Hạnh buông bỏ
“Trong 18 tháng sống cuộc đời của một người xuất sĩ, không biết bao nhiêu là thử thách đã đến để kiểm tra xem tôi có thực sự có khả năng buông bỏ hay không. Hạnh phúc thay, những thử thách này đã đưa tôi đến một thực tập rất căn bản và sâu sắc, đó là nuôi dưỡng lòng từ bi đối với chính mình. Bất cứ khi nào có thể được, tôi đều cho phép mình có đủ thời gian để thực tập buông bỏ mà không quá ép mình, không bạo động đối với chính mình…” – Sư cô Chân Trăng Tam Muội
Xóm Hạ, ngày 20 tháng 9 năm 2013
Các bạn thương mến,
Khi tôi viết thư này cho các bạn thì xóm Hạ cũng vừa bắt đầu khóa tu mùa thu. Những chiếc lá bạch dương vàng ươm đang chao liệng theo làn gió nhẹ. Cơn mưa đầu thu đang tắm mát những đám cỏ khô héo vì nắng cháy của mùa hè. Đó cũng là lúc các sư chị sư em tôi cùng nhau lấy những chiếc mũ len và khăn quàng ấm áp ra dùng.
Thầy vẫn đang trong chuyến hoằng pháp bên Mỹ, nên xóm Hạ lúc này rất yên tĩnh. Mỗi tuần chỉ có khoảng 10 thiền sinh đến tu tập thôi (so với con số 220 vào cao điểm của khóa tu mùa hè). Chúng tôi rất hạnh phúc được bắt đầu thời khóa mới cho khóa tu mùa thu sau nhiều tháng bận rộn với các khóa tu đông thiền sinh đến dự như khóa tu mùa hè, khóa tu dành cho người trẻ, khóa tu sức khỏe …
Tôi là một “sư cô trẻ”* (baby nun), xuất gia trong gia đình cây Đỗ Quyên 18 tháng trước đây (vào ngày 4.7.2012). Mặc dù là người Anh nhưng tôi lại sống ở Pháp hơn nửa số tuổi của mình. Chính ở đó, tôi đã gặp được pháp môn thực tập chánh niệm của Làng Mai. Trong 14 năm, tôi đã cùng thực tập với tăng thân cư sĩ, trước tiên là với tăng thân Pháp, và 2 năm cuối cùng trước khi đi xuất gia là với tăng thân Hampshire, Anh Quốc. Suốt thời gian ấy, tôi đến Làng rất thường xuyên và cuối cùng thì quyết định “nhảy” vào trong dòng sông của tăng thân xuất sĩ, một nơi diệu kỳ mà giờ đây tôi đang bơi lội tung tăng như một em bé sơ sinh, thỏa thích chơi đùa và tu tập.
Chắc các bạn sẽ thắc mắc không biết giai đoạn chuyển tiếp từ cư sĩ sang xuất sĩ của tôi đã diễn ra như thế nào. Và lá thư này là cơ hội để tôi chia sẻ với các bạn những gì mà tôi đã quán chiếu được trong giai đoạn còn là một “sư cô trẻ” mới xuất gia.
Tôi xuất gia vì yêu thích pháp môn, thích khám phá tâm mình và áp dụng sự thực tập để chuyển hóa khó khăn. Khi hiểu được tâm mình hơn và có thể chuyển hóa được khổ đau của tự thân, tôi hy vọng sẽ có thể giúp những người khác làm được như vậy.
Trước khi đi tu, cuộc sống của người xuất sĩ là một sự bí ẩn đối với tôi. Lúc ấy thậm chí tôi không bao giờ muốn nhắc đến hai từ “nữ tu” vì nó gợi lại cho tôi rất nhiều tiêu cực trong văn hóa Tây Phương có liên quan đến hai từ đó. Trong cách nói của Làng Mai, hai chữ “xuất sĩ” dễ chấp nhận hơn.
Là một người có tuổi đời khá lớn so với phần lớn các vị xuất sĩ khác trong tăng thân, làm thế nào tôi có thể thay đổi những tập khí đã huân tập trong cả một quãng đời dài như vậy?
Nhiều năm về trước, lần đầu tiên tôi gặp Ani Lodron (một Giáo thọ người Scotland) tại Làng Mai. Khi ấy Ani vẫn còn là một sư cô trong truyền thống Tây Tạng. Ani chia sẻ: “Tất cả những thực tập mà Thầy dạy có thể được gói gọn trong hai từ: buông bỏ.” Cám ơn Ani, tôi không bao giờ quên những lời cô đã chia sẻ. Những lời này thường vang lên bên tai tôi bất cứ khi nào tôi gặp phải khó khăn.
Thế nhưng, có lẽ đó lại chính là điều mà tôi nên buông bỏ! Tri kiến là cái mà tôi cần buông bỏ nhất … Mặc dù vậy, tôi thấy cần phải nói thêm là trong tư cách là một người xuất sĩ, tôi đã phải buông bỏ rất là nhiều thứ khác rồi (quý sư cô lớn thường thường chỉ giữ lại vật dụng cần thiết đủ để bỏ vào một cái va li mà thôi.)
Trước khi xuất gia, tôi tưởng là (tưởng cũng là một cái rất cần buông bỏ) cuộc sống tập thể sẽ là một thử thách lớn nhất mà mình phải đương đầu. Bởi vì khi còn là cư sĩ tôi đã quen sống một mình và rất thích cuộc sống đó. Mình có thể làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ khi nào mình muốn và theo ý mình!
Tuy nhiên, tôi cũng đã từng sống chung với một người bạn trai và hai đứa con của anh ấy. Tôi cũng rất thích cuộc sống đó, tuy là không gian dành cho riêng mình bị hạn chế hơn. Dù vậy, việc phải sống chung phòng với 2 sư cô, và dùng chung một phòng học với 11 sư cô nữa cũng không phải là chuyện dễ, tôi nghĩ vậy.
Nhưng thực tế diễn ra lại khác hẳn, rất dễ chịu! Ở chung phòng thật vô cùng ấm cúng, lúc nào cũng có một sư chị hay sư em để mình chia sẻ khi buồn hoặc khi gặp khó khăn. Lúc nào cũng có một ai đó ôm mình an ủi, vỗ về. Mình sẽ không còn cơ hội để trốn chạy khi cơn giận hoặc sự bực bội nổi lên (đó là điều mà tôi hay làm khi còn nhỏ). Phải thực tập thôi! Sống chung gần gũi như vậy còn giúp cho mọi người thật sự tiếp xúc với chính mình bởi vì những người khác chính là tấm gương phản chiếu lại cảm xúc và tâm hành của mình. Vì vậy đó là một nơi thật tuyệt vời để thực tập. Không chạy trốn vào đâu được!
Nhớ lại những tuần đầu tiên ở chung phòng sau khi xuất gia, có rất nhiều cái, hay đúng hơn là những tham đắm, mà tôi nên buông bỏ – thí dụ như thèm được ngủ một mạch 8 tiếng liền không bị quấy rầy (đồng hồ báo thức cứ thi nhau reo vào sáng sớm, người ta có thể cho rằng ở Làng Mai thức dậy lúc 5 giờ sáng là sớm nhất, nhưng rất nhiều sư cô còn thức dậy sớm hơn nhiều!), thèm được ngủ trong một căn phòng tối, không có ánh đèn, hoặc thèm được chọn cái giường hoặc bàn học mà mình thích (thông thường sư em nhỏ nhất là người chọn sau cùng).
Mười tám tháng đã trôi qua, giờ đây tôi nhận ra rằng sự huấn luyện đó đã giúp tôi trở nên bớt đòi hỏi, biết buông bỏ nhiều hơn, nhờ đó tôi có thể phó thác mình cho tăng thân. Tôi thấy mình mỗi ngày càng có thêm niềm tin vào tăng thân. Tăng thân thật sự cho tôi tất cả những gi tôi cần, luôn quan tâm săn sóc cho tôi. Đây chính là mảnh đất mầu mỡ nhất để tôi có thể lớn lên.
Sống trong đại chúng, tôi không bao giờ bị lẻ loi bởi vì có rất nhiều sư chị sư em cùng chia sẻ, đi dạo và uống trà với tôi. Tăng thân có khả năng lắng nghe và hiểu biết rất lớn (chẳng phải đó chính là lý do mà chúng tôi có mặt ở đây hay sao?) Tôi đang thật sự sống trong một tăng thân yêu dấu – gia đình xuất sĩ của tôi. Càng ngày tôi càng thấy rằng sống một cuộc sống tri túc trong tăng thân đã giúp chữa lành những vết thương quá khứ mà tôi đã gánh chịu trong gia đình huyết thống. Ba mẹ tôi luôn bận rộn và thường xuyên bị trấn ngự bởi những khó khăn của chính họ. Họ không có may mắn được học cách đối trị với những cảm xúc mạnh của chính mình, nói gì đến việc chăm sóc tinh thần cho các con!
Trong 18 tháng sống cuộc đời của một người xuất sĩ, không biết bao nhiêu là thử thách đã đến để kiểm tra xem tôi có thực sự có khả năng buông bỏ hay không. Hạnh phúc thay, những thử thách này đã đưa tôi đến một thực tập rất căn bản và sâu sắc, đó là nuôi dưỡng lòng từ bi đối với chính mình. Bất cứ khi nào có thể được, tôi đều cho phép mình có đủ thời gian để thực tập buông bỏ mà không quá ép mình, không bạo động đối với chính mình. Tôi thích hình ảnh của một trái chín cây. Khi nó chín đủ thì tự nó sẽ lìa cuống mà rơi xuống. Tôi cho phép mình tự chín, và đó chính là lúc tôi cần trở lại với hơi thở để có thể mở lòng nhìn rõ hoàn cảnh, nhìn rõ cảm thọ của mình. Có khi tôi cần một vài tuần hay một vài tháng để thực tập. Dần dần tôi đã có thể kiên nhẫn hơn và tự chăm sóc chính mình.
Vì tôi là loại “học sinh gương mẫu” nên sau khi xuất gia tôi đã cố gắng thực tập để không phụ “lòng mong đợi” của mọi người. Thật là sai lầm không thể tả! Cố gắng để làm hài lòng mọi người không phải là một cách thực tập tối ưu, bởi vì mình sẽ bị kiệt sức và trở nên tuyệt vọng, có khi còn khiến cho mình không thích thực tập nữa. Từng chút từng chút một, giống như một em bé đang bước những bước đầu chập chững, tôi đã dần dần nhận ra rằng tôi phải sống thật với con người mình, với tất cả những khiếm khuyết của mình. Một trong những châu báu quý giá nhất mà tôi tìm được khi sống với tăng thân là ở đây hoàn toàn không có sự trách móc hay phán xét. Tôi thấy tôi được chấp nhận để là chính mình. Hơn thế nữa, tôi thấy dù tôi có như thế nào thì mọi người vẫn cứ thương tôi. Thật là một món quà vô giá!
Gần đây, trong một buổi sáng làm biếng (không có thiền tọa, ăn sáng lúc 8 giờ, có thể ngủ “nướng” được) , khoảng 3 giờ rưỡi sáng tôi đã bị đánh thức bởi tiếng đồng hồ báo thức. Vẫn còn đang ngái ngủ, tôi mở mắt nhìn “thủ phạm” một cách bực bội. Tôi thấy sư chị yêu quý ở chung phòng đang ngồi trên giường, loay hoay để tắt báo thức trong chiếc I-pod mới mua và cười một mình trước âm thanh của món đồ chơi mới đó. Khi ấy, tôi thấy mình có hai chọn lựa, hoặc là bực bội càu nhàu, hoặc là thấy sự việc thật đáng tức cười, bởi vì hình ảnh sư chị ngồi cười một mình trong một buổi sáng tinh mơ như vậy thật sự rất dễ thương. Tự dưng tôi mỉm cười, xoay người và ngủ trở lại ngay lập tức. Cũng có tiến bộ đấy chứ!
Cảm ơn tất cả các bạn đã yểm trợ cho tôi. Hãy đến tu tập với chúng tôi thường xuyên và đó là sẽ cơ hội cho các bạn cùng đi với chúng tôi như một dòng sông trong tăng thân tứ chúng.
Thương tặng các bạn một giỏ sung chín mùa thu!
Sư cô Chân Trăng Tam Muội (Sister Samadhi)
*Ở Làng Mai, thông thường thì giới hạn độ tuổi để xin tập sự xuất gia (bước đầu tiên trước khi gia nhập chúng xuất sĩ) là 50. Tuy nhiên, tôi lại viết thư xin tập sự vào độ tuổi 55. Tôi thật vô cùng tri ân tăng thân đã làm một ngoại lệ khi chấp nhận tôi.
(BBT chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh).