Tìm về gốc rễ – Thực tập giới thứ năm
Nguyễn Khoa Đức
Những lời nói của cô cơ hồ phá tan không khí bình an của buổi pháp đàm trong một ngày tháng Mười tĩnh lặng và lạnh giá. Cô ấy cứ lập đi lập lại: “Tôi không làm được đâu, vô phương. Tôi chưa sẵn sàng đâu … chưa đâu.” Tôi quay lại nhìn cô, hơi ngỡ ngàng một chút vì giọng nói đầy cảm xúc của cô. Đó là một phụ nữ trung niên, đến từ Brooklyn, như cô đã tự giới thiệu. Cô không hề thốt lên tiếng nào trong những buổi pháp đàm trước, thế mà giờ đây cô thật sôi nổi, bày tỏ ý kiến của mình bằng một cách mà chỉ người New York mới có. Đề tài tập trung pháp đàm là Năm giới vì có nhiều người trong nhóm đang chuẩn bị thọ giới với Sư Ông vào sáng sớm ngày mai. Mới đầu buổi pháp đàm có vẻ hơi trầm, không có gì đặc biệt cho đến khi giới thứ năm trở thành trọng tâm của sự chia sẻ. Người thiếu phụ ấy tiết lộ với nhóm pháp đàm rằng cô thích uống rượu vang đỏ, đôi khi uống khá nhiều. Rượu đã một phần nào trở thành thức ăn của cô. Cô nghĩ rằng nếu nhận giới thứ năm cô sẽ bị mâu thuẫn vì phải đối diện với thói quen mà cô không muốn thay đổi này.
Chú Nguyễn Khoa Đức và gia đình
Tôi đến viếng tu viện Bích Nham lần đầu tiên vào năm 2009. Lúc ấy gia đình tôi háo hức chờ đợi cơ hội được tham gia khóa tu do Thầy hướng dẫn. Rất đông người từ khắp mọi nơi đổ về cái phố nhỏ bao bọc bởi các dãy đồi đẹp như tranh vẽ này. Tôi vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian mà chúng tôi cùng nhau trải qua ở đây trong sự tĩnh lặng, thật thân thương và gần gũi. Tuy nhiên điều tôi đặc biệt mong đợi là lễ truyền Năm giới. Bây giờ đây, những gì mà người phụ nữ đó chia sẻ đã làm cho tôi chững lại và soi rọi một lần nữa hoàn cảnh của chính mình. Tôi tự hỏi lòng mình là giới thứ năm thực sự có ý nghĩa gì đối với tôi. Tôi thấy mình như không còn có mặt ở đó, trong vòng tròn của bạn bè, anh chị em thân hữu nữa, tâm tôi đưa tôi về một thời gian và một không gian khác…rất xa xôi.
Những người đã lớn lên trong thời gian chiến tranh Việt Nam và trong thời hậu chiến như tôi chắc hẳn vẫn còn nhớ những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần của hàng triệu gia đình. Họ phải chật vật đối phó với những hậu quả mà chiến tranh để lại. Biết bao nhiêu gia đình tan nát. Biết bao người chồng, người cha, người anh đã bị chia cắt với người thương của họ. Những người ở lại đã phải làm tất cả mọi thứ để tiếp tục duy trì cuộc sống trong một tình trạng thật đen tối, đầy hoang mang, nghi kỵ và sợ hãi. Gia đình của chúng tôi không ngoại lệ.
Cha tôi, cùng chung số phận với hàng trăm ngàn người khác, cả nam lẫn nữ, những người đã từng làm việc cho miền Nam Việt Nam, đã bị đưa đi các trại cải tạo. Khi ấy tôi lên chín tuổi và không hề có một khái niệm nào về việc tự nhiên tôi trở nên không có cha. Mẹ tôi bỗng nhiên phải nhận lãnh một vai trò rất xa lạ đối với bà, đó là trở thành người chủ gia đình, chăm lo nuôi dạy 4 đứa con, đồng thời phải tìm cách theo dõi tin tức về tình trạng của ba tôi đang ở xa. Tôi rất nhớ cha. Tôi chỉ được gặp cha một lần, một năm sau khi cha bị bắt, và mãi 15 năm sau, khi gia đình tôi được đoàn tụ ở Virginia vào đầu thập niên 1990 tôi mới được gặp cha trở lại. Tôi hồi tưởng lại rất nhiều lần tôi khóc vì nhớ cha khi chỉ có một mình. Tôi không hiểu sao chúng tôi lại bị chia cắt như vậy. Điều tồi tệ nhất là tôi không biết là tôi có bao giờ được gặp lại cha không.
Thời gian trôi qua, cha của những người bạn chung cảnh ngộ bắt đầu lác đác trở về nhà. Gia đình tôi hy vọng, nhưng rồi lại liên tiếp bị thất vọng bởi vì tin tức về cha tôi cho thấy là ông càng ngày càng bị đổi đi đến một nơi xa xôi hơn. Mẹ tôi đã cố gắng hết sức để vừa làm mẹ vừa làm cha của bốn đứa con. Mẹ khuyến khích chúng tôi tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp để không cảm thấy mình là “người ngoài”. Từng chút từng chút một mẹ áp dụng đạo Bụt dưới tất cả các hình thức nào thực tế nhất để đương đầu với các thử thách mà mẹ phải đi qua. Tôi cảm được trách nhiệm trên vai của mẹ là quá sức chịu đựng. Sức khỏe của mẹ kém đi vì gánh nặng đó.
Cuối thập niên 1970, mẹ tính chuyện vượt biên để tôi có một tương lai khá hơn. Tôi đang vào độ tuổi thiếu niên và rất yểm trợ ý định của mẹ. Tuy nhiên tôi không thể không buồn bởi vì tôi lại sẽ bị chia cắt với đấng sinh thành còn lại. Tôi hay mong cho những lần vượt biên của tôi thất bại để tôi được gặp lại mẹ tôi, điều tôi ân hận là sau đó phải chứng kiến sự đau lòng và thất vọng của mẹ mỗi khi chuyện không thành. Cuối cùng tôi đã thoát khỏi Việt Nam vào năm 1980.
