cho đồng bào

các em chưa bao giờ chấp nhận

cảnh nồi da xáo thịt

xin hãy dùng những mảnh da của các em đây mà vá lại

những đường rách, những vết cắt rướm máu trên thân hình dân tộc thương đau

(Xin trả về cho non sông cho nhân loại cho đồng bào)

Giữa bao nhiêu đau thương nhức nhối do chiến tranh đưa tới, Thầy vẫn không quên nhìn ngắm những nét đẹp của quê hương :

Sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ

đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng

công trình xây dựng ngàn đời

nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất

(Bướm bay vườn cải hoa vàng)

Rõ ràng Phật pháp là thế gian pháp, hai cái không thể nào tách rời nhau. Một là tất cả, tất cả là một, cái nhìn Bát Nhã đã soi sáng suốt cả tập thơ, vì vậy mà tập thơ được mang tên Call me by my true name, hãy gọi đúng tên tôi; tôi có nhiều tên lắm, gọi đúng tên tôi thì đại bi tâm  sẽ được khơi mở :

hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây

làm đọt lá trên cành xuân

làm con chim non cánh mềm

chiêm chiếp vui mừng trong tổ mới

làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng

làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá…

…tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước

và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón

bắt phù du

tôi là con ếch bơi trong hồ thu

và cũng là con rắn nước trườn đi tìm cách nuôi thân

bằng ếch nhái

tôi là em bé nghèo Ouganda, bao nhiêu xương sườn

đều lộ ra,

hai bàn chân bằng hai ống sậy

tôi cũng là người chế tạo bom đạn

để cung cấp kịp thời cho các nước Á Phi

tôi là em bé mười hai bị làm nhục nhảy xuống biển sâu

tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm

tôi là người đảng viên cao cấp, cầm quyền sinh sát trong tay
và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang chết dần mòn trong trại tập trung cải tạo…

…hãy gọi đúng tên tôi cho tôi giật mình tỉnh thức

(Hãy gọi đúng tên tôi)

Đây là một đề tài lớn đã từng được nhiều nhà thơ nổi tiếng đề cập tới, như trong tập thơ Brahma của Emerson hay trong tập thơ Leaves of Grass và Songs of myself của Walt Whitman ( tôi là một cụ già, tôi cũng là một thanh niên cường tráng, tôi là một nhà minh triết, tôi cũng là một tên khùng ). Thật ra hai nhà thơ này đều bị ảnh hưởng của tác phẩm Bhagavad Gita của Ấn Độ.

Tập thơ của Thầy đã diễn tả thật sâu sắc tinh thần bất nhị của đạo Bụt, ta không thể nào tách rời lý tưởng từ bi cứu khổ của đạo Bụt ra khỏi những đấu tranh gian khổ hàng ngày của dân tộc Việt Nam. Cho nên dù tập thơ được chia làm hai phần, Tích môn và Bản môn, nhưng ngay trang đầu tập thơ đã có lời giới thiệu như sau : Nếu bạn tiếp xúc sâu sắc thế giới Tích môn là bạn đã ở trong Bản môn, cũng như khi bạn an trú ở Bản môn tức là bạn chưa hề tách khỏi Tích môn. Bụt vẫn dạy rằng sinh tử không khác với niết bàn : sắc chính là không, không chính là sắc.

Thơ trong phần Bản môn nhấn mạnh đến trí tuệ Bát nhã, đến sự bừng sáng của tâm thức :

Xôn xao trời dậy hoàng hôn mới

mắt biếc chim chuyền lá thủy tinh

thức giấc lãng quên

hồn rực sáng

hồ tâm lặng chiếu nguyệt thanh bình

(Tâm Nguyệt)

Sự bừng sáng của tâm thức không bao giờ do một yếu tố tạo nên mà là kết quả của nhiều điều kiện hợp lại gọi là tương tức, một giáo lý căn bản của kinh Hoa Nghiêm :

trước khi tôi đi vào dòng suối

dòng suối đã có sẵn tôi

chúng ta không lúc nào không tương tức

(Phổ nhập)

Không có cái ta nào riêng biệt mà chỉ là một dòng biến hóa không ngừng :

mây là bay

hoa là nở

(Tiếng gầm sư tử lớn)

Mọi hành động đều có liên hệ chặt chẽ với nhau :

Anh là tôi

và tôi là anh

anh không thấy sao

rằng chúng ta tương tức

anh nuôi dưỡng đóa hoa trong tim anh

để cho tôi xinh đẹp

tôi chuyển hóa rác phiền não trong tôi

để cho anh không phải nhọc nhằn

(Tương tức)

Lập trường bát nhã này là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với chủ nghĩa vị kỷ của phái Gestalt do Fritz Perls đề xướng. W.H. Auden đã viết : chúng ta phải thương yêu nhau không thì chúng ta sẽ chết . Đây là tiếng nói củanguời công giáo chân chính, tương tự như lời kêu gọi của Thầy Nhất Hạnh khi Thầy khuyên chúng ta nên tháo gỡ những trái bom trong tâm ta, để người này đừng làm cho người kia nổ tung. Đọc thơ của Thầy, ta có thể tháo gỡ được những trái bom trong tâm vì thơ của Thầy chứa đựng nhiều tuệ giác và tràn đầy tình thương chân thật, thỉnh thoảng có bài có lối hài hước đầy thiền vị như bài Phi cóc tính.

Một số bài thơ khác như bài Quy nguyện, Quay về nương tựa hải đảo tự thân, Thiền hành, Hơi thở ý thức…là những bài thiền tập có công năng trị liệu rất lớn. Ta có thể lấy bài thơ Padmani  phác họa chân dung bồ tát Padmani mà Thầy được thấy trên vách trong động Ajanta ở Ấn Độ để mô tả chân dung của Thầy : bồ tát cầm đóa sen, dáng nghiêng trời nghệ thuật.

Bài thơ Thông điệp xác định lập trường vững chãi của những người không chịu khuất phục trước bạo lực :

tôi đi giữa rừng chông gai, như đi giữa vườn kỳ hoa dị thảo

đầu cất cao, nụ cười ngày xưa còn đó

những vần thơ đã nở trong tiếng gào súng đạn

 

Nhiều thiền sư cũng làm thơ viết văn nhưng ít thấy ai diễn đạt được tình thương một cách tha thiết và sâu đậm như Thầy Nhất Hạnh. Lời văn và ý thơ của Thầy rõ ràng, sáng sủa, chân thật, không gai góc, hay hiểm hóc đến độ gây khủng hoảng cho tâm linh như nhiều người ưa đòi hỏi. Chỉ có những đầu óc cầu kỳ  ưa thích những gì tối tăm rắc rối mới không chấp nhận được những tư tưởng thanh cao và tấm lòng quảng đại của Thầy. Nhưng không sao, Thầy vẫn thường xác nhận rằng có nhiều con đường đưa tới tự do, giải thoát; mỗi người tùy theo nghiệp lực của mình sẽ chọn con đường thích hợp.

Làm sao những người như Pound, Rexroth hay Waley có thể diễn dịch được thơ văn của Thầy ? Không nắm vững tiếng Việt, tôi không xác định được mức độ trung thực của những bản dịch này so với vẻ đẹp của nguyên tác. Có lẻ chỉ có một vị bồ tát mới có thể hiểu và diễn dịch một cách trung thực thơ của một vị bồ tát khác. Tập thơ Call me by my true name, Hãy gọi đúng tên tôi, đã diễn tả được rất xuất sắc tinh thần tương tức của đạo Bụt.

 

( Nhà phê bình văn học Morgan Gibson là tác giả các sách Revolutionary Rexroth : Poet of East-West wisdom, Among Buddhas in Japan và Tantric Poetry of Kukai, JapanỖs Buddhist Saint. Sống ở Kyoto, ông am hiểu tận tường văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản )

 

 

Đem chánh niệm vào doanh nghiệp

ĐEM CHÁNH NIỆM VÀO DOANH NGHIỆP

Điều này có làm thay đổi bản chất của chánh niệm?

(Được BBT chuyển ngữ từ bài báo “Thich Nhat Hanh: is mindfulness being corrupted by business and finance?” của tác giả Jo Confino đăng trên tờ The Guardian ngày 28/3/2014)

Thực tập chánh niệm ngày càng trở thành một đề tài được ưa chuộng trong giới lãnh đạo doanh nghiệp. Vài tháng gần đây, nhiều giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn nổi tiếng đã công khai chia sẻ về sự thực tập chánh niệm giúp họ như thế nào trong việc tăng lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuần qua, Khajax Keledjian, Giám đốc điều hành (CEO) của Intermix đã tiết lộ bí quyết chế tác bình an trong nội tâm với tờ Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal). Arianna Huffington, tổng biên tập của báo Huffington Post cũng chia sẻ về chánh niệm trong quyển sách mới của bà có nhan đề “Thrive” được phát hành trong tuần này. Có thể kể tên nhiều gương mặt tiêu biểu trong giới doanh thương đã và đang thực tập thiền như Mark Bertolini – CEO của Aetna, Marc Benioff – CEO của Salesforce.com, Tony Hsieh – CEO của Zappos.com, v.v.

Tháng trước, trên blog của mình, Huffington đã viết như sau: “Không có gì phải quá bức xúc về việc tăng lợi nhuận trong kinh doanh. Nền kinh tế bây giờ tương đối khó khăn… Thực tập để giảm căng thẳng và áp dụng chánh niệm không những giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh nếu muốn.”

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: khi tận dụng những lợi ích do thực tập chánh niệm mang lại để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, phải chăng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang làm biến chất những giáo lý cốt tủy của đạo Bụt?

