Thiên thần của mẹ

 

Quý sư cô kính thương!

Con viết thư này để chia sẻ một chút về sự thực tập giữa con với con gái ba tuổi rưỡi tên là Mathilde.Con gái của con thật sự là tiếng chuông chánh niệm cho con. Làm một người mẹ có chánh niệm cũng đủ là sự thực tập mỗi ngày của con rồi. Gia đình của con có cuộc sống giản dị ở một vùng quê vắng vẻ, nằm giữa những cánh rừng tuyệt đẹp ở Pháp. Mathilde và con dường như lúc nào cũng ở cạnh nhau vì bố cháu thì đi làm xa còn con thì ở nhà trông cháu. Bố cháu cũng thường hay có mặt cho cháu những lúc anh ấy rãnh .

Mathilde là một cô bé rất có óc sáng tạo, biết quan sát luôn muốn tham gia vào bất cứ việc gì mà con làm. Vì vậy, khi cháu thấy mẹ thiền tọa hay thiền hành cháu cũng muốn làm theo, những lúc ấy cháu thường hay giành thỉnh chuông khi hai mẹ con ngồi thiền, rồi cháu tiếp tục việc thỉnh chuông trong thời gian ngắn ngủi đó.

Trong khi con viết lá thư này thì Mathilde đang chăm chỉ lau dọn khu nhà Anh Đào (Cherry House) ở Xóm Hạ. Công việc chấp tác đã hoàn thành nhưng cháu lại muốn tiếp tục dọn dẹp. Cháu chăm chú vào việc quét nhà, lau chùi bàn ghế bằng một miếng xốp. Con thấy mình thật may mắn có một đứa con gái như vậy.

Mathilde là một đứa trẻ hiếu động, lúc nào cũng thích làm một việc gì đó. Ngoài những công việc cháu thích ra, cháu còn muốn làm những gì mà con đang làm. Có khi cháu dễ dàng nổi bực và không vừa ý với chính mình vì không thể hoàn tất công việc tốt như cháu muốn. Một hôm, cháu đang làm việc gì đó thì cháu trở nên rất giận dữ nên con đã khuyên: “Được rồi Mathilde, bây giờ con đừng làm nữa, bỏ cái con đang cầm trong tay xuống và thở hai hơi – vào, ra, vào ra, xong rồi con có thể tiếp tục làm.” Khi ấy, con không chắc là cháu có nghe lời con hay không. Con đã nói với cháu bằng một giọng điềm tĩnh. Theo con hiểu  mỗi khi cháu đang giận mà có ai nói điều gì, có khi lại làm cháu càng giận dữ hơn. Nhưng mới đây thôi,  khi cháu đang chơi trò ráp hình trên sàn nhà thì con nghe cháu phát ra những âm thanh mà khi nghe con biết là cháu đang gặp khó khăn (âm thanh của sự bực bội, không vừa ý). Con rất xúc động khi thấy cháu cố gắng ráp hai miếng hình vào nhau cho khớp nhưng không được. Rồi cháu bình tĩnh để hai miếng hình xuống, thở ra thở vào hai lần thật sâu, xong rồi nhặt hai miếng hình lên và ráp chúng lại với nhau một cách thật hoàn hảo! Vậy là cháu có nghe lời con trong những lần trước đó. Vậy là, phải trải qua một thời gian sau đó cháu mới đem ra thực tập. Con rất mừng khi thấy cháu tự giải quyết vấn đề bằng chánh niệm mà không cần con nhắc nhở.

Quý sư cô kính thương! Như con đã nói ở đầu thư, cháu chính là tiếng chuông chánh niệm của con, nhắc nhở con trở về với sự thực tập. Nếu con quên chắp tay trước khi ăn là được nhắc nhở ngay, cả bố cháu, người chưa từng đến Làng cũng được nhắc luôn. Cháu nhất định là tất cả mọi người phải làm việc đó trước khi bắt đầu ăn.

Khi nào hai mẹ con đi dạo trong vườn, cháu lúc nào cũng nắm tay mẹ và nói: “Mình đi thiền hành đi mẹ.” Con nhớ, có một lần con giận Mathilde quá và mất hết cả kiên nhẫn, con nói với hai cha con: “Em đi ra ngoài một chút.” Con đi thiền hành ngoài vườn để lấy lại sự bình an. Khoảng chừng 10 phút sau con trở vào nhà. Mathilde nói: “Mẹ đi thiền hành có khỏe không?” Con không hề nói với cháu là con ra ngoài đi thiền hành nhưng cháu cảm được là con đang bực dọc và cần đi ra ngoài một chút. Đó là một điển hình trong việc cháu biết ứng dụng sự thực tập.

Còn rất nhiều chuyện về cháu, cháu rất ý thức về việc thực tập chánh niệm nhưng con không thể nào kể hết và con cũng không thể nhớ hết được.

 

Mathilde và mẹ tại nhà ăn xóm Hạ

Quý sư cô ơi! còn một chuyện nữa mà con không thể nào quên có liên quan đến việc cháu là chuông chánh niệm của con. Và cũng liên quan đến việc con nổi giận!!! Lần đó con cảm thấy quá mệt mỏi về việc lúc nào cũng phải kiên nhẫn với Mathilde và sự đòi hỏi của cháu. Con đã giải thích với Mathilde là con đang có khó khăn. Con xin lỗi cháu về việc đó. Có những khi con trở nên mất kiên nhẫn và xin cháu giúp đỡ. Con nói mỗi lần thấy mẹ thiếu kiên nhẫn thì cháu có thể nói: “Mẹ, con muốn mẹ ôm con.” Và cháu đã thực tập rất tốt việc con nhờ. Lần đó con đang chuẩn bị cơm trưa cho hai mẹ con thì cơn bực bội trong con lại đi lên. Con bực với chính mình chứ không phải bực với cháu. Mathilde đến bên con và nói: “Mẹ, con muốn mẹ ôm con.” Phản ứng tức thời bên trong của con là không được vì con đang “bận” làm thức ăn. Nhưng khi con quay lại nhìn cháu, con nhận ra là cháu chỉ đang thực tập giúp đỡ mẹ thôi. Đó là cách cháu làm tiếng chuông chánh niệm cho mẹ. Bằng một cách nào đó, cháu đã cảm được sự bất an trong mẹ và đến giúp mẹ quay trở lại với giờ phút hiện tại. Cháu rất có ý thức về cảm thọ của mẹ. Con thấy không có sự ngăn cách nào giữa mẹ và con. Sự tương tức giữa các đấng sinh thành và con cái thật toàn hảo. Nhất là khi chúng còn nhỏ, như trong trường hợp giữa Mathilde và con. Con luôn tự dặn lòng luôn thắp sáng ý thức trong con về sự tương tức này.

