Yêu thích giảng dạy và học với niềm vui

Cara Harzheim

Mười năm, sự thực tập hàng ngày trong một trường trung học Đức

 

Sự thực tập chánh niệm và hiểu biết của đạo Bụt

Kể từ năm 1994, tôi đến Làng Mai hầu như mỗi năm. Ở đó, dưới sự chỉ dạy của một vị Thầy người Việt – Thích Nhất Hạnh – tôi tìm kiếm một nguồn sinh lực nuôi dưỡng mình và học cách sống cho càng ngày càng sâu sắc hơn.

Kể từ thời gian đó, tôi thực tập thiền thường xuyên với những học sinh của tôi ở trường trung học Ludwig-Meyn phía Nam Schleswig-Holstein, gần Hambourg (gồm 78 giáo sư và 1040 học sinh). Những học sinh gọi tôi là "giáo sư dạy thiền", "bông hoa hiếm và đa sắc", "giáo sư lắng nghe sâu và là người mà người ta có thể đến nói chuyện, cũng như là người tuyệt đối phải ở lại trong số những giáo viên của trường trung học truyền thống." Trong vòng 10 năm, các học sinh đã bầu tôi là "người Tham vấn", là "giáo sư tín nhiệm" của chúng.

Mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, tôi dành cho các học sinh, từ lớp Năm cho đến lớp cuối, 15 phút thiền tập trong giờ ra chơi. Tôi dành giờ nghỉ của mình giữa những buổi học để hướng dẫn chúng :

thienquyt.jpg

–         Thiền ngồi: theo dõi hơi thở.

–         Thiền hướng dẫn của Thầy

–         Thiền sỏi

–         Thiền quán về lòng Từ, Bi: gửi tình thương đến một người trong gia đình, một người bạn, một người không thương không ghét, và một người mà chúng không thích.

–         Kinh hành trong nhà, hoặc thiền hành bên ngoài khi trời đẹp trong một khu nghĩa trang cổ cạnh bên trường.

–         Thiền buông thư.

–         Thiền trà.

–         Ăn một trái quýt  hoặc một miếng bánh trong chánh niệm.

–         Nghe nhạc thiền ca hoặc những bài tụng của Làng Mai.

Những học sinh rất thích tất cả những loại hình thiền tập này và thỉnh thoảng căn phòng trở nên quá nhỏ. Có những học sinh đến để thử lần đầu, những đứa khác đến đều đặn mỗi ngày. Thường xuyên là những đứa trẻ quá hiếu động; hoặc ngược lại, là những đứa nhút nhát và không được chấp nhận; hoặc một cách tự nhiên là những đứa trẻ luôn có hứng thú với những gì "mới", "lạ", "tuyệt". Có khi tôi đến trễ một phút thì đã thấy chúng ngồi ngay trước cửa.

Có một phần thưởng cho những học sinh đã tham dự hơn mười lần lớp học thiền tập này. Đó là một loại chứng nhận, một ghi chú trong phiếu điểm của chúng là: "Em này đã tham dự lớp thiền tập một cách thành công". Điểm ghi chú này quan trọng cho những em nhỏ học lớp Năm cho đến những học sinh lớn học lớp đệ nhị, đệ nhất hay lớp cuối. Và tôi không được quên điểm này!

phongthien.jpg

Tuy nhiên, không dễ để tìm một căn phòng yên tĩnh và phù hợp cho việc thực tập. Điều này không phải lúc nào cũng đơn giản vì trong khu nhà lớn, tất cả các phòng đều cần thiết và được dùng cho việc giảng dạy đặc biệt tất cả các môn học.

Đầu tiên, tôi tìm thấy một phòng áp mái của một khu nhà hư cũ trong trường tiểu học. Nơi đó, tôi có thể sắp xếp 20 bồ đoàn, một tượng Bụt cũng như một tượng Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng, một cái chuông nhỏ và một cái chuông lớn, những tách trà, một ấm nấu nước, một tấm thảm, một tấm nệm, những cây nến và nhang

Nhưng ông Hiệu trưởng tỏ ý lo ngại vì cái cầu thang nhỏ dẫn lên căn gác không đủ an toàn trong trường hợp hỏa hoạn nếu có một đám đông học sinh muốn ngồi thiền ở đó.

Nhưng tôi không mất can đảm và tiếp tục tìm những nơi thực tập khác. Lần lượt sau đó là phòng họp lớn, hoàn toàn mới, phòng nhạc, thậm chí là ở nghĩa trang cho những ngày đẹp trời hoặc đơn giản nhất là một phòng học gần nhất và cuối cùng là một căn phòng nhỏ trong tầng hầm cuối.

Tôi luôn nuôi cái ý tưởng là không được buông xuôi hay nản lòng mà phải tiếp tục, tìm kiếm sự an lạc – "Hãy tự do ở nơi mà bạn đang ở." (Sois libre où tu es)

Có khi không còn một giải pháp nào, những học sinh đã đi thu thập chữ ký của những học sinh khác cũng như của những giáo viên để giúp có được một chỗ cho thiền tập. Việc này cũng làm cho thầy Hiệu trưởng, thầy tổng giám thị và những người chỉ đạo cao cấp khác của trường hiểu được sự cần thiết của một nơi dành cho sự thực tập như vậy.

Ông Hiệu trưởng tỏ vẻ ủng hộ kế hoạch này với hy vọng những học sinh có được sự thực tập lợi lạc này có thể yên hơn, cũng như để chứng minh rằng trường học này là một trường hiện đại, cởi mở cho những ý tưởng mới mẻ. Điều e sợ duy nhất của ông là tôi đang cải đạo những đứa trẻ sang đạo Bụt.

Một phần công việc của tôi về Giới (sự rèn luyện Chánh Niệm) được trình bày trong những giờ ra chơi.

Một phần khác rất chính yếu được giới thiệu trong mỗi buổi học.

buongthu.jpg

Hướng dẫn thiền buông thư cho các em

Ví dụ : Bài giảng về Triết học cho lớp 7.

Những học sinh không muốn tham dự những buổi học về đạo Tin Lành hoặc công giáo trong chương trình học quốc gia, có thể chọn lựa hai buổi học về Triết trong một tuần. Vì thế, chúng cũng gặp lại (những chủ đề về tôn giáo) trong những buổi học của tôi.

Mọi người đã suy nghĩ về những vấn đề sau :

–         Làm sao để sống cho có hạnh phúc ?

–         Chết là gì ?

–         Làm sao để làm chủ được tình dục ?

–         Cái gì là tình yêu thương và tình bằng hữu ?

–         Làm sao cứu chữa cho những loài động vật và cho trái đất ?

–         Và tất cả những vấn đề làm bận tâm…

Những buổi học của tôi luôn luôn được tiếng là sinh động, hứng thú và có tính thời sự.

Trong những bài giảng của tất cả các môn học mà tôi phụ trách (tiếng Anh, tiếng Pháp, triết học, phương pháp học và giảng dạy những dự án), tôi thường trộn lẫn vào đó những đoạn thiền tập và giúp những học sinh có thể chia sẻ những điều từ đáy lòng chúng.

Để tự cân bằng, tôi đã trải qua một bằng T.C.I – Thème (chủ đề), Centered Interaction (sự tương tác qua lại trọng yếu) theo RUTH COHN, nhà phân tâm học người Do Thái rất nổi tiếng ở những nước Anglo-Saxon. RUTH COHN sau khi đi lánh nạn ở Mỹ khỏi Đức Quốc Xã, đã trở về Đức sau chiến tranh và khởi xướng mô hình của ông về sự tương tác qua lại của một nhóm.

copy_of_toita.jpg

Trong những buổi học, phải có một sự cân bằng giữa "tôi" (người dạy), "chúng ta" (học trò với giáo viên) với "Người đó/cái đó" (đối tượng của sự tương tác), cũng như với môi trường chứa đựng sự tương tác này. Trước đó, trong những buổi học, tôi thường bị nghiêng về "Chúng ta’ và "Tôi", trong khi phần lớn những giáo sư trong trường nghiêng về phía "Người đó/cái đó"; sự đào tạo về trí năng là phương diện duy nhất làm họ có hứng thú.

Trong mớ lý thuyết này và sự thực tập của những học sinh, tôi đã tìm thấy một sự cân bằng sít sao cho mọi phương diện. Đó là điểm giống như trong đạo Bụt, mỗi người (mỗi vật) đều có một vị trí hoặc một tầm quan trọng như nhau.

ngoithien.jpg

Tôi đưa ra một ví dụ khác:

Trong một lớp học Đệ Nhị bằng tiếng Anh, sau khi đã xem bộ phim về Gandhi trong những buổi học trước, tôi muốn những học sinh nói lên những gì đã làm chúng xúc động nhất trong bộ phim này. Tôi đã tổ chứcbuổi học theo trình tự như sau:

  1. Năm phút ngồi thiền trong im lặng

  2. Thông báo chủ đề

  3. Tìm một người cùng học hoặc chơi chung trong buổi học

  4. Viết những từ khóa lên những tấm bìa cứng

  5. Vẽ lại tình huống

  6. Giải thích bằng tiếng Anh về những gì làm chúng xúc động với những tấm bìa và hình vẽ của chúng.

  7. Kết thúc bằng bài hát "Đã về, đã tới"

  8. Những giáo viên của những trường khác rất xúc động khi nhìn lớp học mẫu này bởi bầu không khí dễ chịu, nhẹ nhàng, an ổn bao trùm cả buổi học, cho dù vẫn luôn có hai học sinh đến trễ như mọi khi!

Trong một lớp học Đệ Nhị tiếng Anh khác, tôi cũng nói về Đế quốc Anh ở Ấn Độ. Qua đó, những học sinh có thể hiểu được những tôn giáo khác nhau đang có mặt ở đó và chúng cũng có thể theo dấu chân Bụt bằng việc xem phim trong chuyến Thầy về Ấn Độ.

Trong một lớp Triết học, Đệ Nhất, chúng tôi cũng bàn luận về Đạo Đức Học và Siêu Hình Học. Năm Giới Quý Báu đã gây một ấn tượng lớn mạnh đến các học sinh.

Lớp cuối, tiếng Anh, chúng tôi đã học về Shakespeare, những đoạn thơ của ông và "The Taming of the Shrew" (Mụ ác bị thuần hóa)

Rồi dành cho những đứa con gái, câu hỏi là: "Làm sao kết hợp sự nhượng bộ và vượt thoát?", "Làm sao nhận biết được đâu là tình yêu chân thật?" Những điều này là cơ hội cho một cuộc thảo luận lớn giữa những học sinh. Chúng cũng dẫn ra những lý thuyết của Erich FROMM về "Nghệ thuật thương yêu" và những quyển sách của Thầy về Tình thương yêu.

Trong những lớp học về Dự Án, những học sinh lớp Đệ Nhị đã chọn cho dự án của mình chủ đề về "Thực phẩm", và điều này đã tự nhiên đưa chúng tôi đến những pháp thoại của Thầy về Bốn Loại Thực Phẩm.

Thứ hai, giờ đầu tiên của tuần, là lúc phù hợp nhất cho một buổi học về  "Làm mới":

–         Làm sao có thể làm tươi mát lại mình trong những ngày cuối tuần ?

–         Cái gì là quan trọng đối với tôi trong tuần lễ này ?

–         Tôi tha thiết muốn xem cái gì nhất?

Thứ sáu, buổi học cuối cùng của tuần rất phù hợp khi có ít phút ngồi yên nhìn lại những gì đã xảy ra, sau đó là một buổi thiền về lòng Từ.

Những bài vấn đáp thường làm cho học sinh căng thẳng rất nhiều. Do đó, trong buổi học trước, chúng xin được có một buổi thiền hướng dẫn của Thầy và sau khi vấn đáp là một buổi ngồi thiền khác để thư giãn.

Trong tất cả chín nhóm mà tôi dạy, tuyệt đối cần phải có một thứ làm khí cụ, đó chính là cái chuông nhỏ. Những học sinh hay than phiền khi tôi bỏ quên cái chuông trong phòng giáo viên và chúng thường đề nghị được đi lấy ngay. Điều này tất nhiên làm tôi rất vui lòng. Mỗi học sinh đều muốn được thỉnh chuông (để tránh sự ghen tị, tôi cho chúng được thỉnh chuông khi đến phiên, theo thứ tự abc, mỗi ngày trong tuần). Do đó, mỗi mười phút, sẽ có một tiếng chuông được thỉnh lên và tất cả mọi người đều thở vào, thở ra 3 lần.

thinhchuong1.jpg thinhchuong12.jpg

Trong trường trung học, mỗi năm 2 lần, mỗi lần có một tuần dành cho những chương trình. Những giáo sư, cha mẹ và những học sinh có thể đưa ra một chương trình cho tuần đó. Hai lần, tôi đã đề nghị một sự thực tập thiền theo Thầy. Đối với những học sinh, đó là một chương trình được ưa thích. 50 học sinh muốn tham gia nhưng phải giảm số người xuống còn 16 để mỗi chương trình đều có chỗ. Trong căn nhà tranh cũ xưa của tôi ở vùng quê, chúng tôi đã thực tập thiền ngồi, thiền đi, cắt gọt rau quả trong chánh niệm, ăn im lặng sau khi đọc Năm Lời Quán Niệm, viết Năm Giới và những bài thi kệ lên những tờ giấy lớn, hát những bài hát của Làng Mai và làm Thiền buông thư. Những học sinh chắc chắn rằng chúng đã được tham gia một chương trình tuyệt vời nhất.

 

Vào năm 2003, tôi đã hướng dẫn chương trình cho một ngày: "Le zen, c’est cool" (Thiền, đó là sự mát mẻ) với 40 học sinh trong một phòng lớn của trường: ngồi, đi, pháp thoại về chánh niệm, thiền trà, thiền quýt, nghe câu chuyện "Le Juge qui fait des étreinte" (thiền ôm), trao đổi những trái tim bằng giấy đỏ sau mỗi lần thiền ôm. Những học sinh yêu thích tất cả những thứ đó, những đứa em trai và em gái của chúng đã được nhận những trái tim và đưa cho tôi xem vào ngày hôm sau.

Về phần tôi, để hòa giải với tổ tiên người Đức và để có thể quỳ xuống lạy trước họ (cha tôi là một nhân viên và bác sĩ quân đội của Quốc xã), tôi đã tham dự một khóa tu quốc tế ở trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan với Benie GLASSMAN ROSHI đến từ New York. Những đứa trẻ của nước Đức và những nạn nhân người Do Thái đã gặp nhau trong những nhóm chia sẻ. Tôi đã vượt qua cánh cổng dẫn đến phòng hơi ngạt với những người Do Thái sống sót đang khóc và hát bài "Sh’Ma Israel". Nhân danh cuộc sống, chúng tôi đã trở thành bạn bè. Cuộc gặp rất xúc động với nhiều cảm xúc lẫn lộn.

Những kinh nghiệm này cho phép tôi mời những học sinh lớp Đệ Nhị làm một cuộc thực địa trong trại tập trung Buchenwald/Weimar ở Đức. Điều này cho chúng tôi cơ hội hòa giải với những người Đức trong quá khứ và tổ tiên của chúng tôi. Buổi tối và sáng, chúng tôi đi thiền hành và thiền ngồi trong những nơi tượng trưng của khu trại. Đây là một kỷ niệm đáng nhớ cho những học sinh.

 

thienhanh.jpg

Thiền tập trở thành một phần trong sinh hoạt hàng ngày của trường học, một phương tiện để làm yên lắng, tập trung và buông bỏ những nhận thức sai lạc. Những học sinh và cha mẹ chúng đã hiểu được sự giàu có của sự thực tập này như thế nào.

Để kết thúc, tôi muốn dẫn ra một vài lời nhận xét của các học sinh :

Rebecca (Lớp Đệ Nhị): Phòng thiền là nơi đẹp nhất của trường, ở đó, con có thể phục hồi sinh lực và con có thể buông bỏ. Con cảm thấy dễ chịu và con thích được ở đó lâu hơn.

Stephanie (Lớp cuối): Thật là quá tuyệt vời khi không còn bị tán loạn, đầu óc được thảnh thơi, không còn suy nghĩ và buông bỏ toàn bộ áp lực này.

Anna-Lêna (Lớp cuối): Thiền làm cho con khỏe khoắn, con bắt đầu tập trung vào hơi thở, trở về với chính mình và ý thức về thân thể mình. Thông thường, con hay bị vấn đề là suy nghĩ quá nhiều…

Johanna (Lớp Đệ nhất): Con đã thật sự đi vào chiều sâu khi ngồi thiền. Con không còn cảm nhận được tay, chân mình nữa. Con rất thích tập trung vào trái tim mình và chấp nhận những gì làm con đau khổ.

Vijnessa (Lớp Đệ nhất): Chứng đau đầu của con biến mất, con cảm thấy thư giãn và tỉnh táo.

Wiebke (Lớp Đệ nhất): Sau buổi thiền tập, con có cảm giác có được một nguồn năng lượng mới.

Daniel (Lớp Đệ Nhị): Con ngồi thiền mỗi buổi tối ở nhà và con thấy con trở nên yên tĩnh hơn.

Gaby (Lớp Đệ Nhị) – đến trễ vào buổi học Triết học đầu tiên: "Xin lỗi cô, gia đình con đã ngồi thiền tối hôm qua và chúng con ngủ ngon đến nỗi không nghe chuông báo thức."

 

Cho thiên niên kỷ 2000, tôi đã leo lên đồi Xóm Thượng với Thầy và với tăng thân. Tôi đã dán lên tấm bảng trắng một tấm hình căn nhà của tôi với mong ước thành lập một trung tâm tu học ở đó. Tôi đã thực hiện điều đó, trong 6 năm qua, bằng việc hướng dẫn tăng thân, từ Brande đến Schleswig-Holstein, trong thiền đường ở căn nhà cũ vùng quê của tôi.

Nhưng sau lần bệnh, tôi về hưu và phải bán căn nhà đó đi. Tôi quyết định đến sống gần Thầy ở Pháp.

Giảng dạy là niềm đam mê của tôi, những học sinh là những đứa con và bạn bè tôi. Người ta có thể học với niềm vui thích.

Tôi cũng thường nghĩ đến những đồng nghiệp của mình. Đầu tiên, có những ganh tị và cãi vã, nhưng khi tôi bắt đầu đến sống ở Làng Mai, những đồng nghiệp đã nói với tôi rằng : ‘Tụi tôi không thể cãi vã với chị nữa vì chị luôn luôn vui cười và thư giãn.’

Cá nhân tôi, thiền tập đã mang lại cho tôi nhiều sự trầm tĩnh và cho phép tôi giảng dạy trong một thời gian dài (40 năm) mà không có quá nhiều căng thẳng. Lòng tôi luôn tràn đầy niềm biết ơn với Thầy của tôi và những phương tiện Chánh Niệm mà Thầy mang đến cho tôi.