Thích Nhất Hạnh, vị thiền sư 87 tuổi được nhiều người xem là cha đẻ của pháp môn thực tập chánh niệm ở Tây phương, nói rằng miễn là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thực tập chánh niệm “thật sự” (“true” mindfulness), thì cho dù động cơ ban đầu khiến họ thực tập là để làm việc có hiệu quả hơn hay làm ra nhiều lợi nhuận  cũng không sao. Bởi vì sự thực tập chánh niệm sẽ làm cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi một cách căn bản quan niệm của họ về cuộc sống. Với sự thực tập, trái tim của họ tự nhiên sẽ mở ra và lòng từ bi càng thêm lớn rộng, khi đó trong họ sẽ phát khởi ước muốn giúp người bớt khổ.

Tại trung tâm thực tập chánh niệm Làng Mai, gần thành phố Bordeaux, nước Pháp, trong tư thế ngồi kiết già, Thầy chia sẻ với báo The Guardian: “Nếu quý vị biết cách thực tập chánh niệm, quý vị sẽ chế tác được bình an và niềm vui ngay bây giờ và ở đây. Quý vị sẽ trân quý điều đó và nó sẽ làm quý vị thay đổi. Ban đầu, quý vị có thể nghĩ là nếu không trở thành nhân vật “số một” (Number One) thì mình không thể nào hạnh phúc. Nhưng nếu thực tập chánh niệm, quý vị sẽ sẵn sàng buông bỏ quan niệm đó. Chúng ta không cần lo sợ chánh niệm chỉ có thể là phương tiện mà không phải là cứu cánh. Bởi vì trong chánh niệm, cứu cánh và phương tiện chỉ là một mà thôi.  Không có con đường đưa đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.”

Tuy nhiên, Thầy cũng chỉ rõ rằng nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chỉ thực tập vì những lý do ích kỷ cá nhân thì họ chỉ thấy được cái bóng rất mờ nhạt của chánh niệm mà thôi.

“Nếu anh coi chánh niệm chỉ là phương tiện để kiếm thật nhiều tiền thì anh chưa tiếp xúc được với mục đích thật sự của nó”, Thầy nói. “Về hình thức, có vẻ như đó là sự thực tập chánh niệm nhưng về nội dung thì không có sự bình an, niềm vui và hạnh phúc được chế tác. Đó chỉ là một sự sao chép giả hiệu mà thôi. Nếu anh không cảm được năng lượng của tình huynh đệ, tình bằng hữu tỏa chiếu ở nơi làm việc thì đó không phải là chánh niệm.”

Và Thầy nói thêm rằng: “Nếu anh hạnh phúc, anh không thể nào là nạn nhân của hạnh phúc. Nhưng nếu anh thành công, anh có thể trở thành nạn nhân của sự thành công.” (“If you’re happy, you cannot be a victim of your happiness. But if you’re successful, you can be a victim of your success.” )

Nguy cơ bị công kích và chế giễu

Cho dù cho phương pháp thực tập chánh niệm đang đi vào dòng chảy chính thống (mainstream) của xã hội, nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn lo ngại bị công kích và chế giễu khi có liên hệ trực tiếp với một phương pháp thực tập đạo Bụt cổ xưa như thế.

Gần đây Thầy đã được ông Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới mời đến trụ sở chính của tổ chức này tại Washington để hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm – một sự kiện được các nhân viên của Ngân hàng Thế giới hoan nghênh nhiệt liệt. Một trong những quyển sách ưa thích nhất của ông Kim là quyển “Phép lạ của sự tỉnh thức” mà Thầy là tác giả. Ông ca ngợi phương pháp thực tập của Thầy có khả năng giúp chúng ta phát khởi “lòng lân mẫn và từ bi sâu sắc đối với những người đang khổ đau”.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được sự chỉ trích từ những người đồng sự cao cấp của ông trước khi chuyến thăm của Thầy đến trụ sở Ngân hàng thế giới diễn ra. Những quan chức này lo ngại không biết dư luận sẽ phản ứng thế nào. Thực tế là tờ The Economist đã có một bài báo chỉ trích Ngân hàng thế giới về sự kiện này.

Mặc dù vậy, ông Kim vẫn không hề bị lung lay. Ông chia sẻ với tờ The Guardian là ông đã vô hiệu hóa những lời chỉ trích bằng cách viện dẫn rất nhiều nghiên cứu khoa học để chứng minh cho những lợi ích của chánh niệm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ với các nhà lãnh đạo World Bank – 2013

Sự giao thoa giữa chánh niệm và khoa học kỹ thuật

Có lẽ sự giao thoa thú vị nhất trong thế giới kinh doanh là sự giao thoa giữa chánh niệm và khoa học kỹ thuật, bởi vì nhìn bề ngoài thì hai lĩnh vực này có vẻ hoàn toàn trái ngược nhau. Thực tập chánh niệm có công năng làm cho những hoạt động của tâm ý chậm lại và giúp cho đầu óc ta rỗng rang, trong khi đó cuộc cách mạng kỹ thuật số lại làm nhịp sống của ta trở nên nhanh hơn và nạp đầy đầu óc con người bằng một lượng thông tin quá lớn.

Dù vậy, cả hai lĩnh vực tưởng như rất khác biệt này lại có một lịch sử gắn bó với nhau rất lâu dài. Tại California nơi hội tụ của rất nhiều tập đoàn công nghệ, chánh niệm đã hòa quyện và trở thành một phần nếp sống của thành phố này trong nhiều thập kỷ qua. Steve Jobs, nhà sáng lập của tập đoàn Apple cũng rất yêu thích pháp môn Thiền trong Đạo Bụt.

Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Thầy – người có số sách phát hành lên tới con số 2 triệu bản ở Hoa Kỳ – đã được Google mời tới Thung lũng Silicon để hướng dẫn một ngày chánh niệm dành riêng cho các Giám đốc điều hành (CEO) của 15 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Thông điệp quan trọng mà Thầy gửi đến các nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ trong dịp này là: cần sử dụng ảnh hưởng có tầm cỡ thế giới của mình để tập trung vào việc làm thế nào góp phần xây dựng thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, thay vì chỉ hướng vào mục tiêu làm ra càng nhiều tiền càng tốt.

Thầy và tăng đoàn xuất sĩ Làng Mai đã có một ngày tại trụ sở của Google để gặp gỡ các vị lãnh đạo cao cấp của tập đoàn, đồng thời hướng dẫn cho khoảng 700 nhân viên của Google thực tập thiền tọa, thiền hành và pháp đàm về chánh niệm. Số nhân viên muốn đến tham dự quá đông nên tập đoàn này đã phải sắp xếp thêm hai địa điểm bên ngoài thính đường chính để mọi người có thể đồng thời theo dõi pháp thoại của Thầy trên màn ảnh.

Thầy nói về sự tương phản rõ rệt giữa nhịp độ làm việc nhanh đến chóng mặt ở tập đoàn công nghệ khổng lồ này và sự bình an được chế tác khi mọi người ở đây cùng ngồi thiền im lặng trong ngày chánh niệm tại khuôn viên của Googleplex. “Không khí hoàn toàn khác hẳn”, Thầy nói. “Có một sự tĩnh lặng, một sự bình an được chế tác từ hành động ngồi yên và không làm gì cả. Chính trong không gian ấy, mọi người có thể nhận ra được sự quý giá của thời gian.”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn ngày Quán niệm tại Google – 2013

Những lời khuyên dành cho giới khoa học công nghệ

Trong chuyến viếng thăm Google với chủ đề “Mục đích, Sáng kiến và Tuệ giác” (Intention, Innovation, Insight),  Thầy đã gặp gỡ một số kỹ sư hàng đầu của Google để bàn thảo về việc làm thế nào Google có thể sử dụng khoa học công nghệ một cách từ bi và hiệu quả hơn để giúp đem lại những thay đổi tích cực cho thế giới này, thay vì làm cho con người càng ngày càng bị căng thẳng và tăng thêm sự cô lập giữa con người với con người cũng như giữa con người với thiên nhiên.

Khi sáng chế ra một thiết bị điện tử, các kỹ sư của Google có thể quán chiếu xem mặt hàng mới này có nguy cơ làm cho con người xa cách bản thân, gia đình và thiên nhiên hay không. Thầy nói: “Thay vào đó, các kỹ sư có thể chế tạo ra một thiết bị hay phần mềm có thể giúp con người quay trở về với chính mình và chăm sóc cảm thọ trong mình. Làm như thế, họ sẽ cảm thấy vui trong lòng, bởi vì họ đang làm một điều tốt đẹp cho xã hội.”

Trong ngày chánh niệm dành riêng cho các CEO, Thầy đã hướng dẫn họ ngồi thiền trong yên lặng và hiến tặng một buổi thiền trà trước khi nói pháp thoại cho nhóm người mà phần lớn là các nhà tỷ phú này. Thầy chia sẻ với họ về tầm quan trọng của sự dừng lại, không để cho công việc lấy hết thì giờ mà lẽ ra họ có thể dành cho gia đình của mình. “Thời gian không phải là tiền bạc,” Thầy nói. “Thời gian là sự sống, thời gian là tình thương” (“Time is not money. Time is life, time is love”).

Sau khi trở về Làng Mai, Thầy nói về chuyến đi ấy như sau: “Lần nào đến Google tôi cũng chia sẻ với họ là: quý vị cần tổ chức việc kinh doanh như thế nào để hạnh phúc có thể đến với tất cả mọi người trong tập đoàn. Có thêm nhiều tiền để làm gì, nếu điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải khổ đau hơn? Quý vị cũng cần phải hiểu rằng nếu có một chí nguyện đẹp và lành, quý vị sẽ hạnh phúc hơn bởi vì việc giúp cho xã hội thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn sẽ làm cho cuộc sống của quý vị trở nên có ý nghĩa”.

“Chuyến viếng thăm ấy chỉ là một sự khởi đầu”, Thầy nói thêm. “Tôi nghĩ là chúng tôi đã gieo được nhiều hạt giống tốt và cần có thời gian để cho những hạt giống này nẩy mầm”, Thầy tiếp. “Nếu các nhà lãnh đạo và nhân viên của Google bắt đầu thực tập chánh niệm, họ sẽ nếm được niềm vui, niềm hạnh phúc, và sự chuyển hóa. Khi ấy họ có thể tìm ra cho mình một sự hứng khởi, một chí nguyện mới. Danh vọng, quyền hành và tiền tài không chắc sẽ mang đến cho quý vị hạnh phúc chân thực so với việc chọn cho mình một lối sống mà quý vị có thể chăm sóc hình hài và cảm thọ của mình”.

Hãy chạm vào mặt đất và làm mới

Bài phỏng vấn của Malte Conradi và Sarah Raich tháng 8 năm 2012 tại EIAB, đăng trên trang 12 của tờ báo “The Southern German Newspaper”, the Suddeutsche Zeitung, Thứ 7 – Chủ Nhật ngày  1 & 2.06.2013

Nhà sư Phật giáo Thích Nhất Hạnh nói về khổ đau, hi vọng và kinh doanh

Waldbröl – Nếu nhà hiền triết Yoda trong phim “Star Wars” có thể có một hiện thân trong cuộc sống thật, thì đây chính là người này. Thầy Thích Nhất Hạnh, 86 tuổi, ngồi trên đất trong thiền đường, chiếc đầu cạo nhẵn, mặc tấm áo nâu giản dị của những sa di Phật giáo, mỉm cười thân thiện với khách, trước mặt ông là một bình trà mới pha. Ông cụ nhỏ thó và hiền lành đó được xem là một người đại diện có tầm vóc nhất cho Phật giáo, bên cạnh Đức Đạt Lại Lạt Ma. Thầy Thích Nhất Hạnh đã phải rời bỏ quê hương Việt Nam của mình từ năm 1969, vì các nhà cầm quyền ở cả hai miền Nam – Bắc Việt Nam thời bấy giờ không ưa thích Thầy, người đã từng kêu gọi hòa bình và hòa giải dân tộc ngay giữa khi cuộc chiến Việt Nam đang bùng nổ. Đất lưu vong của Thầy là miền Nam nước Pháp, từ nơi đó Thầy đã truyền bá Phật giáo cho người Tây phương. Nước Đức thì Thầy Thích Nhất Hạnh viếng thăm mỗi năm một lần, tại một vùng quê của miền Rheinland, để thuyết giảng Phật pháp cho các tăng, ni và Phật tử.

Phỏng vấn ư? Thông thường thì Thầy không có thời giờ cho chuyện này. Và nếu có chăng, thì các đệ tử của Thầy cũng đến đứng lắng nghe và học hỏi. Sau 90 phút, Thầy Thích Nhất Hạnh vẫn ngồi xếp bằng trong thế hoa sen, lưng thẳng như cây nến – trong khi khách thì xương cốt đã rêm đau từ lâu rồi.

 

SZ: Kính thưa Thầy Thích Nhất Hạnh, Thầy đã chứng kiến nhiều khổ đau trong cuộc đời của Thầy. Thầy làm cách nào để vẫn giữ cho mình niềm hi vọng?

Thầy Thích Nhất Hạnh: Đúng rồi, tôi đã chứng kiến nhiều khổ đau, nhất là trong cuộc chiến Việt Nam. Lúc bấy giờ tôi đã cùng nhiều nhà sư khác xây dựng lên một ngôi làng nhỏ cho người tị nạn trong vùng xôi đậu. Sau đó không lâu, ngôi làng đã bị Mỹ dội bom vì Việt cộng đã đến đó ẩn náu. Chúng tôi đã dựng lại. Ngôi làng lại bị dội bom. Và chúng tôi lại xây một lần nữa. Đến lần thứ ba, chúng tôi bàn nhau có nên xây lại hay không. Ý kiến của tôi lúc đó là: Nếu chúng ta bỏ cuộc, thì người dân sẽ mất mọi niềm hi vọng. Vì thế chúng tôi đã xây lại nhà cửa, một lần thứ ba và một lần thứ tư. Và cuối cùng một lần thứ năm nữa.

Nhưng Thầy đã lấy nghị lực từ đâu ra?

– Chúng tôi cố gắng biến khổ đau thành điều tốt lành. Hoa sen cũng phải cần có bùn để sống. Hoa sen không thể mọc trên đá cẩm thạch được. Quý vị cần nhận ra rằng có một liên quan chặt chẽ giữa khổ đau và hạnh phúc. Ai bỏ chạy trước khổ đau thì cũng khó tìm ra hạnh phúc. Ngược lại: Quý vị nên đi tìm nguyên nhân của khổ đau của chính mình. Từ đó hiểu và thương sẽ chớm nở. Đó là chìa khóa của hạnh phúc. Mọi của cải và quyến hành trên thế gian này không thể đem lại hạnh phúc, nếu không có hiểu và thương. Trước những quá khích, trù dập, lo sợ và sân hận, thì mình chỉ có một cách mà thôi: Hãy quan sát bùn cho thật kĩ, để trồng trên đó một cây hoa sen. Ai đã từng nhận ra được sự khổ đau của kẻ xâm lược, thì sẽ không phải thù hằn họ nữa.

Hôm nay thì Thầy mời khách phương Tây đến tu viện của Thầy để giảng dạy những điều đó. Cụ thể Thầy làm việc gì?

– Bạn không cần phải là Phật tử mới có thể học pháp môn của chúng tôi. Chúng tôi gọi đó là chánh niệm. Đó là nghệ thuật sống trong hiện tại, một loại năng lượng mà chính Bạn tự tạo ra. Nó giúp Bạn bỏ qua những căng thẳng và buồn phiền, để hưởng cuộc sống của mình đẹp hơn. Bạn sẽ học để sống với khổ đau, sân hận và nghi ngại của mình. Sau một khóa tu với chúng tôi, Bạn sẽ biết làm thế nào để đem lại thêm niềm vui và an lạc trong cuộc sống của mình, làm thế nào để tái lập truyền thông với người chung quanh. Chúng tôi mang danh hiệu là Phật giáo, nhưng thật ra công việc của chúng tôi là bao quát.

Điều Thầy vừa nói nghe có vẽ trừu tượng quá.

– Ồ, nó giản dị lắm: Ví dụ khi Bạn đi từ bãi đậu xe đến văn phòng, Bạn hãy dừng dòng suy tư của Bạn một chốc. Bạn hãy đi với chân của Bạn, mà không dùng cái đầu, cứ đi từng bước, từng bước. Phải cần thực tập một chút, nhưng cái này sẽ đem Bạn trở về với bây giờ và ở đây, nó làm cho Bạn biến thành một người tự do. Hãy hưởng từng bước chân đi. Khi vào công sở rồi, Bạn sẽ có những quyết định tốt đẹp. Thật đó, nó giản dị lắm. Bạn thấy đó, các thực tập là rất cụ thể. Và chúng sẽ đem lại chuyển hóa và trị liệu chỉ trong vài ngày thôi. Chính Bạn sẽ tự chứng nghiệm điều đó.

Nhưng người bình thường có rất nhiều thứ trong đầu, lo âu, áp lực. Làm sao người ta có thể đi đến chỗ làm một cách thảnh thơi được?

– Để tôi kể Bạn nghe một câu chuyện. Trước đây tôi có biết một phụ nữ trẻ, tên của bà là Laura. Chồng bà là Frederik, một doanh thương thành đạt. Măc dù họ có đủ mọi thứ, nhưng Laura không hạnh phúc, vì 2 người không có thì giờ cho nhau và cho đứa con trai của họ. Frederik chỉ có thì giờ cho công việc của ông mà thôi. Lúc ban đầu, Laura đã rất hãnh diện về chồng mình. Nhưng thời gian trôi qua, bà ta ngày càng cô đơn. Bà đã thử hết mọi thứ, như học thêm xong ngành đại học, tổ chức các việc từ thiện. Nhưng mọi thứ đó không giúp được gì cho bà cả. Nhiều đêm bà nằm khóc. Mỗi lần như vậy Frederik cố giải thích với bà rằng không ai có thể thay thế ông ta trong hãng cả. Ông nói, có thể 3 năm nữa ông sẽ làm việc ít lại. Nhưng sau 3 năm, ông ta vẫn làm việc lu bù như trước. Ông cũng đã không có thì giờ đến nhà thương thăm đứa con trai, khi nó bị giải phẫu. Rồi một ngày nọ, Frederik bị tai nạn xe hơi. Ông ta chết. Chỉ 3 ngày sau đó, đã có một người khác lên làm ngay công việc của ông ta trong hãng. Chuyện như vầy xảy ra thường lắm. Chúng ta phải thức tỉnh mà thôi. Thức tỉnh ngay bây giờ. Chớ không phải trong 3 năm nữa. Chúng ta đừng hi sinh hạnh phúc hôm nay của mình cho một tương lai nào đó!

Vì sao người phương Tây lại thích pháp môn của Thầy?

– Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là tại phương Tây. Người ta chạy trốn sự buồn phiền của chính mình, họ có nhiều điều sợ hãi. Vì vậy họ tiêu thụ ngày càng nhiều: Âm nhạc, rượu, thức ăn, internet. Họ không phải tiêu thụ vì họ cần chúng, mà vì họ không chịu nổi sự cô đơn của mình, không chịu nổi khoảng trống vắng trong tâm hồn mình. Chúng ta lo sợ nỗi buồn sẽ thắng chúng ta, nếu chúng ta đối diện với nó. Nhưng nỗi buồn lại ngày càng tăng lớn thêm lên. Quá khứ thì đem lại cho chúng ta những nuối tiếc, còn tương lai thì đem đến nhiều lo âu và sợ hãi. Trong tình trạng này, thì thực tập chánh niệm sẽ giúp đỡ chúng ta. Nếu chúng ta buông thả được quá khứ và tương lai, thì chính là chúng ta đã bỏ được mọi gánh nặng rồi đó.