Quý sư cô kính thương! Con nhìn  thấy  xung quanh có rất nhiều gia đình đổ vỡ giữa cha mẹ và con cái. Điều này, đã đem lại rất nhiều đau khổ cho tự thân cho gia đình và xã hội. Con nguyện thực tập thật tinh chuyên, gieo trồng chánh niệm để ngăn ngừa không cho sự đau khổ đó đến với con và Mathilde. Cháu là niềm vui, là hạnh phúc và là thiên thần chiếu sáng của con. Con biết làm một người mẹ chánh niệm rất khó, nhưng đồng thời con cũng ý thức là mình đã chọn con đường này rồi thì đây chính là cái mà con cần thực tập.

Lần này, đến Làng Mai cùng với Mathilde là một việc rất ý nghĩa cho con và cho cả Mathilde. Cháu quan sát tất cả những thực tập của tăng thân. Con biết, qua những gì cháu yêu cầu hay qua những gì cháu hỏi, hạt giống thực tập trong cháu đã được tưới tẩm, dù là cháu vẫn còn rất nhỏ. Trong thời gian hai mẹ con ở đây, Mathilde  đã hỏi tại sao con lại thích tới đây? Cháu đã lắng nghe rất hết lòng khi con giải thích tại sao.

Con xin cảm ơn quý sư cô và thân tăng thân đã gìn giữ môi trường nơi đây để chúng con có nơi trở về nương tựa. Cảm ơn mọi người đã chào đón Mathilde bằng tình thương yêu và lòng từ ái. Con mong rằng Mathilde và con sẽ tiếp tục cùng thực tập với tăng thân trong suốt cuộc đời của cháu. Con rất mong mỏi Làng Mai sẽ luôn luôn nằm trong lòng cháu, hay cháu lúc nào cũng biết quay về nương tựa Bụt, Pháp và Tăng.

Hoa sen xin tặng quý sư cô

Anna Hywel-Davies và Mathilde

Có tu có chứng

    Vài lá thư của thiền sinh gửi cho thầy vào ngày chót của khóa tu dành cho người nói tiếng Pháp – tháng 3, 2013

     

    Sự sống thật màu nhiệm qua mắt kính của chánh niệm

      Thưa Thầy,

      Con viết lá thư này đến Thầy với rất nhiều tôn kính và khiêm cung.

      Ngày con mới tới đây (Làng Mai) con không biết con đi tìm cái gì. Hôm nay rời nơi đây con thấy con đã tìm được tại đây nhiều điều vượt quá những ước mong,  trông đợi của con. Con cám ơn Thầy đã dạy cho con biết nhìn trở lại những sắc màu của sự sống mầu nhiệm, đẹp hơn rất nhiều với những mắt kính (của chánh niệm) này. Trong thời gian ở Làng Mai, con có cảm tưởng được tắm mình trong một biển thương yêu và hạnh phúc. Con rời nơi đây với rất nhiều năng lượng, an bình, hạnh phúc và tình thương để con có thể chia sẻ cho những người chung quanh con.

      Cám ơn Thầy đã phục hồi lại cho con niềm hy vọng nơi tính người và chỉ cho con thấy khổ đau có thể được giảm nhẹ và chuyển hóa. Cám ơn Thầy đã dạy cho con cách dừng lại.

      Con thấy những gì Thầy dạy rất mầu nhiệm, có công năng tiếp cận và chuyển hóa như một phép lạ. Cám ơn Thầy đã chỉ cho chúng con thấy con đường đưa tới hạnh phúc

      Con xin bày tỏ tất cả niềm biết ơn của con với Thầy và với tất cả các vị xuất gia và mọi người khác nữa ở Làng Mai.

      Sarah (22.03.2013)

      _________________

       

       

        Những phép thực tập chánh niệm đã cứu được đời con

          Thưa Thầy,

          Em trai con, Marc, mới qua đời, ngay tại trong nhà. Nó tự tử. Mấy giờ đồng hồ trước khi nó tự tử, nó đã cười với con bằng một nụ cười rất đẹp khi con chào nó để đi ra ngoài.

          Thầy ơi,

          Cái khoảng trống mà nó để lại trong lòng con là một nỗi đau khủng khiếp.

          Ngày hôm nay, nhờ tu tập con đã bắt đầu có khả năng nhìn thấy được những giây phút hạnh phúc nho nhỏ đang đi qua con, và con bắt đầu thấy có hạnh phúc. Tuy nhiên biết rằng sẽ không bao giờ còn cơ hội chia sẻ những hạnh phúc này của con với nó làm cho con rất đau, và những giây phút hạnh phúc này của con vì thế con cũng không tận hưởng được một cách hoàn toàn.

          Ngày đám tang nó, con đã đọc bài khai thị của thầy: “Thân này không phải là tôi, tôi không bị hạn cuộc vào thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang có nhiều sắc thái…”(*) Nhiều người có mặt hôm đó đã tới cám ơn con về bài khai thị ấy.

          Hôm nay con rất muốn viết thư để cám ơn Thầy.

          Ngày em con chết, con cũng đã chết với nó, nhưng phép thực tập chánh niệm đã cứu được đời con. Sư chú Chân Trời Tự Tại đã giúp con thật nhiều, ánh sáng của sư chú rất lớn và rất đẹp.

