Hạnh phúc có thật rồi!

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Chúng tôi rời Việt Nam bay tới Băng Cốc Thái Lan và phải đi tiếp 300 km nữa mới về đến địa điểm nơi diễn ra khóa tu “Con đường hạnh phúc”. Đây là khóa tu dành riêng cho người Việt. Rời khỏi nhà buổi sáng, đến 7 giờ tối mới đến nơi. Xong thủ tục nhận phòng thì đã 22h đêm. Ai cũng mệt nhưng hạnh phúc bởi con đường hạnh phúc có thật đây rồi.

Hạnh phúc chính là con đường

Theo dự kiến, khóa tu bằng tiếng Việt, dành cho người Việt và ban tổ chức khóa tu chỉ nhận 350 thiền sinh. Ấy vậy mà lượng đăng ký trực tuyến (online) quá nhanh. Đến khi khóa sổ, số lượng thiền sinh đăng ký đã lên đến 650. Đây là con số quá mức của ban tổ chức bởi cơ sở vật chất của tu viện Làng Mai Thái Lan không thể phục vụ được con số gấp đôi này.

Ban tổ chức đã họp và có ý kiến chỉ nhận 350 thiền sinh như kế hoạch ban đầu, nhằm đảm bảo cho chất lượng của khóa tu. Tuy nhiên, sư cô Chân Không quyết định nhận hết. Sư cô nói rằng người dân Việt đã muốn tu, mong ước được tu, cớ nào ta không tìm cách khắc phục? Vậy là ban tổ chức thuê nguyên một trại hè chuyên dành cho thiếu nhi Thái Lan để tất cả mọi thiền sinh ngủ đêm ở đây. Hàng ngày, lúc 04h sáng, hơn chục chiếc xe sẽ đón các thiền sinh vào tu viện; và buổi tối, khoảng 21h thì thiền sinh sẽ được đưa về trại hè. Mọi chuyện coi như ổn.

Trên thực tế, số lượng thiền sinh có mặt gần 800. Nếu tính cả 180 quý thầy, quý sư cô đang tu học ở đây thì con số là gần một ngàn người. Nhiều thiền sinh không đăng ký nhưng vẫn bay sang. Tôi thấy một nhóm thiền sinh đến từ Australia, rồi từ Mỹ nữa. Cũng có một số thiền sinh người  tây phương. Tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Thật là vui.

Tên của khóa tu không phải là con đường đi đến hạnh phúc mà là con đường hạnh phúc. Điều này được mỗi thiền sinh hiểu rằng hạnh phúc chính là con đường; rằng mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi suy nghĩ, mỗi hành động đều được chúng ta chế tác để có hạnh phúc. Hạnh phúc ngay tức thì. Ngay bây giờ và ở đây. Hạnh phúc đã thực sự hiện diện trong mỗi thiền sinh trong cả 5 ngày của khóa tu Con đường hạnh phúc.

Trẻ em cùng tu tập

Có lẽ đây cũng là khóa tu có nhiều trẻ em nhất. Các em đến từ khắp 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Tổng số có khoảng ba, bốn chục em. Quý thầy, quý sư cô chia các em ra thành hai nhóm là teen (tuổi mới lớn, từ 13 – 17) và children (trẻ em, tuổi từ 5 – 12), để các em tu học với nhau dễ dàng hơn. Em bé nhất là Khánh Hà, mới 4 tuổi, đến từ công ty sách Thái Hà

Các bé được học kinh, được thiền trà, thiền nước lọc, được leo núi, được chơi thể thao, được học và hát các bài thiền ca. Các bé được ăn cơm riêng và tập tự lập cuộc sống không cần cha mẹ.

Tôi ấn tượng nhất với chương trình viết thư cho cha mẹ vào tối cuối cùng trước khi khóa tu kết thúc. Có bé viết, nhiều bé vẽ. Tôi quan sát thấy nhiều bức tranh khá đẹp. Các thông điệp gửi đến cha mẹ rất rõ ràng. Đó là tình thương yêu và lòng biết ơn.

Doanh nhân tu tập

Đến với khóa tu lần này có hơn chục doanh nhân mà tôi đã quen biết. Có chị vừa từ Nepal, giúp đỡ và cứu trợ nạn nhân động đất bay về. Có doanh nhân người Việt từ Mỹ bay sang. Phần lớn là anh chị em doanh nhân đến từ Việt Nam.

Phải thú nhận rằng doanh nhân thường có xe hơi riêng, có nhà cao, cửa rộng, máy lạnh. Nhiều anh chị có villa, biệt thự. Nay “được” sống chung 3 – 4 người một phòng bé xíu. Một tấm đệm trong một phòng nhỏ dành cho trẻ em. Nhà vệ sinh cũng nhỏ và không được sạch sẽ cho lắm. Nước cũng thiếu. Đêm đầu tiên thật khó ngủ. Nhất là còn có cả côn trùng, chuột, muỗi v.v.. Mỗi đêm được ngủ có vài tiếng đồng hồ. 3giờ sáng phải dậy rồi. Có người thấy khó chịu. Khó chịu mà không biết làm sao đây.

Thế nhưng các anh chị quen rất nhanh, chấp nhận điều kiện thực tế. Anh Bảo nói với tôi rằng đây là cơ hội rất tốt để nhận diện chính mình. Anh Phát thì tâm sự rằng cái tôi của mỗi doanh nhân đã bé lại đáng kể sau khóa tu. Quan trọng nhất là thời khóa cho 5 ngày tu khá ổn và các anh chị thấy rất có ích cho chính mình.

Các doanh nhân hòa đồng với các thiền sinh khác, không phân biệt ai là công nhân, nông dân, giáo viên, giáo sư hay tiến sỹ. Tất cả cùng ăn như nhau, ngủ giống nhau, thời khóa là một. Cảm nhận của mỗi anh chị là khác nhau nhưng quy chung lại là hiệu quả.

Tôi nhớ nhất bữa ăn trưa quá đường (theo nghi lễ). Theo quy định, quý thầy, quý sư cô khất thực trước và đi trước, sau đó là thiền sinh. Ở đây, các vị xuất sĩ đã là 180. Thêm nữa, gần 20 vị đến từ Việt Nam và các trung tâm khác. Chúng tôi cùng kiên trì xếp hàng khất thực, rồi xếp hàng chờ đợi.

Tôi quyết định làm phép thử kiên nhẫn: chờ đến cuối cùng. Tự nhiên anh Phát phát hiện ra tôi đứng đợi nên anh cũng đứng lại cùng tôi. Hai chúng tôi là hai người cuối cùng vào trai đường thọ trai bữa đó. Một trải nghiệm thú vị khi đứng trong nắng Thái Lan ngắm nhìn gần một ngàn người bước chậm, rồi quan sát tâm mình.

Chuyện của Vi Xiền

Vi Xiền là một thiền sinh người Thái Lan. Khóa tu tết âm lịch vừa rồi, tôi gặp anh. Tưởng là người Việt vì thấy anh gọt trái cây chiêu đãi. Hóa ra tiếng Anh của anh còn hạn chế mà tiếng Việt cũng biết chưa nhiều. Tuy nhiên, Vi Xiền rất nhiệt tình và tốt bụng. Tôi đặc biệt ấn tượng với nụ cười của anh. Anh cười rất tươi, nhẹ nhàng, phúc hậu.

Như vậy Vi Xiền đã tập sự ở Làng Mai Thái Lan được 10 tháng. Anh lại sinh hoạt trong  gia đình pháp đàm mang tên hoa Huệ của chúng tôi. Trong giờ pháp đàm anh chia sẻ về mình. Rằng anh sống ở quê, nhà gần một con sông nhỏ. Ngày xưa anh bị đói ăn. Anh còn kể rằng, khi còn bé anh theo các bậc cầu bước xuống sông. Thế rồi anh ngập đầu và xuýt chết đuối. May thay anh nhớ đến Phật và liên tục niệm Phật. Không hiểu sao anh nhoài người lên được và thoát chết.

