Chút tâm tình sáng ngày mưa

(Tâm Hiếu Thảo)

Thầy nói rằng: “Biết ơn là điều kiện của hạnh phúc. Chừng nào còn biết ơn chừng đó còn hạnh phúc”. Nhìn lại, con thấy năm tháng tu học của con là quá trình thực chứng những lời Thầy dạy…

“Sáng hôm nay

Tới đây

Chén trà nóng

Bãi cỏ xanh

Bỗng dưng hiện bóng hình em ngày trước”

( Trích bài thơ Tiếng gọi, Sư Ông)

Ngồi đây với tâm an bình, tĩnh tại, bỗng thấy những năm tháng đã qua như mây bay, nước chảy. Vui buồn, ganh tị, tủi hờn,…thoáng chốc không còn nặng nề và quá đỗi quan trọng. Tuy vậy không thể phủ nhận rằng chúng từng tồn tại trong tâm thức và còn sẽ có mặt dài dài trong tương lai.

Nhớ lại những thời điểm cảm thấy bị tổn thương, vật vã, lao đao, giống như cái cây trước giông bão không thể làm gì hơn ngoài việc cam chịu, con thường tự hỏi mình: “Có thể đáp trả lại bằng cách gây tổn thương cho người đó không?”. Câu trả lời từ sâu thẳm vang vọng lên là không muốn và cũng không làm được. Vậy thì cứ khóc thôi, cho bao nhiêu đau thương hoá thành nước mắt, chảy ra ngoài, lòng sẽ khoẻ nhẹ hơn. Mọi giông bão rồi cũng đi qua, bầu trời hết u ám, cầu vồng sẽ xuất hiện lại sau cơn mưa. Nhờ những bão giông, cây rèn luyện được sự kiên cường, vững vàng hơn theo năm tháng.

 

 

Ý chí kiên cường, mạnh mẽ là phẩm chất cần có ở người tu. Phẩm chất ấy giúp mình sống như một bậc trượng phu: hiên ngang, vô uý giữa đất trời. Có một ý chí mạnh mẽ, mình có khả năng giẫm ngang qua khó khăn để đi tới nhưng chính những cái thấy sáng mới thật sự giúp ta vượt thoát, chấm dứt sự lặp lại của khổ đau.

Bây giờ đây, khi nỗi buồn tủi dâng lên, nhận ra sự có mặt của nó, con bớt vật vã, lao đao, chỉ đơn giản vì biết rằng: “mình được thương”. Cảm giác cay đắng, tủi hờn chỉ xuất hiện khi dường như không ai hiểu, không ai thương, một mình mình cô độc giữa đất trời. Nhìn cho khách quan, cuộc sống là như vậy, có người vô tình đẩy mình ngã thì cũng có người chìa tay ra cho mình nắm lấy để đứng lên. Có người thương mình thì cũng có người không thích mình. Nước mắt tự nhiên không rơi nhiều như trước nữa.

Chặng đường tu học của con, khi nhìn lại, luôn có bóng dáng của những người anh, người chị, người em thân thương. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Họ là những người sưởi ấm trái tim con, dìu con qua những lúc nguy khó. Điều khiến con cảm động là dù bình thường con chẳng để tâm nhiều đến việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với bất kì ai nhưng mỗi khi con cần giúp đỡ, các anh chị em vẫn sẵn sàng có mặt đó cho con. Chính trong tăng thân, con học được cách đối xử tốt với người khác vô điều kiện. Nếu ai đó cần mình giúp thì mình giúp thôi. Không phải vì thương mà hết lòng, không phải vì không thích mà hờ hững.

Giờ phút này con muốn gửi niềm biết ơn đến các người anh, người chị của con. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng mỗi khi con bị vướng vào bụi gai nhỏ ven đường, các vị vẫn kiên nhẫn, tỉ mỉ gỡ rối giúp con. Và mỗi khi xá chào, các vị luôn nhìn con bằng ánh mắt trìu mến và nụ cười bao dung khiến con thấy an lòng, được chấp nhận. Con chỉ cần là chính con mà không cần trở thành một ai khác. Con trân quý nhiều lắm sự có mặt của các vị cho thế hệ trẻ chúng con. Con tin rằng phẩm chất này nơi các vị sẽ nuôi dưỡng được các thành viên trong tăng thân, giúp tăng thân tồn tại rất lâu về sau. Vượt lên trên những thành công, thất bại, công việc, đúng sai,…suy cho cùng chỉ có cái tình còn ở lại. Tình người là thứ người ta dễ lưu luyến nhất.

Niềm biết ơn cũng xin dành cho các sư em gần gũi với con trong đời sống. Cảm ơn vì đã hành xử dễ thương với con, khiến con thấy mình được tôn trọng. Cảm ơn đã dành cho con sự quan tâm, chăm sóc. “Có người gây khó khăn cho mình nhưng cũng sẽ có người đồng hành với mình trên con đường mình bước”. Đó là cảm nhận của con khi nhận được sự giúp đỡ từ các sư em.

 

 

Cũng có lúc vấp ngã, có bàn tay chìa ra, con lại lựa chọn không nắm lấy. Con muốn tự mình đứng lên. Điều đó không có nghĩa là con không cảm động và biết ơn bàn tay đã vươn ra trước mặt mình. Con cảm thấy an lòng và ấm áp. Đó là động lực để con mạnh mẽ hơn. Con thấy mình giống đứa bé lẫm chẫm tập đi, chẳng vững vàng gì, vậy mà vẫn kiên trì bước tới. Dù không quay đầu nhìn lại, bé biết không cần sợ hãi vì vòng tay người thân vẫn đặt hờ phía sau, sẵn sàng nâng mình đứng dậy, vỗ về, an ủi với tình thương không điều kiện.

Nhiều lúc con cũng tự hỏi không biết tại sao con thương các sư em mình đến vậy. Có cảm tưởng chỉ cần các sư em muốn thì ngay cả sao trên trời con cũng hái xuống được. Hoá ra đó là dòng chảy không ngừng của sự trao truyền và tiếp nối trong mỗi phút giây của đời sống. Những gì con biểu hiện ra đơn thuần là sự phản chiếu những gì con được nhận vào tâm thức.

Cảm ơn tăng thân đã giúp con nuôi dưỡng được tâm thương yêu ngày một lớn. Tâm thương yêu, ước muốn không gây ra khổ đau cho mọi người, mọi loài là nền tảng của đời sống an bình, hạnh phúc của con trong hiện tại.

Có lần, một sư chị chia sẻ với con rằng: “Tu tập là quá trình hiểu được bản chất của mình và đừng đi ngược lại với bản chất đó”. Những lời này ngay lập tức in dấu vào tâm thức con, gây nên một rung động rõ rệt. “Nhân chi sơ, tánh bản thiện”. Trực giác cho biết rằng khổ thọ con cảm nhận được dù lớn đến đâu cũng sẽ đi qua nhưng một lời nói, một hành động của con xuất phát từ ý muốn gây thương tổn cho người khác sẽ khiến con khổ hơn gấp nhiều lần không chỉ trong hiện tại mà sẽ dằn vặt con rất lâu về sau.

Con thừa hưởng ở các thế hệ tổ tiên phẩm chất biết giữ lời hứa. Một khi cam kết làm điều gì, con cố gắng tìm cách thực hiện cho đến cùng chứ ít khi bỏ cuộc giữa chừng. Điều quan trọng là con luôn tìm thấy niềm vui trong khi thực hiện những cam kết của mình. Tương lai là một mảnh bất định, chẳng ai nói trước được điều gì. Nếu có một lúc nào đó con lạc bước thì những người thương của con ơi, xin hãy giúp con lên tiếng gọi để con trở về. Nghe tiếng gọi, con sẽ lập tức quay đầu. Đó là lời con hứa….

Hãy lưu giữ những tờ lịch đẹp

(Trích pháp thoại ngày 25 tháng 05 năm 2003 tại xóm Thượng, Làng Mai Pháp)

Những tờ lịch chúng ta lật mỗi ngày tượng trưng cho 24 giờ đồng hồ mà chúng ta vừa mới sống. Trên phương diện hình thức, tờ lịch đó đã là quá khứ, được vò lại để trong thùng rác nhưng trên phương diện thực tại thì tờ lịch đó là một biểu trưng rất cụ thể, rất chắc chắn và không thể nào tiêu diệt được.

Những tư duy, nói năng và hành động mà chúng ta đã tạo tác ra trong một ngày là những năng lượng đã chất chứa trong ta, trong vũ trụ và nó sẽ là sự tiếp nối của chúng ta. Ba loại năng lượng đó đi với nhau, gọi là Tam nghiệp. Nghiệp trong tiếng Phạn là karma, có nghĩa là “action” và khi nói tới nghiệp, chúng ta cần phân biệt nghiệp nhân và nghiệp quả. Nghiệp nhân là những điều đã tạo tác ra và nghiệp quả là những hoa trái mà nó đưa lại.

 Tờ lịch của ngày hôm qua chúng ta có thể vò và bỏ vào thùng rác được nhưng chúng ta không thể làm vậy với những ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp mà chúng ta đã tạo ra trong một ngày. Đó là những thực tại chúng ta phải mang theo và chúng sẽ có ảnh hưởng trên bản thân ta, trên những người gần gũi ta và trên cả vũ trụ vào ngày hôm sau. Chúng ta đã biết trong Cảnh sách có câu: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong” nghĩa là  những nghiệp ta tạo tác ra thì dù trăm ngàn kiếp về sau cũng không thể nào mất đi được.

Ngày hôm nay, những tư duy ta đang chế tác ra là những năng lượng có ảnh hưởng liền lập tức cho thân và tâm ta trong giây phút hiện tại. Ảnh hưởng đó mau còn hơn các tín hiệu của các đài truyền hình gửi lên trên vệ tinh nhân tạo rồi từ vệ tinh nhân tạo gửi về. Nghiệp của ta cũng vậy, mỗi tư duy, mỗi lời nói có ảnh hưởng liền trong ngày hôm nay và sẽ có ảnh hưởng ngày mai, ngày mốt và 100 năm sau nữa. 

 

 

Trong khoa học, người ta cũng nói tới Định luật bảo tồn năng lượng: “Nếu cô đọng năng lượng lại thì nó trở thành ra vật chất, nếu pha loãng vật chất ra thì nó trở thành năng lượng, không có gì mất đi”. Cho nên Lavoisier, nhà khoa học Pháp nói rằng: “không có gì  sinh ra và không có gì mất đi”. Điều đó cũng đúng theo tinh thần của đạo Bụt: không sinh không diệt. Ta có một tư duy chân chính, có tình thương và trí tuệ thì thân tâm khoẻ nhẹ, an lạc liền lập tức. Tư duy chân chính đó, lời nói chân chính và hành động chân chính đó cũng có ảnh hưởng liền lập tức tới những người đang sống bên ta ngày hôm nay. Người này có thể là anh chị em, cha mẹ, hay người bạn hôn phối của ta.

Mỗi tư duy của ta có công năng nuôi dưỡng, có thể chuyển hoá chính ta và những người sống với ta. Đồng thời, những tư duy của ta có thể gây khổ đau cho bản thân mình và những người thương của mình trong giây phút hiện tại. Kết quả hiện tiền. Có nghiệp nhân là có nghiệp quả, không thể nào từ có trở thành không được. Những gì chúng ta tạo tác ảnh hưởng không chỉ tác động vào hiện tại của bản thân và những người xung quanh ta mà còn ảnh hưởng đến cả tương lai nữa.  

Một lốc lịch chúng ta mua ở chợ có 365 ngày, hết lốc này thì chúng ta có thể mua lại lốc khác. Chúng ta nghĩ chúng ta có 100 năm, nhất là người trẻ, họ nghĩ rằng họ còn nhiều tháng rộng năm dài sau đó. Nhưng cuộc đời là vô thường, có những người trẻ chết rất  trẻ, có những người mình tưởng là chết trước mình, nhưng họ lại chết sau mình rất lâu. Cuộc đời này là con đường bất định, vô thường không thể biết được. Điều mà ta chắc chắn nhất chỉ có ngày hôm nay, còn ngày mai ta không thể biết chắc. Nếu một tai nạn xe hơi, tai nạn máy bay hay một cơn bệnh hiểm nghèo xảy đến, có thể chúng ta không tiếp tục lật tiếp được những tờ lịch kế. Chỉ có 24 giờ chúng ta vừa sống là điều chắc chắn nhất đã tồn tại và ta phải trân quý những giờ phút đó.

Muốn có những tờ lịch đẹp để trân quý thì phải sống đẹp trong từng khoảnh khắc của 24 giờ đồng hồ. Mỗi người chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về điều này. Chúng ta đã sống qua những ngày không được đẹp, đầy đau khổ, giận hờn, có những ganh tỵ, chán nản và tuyệt vọng. Chúng ta đã nghĩ, đã nói và đã làm những điều tiêu cực. Những ngày đó không phải là những gì quý giá để chúng ta trân quý và muốn lưu trữ.  

 

 

Sáng nay thức dậy, mình hãy mỉm cười, biết là mình có hăm bốn giờ tinh khôi trở lại và  đừng làm mất cơ hội đó. Chúng ta phải làm thế nào để sống thành công ngày hôm nay, mà phải là một nghệ sĩ thì mới thành công được. Sống là một nghệ thuật, tư duy là một nghệ thuật, nói năng là một nghệ thuật và hành động là một nghệ thuật. Chúng ta phải sống như một nhà nghệ sĩ để mọi thứ xung quanh được đẹp, lành và chân thật. Ta phải đem hết tâm lực chú trọng vào ngày hôm nay. 

Trước đây chúng ta đã từng dùng hình ảnh cây nến, cây nến cũng giống như lốc lịch. Khi nến cháy hết thì coi như nó không còn nữa. Nhìn khơi khơi trên bề mặt, ta thấy cây nến đã chấm dứt sự tồn tại của nó. Nhưng thật ra trong giây phút hiện tại, hào quang, năng lượng, ánh sáng và hương thơm của cây nến đã đi vào trong vũ trụ và đi về tương lai. Nếu ta thấy được điều đó thì ta không nói cây nến đã mất đi, cây nến vẫn tiếp tục dưới hình thức khác.

Cũng như đám mây, khi trời tạnh mưa, chúng ta không thấy đám mây ở trên trời nữa nhưng điều đó không có nghĩa là đám mây không còn. Bầu trời trong vắt, chúng ta không thấy mây nữa  nhưng mây vẫn có đó, còn dưới hình thức của mưa, dưới hình thức của cây. Cho nên phải có con mắt vô tướng thì ta mới nhận ra được sự tiếp nối của mây. Khi nói rằng cây nến không còn tồn tại nữa thì cũng ngây thơ giống như nói đám mây hoàn toàn không còn gì nữa. Thành ra không có gì từ không mà trở thành có, cũng không có gì mà từ có trở thành không.

Trưa hôm thứ năm, thị giả của Thầy là sư em Mẫn Nghiêm pha trà cho Thầy. Thầy hỏi sư em rằng: “Những tờ lịch của Thầy, Thầy rất trân quý, con có biết Thầy tàng trữ ở đâu không, cất giữ ở đâu không?”. Nếu sống được một ngày cho hết lòng, cho đẹp, có tình thương, hiểu biết và niềm vui thì đó là một cái thẻ tín dụng mà ta cất chứa, lưu trữ trong ta. Ngày mai chưa chắc đã có mà hôm nay ta đã sống trọn vẹn được một ngày nên đó là một tác phẩm nghệ thuật của ta và ta phải bỏ vào trong viện bảo tàng cất giữ, đừng để hư. Thầy cất giữ những tờ lịch, những ngày của Thầy ở trong kho tàng tâm thức. Mỗi ngày Thầy đều trao cho con và nhờ con cất giữ chúng. Tại vì con là sự tiếp nối của Thầy, con là Thầy. 

 



Nẻo về sen nở – Thầy Thích Chân Trời Hải Thượng

Đại chúng Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (Làng Mai tại Đức) thành kính báo tin cho toàn thể đại chúng Tăng Thân Đạo Tràng Mai Thôn và Quý vị thân hữu khắp nơi tin buồn về Thầy Thích Chân Trời Hải Thượng.
 
 
Vào lúc 7 giờ 42 phút sáng Chủ Nhật ngày 15 tháng 10 năm 2023, Thầy Thích Chân Trời Hải Thượng đã ra đi để trở về với cõi Bụt. Thầy trụ thế 33 năm, 9 năm tu học với 5 Hạ Lạp.
 
Thầy Thích Chân Trời Hải Thượng là một vị thầy tu trẻ ưu tú của Viện Phật Học. Sự ra đi của Thầy là một mất mát rất lớn cho toàn thể đại chúng Làng Mai và cho Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu. Trong những ngày qua, quý thầy, quý sư cô và thiền sinh cư sĩ tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, tại Làng Mai và các trung tâm tu học khác của Đạo Tràng Mai Thôn đã tổ chức các buổi lễ hộ niệm và cầu siêu cho Giác Linh thầy Chân Trời Hải Thượng.
Đại chúng Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu cùng với quý thầy, quý sư cô Làng Mai sẽ có các buổi lễ sau đây (theo giờ Châu Âu) để hộ niệm và gởi năng lượng bình an cầu siêu đến Giác Linh Thầy Chân Trời Hải Thượng:
 
LỄ HỘ NIỆM SIÊU ĐỘ
Ngày Thứ Tư, 25 tháng 10 năm 2023
Lúc: 10 giờ 30 sáng
Tại: Friedhof Waldbröl (Cemetery in Waldbröl)
51545 Waldbröl
—————————————————-
LỄ HOẢ TÁNG
Ngày Thứ Năm, 26 tháng 10 năm 2023
Lúc: 11 giờ sáng
Tại: Krematorium Siegen
Frankfurter Str. 201
57074 Siegen
 
Kính xin thành kính tri ân tất cả quý vị đã hộ niệm cho thầy Thích Chân Trời Hải Thượng.
 
Hạnh phúc làm tăng giữa đất trời
Khoác phước điền y bước thảnh thơi
Đi ở tùy duyên, còn hay mất
Thảy cho gió nhẹ tiễn mây trôi.
Xin tiễn biệt người huynh đệ kính quý!
………………….
Kính thưa Đại chúng!
Vì điều kiện kỹ thuật hạn chế nên hai buổi lễ trên không thể truyền trực tiếp. Kính xin đại chúng hoan hỷ liễu tri.
Trân kính!
Quý thầy, quý sư cô Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu.
 
