Sư cô Đẳng Nghiêm hiện đang tu tập tại Tu viện Lộc Uyển, Mỹ. Trước khi xuất gia, sư cô đã tốt nghiệp Y khoa tại UC San Francisco, Mỹ. Dưới đây là trích đoạn chia sẻ từ cuốn sách “Áo vách núi” – tuyển tập những hoa trái tu tập của sư cô trong 18 năm qua.
Có lần Bụt ngồi trước thính chúng và nâng lên một cành hoa. Tất cả các thầy, các sư cô đều nhìn và cảm thấy ngạc nhiên, không hiểu Bụt có ẩn ý gì. Chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười, và ngài trở thành vị tổ đầu tiên của tông phái Thiền. Khi con nâng lên cành hoa này, có nhiều cô và các em mỉm cười, thành ra con thấy có nhiều thiền sư đang ngồi ở đây!
Khi đại chúng nhìn bông hoa này, đại chúng có những ý nghĩ gì? Xin cho con vài thí dụ.
“Màu vàng.”
“Mùi thơm đi rất xa.”
“Có một hoa tươi và một hoa đã héo.”
“Vô thường.”
“Hạnh phúc.”
“Hoa đẹp…”
Đại chúng có biết không? Trong hoa này, mỗi một cái cánh là một hoa riêng biệt. Hoa này thuộc vào bộ hoa Cúc (gia đình Asteraceae hoặc Composite). “Com” trong chữ “composite” nghĩa là đến với nhau, chung với nhau. Một bông hoa được định nghĩa là có nhụy riêng của nó (nhụy đực, nhụy cái, hoặc có cả nhụy đực và nhụy cái), và vì thế nó có thể thụ phấn, được thụ phấn, hay tự thụ phấn. Trong gia đình Asteraceae, mỗi một cánh hoa đều có nhụy riêng của nó. Thế thì đây không phải là một bông hoa, mà là rất nhiều bông hoa được hợp lại với nhau, gọi là tổng hợp, thể hợp để tạo nên một đoá hoa. Cũng vì tất cả những hoa nhỏ đến chung với nhau để tạo thành một đoá hoa, khả năng thụ phấn và sự hữu hiệu của nó rất cao. Chúng ta hãy tưởng tượng nếu chúng tách riêng cái cơ hội để chúng làm được điều đó sẽ rất khó, nhưng chung lại với nhau thì chúng trở thành một loài hoa, phổ biến mạnh mẽ, có khả năng sống còn và phát triển ở nhiều nơi trên thế giới ở những khí hậu khác nhau. Có rất nhiều loài cỏ dại, hoa và rau quả thuộc vào bộ hoa Cúc, ví dụ như bồ công anh, thược dược, cúc daisy, xà lách, atiso, v.v… Đến thăm Lộc Uyển, chúng ta thấy mọc khắp nơi rất nhiều loài cây xô thơm, cây cỏ và hoa dại khác cũng thuộc vào gia đình này.
Mùa này nhiều loài hoa đã bắt đầu tàn. Nhìn những cánh hoa rũ xuống, chúng ta có thể thấy vô số nhụy đực bên trong. Mỗi cánh hoa tự nó đã là một bông hoa, và một bông hoa có rất nhiều bông hoa trong nó. Chúng ta đã được học giáo lý Hoa Nghiêm, cái một chứa đựng cái tất cả. Vậy thì đây là một ví dụ thực tiễn mà chúng ta có thể thấy và sờ mó được. Một bông hoa có rất nhiều bông hoa trong nó. Trong chính nó, nó đã đầy đủ và cùng một lúc chứa đựng tất cả những cái kia. Khi thành lập một tăng thân, như tăng thân Xóm Dừa, tăng thân Lộc Uyển, tăng thân Làng Mai, chúng ta cũng đến với nhau trong tinh thần này. Mỗi một chúng ta là hoa, và chúng ta làm nên một đoá hoa tăng thân. Đoá hoa này có cơ hội được biểu hiện một cách đẹp đẽ, có màu sắc linh động, mùi hương lan rộng, và làm đẹp cho đời.
Sống trong tăng thân hoặc sinh hoạt với một tăng thân, mỗi người thực sự đang học làm một cánh hoa của một đoá hoa. Tuy mình trong tự thân là một nụ hoa, nhưng mình học sống hoà hợp, làm một thành viên, để đoá hoa biểu hiện một cách đẹp đẽ. Nhìn vào hoa này, chúng ta có thấy cánh hoa nào quan trọng hơn cánh hoa nào không? Không có cánh hoa nào nổi bật cả. Chính vì nó không nổi bật, chính vì nó hoà chung vào, nó mới làm nên một đóa hoa đẹp. Đây là sự thực tập, mà mình gọi là vô thường, vô ngã. Trong thiên nhiên và trong con người mình có tuệ giác này, nhưng mình phải học sống và tập sống tuệ giác này trong đời sống hàng ngày. Những năm đầu tiên khi con mới về Làng, có những cái bức xúc, khó chịu đi lên trong con khi con bị chỉnh bởi một sư cô hay một sư chị, hoặc khi con bị một sư em đối xử không dễ thương. Những ý nghĩ phân biệt đi lên như: “Mấy người này học dở hơn mình mà dạy mình, ăn hiếp mình… Có tu giỏi đâu mà la mình!” Rồi con lại nghĩ hồi đó mình sống bên ngoài có tự do, muốn lái xe, mua vé máy bay đi đâu thì đi, tự nhiên bây giờ mình phải là người ở lại, nhìn người ta đi. Đi tu là lần đầu tiên con làm người ở lại. Trước đó, con luôn là người ra đi. Muốn đi đây đi đó thì khoác ba lô lên vai và đi. Trong liên hệ tình cảm cũng vậy, hết hạnh phúc thì mình ra đi. Con đã cho sự ra đi đó là một sự tự do, mình làm chủ con người của mình, làm chủ cuộc đời của mình. Về Làng tu học, con mới thấy rõ rằng đó không phải là mình làm chủ mình. Mình giận mình đi, thì cái gì thật sự dẫn mình đi? Chính cái giận dẫn mình đi. Sự tự do của người tu không phải ở chỗ muốn lên xe đi lúc nào là đi. Sự tự do của người tu là học làm một nụ hoa trong tự thân nhưng cùng lúc là một phần của một đoá hoa. Giận cũng ở đó để thở thôi. Trong buổi pháp đàm gần đây, thầy Pháp Hội chia sẻ có những lần thầy giận, thầy nghĩ đến chuyện bỏ đi, nhưng đi đến vườn rau thì lại quay trở lại. “Giận thì chỉ đi tới vườn rau là cùng!” thầy nói và cười thật tươi. Chính sự quay trở lại, ngồi yên, nhìn được mình và hoà giải được với người kia chính là học làm một nụ hoa. Sự thực tập này làm cho mình trở nên toàn vẹn hơn, đẹp hơn, tự do hơn. Khi mình nổi tiếng hay tài năng, chính lúc đó mình có cảm tưởng mình như là một cái trứng chọi đá. Mình nghĩ mình tự lập, nhưng thực sự trong chiều sâu tâm thức, mình biết mình bất lực, không có khả năng điều khiển được những cơn giận hay chuyển hoá được những khổ đau của mình. Mình tự hào nhưng bất lực, và cái mâu thuẫn đó trong con người của mình làm cho mình bất an, đau khổ. Cái tự hào, tự tôn thường đi đôi với cái mặc cảm tự ti. Mình cảm thấy phải luôn luôn chứng minh là mình hơn người. Sống trong tăng thân, khi những ý nghĩ phân biệt, tự hào trong con nảy lên, cái thực sự giúp con không bị cuốn đi là quay về với hơi thở, đi thiền hành, ngồi yên, thấy được những suy nghĩ đó và mỉm cười. Rồi cơn bão cũng qua. Một lần như vậy là một lần nếm được sự làm chủ chính mình.
Trong gia đình, chúng ta cũng cần học làm những cánh hoa. Nhiều bậc cha mẹ quen cách từ trên nói xuống: “Con phải làm như thế này. Con phải làm như thế kia…” Có thể điều này hữu hiệu khi con còn nhỏ và cần mình cho ăn, cho mặc, cho nơi ấm êm để ngủ. Nhưng nhiều người trẻ, một khi có khả năng tự suy nghĩ và bắt đầu làm ra tiền, không còn tiếp nhận được cách nói từ trên xuống của cha mẹ. Điều này đưa đến sự mâu thuẫn và đổ vỡ trong nhiều gia đình. Cha mẹ và các con không truyền thông được với nhau. Gia đình không còn là mái ấm để người trẻ muốn quay về. Nếu chúng ta học làm những cánh hoa, không lớn hơn mà cũng không nhỏ hơn, nương vào nhau, dùng tâm ban đầu để thấy nhau luôn luôn mới thì chúng ta sẽ lớn lên được với nhau. Cha mẹ sẽ được lớn lên (chứ không phải chỉ già đi) và làm bạn đồng hành với các con của mình. Mỗi ngày các con của mình học được rất nhiều điều và có những cái thấy rất sâu sắc mà chúng có thể chia sẻ với mình. Mình có mặt để lắng nghe những khổ đau, những vui buồn của con mình. Mình thử nghe nhạc với con và thỉnh thoảng đi những sinh hoạt với con. Các con sẽ không bao giờ thấy mình già, lỗi thời, mà chúng thấy mình rất trẻ, rất chịu chơi. Mỗi thành viên thực tập làm một cánh hoa để làm nên một đoá hoa đẹp cho gia đình. Các thầy các sư cô trong gia đình xuất gia của Làng Mai cũng thực tập như vậy. Có những sư anh, sư chị, sư em của con rất giỏi, có nhiều tài năng, nhưng họ không phải là những người lãnh đạo. Mọi người đều chung sức tu tập, làm việc, và cùng đi đến những quyết định chung. Không có một cá nhân nào đứng ra làm người lãnh đạo.
Có vài lần cảnh sát đến Tu viện Lộc Uyển, bước vào nhà ăn của xóm Trong Sáng trong khi đại chúng đang cùng ngồi ăn trưa với nhau, họ hỏi: “Who’s in charge here?” (Ai là người lãnh đạo ở đây?). Các thầy các sư cô ngồi yên, không ai nói gì. Họ rất ngạc nhiên khi thấy một phòng đầy người nhưng không có ai là người lãnh đạo. Vài giây sau, một thầy một sư cô nào đó vì thấy tội nghiệp nên tự giác đứng lên và đến tiếp chuyện với họ. Mình tập nương vào nhau, học có những cái nhìn cái thấy sáng tỏ về chính mình và về nhau để cùng tạo dựng một cái gì luôn luôn mới và đẹp. Nếu nó không còn đẹp nữa thì mình có thể làm mới lại. Trong tất cả các mối liên hệ, nếu mình học làm những cánh hoa thì mình sẽ hạnh phúc và bền vững hơn nhiều. Những khi mình nghĩ mình là một bông hoa tuyệt vời, mình có thể tự đứng một mình được, mình có thể nổi trội hơn tất cả những đoá hoa khác, thì mình thở với ý nghĩ đó, mỉm cười với nó, và tuy nó dễ thương mình cũng thở ra cho nó bay đi. Thở cho nó bay tít mù. Nếu nó trở lại thì mình cứ thở với nó, nhưng mình không hành động, tuân thủ theo nó. Dần dần mình sẽ thấy được cái đẹp được sống trong tăng thân, được tu học với tăng thân, được chuyển hoá và trị liệu. Mình cũng thấy được sự vô thường của đoá hoa. Cái gì đẹp cũng sẽ qua, nhất là trong hình sắc, nhưng nó không mất. Mình có được giây phút thiên thu vì mình sống sâu sắc và chan hoà với nhau.
Một điều thú vị nữa là khi quán sát các cành cây, chúng ta thấy được có một sự lặp lại trong cái mô hình (repeating patterns) của thân cây và cành cây. Trong sinh vật học (biology), sự lặp lại này được gọi là Fractal. Ví dụ như trong nhành cây này, mình thấy nó bắt đầu từ một thân chung, rồi nó chia ra, chẻ ra làm 3 nhánh. Mỗi một nhánh sau đó chính nó lại chẻ ra làm 3, rồi mỗi một nhánh nhỏ này lại chẻ ra làm 3, và cứ tiếp tục như vậy. Khi mình bẻ ở mỗi đoạn như vậy, thì mình thấy đoạn này là sự lặp lại của đoạn kia. Bụt cũng đã dạy về điều này trong giáo lý “Tam luân không tịch”. Trong sự trao truyền, người trao truyền, người tiếp nhận sự trao truyền, và vật được trao truyền là một, không hề sai khác. “Tam luân không tịch” nghĩa là như vậy. Ví dụ khi nói về cha mẹ và con cái, mình thường nghĩ rằng: “Cha khác với con, mẹ khác với con. Chồng khác với vợ. Họ là những người khác nhau.” Nhưng từ hơn 2500 năm về trước, Bụt đã dạy rằng ba sự trao truyền này đều trống rỗng. Không có tu học thì khi nhìn vào người con hoặc một người trong tăng thân của mình, mình sẽ thấy người đó khác mình. Cơ thể của người đó, những tư duy và cảm thọ của người đó là khác mình. Người con, người cha, mẹ, anh chị em, bạn đồng tu, hoặc người hôn phối của mình là khác mình. Nhưng khi có sự tu học và có sự nhìn lại, mình sẽ thấy được mình trong họ và họ trong mình. Thiên nhiên dạy chúng ta tất cả những bài học này, rằng sự trao truyền được lặp lại, chính nó được tiếp nối. Khoa học chứng minh được điều này. Khi tinh trùng của người cha nhập vào trứng của người mẹ, thì tinh trùng đóng góp 23 nhiễm sắc thể của người cha và trứng đóng góp 23 nhiễm sắc thể của người mẹ. 23 nhiễm sắc thể từ người cha chứa đựng tất cả các thông tin di truyền của người cha dưới dạng gen. 23 nhiễm sắc thể từ người mẹ chứa đựng tất cả thông tin di truyền của người mẹ. Không phải chỉ màu mắt, màu tóc, hình dáng của thân thể, mà những bệnh di truyền như bệnh huyết áp cao, bệnh tiểu đường, nhiều loại bệnh ung thư cũng được trao truyền. Những cá tính, lề thói tư duy và tập khí cũng được trao truyền. Tất cả những gì trong chúng ta đều là kết quả của sự trao truyền từ tổ tiên và sự trao truyền này có sự lặp lại.
Trong y khoa có một bệnh gọi là Huntington’s Chorea. “Chorea” là từ chữ choreography, nghĩa là điệu múa. Người có bệnh này thì hai cánh tay luôn di động như đang múa, và người đó không thể nào làm chủ, dừng lại hai cánh tay của mình. Những nhà di truyền học nhìn vào cấu trúc gen và khám phá rằng có sự lặp lại trong ba chuỗi phân tử DNA (CAG). Ví dụ như bộ mã CAG trong người cha được lặp lại 30 lần, thì người cha dù mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện bệnh này. Nhưng nếu người con sinh ra và lớn lên với những điều kiện nội tại và ngoại tại nào đó mà CAG được lặp lại hơn 36 lần (nếu ít hơn 30 lần thì không bệnh, nhưng hơn 36 lần là mang bệnh) thì người con sẽ biểu hiện bệnh Huntington’s Chorea. Nhìn người cha không thấy cái bệnh, nhưng nếu nhìn vào tận nguồn, mình thấy người cha mang mầm của căn bệnh và đã trao truyền cho con của mình.
Có những sự lặp lại đưa đến sự sống. Chúng cần thiết và xảy ra thường xuyên trong thiên nhiên và trong con người. Ví dụ như sự lặp lại trong các loài cây cỏ – nếu không có cây cỏ, chúng ta không thể sống được. Nếu không có sự lặp lại của các gen chúng ta cũng sẽ không có sự sống. Ý thức điều này trong khi tu học giúp chúng ta sáng suốt chọn lựa và làm chủ những gì mình nên lặp lại. Có những cái rất đẹp mà tổ tiên, cha mẹ đã trao truyền cho mình, và mình có thể tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển. Trong sinh hoạt tăng thân với nhau cũng có những sự trao truyền rất đẹp từ chánh pháp mà mình có thể học hỏi, đem vào con người của mình và sống được. Đối với riêng con, sống với Tăng thân không những con học được từ Sư Ông, mà con cũng học được rất nhiều từ các thầy, các sư cô, các sư anh, sư chị, sư em của con. Giống như con vịt con đi sau lưng con vịt mẹ, nó bắt chước cách đi của mẹ nó. Mình cũng vậy, có những cái đẹp từ bên trong đã được ghi mã trong mỗi tế bào của mình. Cũng có những sự trao truyền đến từ bên ngoài mà mình nhận được từ những hình ảnh đẹp, âm thanh hay, mùi hương, pháp vị và chúng cũng trở thành con người của mình.
Cũng có những sự trao truyền và lặp lại đem đến bệnh hoạn và khổ đau, nhưng cái may mắn là con người không phải tuân theo hoàn toàn thuyết định mệnh. Theo thuyết định mệnh, trao truyền như thế nào thì sự tuân theo và sự lặp lại phải y như thế đấy, như trong sự lặp lại của thân cây và các cành cây. Con người có khả năng chọn lựa, chuyển hoá và trị liệu. Con người có thể hướng năng lượng của mình. Ví dụ như khi đi tu, người tu có cơ hội thay đổi được thân và tâm của mình như trong câu: Phát túc siêu phương, tâm hình dị tục. Mình học ăn, nói, đi, đứng, nằm, ngồi có chánh niệm, có uy nghi, nên phong cách của thân mình sẽ thay đổi. Mình học tư duy và nhìn vào các hiện tượng của tâm khác thường lệ, nên thái độ và những tâm hành của tâm mình cũng thay đổi. Nếu chúng ta có nhiều kiến thức, ngay cả kiến thức Phật học, nhưng không áp dụng được, thì thân tâm của chúng ta vẫn phản ứng và hành xử theo lề thói trước kia. Nhưng nếu chúng ta tu tập và nhìn sâu, chúng ta sẽ khám phá và chế biến được những áp dụng thực tiễn.
Có cơ hội được tu học, chúng ta phải tu học như thế nào để có một cái nhìn luôn luôn mới, một cái tâm luôn luôn mới. Những cái bình thường trong cuộc sống hàng ngày, mình thấy hoài nhưng không bao giờ nghĩ nó phản ánh được con người của mình. Sự tu học cho mình cái thấy mới, giúp cho mình làm được công việc khám phá ra chính mình và chuyển hoá được chính mình. Nếu mình tu mà không có tâm ban đầu thì mình sẽ không đi sâu được vào sự tu học, nếu không đi sâu được vào sự tu học thì sự chuyển hoá và trị liệu sẽ bị trì trệ và ngừng lại. Mình bị rơi vào ngõ cụt. Chính sự tinh tấn, sự khám phá, tò mò, thích thú của mình sẽ đưa mình đến sự chuyển hoá và trị liệu. Sự chuyển hoá và trị liệu sẽ làm cho mình càng thích thú, tò mò, đi sâu vào sự tu học, và nuôi dưỡng tâm ban đầu của mình. Những yếu tố này hỗ tương nhau. Bất cứ một giây phút nào mình cảm thấy mình không còn cái tâm ban đầu, mình vắng đi bước chân chánh niệm, hơi thở chánh niệm, hoặc mình chưa đi sâu vào nó, mình phải bắt đầu lại. Càng tu lâu năm mà không có thói quen tu tập thì càng khó để tu. Người mới vào đạo khám phá được một cái gì đó và áp dụng được thì dễ đi tới. Nhưng nếu người tu có tập khí không tu thì rất nguy hiểm. Mình có kho tàng giáo lý và có thể nói thao thao bất tuyệt, nhưng mình không thật sự cảm được và sống được nó. Một khi đã lập nên một tập khí nào đó thì rất khó để thay đổi. Nhưng nếu mình có sự dõng mãnh thì mình bắt đầu lại từ những bước căn bản nhất.
Chánh niệm không phải là một loại tập khí mà một khi mình bắt đầu làm được, là mình luôn làm được và có được. Một tập khí có thể tự động lặp lại (it operates on autopilot), như trong khi lái xe mình có thể nghĩ về trăm ngàn chuyện khác. Chánh niệm, ngược lại đòi hỏi sự có mặt thực sự của tâm. Chỉ trong tích tắc tâm mình không có mặt trong giây phút hiện tại là mình không thực sự thấy, nghe, tiếp xúc sự vật sâu sắc. Chánh niệm vì vậy sống động và thú vị trong chính nó. Để có thể ý thức về hơi thở và bước chân, tâm phải trở về và có mặt. Những sự thực tập căn bản này rèn luyện cho chúng ta khả năng quay về để tiếp xúc được với cuộc đời của mình, và mỗi giây phút như vậy sẽ không quá ngắn ngủi, đơn điệu, mà nó có thể rất thú vị, mới, và sâu sắc.
Hầu hết trong các bài pháp thoại, Thầy đều nói về hơi thở chánh niệm. Có thể chúng ta thắc mắc không hiểu tại sao Thầy luôn nói về hơi thở. “Ai mà không thở?” chúng ta thầm nghĩ. Con cũng đã từng nghĩ, chắc chỉ có Thầy của mình mới có một cái đam mê, thích thú đặc biệt về hơi thở. Khi con bắt đầu đọc thêm kinh điển, con khám phá rằng Bụt nói rất nhiều lần về hơi thở chánh niệm trong mỗi bộ kinh. Ví dụ như trong Tương ưng bộ, có ít nhất 14 kinh Bụt nói về sự thực tập hơi thở, áp dụng trong các trường hợp khác nhau. Con chợt nhận ra rằng không phải chỉ Thầy mình, mà Bụt cũng đã từng làm như vậy. Bụt nói rất nhiều về tầm quan trọng của hơi thở chánh niệm và lặp đi lặp lại 16 bài tập căn bản như trong kinh Quán niệm hơi thở. Tại sao Bụt muốn có sự lặp lại? Tại sao Bụt phải nhấn mạnh như vậy trong rất nhiều trường hợp khác nhau? Và bây giờ chính Thầy mình cũng vậy, một người tu hơn sáu mươi năm với nhiều tuệ giác cao siêu mầu nhiệm, thì tại sao Thầy mình chỉ thường nói về hơi thở? Mình thấy nó quá căn bản và bình thường. Có những lúc vừa bắt đầu nghe chữ “hơi thở” là tự nhiên mình đóng lại. Biết rồi! Nghe rồi! Đó là cái tâm lý. Chính đó cũng là cách mình sống trong đời sống hàng ngày. Thấy cái này: “Bông hoa, biết rồi.” Đóng lại. Thấy cái này: “Cành khô, biết rồi.” Đóng lại. Mình không thấy gì hơn nữa hết. Nghe danh từ “hơi thở” là “biết rồi.” Đóng lại.
Những nhà khoa học não bộ có đề cập đến vấn đề này. Vỏ não chứa đựng tất cả những hình ảnh và tin tức chúng ta đã thấy trong cuộc đời của chúng ta (chắc chắn cũng chứa đựng tất cả những hình ảnh và tin tức mà cha mẹ, ông bà tổ tiên của chúng ta đã chứng kiến, trải nghiệm qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Khi mình nhìn một vật gì hoặc xúc chạm nó, thì tin tức đó được đưa vào trong mắt của mình hoặc được đưa vào thần kinh cảm giác, đến trung tâm não và đi lên vỏ não. Vỏ não có một chiều dày với sáu lớp. Tin tức đang đi lên từ lớp phía dưới (hướng lên lớp phía trên cùng), thì cùng lúc đó, từ lớp trên cùng vỏ não cũng gởi xuống tín hiệu: “Biết rồi! thấy rồi! xúc chạm trước kia rồi! Nó là cành cây khô.” Hai tín hiệu này gặp nhau ở giữa vỏ não (lớp thứ 3 hoặc thứ 4) và kết luận “cành cây khô.” Nó ngưng lại tại đây và không vận hành thêm nữa. Chúng ta thường xuyên sống trong trạng thái này. “Biết rồi! ông chồng của tôi.” “Biết rồi! đứa con gái của tôi.” “Biết rồi! nó sắp xin tiền nữa.” “Biết rồi! sắp nói về đi thiền hành.” “Biết rồi! đi thiền hành.”
Não bộ chứa đựng tất cả những tin tức từng thâu thập, từng trải nghiệm trong quá khứ và chúng trở thành những biểu tượng cứng ngắc mà các nhà khoa học gọi là invariant representations. Duy Biểu học cũng có danh từ đới chất cảnh, nghĩa là chúng ta không thật sự tiếp xúc được với sự vật như chính nó, mà chúng ta chỉ tiếp xúc sự vật qua những tri giác, những định kiến có sẵn. Tin tức phải đi qua con đường trung gian của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và của các dây thần kinh cảm giác của hệ thần kinh ngoại biên. Những định kiến và những biểu tượng cứng ngắc lại luôn được gởi xuống từ hệ thần kinh trung ương để suy luận, tiên đoán những tin tức đang xảy ra, rồi cũng từ đó làm nên những kết luận và chủ động các phản ứng. Nếu chúng ta sống trong thất niệm và để cho sự điều khiển từ trên xuống này làm chủ cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thì chúng ta có thể sống rất hời hợt và máy móc. Vừa thoáng thấy hoặc nghe một cái gì thì vỏ não đã kết luận “biết rồi” trong tích tắc và nó ngưng lại tại đó. Vì “biết rồi” nên mình lại tìm một đối tượng khác để tiêu khiến. Mình muốn cái này, rồi muốn cái kia. Mình nghĩ về cái này, rồi lại nghĩ đến cái kia. Tâm mình không có khả năng an trú một nơi. Có thể mình có rất nhiều điều kiện hạnh phúc nhưng mình không cảm thấy hạnh phúc vì mình “biết rồi,” “hết rồi,” nên mình không tiếp xúc với nó hơn được nữa. Hoặc có thể mình có cơ hội tiếp thu giáo lý nhưng mình không nếm được pháp lạc từ sự tu học. Mình không tiếp xúc được với hơi thở, với sự ngồi yên, mình không nếm được bình an trong khi đi thiền hành là vì mình chỉ sống với những cái biểu tượng cứng ngắc trong đầu mà thôi. “Các vị biết hết về thiền hành rồi, khỏi cần giải thích.” Đóng lại. Rồi mình đi thiền hành nhưng thật ra mình đi những bước chân máy móc.
Khoa học gia cũng làm những thí nghiệm như “the odd-ball experiment.” Ball là trái banh. Odd là cái gì kỳ quặc, lạ lùng. Experiment là thí nghiệm. Họ làm thí nghiệm về trái banh kỳ lạ, kỳ quặc. Trong thí nghiệm này, người ta chiếu lên (flash) những hình ảnh, ví dụ như một cành cây khô, một bông hoa, một con chó, v.v… Mình nhìn những hình ảnh này, thì mình nghĩ “biết rồi, biết rồi, biết rồi…” Chỉ bấy nhiêu đó thôi. Chỉ cần một tích tắc thì mình đã thấy và kết luận nó là cái gì. Nhưng nếu họ cho hiện lên trên màn ảnh một cái gì rất quái lạ mà mình chưa từng thấy trước đây và mình không thể đoán được, thì mình nghiêng đầu, nhìn ngang rồi nhìn dọc, nhìn đủ cách để tìm hiểu nó. Sau khi nhìn cái vật lạ kỳ này, những người đó báo cáo rằng họ cảm thấy thời gian nó được chiếu lên trên màn ảnh (thời gian trong cảm nhận chủ quan) dài hơn so với thời gian những hình ảnh quen thuộc được chiếu trên màn ảnh. Sự thật là trong thí nghiệm này, thời gian mà họ chiếu lên trên màn ảnh những gì quen thuộc cũng như những gì lạ lùng đều dài như nhau. Nhưng vì vỏ não không thể ráp cái hình ảnh lạ kỳ vào một phạm trù sẵn có nên nó phải bắt đầu tìm tòi, và vì vậy thời gian trong cảm nhận chủ quan có vẻ dài hơn. Có khi chúng ta cảm thấy cuộc đời mình đi qua rất nhanh. Thấm thoát, mười năm trôi qua. Thấm thoát, tóc điểm bạc. Thấm thoát, có cháu nội, cháu ngoại. Thấm thoát, nằm thoi thóp chờ chết. Mình tự hỏi: “Sao nhanh quá vậy?” Chính vì mình chỉ sống với những hình ảnh đã được hằn sâu trên vỏ não. Chính vì mình nhìn cái gì cũng với con mắt “biết rồi” nên thời gian trôi đi trong lãng quên.
Thiền là dừng lại để tiếp xúc với sự sống và thật sự sống. Cũng cành cây khô này, nhưng nếu mình nhìn nó chăm chú, nhìn khúc này, rồi từ từ nhìn lên khúc trên, mình có cơ hội khám phá những mô hình, những đốm màu, và xúc chạm được với kết cấu mịn, thô của nó. Đi sâu vào như vậy thì mình chưa từng thấy nó trước kia. Nếu mình cũng nhìn người bạn đời hoặc đứa con, người chị, người bạn với con mắt ban đầu, thì mình sẽ ngộ ra rằng mình chưa bao giờ từng thấy họ. Mình sẽ tự hỏi: “Người là ai? Là ai mà có mặt trong cuộc đời của tôi? Là ai mà chịu thương chịu khó với tôi? Tôi có thật sự biết người không?” Mình sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán và cái thời gian mình cảm nhận được sẽ sâu thẳm. Giây phút thiên thu là đây. Có những giây phút mình không hề có ý định sẽ ghi nhớ, nhưng vì mình đã thực sự có mặt nên nó có ý nghĩa sâu sắc. Mười năm sau nó vẫn nguyên vẹn trong tâm thức mình, hiển hiện rõ rệt. Có những kỷ niệm rất đẹp và sống mãi. Có những kỷ niệm đau thương cũng sống mãi. Lúc đó nó là một cái trải nghiệm với trái banh kỳ quặc (an odd-ball experience). Mình sống với tất cả các giác quan của mình, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và thời gian đó trở thành bất tận, infinite. Cái này mình có thể làm được với sự tu tập. Nó là một sự rèn luyện. Nếu mình tin rằng “Sư Ông Làng Mai chỉ dạy về hơi thở. Biết rồi!” thì mình mất đi một cơ hội.
Là người mới tu, mỗi ngày con nuôi dưỡng ý thức rằng mình may mắn được thức dậy với 10 tiếng chuông thức chúng. Con từ từ ngồi dậy và bắt đầu xoa đầu. Xoa đầu để máu huyết được lưu thông. Xoa đầu cũng để tự nhắc mình là người tu. Là cư sĩ mình cũng có thể xoa đầu để nhớ rằng được sinh ra làm người, được gặp Phật Pháp, và được tu học là một diễm phúc lớn. Xoa đầu không phải để “biết rồi! tôi là người tu,” mà để cảm nhận sâu sắc “giây phút này con được làm người tu.” Đem mình về với ý thức sáng tỏ đó có công năng làm cho mình rất hạnh phúc ngay giây phút mình vừa thức dậy. “Thức dậy miệng mỉm cười” và xoa đầu liền. Có lý do để mỉm cười liền. Không những 24 giờ là tinh khôi, mà mình cũng tinh khôi. Làm người tu là mình mới liền và có hạnh phúc liền. Khi xoa đầu như vậy, con nguyện thực tập quay về với hơi thở, với nụ cười, và với bước chân sâu sắc hơn, miên mật hơn trong ngày hôm nay. Con cũng cầu xin Tam Bảo giúp cho con được làm người tu chân chính. Mỗi ngày con thực sự chỉ cố gắng làm có 3 chuyện thôi: Quay về với hơi thở, quay về với nụ cười, quay về với bước chân cho thường xuyên hơn và sâu sắc hơn. Chỉ cần làm ba điều này thôi, không cần phải làm hơn nữa. Sau khi con tu được vài năm, có một vị hỏi: “Vậy thì em ý thức hơi thở được bao nhiêu phần trăm?” Khi mới đi tu thì con không có phần trăm chánh niệm nào hết. Có khi cả ngày con hoàn toàn không nhớ quay về với hơi thở, dù chỉ một lần. Con cũng không nhớ đến bước chân, mà nếu có nhớ thì chỉ trong chốc lát rồi lại quên bẵng. Nhưng sau 3 năm thì chắc con theo dõi được 50% của hơi thở. Con đã chọn con số 50% vì thấy nó cũng trung bình và khiêm tốn. Nhưng sau đó tự nhìn lại thì con thấy chắc chắn con không theo dõi được 50% của hơi thở, vì 50% có nghĩa là mỗi 10 hơi thở, con phải có ý thức được 5 hơi thở. Con đã chưa thật sự làm được như vậy. Từ đó mỗi sáng khi thức dậy, con phát nguyện thực tập để có ý thức về hơi thở của mình thường xuyên hơn. Hơi thở là sự sống. Nếu mình không thở được, và não bộ không nhận được dưỡng khí trong vòng 2 phút, thì những tế bào não sẽ bị tổn thương hoặc chết đi, và sau đó dù mình có tiếp trợ bao nhiêu dưỡng khí đi nữa, thì những tế bào này cũng không hồi phục lại được (irreversible damage). Hơi thở nối liền với sự sống một cách rất mật thiết (intimate connection). Nhưng ai có ý thức về điều này trong đời sống hàng ngày? Ai quay về để hưởng được cái ý thức sáng tỏ là mình đang còn sống? Ai nương vào hơi thở để có mặt cho thân của mình, để có mặt cho những cảm thọ vui, buồn mình đang có và để điều phục nó? Ai làm được và làm được bao nhiêu? Mình phải tự hỏi mình những câu hỏi này mỗi ngày, vì đó là nhiệm vụ của người tu học.
Làm sao để chúng ta có thể nương vào hơi thở và tiếp tục thích thú với nó? Nếu mình thực sự quay về với hơi thở, mình sẽ không bao giờ nhàm chán. Mình sẽ không bao giờ dám nói: “Tôi biết rồi.” Mình nói: “Tôi biết rồi,” hoặc “Ôi! Cứ nói đi nói lại hoài,” hoặc “hơi thở chánh niệm chẳng giúp gì hết…” Chỉ vì mình chưa đi sâu vào sự thực tập, chưa tiếp xúc được với nó, chưa nếm được nó. Nếu mình có cái tâm mong muốn tiếp xúc được và khám phá ra được sự mầu nhiệm của hơi thở, và mỗi ngày mình phát nguyện, hết lòng quay về với hơi thở, thì mình sẽ không bao giờ nhàm chán và bỏ bê sự tu tập (take it for granted). Chính trong hơi thở, mình thấy được cái tâm đa dạng của mình. Khi mình vui, mình thở như thế nào? Khi mình buồn, mình thở như thế nào? Nhiều người trong chúng ta chỉ thở đến phần trên của buồng phổi mà không thở bụng. Có khi mình chỉ hít vào thở ra từ phần mũi hoặc phần cổ thôi. Đó là cách thở của những người có nhiều khổ đau trong quá khứ mà chưa giải toả được hoặc của những người đang có nhiều bất an. Khi bệnh hoặc đau nhức và khi sắp chết, cách thở của mình cũng thay đổi. Tâm khó nắm bắt, vì nó không có hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, và sự xúc chạm. Khi tâm ý của mình bàng bạc suy nghĩ miên man, mình cũng không ý thức và tự chủ được. Trong khi đó mình có thể tiếp xúc được với hơi thở với tất cả sáu giác quan của mình. Khi trời lạnh, mình thở ra và có thể thấy được hơi thở. Mình nghe được hơi thở. Mình ngửi được hơi thở không? Hy vọng không nhiều lắm! Nhưng mà cái gì cũng có mùi hương của nó. Mình cảm được hơi thở vào ra và cảm được nhiệt độ của nó. Khi nhìn vào cách mình đang thở, mình có thể biết được trạng thái của tâm mình. Có thể người khác nghĩ mình đang có bình an, hoặc chính mình cho rằng mình đang có bình an, nhưng nếu mình nhìn vào hơi thở và thấy nó đang dồn dập, hổn hển, thì mình phải biết cái tâm của chính mình qua hơi thở. Dùng hơi thở để nhận diện tâm. Dùng hơi thở để điều phục tâm. Tâm của mình đang rong ruổi hoặc buồn khổ, lo lắng, nếu mình bảo tâm dừng lại, đừng lo lắng nữa, thì nó càng suy nghĩ rối lên. Mình nằm xuống nhưng cứ thao thức mãi, một tiếng đồng hồ sau mới sực nhớ mình nằm xuống để ngủ mà! Rất nhiều khi chúng ta nằm xuống để…nghĩ ngợi chứ không phải để nghỉ ngơi. Tâm luôn luôn cần đối tượng. Những khái niệm, tư duy, lo lắng là những cái do chính tâm tạo tác rồi lại theo đuổi, như con chó chạy vòng tròn theo cái đuôi của nó. Nó tạo ra rồi chạy theo nó vòng vòng. Khổ đau làm cho mình lênh đênh chìm nổi cả cuộc đời, nhưng điều kỳ lạ là tại sao mình không sinh tâm nhàm chán nó? Mình cứ ôm nó khư khư như ôm một người tình tuyệt vời nhất? Có những đối tượng làm tâm cứ luẩn quẩn, vung vãi thêm khổ đau. Nhưng cũng có những đối tượng như hơi thở, bước chân, nụ hoa, có công năng đem tâm về với sự sống đang thực sự diễn bày, và tâm có thể yên lại.
Con người của xã hội văn minh tạo ra nhiều đối tượng căng thẳng cho chính mình. Ví dụ như khi điện thoại reng, chúng ta thường giật mình, nín thở, nhịp tim tăng lên đến hơn 90, 100 nhịp trong một phút, và các cơ co rúm lại (tense up). Đó là phản ứng của cơ thể trong những trường hợp căng thẳng (fight-flight-freeze response). Con người của thời đồ đá sống giữa thú rừng, nên phản ứng này giúp cho họ có thể sẵn sàng đánh lại, bỏ chạy, hoặc giả chết khi mạng sống của họ bị đe doạ. Chúng ta thời nay đâu có phải đối diện với những hiểm nguy đó, vậy mà phản ứng căng thẳng này lại xảy ra mấy trăm lần thường xuyên hơn. Nhận diện được giây phút mình nín thở, tim đập mạnh và các cơ co cứng như vậy, chúng ta sẽ thấy được mỗi khi điện thoại reng, thân tâm mình phải đi qua một trạng thái rất căng thẳng. Chúng ta đi qua trạng thái này bao nhiêu lần một ngày, bao nhiêu lần một tuần, và bao nhiêu lần trong đời chúng ta? Mỗi lần như vậy, các tuyến nội tiết thả vào trong máu một số lượng nhỏ của những hoá chất gọi là “stress hormones” gây ảnh hưởng đến não bộ, tim, phổi, và các cơ, làm cho mình sẵn sàng đánh lại, hoặc chạy, hoặc cứng ngắc người lại. Sự căng thẳng đó dồn chứa trong thân tâm mình. Lâu ngày nó sẽ đưa đến những triệu chứng như đau đầu, đau lưng kinh niên, hệ tiêu hoá bị bất thường, rồi những bệnh ung thư, những bệnh tâm thần như bệnh lo âu, bệnh trầm cảm, dễ nổi giận, dễ cau có, chán nản với cuộc đời… Y học cho biết rằng hơn 90% của các bệnh thân và tâm là kết quả của cách sống của mình. Những bệnh di truyền có đó, nhưng chúng chỉ là thiểu số. Ngay cả những bệnh di truyền cũng cần môi trường căng thẳng tưới tẩm để chúng biểu hiện. Yếu tố di truyền (nature) chỉ là một phần, và yếu tố môi trường (nurture) sẽ ảnh hưởng sự biểu hiện hay không biểu hiện của căn bệnh. Người biết tu, thực sự áp dụng những giáo lý mình học được, chỉ làm những chuyện như: “Tôi biết là hơi thở của tôi đang bình an hay dồn dập, cơ thể của tôi đang thoải mái hay đang co quắp. Tôi biết là trong giây phút này tôi đang giận hay không giận, lo hay không lo, ganh tị hay không ganh tị…” Những ý thức này rất đơn giản nhưng chính là nền tảng của hạnh phúc hay khổ đau của mình. Nếu mình không có mặt được cho cái gì đang xảy ra cho thân và tâm, không tiếp xúc được và không ý thức được về nó, thì nó sẽ làm chủ mình, dẫn dắt mình, khiến mình nghĩ, nói và làm những điều đưa đến sự đổ vỡ, bệnh hoạn như một khu vườn không được chăm sóc thì cỏ sẽ lan tràn và trở nên điêu tàn.
Con xin kết thúc buổi chia sẻ ngày hôm nay với một mẩu chuyện về Thầy. Một hôm con đi với một sư chị đem thức ăn qua Sơn Cốc để cúng dường Thầy. Sau bữa ăn, Thầy chẻ một trái táo ra làm những miếng nhỏ, rồi cầm lên một miếng táo và bắt đầu gọt vỏ thì nó rớt xuống dưới đất. Thầy cúi xuống, nhặt lên miếng táo, và để qua một bên. Thầy lấy một miếng táo khác còn trên dĩa, gọt và đưa cho sư chị của con, rồi Thầy gọt một miếng táo nữa và đưa cho con. Sau đó Thầy lấy miếng táo đã bị rớt, gọt đi phần bị dính đất và ăn một cách ngon lành. Con thấy rất rõ Thầy sống điều đó. Thầy tu học để đẽo gọt những cái bụi bặm, những cái không hay của chính mình để có thể cho các con của mình, xuất sĩ cũng như cư sĩ, miếng táo sạch, đẹp, và ngon. Là người lớn hay người nhỏ, chúng ta không cần phải toàn hảo. Nhưng nếu chúng ta chăm sóc được thân và tâm của chúng ta trong đời sống hàng ngày, thì chính chúng ta đang đẽo gọt những bụi bặm đã được trao truyền. Khi chưa biết tu tập thì mình tưới tẩm, làm cho nó lớn hơn và vung vãi chung quanh. Một khi thấy được hướng đi thì mình đầu tư vào sự gột rửa nó, để cái gì đẹp mình mới trao truyền, được lặp lại, được tiếp nối. Những gì không đẹp, không hay trong ý nghĩ, lời nói và hành động, mình gột rửa để nó không bị tiếp tục tiếp nối trong con, cháu, những người bạn của mình. Đây là thành tựu lớn của sự tu học.