Thầy đã sống từ 50 năm tại phương Tây. Việc này có làm cho công việc của Thầy thay đổi không?

– Hồi tôi bị đi lưu vong sau cuộc chiến Việt Nam, tôi đã phải tìm hiểu cách suy nghĩ và làm việc của người Tây phương. Việc này đã giúp tôi trình bày được tư tưởng của chúng tôi làm sao mà một người phương Tây có thể hiểu dễ dàng. Tôi tránh dùng những từ Phật giáo, chúng tôi nói giản dị hơn. Một ví dụ: “Sám hối”, đó là một ý niệm khó. Cho nên chúng tôi nói là “tiếp xúc mặt đất”. Bạn hãy chạm vào mặt đất và làm mới đi, hãy để quá khứ lại sau lưng của bạn. Có khi chúng tôi lại chuyển các cách nói như thế này trở về lại tiếng Việt. Trong mọi ngôn ngữ, chúng ta đều cần một cách nói mới để truyền đạt với giới trẻ. Người Tây phương thích pháp môn của chúng tôi, vì pháp môn này không rườm rà về nghi lễ. Chúng ta không nên làm pháp môn nặng nề quá vì tính lí thuyết và tính phức tạp. Đây là chuyện đời sống thường nhật mà. À, mà đối với đạo Thiên Chúa thì cách làm cũng nên như vậy. Chỉ có một đạo Thiên Chúa cải tiến mới phụng sự được con người của thời hiện đại.

Hãy chạm vào mặt đất và làm mới đi, hãy để quá khứ lại sau lưng của bạn

Những người canh tân thường không được những người chính thống ưa thích lắm.

– Đúng rồi. Khi còn là một nhà sư trẻ, tôi cũng đã có khó khăn với những Phật tử bảo thủ. Tôi đã phải rời bỏ tu viện của tôi. Cùng với một số bạn bè, tôi đã thành lập một tu viện mới nằm giữa rừng già. Nhưng trong Phật giáo, chúng tôi tổ chức tương đối không chặt chẽ lắm, chúng tôi không có một cái như Vatikan. Vì thế chúng tôi không có nguy cơ bị cắt đứt truyền thông.

Thầy đã viết hơn 100 quyển sách. Thầy làm thế nào được việc này?

– Chúng tôi làm chung với nhau. Như một dòng sông. Khẩu hiệu của chúng tôi là: Bạn hãy là thành phần của một dòng sông, chứ không phải là một giọt nước. Bạn hãy để cho dòng sông chuyên chở đi. Chúng tôi không có những anh hùng cá nhân. Nhiều cuốn sách, tôi chẳng tự viết ra: Một sư thầy hay một sư cô ghi chép lại một bài giảng nào đó của tôi, một người khác trình bày và in ấn ra. Các quyết định đều được lấy ý kiến chung: Một vấn đề khi nào cũng được mọi người thảo luận, sau đó có một người đưa ra một đề nghị giải quyết. Ai đồng ý thì im lặng. Ai không đồng ý thì lên tiếng. Chúng tôi hỏi 3 lần, mọi người có đồng ý không? Nếu cả 3 lần mà tất cả đều im lặng, thế là quyết định được chọn. Đó là cách thức chúng tôi làm việc. Các hãng xưởng cũng có thể làm việc theo cách thức như vậy.

Thầy có phải là một nhà kinh doanh giỏi không?

– Vâng. Chúng tôi đã tìm được một nguyên tắc tốt cho đời sống kinh doanh: Hạnh phúc và niềm vui phải là những điều quan trọng nhất. Không có chúng thì tiền tài chẳng giúp ích gì. Những người làm việc với tâm trong sáng và niềm vui, họ sẽ chắc chắn thành công. Việc kinh doanh sẽ chạy. Nhưng mục đích của chúng tôi không phải là tiền bạc, mà là cuộc sống cộng đồng.

Thầy nói như một người hoàn toàn an lạc. Thầy không khi nào đau khổ hay sao?

– (Cười) Anh đã không chịu nghe rõ lời tôi nói rồi, anh bạn trẻ ơi! Không có tang thương và đau khổ, thì sẽ không có hạnh phúc. Ngay cả tôi cũng không thể nào trồng hoa sen trên cẩm thạch được đâu.

 

 

    Bụt thương như vậy đó

    Melvin McLeod interviews Thích Nhất Hạnh
    Shambhala Sun | March 2006
    Sư cô Khiết Nghiêm chuyển ngữ

    Là biên tập viên của nguyệt san Shambhala Sun, một trong những phần việc thú vị nhất của tôi là được vinh hạnh pháp đàm một cách nghiêm chỉnh, thậm chí thân mật, với các bậc thầy lớn. Là một người học Phật trước khi là một phóng viên, những câu hỏi tôi đưa ra thường có ý nghĩa sâu sắc với tôi với tư cách một con người và một hành giả. Kết quả của những cuộc tham vấn này là một bản đúc kết những lời dạy mà tôi đã tiếp nhận, hơn là một bài phỏng vấn theo tiêu chuẩn thông thường. Đây là một vinh dự và một đặc ân cho tôi, mong rằng bạn đọc cũng được lợi lạc từ đó.

    Tôi gặp Thiền Sư Thích Nhất Hạnh tại Tu Viện Lộc Uyển gần San Diego, một nơi hoà lẫn các yếu tố Đông và Tây, hiện đại và tao nhã, chánh niệm và vui tươi. Tu viện nằm giữa một thung lũng nhỏ, khéo tách rời khỏi khu vực ngoại ô chỉ cách đó một dặm. Những dãy nhà trệt và thấp gợi lên cảm giác tạm thời, dã chiến của một trại binh (đây từng là khu trại của hội khoả thân và trung tâm huấn luyện cảnh sát,) nhưng ngôi thiền đường thanh lịch mới xây lên thì lại hết sức đồ sộ uy nghiêm. Bên ngoài, các sư chú trẻ người Mỹ gốc Việt chơi bóng rổ trong khi các sư cô lớn tuổi, đầu đội nón lá, đang quét sân, các thiền sinh thì đang chăm chỉ pháp đàm. Thức ăn sáng được bày ra gồm các món chay Việt Nam bên cạnh Corn Flakes (cốm bắp ăn với sữa) và bơ đậu phụng. Khi có tiếng chuông đồng hồ, mọi hoạt động đều dừng lại để mọi người thực tập quay về với chánh niệm.

    Tôi được hầu chuyện với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh độ hơn một giờ, sau đó Thiền Sư đưa cho tôi các thư pháp (in trong số này) mà thầy đã viết để làm quà cho tạp chí Shambhala Sun. Mặc dầu Thiền Sư thường được biết đến nhiều nhất qua các nhận định sâu sắc trong lĩnh vực chính trị và các công tác xây dựng cộng đồng, tôi đã khám phá nơi Thầy một vị Thầy bội phần hơn những gì mà người ta diễn tả về Thầy. Tôi đã gặp một vị thầy thấy biết thật nhiều trên mọi bình diện, thâm sâu và chứng đạt, chú trọng cả tu tập lẫn xây dựng tăng thân, thấm nhuần vừa giáo pháp truyền thống vừa biết rõ hướng đi thế giới ngày nay. Lời nói của Thiền Sư đi thẳng vào trái tim tôi. Nếu có cơ duyên để nghe Ngài giảng, xin bạn đừng bỏ lỡ. Chữ nghĩa in trong sách báo không sao sánh được, không diễn tả hết được con người thật của Ngài.

    —Melvin McLeod—

    Melvin McLeod: Quanh tu viện này có nhiều câu cảnh tỉnh, nhắc mọi người chánh niệm, trở về với thân và hơi thở, và nhận ra nhân tánh của mình. Trong giờ ăn , mọi người đều dừng lại khi chuông đồng hồ trong phòng ăn điểm để thực tập hơi thở chánh niệm. Tại sao việc trở về với hơi thở, đưa tâm về với thân, và thực tập sự có mặt lại quan trọng như vậy?

    Thích Nhất Hạnh: Thiền tập nghĩa là quay về với chính mình. Nhờ vậy mà mình biết chăm sóc những gì đang xảy ra bên trong mình, cũng như những gì đang xảy ra chung quanh mình. Các bài thiền tập đều nhằm đưa mình trở về với tự thân, với quê hương đích thực của mình. Nếu không biết khôi phục sự bình an nơi tự thân, không giúp thế giới khôi phục sự bình an, mình sẽ không đi xa được trong sự tu tập.

    Cái ngã chân thật của mình

    Melvin McLeod: Cái ngã chân thật – cái ta mà mình quay về, – và cái mà chúng ta thường cho đó là mình khác nhau như thế nào?

    Thích Nhất Hạnh: Cái ngã chân thật của mình là vô ngã, nhận thức rằng cái mà mình gọi là ta, là ngã được làm bằng những yếu tố không-phải- ta, không phải ngã. Không có sự cách biệt giữa ta và người, mọi sự vật đều liên đới với nhau. Một khi nhận thức được điều đó mình sẽ không còn kẹt vào ý niệm mình là một thực thể riêng biệt.

    Melvin McLeod: Chuyện gì xảy ra khi mình nhận ra rằng tự tánh của ta là vô-ngã, là không có cái ta riêng biệt ?

    Thích Nhất Hạnh: Nhận thức này đưa tới tuệ giác, đưa tới một cái thấy thật thâm sâu. Mình biết rằng hạnh phúc, khổ đau của mình tùy thuộc vào hạnh phúc, khổ đau của kẻ kia. Tuệ giác này giúp mình không làm những việc đưa tới khổ đau cho mình và cho người. Nếu mình tìm cách giúp cho cha mình bớt khổ thì mình cũng được bớt khổ. Nếu mình có thể giúp cho con mình bớt khổ thì mình cũng sẽ bớt khổ. Nhờ nhận thức được rằng không có một cái ta riêng biệt, mình nhận ra rằng hạnh phúc và khổ đau không phải là vấn đề của cá nhân. Mình nhận ra tính tương liên tương đới (tương tức), và mình biết rằng muốn bảo vệ mình thì mình phải bảo vệ cả nhân loại.

    Đó là mục đích của sự tu tập — nhận ra được tính vô-ngã và tương tức. Đây không phải là một ý niệm hay một điều mình chỉ hiểu trên bề mặt ý thức. Mình phải áp dụng tuệ giác này trong đời sống hằng ngày. Vì vậy mình cần phải có định để duy trì tuệ giác vô-ngã để tuệ giác ấy có thể soi sáng cho mình từng giây từng phút trong đời sống hằng ngày. Bây giờ các nhà khoa học đã thấy được tính vô-ngã nơi não bộ, nơi thân thể, và nơi mọi sự vật. Nhưng khám phá ấy không giúp được gì cho họ, bởi vì họ không áp dụng được tuệ giác ấy vào đời sống hằng ngày của mình. Vì vậy họ vẫn khổ. Cũng vì lý do đó mà trong đạo Bụt chúng ta nói đến Định. Nếu mình có tuệ giác về vô-ngã, nếu mình có tuệ giác về vô-thường, mình phải biến tuệ giác đó thành một cái Định mà mình thắp sáng suốt ngày. Những gì mình nói, mình nghĩ, mình làm sẽ được soi sáng bởi tuệ giác đó, và mình sẽ tránh gây ra lầm lỗi, khổ đau.

    Melvin McLeod: Như vậy thực tập chánh niệm là để duy trì tuệ giác vô-thường và tương-tức trong tất cả mọi thời.

    Thích Nhất Hạnh: Đúng vậy.

    Melvin McLeod: Con người chúng ta nói rằng tình thương là trên hết. Chúng ta muốn thương; chúng ta muốn được thương. Chúng ta biết tình thương là thuốc chữa lành mọi căn bệnh. Nhưng làm sao để tìm thấy tình thương trong trái tim mình, bởi vì thường khi mình không thể thương?

    Thích Nhất Hạnh: Thương là khả năng chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng. Nếu mình không phát khởi được năng lượng đó cho chính mình — nếu mình không chăm sóc được mình, không nuôi dưỡng được mình, không bảo hộ được mình – thì khó mà chăm sóc cho kẻ khác. Trong giáo lý đạo Bụt, thương mình chính là nền tảng để thương người. Thương yêu là một sự thực tập. Thương yêu thật sự là một sự thực tập.

    Melvin McLeod: Tại sao mình lại không thương được mình?

    Thích Nhất Hạnh: Chúng ta có thể có thói quen đi tìm hạnh phúc ở một nơi nào khác với cái bây giờ và ở đây. Chúng ta có thể thiếu khả năng để nhận ra rằng hạnh phúc là điều có thể có được ngay bây giờ và ở đây, rằng chúng ta đã có đủ các điều kiện để hạnh phúc ngay trong giờ phút này. Tin tưởng rằng hạnh phúc không thể có được ngay trong giờ phút này, rằng mình phải đi về tương lai để có thêm những điều kiện hạnh phúc là một tập khí. Tập khí này ngăn không cho chúng ta an trú được trong giờ phút hiện tại, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt bây giờ và ở đây. Đó là lý do tại sao mình không hạnh phúc được.

    Trở về với giây phút hiện tại, chăm sóc lấy tự thân, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang thật sự có mặt – đó đã là thương rồi. Thương là tử tế với chính mình, có lòng xót thương với chính mình, làm phát khởi những hình ảnh của niềm vui, và nhìn mọi người bằng đôi mắt bình đẳng, không kỳ thị. Đó là điều mình phải trau dồi. Vô-ngã có thể đạt được. Thực tại này có thể được tiếp xúc từ từ. Chân lý có thể được trau dồi. Khi khám phá một điều gì, ban đầu ta có thể khám phá được một phần thôi. Nếu tiếp tục, ta có thể có cơ hội khám phá nhiều hơn. Và cuối cùng ta khám phá ra toàn bộ sự vật. Khi thương, nếu đó là tình thương chân thực, ta bắt đầu thấy người kia là một phần của mình và mình là một phần của người kia. Đạt tới nhận thức đó là đã bắt đầu có tuệ giác vô-ngã đã đạt tới vô ngã. Nếu mình nghĩ rằng hạnh phúc của mình là khác, hạnh phúc của người kia là khác, thì mình chưa thực chứng được chút gì về vô-ngã, và hạnh phúc không thể nào đạt tới được.

    Khi mình đi trên con đường của tuệ giác tiến tới vô-ngã, hạnh phúc mang lại từ tâm thương yêu sẽ tăng trưởng. Khi hai người thương nhau, những ngăn cách, phân chia, giới hạn giữa họ bắt đầu tan biến, mình trở thành một với người mình thương. Không còn ganh tị, giận hờn nữa, tại vì giận người kia tức là mình tự giận mình rồi . Vì vậy vô-ngã không phải là một học thuyết, giáo điều, hay một hệ tư tưởng mà là một chứng đắc có thể mang lại rất nhiều hạnh phúc.

    Melvin McLeod: Và hoà bình.

    Thích Nhất Hạnh: Hẳn vậy. Hoà bình là sự vắng bóng của chia rẽ, kỳ thị.

    Xây dựng tăng thân

    Melvin McLeod: Thầy nổi tiếng với các lời dạy về xây dựng sự hài hòa trong cộng đồng mà trong đạo Bụt gọi là xây dựng tăng thân. Qua những thực tập như Mười Bốn Giới Tiếp Hiện, Thầy định nghĩa chánh niệm trong chiều hướng có tính cách xã hội, thậm chí chính trị. Thầy dạy về các phương pháp truyền thông và sức mạnh của ái ngữ và lắng nghe. Tại sao Thầy lại nhấn mạnh khía cạnh cộng đồng, quan hệ giữa người với người?

    Thích Nhất Hạnh: Mình có những kinh nghiệm trong sự tu tập – an lạc, chuyển hoá, và trị liệu — dựa trên nền tảng đó mà mình giúp cho người khác. Mình không chỉ tu với tư cách cá nhân, vì trên đường tu mình sẽ sớm nhận ra rằng mình cần phải tu với Chúng – nhiều người cùng tu- nếu muốn sớm có sự chuyển hoá và trị liệu. Đó là nương tựa tăng.

    Thực tập chung với nhau, năng lượng của niệm, định, và niềm vui sẽ hùng mạnh hơn. Đó là điều Bụt thích làm. Ngài đi đâu cũng có nhiều đệ tử đi theo, nhờ vậy mà các vị xuất gia này học được từ Bụt cách đi, cách ngồi, và cách tiếp xử. Và Tăng Đoàn bắt đầu hoạt động như một cơ thể, ai cũng góp phần vào năng lượng chung của bình an, hỷ lạc, an tĩnh, và tình huynh đệ.

    Đồng thời, mọi người trong Tăng Đoàn đều nói thay cho Bụt, không phải chỉ bằng lời mà qua cách họ hành động và cư xử với mọi người. Đó là vì sao vua Ba Tư Nặc nói với Bụt: “Bạch đức Thế Tôn, mỗi khi nhìn thấy Tăng thân của Ngài con lại có thêm niềm tin nơi Ngài.” Vua muốn nói rằng Tăng thân có khả năng đại diện cho Bụt. Bụt với Tăng Thân của Ngài có thể thành tựu được nhiều điều. Tôi không nghĩ rằng một vị thầy có thể làm được nhiều nếu không có Chúng cùng tu; cũng như một nhạc sĩ không thể biểu diễn được nếu không có nhạc cụ. Tăng thân rất quan trọng — tuệ giác và sự tu tập của vị thầy có thể được nhìn thấy qua tăng thân. Khi mình chia sẻ giáo pháp và sự thực tập với tư cách một tăng thân thì hiệu quả sẽ lớn

    Melvin McLeod: Như vậy để giáo pháp thật sự có sức mạnh, trên thực tế, chúng ta phải chuyển hoá không chỉ chính mình mà cả xã hội?

    Thích Nhất Hạnh: Đúng. Đó là Đại Thừa (Mahayana), là cùng đi với nhau trên một cỗ xe lớn. Đó là lý do vì sao đạo Bụt phải luôn luôn nhập thế. Không phải bằng sự tách mình ra khỏi xã hội mà mình có thể làm được điều đó. Đó là vì sao cỗ xe lớn – Đại Thừa- đã được hiện rõ ngay trong cái gọi là Tiểu Thừa (Hinayana.)

    Melvin McLeod: Thầy có nghĩ rằng một trong những lý do khiến Thầy nhấn mạnh đến xây dựng tăng thân và xã hội như một sự thực tập là cuộc chiến tranh khốc liệt mà Thầy đã chứng kiến ở Việt Nam? Phải chăng việc chứng kiến xã hội bị tàn phá bởi chiến tranh, những hy sinh mất mát, đã làm tăng thêm mối quan tâm của Thầy đối với đời sống cộng đồng?

