Về Ăn Cơm
“Giờ này con đã thật sự về đây ăn cơm với mẹ với ba rồi. Con cũng biết rằng khi con dừng lại thì khung trời hạnh phúc sẽ rộng mở đón con. Ngày xưa khi ăn cơm, ba mẹ luôn nhắc con: “Ăn kỹ no lâu, cày sâu lúa tốt.” Vì thế con tự hứa với mình mỗi ngày, ít nhất một buổi sẽ ngồi ăn cơm thảnh thơi. Không vội vã nữa. Không để vòng xoáy cuộc đời nó đánh bật con đi…”- Phương Phong.
“Trong ta ai cũng có một em bé, nếu biết trở về với em bé chính mình, ta sẽ có cơ hội được trị liệu”.
Những ai xa quê, sẽ nhiều lần thao thức một khoảng trời bao la rộng lớn. Trong đôi mắt bé thơ ngày nào, những cánh đồng bát ngát, những con sông lượn vòng phù sa vun đắp, những cánh diều no gió, những cánh cò lả lơi mất dấu nơi chân trời xa thẳm…Chốn thị thành đông đúc; đôi khi thèm tiếng sáo diều, tiếng à ơi. Khói bụi lấm lem thêm chút choáng váng của sự náo nhiệt sẽ làm mình mệt nhoài. Trời đất! Có những bữa cơm vội nơi hè phố thèm làm sao bữa cơm mẹ nấu. Có những hôm, mưa như trút nước. Trú ngoài hiên cửa hiệu, tôi nhớ cái thời lưng trần chạy rong tắm mưa. Cả bọn trong xóm kéo nhau chạy vòng quanh, vật lộn rồi té nhào xuống mương. Thả thuyền giấy để xem chiếc nào sẽ cặp bến trước. Rồi những hôm đi bắt dế, bắt cua đồng…
Ngày trước cứ nô đùa với đám bạn đâu biết chi giờ giấc. Tới bữa ăn là, “Tý ơi, Tèo ơi về ăn cơm con!” nhiều khi kéo cả bọn con nít về ăn chung cho vui. Tình quê là thế ấy. Chiều nay, bụng đói meo, dừng bên quán nhỏ ven đường, ăn dĩa cơm vội mà tôi nhớ da diết bếp hồng quê nhà.
Đôi khi trên bàn cơm chỉ có rau luộc, hay canh lá me, với trứng dầm tương, ấy vậy mà ngon lạ. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ là thiên đường của bọn tôi rồi. Có những lúc nhà không có tiền để mua gạo nấu cơm, phải ăn cháo đỡ lòng. Nhưng tuổi mới lớn, thay vì ăn một nồi cơm tôi ăn hai nồi cháo. Thế là cầm lòng không được, mẹ phải đi vay tiền đắt đỏ trong khi đợi lương của ba.
Vừa đói, vừa ăn, vừa nhớ, nhớ quá đi thôi. Không biết tự khi nào nước mắt thành canh, chan hòa với dĩa cơm đỡ lòng. Tôi nhớ mùi khói bếp trong từng hạt gạo thơm nồng. Tôi biết khói bếp đã nhiều lần làm mắt mẹ cay cay. Có lẽ chiều nay trong bữa cơm chiều đôi mắt mẹ vẫn xốn xang.
Rồi chợt! Từng giọt nước mắt rơi. Buông đôi đũa xuống, thở dài: “Không biết giờ này con Hai, thằng Ba sao rồi? Làm việc cả ngày cả đêm mà vẫn không đủ sống. Nơi thành phố đầy cạm bẫy, tôi lo quá ông à!” Rồi mẹ bật khóc. Ba từ tốn: “Không sao đâu bà tụi nó, sẽ ổn thôi!”
Bất chợt trong đầu tôi vang lên khúc nhạc: “Sáng sớm đi bắt cua đồng, đi thả diều, huýt sáo nô đùa bên đám bạn, nơi lũy tre chơi trốn tìm. Khói bếp cay mắt mẹ già bên bếp lò, cơm nấu xong rồi, mấy đứa về ăn bữa cơm.”Điệp khúc cất cao và mênh mang như con diều no gió. Nó vang vọng, réo rắt như tiếng sáo giữa cánh đồng bất tận. Có lẽ đã là cao trào của cảm xúc. Vừa ăn vừa nghèn nghẹn nơi cổ.
Ngày nào chỉ biết rong chơi với đám bạn, đâu lo lắng gì, tới bữa chỉ đợi “về ăn cơm đi con.” Vậy mà giờ đây phải lo lắng, tính toán đủ mọi bề. Nhiều căng thẳng, khổ đau, lo lắng và thất bại trong dòng mưu sinh chợt vỡ òa một khi tôi hiểu được nỗi vất vả của ba mẹ đã hy sinh cho con lớn khôn. Chỉ có hiểu thật sự rồi, tôi mới thương ba mẹ nhiều như thế. Nói sao cho cạn lời.
Tôi còn nhớ, tết nào mẹ tôi cũng mua một vài chậu vạn thọ để trong nhà. Không phải là để trang trí mà để cho vui, cho ấm cúng, cho đỡ nhớ con. Hơn mười một năm xa quê, tôi chỉ ăn tết với gia đình một lần.
Có nhiều loài hoa đẹp để đón tết nhưng tôi thích nhất là hoa vạn thọ. Vì thế mẹ tôi luôn xem, có hoa vạn thọ là có sự có mặt của tôi trong nhà. Nhìn bông hoa mà nhớ đến tôi, biết tôi có đó cho ba mẹ. Vậy tại sao mình lại không thấy ba mẹ trong chén cơm. Ngày xưa mỗi khi dùng bữa đều phải mời ba mẹ ăn cơm trước khi mình ăn cơm. Tối nay, tôi bắt đầu đặt bút và viết đôi dòng gửi mẹ.
Mẹ kính yêu!
Mẹ ạ! Con biết bếp nhà mình vẫn ấm. “Về ăn cơm đi con” vẫn vang vọng trong con. Tiếng gọi ấm áp của mẹ đã làm con thức tỉnh trước vòng đời đua chen. Đã bao ngày con vật lộn, con chơi trò trốn tìm với chính con. Giờ đây con đã thật sự về đây ăn cơm với mẹ với ba rồi.
Con cũng biết rằng khi con dừng lại thì khung trời hạnh phúc sẽ rộng mở đón con. Ngày xưa khi ăn cơm, ba mẹ luôn nhắc con: “Ăn kỹ no lâu, cày sâu lúa tốt.” Vì thế con tự hứa với mình mỗi ngày, ít nhất một buổi sẽ ngồi ăn cơm thảnh thơi. Không vội vã nữa. Không để vòng xoáy cuộc đời nó đánh bật con đi. Tay bưng chén cơm con nói thầm: “Đây là giây phút ấm cúng của gia đình mình.
Mời ba mẹ ăn cơm với con.” Như thế, con thấy ba mẹ có mặt đó cho con. Con buông dần lo lắng, suy tư. Trong từng hạt cơm, con thấy chan chứa không biết bao nhiêu tấm lòng của những người tạo ra nó. Con cũng thấy được hương lúa, hương mạ non, nắng vàng, mưa và đất trời cao rộng.
Con thưởng thức từng muỗng cơm, từng cộng rau, con nhai chậm rãi và bắt đầu có hạnh phúc. Con thấy gia đình mình không tách rời nhau. Con là sự tiếp nối của cha mẹ. Tấm lòng con mở ra, con biết ơn vô cùng người đã nấu cho cơn dĩa cơm này. Khoảng cách giữa người bán và kẻ mua đã mất.
Mỗi lần con gặp các bác bán cơm là con luôn mỉm cười với niềm biết ơn và kính trọng sâu sắc. Không biết có phải do tấm lòng mình như thế mà bữa nào dĩa cơm của con cũng đầy “tình thương”. Con thương các bác như mẹ. Chỉ biết cười và nói vài câu gì đó cho vui, để giúp các bác vơi đi những nỗi nhọc nhằn theo năm tháng.
Giờ đây con thấy rõ con là người có gốc rễ, có cha mẹ tổ tiên trong con. Con không cảm thấy cô đơn, lo lắng gì nữa. Mẹ ạ! Chiều nay con đã về ăn cơm với mẹ với ba thật rồi!
PHƯƠNG PHONG