Những trải nghiệm này đã trở thành nền tảng của con người tôi khi tôi đi qua tuổi mới lớn và tuổi thành niên. Những thương tích và nỗi đau trong thời niên thiếu đã làm tôi trở nên cứng cỏi. Và như một bản năng tự vệ, tôi không thể gần gũi và tin cậy bất cứ ai, bởi vì những cái ấy rất mong manh, dễ đem lại những thất vọng và nỗi đau không tránh khỏi. Dần dần tôi không muốn quan hệ với ai. Tôi cũng có nhu yếu thương yêu, tiêu chuẩn về hạnh phúc của tôi có dính líu tới một người bạn đồng hành. Thế nhưng khi mối quan hệ của tôi với người đó trở nên nghiêm túc thì tôi lại sợ là nếu tôi đầu tư tình cảm thật sự của mình vào, tôi sẽ thất vọng, sẽ bị tổn thương, như kinh nghiệm mà tôi đã đi qua khi không có gia đình bên cạnh vào những năm về trước. Tôi vất vả duy trì các mối quan hệ bởi vì sự bất an và những hành vi bất ổn của tôi làm rạn nứt tình cảm và cuối cùng làm những người gần gũi với tôi bị đẩy ra xa.
Tôi đi tìm sự cô đơn vì tôi cho đó là thiên đường an toàn không có khổ đau. Để cảm thấy đời sống có ý nghĩa và có nội dung, tôi ngốn tin tức qua internet, sách báo và các nguồn thông tin khác. Tôi trở thành người cuồng nhiệt hâm mộ thể thao, và đắm mình vào thế giới của người khác, thật hay không thật. Tất cả những cái đó đem lại cho tôi một sự an ủi vỗ về. Sự tự trọng của tôi không còn dựa trên những giá trị nội tại nữa mà lại phụ thuộc vào những quan niệm giả tạo bắt nguồn từ thế giới ngoại tại.
Không có nền tảng vững chắc, tôi cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa và khi tôi càng lớn tuổi thì tập khí càng dễ phát sinh. Tôi uống cà phê nhiều lần trong ngày để giữ sự tỉnh táo, tôi uống nhiều soda sau khi tập thể dục, và nó tạm thời giúp tôi bớt căng thẳng. Tôi trở thành một người ghiền làm việc, tập khí mà đến hôm nay tôi vẫn còn đang phải thực tập để chuyển hóa. Tôi tìm hạnh phúc ở tất cả mọi nơi, trừ ở chính tự thân. Tôi nhớ lại ngay sau khi chúng tôi có đứa con đầu lòng, tôi đã bị công việc cuốn đi cho đến nỗi một hôm tôi nhận được một thư mời trong cuốn lịch điện tử. Thư mời này của vợ tôi. Cô ấy đã phải yêu cầu tôi cho cô ấy một cái hẹn để chúng tôi có thể gặp nhau. Đó là một tiếng chuông mà bất hạnh thay, mãi sau này tôi mới nhận ra đó chính là cái mà tôi cần. Những thức mà tôi tiêu thụ đó đã trở thành thực phẩm để tôi sống còn về mặt tinh thần, và tôi cần chúng để tiếp tục sống còn. Đơn giản là vì tôi không hề nhận ra rằng mình đã sinh tồn bằng những thực phẩm độc hại.
Khoảng chừng 5 năm về trước, khi tôi làm quen với pháp môn thực tập chánh niệm, bắt đầu bằng những ngày quán niệm với tăng thân Thuyền Từ, tôi mới học cách chậm lại. Tôi nhận ra tầm quan trọng của sự trị liệu và bắt đầu ý thức rằng đối diện và chăm sóc niềm đau nỗi khổ là phương thức duy nhất để có sự chuyển hóa. Trong quá trình học hỏi và thực tập chánh niệm, mới đầu tôi cảm thấy hơi lúng túng và phải sử dụng trực giác khi thực tập các pháp môn thiền ăn, thiền hành và thiền buông thư.
Điếm then chốt trong khi thực tập là sự yểm trợ của tăng thân. Nó tiếp thêm cho tôi sức mạnh và là nguồn năng lượng giúp tôi nhận diện, ôm ấp và chăm sóc các năng lượng tiêu cực của chính mình. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn khó khăn trong việc mời các cảm xúc buồn phiền, tuyệt vọng và ân hận của em bé trong mình lên để tiếp xúc với chúng, và tôi vẫn chưa cảm thấy tuyệt đối an toàn khi thân cận với ai. Tuy nhiên tôi đã bắt đầu nhận diện được những hạt giống khổ đau của mình. Tôi biết rằng cuộc hành trình trị liệu của tôi vẫn còn đang tiếp diễn. Trên thực tế, tôi thấy như mình chỉ mới bắt đầu thôi. Tôi cũng nhận ra rằng cuộc hành trình này có thể dài hơn một kiếp. Thế nhưng tôi không lo lắng về tương lai hay mong đợi điều gì cả, bởi vì tôi rất thoải mái trong hiện tại, và với sự có mặt và nâng đỡ của tăng thân, tôi vẫn đang tiếp tục đi tới.
Tăng thân Thuyền Từ
Gần đây, tôi đã giảm cà phê xuống chỉ còn một cốc mỗi ngày. Thế nhưng sự tỉnh táo và sức làm việc của tôi ở nhà và ở sở không vì thế mà bị ảnh hưởng. Tôi không còn phụ thuộc vào thuốc giảm đau để có thể đi qua một ngày nữa. Tôi khám phá ra việc phụ thuộc vào thuốc giảm đau chỉ là một vấn đề về tâm lý. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp mình trong bữa ăn trưa, một tay đưa thức ăn vào miệng, còn một tay thì nhấp chuột, và hai mắt thì dán vào cái iPhone. Thói quen này dần dần đang giảm bớt bởi tôi có ý thức hơn về tập khí không hay của mình. Điều quan trọng nhất là sự thực tập đem tâm và hơi thở về với giây phút hiện tại đã giúp tôi lấy lại ý thức sáng tỏ trong cái nhìn của mình về cuộc sống. Sự chuyển hóa diễn ra còn chậm, có khi tôi có cảm tưởng như mình dẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên tôi đã bắt đầu cảm thấy có niềm vui và sự bình an, nảy mầm từ các hạt giống đã gieo dù là không kéo dài.
Tiếng chuông do quý thầy thỉnh đem tôi trở về phút giây hiện tại, về lại với vòng tròn của những đạo hữu khi cái lạnh của tháng 10 đang nhanh chóng bao trùm lấy chúng tôi. Buổi pháp đàm đã gần kết thúc, mọi người đang dần tản mát – tôi đến bên người phụ nữ Brooklyn, cười: “Chị à, tôi cũng có những trăn trở giống như chị, tuy là tôi có những lý do khác với chị. Tôi cũng không chắc lắm, nhưng tôi nghĩ miễn là chị ý thức về lượng rượu mà chị uống và tiếp tục thực tập với tăng thân, chị sẽ không sao đâu. Thọ năm giới không có nghĩa là chị phải làm đủ hết 100%. Có ý thức về chúng đã là một sự bắt đầu rồi. Hy vọng sẽ gặp chị sáng ngày mai nhé.” Cô ấy cười với tôi, tỏ vẻ cảm ơn về những lời tôi chia sẻ. Cô có biết đâu những lời trấn an tôi vừa nói ra thật sự là cho bản thân mình hơn là cho cô ấy.
Chú Nguyễn Khoa Đức là một thành viên của Tăng thân Thuyền Từ tại Washington DC. Chú viết bài này để trình bày về giới thứ 5 trong một khóa tu cuối tuần với tăng đoàn Bích Nham ở chùa Hoa Nghiêm vùng Virginia hồi cuối tháng Ba 2013. BBT chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh.
Tăng thân Thuyền Từ
Gia đình Thuyền Từ
Nhóm tu học Thuyền Từ vùng Hoa Thịnh Đốn gồm một số thiền sinh thực tập nếp sống tỉnh thức theo tinh thần Năm Giới của đạo Bụt qua pháp môn thực tập của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong sự thực tập này, hơi thở có ý thức được sử dụng thường xuyên trong tất cả các sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, rửa bát, đi bộ, ngồi trên ghế hoặc ngồi thiền, lái xe, nghe điện thoại, sử dụng máy điện toán, v.v.
Nhằm tạo môi trường thực tập nếp sống tỉnh thức cho vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tăng thân Thuyền Từ tổ chức một ngày thực tập chánh niệm vào ngày thứ Bẩy đầu tháng dưới sự hướng dẫn của các anh chị giáo thọ Chân Ý, và Chân Trí.
Ngoài ra, anh chị giáo thọ Chân Ý và Chân Trí hàng năm cũng hướng dẫn rất nhiều những khóa tu học về nếp sống tỉnh thức cho cả người Việt lẫn ngoại quốc. Hai khóa tu học cho người Việt thường được tổ chức vào đầu mùa xuân và thu. Kính mời quý vị xem lịch trình tu học của anh chị trong năm.
Hiện nay anh chị đang hướng dẫn những phương pháp thực tập chánh niệm cho người ngoại quốc mỗi ngày tại Trung Tâm Thực Tập Chánh Niệm tại Fairfax, VA (Mindfulness Practice Center in Fairfax – MPCF). Xin vào web site của MPCF tại http://mpcf.org/ để biết thêm chi tiết.
Thời khoá trong ngày thực tập chánh niệm mỗi đầu tháng
9:00 | Tọa thiền, kinh hành, tụng kinh |
12:00 | Ăn trưa trong im lặng hùng tráng |
1:30 | Nghỉ trưa |
2:30 | Nghe băng pháp thoại |
3:00 | Thiền trà, trao đổi kinh nghiệm tu học |
4:00 | Chia tay |
Tăng thân Thuyền Từ
Tăng thân Thuyền Từ
Washington DC
Khóa tu Wake up: Sống trong hiện tại
Mỗi năm, tại Làng Mai Thái Lan, quý thầy quý sư cô có tổ chức khóa tu Wake Up quốc tế cho các bạn trẻ. Quý thầy quý sư cô vui mừng chào đón các bạn trẻ đến với Làng Mai Thái Lan để cùng nhau thực tập chế tác hạnh phúc, bình an và niềm vui trong suốt khóa tu.
Quý thầy quý sư cô vui mừng chào đón các bạn trẻ đến tham dự khóa tu Wake Up Quốc Tế trong 5 ngày theo truyền thống thực tập Làng Mai.
Địa điểm: Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan, 174/176 Moo 7, Ban Sanamsai, Tambon Phongtalong, PakChong, Nakhonratchasima 30130
Thời gian: Từ ngày 12 – 16/8/2015
Thời khóa tổng quát:
4:45 Thức dậy
5:30 Ngồi thiền, tụng kinh và thiền hành
7:30 Ăn cơm chánh niệm
8:30 Thiền chấp tác/ Tham vấn riêng
9:45 Thiền ca
10:00 Pháp thoại (1/ Bông hoa mỉm cười cho tôi; 2/ Quyền lực trong tầm tay; 3/ Đám mây trong tách trà)
12:00 Ăn trưa
13:30 Thiền buông thư
15:00 Pháp đàm
16:30 Thể thao
17:30 Ăn chiều
19:30 Thuyết trình 5 giới, Làm mới, Lễ Bông Hồng Cài Áo/ Văn nghệ
21:30 Im Lặng Hùng Tráng
Những điều cần lưu ý khi tham dự khóa tu:
- Số lượng: 350 bạn thiền sinh (tuổi từ 18 đến 35)
- Thiền sinh được khuyến khích tham dự trọn khóa tu 5 ngày. Thời khóa bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày đầu tiên và kết thúc 2 giờ chiều ngày cuối.
- Cơm chay 3 bữa mỗi ngày.
- Xin ăn mặc gọn gàng, lịch sự, kín đáo. Quần áo nhẹ, rộng sẽ giúp bạn thiền tập thoải mái hơn.
- Chổ ở được phân chia nam và nữ rõ ràng.
- Xin mang theo dù, nón, đèn pin, bình nước cá nhân, kem chống muỗi, áo ấm (lạnh vào sáng sớm), túi ngủ, giày thể thao và thuốc uống cá nhân.
- Khóa tu sẽ không giữ điện thoại của bạn nhưng bạn được khuyến khích dùng điện thoại càng ít càng tốt trong thời gian khóa tu để giúp bạn được có nhiều thời gian không gian trở về và tận hưởng nhiều hơn. Xin không dùng điện thoại khi tham dự các thời khóa trong khóa tu và đặt ở chế độ im lặng (silent mode).
Phương tiện di chuyển:
Xin đặt vé máy bay của bạn vào ngày 11 tháng 8 để quý thầy cô sẽ tổ chức sắp xếp đón và đưa thẳng đến trung tâm Làng Mai. (Xin xem thêm thông tin hướng dẫn đường đến Tu viện Làng Mai Thái Lan ở phía dưới)
Chi phí khóa tu (chưa tính phí di chuyển):
2,500 THB cho người lớn
2,000 cho sinh viên hoặc thiền sinh cần yểm trợ tài chính.
Nếu bạn có lòng hảo tâm thì cũng có thể yểm trợ thêm tài chính để giúp đỡ cho các bạn khác cần hoặc để trang trải cho khóa tu hoặc cho những sinh hoạt khác của phong trào Wake Up.
Xin chuyển tiền tại:
Tên tài khoản: PVF for Retreat
BANGKOK BANK PUBLIC COMPANY LIMITED / SIAM PARAGON BRANCH,
Account no. 855-0-13333-7, SWIFT CODE: BKKBTHBK
KASIKORN BANK PUBLIC COMPANY LIMITED / SIAM PARAGON BRANCH,
Account no. 738-2-06689-4, SWIFT CODE: KASITHBK
Xin vui lòng gửi phiếu thanh toán qua email: tpvretreats@thaiplumvillage.org trong vòng 7 ngày kẻ từ ngày đăng ký để xác nhận ghi danh.
Nếu bạn không đang ở Thái Lan, bạn có thể trả chi phí tại khóa tu.
Link đăng ký khóa tu: https://docs.google.com/a/plumvillageasia.org/forms/d/1sI0DWwZclsMCg73ss1YhgEyLb6hXstv8ynhMUmZJ8l0/viewform
Hạn chót nhận đăng ký: 05. 8. 2015, lúc 6 giờ chiều hoặc khi ghi danh đầy chỗ.
Cần biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ: tpvretreats@thaiplumvillage.org
Facebook: Wake Up Thailand
Hẹn gặp lại các bạn tại Làng Mai Thái Lan bình yên, xinh đẹp!
Kính thư
Ban Tổ Chức.
THÔNG TIN HƯỚNG DẪN
ĐƯỜNG ĐẾN TU VIỆN LÀNG MAI THÁI LAN
(Khóa tu “Sống trong hiện tại”, từ ngày 12-16/08/2015)
Kính thưa các bạn thiền sinh gần xa,
Bạn đã thật sự đến nơi và đang ở trên lãnh thổ đất nước Thái Lan.
Tu viện Làng Mai Thái Lan rất hạnh phúc để chia sẻ với các bạn một vài chỉ dẫn về sự di chuyển khi đến sân bay, để đảm bảo cho sự an toàn và thoải mái của các bạn. Xin vui lòng đọc những thông tin dưới đây một cách cẩn thận để chắc rằng bạn không bị lạc đường và có thể gặp được quý thầy quý sư cô túc trực ở sân bay đang chờ bạn đến.
Nếu bạn đáp xuống sân bay Suvarnabhumi (BKK): Xin vui lòng đến Cổng Số 3, lầu 2, bên trong sảnh đến (Dấu hiệu nhận biết: bên cạnh cổng số 3, bạn sẽ nhìn thấy một cửa hiệu sách và phía trước “King Power Tax Free Shop” là những dãy ghế chờ dành cho người đến đón)
- Nếu bạn đáp xuống sân bay Don Mueang (DMK): Xin bạn vui lòng đi đến Cổng Số 1
Địa điểm tập trung của tu viện Làng Mai Thái Lan là khu vực có những dãy ghế chờ dành cho người đến đón ngay cạnh Cổng Số 1
(Quý thầy quý sư cô Làng Mai Thái Lan sẽ tập trung tại địa điểm này để chờ các bạn)
- Đường dây nóng: (Trường hợp cần sự giúp đỡ)
– Xin liên hệ với Sr Tuyết Nghiêm : 0992.499.221 để được yểm trợ và hướng dẫn về ấn đề di chuyển. - Thông tin cần biết :
Trung tâm thực tập Làng Mai Thái Lan tọa lạc gần vùng núi KhaoYai, huyện Pakchong, tỉnh Nakornratchasima, cách thủ đô Bangkok khoảng 220km và mất 3.5-4 giờ lái xe. Nhưng vào những kỳ nghỉ lễ của người Thái, chuyến hành trình về tu viện của bạn có thể dài hơn 1 đến 2 giờ lái xe, kể từ khi bạn bắt đầu đi trên xa lộ chính hướng về vùng ĐÔNG BẮC-vùng lớn nhất của đất nước Thái Lan. Đây là thời điểm mà nhiều người từ thủ đô trở về quê nghỉ lễ, nên việc tắt nghẽn giao thông có thể sẽ xảy ra. Mong các bạn ghi nhận và thông cảm
Địa chỉ Tu Viện Làng Mai Thái Lan :
Thai Plum Village International Practice Center is located at
174,176 Ban Sra Nam Sai ,Moo 7, Tambon Pongtalong, Pak Chong District in NakornRatchasima which is about 240 km. North-East of Bangkok. It approximately takes 3.5-4 hours from downtown Bangkok (Victory Monument) by public van.
Kính chúc các bạn có một chuyến hành trình hạnh phúc về tu viện.
Trân kính,
Ban tổ chức Tu viện Làng Mai Thái Lan
Hạnh phúc có thật rồi!
Khóa tu tiếng Việt: Con đường hạnh phúc
“Hạnh phúc thay được sống
Trong Tăng đoàn Thế Tôn
Được hành trì giới định
Sống vững chãi thảnh thơi
Trong từng giây từng phút
Của cuộc sống hằng ngày,
Và trực tiếp tham gia
Vào sự nghiệp độ sinh
Của Bụt và Bồ Tát”.
Đến với khóa tu: “Con Đường Hạnh Phúc” là thông điệp mà Tăng thân muốn gởi đến chúng ta hãy biết trở về tiếp xúc và sống sâu sắc với cuộc sống trong giây phút hiện tại, để biết rằng không có con đường đi đến hạnh phúc mà hạnh phúc chính là con đường. Được đi thảnh thơi từng bước thiền hành cùng Tăng thân là một điều kiện hạnh phúc. Được cùng chia sẻ, lắng nghe nhau những kinh nghiệm tu học cũng là một điều kiện hạnh phúc lớn.
Tiếp nối con đường chí nguyện phụng sự là những gì đẹp nhất của những người con Bụt dù xuất gia hay tại gia. Nhìn vào Thầy, chúng ta thấy được con đường của Bụt đang được tiếp nối trong từng hơi thở và bước chân nhẹ, để nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống này quý giá biết bao.
Thầy từng dạy, đừng nên nhìn Bụt như là một đối tượng độc lập ngoài mình, đừng thấy Thầy chỉ trong một thân nhỏ bé này. Trong khóa tu, chúng ta có cơ hội nhiều hơn để nhận ra Bụt đang biểu hiện là một Tăng Thân, Thầy có mặt nơi mỗi vị xuất sĩ đang tu tập và làm việc hạnh phúc với nhau. Con đường mà Bụt đã tìm ra, con đường mà Thầy đã truyền trao, giờ đây chính quý thầy quý sư cô là những vị đang chung tay tiếp nối, truyền trao cho mọi người cùng thấy và đi chung trên con đường chân hạnh phúc. Tuy Thầy không trực tiếp về cho các khóa tu, nhưng các thầy các sư cô đệ tử của Thầy, đã và đang tiếp nối một cách xứng đáng để tiếp tục hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm tu học của chính các vị.
Khóa tu tiếng Việt này sẽ diễn ra tại tu viện. Tuy điều kiện vật chất sinh hoạt có thể không tốt và đầy đủ như resort, phòng ốc có thể sẽ chật chội hơn, khu vực vệ sinh sẽ thiếu thốn hơn, nhưng các bạn sẽ được sống và thực tập trong môi trường bình an, hít thở không khí trong lành của tu viện và tiếp xúc với năng lượng nhẹ nhàng của những vị xuất gia. Bình an sẽ được bạn tìm thấy ở mỗi nơi trong khuôn viên của tu viện.
Khóa tu sẽ bắt đầu vào ngày 10 đến ngày 14 tháng 6 năm 2015. Quý Thầy, quý Sư Cô rất hạnh phúc để đón chào các bạn, cùng chung bước với các bạn trên con đường hạnh phúc này.
Chi tiết khóa tu:
- Khóa tu này dành cho cộng đồng người Việt khắp nơi. Nên tham dự trọn 5 ngày của khóa tu.
- Khóa tu sẽ có chương trình cho thiếu nhi (Children Program, 6-12 tuổi) và thanh thiếu niên (Teens Program, 13-17 tuổi).
- Thời hạn nhận đăng ký ghi danh trễ nhất ngày 25 tháng 5 năm 2015.
- Tu viện sẽ có những hoạt động dành riêng cho nội bộ xuất sĩ Làng Mai ngay sau khóa tu Tiếng Việt, nên tu viện xin không nhận tất cả các thiền sinh (kể cả các vị khách Tăng) ở lại sau ngày 15/06/2015.
- Trường hợp đã đăng ký khóa tu nhưng có công việc đột xuất không thu xếp tham dự được, xin vui lòng báo cho Văn Phòng Ghi Danh biết trước ít nhất 3 ngày.
- Chi phí trọn khóa tu (không bao gồm chi phí di chuyển):
2,500 THB (1,700,000 VND/ 75 USD cho người lớn)
1,500 THB (1,000,000 VND/ 45 USD cho thiếu nhi)
- Tu viện sẽ thuê xe Van công cộng để đưa và đón thiền sinh tại phi trường theo những giờ đăng ký cố định, vào các giờ 12:00, 14:00, 16:00, 19:00 trong hai ngày 08 và 09/06/2015. Chi phí xe sẽ gởi trực tiếp cho Ban Tri Xa ( Ban lo việc sắp xếp xe đưa đón các bạn thiền sinh khi đến và rời tu viện), từ 350 THB-500 THB tùy theo số lượng khách trong một chuyến.
- Thiền sinh có thể liên lạc trước các vùng, miền địa phương để kết hợp chuyến đi, nhằm tiết kiệm chi phí di chuyển.
Khu vực Miền Bắc (Hà Nội) :
Chị Phạm Thị Thanh Vân, Email : troixanhmaytrang76@gmail.com, Số điện thoại : 0913.008.866 / 0913.054.455
Khu vực Miền Trung (Đà Nẵng) :
Cô Đoàn Thị Mai, Email : maiblueocean18@yahoo.com, Số điện thoại : 0905.290.433 / 0511.388.9918
Khu vực Miền Nam (Tp.HCM) :
Anh Phạm Châu Thương, Email : letrungbao09@gmail.com, Số điện thoại : 0909.022.082
Thông tin chi tiết về việc ghi danh, thời khóa của khóa tu, phương tiện vận chuyển…Xin vui lòng click vào đường dẫn dưới đây: http://www.thaiplumvillage.org/index.php?option=com_content&view=article&id=302:khoa-tu-ting-vit-thang-06-con-ng-hnh-phuc&catid=9:2011-01-18-05-21-08&Itemid=42
Những thắc mắc về khóa tu, xin liên lạc ban ghi danh qua email: visitus@thaiplumvillage.org
Trân kính,
Ban Tổ Chức khóa tu – Tu viện Làng Mai Thái Lan
Khóa tu tiếng Việt: Con đường hạnh phúc
Khóa tu tiếng Việt: Con đường hạnh phúc
(từ ngày 10 – 14/06/2015, tại Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan)
Hạnh phúc có thật rồi!
TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Lên núi học thở
Thế là chúng tôi đến đất Thái. Đoàn chúng tôi gồm 18 thành viên, cả lớn lẫn nhỏ. Bé nhất là Thùy Dương học lớp 3, rồi Minh Anh học lớp 4, Sỹ Tuấn học lớp 7. Tất cả chúng tôi được quý thầy và quý sư cô đón rất chu đáo tại sân bay và chạy thẳng về Pack Chong với quãng đường 300 km. Tốc độ cho phép là 120 km/h, nhất là trời đêm, vắng, nên xe chạy khá nhanh. Về đến nơi đã nửa đêm. Ai cũng mệt sau một chuyến đi dài. Có bạn còn nghĩ, nếu chỉ cần đi thêm 10 phút nữa thôi chắc xỉu luôn.
Ấy vậy mà những nụ cười rất tươi, rất hiền, rất thân thiện của hàng chục quý thầy, quý sư cô đứng đợi sẵn làm cho mệt mỏi tan biến hết. Bạn Phương Túy lần đầu tiên thấy một sự đón tiếp chân thành, ấm áp và tràn ngập yêu thương đến vậy. Bạn thốt lên: “Về đến nhà thật rồi”, mặc dù đây là lần đầu tiên tham gia khóa thiền nơi đây. Từ nơi xe dừng bánh đến nơi ngủ nghỉ chỉ khoảng trăm mét, vậy mà quý thầy vẫn mang xe ra để chở đồ giúp các thiền sinh. Dù đã khuya nhưng quý sư cô vẫn mời mọi người vào ăn, vào uống kẻo đói và khát. Hình như đây là xứ sở của những nụ cười và tâm yêu thương.
Trời đêm nơi Pack Chong nhiều sao lắm. Sao ở đây sáng và trong, lung linh và huyền ảo. Đêm đã khuya nhưng hình như không ai muốn ngủ. Tôi lang thang ngắm sao trời, bởi ở Hà Nội hay Sài Gòn chưa khi nào tôi thấy sao sáng và đẹp, trời trong và thanh đến vậy. Tôi lắng nghe tiếng côn trùng kêu. Tôi thong thả thiền hành với từng bước đi nhẹ nhàng, chánh niệm. Mũi tôi thưởng thức mùi thơm từ đủ các loài hoa tỏa hương đêm. Hương hoa đêm hình như cũng lắng dịu hơn và thơm nhẹ nhàng hơn.
Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống một tảng đá. Tôi thở một hơi rất nhẹ và sâu. Tôi đã về nhà rồi. Tôi đang ngồi ở nhà mình, ngôi nhà của chính mình trên đất Thái. Ngôi nhà nơi đây là ruộng đồng và đồi núi, là sắn và ngô, là xoài và tre, là núi đá và gió mát với diện tích trên dưới 20 héc ta. Ngôi nhà mà chúng tôi đã về tới nơi là địa điểm mà chúng tôi cùng nhau hành thiền và tu tập trong năm ngày tới. Không hiểu sao, Pack Chong xa là vậy mà cuốn hút chúng tôi đến thế, kéo lôi chúng tôi như mật ngọt. Đây là lần thứ tư tôi về đây. Tôi thì đã dần nhận ra. Có những bạn mới đến lần đầu nhưng vẫn thốt lên bốn từ “Đã về tới nhà”. Lạ thật.
Đêm nay tôi ngủ trên tầng hai của chiếc giường nhỏ nhắn đáng yêu, giống hệt chiếc giường tôi đã nằm suốt ba năm cấp 3 tại trường chuyên ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Hà Nội ngày xưa. Tôi ngủ một giấc rất sâu, không mộng mỵ. Mấy cháu nhỏ trong đoàn lại thích ngủ lều giữa rừng. Cháu Sỹ Tuấn báo tôi, ngủ trên giường thì ở Hà Nội đêm nào mà cháu chẳng ngủ, sang đây cháu phải ngủ trong lều, giữa rừng cây và xung quanh là núi đá mới sướng. Đêm đầu tiên tất cả đều ngủ rất ngon. Thu Hồng, Phương Túy và Ngọc Quân bảo rằng, đây là đêm ngủ ngon nhất từ bé đến giờ. Lạ thật. Có lẽ bởi các em đã được về nhà. Về nhà thật rồi.
Đến khóa tu lần này chúng tôi được gặp anh chị em Phật tử đến từ mọi miền đất nước như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, … rồi miền Trung, Tây nguyên, miền Nam, miền Tây. Có những gương mặt thân quen, cũng có nhiều khuôn mặt mới. Thật thú vị.
Trong mỗi khóa tu, tôi rất thích thú khi được giao lưu với bạn bè từ muôn nơi đến tu học. Khóa tu nào cũng vậy, thời khóa của khóa tu đều có các bữa ăn theo miền. Các khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên, Nam bộ, TP HCM được ăn chung và sinh hoạt riêng. Mục đích là để làm quen, hiểu nhau và gắn kết với nhau hơn, để sau này, khi về nhà, cùng nhắc nhau thực tập, yểm trợ cho nhau. Việc thực tập không chỉ có 5 ngày hay một tuần mà là cả cuộc đời. Tôi thành tâm biết ơn những người bạn đến từ mọi miền đất nước. Họ quả thật rất muốn thay đổi cuộc đời, muốn thực tập sống trong chánh niệm và tỉnh thức nên mới dành những ngày Tết quý báu này để đến đây, bên nhau cùng tu học.
Tôi thật sự khâm phục và biết ơn các bạn đến từ Huế. Chiếc xe khách 45 chỗ chạy đến Lào thì hỏng. Lái xe phải bắt xe quay lại Việt Nam để mua phụ tùng thay thế. Mua được, quay lại đến biên giới thì cửa khẩu đã đóng cửa. Thế là phải đợi đến hôm sau. Trọn một ngày đêm chờ đợi, ăn mỳ gói, đến nơi đã rất muộn và mệt mỏi nhưng các thiền sinh đến từ Cố đô vẫn rất vui vẻ và tham gia ngay các sinh hoạt cộng đồng và thực tập rất hết lòng. Các thiền sinh đi bằng máy bay từ Hà Nội và Sài Gòn sang thật là may mắn. Thế mới biết tu không có dễ. Tôi thành tâm biết ơn các bạn đạo xứ Huế đã góp phần cho khóa tu được vẹn toàn và đầy đủ, để có gia đình khúc ruột miền trung thân thương với khóa tu. Huế là trung tâm đạo Phật lớn của cả nước. Không thể thiếu Huế mà.
Chúng tôi đi thiền hành trong núi rừng mênh mông, đầy nắng và gió. Những bước chân dưới những tán cây xanh, phía trên là bầu trời bao la và ánh mặt trời ấm áp làm ai cũng thích thú. Thích thú nhất có lẽ là nhóm thiền sinh đến từ Hà Nội và phía Bắc, vừa xa cái lạnh mùa đông hôm qua. Chúng tôi thầm biết ơn mảnh đất đẹp và mát, xanh và tràn đầy năng lượng PackChong này.
Trong khóa tu “Thắp sáng đèn tâm”, chúng tôi được gặp, được nghe nhiều quý thầy, quý sư cô nói pháp thoại. Khi thì ở thiền đường lớn, lúc thì ở gia đình pháp đàm nhỏ, có khi lại ở gia đình theo miền, rồi từng nhóm riêng theo yêu cầu. Mỗi bài pháp như những lời nhắc nhở, những luồng gió mát thấm sâu vào tâm can chúng tôi như những gáo nước được tưới cho cây giữa mùa hè, như những trận mưa thấm sâu vào đất. Nếu không tưới nước, không có mưa, sao hạt nẩy mầm được. Mà có nẩy lên mầm xanh cũng phải chết vì khô hạn.
Tôi rất thích cách phân tích của sư cô Hạnh Liên rằng hạnh phúc gồm hai từ là “hạnh” và “phúc”. Hạnh tức là hành. Muốn có hạnh phúc phải hành động, phải tự tạo ra hạnh phúc cho chính mình. Phước là phúc mà trong phúc có điền, tức là đất. Mình phải biết gieo trồng trên đất tâm của mình. Nếu mỗi chúng ta biết gieo trồng, tưới tẩm mảnh đất tâm của mình mỗi ngày thì hạnh phúc khắc tự đến.
Nhưng nghệ thuật để có hạnh phúc là gì? Bí quyết hạnh phúc đầu tiên là hơi thở. Chúng ta mải miết lao theo cuộc sống mà quên mất hơi thở. Hơi thở là bây giờ và ở đây. Chúng tôi bên nhau trong năm ngày để cùng nhắc nhau thở, để thở cùng nhau. Trừ những thiền sinh mới, tất cả đều biết thở là quan trọng. Biết là thế nhưng bao người vẫn thở như cái máy, thở vô thức, thở mà không biết mình thở. Về đây, trong môi trường thiền tập, mỗi khi nghe tiếng chuông, mọi hành động của tất cả mọi người đều được dừng lại. Tất cả cùng quay về với hơi thở. Thở nhẹ và êm.
Ban đầu chỉ có 70 người đăng ký khóa thiền mà con số cuối cùng là 250 thiền sinh. Vượt mọi tưởng tượng của ban tổ chức. 250 thiền sinh chúng tôi về đây và được 180 quý thầy và quý sư cô đón tiếp. Vậy là ngôi nhà chung của chúng tôi trong năm ngày Tết có đến 430 thành viên. Gia đình chúng tôi có đông không ạ? Đông vậy mới vui. Nhà của chúng tôi là thế mà. Năm nay chúng tôi cùng vui Tết với nhau, cùng đón xuân bên nhau.
Miệng mỉm cười thật tươi, tôi nhẩm trong đầu mình bài hát:
Pack Chong – Sài Gòn tháng giêng Ất Mùi 2015
(Chia sẻ của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà)
Mùng 4 tết Ất Mùi, tôi lủi thủi vác ba lô một mình sang đất Thái “lên núi học thở”. Hơi thở chánh niệm được Thiền sư Nhất Hạnh chọn làm phương pháp thực tập căn bản cho học trò. Tôi đã được đọc một vài trong số hàng chục tác phẩm do Thiền sư trước tác. Giờ đây, chưa đầy hai giờ bay và thêm bốn giờ đi xe bus từ Bangkok về trung tâm Làng Mai ở tỉnh Nakornratchasima, tôi sẽ được sống trong thở và cười.
Làng Mai Thái Lan tọa lạc trong khuôn viên 15ha, bao quanh là vùng núi đồi có khí hậu tương đối ôn hòa. Khóa thực tập này mang tên “Thắp sáng đèn tâm”, có gần 250 thiền sinh tham gia nên một dãy lều dã chiến được dựng lên làm chỗ ở. Tôi thuộc nhóm “trẻ trâu” nên được sắp xếp ở trong dãy lều. Vọng tưởng “bị hắt hủi” đã khởi lên trong đầu óc của kẻ phàm si như tôi, nhưng sự thực đây là may mắn lớn cho chúng tôi, bởi không đâu lý tưởng hơn để được ngắm trời mây cây lá giữa bạt ngàn thiên nhiên.
Thời khóa bắt đầu bằng buổi thiền tọa lúc 5h30 sáng. Không khí núi đồi lúc sáng sớm tinh khôi quyện trong hơi thở tỉnh thức, chắc hẳn không hành giả nào không được nếm trải “Tịnh độ là đây”. Có hôm, buổi thiền tọa sáng được thực tập ngoài trời nơi cốc Sư Ông. Khi ấy, trời đất và con người không còn ranh giới chia tách, vậy nên, tâm thức mỗi thiền sinh sơ cơ có điều kiện được theo hơi thở vào hơi thở ra thấm ướt những giọt đầu tiên của tính tương tức. Bằng trí năng có thể dễ dàng diễn giải về tương-tức-tương-tục, về vô-ngã-vô-thường, nhưng để thâm nhập vào tuệ giác này là cả con đường hành trì đầy chướng ngại, thử thách, và sự dõng mãnh tinh tấn là phẩm chất không thể thiếu cho những ai muốn lên đường. Ngày nay, sự ngộ nhận đã diễn ra không ít khi hiện tượng “khẩu đầu thiền” (thiền nơi cửa miệng) tràn ngập không gian Internet và trong những câu chuyện đời thường. Mới biết tâm người ưa làm học giả và ngại làm hành giả.
Ngoài thiền tọa được xem là thuận tiện nhất cho việc thực tập hơi thở chánh niệm, thì thiền hành (thiền đi), thiền buông thư (thiền nằm), thiền lạy, v.v. cũng là những phương thức rất quan trọng và hữu ích. Tại Làng Mai, buổi thiền hành diễn ra vào thời điểm mặt trời đang thong thả vươn lên sau dãy đồi. Từng bước chân chậm rãi thả trên con đường mòn vô cùng thảnh thơi. Tôi thấy một anh bạn để chân trần và bước từng bước thong dong nhưng đầy tỉnh giác trong buổi thiền hành. Ắt hẳn anh là người hạnh phúc nhất trong chúng tôi, bởi anh đang được tiếp xúc trọn vẹn và sâu sắc với mặt đất tươi mát cùng khí trời tinh nguyên buổi bình minh.
Tăng thân xuất sĩ Làng Mai phần nhiều là quý thầy, quý sư cô còn rất trẻ. Tại trung tâm Làng Mai Thái Lan, trên dưới 170 vị sinh hoạt, thực tập và chia sẻ năng lượng hiểu và thương cùng nhau. Có lẽ nhờ ở năng lượng này mà vị nào cũng đầy sức sống và lạc quan. Nhiều thiền sinh chúng tôi khi lần đầu đến đây đều ấn tượng bởi những nụ cười rất an vui trên những khuôn mặt trẻ trung, rạng rỡ và tràn đầy nhựa sống của các vị tu sĩ. Có thể gọi những nụ cười này là “đặc sản” của Làng Mai vậy. Ắt hẳn, “đặc sản” này phần lớn được vun trồng, chăm bón bởi chính sự thực tập an trú vào hơi thở, vào giây phút hiện tại mầu nhiệm. Và một phần có lẽ nhờ vào sự cởi mở trong nếp sinh hoạt của Làng Mai, với nhiều hoạt động hỗ trợ khác thích hợp với người trẻ như: hát thiền ca, chơi thể thao, làm thiện nguyện, v.v.. Tôi được nghe nhiều thiền sinh chia sẻ là họ đến đây để nạp thêm năng lượng cho chính mình, và cũng để tiếp nhận năng lượng của Tăng thân đem về sử dụng ở quê nhà, hầu giúp công việc được thực hiện thuận lợi, hanh thông.
Hơi thở chánh niệm được Thiền sư Nhất Hạnh không quản mệt mỏi xiển dương trong suốt cuộc đời hành trì của Ngài. Thật đơn giản để thực tập nhưng năng lực nuôi dưỡng và trị liệu của hơi thở chánh niệm thì vô cùng to lớn, đem lại tinh thần an tịnh và cơ thể khỏe mạnh cho người thực tập. Và để tiến xa hơn trên con đường hạnh phúc chân thật, sự kết hợp hơi thở chánh niệm với thực tập nhận diện đơn thuần sẽ giúp hành giả sống trọn vẹn và đích thực với cuộc sống này. Và bây giờ, ở đây, tôi an tịnh mỉm cười với câu hỏi mà vài người bạn vui tính đã “lì xì” cho tôi dịp năm mới: Có “khùng” không khi đầu năm đầu tháng lại tốn tiền chỉ để “lên núi học thở”?
Khóa tu tiếng Việt: Thắp Sáng Đèn Tâm
Lời đầu xuân, quý thầy quý sư cô kính chúc quý đạo hữu phật tử tại quê nhà có nhiều giây phút thật an lành và thảnh thơi.
Có lẽ trong chúng ta ai cũng nhớ câu chuyện ngày xưa lúc Bụt thành đạo. Hôm ấy, sao Mai vừa hiện ra lấp lánh như một hạt kim cương lớn đính trên nền trời xanh trong. Siddhatta đã nhìn sững ngôi sao Mai rồi buột miệng lên tiếng:“Lạ thay, tất cả mọi chúng sanh đều có sẵn hạt giống của trí tuệ giác ngộ trong lòng, vậy mà trong ngàn muôn ức kiếp cứ để tự mình lặn ngụp trong biển sinh tử khổ đau”.
Lời Bụt dạy sao từ bi và chân thật đến thế. Trong mỗi người chúng ta ai cũng có ngọn đèn tâm của hiểu biết và thương yêu. Nhưng chúng ta cũng nhận ra một sự thật rằng trong xã hội chúng ta đang sống hôm nay có quá nhiều khổ đau, căng thẳng, bất công, quá nhiều cô đơn và tuyệt vọng. Ta bỏ rơi chính mình, chạy trốn chính mình trong sự tiêu thụ, bỏ quên những người ta yêu thương, bỏ quên những mầu nhiệm sự sống đang có đó cho mình. Bây giờ đã đến lúc ta phải thực hiện cuộc quay về để thắp sáng lại ngọn đèn tâm, để nhìn lại tường tận chính mình, để nhận ra nét chân – thiện – mỹ giữa cuộc đời bao la đầy chông gai, thử thách này. Có ngọn đèn ấy trong tâm, ta sẽ không lầm lạc và không làm cho người ta thương khổ đau. Trái lại, ta biết cách để nuôi lớn lòng bao dung, tha thứ để chấp nhận nhau, thương yêu nhau và nâng đỡ nhau đi về hướng thánh thiện, để xây dựng một cộng đồng lành mạnh, làm nơi an bình cho mọi người có cơ hội để quay về nương tựa.
Khóa tu là cơ hội cho chúng ta có mặt bên nhau, cùng nhau ngồi yên và thở những hơi thở trong lành, cùng đi những bước chân thiền hành trên đất Mẹ nhiệm mầu, cùng hát những bài thiền ca lành mạnh, cùng dùng bữa cơm gia đình ấm cúng, cùng Bói Kiều và gói những đòn bánh tét của quê hương, cùng thăm nhau trong Hội Chợ Xuân tươi vui với những trò chơi dân gian, cùng sẻ chia và lắng nghe niềm vui nỗi buồn của nhau, cùng hòa giải, hàn gắn lại những đỗ vỡ, những thương tích trong ta và trong người ta thương. Mỗi bàn tay sẽ thắp lại ngọn đèn tâm để hiến tặng cho nhau những gì thiêng liêng nhất, khơi ấm lại bếp lửa hồng của tổ tiên trong chúng ta.
Khóa tu sẽ bắt đầu vào ngày 23 đến ngày 27 tháng 2 năm 2015 (nhằm ngày mùng 5-9 tết Ất Mùi). Hãy thở thật sâu! Đất trời, hoa lá đang thức giấc giữa ý thức tròn đầy nơi mỗi tế bào, nơi mỗi bước chân và tâm niệm an lành của bạn.
Quý Thầy, quý Sư Cô rất hạnh phúc để đón chào các bạn, cùng chung tay với các bạn thắp sáng lại ngọn đèn tâm của hiểu và thương trong khóa tu này.
Chi tiết khóa tu:
Khóa tu này dành cho cộng đồng người Việt khắp nơi, được tổ chức trong không khí gia đình nhân dịp Tết Ất Mùi 2015.
Khóa tu sẽ có chương trình cho thiếu nhi (Children Program, 6-12 tuổi) và thanh thiếu niên (Teens Program, 13-17 tuổi)
- Nên tham dự trọn 5 ngày của khóa tu: bắt đầu ghi danh lúc 13g ngày 23/2/2015, và kết thúc lúc 13g ngày 27/2/2015
Vui lòng ghi danh qua trang web : www.thaiplumvillage.org , trễ nhất ngày 15 tháng 2 năm 2015
Chi phí cho trọn khóa tu:
2,500 THB (1,700,000 VND/ 75 USD cho người lớn)
1,500 THB (1,000,000 VND/ 45 USD cho thiếu nhi)
Tu viện sẽ mướn xe van công cộng để đưa và đón bạn tại phi trường theo những giờ đăng ký cố định, vào các giờ 12:00, 13:00, 16:00, 20:00, và tiền xe sẽ đóng trực tiếp cho tài xế từ
300 THB-500 THB tùy theo số lượng khách trong một chuyến.
Những thắc mắc xin liên lạc ban ghi danh qua email: visitus@thaiplumvillage.org
Trân kính,
Ban Tổ Chức khóa tu – Tu viện Làng Mai Thailand