    Thích Nhất Hạnh: Tôi nghĩ điều này có phần đúng. Đó là tuệ giác mình có được- cái thấy sâu sắc khi tiếp xúc với thực trạng. Nhưng điều đó cũng đã từng được chú trọng trong truyền thống. Người Phật tử nào cũng biết nói: ‘Con về nương tựa Tăng,” nhưng Tăng được làm bằng những cá nhân có tu tập. Mình phải tự chăm sóc lấy mình. Nếu không thì mình không có gì nhiều để đóng góp cho tăng thân, vì mình không có đủ bình an, vững chãi, và tự do trong lòng. Đó là vì sao muốn xây dựng tăng thân mình cũng phải đồng thời xây dựng bản thân. Tăng thân có trong mình và mình có trong tăng thân. Yếu tố này đi vào yếu tố kia. Đó là lý do tại sao tôi chú trọng đến việc xây dựng tăng thân. Điều đó không có nghĩa là mình không chú trọng đến việc tự tu. Mình thấy rõ ràng nhờ chăm sóc tốt hơi thở, thân tâm, cảm thọ của chính mình mà mình có thể xây dựng một tăng thân tốt.

    Mở cánh cửa cho người Tây Phương

    Melvin McLeod: Thầy đã sống ở Tây phương nhiều năm. Thầy nghĩ nên trình bày đạo Bụt theo cách nào để đáp ứng được những nhu cầu, mong mỏi của người học Phật ở Tây phương?

    Thích Nhất Hạnh: Tôi nghĩ đạo Bụt nên mở ra cánh cửa của tâm lý và trị liệu để đi vào xã hội Tây phương dễ dàng hơn. Đứng về phương diện tôn giáo, phương Tây đã có nhiều niềm tin nơi một đấng thần linh rồi. Mình không nên đi vào địa hạt tâm linh của Tây phương theo nguyên tắc tín ngưỡng, bởi vì Tây phương đã có nhiều rồi.

    Vậy thì tâm học là cánh cửa tốt. Nền văn học A Tì Đàm (Abhidharma) của đạo Bụt tiêu biểu cho sự hiểu biết rất phong phú về tâm, đã được phát triển qua nhiều thế hệ Phật tử. Nếu đến với người Tây phương bằng con đường tâm học, mình có thể thành công hơn trong việc giúp người ta hiểu được tâm họ, giúp người ta thực tập như thế nào để chữa lành được thân tâm.

    Thân và tâm liên hệ mật thiết với nhau, và chúng ta có thể nói thiền tập đạo Bụt có khả năng trị liệu thân và tâm. Mình thấy điều này rất rõ khi học các kinh căn bản về thiền tập như Kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anapannasati Sutra) và Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm. Thiền tập giúp ta thư giãn những căng thẳng — nơi thân thể, tâm hồn, cảm thọ — để tiến tới sự chữa lành thân tâm. Cho dù mình uống nhiều thuốc đi nữa mà nếu thân, tâm còn quá nhiều căng thẳng thì thuốc cũng sẽ ít công hiệu. Vì vậy Bụt đã đưa ra những bài tập rất thực tế như: “Thở vào, tôi ý thức toàn thân; thở ra tôi an tịnh toàn thân. Thở vào tôi ý thức cảm thọ; thở ra tôi an tịnh cảm thọ. Tôi ôm lấy thân và cảm thọ của tôi bằng năng lượng chánh niệm.”

    Sự thực tập buông thư những căng thẳng nơi thân tâm là nền tảng của sự trị liệu. Ban đầu sự thực tập này giúp mình vơi nhẹ. Rồi với nhiều niệm và định hơn, mình thực tập nhìn sâu vào những đau nhức, căng thẳng đó và tìm ra những gốc rễ sâu xa, nguyên nhân của bệnh. Mình khám phá ra sự thật thứ hai của Tứ Thánh Đế. Mình có thể nhận ra nguồn gốc của sự căng thẳng, trầm cảm, và bệnh hoạn đó. Một khi đã nhìn ra nguyên nhân của khổ, tức sự thực thứ hai, mình bắt đầu nhìn thấy sự thực thứ tư của Tứ Thánh Đế, con đường dẫn đến sự chấm dứt bệnh hoạn, căng thẳng, khổ đau. Thấy được con đường là phần quan trọng nhất. Nếu mình đi theo con đường đó, chẳng bao lâu bệnh hoạn biến đi, nhường chỗ cho sự lành mạnh, sự thực thứ ba của Tứ Thánh Đế. Nguyên tắc của đạo Bụt chính là nguyên tắc của Y Liệu.

    Một cánh cửa khác nên mở là cánh cửa sinh môi học, vì trong đạo Bụt có sự tôn trọng sâu sắc đến cầm thú, cỏ cây, và cả đất đá. Trong đạo Bụt Đại Thừa, chúng ta nói ai cũng có Phật Tánh – không chỉ con người mà cả cầm thú, cỏ cây, và đất đá. Học Kinh Kim Cang mình sẽ thấy Kinh Kim Cang là văn kiện cổ nhất về bảo vệ sinh môi. Ý niệm về ngã, về cái ta, được đánh đổ, vì cái ta được làm bằng những yếu tố không phải ta, và ý niệm về loài người được được đánh đổ, vì loài người được làm bằng những yếu tố không phải người, chủ yếu là cầm thú, cỏ cây, và đất đá v.v… Nghĩa là muốn bảo vệ con người mình phải bảo vệ những yếu tố không phải người. Điều đó rất rõ ràng.

    Vậy cánh cửa sinh môi học là cánh cửa rất tuyệt vời để mở. Và rồi cánh cửa hoà bình, vì đạo Bụt là đạo của hoà bình. Một Phật tử chân chính không thể từ chối làm việc cho hoà bình. Tôi nghĩ còn cánh cửa nam nữ bình quyền, sự không kỳ thị giới tính. Bụt đã mở cửa cho phụ nữ gia nhập Tăng đoàn, đó là một hành động rất cách mạng của Ngài.

    Tôi nghĩ những cánh cửa phương tiện này cần được mở rộng để người Tây phương có thể tiếp nhận được giáo pháp đích thực của Bụt. Những pháp môn này đều nằm sẵn trong gốc rễ đạo Bụt, nhưng nhiều thế hệ Phật tử đã đánh mất các giá trị ấy. Phật tử nên thực tập như thế nào để khôi phục lại những giá trị ấy cho truyền thống để có thể cống hiến lại cho người sau.

    Đạo Phật và khoa Học

    Melvin McLeod: Ngược lại, Thầy có thấy điều gì trong tư tưởng và kiến thức Tây phương có thể đóng góp cho Phật giáo?

    Thích Nhất Hạnh: Tôi nghĩ dân chủ và khoa học có thể giúp Phật giáo, nhưng không phải theo cách mà mọi người thường nghĩ. Mình biết rằng sự thực tập dân chủ vốn đã có sẵn trong truyền thống đạo Bụt. Nhưng nếu đem so với dân chủ Tây phương, mình thấy dân chủ đạo Bụt đặt căn cứ trên thật tế nhiều hơn, vì lá phiếu của một người thầy có nhiều tuệ giác và kinh nghiệm có nhiều trọng lượng hơn lá phiếu của một Sa Di ít tuệ giác và kinh nghiệm. Vì vậy, trong đạo Bụt việc biểu quyết cần phải phối hợp giữa hai nguyên tắc dân chủ và thâm niên. Đó là điều có thể làm được. Chúng tôi đã làm điều này, với rất nhiều thành công, trong cộng đồng của chúng tôi, bởi vì những người trẻ và ít kinh nghiệm hơn thường tin tưởng và kính trọng những vị lớn. Nhưng mình biết có nhiều cộng đồng Phật giáo không theo cách đó; vị thầy quyết định tất cả và họ đánh mất chế độ dân chủ. Bây giờ chúng ta phải khôi phục lại chế độ dân chủ, nhưng không phải theo cách người ta làm ở Tây phương. Chúng ta phải phối hợp chế độ dân chủ với tinh thần thâm niên.

    Riêng tôi, việc học khoa học đã giúp tôi hiểu đạo Bụt sâu hơn. Tôi đồng ý với Einstein rằng nếu có một tôn giáo có thể đồng hành với khoa học thì đó là đạo Bụt. Bởi vì đạo Bụt có tinh thần không chấp chặt vào giáo điều. Mình có thể có một cái hiểu về khoa học mà mình cho đó là sự thật, nhưng nếu mình chấp vào cái thấy đó thì mình cũng thôi luôn việc khám phá thêm những cái thấy mới một cách vô tư. Mình nên biết rằng với sự thực tập nhìn sâu mình có thể thấy rõ sự việc hơn. Vì vậy mình không nên có thái độ giáo điều đối với những gì mình từng thấy biết; mình phải sẵn sàng buông bỏ cái thấy cái biết của mình về khoa học để có được tuệ giác cao hơn. Rất là thú vị.

    Trong Kinh dạy cho những người trẻ của bộ tộc Kalama, kinh Kalama, Bụt nói: “Đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó đã được lập đi lập lại bởi nhiều người. Đừng vội tin điều gì vì nó được các bậc thầy nổi tiếng thốt ra. Đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó đã được viết trong kinh điển.” Mình phải quán sát, thử nghiệm và thực hành, nếu như nó có hiệu quả, nếu như nó giúp mình chuyển hoá khổ đau và mang lại an lạc, giải thoát thì mình có thể tin tưởng vào nó một cách rất khoa học.

    Tôi nghĩ Phật tử không cần sợ khoa học. Khoa học có thể giúp đạo Bụt hiểu sâu hơn lời dạy của Bụt. Chẳng hạn như Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) nói rằng cái một được làm bằng cái nhiều, và cái nhiều có thể tìm thấy trong cái một. Điều này có thể chứng minh được bởi khoa học. Từ một tế bào người ta có thể làm ra một bản giống y hệt như toàn bộ một cơ thể. Toàn bộ di sản di truyển có thể được tìm thấy trong một tế bào và từ một tế bào chúng ta có thể làm lại một bản giống y hệt bản chính của toàn bộ cơ thể. Trong cái một mình thấy có cái nhiều. Điều này giúp mình hiểu giáo lý của Bụt một cách sâu sắc hơn.

    Vì vậy không có lý do gì để Phật tử phải sợ khoa học cả, nhất là khi họ có khả năng buông bỏ cái thấy hiện có của mình để đạt tới một cái thấy sâu hơn, cao hơn. Và trong đạo Bụt cái thấy cao nhất là cái thấy vượt thoát khỏi mọi cái thấy, vượt khỏi mọi ý niệm. Mình tưởng sự vật là thường còn, là không đổi thay thì mình bị kẹt vào một cái thấy sai lầm gọi là thường kiến. Và mình dùng vô thường để chỉnh lại cái tưởng là sự vật thường còn. Nhưng mình không để cho mình bị kẹt vào cái ý niệm vô thường. Khi mình nhận diện được cái chân tánh của sự vật, mình có tuệ giác, thì chẳng những mình buông bỏ cái tưởng là mọi vật luôn thường còn mà cũng buông bỏ được luôn cái ý niệm về vô thường. Cũng như khi mình quẹt que diêm, cái ngọn lửa biểu hiện từ que diêm sẽ đốt luôn que diêm. Khi mình quán chiếu thật sâu thì mình đạt đến tuệ giác về vô thường; cái tuệ giác về vô thường sẽ đốt cháy cái ý niệmvề vô thường.

    Đó là tại sao giáo lý không chấp vào Kiến, rất mầu nhiệm. Vô ngã có thể xem là một Kiến , một ý niệm; vô thường cũng là một ý niệm. Nếu mình bị kẹt vào một ý niệm nào đó như vô ngã, vô thường, niết bàn và cho nó là chân lý thì mình không thật sự tự do. Thế giới của bản môn không còn Kiến, ý niệm. Vì thế niết bàn là sự tắt ngấm những khái niệm, tắt ngấm những cái tưởng. – Dù là quan niệm về niết bàn, về vô thường và về vô ngã – những quan niệm trên có thể mang tới khổ đau nếu ta sử dụng chúng để chống đối nhau.

    Tương đối và tuyệt đối

    Melvin Mc Leod : Tôi thật sự thích thú khi nghe thầy giảng về những điều mà các truyền thống Phật giáo khác gọi là sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối. Thầy thì gọi đó là bình diện tích môn và bình diện bản môn. Rất nhiều điều thầy dạy chú trọng đến sự thật tương đối hay bình diện tích môn, như là nguyên tắc tương quan tương duyên mà Thầy hay gọi là tương tức (interbeing). Đó có phải là cách thầy diễn tả thực tại toàn bộ hay không ? Hay là còn một thực tại nằm ngoài cái tuệ giác là không có sự vật nào có thể hiện hữu độc lập với nhau và mọi sự vật đều tương duyên.

    Thích Nhất Hạnh : Trong đạo Bụt có hai cách diễn tả thực tại : bình diện tướng và bình diện tánh. Tông phái Trung Quán(Madhyamika) và thiền Tào Động, đều hướng dẫn thiền giả đi thẳng vào tánh chân thật của mình. Còn trường phái A Tỳ Đàm thì thiền giả được dạy tùng tướng nhập tánh nghĩa là tiếp xúc thật thâm sâu với tướng thì mình sẽ đồng thời đi vào tánh. Sống thật thâm sâu trong tích môn sẽ tiếp xúc được đồng thời với bản môn. Cũng như một lượn sóng. Mình có thể thấy sự phát sinh và sự chấm dứt của một lượn sóng. Có những lượn sóng to, có những lượn sóng nhỏ, lượn sóng cao, lượn sóng thấp. Nhưng lượn sóng cũng đồng thời là nước. Dĩ nhiên là lượn sóng có thể chỉ sống được đời sống của một lượn sóng thôi. Nhưng một lượn sóng có thể thấy và đi sâu hơn. Thấy mình vừa là sóng vừa là nước. Sóng thì có sanh ra và có bị tan biến (chết đi) nhưng nếu lượn sóng chịu nhìn sâu hơn và thấy rõ mình vừa là sóng mà cũng vừa là nước thi sóng sẽ mất hết sợ hãi. Sinh ra, tan biến, đến, đi không làm cho sóng sợ hãi vì sóng biết mình vừa là sóng mà cũng vừa là nước. Nước thi không sinh ra không chết đi, không đến không đi đâu hết. Khi nhân duyên đầy đủ sóng biểu hiện, khi nhân duyên không đầy đủ, sóng ẩn tàng…. Vì thế sóng cũng có hai bình diện: tích môn thì có sanh có diệt, có đến có đi có cao có thấp, mà bản môn thì không sanh không diệt, không cao, không thấp…. Hai bình diện mà là một, không chia chẻ. Khi mình tiếp xúc với bình diện này(tướng – tích môn) đủ thâm sâu thì đồng thời cũng tiếp xúc luôn bình diện kia (tánh – bản môn).

    MelvinMc Leod: Tôi có nói chuyện với một số người mà hình như đã hiểu rằng khái niệm về tương tức là một lời tuyên bố rằng tất cả vốn là một. Đó cũng vẫn là một khái niệm (kiến) . Thế thì có lẽ ngay cả cái khái niệm – tất cả là một- cái kiến đó chúng ta cũng không nên nắm giữ phải không?

    Thích Nhất Hạnh: Đúng thế. Một là một khái niệm mà nhiều cũng là khái niệm. Cũng như có (hiện hữu) hay không ( không hiện hữu) cũng là khái niệm. Anh nói rằng Thượng Đế là nền tảng của hữu thể (being) nhưng nếu thiên hạ hỏi : Thế thì ai là nền tảng của vô thể (non-being) ? (cười). Thành ra cái khái niệm về hiện hữu hay khái niệm về không hiện hữu cũng chỉ là những khái niệm, không phải là thực tại(dị) và khái niệm một (đồng) , cũng là khái niệm. Là một hay là khác cũng là khái niệm. Niết bàn là sự tắt ngấm mọi khái niệm, kể cả khái niệm về một và khái niệm về khác. Vì thế tương tức không có nghĩa là mọi sự vật là một. Nó giúp ta lấy ra hết những cặp khái niệm: một -nhiều, có- không, dị – đồng. Mình buông bỏ hết những khái niệm, những cái thấy chia chẻ. . Khái niệm khác

    Melvin McLeod : Thầy nói Bụt là một con người. Nhưng Đại Thừa nói có vô lượng Bụt và Bồ Tát ở trong mọi cõi đang trải lòng từ đến mình. Làm sao những người Tây phương duy lý chúng tôi có thể hiểu những vị Bụt và Bồ Tát này? Làm sao chúng ta có thể mở lòng ra với họ khi chúng ta không thể nhận biết họ qua năm giác quan?

    Thích Nhất Hạnh : Trong đạo Bụt, Bụt được xem như một vị thầy, một con người, chứ không phải một vị thần linh. Ta cần phải nói cho mọi người biết cái điều thật quan trọng đó. Chúng ta không cần Bụt là một đấng thần linh. Ngài là một vị đạo sư, như vậy là đủ lắm cho chúng ta rồi! Tôi nghĩ chúng ta cần phải nói cho các bạn ở Tây phương biết như vậy. Và chính vì Bụt là một con người, cho nên vô lượng người mới thành Bụt được.

    Melvin McLeod : Bụt có chết không?

    Thích Nhất Hạnh : Đương nhiên. Đã là một con người thì phải có sinh và có tử. Đó là bình diện tích môn. Nhưng rồi mình phải tiếp xúc với Bụt một cách sâu sắc để tiếp xúc cho được bình diện bản môn của Ngài. Anh nên tập tiếp xúc với một con người thường – không phải là Bụt – như anh hay tôi. Nếu mình nhìn sâu vào tự thân, mình thấy mình có tích môn – có sinh và có tử. Nhưng nếu mình nhìn sâu hơn nữa, mình sẽ thấy bản chất đích thực của mình là vô sinh, bất diệt. Mình cũng giống như Bụt: chưa bao giờ từng sinh và cũng sẽ không bao giờ chết. Vậy thì trong anh, tôi thấy một vị Bụt; trong mỗi người tôi đều thấy Bụt bản môn. Đó là lý do vì sao mình có thể nói đến vô lượng Bụt. Chính bởi Bụt là một con người nên mới có thể có vô lượng Bụt.

    Chúng ta nên nhớ rằng trong tích môn có chứa đựng bản môn. Chúng ta không thật sự có sinh và diệt. Giống như một đám mây. Đám mây không thể nào chết được; đám mây chỉ có thể trở thành mưa, tuyết hay nước đá thôi chứ không thể nào trở thành hư vô. Đó là thực tánh của đám mây. Vô sinh bất diệt. Bụt cũng có cùng tự tánh vô sinh bất diệt ấy, và mình cũng có cùng một tự tánh vô sinh bất diệt ấy.

    Chúng ta biết trên trái đất này có nhiều người đầy từ bi và trí tuệ. Họ là những vị Bụt. Đừng nghĩ rằng Bụt ở đâu xa trên trời. Mình tiếp xúc với Bụt ở trong mình; mình tiếp xúc với Bụt nơi những người chung quanh. Điều này có thể làm được ngay bây giờ và ở đây, mầu nhiệm như vậy.

    Bụt ở ngay đây. Nếu mình biết thực tập thiền hành thì mình có thể thưởng thức Tịnh Độ ngay bây giờ và ở đây. Đây không phải là nói về Tịnh Độ, đây là thực sự nếm Tịnh Độ. Trong truyền thống của chúng tôi, mình phải đi như thế nào để mỗi bước chân giúp mình tiếp xúc được với Tịnh Độ. Tịnh Độ có mặt cho mình bây giờ và ở đây. Vấn đề là mình có có mặt cho Tịnh Độ hay không. Mình có bị vướng vào những ganh tị, giận hờn, lo sợ của mình hay không? Nếu thế thì Tịnh Độ không thể có. Với Niệm và Định, mình có thể tiếp xúc với thế giới cực lạc của chư Bụt và Bồ Tát ngay bây giờ và ở đây. Đó không phải là lý thuyết. Đó là cái mà chúng tôi sống mỗi ngày, thực tập mỗi ngày. Đó là điều ai cũng làm được.

    Nhiều người trong chúng tôi có khả năng làm được việc đó. Khi nói chuyện với những nbạn Cơ Đốc Giáo, tôi nói Nước Chúa phải là đây hay là sẽ không bao giờ có cả. Khi mình có tự do, Nước Chúa có đó cho mình. Nếu mình không có tự do, Nước Chúa sẽ không bao giờ có mặt, kể cả trong tương lai. Đồng một giáo lý và thực tập có thể được chia sẻ giữa nhiều truyền thống khác nhau.

    Melvin McLeod: Thầy đã sống một cuộc sống dài qua một thế kỷ đau thương hơn bất cứ thế kỷ nào, trên một quê hương thống khổ hơn bất cứ quê hương nào. Tôi nghĩ nhiều người đang nhìn vào thế kỷ này, và một lần nữa, nhận ra những mầm mống thảm hoạ trên cả hai phương diện — con người và thiên nhiên. Theo Thầy, thế giới đang đi về đâu?

    Thích Nhất Hạnh: Tôi nghĩ trong thế kỷ hai mươi điều nổi bật nhất là chủ nghĩa cá nhân, hơn một trăm triệu người đã chết vì chiến tranh. Có quá nhiều bạo động, có quá nhiều tàn phá sự sống và thiên nhiên. Nếu chúng ta muốn thế kỷ 21 khác hơn, nếu chúng ta muốn trị liệu và chuyển hoá, thì mọi người cần phải nhận thức rằng chúng ta là những phần khác nhau của cùng một cơ thể, rằng sự an nguy của những thành phần khác cũng là sự an nguy của chính mình. Nhận thức này rất thiết yếu. Sinh vật học hiện đại đã thấy rằng con người chính là một cộng đồng của hàng tỉ tế bào. Không có tế bào nào là chủ cả; mỗi tế bào trong cơ thể hợp tác với các tế bào khác để tạo ra năng lượng cần thiết giúp cho cơ thể được bảo vệ và phát triển. Chỉ có sự tỉnh thức đó, chỉ có tuệ giác đó — rằng sự an nguy, hạnh phúc, khổ đau của chúng ta không phải là một cái gì riêng rẽ mà là một vấn đề chung — mới có thể ngăn ngừa tác hại phát sinh từ chủ nghĩa cá nhân của thế kỷ hai mươi.

    Tuệ giác vô-ngã, không có cái ta riêng biệt, tuệ giác cọng sinh này rất thiết yếu cho sự sống còn của chúng ta và của hành tinh này. Không nên để cho cái thấy nầy chỉ là những khái niệm sách vở; tuệ giác này phải được sống linh động trong đời sống hằng ngày của mọi người. Trong trường học, trong ngành doanh thương, trong Quốc Hội, trong hội đồng thành phố, trong gia đình chúng ta phải thực tập để nuôi dưỡng tuệ giác rằng chúng ta là các phần khác nhau của cùng một cơ thể , rằng bất cứ chuyện gì xảy ra cho các tế bào kia cũng đồng thời xảy ra cho mình. Tuệ giác này hoàn toàn đi đôi với khoa học cũng như đi đôi với tinh thần đạo Bụt. Chúng ta cần học để sống với nhau như một cơ thể.

    Tôi đã dành nhiều thời gian để xây dựng các cộng đồng và tôi đã học được nhiều từ đó. Ở Làng Mai chúng tôi tập sống như một cơ thể. Không ai có xe riêng, sổ ngân hàng riêng, điện thoại riêng. Ấy vậy mà vẫn hạnh phúc. Thực tập căn bản của chúng tôi là xem mỗi người như một tế bào của cơ thể, và đó là vì sao tình huynh đệ trở nên hiện thực. Khi mình được nuôi dưỡng bởi tình huynh đệ thì hạnh phúc có mặt, và nhờ vậy mà mình có thể làm không biết bao nhiêu là việc để giúp cho người ta bớt khổ.

    Điều này có thể thấy được, sờ mó được. Đây không phải là điều nói suông. Đây là sự hành trì, sự thực tập; mỗi hơi thở, mỗi bước chân đều nhắm đến thực hiện cái chung này. Sống trong một cộng đồng như vậy rất mầu nhiệm, vì sự an lạc của người kia cũng chính là sự an lạc của mình. Mang lại hạnh phúc cho một người, mình cũng đem lại hạnh phúc cho từng người trong Chúng. Đó là vì sao tôi nghĩ rằng xây dựng cộng đồng, xây dựng tăng là công việc quan trọng nhất, cao quý nhất mà chúng ta có thể làm.

    Cũng giống như trong lớp học, nếu cô giáo biết cách tổ chức lớp học như một gia đình, học sinh sẽ khổ ít hơn và có nhiều niềm vui hơn. Trong hội đồng thành phố hay trong một thương nghiệp cũng vậy. Những người lãnh đạo thương nghiệp có thể tổ chức công ty như một gia đình trong đó mọi người xem nhau là những tế bào trong cùng cơ thể.

    Chúng ta biết trong cơ thể mình có nhiều loại tế bào: tế bào gan, tế bào phổi, tế bào thần kinh. Tế bào nào cũng làm hết sức mình. Không có sự ganh tị về địa vị với các tế bào khác, vì không có sự phân biệt. Làm một tế bào gan cho tốt là mình đã nuôi dưỡng các tế bào khác rồi. Tế bào nào cũng đóng góp cái hay nhất của mình để mang lại sự hài hoà, khoẻ mạnh cho toàn cơ thể. Không có sự kỳ thị, không có chiến tranh giữa các tế bào, đó là điều mình học được từ ngành sinh học hiện đại. Chúng ta có thể tổ chức theo cách này trong gia đình, lớp học, hội đồng thành phố, Quốc Hội. Đó là điều có thể làm được, bởi vì nếu các tế bào của chúng ta có thể làm chuyện đó thì con người chúng ta cũng có thể làm được chuyện đó

    Tình yêu thương

    Melvin McLeod : Hy vọng Thầy không phiền tôi hỏi câu này, Thầy cũng không cần phải trả lời nếu không tiện. Nhưng tôi rất cảm động khi đọc những gì Thầy viết về mối tình Thầy từng có với một người mà rõ ràng Thầy đã yêu thương rất nhiều và rồi đã từ bỏ người đó. Bây giờ thì Thầy thấy chuyện đó ra sao? Chuyện đó, ở thời điểm này của đời Thầy, có phải là điều đáng tiếc không?

    Thích Nhất Hạnh : Tình yêu đó chưa bao giờ mất. Nó tiếp tục phát triển. Đối tượng thương yêu của tôi được mở rộng ra mỗi ngày, mỗi ngày, mỗi ngày, cho đến khi tôi có thể ôm được tất cả mọi người. Thương một người là một cơ hội mầu nhiệm để mình thương mọi người. Nếu như đó là tình thương đích thực. Trong tuệ giác vô-ngã, mình thấy đối tượng của tình thương mình luôn có đó, và tình thương của mình tiếp tục phát triển. Không có gì mất đi cả, và mình không hối tiếc điều gì, bởi vì nếu mình có tình thương đích thực trong lòng thì mình và tình thương ấy cùng đi về một hướng, và mỗi ngày mình đều có thể thương thêm được nhiều hơn và nhiều hơn. Vì vậy, thương một người là cơ hội lớn để mình thương được nhiều người hơn.

    Melvin McLeod : Thế nhưng trong đời sống xuất gia, Thầy khuyến khích những người muốn trở thành tu sĩ từ bỏ tình yêu ấy. Tại sao lại nên từ bỏ cơ hội thương yêu này?

    Thích Nhất Hạnh : Trong đời sống xuất gia, mình nguyện phát triển hiểu biết và thương yêu. Mình phát triển khả năng ôm trọn tất cả mọi người trong tình thương của mình. Vì vậy, như tôi đã nói, thương một người là cơ hội để mình biết thương được thật nhiều người. Nhất là khi người kia , những người kia có cùng lý tưởng với mình, thì càng thương càng giàu có và càng hạnh phúc, không có khổ đau gì hết. Là một người xuất gia, mình sống đời sống phạm hạnh và ở với Chúng cùng tu với mình. Nếu người mình thương biết vậy thì người đó sẽ không khổ mà mình cũng sẽ không khổ, bởi vì tình thương chân thật rộng lớn và thâm sâu hơn là việc quan hệ giới tính. Bởi vì trong một tình thương lớn mình có thể hy sinh khía cạnh đó của tình yêu, và tình thương của mình trở nên cao cả hơn, thâm sâu hơn. Tình thương đó nuôi dưỡng mình, nuôi dưỡng người kia, nuôi dưỡng mọi người chung quanh và cuối cùng tình thương đó không còn biên giới nữa. Đó là tình thương của Bụt.