Tìm về gốc rễ – Thực tập giới thứ năm
Nguyễn Khoa Đức
Những lời nói của cô cơ hồ phá tan không khí bình an của buổi pháp đàm trong một ngày tháng Mười tĩnh lặng và lạnh giá. Cô ấy cứ lập đi lập lại: “Tôi không làm được đâu, vô phương. Tôi chưa sẵn sàng đâu … chưa đâu.” Tôi quay lại nhìn cô, hơi ngỡ ngàng một chút vì giọng nói đầy cảm xúc của cô. Đó là một phụ nữ trung niên, đến từ Brooklyn, như cô đã tự giới thiệu. Cô không hề thốt lên tiếng nào trong những buổi pháp đàm trước, thế mà giờ đây cô thật sôi nổi, bày tỏ ý kiến của mình bằng một cách mà chỉ người New York mới có. Đề tài tập trung pháp đàm là Năm giới vì có nhiều người trong nhóm đang chuẩn bị thọ giới với Sư Ông vào sáng sớm ngày mai. Mới đầu buổi pháp đàm có vẻ hơi trầm, không có gì đặc biệt cho đến khi giới thứ năm trở thành trọng tâm của sự chia sẻ. Người thiếu phụ ấy tiết lộ với nhóm pháp đàm rằng cô thích uống rượu vang đỏ, đôi khi uống khá nhiều. Rượu đã một phần nào trở thành thức ăn của cô. Cô nghĩ rằng nếu nhận giới thứ năm cô sẽ bị mâu thuẫn vì phải đối diện với thói quen mà cô không muốn thay đổi này.
Chú Nguyễn Khoa Đức và gia đình
Tôi đến viếng tu viện Bích Nham lần đầu tiên vào năm 2009. Lúc ấy gia đình tôi háo hức chờ đợi cơ hội được tham gia khóa tu do Thầy hướng dẫn. Rất đông người từ khắp mọi nơi đổ về cái phố nhỏ bao bọc bởi các dãy đồi đẹp như tranh vẽ này. Tôi vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian mà chúng tôi cùng nhau trải qua ở đây trong sự tĩnh lặng, thật thân thương và gần gũi. Tuy nhiên điều tôi đặc biệt mong đợi là lễ truyền Năm giới. Bây giờ đây, những gì mà người phụ nữ đó chia sẻ đã làm cho tôi chững lại và soi rọi một lần nữa hoàn cảnh của chính mình. Tôi tự hỏi lòng mình là giới thứ năm thực sự có ý nghĩa gì đối với tôi. Tôi thấy mình như không còn có mặt ở đó, trong vòng tròn của bạn bè, anh chị em thân hữu nữa, tâm tôi đưa tôi về một thời gian và một không gian khác…rất xa xôi.
Những người đã lớn lên trong thời gian chiến tranh Việt Nam và trong thời hậu chiến như tôi chắc hẳn vẫn còn nhớ những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần của hàng triệu gia đình. Họ phải chật vật đối phó với những hậu quả mà chiến tranh để lại. Biết bao nhiêu gia đình tan nát. Biết bao người chồng, người cha, người anh đã bị chia cắt với người thương của họ. Những người ở lại đã phải làm tất cả mọi thứ để tiếp tục duy trì cuộc sống trong một tình trạng thật đen tối, đầy hoang mang, nghi kỵ và sợ hãi. Gia đình của chúng tôi không ngoại lệ.
Cha tôi, cùng chung số phận với hàng trăm ngàn người khác, cả nam lẫn nữ, những người đã từng làm việc cho miền Nam Việt Nam, đã bị đưa đi các trại cải tạo. Khi ấy tôi lên chín tuổi và không hề có một khái niệm nào về việc tự nhiên tôi trở nên không có cha. Mẹ tôi bỗng nhiên phải nhận lãnh một vai trò rất xa lạ đối với bà, đó là trở thành người chủ gia đình, chăm lo nuôi dạy 4 đứa con, đồng thời phải tìm cách theo dõi tin tức về tình trạng của ba tôi đang ở xa. Tôi rất nhớ cha. Tôi chỉ được gặp cha một lần, một năm sau khi cha bị bắt, và mãi 15 năm sau, khi gia đình tôi được đoàn tụ ở Virginia vào đầu thập niên 1990 tôi mới được gặp cha trở lại. Tôi hồi tưởng lại rất nhiều lần tôi khóc vì nhớ cha khi chỉ có một mình. Tôi không hiểu sao chúng tôi lại bị chia cắt như vậy. Điều tồi tệ nhất là tôi không biết là tôi có bao giờ được gặp lại cha không.
Thời gian trôi qua, cha của những người bạn chung cảnh ngộ bắt đầu lác đác trở về nhà. Gia đình tôi hy vọng, nhưng rồi lại liên tiếp bị thất vọng bởi vì tin tức về cha tôi cho thấy là ông càng ngày càng bị đổi đi đến một nơi xa xôi hơn. Mẹ tôi đã cố gắng hết sức để vừa làm mẹ vừa làm cha của bốn đứa con. Mẹ khuyến khích chúng tôi tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp để không cảm thấy mình là “người ngoài”. Từng chút từng chút một mẹ áp dụng đạo Bụt dưới tất cả các hình thức nào thực tế nhất để đương đầu với các thử thách mà mẹ phải đi qua. Tôi cảm được trách nhiệm trên vai của mẹ là quá sức chịu đựng. Sức khỏe của mẹ kém đi vì gánh nặng đó.
Cuối thập niên 1970, mẹ tính chuyện vượt biên để tôi có một tương lai khá hơn. Tôi đang vào độ tuổi thiếu niên và rất yểm trợ ý định của mẹ. Tuy nhiên tôi không thể không buồn bởi vì tôi lại sẽ bị chia cắt với đấng sinh thành còn lại. Tôi hay mong cho những lần vượt biên của tôi thất bại để tôi được gặp lại mẹ tôi, điều tôi ân hận là sau đó phải chứng kiến sự đau lòng và thất vọng của mẹ mỗi khi chuyện không thành. Cuối cùng tôi đã thoát khỏi Việt Nam vào năm 1980.
Những trải nghiệm này đã trở thành nền tảng của con người tôi khi tôi đi qua tuổi mới lớn và tuổi thành niên. Những thương tích và nỗi đau trong thời niên thiếu đã làm tôi trở nên cứng cỏi. Và như một bản năng tự vệ, tôi không thể gần gũi và tin cậy bất cứ ai, bởi vì những cái ấy rất mong manh, dễ đem lại những thất vọng và nỗi đau không tránh khỏi. Dần dần tôi không muốn quan hệ với ai. Tôi cũng có nhu yếu thương yêu, tiêu chuẩn về hạnh phúc của tôi có dính líu tới một người bạn đồng hành. Thế nhưng khi mối quan hệ của tôi với người đó trở nên nghiêm túc thì tôi lại sợ là nếu tôi đầu tư tình cảm thật sự của mình vào, tôi sẽ thất vọng, sẽ bị tổn thương, như kinh nghiệm mà tôi đã đi qua khi không có gia đình bên cạnh vào những năm về trước. Tôi vất vả duy trì các mối quan hệ bởi vì sự bất an và những hành vi bất ổn của tôi làm rạn nứt tình cảm và cuối cùng làm những người gần gũi với tôi bị đẩy ra xa.
Tôi đi tìm sự cô đơn vì tôi cho đó là thiên đường an toàn không có khổ đau. Để cảm thấy đời sống có ý nghĩa và có nội dung, tôi ngốn tin tức qua internet, sách báo và các nguồn thông tin khác. Tôi trở thành người cuồng nhiệt hâm mộ thể thao, và đắm mình vào thế giới của người khác, thật hay không thật. Tất cả những cái đó đem lại cho tôi một sự an ủi vỗ về. Sự tự trọng của tôi không còn dựa trên những giá trị nội tại nữa mà lại phụ thuộc vào những quan niệm giả tạo bắt nguồn từ thế giới ngoại tại.
Không có nền tảng vững chắc, tôi cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa và khi tôi càng lớn tuổi thì tập khí càng dễ phát sinh. Tôi uống cà phê nhiều lần trong ngày để giữ sự tỉnh táo, tôi uống nhiều soda sau khi tập thể dục, và nó tạm thời giúp tôi bớt căng thẳng. Tôi trở thành một người ghiền làm việc, tập khí mà đến hôm nay tôi vẫn còn đang phải thực tập để chuyển hóa. Tôi tìm hạnh phúc ở tất cả mọi nơi, trừ ở chính tự thân. Tôi nhớ lại ngay sau khi chúng tôi có đứa con đầu lòng, tôi đã bị công việc cuốn đi cho đến nỗi một hôm tôi nhận được một thư mời trong cuốn lịch điện tử. Thư mời này của vợ tôi. Cô ấy đã phải yêu cầu tôi cho cô ấy một cái hẹn để chúng tôi có thể gặp nhau. Đó là một tiếng chuông mà bất hạnh thay, mãi sau này tôi mới nhận ra đó chính là cái mà tôi cần. Những thức mà tôi tiêu thụ đó đã trở thành thực phẩm để tôi sống còn về mặt tinh thần, và tôi cần chúng để tiếp tục sống còn. Đơn giản là vì tôi không hề nhận ra rằng mình đã sinh tồn bằng những thực phẩm độc hại.
