Tu là sống thật

Trích từ bài pháp thoại của Ôn Thủ Tọa (Tu viện Vườn Ươm, Thái Lan) tại tu viện Toàn Giác, Đồng Nai – tháng 6 năm 2013.

Kính thưa đại chúng!

Năm 1994, thầy qua Làng để theo học với Sư Ông, với Tăng thân. Nhiều lúc rảnh, thầy thường tới phòng thầy Pháp Đăng ở, để được chia sẻ cách tu. Thầy Pháp Đăng là người hướng dẫn cho thầy lúc mới qua Làng. Thầy Pháp Đăng chỉ cho thầy nhiều điều sâu sắc lắm. Tính đến bây giờ cũng đã gần 20 năm. Hai người đã gặp nhau nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên gặp tại Tu Viện Toàn Giác. Chương trình trong khóa tu này thầy không chủ động tham gia, tại vì thầy cũng có những sinh hoạt khác. Nhưng thầy Pháp Đăng đã nhường lại cho thầy một chút thời gian để tiếp xúc với đại chúng.

Hồi xưa, theo thầy hiểu là thái tử Siddhartha có nhiều may mắn hơn chúng ta. Về văn võ thì Ngài tuyệt vời, nhan sắc chắc hơn mình, phải không? Sức khỏe của Ngài cũng hơn. Rồi thì địa vị, ngai vàng ở trong tay. Ngài xuất thân giàu có, mọi người tôn trọng. Ngài có vợ xinh, con kháu khỉnh, có nhiều thứ lắm. Mình chắc là không thể nào so được. Và nhất là Ngài có lòng thương lớn và trí tuệ lớn. Nhưng mà Ngài nói thiệt là Ngài bế tắc. Vua cha mong Ngài ở nhà làm vua, nhưng Ngài nói con làm vua thì cũng bế tắc như phụ hoàng thôi. Con không làm ăn gì được hết. Tổng thống Obama cũng vậy, cũng bế tắc. Siddhartha đã là thế thì Obama cũng thế thôi. Thầy chắc như vậy dù cho thầy chưa qua Lầu Năm Góc. Vì đó là nghiệp lực của cuộc sống.

Chúng ta thấy rõ Siddhartha bế tắc là do lòng thương lớn và sáng suốt mà chưa có tuệ giác hoàn toàn. Cho nên Ngài quyết định phải sống như thế nào để vượt thoát bế tắc đó. Mà vợ Ngài cũng vậy, cũng là một con người đức hạnh, thông minh và thương chồng cực kỳ, song cũng bế tắc, không biết làm sao để giúp chồng. Ai trong chúng ta, vợ và chồng giúp nhau hơn thái tử Siddhartha? Đưa tay cho thầy coi. Điều này thực tế lắm đó. Mình tu là vì vậy. Tu là để giúp nhau. Cho nên tu là mình tập sống thực tế.

Thầy nhớ hồi nhỏ, năm lớp sáu, thầy thêu lên áo mình một chữ “thương”. Quý vị nhớ lớp sáu nha, chứ không phải lớn như bây giờ đâu. Thầy thêu một chữ “thương” lên áo vải thô, áo ở vùng nông thôn chứ không phải như thời đại bây giờ. Khi thầy bận áo này thì thấy khỏe lắm, không hiểu vì sao. Sau đó thầy xin đi tu, mẹ thầy không cho. Mẹ không cho vì lý do đơn giản, gia đình có năm đứa con, chết ba đứa lớn trong ba tháng. Gia sản bán sạch. Còn người anh kế thầy thì đi lính. Thầy là con út. Bây giờ mẹ góa bụa, chết chồng rồi, cho đứa út đi tu luôn thì cô đơn lắm. Mẹ chịu không nổi sự cô đơn, cho nên không muốn con đi tu.

Nhưng mà ai xui khiến thầy nói một câu: “bây giờ mẹ không cho con đi tu thì con đi lính thôi. Mà con đi tu, mẹ có gì con còn về được. Còn đi lính thì quyền ai đó, chứ con không có quyền gì hết trơn”. Thế là mẹ thầy cho đi tu. Như vậy đại chúng thấy là trên đường nghĩ tới chuyện tu, thầy cũng đâu có biết Phật Pháp gì đâu. Mình chưa biết gì. Chỉ biết chùa có thờ tượng thì đến tụng kinh thôi, không biết gì hết trơn. Còn chuyện đi tu được về, đi lính thì không được về dễ dàng là thầy cũng nói đại chứ cũng chẳng biết gì. Nhưng mà mình cảm, có nhiều cái mình không biết mà mình cảm. Và sau này thì thấy nó đúng.

Khi mới đi tu, thầy tu không có giỏi. Chùa cũng như bây giờ thôi mà thầy không biết ứng dụng giáo pháp vào chuyện tu. Thầy chỉ biết tụng kinh, ăn chay, làm việc nhưng mà đuổi không về. Mình ưa tu mà không biết tu nhưng đuổi thì không về. Lạ thiệt! Tại vì mình linh cảm điều gì đó. Cũng giống như mình lập gia đình với ai. Ui cha, người ta đánh cho te tua mà đuổi thì không về. Đánh mấy thì đánh chứ mình không về. Thầy cũng vậy. Thầy không về. Song trong tâm mỗi lần nhắc đến chuyện tu, chuyện học mà mình chưa học thì xấu hổ kinh hồn. Cái đó nó nhói đau vì lúc đầu mình có cái đó. Sau đó, thầy được gởi vào Phật học viện Báo Quốc, ban đầu thì thầy tu ở Quảng Trị. Thầy vô được mấy tháng thôi nhưng khi ấy thầy bị đau thần kinh đến mức không nói chuyện được. Khi thầy đi cuốc cỏ thì tình trạng có bớt. Học được vài ba bữa thì nghe ở Nha Trang mở một trường dạy toàn Phật Pháp mà không dạy cho người đời. Không học ở trường ngoài nữa, Thầy xin vào trường đó. Mà thực sự thì ở ngoài này thầy đã học được gì đâu. Chỉ ưa quá rồi xin đi vậy thôi. Cũng như mình ưa ai là xin kết hôn chứ mình không có biết mô tê gì hết. Ưa là cứ làm liều. Thầy cũng làm liều kiểu đó.

Khi học ở Hải Đức, Nha Trang thì thầy học vượt lớp. Thầy chỉ được dự thính tại vì mình không đủ tiêu chuẩn. Sau bốn năm học, thi tốt nghiệp là thầy đỗ đầu lớp nhưng mà không có giỏi. Rất là lạ kỳ. Có những cái kỳ quái lắm. Mình hiểu không có được, tức là sức học tầm thường lại đứng đầu nhưng mà không có giỏi. Thời điểm này thì cũng chưa biết tu. Tu thiền thì tu sao, mình không có biết. Cứ bắt chân ngồi, rồi được cái gì thì được thôi. Nhưng mà có những điều thầy học như kinh Tứ Niệm Xứ, duyên khởi thì thầy chấn động. Lớp đó có học kinh Tứ Niệm Xứ, thầy chấn động, cảm thấy sảng khoái. Nhưng lấy kinh ra mà tu thì không biết lấy như thế nào. Cho nên mình mới chỉ cảm mà thôi, chứ còn hiểu thấu để tu thì không hiểu bao nhiêu.

Có lần thầy buồn quá và muốn chết. Đó là vào năm 1975. Bấy giờ, súng nổ bốn phía, người chết quá chừng. Mình cảm thấy trong lòng có một cái gì trĩu nặng và muốn chết. May mà cảm giác đó chỉ kéo dài một phút thôi rồi hết, chứ không thì chắc mình chết rồi. Trong những năm đó, hằng ngày cuốc đất, thầy vẫn bỏ kinh trong túi áo mà học lúc nghỉ mệt. Nhưng thầy tu lộn xộn lắm cho nên đau hoài thôi. Tu rất là lộn xộn và rất là sai lầm. Có người biết được cái tâm đó của thầy, thấy thương cho nên xin cho thầy qua Pháp tu học. Thầy đi tu nhưng sống được với mẹ trong chùa mười ba năm. Mẹ thầy mất năm 1988, đến năm 1994 thì thầy được chấp nhận qua Làng học thiền.

 

Tập thương mình thật sự

Khi qua Làng, thầy học lại từ đầu. Thầy thấy thầy Pháp Ứng (hồi đó còn là sư chú) đi rất khoan thai, mà cái tính của mình thì lật đật. Cho nên mình đang lật đật vậy mà thấy thầy khoan thai thì mình khoan thai theo. Tức là tu bắt chước, chứ đâu có biết gì đâu. Trong lòng mình biết ơn thầy lắm. Thầy tự tôn sư chú Pháp Ứng là thầy của mình, dù lúc đó thầy đã là giảng sư rồi. Năm 1975, thầy đã là giảng sư, là trụ trì rồi, nhưng thầy vẫn thấy sư chú Pháp Ứng là thầy của mình.

Năm 1995, trong thời gian một tuần đến Niệm Phật Đường Linh Thứu ở Berlin để tổ chức khóa tu, đi 9 người thì ai cũng cho pháp thoại cả, ngồi thành vòng cung. Bữa đó sư chú Pháp Ứng lên cho pháp thoại, thầy Nhuận Hải nói: “Xin thầy Giác Viên nói lời giới thiệu”. Thế là thầy nói : “Thưa đại chúng, thầy Pháp Ứng là thầy của tôi”. Mình kể chuyện đó ra là kể rất thiệt chứ không phải muốn lấy lòng ai. Khi mình kể thiệt ra thì con người của mình hạnh phúc lắm, rất là hạnh phúc, lạ như vậy. Mình kể chuyện như kể chuyện Tấm Cám vậy thôi. Nhưng mà vì mình chạm tới sự thực cho nên mình hạnh phúc.

Hết buổi pháp thoại rồi, lúc về mình càng ngẫm chừng nào thì hạnh phúc nó lên chừng đó. Thí dụ mình nghĩ thế này : “Mình là tỳ kheo, là giảng sư, là trụ trì mà sư chú thì chỉ là sư chú, mới tu đây thôi. Mà bây giờ mình giới thiệu sư chú là thầy mình. Thế là sư chú nói Đông nói Tây lỡ có gì chưa chuẩn bị thì phía dưới họ đều răm rắp nghe hết, họ không cục cựa gì hết”. Nghĩ tới đó thôi là hạnh phúc đi lên. Mình hạnh phúc là vì mình nói thật, mình làm thật. Thương là phải thật. Bây giờ đây chúng ta đã thương thật chưa? Ai cũng thương yêu. Có ai ở đây mà không có thương, phải không? Đố ai mà không có thương. Bởi vì, không có thương thì mình héo hơn cái hoa này héo một ngàn ngày, phải thương mới sống được. Nhưng mà mình thương thực hay chưa thì cái đó mình phải hỏi chính mình.

Có anh thanh niên kia mê đi tu lắm. Gia đình không cho. Anh chặt đứt ngón tay. Chặt xong thì anh quẳng đi để người ta đừng có tìm được mà nối lại. Thế là nhà cho đi tu. Song anh lại không tu lâu được. Rồi khi về đời, kết hôn thì anh mắc tật là ưa nhậu. Một hôm anh nói: “Bữa nay dứt khoát bỏ rượu”. Anh lại lấy dao chặt đứt ngón nữa và quyết tâm bỏ rượu. Nhưng mà anh cũng nhậu như thường. Điều này nói lên là mình muốn thương, mình muốn tu, mình muốn thực nhưng mà làm thực không có nổi. Trong chúng ta ngồi đây có phải là đang có người ở trong tình trạng đó hay không?

Lắm lúc mình không muốn làm khổ chồng, rứa mà cứ làm khổ dài dài. Mình không bao giờ muốn làm khổ vợ, thế mà cứ làm khổ nhau dài dài. Hứa rồi, dặn lòng rồi, mai đụng chuyện cũng vũ như cẩn (vẫn như cũ). Con cái với ba mẹ cũng vậy. Mình với giang sơn tổ quốc cũng vậy. Mình với muôn loài, môi trường cũng vậy. Và mình với chính mình cũng vậy. Đôi lúc mình cũng không thực với mình. Thầy cũng có khi là người không thực với mình. Nên khả năng thương phải được rèn luyện. Cũng như cái ước muốn học giỏi thì ai cũng có. Nhưng mà không phải tự nhiên là học giỏi, phải rèn mới giỏi, đúng không? Muốn là một chuyện còn khả năng thực để thực hiện là một chuyện khác. Mình phải tập luyện. Như thầy muốn khỏe hơn là phải tập thể dục, chứ còn ngồi đó nói con muốn khỏe, con muốn khỏe thì không thể nào khỏe.

Đức Thế Tôn dạy muốn thương thật là phải thương mình. Thương mình thì thương làm sao? Đó là khi mình giận mà im lặng, mỉm cười, biết thở và cảm được cơn giận. Làm bốn việc đó mà đừng thêm gì hết, cũng đừng bớt gì hết. Nó gọi là nhận diện đơn thuần, là chánh niệm. Chánh niệm tức là cái niệm giúp mình ra khỏi cơn giận. Còn niệm chừng nào mà còn giận chừng đó thì là tà niệm. Đơn giản vậy thôi. Chánh niệm cho mình vượt thoát cơn giận, chứ không cần tiêu diệt cơn giận. Nhớ là không bao giờ tiêu diệt được cơn giận. Mình vẫn sống với nó và nó vẫn có đó, nhưng mà nó không làm gì được mình hết.

Cũng như mình không thể ra khỏi mọi mầm mống bệnh tật. Nhưng mà mình sống sao đó để cho bệnh tật không khống chế thân tâm mình thôi. Bệnh lao cũng có, ung thư cũng có, AIDS cũng có, nhưng mà nó yên, nó ở yên đó, không phát ra. Chúng ta không bao giờ tiêu diệt cơn giận được. Điều mình làm được là thực tập giữ cơn giận ở trong tình trạng yên ắng, không có tung hoành để sai sử mình, để thọc gậy bánh xe vào cuộc đời mình. Đây gọi là vượt thoát mà không phải tiêu diệt. Điều này phù hợp khoa học lắm. Bởi vì khoa học chứng minh rằng năng lượng không sinh ra, mà cũng không mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác.

 

Bốn chất liệu của tình thương đích thực

Tuệ giác của Đức Thế Tôn là khoa học, mà là khoa học chứng ngộ. Còn khám phá khoa học là sự khám phá mà chưa có chứng ngộ. Cho nên nhà khoa học có thể còn đau khổ, còn đức Phật thì giải thoát. Chúng ta là con của nhà khoa học vượt thoát, khi mình làm được bốn việc:

Bước thứ nhất là im lặng và đừng làm gì;

Bước thứ hai là mỉm cười nhè nhẹ;

Bước thứ ba là mình tập thở;

Bước thứ tư là mình nhận diện con người mình, nhận diện cái tâm của mình như thế nào, cái thân của mình như thế nào.

Mình vượt thoát được cơn giận, mình hạnh phúc. Trong khi, cơn giận có thể vẫn còn đó. Lúc này mình thấy cuộc đời thật sự mầu nhiệm. Mẹ là mầu nhiệm, dù câu nói của mẹ làm mình giận. Giờ đây, mẹ rất mầu nhiệm, mầu nhiệm hơn khi mẹ chưa nói nữa. Sư Ông dạy mình “đời mầu nhiệm”. Mầu nhiệm thiệt đó, nhưng mà chỉ khi nào mình thở, mình cười, mình cảm được cơn giận. Làm được vậy thì cơn giận hoàn toàn không những không khống chế mình, mà ở ngay đó trào lên một niềm hạnh phúc. Và vì vậy đời trở nên mầu nhiệm, dù rằng con người mình cũng sống như bấy lâu thôi.

Ví dụ như hai cái răng khểnh của thầy, thầy bây giờ cũng có thể mỉm cười hạnh phúc dù nó không có rụng. Nó vẫn là răng khểnh, nhưng mà mầu nhiệm với mình tại vì răng khểnh đẹp hơn là răng giả. Nó có duyên lắm. Còn răng khểnh mà tu vẫn hạnh phúc thì tại sao không thể vượt thoát được cơn giận để hạnh phúc chứ? Nhờ thấy được vậy cho nên mình khỏe. Và vì mình khỏe, cho nên cái khỏe đó mở lối cho những người răng khểnh và cũng khích lệ cho những ai đang có hai hàm răng trắng ngọc ngà. Lạ như vậy đó, nhưng mà mình phải tập. Có tập luyện thì mình mới nếm được.

Tập thương mình, thương để có hạnh phúc chứ không phải để có khổ đau. Thương thật thì hạnh phúc, thương chưa thật cho nên khổ. Vậy trong chúng ta, mình thương ai mà khổ thì phải coi lại. Chắc chưa thật. Tại vì thật thì làm sao lại khổ được? Thật là có chất liệu của Từ- Bi- Hỷ và Xả. Khi mình giận mà mình thở, mình chánh niệm thì mình có hạnh phúc. Cái đó gọi là Từ. Từ là ban vui. Từ là mình cho mình cái niềm vui. Thế còn Bi? Mình giận thì mình khổ, thế mà mình thở một cái thì mình hết khổ. Cái đó là cứu khổ, là mình cứu mình. Lúc đó con người mình rất là độ lượng, rất là hoan hỷ, rất là thoải mái. Tức là mình có Hỷ.

Khi mình vượt thoát cơn giận thì mình có đủ cả ba Từ-Bi-Hỷ. Và khi mình ở trong tình trạng Từ-Bi-Hỷ thì xấu mình biết xấu, tốt mình biết tốt. Mẹ nói câu đó không đúng là mình biết câu đó không đúng, nhưng mà không kỳ thị mẹ, mà lại thương mẹ hơn. Cái đó gọi là Xả. Chữ Xả không có nghĩa là đúng mặc đúng, sai mặc sai, không dính tới tôi thì thôi, chữ Xả như vậy thì không có trong giáo lý của Đức Thế Tôn. Có người nói rằng là con bây giờ ăn không biết ngon, biết dở mà tưởng là Xả. Cái đó không phải là Xả. Cái đó gọi là Xả. Xả gì? Xả sự giác ngộ. Tu mà đến mức không biết ngon dở gì cả thì đó là gì? Không định nghĩa được. Tu là phải biết. Nhưng biết mà không kỳ thị thì đó mới là Xả. Mà Từ- Bi- Hỷ- Xả có trong nhau. Có một là có bốn. Có bốn là có một. Đó là tu Từ- Bi- Hỷ- Xả. Mà tu như vậy thì mình mới tu thiệt. Còn vắng mặt Từ- Bi- Hỷ- Xả mà mình vẫn thương, thì cái thương đó rất quý, nhưng phải cẩn thận với cái thương, cái quý của mình. Coi chừng là nó chưa có thực.

Có một chị ở Hồng Kông, lập gia đình và có ba đứa con. Chị chia sẻ trong nhóm pháp đàm là chị và chồng chưa bao giờ ngồi lại với nhau để nói lời chia tay và bàn chuyện con cái ai nuôi, nhưng mà chồng chị đã chia tay chị và ba đứa con thì chị nuôi. Mỗi lần nhìn thấy chồng là hận thù trong lòng lên như là bão tố. Chị chịu không thấu. Nhưng mà khi tới với tăng thân, thở và cười như thế này thì bây giờ chị thương được chồng mình rồi. Thầy có chia sẻ với chị rằng làm được như vậy là đã thực hiện được một bước rất là quan trọng, nhưng bây giờ chị cần phải tiến thêm nữa. Tức là chị hãy về nhà rồi tập viết xuống tâm tư mình. Viết như thế nào? Ngày trước chồng chị đối xử chị như thế nào, chị giận ra làm sao, viết xuống y như vậy. Bây giờ chị thở, chị cười như thế nào, chị thương chồng ra làm sao, chị cũng viết xuống.

Và chị có thể viết thêm một nội dung nữa về cái nguyện của chị. Chị có thể viết : “Em nguyện đem hết khả năng mà em đang có nhờ tu học để giúp em ra khỏi khổ đau. Giúp em ra khỏi và còn giúp cho anh ra khỏi nữa. Bởi vì em biết bây giờ mình tuy không còn bên nhau, anh đang sống với người kia nhưng mà trong tâm anh vẫn khổ đau. Anh khổ đau vì con anh, anh chưa nuôi, vợ anh chưa biết lỗi phải như thế nào, anh không bàn bạc mà anh lại đột ngột xa cách. Em biết là lòng anh giờ đây đang ray rứt khôn nguôi. Em mong anh thoát ra khỏi tâm trạng đó. Em đã có con đường rồi. Quyết tâm là sẽ thoát được. Còn anh thì em mong anh cũng sẽ có đường thoát. Và em xin tạo mọi điều kiện trong khả năng của em để giúp cho anh.

Chị viết xuống luôn những vụng về của chị đã đối với chồng trước đây nữa.Và chị giúp các con thương yêu ba của các cháu hơn lúc ba còn sống chung. Viết xuống xong hết rồi thì chị có thể cho ba đứa con đọc lá thư này. Rồi mình gửi lá thư đó cho chồng của mình. Với con chị thì chị không cần nói là con phải hiếu thảo với cha mẹ, phải thế này, thế kia. Khi đọc được những lá thư như vậy thì tự nhiên nguồn năng lượng rất là nuôi dưỡng, rất là hạnh phúc biểu hiện. Nó gắn bó mẹ con lại với nhau. Và tự động các con mình sẽ biết hành xử như thế nào để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đó là báo hiếu mà mình không cần phải dạy con. Mình chỉ cần sống được như vậy thôi.

Thầy Pháp Đăng nói thiền là sống, chớ không phải là nghĩ, không phải là bắt chước. Đạo Phật của mình là đạo sống chứ không phải đạo thờ, đạo sống chứ không phải đạo tụng, đạo sống chứ không phải đạo cầu, đạo sống chứ không phải đạo nghĩ. Nhưng mà muốn sống thì phải có cúng, có tụng, có thờ. Cái đó là thế, cái đó là phụ nhưng mà mình cần. Tại vì mình hay quên cho nên mình cần những cái đó để nhắc cho mình nhớ. Mình cần những cái đó để mình có cơ hội được thấy Phật. Nhìn Ngài thì mình thấy phải sao đó trong lòng cho nên Ngài mới dễ chịu như vậy. Nhìn hoa khôi thì còn thấy khó chịu, nhưng mà nhìn Phật thì thấy dễ chịu, bởi vì Ngài không có sức cám dỗ của hoa khôi.

Khi mà mình thở, mình cười như vậy thì mình đang tập thương mình. Lúc kia thì tức giận, hằn học, hận thù, đau đớn mà bây giờ thì thanh thản, nhẹ nhàng, tươi mát, thương được người chồng và có cách làm lớn hơn là cứu chồng, cứu con ra khỏi niềm đau nỗi khổ xưa nay. Như vậy tu là sống thật. Thật với mình và với tất cả. Sự thật là cái không bị tiêu cực tràn ngập, khống chế, sử sai, có khả năng giúp mình, giúp người và mọi thứ vượt thoát khổ đau, cho dù đang ở trong tình huống nào. Từ- Bi- Hỷ- Xả là sự thật. Sự thật thì vô lượng. Cho nên Từ- Bi- Hỷ- Xả là bốn tâm vô lượng, bốn phương diện của năng lượng tâm thân có khả năng làm đẹp cuộc đời không giới hạn. Đó là năng lượng của nếp sống thiền có mặt trong mọi sinh hoạt hằng ngày, ai cũng có thể thực hiện được bây giờ và ở đây.