          Với tất cả tình thương của con và một búp sen hồng dâng thầy.

          Con Julia


          (*) Bài khai thị trong Nghi thức hộ niệm siêu độ – Nghi thức tụng niệm đại toàn

           

            Bài kệ Uống một ly nước trong

              (bài kệ mới của một vị thiền sinh xóm Thượng làm ngày 21.03.2013

              Ly nước trong này là đám mây
              Mà tôi đã chiêm ngưỡng hôm qua
              Như một trận mưa pháp
              Nó tưới lên vườn tâm của ta.

              Ce vere d’eau est le nuage qu’hier je contemplais,
              Tel une pluie de Dhama, il arrose le jarrdin de mon coeur.


              Ngạc nhiên với chính mình

              Em chào các Sư cô,

              Sáng hôm qua khi ngồi chơi tổng kết cuối năm, em vui lắm. Mà không phải chỉ sáng qua thôi, tất cả mọi buổi pháp đàm em đều thấy vui hết. Tự nhiên mà vui thế thôi, không hiểu tại sao. Sáng qua là cơ hội để thực tập chia sẻ, nhưng vì ngượng nên em không dám nói năng gì nhiều. Em có nhiều điều muốn nói lắm nhưng lại chưa được nói ra, nên em nghĩ: không nói được thì mình viết thư vậy. Mà viết thư em cũng không biết phải bắt đầu từ đâu nữa.

              Tháng Bảy vừa rồi, ngay trước khi về Việt Nam, em đã định bày tỏ với các sư cô lòng biết ơn của em nhưng lúc nào cũng ngượng. Thật sự em rất biết ơn tăng thân Thiền đường Hơi Thở Nhẹ Paris, các sư cô, các cô, chú và các bác trong tăng thân. Em còn nhớ cảm xúc của em những ngày đó mạnh lắm. Giống như em được bước vào một thế giới mới vậy: từ vùng tối của đau khổ, tiếc nuối, bất lực, chán ghét bản thân… đầy đủ tất cả những thứ tiêu cực tệ hại, bước sang vùng thảnh thơi, tươi sáng.

              Những ngày đầu vừa lên Thiền đường, thấy người nhẹ nhàng hơn, thấy yêu thích cái không khí ở đây, rồi dần dần, khi ngồi nghe tụng giới, nghe pháp đàm, đắm mình trong bầu năng lượng của Thiền đường, người em như được nở ra. Em mang những khám phá mới của em vào trong cuộc sống thường ngày. Bình thường em cũng yêu thiên nhiên lắm (bạn bè thường bảo em như người từ trên trời rơi xuống, mơ mơ màng màng, vì em thích những thứ nhỏ nhặt, hoa cỏ, chim chóc, lá cây… những thứ chả liên quan gì đến “thực tế”). Thế nhưng từ khi lên Thiền đường, được nghe pháp thoại, em mới khám phá ra là em rất thiếu lòng biết ơn. Em chưa từng biết ơn những cỏ cây hoa lá đó đã có mặt để cho em thưởng thức và chưa từng biết ơn những người xung quanh. Nhận ra điều đó, em tập thực hành lòng biết ơn hàng ngày. Gặp một cảnh sắc đẹp, em mỉm cười biết ơn, gặp một bông hoa đẹp, em cảm ơn vì hoa có đó cho em. Thật kỳ lạ là em thấy mình vui thích hơn nhiều so với trước kia, tình cảm dịu dàng đối với những điều mà em biết ơn đó cũng tăng lên. Em thích thú với việc biết ơn lắm. Em giống như một đứa con nít có đồ chơi mới thú vị, cứ chơi hoài. Rồi cái lòng biết ơn của em cứ lớn dần lên mà em không biết. Cùng với lòng biết ơn là sự vị tha. Xưa nay em chỉ thích gần gũi những thứ dễ chịu và xa lánh những thứ mà em không thích.  Nhưng gần đây tự nhiên em thấy cái khó chịu trong người khi tiếp xúc với nhưng thứ đáng ghét đó dịu hơn trước rất nhiều. Tựa như mắt em được tưới mát, nhìn mọi thứ đều dịu hơn. Mỗi lần đến Thiền đường là tự động cái miệng em cứ cười tươi. Có hôm ngồi pháp đàm em thích quá, lòng biết ơn của em cứ dâng cao, em xúc động lắm, suýt nữa thì phát biểu rồi. Không biết các sư cô và các cô bác có cảm nhận được lòng biết ơn của em không? Thật khổ cho cái sự không biết nói năng của em. Đó là hai tháng đầu tiên em được biết đến Thiền đường. Hai tháng của lòng biết ơn, của con mắt mới.

              Đến khi về Việt Nam, em thấy mình khác so với trước kia lắm. Đầu tiên là khác trong cách cư xử với bố mẹ. Trước đây em hay cố chấp, bất đồng quan điểm với bố là nói liền. Nhưng không hiểu sao lần này tâm tính của em hiền đi thấy rõ. Em chấp nhận bố nhiều hơn, có bất đồng quan điểm thì cũng chỉ cười cười, không đấu lý với bố nữa mà lại thấy thương bố. Những khi bố quạu quọ, nổi nóng, nói những điều không hay với người khác thì em không khó chịu, trong em không còn nổi lên tư tưởng phán xét bố nữa. Em thấy ngạc nhiên với chính em nữa đấy.

              Em học được là mình cần phải có mặt thật sự cho những người thân nên mỗi khi về quê chơi, em tập có mặt cho thật hoàn toàn. Em chăm chỉ về quê hơn, rảnh ra là về, gần gũi bố mẹ, ông bà nhiều hơn, thấy hạnh phúc vô cùng. Cái cảm giác sống thật sự chứ không vật vờ lơ lửng, cảm giác có mặt thật sự cho ông bà bố mẹ làm em thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Có hôm em nhận nhiệm vụ trông cu Tí, là con trai của chị em. Cu Tí lớn rồi, có thể tự chơi. Em theo thói quen cứ muốn rút về đọc sách giải trí một mình. Nhưng em lại nghĩ, thời gian ở bên người thân chỉ có ít thôi, mai kia lại phải ra Hà Nội rồi, hãy tranh thủ từng giây từng phút, tranh thủ mà chơi, mà gần gũi với cu Tí đi, không rồi lại nhớ, tiếc sao lúc ở nhà không chơi, để lúc không ở nhà lại thèm, lại ước gì được chơi cùng cu Tí… Đấy, em thay đổi nhiều lắm. Và vì thế mà em có thêm nhiều hạnh phúc và bớt đi được nhiều tiếc nuối. Ý thức đó là do Sư Ông, các sư cô, các cô bác, anh chị đã dạy cho em càng thấy hạnh phúc hơn.

              Ba tháng ở Việt Nam em thấy vẫn chưa thỏa thích, lưu luyến không muốn quay lại Pháp, nhưng nghĩ đến việc ở đó có Thiền đường để lên chơi thì em lại vui ngay. Một lần nọ, có hai bạn hỏi em tại sao thích lên Thiền đường, vì thỉnh thoảng rủ em đi chơi cuối tuần mà cứ thấy em bận suốt. Em bảo vì ở đó có những sư cô, có một năng lượng tốt lành toả ra làm em nhẹ nhàng và hạnh phúc. Khung cảnh và không khí ở đó hợp với em. Em có cảm giác hoàn toàn nhẹ nhõm, như cá ở trong nước, không cần phải có một cố gắng nào. Em biết nói thế chỉ là những từ ngữ không hoàn toàn đầy đủ để diễn tả lực kéo hút em lên Thiền đường, nhưng em không biết nói sao cho hay hơn.

              Từ khi quay lại Pháp, em có thêm nhiều khám phá mới. Em giật mình thấy sao mà từng này tuổi đầu mình mới nhận ra được những điều đơn giản như thế. Chẳng hạn như việc tiêu thụ âm nhạc, truyện trò; hay như việc phải ngừng đặt câu hỏi, phải trở về tĩnh lặng lắng nghe bản thân… Bạn Trúc Thanh đã giúp đỡ em rất nhiều trong việc nhận ra những điều này. Mặc dù chúng em không gặp gỡ nói chuyện gì nhiều nhưng cũng đủ giúp em mở mắt. Bạn và các sư cô đúng là những thiện tri thức giúp em tiến bộ hơn lên. Em không chăm chỉ lắm, tu học tuỳ hứng, lại còn không nghiêm túc. May sao em có được năng lượng của Thiền đường, lại được bạn Thanh nghiêm khắc nhắc nhở thường xuyên nên em cũng được bảo hộ.

              Hai tuần trở lại đây, những cảm xúc tiêu cực cũ lại trồi lên vì những hoàn cảnh tương tự trước đây lại xảy ra. Trong em có những lo sợ và vướng mắc cũ về quan hệ bạn bè, về chuyện học hành.  Em nhận ra mình chưa tiến bộ gì nhiều. Có thể em thấy thảnh thơi, vui vẻ, lạc quan  hơn nhiều so với trước kia, nhưng khi gặp lại hoàn cảnh xấu thì vẫn sa vào thói quen suy nghĩ tiêu cực như cũ. Như thế chứng tỏ em chưa chuyển hoá được gì nhiều. Tuy nhiên em vẫn lạc quan lắm, vì ít ra em không còn lo lắng, sầu khổ nhiều như trước kia nữa, em đã biết cách thoát ra. Em có nhiều niềm tin và hy vọng lắm. Các sư cô biết em thoát ra bằng cách nào không? Em thở và đi, rồi sau đó nhìn lại. Đơn giản như đang giỡn các sư cô nhỉ? Em thật sự thấy được hiệu quả của việc đó, không phải chỉ là nghe nói đến không thôi, mà thật sự em đã trải nghiệm được và thấy được. Tuy là vấn đề của em chỉ nhỏ tí ti thôi (nhưng em lại hay thổi phồng lên), nhưng dù sao cũng là có kết quả. Thật là hay.

              Nhưng có một điều hệ trọng mà em vẫn còn chưa thay đổi được chút xíu gì. Đó là quan hệ với em gái của em. Em rất khắt khe, hay đòi hỏi em gái phải thế này thế khác. Em biết em gái rất khổ khi có một người chị như em. Em cố gắng lắm mà không thay đổi được. Em cố gắng hiểu, nhưng cứ hay bột phát phản ứng không tốt mỗi khi xung đột. Mỗi lần như thế xong em lại tự xỉ vả bản thân mình. Điều em mong mỏi nhất trong năm mới là làm sao trở thành một người chị dịu dàng và tốt bụng với em gái. Đó  là chưa kể cả núi tính xấu khác mà em chưa sửa được.

              Còn nhiều nhiều những thứ nhỏ nhặt hay ho nữa lắm nhưng em viết dài quá rồi.

              Em cảm ơn và yêu quý các sư cô nhiều lắm nhưng không biết nói gì hơn. Em sắp được về Làng ăn Tết rồi. Lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, lại được ăn Tết ở Làng, mấy ai may mắn như em. Vui nhất là sắp được gặp Sư Ông!

              Em chào các sư cô. Hẹn gặp lại vào dịp Tết ạ.

              Nguyễn Thị Thúy Nga

              Mỗi ngày là một niềm vui

              Năm nay, các cô chú và anh chị em Tăng thân Hơi Thở Nhẹ (Tăng thân HTN) đã về Làng Mai ăn Tết với Sư Ông, quý thầy và quý sư cô. Ai cũng đều cảm nhận được nhiều hạnh phúc, năng lượng và tình thương. Từ khi bước xuống Gare Sainte-Foy La Grande cho đến lúc đến Xóm Hạ, lòng con luôn hân hoan nhẹ nhàng như mỗi lần được về Làng. Con thầm nói: “Con đã về, con đã tới”.