Khoảng chừng 5 năm về trước, khi tôi làm quen với pháp môn thực tập chánh niệm, bắt đầu bằng những ngày quán niệm với tăng thân Thuyền Từ, tôi mới học cách chậm lại. Tôi nhận ra tầm quan trọng của sự trị liệu và bắt đầu ý thức rằng đối diện và chăm sóc niềm đau nỗi khổ là phương thức duy nhất để có sự chuyển hóa. Trong quá trình học hỏi và thực tập chánh niệm, mới đầu tôi cảm thấy hơi lúng túng và phải sử dụng trực giác khi thực tập các pháp môn thiền ăn, thiền hành và thiền buông thư.
Điếm then chốt trong khi thực tập là sự yểm trợ của tăng thân. Nó tiếp thêm cho tôi sức mạnh và là nguồn năng lượng giúp tôi nhận diện, ôm ấp và chăm sóc các năng lượng tiêu cực của chính mình. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn khó khăn trong việc mời các cảm xúc buồn phiền, tuyệt vọng và ân hận của em bé trong mình lên để tiếp xúc với chúng, và tôi vẫn chưa cảm thấy tuyệt đối an toàn khi thân cận với ai. Tuy nhiên tôi đã bắt đầu nhận diện được những hạt giống khổ đau của mình. Tôi biết rằng cuộc hành trình trị liệu của tôi vẫn còn đang tiếp diễn. Trên thực tế, tôi thấy như mình chỉ mới bắt đầu thôi. Tôi cũng nhận ra rằng cuộc hành trình này có thể dài hơn một kiếp. Thế nhưng tôi không lo lắng về tương lai hay mong đợi điều gì cả, bởi vì tôi rất thoải mái trong hiện tại, và với sự có mặt và nâng đỡ của tăng thân, tôi vẫn đang tiếp tục đi tới.
Tăng thân Thuyền Từ
Gần đây, tôi đã giảm cà phê xuống chỉ còn một cốc mỗi ngày. Thế nhưng sự tỉnh táo và sức làm việc của tôi ở nhà và ở sở không vì thế mà bị ảnh hưởng. Tôi không còn phụ thuộc vào thuốc giảm đau để có thể đi qua một ngày nữa. Tôi khám phá ra việc phụ thuộc vào thuốc giảm đau chỉ là một vấn đề về tâm lý. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp mình trong bữa ăn trưa, một tay đưa thức ăn vào miệng, còn một tay thì nhấp chuột, và hai mắt thì dán vào cái iPhone. Thói quen này dần dần đang giảm bớt bởi tôi có ý thức hơn về tập khí không hay của mình. Điều quan trọng nhất là sự thực tập đem tâm và hơi thở về với giây phút hiện tại đã giúp tôi lấy lại ý thức sáng tỏ trong cái nhìn của mình về cuộc sống. Sự chuyển hóa diễn ra còn chậm, có khi tôi có cảm tưởng như mình dẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên tôi đã bắt đầu cảm thấy có niềm vui và sự bình an, nảy mầm từ các hạt giống đã gieo dù là không kéo dài.
Tiếng chuông do quý thầy thỉnh đem tôi trở về phút giây hiện tại, về lại với vòng tròn của những đạo hữu khi cái lạnh của tháng 10 đang nhanh chóng bao trùm lấy chúng tôi. Buổi pháp đàm đã gần kết thúc, mọi người đang dần tản mát – tôi đến bên người phụ nữ Brooklyn, cười: “Chị à, tôi cũng có những trăn trở giống như chị, tuy là tôi có những lý do khác với chị. Tôi cũng không chắc lắm, nhưng tôi nghĩ miễn là chị ý thức về lượng rượu mà chị uống và tiếp tục thực tập với tăng thân, chị sẽ không sao đâu. Thọ năm giới không có nghĩa là chị phải làm đủ hết 100%. Có ý thức về chúng đã là một sự bắt đầu rồi. Hy vọng sẽ gặp chị sáng ngày mai nhé.” Cô ấy cười với tôi, tỏ vẻ cảm ơn về những lời tôi chia sẻ. Cô có biết đâu những lời trấn an tôi vừa nói ra thật sự là cho bản thân mình hơn là cho cô ấy.
Chú Nguyễn Khoa Đức là một thành viên của Tăng thân Thuyền Từ tại Washington DC. Chú viết bài này để trình bày về giới thứ 5 trong một khóa tu cuối tuần với tăng đoàn Bích Nham ở chùa Hoa Nghiêm vùng Virginia hồi cuối tháng Ba 2013. BBT chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh.