Thiên thần của mẹ

 

Quý sư cô kính thương!

Con viết thư này để chia sẻ một chút về sự thực tập giữa con với con gái ba tuổi rưỡi tên là Mathilde.Con gái của con thật sự là tiếng chuông chánh niệm cho con. Làm một người mẹ có chánh niệm cũng đủ là sự thực tập mỗi ngày của con rồi. Gia đình của con có cuộc sống giản dị ở một vùng quê vắng vẻ, nằm giữa những cánh rừng tuyệt đẹp ở Pháp. Mathilde và con dường như lúc nào cũng ở cạnh nhau vì bố cháu thì đi làm xa còn con thì ở nhà trông cháu. Bố cháu cũng thường hay có mặt cho cháu những lúc anh ấy rãnh .

Mathilde là một cô bé rất có óc sáng tạo, biết quan sát luôn muốn tham gia vào bất cứ việc gì mà con làm. Vì vậy, khi cháu thấy mẹ thiền tọa hay thiền hành cháu cũng muốn làm theo, những lúc ấy cháu thường hay giành thỉnh chuông khi hai mẹ con ngồi thiền, rồi cháu tiếp tục việc thỉnh chuông trong thời gian ngắn ngủi đó.

Trong khi con viết lá thư này thì Mathilde đang chăm chỉ lau dọn khu nhà Anh Đào (Cherry House) ở Xóm Hạ. Công việc chấp tác đã hoàn thành nhưng cháu lại muốn tiếp tục dọn dẹp. Cháu chăm chú vào việc quét nhà, lau chùi bàn ghế bằng một miếng xốp. Con thấy mình thật may mắn có một đứa con gái như vậy.

Mathilde là một đứa trẻ hiếu động, lúc nào cũng thích làm một việc gì đó. Ngoài những công việc cháu thích ra, cháu còn muốn làm những gì mà con đang làm. Có khi cháu dễ dàng nổi bực và không vừa ý với chính mình vì không thể hoàn tất công việc tốt như cháu muốn. Một hôm, cháu đang làm việc gì đó thì cháu trở nên rất giận dữ nên con đã khuyên: “Được rồi Mathilde, bây giờ con đừng làm nữa, bỏ cái con đang cầm trong tay xuống và thở hai hơi – vào, ra, vào ra, xong rồi con có thể tiếp tục làm.” Khi ấy, con không chắc là cháu có nghe lời con hay không. Con đã nói với cháu bằng một giọng điềm tĩnh. Theo con hiểu  mỗi khi cháu đang giận mà có ai nói điều gì, có khi lại làm cháu càng giận dữ hơn. Nhưng mới đây thôi,  khi cháu đang chơi trò ráp hình trên sàn nhà thì con nghe cháu phát ra những âm thanh mà khi nghe con biết là cháu đang gặp khó khăn (âm thanh của sự bực bội, không vừa ý). Con rất xúc động khi thấy cháu cố gắng ráp hai miếng hình vào nhau cho khớp nhưng không được. Rồi cháu bình tĩnh để hai miếng hình xuống, thở ra thở vào hai lần thật sâu, xong rồi nhặt hai miếng hình lên và ráp chúng lại với nhau một cách thật hoàn hảo! Vậy là cháu có nghe lời con trong những lần trước đó. Vậy là, phải trải qua một thời gian sau đó cháu mới đem ra thực tập. Con rất mừng khi thấy cháu tự giải quyết vấn đề bằng chánh niệm mà không cần con nhắc nhở.

Quý sư cô kính thương! Như con đã nói ở đầu thư, cháu chính là tiếng chuông chánh niệm của con, nhắc nhở con trở về với sự thực tập. Nếu con quên chắp tay trước khi ăn là được nhắc nhở ngay, cả bố cháu, người chưa từng đến Làng cũng được nhắc luôn. Cháu nhất định là tất cả mọi người phải làm việc đó trước khi bắt đầu ăn.

Khi nào hai mẹ con đi dạo trong vườn, cháu lúc nào cũng nắm tay mẹ và nói: “Mình đi thiền hành đi mẹ.” Con nhớ, có một lần con giận Mathilde quá và mất hết cả kiên nhẫn, con nói với hai cha con: “Em đi ra ngoài một chút.” Con đi thiền hành ngoài vườn để lấy lại sự bình an. Khoảng chừng 10 phút sau con trở vào nhà. Mathilde nói: “Mẹ đi thiền hành có khỏe không?” Con không hề nói với cháu là con ra ngoài đi thiền hành nhưng cháu cảm được là con đang bực dọc và cần đi ra ngoài một chút. Đó là một điển hình trong việc cháu biết ứng dụng sự thực tập.

Còn rất nhiều chuyện về cháu, cháu rất ý thức về việc thực tập chánh niệm nhưng con không thể nào kể hết và con cũng không thể nhớ hết được.

 

Mathilde và mẹ tại nhà ăn xóm Hạ

Quý sư cô ơi! còn một chuyện nữa mà con không thể nào quên có liên quan đến việc cháu là chuông chánh niệm của con. Và cũng liên quan đến việc con nổi giận!!! Lần đó con cảm thấy quá mệt mỏi về việc lúc nào cũng phải kiên nhẫn với Mathilde và sự đòi hỏi của cháu. Con đã giải thích với Mathilde là con đang có khó khăn. Con xin lỗi cháu về việc đó. Có những khi con trở nên mất kiên nhẫn và xin cháu giúp đỡ. Con nói mỗi lần thấy mẹ thiếu kiên nhẫn thì cháu có thể nói: “Mẹ, con muốn mẹ ôm con.” Và cháu đã thực tập rất tốt việc con nhờ. Lần đó con đang chuẩn bị cơm trưa cho hai mẹ con thì cơn bực bội trong con lại đi lên. Con bực với chính mình chứ không phải bực với cháu. Mathilde đến bên con và nói: “Mẹ, con muốn mẹ ôm con.” Phản ứng tức thời bên trong của con là không được vì con đang “bận” làm thức ăn. Nhưng khi con quay lại nhìn cháu, con nhận ra là cháu chỉ đang thực tập giúp đỡ mẹ thôi. Đó là cách cháu làm tiếng chuông chánh niệm cho mẹ. Bằng một cách nào đó, cháu đã cảm được sự bất an trong mẹ và đến giúp mẹ quay trở lại với giờ phút hiện tại. Cháu rất có ý thức về cảm thọ của mẹ. Con thấy không có sự ngăn cách nào giữa mẹ và con. Sự tương tức giữa các đấng sinh thành và con cái thật toàn hảo. Nhất là khi chúng còn nhỏ, như trong trường hợp giữa Mathilde và con. Con luôn tự dặn lòng luôn thắp sáng ý thức trong con về sự tương tức này.

Quý sư cô kính thương! Con nhìn  thấy  xung quanh có rất nhiều gia đình đổ vỡ giữa cha mẹ và con cái. Điều này, đã đem lại rất nhiều đau khổ cho tự thân cho gia đình và xã hội. Con nguyện thực tập thật tinh chuyên, gieo trồng chánh niệm để ngăn ngừa không cho sự đau khổ đó đến với con và Mathilde. Cháu là niềm vui, là hạnh phúc và là thiên thần chiếu sáng của con. Con biết làm một người mẹ chánh niệm rất khó, nhưng đồng thời con cũng ý thức là mình đã chọn con đường này rồi thì đây chính là cái mà con cần thực tập.

Lần này, đến Làng Mai cùng với Mathilde là một việc rất ý nghĩa cho con và cho cả Mathilde. Cháu quan sát tất cả những thực tập của tăng thân. Con biết, qua những gì cháu yêu cầu hay qua những gì cháu hỏi, hạt giống thực tập trong cháu đã được tưới tẩm, dù là cháu vẫn còn rất nhỏ. Trong thời gian hai mẹ con ở đây, Mathilde  đã hỏi tại sao con lại thích tới đây? Cháu đã lắng nghe rất hết lòng khi con giải thích tại sao.

Con xin cảm ơn quý sư cô và thân tăng thân đã gìn giữ môi trường nơi đây để chúng con có nơi trở về nương tựa. Cảm ơn mọi người đã chào đón Mathilde bằng tình thương yêu và lòng từ ái. Con mong rằng Mathilde và con sẽ tiếp tục cùng thực tập với tăng thân trong suốt cuộc đời của cháu. Con rất mong mỏi Làng Mai sẽ luôn luôn nằm trong lòng cháu, hay cháu lúc nào cũng biết quay về nương tựa Bụt, Pháp và Tăng.

Hoa sen xin tặng quý sư cô

Anna Hywel-Davies và Mathilde