              Không khí của những ngày Tết thật an vui và ấm cúng dù bên ngoài, trời mùa đông vẫn lạnh. Chiều ngày 29 Tết, Sư Ông và đại chúng bắt đầu sửa soạn đón Giao Thừa trước vài giờ tại thiền đường Xóm Mới.

              Trước giờ pháp thoại, bình thơ, đại chúng được ngồi lắng nghe bài hát “Tìm Nhau” do quý thầy và quý sư cô hợp xướng.

              Con đã đi tìm Thế Tôn
              Từ hồi còn ấu thơ
              Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn
              Từ khi mới bắt đầu biết thở.

              ……

              Sau đó Sư Ông đọc thơ văn và có nhắc đến hình ảnh bếp lửa hồng và tục gánh nước đổ đầy lu trong trước khi năm mới đến của người Việt. Sư ông mời đại chúng hát bài “Về đây bên bếp lửa hồng”, nhạc Xuân Tiên – Tăng thân Làng Mai đổi lời với  thầy Pháp Tuyển đàn guitare và em Quỳnh Lan đàn tranh. Lời ca thật hay đã sưởi ấm lòng của đại chúng đang ngồi với nhau như một dòng sông trong giờ phút đón chào năm mới.

              Tăng thân xuất sĩ hát bài Tìm nhau

              Khi Giao Thừa vừa điểm (Làng Mai đón Tết theo giờ Việt Nam),  ba hồi chuông trống bát nhã vang lên. Con ngồi với đại chúng rất thành tâm để nghe Lời Khấn Nguyện đầu năm qua 3 thứ tiếng (Việt, Anh và Pháp) do sư chú Chân Pháp Lý (người Pháp) đọc tiếng Pháp; Sư cô Chân Trăng Tuổi Thơ (người Việt) đọc tiếng Việt và sư chú Trời Biểu Hiện (người Mỹ) đọc tiếng Anh.

               

              Sư Ông dâng Tổ Tiên lời phát nguyện đầu năm

              …”Chúng con hứa sẽ học hỏi thái độ cởi mở để có thể truyền thông được với những thành phần khác trong gia đình và trong Tăng thân. Chúng con nguyện tập nhìn và nghe bằng mắt và tai của gia đình và của tăng thân, tập nói lời hòa ái với anh chị em, bằng hữu và con cháu của chúng con, để có thể sống với nhau một cách hài hòa, an vui và hạnh phúc. Chúng con nguyện tập thấy hạnh phúc của gia đình và tăng thân là hạnh phúc của chính mình.”… (Trích Lời Khấn nguyện đầu năm 2013″. Sau khi đâng lời khấn nguyện, Sư Ông cùng bốn chúng Làng Mai đã lạy xuống trước bàn thờ Tổ Tiên bốn lạy.

              Sau giờ ăn tối, có một buổi Văn nghệ mừng xuân thật dài. Các màn múa, hát và kịch năm nào cũng hay, vui và dễ thương. Đặc biệt năm nay tăng thân HTN chúng ta rất đông, có gần 45 người. Các cô, các chị và các em gái đều mặc áo dài lên hát 2 bài Việt và Pháp. Con có nghe vài thầy và sư cô nói năm nay Tăng thân HTN đông và mạnh quá, Tết mà thấy có người Việt về đông như vậy thì thêm không khí và hương vị ấm cúng của Tết Việt Nam mình.

              Tăng thân HTN, Paris cùng hát  đón giao thừa Tết Quý Ti – Thiền đường Trăng Rằm, Xóm Mới

              Sáng ngày mùng một Tết, quý thầy, quý sư cô dâng hoa, múa lân mừng tuổi Sư Ông tại Xóm Thượng, sau đó có Bói Kiều …
              Buổi chiều đi thăm phòng quý thầy Xóm Thượng. Năm nay quý thầy có bắn pháo bông đẹp lắm, mọi người tụ họp đông đảo chính giữa khu vực tăng xá để thưởng thức. Vào giờ ăn chiều, phòng thầy Pháp Tịnh có nồi lẩu thật lớn, mặc dù con đã no do uống trà và ăn bánh kẹo ở các phòng khác rồi nhưng gặp lẩu của thầy Pháp Tịnh nấu là con phải nếm thiệt thôi. Những vị thăm phòng thầy Pháp Tịnh lúc này được hiến tặng một bài hát thật hay, đó là bài “Người đi vòng quanh (thầy Pháp Niệm phổ nhạc từ thơ của Sư Ông). Bài thơ này trích trong cuốn “Thơ từng ôm, và mặt trời từng hạt”, lúc trước vì thích ý nghĩa của nó con đã ghi chép lại cho những người thân như sau:

              “Này người đang đi vòng quanh, anh không phải là sự đi quanh, anh có thể đi nhưng anh không cần đi quanh! Người kia mới hỏi câu chót: Tôi có thể đi đâu? Câu trả lời là: Anh hãy đi tìm người anh thương, anh hãy đi tìm anh.
              Ở trong anh có một sự thao thức, ước mơ rất sâu sắc. Ước mơ một cái gì đẹp, một cái gì lành, một cái gì có ý nghĩa, và nếu anh chạm tới được hạt giống của sự ước mơ lớn đó, thì anh sẽ biết anh cần đi đâu. Đi tìm người thương của anh tức là đi tìm anh, đi tìm bản thân của mình.”

              “Đó là chuyện ao ước đi tìm người mình thương. Chúng ta mỗi người đều đang đi tìm hết, nhưng nhiều khi chúng ta không biết mà thôi. Khi chúng ta biết được đích xác chúng ta đang đi tìm gì, thì tự nhiên chúng ta sẽ dừng lại chuyện đi vòng quanh.“(Trích trong Truyền thống sinh động của thiền tập – chương Người đi vòng quanh)

              Con nghĩ trong “sự thực tập đi tìm” mà Sư Ông nêu lên đây có dính líu với bài thơ “Tìm Nhau”.

              Như thường lệ hằng năm, sinh hoạt ở Làng trong các ngày từ mồng một tới mồng bốn là buổi sáng Bói Kiều và buổi chiều đi thăm phòng quý thầy, quý sư cô. Năm nay mùng hai làm tại Xóm Hạ và mùng ba tại Xóm Mới. Con đi thăm phòng nào cũng được “chia sẻ” thức ăn thức uống, trà và những bản nhạc, lời hát qua tài năng của các sư cô, các thầy và đại chúng.Tăng thân Hơi Thở Nhẹ (HTN) vô phòng Sư cô Giác Nghiêm và các Sư cô thường trú tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ ngồi thật lâu và mỗi lần ai vào là nói “Người nhà” (năm nay quý sư cô ở HTN về Làng ăn Tết).

              Ngày mùng ba, đặc biệt ở Xóm Mới buổi trưa đại chúng được ăn pic-nic ngoài trời với các gian hàng thức ăn trong “Hội Chợ Tết”. Ngày đó cũng hên không có mưa mà có nắng, lại thêm các món ăn ngon do các sư cô chế biến như gỏi xoài, bánh cuốn, cơm tấm, gỏi cuốn, chuối chiên, những nồi bún nước lèo thật to, nồi chè hấp dẫn… Có cả nước uống pha theo kiểu Indonesia và đặc biệt gian hàng trà năm nay phục vụ theo phong cách Nhật bản do Sư cô Trai Nghiêm người Nhật phụ trách cùng với sư cô Tạng Nghiêm trong bộ Kimono Nhật hẳn hoi.

               

              Quán chè sương sa hột lựu của Sư cô Cơ Nghiêm Quán Trà Nhật của Sư cô Trai Nghiêm và Sư cô Tạng Nghiêm

              Khi bụng vừa no thì vài thành viên của tăng thân HTN – phần lớn thuộc “nhóm Già” (các cô chú lớn tuổi) được Sư Ông mời ăn cơm trưa chung! (“Nhóm Trẻ”, là  nhóm các bạn sinh viên trẻ tuổi, đã được diễm phúc ăn cơm với Sư Ông vào ngày mùng một Tết trước khi trở lại Paris). Nghe Sư Ông mời, ai cũng lo bới một tô cơm nho nhỏ khác để vô “dùng buổi cơm” với Sư Ông và Sư Cô Chân Không. Ai cũng rất là hạnh phúc.

              Sáng mùng bốn là Bói Kiều ngày chót tại Sơn Hạ, Tăng thân nhóm Già đến giờ đi về phải lên xe về lại Paris, chỉ còn lại vài em trẻ, vui quá nên xin ở lại thêm. Trước khi về lại Paris con không ngờ là “vừa bị, vừa được” thầy Pháp Liệu gọi tên lên để Bói Kiều. Con đã xin quẻ Kiều của Cụ Nguyễn Du hai ngày trước đó nhưng vẫn chưa được ai giải giúp. Thật ra dù hơi run và có chút bỡ ngỡ, nhưng đó cũng là điều may mắn hạnh phúc vì con đã được đặt câu hỏi trực tiếp với Sư Ông.

              Sư Ông đã giảng Kiều cho con và con đã tiếp nhận được từ nơi Sư Ông tình thương bao la qua những lời dặn dò, nhắc nhở con chuyên trì thực tập … Con nguyện sẽ hành trì theo để được chuyển hóa và tiếp xúc với những điều mầu nhiệm và đầy ý nghĩa của sự sống  …

              Với lòng biết ơn tới Sư Ông và Tăng thân.

              Con: Chân An Hà (Ánh Thúy)

              Tìm thấy con đường

              27.2.2013

              Kính thưa tăng thân Paris,

              Đã từ lâu con ấp ủ muốn viết một bức thư bằng cảm xúc hạnh phúc lẫn lòng biết ơn nhưng thao thức mãi cho đến nay con mới viết ra được. Con kính mong các bác, các cô, các chú và các anh chị em soi sáng cho con.

              Con là một người trẻ, được may mắn về Làng Mai ăn Tết hai lần, năm ngoái và năm nay. Con là người sinh hoạt ở môi trường tu học tại Paris, và con cần phải nói thêm là năm ngoái con về làng ăn Tết vì trong con có sự tò mò muốn biết làng Mai là như thế nào. Năm ngoái ấn tượng đọng lại nhiều nhất trong con là Làng Mai chính là một thiên đường, một cõi Tịnh Độ của sự yêu thương, đùm bọc, quan tâm, và con đã hiểu ra rằng nơi nào có tình thương thì nơi đó hạnh phúc mới thật sự có mặt.

              Năm nay, con về làng ăn Tết với hy vọng là được tận hưởng những ngày Tết thật tuyệt vời, ấm áp và hạnh phúc một lần nữa. Thế nhưng con đâu ngờ, một nhân duyên lớn đã xảy ra trong đời con, vâng, đó là con đã khám phá ra rằng không những Làng Mai là một cõi Tịnh Độ của yêu thương và của hạnh phúc có thật trên quả địa cầu này, mà còn là một nơi có thể giúp những người trẻ như chúng con hiểu rõ về chính mình, những thao thức trăn trở về lý tưởng sống và con đường đi phía trước của mình.

              Ngồi yên như núi

              Kính thưa đại chúng, thật là may mắn khi năm nay con được nhìn quý thầy, quý sư cô ngồi thiền trong tư thế vững chãi, con được tiếp xúc với năng lượng hùng hậu và an lành đang tỏa ra khắp thiền đường. Trước đây con có đọc một vài bài viết trên trang nhà Làng Mai nói về các bạn thiền sinh về Làng được học cách đi trong chánh niệm, họ mừng quá nên muốn gửi năng lượng lành của mình về cho ông bà, cha mẹ và những người thân. Con cứ nghĩ đó là những bài viết có tính chất nghệ thuật hóa hay lý tưởng hóa sự thực tập. Nhưng không, lần này hiện thực mà con nhìn thấy và tiếp xúc đã làm cho suy nghĩ thiển cận của con hoàn toàn sụp đổ. Năng lượng an lành này có thật, đó là hoa trái, là năng lượng được chế tác từ công phu tu tập, hoàn toàn không phải điều gì đó mơ hồ được tô vẽ bởi văn chương nghệ thuật.

              Hiểu ra được điều này, con bỗng nhớ đến một bạn Phật tử con quen trên mạng. Con đã đọc rất nhiều bài viết của bạn ấy về giữ giới, trong một bài bạn ấy viết là cảm thấy mình đang bơi ngược dòng nước lũ. Trước những cạm bẫy và cám dỗ về dục vọng của thế gian, nhiều lúc bạn cảm thấy mình cô độc quá, mệt mỏi rã rời quá. Khi được nhìn các thầy, sư cô ngồi thiền, con cảm thấy vững tin vào chính mình. Con cảm thấy vững tin lắm. Con nghĩ rằng từ nay khi nào con có cảm giác đang bơi ngược dòng nước lũ thì con sẽ nhớ đến tư thế vững chãi của quý thầy và quý sư sô. Con tin rằng nếu con tinh tấn thực tập thì năng lượng an lành sẽ bảo hộ cho con. Tuy nhiên, trước mắt con phải nương nhờ vào sự dẫn dắt của quý thầy và quý sư cô. Có sự giúp đỡ, dìu dắt này con sẽ “an toàn”, sẽ bình yên mà vượt qua được những dòng nước đầy cạm bẫy.

              Niềm tin của con được củng cố nhiều hơn, khi mùng một Tết, con cùng các bạn trẻ đến phòng quý thầy xin bói Kiều, chúc Tết  và được nghe quý thầy giảng về chánh niệm và về thiền tập. Con không nhớ tên quý thầy này, chỉ nhớ có hai thầy cùng chia sẻ với chúng con, trong đó có một thầy biết chơi đàn guitar. Con dần dần nhận ra từ lâu nay con đã để quá nhiều vọng tưởng chi phối cái nhìn của con về cuộc sống, con đã không thật sự tiếp xúc với cuộc sống. Vì sao con lại đến nông nỗi như vậy? Bởi vì con đã tự tưới tẩm những hạt giống của lo âu, suy tư và của thất niệm trong con. Con thật sự ao ước có được sự thảnh thơi, vững chãi như quý thầy. Thế mà bao nhiêu năm  trước đây không hiểu sao khi đọc những bài viết trên trang nhà Làng Mai nói về giáo pháp tu tập của Làng, con cứ nghĩ đó là liều thuốc chữa đau khổ cho rất nhiều người. Con cho rằng những liều thuốc này sẽ không đủ để chữa khổ đau cho con. Con suy nghĩ thật là hồ đồ. Thật là tội nghiệp cho con quá! Cái thấy sai lầm của con bắt nguồn từ ảo tưởng và định kiến. Nhận ra sai lầm của mình, con quyết tâm làm mới lại.

               

              Hiện giờ trong lòng con nhen nhóm lên một ước mong là mình không chỉ đến Làng Mai để tận hưởng hạnh phúc, mình phải có ước mong được tu học, được thực tập. Trong đầu con xuất hiện một câu mà người Mỹ thường sử dụng: “Do it or you lose it” – Tiến tới hoặc bạn sẽ bị lỡ thời cơ. Và rất may là con đã chia sẻ được điều này với chị Hà lớn, chị đã kịp thời tư vấn và khuyên con đăng ký tham dự khóa tu dành cho người nói tiếng Pháp tại Làng trong tháng 3 tới.

              Con ý thức được khả năng viết văn của con còn nhiều hạn chế. Sự hạn chế này sẽ làm cho con không truyền tải đến cho người đọc hết được lòng biết ơn lẫn niềm hạnh phúc khi con tìm thấy được một con đường sáng trước mắt . Con hy vọng các chú, các cô, các bác và các anh chị em cùng soi sáng, góp ý cho con để con có “dũng khí ” viết tiếp những bài chia sẻ khác về việc thực tập chánh niệm. Con xin chân thành cảm ơn mọi người.

              Con Phương Hà (Hà nhỏ)

              Hoa trái thực tập

              Những con đường đẹp trong cuộc đời
              Chân Pháp Đăng
              Tìm thấy con đường
              Mỗi ngày là một niềm vui
              Đón Tết ở Làng Mai
              Ngạc nhiên với chính mình
              Có tu có chứng
              Thiên thần của mẹ
              Gieo hạt hiểu, hạt thương
              Cháu thích bùn
              Thần chú
              Nguyễn Thế Hà (Chân Tính Hải)
              Em hạnh phúc là chị vui
              Hạnh buông bỏ
              “Trong 18 tháng sống cuộc đời của một người xuất sĩ, không biết bao nhiêu là thử thách đã đến để kiểm tra xem tôi có thực sự có khả năng buông bỏ hay không. Hạnh phúc thay, những thử thách này đã đưa tôi đến một thực tập rất căn bản và sâu sắc, đó là nuôi dưỡng lòng từ bi đối với chính mình. Bất cứ khi nào có thể được, tôi đều cho phép mình có đủ thời gian để thực tập buông bỏ mà không quá ép mình, không bạo động đối với chính mình…” – Sư cô Chân Trăng Tam Muội
              Niềm vui mới
              Hôm nay con có thêm một cảm giác mới, đó là cảm giác an toàn. Con không giải thích được cảm giác này… Con thấy mình được bảo bọc, mình đã an toàn rồi, buông bỏ hết được rồi. Giống như vừa đi một quãng đường đầy ổ voi, ổ gà, mưa sa gió táp mà được trở về nhà, an toàn ấm áp, không phải cố gắng gì nữa cả, thả mình xuống mà nghỉ ngơi. Con thấy rõ hơn hai hoàn cảnh con đang sống khác nhau lắm…- Tâm Hòa Ái
              Về Ăn Cơm
              “Giờ này con đã thật sự về đây ăn cơm với mẹ với ba rồi. Con cũng biết rằng khi con dừng lại thì khung trời hạnh phúc sẽ rộng mở đón con. Ngày xưa khi ăn cơm, ba mẹ luôn nhắc con: “Ăn kỹ no lâu, cày sâu lúa tốt.” Vì thế con tự hứa với mình mỗi ngày, ít nhất một buổi sẽ ngồi ăn cơm thảnh thơi. Không vội vã nữa. Không để vòng xoáy cuộc đời nó đánh bật con đi…”- Phương Phong.
              Điều có thật
              Chúng ta là những người con Việt Nam, gia đình, bạn bè, tổ quốc đất mẹ chính là gốc rễ vững chắc mà là nơi để chúng ta quay về nương tựa. Nếu không có nền tảng của gốc rễ thì chúng ta không thể lớn khôn lên được. Nền tảng văn hóa của đất nước là cái móng nhà vững chắc của chúng ta…May thay, tất cả những nền móng, những vẻ đẹp đó mình lại tìm thấy nơi này và mình được có thời gian để trải nghiệm và cảm nhận trong hai tuần qua tại Làng Mai….” Đào Thu Hằng.
              Một lần đau răng
              Tâm Nhuận Dụng
              Thiền cho tuổi thơ
              Thầy Chân Pháp Đăng
              Yêu thích giảng dạy và học với niềm vui
              Cara Harzheim
              Thiền tập cho người đồng tính luyến ái
              Chân Pháp Dụng
              Áo vách núi
              Chân Đẳng Nghiêm
              Một ngày trong đời của một Thiền tăng Cơ Đốc
              Chân Pháp Đệ

              Đức Thế Tôn đang có mặt

               

              Download

               

              Bạch Đức Thế Tôn!

              Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Mỗi khi có từ bốn người trở lên tới với nhau, sống với nhau và thực tập theo con đường Giới, Định, Tuệ thì Đức Thế Tôn có mặt ở tại đó”. Chúng con đã tới từ nhiều phương trời khác nhau và chúng con đang sống với nhau như một Tăng thân và đi như một dòng sông. Chúng con biết là Đức Thế Tôn đang có mặt với chúng con và điều này đem cho chúng con rất nhiều hạnh phúc.

              Bạch Đức Thế Tôn với con mắt vô tướng, chúng con có thể thấy được sự có mặt của Đức Thế Tôn trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Chúng con nguyện sống như một Tăng thân, đi như một dòng sông, hoạt động chung như một tổ ong để có thể tiếp nối được tuệ giác và tình thương của Đức Thế Tôn. Và chia sẻ sự có mặt của Đức Thế Tôn cho mọi người và mọi loài trên thế giới.

              Thở vào, con thấy Tăng thân của con đang thở vào với con. Thở ra con thấy Tăng thân của con đang mỉm cười trong con. Thở vào, con thấy Tăng thân của con đang có hạnh phúc. Thở ra, con thấy Tăng thân của con luôn luôn là hình hài là cơ thể của con.

              Cánh cửa giải thoát VÔ TÁC

               

              Download

               

              Bạch Đức Thế Tôn!

              Chúng con đang thực tập mở ra cánh cửa giải thoát thứ ba tức là Vô Tác. Chúng con biết Vô Tác là không có trông ngóng, không có chạy theo đuổi bất cứ một cái gì và biết rằng sự sống trong giây phút hiện tại có đầy đủ tất cả những mầu nhiệm và chúng con có thể an trú thảnh thơi, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Chúng con không trông đợi gì cả kể cả Phật quả, Giải thoát, Niết bàn. Vì chúng con biết rằng Phật quả, Giải thoát, Niết bàn có sẵn ngay trong giờ phút hiện tại và Vô nguyện, Vô tác có nghĩa là không đặt trước mặt mình một đối tượng để chạy theo.

              Mỗi  khi chạy theo như vậy thì không còn khả năng an trú trong hiện tại và tiếp xúc với những mầu nhiệm của hiện tại. Khi chúng con chấm dứt được sự chạy theo, thì tức khắc chúng con có an lạc ngay trong thân và trong tâm. Đó là một cánh cửa giải thoát hết sức mầu nhiệm mà chúng con đang tìm cách để mở ra. Đợt sóng không cần đi tìm nước tại vì biết rằng mình là chính là nước và  không có cái gì mình cần phải tìm tòi nữa cả.

              Cánh cửa giải thoát VÔ TƯỚNG

               

              Download

               

              Kính Bạch Đức Thế Tôn!

              Ngài dạy rằng cánh cửa giải thoát thứ 2 là cánh cửa Vô tướng. Và chúng con đang thực tập để có được cái nhìn Vô tướng. Có được cái nhìn Vô tướng thì chúng con sẽ không tuyệt vọng sầu đau. Trong kinh Kim Cương, Ngài dạy rằng nếu chúng ta bị kẹt vào tướng thì chúng ta bị đánh lừa, vì vậy cho nên đừng để cho cái tướng nó đánh lừa chúng ta.

              Chúng con nhìn lại quá khứ chúng con thấy tổ tiên của chúng con, cha mẹ chúng con. Chúng con biết rằng đó là cái tướng của tổ tiên của cha mẹ. Chúng con biết rằng tổ tiên và cha mẹ đã thay đổi hình tướng, tổ tiên và cha mẹ không mất đi mà chỉ thay đổi hình tướng. Cho nên với cái nhìn vô tướng chúng con vẫn có thể tiếp xúc được với tổ tiên và cha mẹ trong giây phút hiện tại.

              Chính chúng con cũng vậy, hình tướng của chúng con không còn là hình tướng của chúng con hồi 3 tuổi, 5 tuổi. Và nếu chúng con kẹt vào hình tướng 3 tuổi hay 5 tuổi thì chúng con đâu có thể thấy được sự có mặt của chúng con. Mai này, nếu thân thể này tàn hoại thì không phải chúng con mất đi mà chúng con đã chuyển đổi sang hình thái mới. Cũng như khi đám mây biến thành mưa, thì tuy là hình tướng đám mây không còn nhưng đám mây vẫn còn trong mưa. Chúng con học để thấy được cái Vô tướng như vậy để đừng tiếc thương và tuyệt vọng.