Từ đó Vi Xiền rất tin Phật. Anh có nguyện vọng xuất gia. Nay anh đang thực hiện ý nguyện này. Anh rất chăm đọc sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Rảnh lúc nào anh đọc lúc đó. Thật là tuyệt vời.

Thiền nhặt xoài

Như bất cứ khóa tu nào, chúng tôi cùng nhau hành thiền cả ngày. Thiền tọa khi mặt trời chưa mọc, thiền hành khi mặt trời chuẩn bị lên, thiền làm việc sau giờ ăn sáng. Ba bữa ăn mỗi ngày là thiền ăn. Đây là cơ hội vàng để chúng tôi thực hành chánh niệm.

Có một điều thú vị là lần này hàng trăm cây xoài của tu viện Làng Mai Thái Lan chín vàng trên cây. Cây xoài tuy thấp nhưng trái chín rụng khắp vườn. Vậy là thiền sinh có cơ hội thực tập thiền nhặt xoài.

Chúng tôi mang theo những túi, rổ. Mỗi người bước nhẹ nhàng trong chánh niệm. Thấy trái xoài chín, mới rụng, chúng tôi nhẹ nhàng cám ơn cây xoài và nhặt. Nhặt trong chánh niệm và bình an. Xoài được mang về khu vực bàn trà, ai có nhu cầu thì lấy ăn. Xoài chín cây, không có thuốc trừ sâu, ăn rất ngọt và thơm.

Bạn có cảm nhận được sự thú vị khi ngồi dưới gốc xoài mát, nhẹ nhàng bóc vỏ trái xoài, ăn xoài trong chánh niệm, cảm nhận vị thơm, ngọt của xoài không. Bạn như trở về tuổi thơ của mình. Tuyệt vời lắm. Có những thiền sinh đã là ông, là bà, đã tận hưởng cảm giác thú vị và xúc động này. Bạn hãy thử một lần đi nhé.

Mang gì về nhà?

Khóa tu kéo dài 5 ngày. Nếu tính cả ngày đi và về thì chuyến đi đúng một tuần. Các bài giảng về thiền và chánh niệm, về 4 loại thức ăn, tứ vô lượng tâm, làm mới, thiền lạy, về sống và chết (làm gì khi có người thân qua đời) và chương trình vấn đáp rất hay, ý nghĩa, mang tính ứng dụng cao. Mỗi người đều lắng nghe và thu nạp vào tàng thức.

Mỗi ngày, gần một ngàn thiền sinh chúng tôi cùng thực tập. Biết là một chuyện còn thực hành lại là chuyện khác. Chúng ta chỉ có thể chuyển hóa thân tâm qua việc thực hành. Năm ngày thực hành vô cùng quý giá và ấn tượng khó quên. Chúng tôi đến đây không phải đi tu mà là SỐNG TU. Tôi thì gọi là SỐNG PHẬT.

Đoàn chúng tôi có 15 thành viên. Về đến Việt Nam, tôi đã hỏi thăm kết quả nhiều bạn, đã nói chuyện với một số phụ huynh. Ai cũng thấy chuyển biến tốt đẹp. Bình an hiện trên từng khuôn mặt. Hạnh phúc thấy rõ trong mỗi bước chân. Quý hóa làm sao. Một sự đầu tư lãi lớn vô cùng!

Khi về đến Việt Nam rồi, tôi rất muốn quy tụ các anh chị em doanh nhân Phật tử lại để cùng sinh hoạt và trao đổi kinh nghiệm tu tập và hành thiền. Điều này chắc sẽ rất bổ ích cho mỗi chúng ta.

Bạn hỏi tôi mang gì về nhà từ khóa tu. Tôi xin trả lời rằng tôi mang pháp về nhà. Pháp của Phật quý lắm. Và bây giờ, tôi thật sự mong muốn bạn cùng tôi thực hành Pháp của Phật mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút giây nhé. Bạn có nhất trí không nào?

Một số hình ảnh của khóa tu:

Thiền hành

Tụng kinh trước pháp thoại


Vấn đáp

Pháp thoại

Sư cô Chân Không chụp hình chung với thiền sinh