 

CẢM NIỆM VỀ THẦY CHÂN TRỜI HẢI THƯỢNG

“đã trót thương tấm áo nâu vách núi từng nút gài thu giấu hình hài sắc hương mùa xuân đang tràn đầy nhựa sống; sức trẻ tuổi trinh nguyên em cúi xuống chọn hạnh của đất thanh bần, từ đây nguyện giữ lòng như băng tuyết tinh khiết, mỗi mỗi tâm niệm hướng về nẻo an lành”

Thầy Chân Trời Hải Thượng, Pháp danh: Tâm Nhất Niệm, thế danh: Vũ Xuân Thành sinh ngày 29 tháng 04 năm 1990 ở tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Thầy xuất gia và thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 12 năm 2014 tại tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan, trong gia đình Cây Sồi Đỏ. Thầy thọ giới Lớn vào ngày 22 tháng 02 năm 2019 tại Tu viện Vườn Ươm trong đại giới đàn Bây Giờ – Ở Đây. Thầy Trời Hải Thượng là đệ tử thứ 876 của Thầy Làng Mai, thầy thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 09 của phái Liễu Quán.

Nghĩ về hình ảnh của thầy Trời Hải Thượng trong Tăng thân, chắc hẳn những ai đã từng có cơ duyên tiếp xúc đều trào dâng một niềm mến thương và quý kính; bởi nơi dáng dấp của một con người mảnh khảnh thư sinh, nhẹ nhàng, bình dị và khiêm tốn kia là một trái tim đầy nhiệt huyết phụng sự, một lý tưởng cao vời vợi, một tâm hồn trong sáng, nhân hậu và cao thượng. 

Thầy là hình ảnh của của một người xuất sĩ dấn thân phụng sự không biết mệt mỏi. Trong suốt chặng đường 10 năm gắn bó cùng Tăng thân, thầy luôn luôn không từ nan bất kỳ công việc nào mà Tăng thân giáo phó. Từ nhà chuyển hóa rác, cho đến văn phòng ghi danh, hay các bệnh viện lớn nhỏ khắp nơi trong vùng… bất cứ nơi nào có mặt, thầy đều đem hết tình thương, tinh thần trách nhiệm và sự thực tập của mình ra để cống hiến. Một đống rác bẩn đang chờ xử lý, một người thiền sinh đang ở tận cùng của khổ đau tha thiết được ghi danh đến Làng, một người huynh đệ giữa đêm khuya quằn quại vì cơn đau ruột cấp… đều trở thành những đạo tràng tu tập của thầy. Khi biết Tăng thân ở học viện Âu Châu (EIAB) đang rất cần thêm nhân sự để duy trì và phát triển, nhận thấy mình có khả năng đóng góp được, thầy đã không ngần ngại xin phép được chuyển chúng, tạm rời bỏ vùng đất Thái Lan – “thiên đường tuổi thơ” của thầy, để đi theo tiếng gọi của Tăng thân. Tinh thần hy sinh và sự cống hiến của thầy luôn là niềm cảm hứng và khích lệ cho các huynh đệ cùng noi theo.

Thầy là hình ảnh của một người tu với tâm bồ đề dũng liệt, với lý tưởng sống cao vời. Lý tưởng một đời của thầy là xây dựng một đoàn thể tu học trong đó mọi người sống hòa hợp, biết thương yêu, nâng đỡ lẫn nhau trên nền tảng của sự thực tập và giới luật, để tiếp nối được sự nghiệp của Sư Ông, đưa đạo Bụt đi vào cuộc đời. Còn nhớ những đêm không ngủ, anh em cùng bàn về hướng đi cho ngày mai của Tăng thân, về mối băn khoăn trăn trở đối với những vấn đề còn tồn đọng trong chúng, về những ước mơ, giải pháp mà mình có thể đóng góp được. Và thế là những bài viết, những tiểu luận, những tờ tập san, chương trình giáo dục, chương trình xuất gia, định hướng mô thức vận hành chúng… dần ra đời, tất cả đều có sự đóng góp từ bàn tay, khối óc và trái tim của thầy. Những đóng góp của thầy thật lớn nhưng cũng thật âm thầm. “Xin đừng cho mọi người biết ý này là của con”, “Xin đừng nói cho người khác biết bài này là do con viết”, đó là những câu mà thầy thường hay nhắc. Chính vì vậy mà những ý tưởng sáng tạo của thầy có ít người có thể biết được, những bài viết của thầy hiếm khi đề tên chính tác giả. Đó chính là tinh thần vô ngã, thấy những gì mình làm được cũng đều là thành quả chung của Tăng thân.

Thầy là hình ảnh của một người sư em dễ thương, một người sư anh mẫu mực đáng kính. Mỗi khi gặp ai, thầy cũng hay mỉm cười và chào hỏi đầy thân thiện. Đó cũng là lúc thầy cống hiến sự có mặt tươi mát, bình an và vô úy của mình. Là một người mà ai cũng có thể dễ dàng tới với được, chúng ta cũng không lạ gì hình ảnh thầy ngồi lắng nghe những người huynh đệ tìm đến để tâm sự, chia sẻ những khó khăn khổ đau, kể cả bên nam cũng như bên nữ. Thầy thường truyền cảm hứng cho các sư em về việc học; quà tặng của thầy cho các sư em của mình thường là các cuốn bài tập tiếng Anh, giấy bút viết chữ Hán, hay là cả một cuốn sách dày hơn cả nghìn trang tổng hợp về hệ thống chữ Hán do chính thầy biên soạn. Trong công phu tu học, thầy luôn là một trong những người siêng năng, tinh tấn nhất. Mặc dù công việc của thầy thường rất nhiều, có nhiều hôm phải thức khuya để chăm sóc cho huynh đệ bị bệnh, hoặc là những khóa tu cận kề phải làm việc đến khuya để chạy deadline cho kịp ghi danh, cộng thêm chứng bệnh rối loạn tiêu hóa khiến thầy thường xuyên cảm thấy khó chịu. Thế mà ít khi thấy thầy bỏ các thời khóa của đại chúng. Thời khóa đối với thầy đã là thức ăn, là niềm vui, là sự cống hiến của thầy cho đại chúng. Cho đến giờ phút cuối cùng của thầy cũng là lúc thầy trở về sau thời công phu sáng tại Học Viện.

Hình ảnh của thầy còn là một người con hiếu thảo, biết tận tụy chăm lo cho gia đình. Có lần khi nhận được nhuận bút từ một tờ báo mà mình có đóng góp bài viết, thầy chia sẻ vui rằng: “Đây là lần đầu tiên sau khi đi xuất gia con tự làm ra tiền được. Số tiền này con sẽ để dành lấy, ít bữa nữa về Việt Nam con sẽ mua quà tặng bố!”. Hoàn cảnh gia đình của thầy cũng còn khá khó khăn chật vật, khi mẹ thầy mất sớm, thầy sống từ nhỏ với bố và dì (mẹ kế). Bố thầy hiện cũng đã lớn tuổi và dì thì cũng chỉ làm công việc công nhân bình thường để mưu sinh. Là người con trai lớn trong gia đình có 3 anh chị em, thầy rất được kỳ vọng sẽ học để sau này trở thành bác sĩ. Nhưng thầy đã không tìm thấy niềm đam mê và ý nghĩa đời sống mình nơi việc theo đuổi sự nghiệp đó. Thầy đã đi theo tiếng gọi của lý tưởng, của con tim để trở thành một người tu sĩ, để rồi luôn tìm thấy hạnh phúc và mãn nguyện nơi sự lựa chọn đó của mình. Thầy đã đóng được vai trò là người dẫn dắt tâm linh cho gia đình, đưa được bố sang Làng tu tập, giúp được em gái ra khỏi giai đoạn khó khăn về chuyện tình cảm. Thầy cũng rất mong sắp xếp được cho em trai của mình có điều kiện để sang Làng, nhưng tiếc là ước mong đó của thầy vẫn chưa thực hiện được.

Dẫu biết rằng cuộc đời là vô thường, nhưng sự ra đi đột ngột của thầy không khỏi khiến tất cả mọi người bàng hoàng và thương tiếc. Vào buổi sáng ngày 15 tháng 10 năm 2023 tại Học Viện Âu Châu, trái tim nóng hổi của thầy bất ngờ thôi đập trong lòng ngực nhỏ. Để lại đó vô vàn những ước mơ, những dự tính, những hứa hẹn mà anh em đang đợi ngày tương phùng… Sáng nay, những bước chân nhẹ nhàng tỉnh thức trong nắng ấm như đã đón chào sự trở về vô tướng của thầy nơi Vườn Ươm xưa, nơi mảnh đất tuổi thơ của thầy. “Con xuất gia ở Làng Mai Thái Lan, và thấy đạo cũng ở Làng Mai Thái Lan!”, đó là lời tuyên bố của thầy trong một lần trò chuyện. Đã là một sự trở về vô tướng thì đâu cần phải về nữa, vì thầy đã biểu hiện nơi từng ngọn cây, nụ hoa, phiến đá, con đường, nơi từng con người, từng khía cạnh của đời sống nơi đây rồi. Thầy đã đến và dạo chơi trong khu vườn Tăng thân rất đẹp; những ước mơ, hoài bão của thầy đây, những người ở lại sẽ nguyện viết tiếp, xin thầy hãy thanh thản!

Hạnh phúc làm tăng giữa đất trời

Khoác phước điền y bước thảnh thơi

Đi ở tùy duyên, còn hay mất

Thảy cho gió nhẹ tiễn mây trôi.

Xin tiễn biệt người huynh đệ kính quý!

Lễ đối thú khai mạc an cư kiết đông 2023 – 2024 tại Làng Mai

Sáng ngày 19 tháng 10, tứ chúng Làng Mai đã vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, xóm Thượng để làm lễ đối thú An cư kiết đông. Mùa an cư kiết đông 2023-2024 được mở đầu trong tiếng chuông trống Bát Nhã hùng tráng, trong biển âm thanh hoà điệu của bài Tâm kinh Tuệ giác qua bờ. Lời kinh vang vọng khắp thiền đường tựa như ánh đuốc soi sáng cho con đường thực tập của mỗi người.

Mùa an cư năm nay, tại chùa Pháp Vân – xóm Thượng có 48 vị tỳ kheo, 9 vị sadi, 45 vị cận sự nam và nữ, tổng cộng là 102 vị; tại chùa Cam Lộ – xóm Hạ có 40 vị tỳ kheo ni, 3 vị sadi ni và 17 vị cận sự nam và nữ, tổng cộng là 60 vị; tại chùa Từ Nghiêm – xóm Mới có 38 vị Tỳ kheo ni, 3 vị Sadi ni và 22 vị cận sự nam và nữ, tổng cộng là 63 vị. Như vậy, số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn trong mùa an cư kiết đông năm nay là 225 vị ( 141 xuất sĩ và 84 cư sĩ), tất cả đều sẽ an trú, tu tập miên mật trong 90 ngày.

 

 

Con đường của Bụt

Trong mùa an cư này, đại chúng sẽ nghe lại những bài giảng của Thầy về những tuệ giác của đạo Bụt đóng góp vào nền đạo đức học toàn cầu. Đại chúng sẽ tận dụng ba tháng an cư quý giá để học hỏi và áp dụng những điều Thầy dạy để giáo lý của Bụt tiếp tục là một dòng chảy sống động, khế lý và khế cơ với những biến chuyển của thời đại. 

 

 Thầy Pháp Hữu thay mặt đại chúng chùa Pháp Vân thỉnh cầu nương tựa quý thầy, quý sư cô lớn trong mùa an cư

 

Trong buổi lễ đối thú, thầy Pháp Hữu với tư cách là trụ trì chùa Pháp Vân, xóm Thượng đã chia sẻ sự đồng cảm với những khổ đau đang có mặt ở khắp nơi, đặc biệt là trong tình hình chiến tranh đang lan rộng ra nhiều vùng trên thế giới và đồng thời nêu lên con đường thực tập để giúp bản thân cũng như mọi người vượt thoát tình trạng tăm tối hiện tại:

“Nỗi sợ hãi đối với chiến tranh và hạt giống bạo động trong mỗi người đã bị chạm tới. Con biết không chỉ riêng con mà rất nhiều người trên thế giới cũng có chung cảm nhận đó vào thời điểm này. Tuy nhiên, con sẽ thực tập để chuyển hóa hạt giống chiến tranh và xung đột đang có mặt trong chính bản thân con.

Tôi sẽ chuyển hóa nỗi buồn thành năng lượng bình an của nội tâm, thành niềm vui và tình thương, để nụ cười vẫn có thể nở trên môi, và cầu mong năng lượng này sẽ lan xa và rộng cho đến khi chạm tới được nỗi đau và nước mắt của những người đang đau khổ”

 

Thầy Pháp Ứng đáp lại lời tác bạch nương tựa bằng những lời động viên, khích lệ đại chúng cùng thực tập

 

Thầy Pháp Ứng, một vị giáo thọ lớn của Làng cũng có những lời động viên, khích lệ đại chúng cùng thực tập để tạo thành một năng lượng tập thể tích cực, góp phần chuyển đổi tình trạng thế giới:

“Chúng ta đang cùng nhau thực tập để nuôi dưỡng sự bình an trong bước chân và hơi thở của mình. Bằng cách tạo ra sự hòa hợp và chấp nhận trong tăng thân, chúng ta hiến tặng nơi nương tựa cho bản thân, gia đình và xã hội.

Chúng ta có khả năng gieo trồng hạt giống hòa bình và trị liệu, thắp lên niềm hy vọng cho thế hệ trẻ. Chúng ta biết chúng ta có sự yểm trợ và đồng hành của tổ tiên và cả các thế hệ con cháu.

Chúng ta có quyền được hạnh phúc. Hạnh phúc và bình an của chúng ta rất quan trọng để ôm ấp được những khổ đau trên thế giới.”

Chế tác năng lượng của vô uý 

Sư cô Chân Đức, một trong ba vị giáo thọ lớn đại diện cho Thầy đã chia sẻ khi nhận lời tác bạch từ vị trụ trì chùa Cam Lộ, xóm Hạ: “Điều thế giới cần ở mỗi chúng ta lúc này là chế tác năng lượng của vô uý, thiết lập được những khoảng lặng bình an trong tự thân. Con biết những chuyển hoá của con, từ nơi con sống sẽ lan toả ra thế giới bên ngoài”

 

Nụ cười rạng rỡ của sư cô Chân Đức thắp sáng niềm tin cho đại chúng vào con đường thực tập

 

Như những cọng lau nương vào nhau để đứng vững, sự thực tập miên mật, niềm vui và bình an của mỗi cá nhân sẽ góp vào năng lượng tập thể giúp xoa dịu hận thù, khơi được nguồn suối yêu thương trong lòng người, đưa đến niềm tin và hi vọng về một thế giới an lành, im hơi bom đạn. Sư cô Chân Không, người chị cả trong tăng đoàn Làng Mai cũng đã chia sẻ tinh thần ấy qua lời lẽ hết sức bình dị mà chân tình: “Con nương tựa vào mỗi thành phần của tăng thân, vào chính mỗi người trong các vị”

 

 

Trong thời điểm mà thế giới có nhiều biến động như hiện nay, đủ duyên lành được ở yên trong ba tháng là một điều quý giá. Nương vào lời chia sẻ của quý thầy, quý sư cô lớn, đại chúng cùng nhau thắp sáng ý thức về tầm quan trọng của việc chế tác năng lượng bình an, vô uý giữa muôn vàn đau thương, bất công, bạo động và sợ hãi đang tồn tại khắp nơi.

 

Xem thêm hình ảnh của Lễ đối thú an cư tại đường link sau: https://langmai.org/dai-may-tim/vien-anh/an-cu-kiet-dong/le-doi-thu-an-cu-kiet-dong-2023-2024/

 

Lễ đối thú An cư kiết đông 2023-2024

Sáng ngày 19 tháng 10, tứ chúng Làng Mai đã vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, xóm Thượng để làm lễ đối thú An cư kiết đông. Mùa an cư kiết đông 2023-2024 được mở đầu trong tiếng chuông trống Bát Nhã hùng tráng, trong biển âm thanh hoà điệu của bài Tâm kinh Tuệ giác qua bờ. Lời kinh vang vọng khắp thiền đường tựa như ánh đuốc soi sáng cho con đường thực tập của mỗi người.

Trong thời điểm mà thế giới có nhiều biến động như hiện nay, đủ duyên lành được ở yên trong ba tháng là một điều quý giá. Nương vào lời chia sẻ của quý thầy, quý sư cô lớn, đại chúng cùng nhau thắp sáng ý thức về tầm quan trọng của việc chế tác năng lượng bình an, vô uý giữa muôn vàn đau thương, bất công, bạo động và sợ hãi đang tồn tại khắp nơi.  Sự thực tập miên mật, niềm vui và bình an của mỗi cá nhân sẽ góp vào năng lượng tập thể giúp xoa dịu hận thù, khơi được nguồn suối yêu thương trong lòng người, đưa đến niềm tin và hi vọng về một thế giới an lành, im hơi bom đạn. 

 

 

Tinh thần mùa an cư

(Trích Pháp thoại ngày 12 tháng 09 năm 2004 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 12 tháng 09 năm 2004, chúng ta đang ở chùa Cam Lộ, xóm Hạ để chuẩn bị cho khoá tu ba tháng. Khoá tu ba tháng mùa thu và mùa đông năm nay sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều hạnh phúc. Trong suốt khoá tu, chúng ta không đi ra ngoài. Chúng ta sống với nhau như một gia đình tâm linh và sự thực tập là làm thế nào để mỗi ngày, mỗi giờ chúng ta đều có hạnh phúc. Chúng ta an trú trong khung cảnh và thời gian 90 ngày của khoá tu. 

Mỗi giây phút là cứu cánh

Khoá tu không phải là phương tiện để đi tới một cái gì khác, chính nó là cứu cánh. Nó không phải là phương tiện để đi tới hạnh phúc, chính nó là hạnh phúc. Vì vậy cho nên sự thực tập của chúng ta là trong khi ngồi, ngồi sao cho có hạnh phúc. Trong khi đi, đi sao cho có hạnh phúc. Khi nghe pháp thoại, chúng ta nghe như thế nào để có hạnh phúc. Trong khi ăn cơm, ăn cơm như thế nào để có hạnh phúc trong khi ăn. Trong khi rửa bát và lau nhà, chúng ta phải làm như thế nào để có hạnh phúc. Mỗi người phải tìm ra cách thức để làm được những chuyện đó. Trong suốt 45 phút ngồi thiền, chúng ta tìm cách chế tác được hạnh phúc chứ không phải vì những người khác ngồi nên chúng ta cũng ngồi. Những người  ngồi thiền chung với mình có thể giúp mình có thêm năng lượng để thực tập thành công. Vì vậy 45 phút ngồi thiền không phải là bổn phận, không phải là thời khoá mà là sự hưởng thụ. 

Trong thế giới của chúng ta, mọi người rất bận rộn. Được phép ngồi một cách tỉnh táo, thoải mái, không làm gì hết, để có mặt cho tự thân là một cơ hội mà ít người trong xã hội có được. Vì vậy, ngồi thiền chung với nhau là một cơ hội lớn. Sẽ rất uổng phí nếu chúng ta xem đó là sự bắt buộc hay là một điều cần phải làm cho qua thì giờ. Chúng ta phải thành công trong thời gian ngồi thiền.  Đó là thời gian nuôi dưỡng và có hạnh phúc. Chúng ta có thể tham khảo ý kiến của các anh chị em để xem làm thế nào họ thành công được, làm sao họ được nuôi dưỡng và có hạnh phúc trong giờ thiền toạ. Ngồi thiền không phải là phương tiện. Nó là cứu cánh.

 

 

Chỉ cần ngồi thôi

Trong truyền thống Tào Động, người ta dùng bốn chữ là “chỉ quán đả toạ”, tức là chỉ cần ngồi thôi mà không nghĩ đến kết quả của việc ngồi. Chúng ta ngồi như thế nào để mình hạnh phúc, tỉnh thức, để mình là Bụt ngay trong khi ngồi. 

Phương châm đó cũng có thể áp dụng vào những giờ phút khác của khoá tu, ví dụ như khi đi thì chỉ cần đi thôi. Đi như thế nào để mình trở thành một con người tự do. Chúng ta có hạnh phúc ngay trong từng bước chân. “Chỉ quán đả hành”, nghĩa là chỉ cần đi thôi. Khi ngồi ăn cơm, chúng ta chỉ ngồi ăn cơm thôi, không phải ngồi ăn cơm để trở thành một cái gì hết. Chúng ta chỉ ngồi ăn và có hạnh phúc trong khi ăn. Chúng ta có 90 ngày để làm chuyện đó. Mỗi ngày, khi ngồi, khi đi, giặt áo, ăn cơm, chúng ta làm như những con người tự do. Hạnh phúc của chúng ta dựa trên sự tự do chứ không phải dựa trên ước muốn tiêu thụ, mua sắm. 

Chúng ta phải chuẩn bị cho khóa tu này như là chuẩn bị cho ngày Tết. Khoá tu 90 ngày là một ngày Tết dài để có hạnh phúc chứ không phải bổn phận mà chúng ta phải làm. Đại chúng những tuần vừa qua cũng đã và đang chuẩn bị. Tuy nhiên những sự chuẩn bị về hình thức như họp chúng, chia phòng, chia nhóm y chỉ sư-y chỉ muội, tìm kinh tụng,…mới chỉ là những chuẩn bị về mặt tổ chức. Chúng ta phải chuẩn bị về mặt tâm lý. Trước hết, chúng ta cần thấy rằng có được 90 ngày để sống hạnh phúc với nhau là một cơ hội lớn. Trong số chúng ta có một vài vị cư sĩ có điều kiện ở với ta ba tháng, một tháng hay nửa tháng. Đây là một điều rất hiếm, nhất là trong thời đại này. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị như thế nào để mỗi ngày đều có hạnh phúc, đều nuôi dưỡng và được chuyển hoá.

Một khởi đầu mới

 

 

Chúng ta phải luôn nhớ rằng ba tháng an cư không phải là phương tiện. Đó là một sự hưởng thụ. Đó là sự sống. Vì vậy trước khi khởi sự làm lễ Đối thú cho ba tháng an cư, chúng ta phải giải quyết được những nút thắt trong lòng. Nếu chúng ta có vấn đề nào đó chưa được giải quyết với các anh chị em thì cần phải thực tập gỡ những nút thắt đó ra để ngày Đối thú an cư, chúng ta được hoàn toàn thanh tịnh. Từ đây cho đến khi Đối thú an cư còn 10 ngày nữa, trong thời gian này chúng ta phải làm cho được chuyện đó. Chúng ta cần thực tập làm mới để tất cả đều được mới tinh. Nếu không thì ba tháng đó sẽ không được toàn vẹn, không được trinh nguyên và toàn hảo như chúng ta mong muốn. Cũng giống như khi chúng ta chuẩn bị ăn Tết. Vào ngày 30 tết, chúng ta phải trang trải hết tất cả nợ nần. Chúng ta có mượn ai 5 ngàn hay 20 ngàn , chúng ta phải đem đến trả cho người đó. Nếu mùng 1 mà người đó đến đòi là hư hết cả năm. Năm mới là phải mới tinh. Ba tháng an cư cũng như vậy. Đó là hạnh phúc rất lớn cho người tu. Sự thực tập làm mới, nếu muốn, chúng ta sẽ làm được rất mau. 



Mừng ngày Biểu hiện của Thầy

Sáng nay, trời trong xanh, nắng dịu dàng và ấm áp. Đất trời dường như cũng chia vui với niềm vui của những người học trò, tại gia cũng như xuất gia của Thầy. Hôm nay không chỉ là một ngày đẹp trời mà còn là một ngày đáng nhớ với chúng con – ngày Thầy biểu hiện trên dòng chảy sự sống.

Trong buổi ngồi chơi sáng nay, có cơ hội ngồi lại quây quần bên nhau như một gia đình nhỏ, chúng con cùng hướng lòng biết ơn của mình về Thầy, về những nhân duyên tốt lành đã có mặt để Thầy được biểu hiện là Thầy của chúng con.

Chúng con ngồi thật yên, theo dõi hơi thở, lắng lòng mình theo những lời thiền hướng dẫn của sư cô Định Nghiêm: “Thở vào, Thầy trong con đang thở vào với con. Thở ra, Thầy trong con cũng đang thở ra với con — Thầy trong con đang thở vào/Thầy trong con đang thở ra”… “Thở vào, Thầy trong con đang mỉm cười. Thở ra, Thầy trong con đang mỉm cười. Thầy trong con đang mỉm cười…”

 Bài hát ngày xưa

Thực tập thiền hướng dẫn xong, sư cô Định Nghiêm đã mở đầu bằng những lời chia sẻ rất dễ thương:

“Con kính bạch Sư Ông, con kính thưa Sư cô, kính thưa đại chúng. Đầu tiên hết, con xin mời đại chúng cùng tập với nhau một bài hát. Sư Ông dạy cho chúng con hát bài này khi chúng con mới xuất gia. Bài hát này được Sư Ông viết lại lời. Thời gian đó, khi Làng mới thành lập, Sư Ông tự mình đặt lời, viết nhạc cũng như “ra bài tập” cho quý thầy, quý sư cô là ai cũng phải làm nhạc, ai cũng phải hát. Ngồi ở đây có Ni trưởng, sư chị Chân Đức, sư chị Bảo Nghiêm, toàn là những tác giả của rất nhiều bài hát. Hồi đó, các sư mẹ, sư chị, ai cũng phải sáng tác. Các bài hát được viết bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc tiếng Pháp.

Tối nay, đại chúng sẽ được lên xóm Thượng để dự một buổi hoà nhạc. Bây giờ, những buổi hoà nhạc của Làng rất chuyên nghiệp, có sự góp mặt của toàn những nghệ sĩ trong cả hai chúng xuất sĩ và cư sĩ với rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

Trong khi đó, ngày xưa nếu trong chúng có mười người, Sư Ông sẽ tưới tẩm hạt giống âm nhạc cho tất cả mười người. Dù cho mình không chuyên nghiệp, Sư Ông vẫn tưới tẩm hạt giống đó cho mình. Khi Sư Ông gọi tên, mời mình thì mình phải hát. Không quan trọng hát hay hay dở, miễn sao có hát là được. Nghe đến đây, sư cô Tuệ Nghiêm cười vì ngày xưa Sư Ông cũng mời sư cô hát. Lúc đó, tới Làng, mình được tưới tẩm tất cả các hạt giống. Lúc đó, mình cứ hát mà không cần đàn ghita hay nhạc cụ gì cả.

 

 

Sau này, chúng con mới biết là vào năm 1954, lúc Sư Ông còn là một giáo thọ trẻ, Sư Ông đã muốn đưa thiền ca vào các chùa và các Phật học viện. Thời bấy giờ, ở Việt Nam thầy tu không được hát. Người tu cũng được đi xe đạp. Sư Ông là người đầu tiên đi xe đạp.

Vào năm 1955 khi đất nước bị chia đôi, tất cả mọi người hoang mang, học tăng ở Phật học đường Ấn Quang (nơi Sư Ông đang giảng dạy) cũng vậy. Họ không có nên tiếp tục tu nữa hay không. Ban Giám hiệu giao trách nhiệm cho Sư Ông trấn an học tăng, đổi mới chương trình học để học tăng có thêm niềm tin vào con đường tu, cũng như có niềm tin vào tương lai. Khi được giao cho trách nhiệm đó, Sư Ông lập tức thay đổi lại nếp sống ở Phật học viện và chương trình học. Một trong những thay đổi là Sư Ông đã dạy cho học tăng hát. Bài hát mà con sắp mời đại chúng hát là một bài hát mà các học tăng ở Phật học viện Ấn Quang bắt đầu hát vào thời đó. Sư Ông có kể rằng một hôm, Hoà thượng Đôn Hậu đến Phật học viện và lần đầu tiên ngài nghe học tăng hát. Hoà thượng dừng lại và lắng tai nghe. 40 năm sau, năm 94, 95, Sư Ông lại dạy bài đó cho chúng con hát, nhưng Sư Ông đổi lời lại. Sư chị Bảo Nghiêm vẫn thường hát bài này cho đại chúng nghe. Bây giờ xin đại chúng cùng hát với nhau cho vui.”

Giây phút bài hát vang lên trong thiền đường, mọi người dường như cảm nhận được không khí ngày xưa, mấy chục năm sau kể từ lúc các sư chú ở Phật học viện ngâm nga bài hát này. Được biết câu chuyện, các vị thiền sinh Tây phương thích quá, cũng học hát tiếng Việt theo các sư cô.

“Con xin nhất tâm về nương Bụt

  Con về đây trước đài sen, xa trầm luân rũ ưu phiền

  Con xin nhất tâm về nương Bụt

  Con về vun tưới vườn tâm

  Tập từ bi tập bình an và thảnh thơi

  Con xin nhất tâm về nương Bụt…”

 

Đây là giây phút gì?

Các bạn thiền sinh tham dự cũng được mời chia sẻ về những kỉ niệm, về việc áp dụng lời Thầy dạy vào đời sống. Những lời chia sẻ chân thành của các bạn tưới tẩm thêm niềm biết ơn đối với Thầy với tăng thân. Nhờ Thầy mà chúng con thấy được con đường thực tập và có hạnh phúc trong đời sống. Nhờ tăng thân mà chúng con duy trì được sự thực tập của mình miên mật. Đi cùng với nhau, chúng con có thêm sức mạnh để tiếp nối con đường của Thầy.

 

 

Buổi ngồi chơi được khép lại bằng câu chuyện dễ thương của sư cô Trăng Diệu Viên với Thầy:

“Thời mới xuất gia, hạnh phúc lớn nhất của con là cứ mỗi 9 ngày sẽ được lên Sơn Cốc ăn cơm cùng Sư Ông. Bây giờ, khi nhớ lại những giờ phút ấy, con vẫn thấy niềm hạnh phúc chưa hề vơi. Tuy là lúc đó, vì mới xuất gia, được ở gần với người thầy mình thương kính, con run lắm nên không tận hưởng được hết sự có mặt của Sư Ông, không tận hưởng được hết những giây phút đẹp đẽ đó. Con căng thẳng và sợ mình không có đủ chánh niệm sẽ làm sai cái này, làm sai cái kia. Khi ăn cơm với Sư Ông, thầy trò sẽ ngồi quanh bàn và Sư Ông sẽ hỏi sư em nhỏ nhất là con lúc ấy: “Nào, con nói đi”. Khi ấy, con sẽ thưa lên với Sư Ông, với Sư cô và các chị em xung quanh: “Đây là giây phút hạnh phúc”. Được ngồi ăn cơm với Sư Ông, đó thật sự là một giây phút hạnh phúc.

Có một lần, con đưa Sư Ông và sư cô Chân Không ra sân bay Bordeaux để đi khoá tu. Mới xuất gia được không lâu nên con vẫn còn bộp chộp và lao xao lắm, chưa trở về với hơi thở cũng như an trú trong hiện tại được nhiều. Con nhớ là thời điểm đó có rất nhiều chuyến bay bị hoãn và cả đoàn phải ngồi đợi rất lâu. Còn con thì cứ mãi đứng ngắm Sư Ông xem lúc ra ngoài, Sư Ông như thế nào, cách nhìn, cách đi của Sư Ông ra sao. Lúc đó con ngắm Sư Ông như một em bé tò mò nhìn ngắm mọi thứ. Lúc cả đoàn sắp hàng đi vào, con thấy rõ Sư Ông đứng đằng trước với thị giả, sau đó là sư cô Chân Không nhưng không hiểu sao nháy mắt Sư Ông đã cùng đứng bên cạnh con và hỏi: “Con, đây là giây phút gì?”. Con ngẩng lên nhìn Sư Ông và bối rối cực độ. Con hoang mang không biết trả lời Sư Ông như thế nào: “Chẳng lẽ đây là giây phút hạnh phúc hay là như thế nào nhỉ?”. Trong lúc tự hỏi mình nên trả lời như thế nào, con thấy được ánh mắt của Sư Ông nhìn con, đang chờ câu trả lời của con nhưng mà lúc đó con cảm thấy không thể trả lời là giây phút hạnh phúc được. Giây phút hạnh phúc phải là lúc thầy trò ngồi dùng cơm chung, ấm áp, còn hiện tại là đang ở sân bay, chẳng lẽ trả lời là giây phút chia tay? Rất nhiều câu hỏi đi lên rất nhanh trong đầu khiến con càng bối rối hơn. Lại ngẩng lên, thấy sự chờ đợi của Sư Ông, con như một cỗ máy đáp một cách lí nhí: “Bạch Thầy, đây là giây phút hạnh phúc!”. Sau đó, Sư Ông như một cơn gió lướt đi, nhẹ nhàng như lúc đến. Con đứng trân trối ra đó 10 phút, tự trách mình sao lại trả lời một cách máy móc như vậy. “Chắc chắn đó không phải là giây phút hạnh phúc rồi, vậy đó là giây phút gì?”

 

 

Câu hỏi đó đã trở thành một công án của con. Con giữ ở trong lòng rất lâu nhưng vẫn không tìm ra được câu trả lời mà con nghĩ là phù hợp. Năm tháng trôi đi, hình như là 2 năm sau, một ngày nọ công án ấy đi lên trong con và bỗng nhiên như một ánh đèn sáng lên. Con hiểu ra rằng lúc đó trông con rất mất chánh niệm, rất lăng xăng cho nên Sư Ông đã đến bên cạnh để nhắc con trở về an trú nhưng con đã không nhận được thông điệp của Sư Ông ngay lúc đó. Hiểu ra được, con cười được với mình. Công án giờ đây đã trở thành câu thần chú của con. Con hay mời Sư Ông trong con lên, nhắc mình rằng Sư Ông đang có mặt và hỏi mình: “Đây là giây phút gì?” để xem là con có đang an trú hay không. Có khi con nghĩ nếu Sư Ông hỏi con một lần nữa, con sẽ trả lời là: “Bạch Sư Ông, đấy là một giây phút bị bắt tại trận” hoặc “Đây là một giây phút mà con đã biết rồi ạ”. Khi con nghĩ như vậy thì con thấy được Sư Ông mỉm cười với con. Đó là bài học rất quý mà con được nhận từ Sư Ông.”

Sau đó, đại chúng trở về với hơi thở, lắng nghe ba tiếng chuông. Khép lại buổi be-in, trước khi đi thiền hành, mọi người không quên chụp lại chiếc bánh sinh nhật Susi độc đáo mà sư cô Trăng Mai Điền dâng lên Sư Ông nhân ngày đặc biệt này. 

 

 

Một cánh cửa mới 

8 giờ tối, đại chúng cùng có mặt tại Thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng để dự buổi hoà nhạc mà sư cô Định Nghiêm nhắc tới lúc sáng. Buổi hoà nhạc tiếp nối tinh thần của Sư Ông và sư cô Chân Không ngày xưa – đem giáo pháp, chất liệu của đời sống tâm linh chuyền tải qua lời ca, tiếng hát.

Mở đầu, thầy Pháp Linh mời đại chúng cùng hoà âm trong giai điệu nhẹ nhàng, đầy bình an:

“We are one, one with the earth

 We are one, one with joy…”

 

 

Ngôn từ, giai điệu đơn giản nhưng năng lượng tập thể hoà lại với nhau khiến người nghe cảm nhận như đang ngồi trên mặt biển bao la, âm thanh như những tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng, quyện vào nhau trong đêm. Yên bình, thiêng liêng, tắt ngấm mọi nghĩ suy thầm thì.

Tiếp đó,  đại chúng được thưởng thức nhiều bài thơ của Sư Ông do quý thầy, quý sư cô phổ nhạc như Lời nguyện cầu tìm đất sống (A prayer for land), Ngôi sao nhỏ ( Little Star),…

Bầu không khí từ sâu lắng dần chuyển sang vui tươi khi sư cô Chân Không hát tặng đại chúng bài “Kẻ thù ta không phải là người” của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhìn nụ cười, nghe những mẩu chuyện kể kèm theo thời trường Thanh Niên Phụng Sự còn hoạt động rất tích cực để giúp cải thiện đời sống của người dân Việt dưới làn bom đạn. Ta cảm nhận phần nào tinh thần đấu tranh bất bạo động của Sư Ông, Sư cô và các thế hệ Thanh Niên Phụng Sự thời bấy giờ.

“Kẻ thù ta không phải con người

Giết người đi thì ta ở với ai….” 

 

 

Tương tự như một đợt sóng lên cao, vẫy vùng mấy rồi lại rơi xuống, trở về với bản chất mềm mại, nhu nhuyến và lắng yên của nước, niềm vui sau khi qua đi, nghe ở đáy lòng chỉ còn lại sự an lạc, sâu lắng. 

“Con mơ thấy Thầy về

Bên hiên chùa đất Tổ

Và Thầy còn ngồi đó

Cho những đàn con thơ

Con mơ Thầy lên đồi

Hái những hoa cỏ thắm

Thầy cho con ngồi ngắm

Hoa nào là hoa thơm…”

Sự chân thành, kính yêu được diễn tả qua bài hát “Con mơ thấy Thầy về” cũng như tiếng niệm Bồ Tát Quan Thế Âm sau đó đã khiến chất thiền thấm đượm cả không gian thiền đường, lan ra đến từng chiếc lá, ngọn cỏ ngoài trời. Ta thấy đâu đây lấp ló cánh cửa mới của thời đại trong việc truyền bá chánh pháp. Những giáo lý như không sinh không diệt giờ đây đi theo những nốt nhạc vào thẳng tâm thức của con người… 

 

Trên bầu trời, từng vì sao trong mỗi chòm sao sáng lấp lánh, lời chia sẻ của sư cô Định Nghiêm sáng nay, giờ phút này đã đi đến muôn phương: “Khi chúng ta đang có mặt cho nhau tại nơi này để mừng ngày Biểu hiện của Thầy thì tại những nơi khác, những trung tâm khác của Làng trên khắp thế giới, quý thầy, quý sư cô và các vị cư sĩ cũng đang làm như vậy. Tất cả chúng ta đều đang có mặt cho Thầy….”

 

Thầy có mãi trong chúng con

Trong lời tựa cho sách Tay thầy trong tay con, Thầy đã viết rằng: “Nếu Thầy có chủ tâm đi tìm đệ tử trong khi đệ tử cũng có chủ tâm đi tìm Thầy thì chắc chắn là Thầy và đệ tử sẽ gặp nhau”. Sự gặp gỡ đó tạo nên những kỉ niệm, những câu chuyện khắc ghi mãi trong tâm linh của cả Thầy và trò. Thầy dìu dắt, trao truyền cho đệ tử kinh nghiệm của mình trong hành trình tu học. Đệ tử cảm được tình Thầy, nguyện một lòng tiếp nối và mang Thầy đi về tương lai. Tình thầy trò ấm áp, đẹp đẽ và thiêng liêng vô cùng…

Để mừng ngày Biểu hiện của Thầy, BBT xin chia sẻ những mẩu chuyện, những cảm nhận của các vị đệ tử xuất gia và tại gia đối với Thầy như là món quà dâng lên Thầy trong ngày đáng nhớ này.

 

 

Con đang bước cho Thầy

(Sư cô Chân Đào Nghiêm)

Năm 2020, con may mắn được về Tổ đình Từ Hiếu một tuần để thăm Thầy và có dịp đẩy xe lăn cho Thầy đi dạo xung quanh Tổ đình. Thầy ra hiệu bằng tay để nói chuyện với con, giới thiệu cho con các địa điểm khác nhau trong Tổ đình. Con bước đi cho Thầy, hai bàn chân của Thầy cũng chính là hai bàn chân con.

Con đã có nhiều dịp bước đi theo Thầy trên những nẻo đường khác nhau. Có lúc con đi theo Thầy ở những thành phố lớn, trong những buổi thiền hành với hàng ngàn người. Lại cũng có lúc con đi theo Thầy cùng vài người khác, trên những con đường nhỏ. Bao nhiêu năm bước đi theo Thầy, con cảm được niềm vui và sự nhẹ nhàng trong cách Thầy đi. Con thấy được sự tự do, an lạc của Thầy.

Mỗi khi đi thiền hành, Thầy thường ưa dành một chút thời gian để ngồi yên cùng đại chúng, dầu đó là một đại chúng hàng ngàn người hay chỉ một nhóm nhỏ vài ba người. Thầy chỉ ngồi và tận hưởng việc ngồi yên mà không làm gì cả. Chỉ đơn giản thưởng thức sự có mặt của nhau giữa khung cảnh thiên nhiên, kể cả khi nơi đó là vệ đường ở các thành phố lớn. Con nhớ hồi mới bắt đầu tu tập ở Làng Mai, khi chúng con ngồi với Thầy giữa buổi thiền hành, con cứ chờ đợi Thầy nói hay làm điều gì đó đặc biệt. Nhưng Thầy và đại chúng chỉ ngồi yên, thưởng thức giây phút hiện tại. Và đó là cơ hội để mọi người tiếp xúc sâu sắc với cảnh vật xung quanh, hưởng được sự an lạc và sự có mặt của nhau. Dần dần, con học được cách thưởng thức từng giây phút trong đời sống hằng ngày một cách sâu sắc hơn.

Thầy ra hiệu bằng tay để nói chuyện với con, giới thiệu cho con các địa điểm khác nhau trong Tổ đình. Con bước đi cho Thầy, hai bàn chân của Thầy cũng chính là hai bàn chân con.

Mở ra cánh cửa chuyển hoá

(Dr. Lilian Cheung)

Thầy và cô Lilian Cheung là đồng tác giả của cuốn sách “Savor”

Mùa thu năm 1997, tôi nhận được một tờ quảng cáo cho khóa tu bảy ngày về Tâm lý học Phật giáo, “Mở ra cánh cửa trị liệu và chuyển hóa”, do thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn. Không biết thiền sư Thích Nhất Hạnh là ai, nhưng trong tôi vang lên tiếng con trai mình khẩn khoản: “cốc cốc cốc”. Tôi nghĩ đây chắc chắn là cánh cửa tôi phải mở ra. Thêm vào đó, khóa tu còn được tổ chức ở Key West, Floria, một nơi tôi đang muốn đến thăm. Vậy là tôi đăng ký liền lập tức.

Khóa tu diễn ra dưới một cái lều lớn trong sân gôn. Khi các vị xuất sĩ bước vào, tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ không phải người gốc Á châu như những gì mình tưởng sau những trải nghiệm về đạo Bụt từ thuở nhỏ. Rồi từ từ, tôi nhận ra và thực sự trân quý tinh thần bao dung, không kì thị trong những lời Thầy dạy. Nhờ vậy, những lời dạy ấy đã đến được với tất cả các tín ngưỡng, tôn giáo, màu da và quốc tịch trên khắp thế giới.

Thầy xuất hiện trên khán đài, bình thản bước tới tọa cụ của mình. Chưa cần nghe tiếng Thầy nói, chỉ cần thấy sự hiện diện của Thầy, tôi đã có cảm giác đây là một vị thánh. Trong khi nghe Thầy dạy, tôi bắt đầu cảm thấy trong mình có một sự biến chuyển. Trong một bài pháp thoại, Thầy giảng rằng khổ đau luôn có mặt ở đó. “Ta cần phải nhìn sâu vào khổ đau để tìm thấy con đường thoát khổ. Ta không thể trốn chạy khổ đau. Hạnh phúc và an lạc chỉ có thể tìm thấy ngay trong lòng khổ đau”. Là một người suốt đời sống trong sự lo âu, thường xuyên không cảm nhận được hạnh phúc, tôi rất xúc động khi nghe lời dạy đó. Cũng trong buổi chiều hôm ấy, Thầy mời đại chúng quán chiếu về năm câu hỏi:

  1. Mình nghĩ là mình cần thêm những điều kiện nào thì mới có thể hạnh phúc?
  2. Nếu những điều kiện đó không thể nào có thể thực hiện được, mình sẽ đau khổ cả đời sao? Nếu vậy, mình cần làm gì?
  3. Điều gì mang lại hạnh phúc cho mình ngay thời điểm hiện tại? Viết xuống những yếu tố hạnh phúc đang có mặt cho mình trong hiện tại.
  4. Mình cần sắp xếp đời sống của mình như thế nào để có thể nhận diện và được nuôi dưỡng bởi những yếu tố này trong đời sống hàng ngày?
  5. Đối với những điều mà hiện giờ mình chưa thích, mình có thể làm gì để dễ dàng chấp nhận những điều ấy hơn?

Khóa tu đã đem lại sự chuyển hóa hoàn toàn cho tôi và có lẽ cũng trị liệu cho nhiều người khác nữa. Tôi chứng kiến một thiền sinh bật khóc trong buổi pháp đàm đầu tiên. Khi chúng tôi hỏi thăm, anh kể rằng vợ anh đã bỏ đi không một lời giải thích. Đến ngày thứ ba của khóa tu, anh thôi không khóc trong pháp đàm nữa và khi ngồi ăn trưa với nhau trước ngày chia tay, anh đã cười cùng chúng tôi. Chỉ trong bảy ngày mà đã có sự chuyển hóa không thể ngờ được như thế!

Giờ chia tay kết thúc khóa tu ở Key West, Thầy có một lời nhắn nhủ đặc biệt: “Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã nếm được một chút an lạc trong khóa tu này, nhưng nếu về nhà ta không giữ sự thực tập thì những an lạc đó sẽ tan biến hết”. Thông điệp này đã ghi sâu vào lòng tôi và tôi quyết tâm sẽ áp dụng những lời Thầy dạy vào đời sống của mình. Tôi bắt đầu thực tập chánh niệm mỗi ngày, dù có lúc tôi chỉ làm được nhiều nhất là 3% thời gian mình có. Vậy mà dần dà thói quen mới đã được hình thành, và tôi thấy mức độ chánh niệm của mình tăng lên theo năm tháng.

 

“Chỉ cần nhìn Thầy thôi”

(Thầy Chân Pháp Lưu)

Con đã rất hồi hộp vào ngày đầu tiên làm thị giả cho Thầy. Đi theo Thầy về thất Ngồi Yên sau pháp thoại, con – một người Tây phương cao ráo, cố gắng thu mình lại nhỏ hết sức có thể trong một góc giữa nhà bếp và phòng chính.Thầy hẳn đã cảm nhận được sự lo lắng của con. Khi  từ nhà bếp đi ra, Thầy đặt lòng bàn tay lên giữa lưng con. Toàn bộ cơ thể con thư giãn và cảm thấy thoải mái. Kể từ đó, khi lòng con bị một cảm xúc chiếm ngự, chỉ cần nhớ đến bàn tay Thầy đặt trên lưng con, con thấy thư giãn ngay.

Một lần nọ, khi con theo một sư anh đến thăm Thầy ở Sơn Cốc, Thầy rút ra khỏi kệ sách một bản Lịch sử cuộc đời đức Phật (Buddhacarita) bằng tiếng Phạn của ngài Mã Minh (Asvaghosa) để con đọc trong khi sư anh chăm sóc Thầy. Ngay cả đối với những người biết một chút tiếng Phạn thì đó cũng là một bài thơ phức tạp, nhưng nhờ hành động đó của Thầy mà con đã có cảm hứng đọc đi đọc lại nó trong nhiều năm, học hỏi từ những đoạn nói về sự từ bỏ dục lạc của Tất Đạt Đa.

Con là sư chú trẻ nhất theo Thầy về Việt Nam vào năm 2005. Ở Hà Nội, một sư anh bảo con rằng “chỉ cần nhìn Thầy” bất cứ khi nào con không biết phải làm gì. Những lời này vô cùng hữu hiệu cho một vị Sa di trẻ chưa từng đến châu Á trước đây như con.

Trong tuần đầu tiên, một đêm nọ Thầy và cả đoàn xuống xe ở một thị trấn gần ngoại ô Hà Nội để ghé thăm chùa của một sư cô từng đến Làng Mai, là đệ tử của Thầy. Hoàng hôn đang xuống. Phái đoàn sẽ phải đi bộ khoảng một cây số trên con đường hẹp để đến đó. Con cảm thấy lo lắng cho Thầy. Mọi thứ đều quá mới mẻ và khác thường với con ở Việt Nam, và con lo ngại cho sự an toàn của Thầy. Thế nhưng khi đi cạnh Thầy, con cảm thấy không còn sợ nữa. Thầy đã trải qua rất nhiều chuyện, đã thực tập rất sâu sắc nên thản nhiên trước sự bị thương hay cái chết. Mỗi khi nỗi sợ hãi hay lo lắng dâng lên trong con, con lại nhớ đến sự vô úy của Thầy vào lúc Thầy dẫn phái đoàn đi qua những con đường quanh co khi trời tối, và nỗi sợ hãi của con tan biến.

 

Thầy trong một khoá tu ở Đức năm 2011

 

Tiếp nối Thầy

(Sư cô Chân Đẳng Nghiêm)

Tu viện Lộc Uyển hiện đang có khóa tu đón mừng năm 2023. Vì thiếu chỗ nên nhiều gia đình có cháu nhỏ cũng phải cắm trại. Trời đổ mưa nặng hạt đôi khi lạnh cóng, nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ. Lều cắm san sát với những màu sắc rực rỡ như nấm mọc lên sau cơn mưa giữa sa mạc. Các sư em con cũng mạnh dạn lên chia sẻ trong buổi hướng dẫn tổng quát dù tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Sáng hôm sau, có một cặp vợ chồng người Mỹ tới gặp con sau khi con cho pháp thoại. Họ chắp tay, tha thiết nói: “Nhiều năm Thầy đã dạy tăng thân sẽ tiếp nối Thầy, nhưng tôi đã không tin điều đó. Từ lúc Thầy qua đời, tôi cảm thấy mất đi niềm cảm hứng. Nhưng trong khóa tu này, khi lắng nghe những lời chia sẻ của quý thầy quý sư cô, tôi thật sự thấy rằng Thầy đang được tăng thân tiếp nối. Bây giờ thì tôi thật sự tin điều đó. Cảm ơn quý thầy, quý sư cô đã cho tôi niềm tin”. Ông vừa nói vừa khóc, nước mắt giàn giụa. Vợ của ông đứng kế bên cũng khóc ròng. Chúng con cùng khóc với nhau những giọt nước mắt tràn đầy hạnh phúc.

Chúng con đi, bước chân Thầy huyền thoại
Chúng con thở, hơi thở Thầy truyền kỳ
Chúng con sống, cuộc đời Thầy kỳ diệu
Hạnh phúc cười, Thầy có mãi trong chúng con.

 

 

Mùa cổ tích

(Sư cô Chân Trăng Tâm Đức)

 

 

Trung thu năm nay rất thú vị. Tối nay, sau khi rước đèn, ngắm trăng cùng mọi người về, hình ảnh em bé đón trung thu năm nào trong con chợt hiện lên sống động. 

Sinh ra ở một vùng quê cách trung tâm thành phố Huế không quá xa và con có một tuổi thơ thật đầy màu sắc. Năm con học lớp hai, một đoàn trẻ con trong xóm trạc tuổi nhau đã lập nên một nhóm đi múa lân. Tính ra cũng gần hai mươi đứa. Mỗi đứa góp tiền ăn vặt mà mình có để mua những thứ cần thiết từ trống, đầu lân, vải cho đến đồ trang trí cho đuôi lân, mặt nạ ông địa và nhiều thứ khác. Kế hoạch là đi múa lần lượt từng nhà, hết thôn của mình thì sẽ sang thôn khác trong vòng ba đêm, bắt đầu từ đêm Mười ba. Tuy là đoàn con nít nhưng chúng con tập dượt hoành tráng lắm. Trước khi xuất quân đi múa là cả đoàn hẹn nhau tập cả tuần. Hồi đó lớp con học buổi chiều nên sau khi đi học về, con ăn cơm thiệt nhanh để đến nơi tập hợp. 

Đêm Mười ba, mấy đứa nhỏ hẹn mang hết tất cả đồ đạc tập trung ở lăng Ông cụ Kinh tế gần nhà. Lý do lăng có tên này là con được nghe từ Ba rằng ông cụ thuộc dòng họ Nguyễn Khoa và trước đây làm chức chi to lắm trong Ban kinh tế của nhà nước. Hôm đó, tụi con mua trái cây, bánh tới lăng Cụ để cúng rất là thành kính. Đứa nào cũng được đứng trước lư hương và lầm thầm khấn vái. Sau đó là một màn múa lân ngay trước lăng rồi mới bắt đầu xông đất nhà đầu tiên. 

Trong thời gian đoàn lân chúng con múa thì cũng có những đoàn lân người lớn khác. Đoàn con nít rất được chủ nhà yêu thích và không những treo tiền lì xì mà còn có cả quà bánh và nước uống. Thành ra thủ quỹ cần mang theo túi to để đựng nào là cam, chuối, ổi, bánh, kẹo. Lúc đó quê con chưa có điện đường nên nhiều đứa được phân công cầm đuốc. Cây đuốc được làm từ những ống tre, đổ dầu hỏa vào và nhét trên miệng ống một miếng vải được quấn rất chặt để châm lửa từ đó. Mỗi lần thấy ngọn lửa nhỏ lại thì chỉ cần chốc ngược ống tre là vải được tiếp thêm dầu và bùng sáng trở lại. 

Đoàn đi đến đâu là rộn ràng tới đó vì cái đầu lân thì nhỏ xíu mà đội quân đi theo rất là hùng hậu. Ấn tượng nhất là anh họ con đóng vai Tề thiên cầm gậy xoay và hai đầu gậy được đốt lửa tạo nên vòng tròn lửa y như trong phim. Trong khi đó nhân vật mà nhà nhà tò mò muốn biết mặt là ông địa bụng bự vì ông đeo mặt nạ Trư bát giới và diễn quá sức dễ thương. Đêm nào về đến nhà cũng khuya nhưng đứa mô đứa nấy đều rộn ràng trong lòng và nhiều khi tiếng trống còn vang trong giấc mơ. Đó là những lần hiếm hoi mà chị gái con và con được đi chơi đến tận tối khuya mới về nhà. Đêm Mười lăm, chúng con lên kế hoạch múa về sớm để còn liên hoan phá cỗ. Địa điểm cũng tại lăng ông Cụ. Số tiền lì xì nhận được dùng mua nào đồ ăn, nước uống, bánh trung thu và số dư còn lại được chia cho mỗi đứa để làm quà. Sau khi được ăn uống, kể chuyện và còn đem tiền lì xì về nhà, lòng đứa nào cũng vui như hội và mong mùa trung thu năm sau đến nhanh để lại được chơi tiếp.

Bây giờ trẻ em ở quê con không còn chơi những trò mà tuổi thơ con đã trải qua. Đường xá bây giờ đã được đổ nhựa chứ không còn là những con đường làng đất cát với nhiều cây hai ven đường. Các đoàn lân hầu hết là người lớn, chứ để kiếm ra một đoàn nhóc như chúng con trước đây chắc cũng khó. Nhớ lại mà con thấy biết ơn vùng quê mình tuy nghèo nhưng tình hàng xóm đậm đà, con nít cùng chơi với nhau không biết bao nhiêu trò. Miền quê yên bình đã cho con có một tuổi thơ rộn tiếng cười.

Lớn dần lên, đi học rồi đi làm, con không còn được hưởng không khí Trung thu như hồi nhỏ nữa. Thế nhưng khi vô chùa và đặc biệt năm nay, không khí Trung thu năm nào ở làng quê trong con có cơ hội sống dậy. Nhờ các sư cô, sư chị trong cư xá phát động kế hoạch làm lồng đèn để rước đêm rằm, mà con đã có dịp tự mình làm đèn. Đêm làm biếng, mấy chị em con bày binh bố trận ngay trong phòng học, nào chẻ tre, vót tre, làm khung, cắt giấy, dán keo. Dù gây ra tiếng động không hề nhẹ nhưng ai cũng tự bào chữa là vì tinh thần làm đèn đón Tết trung thu nên chắc mọi người sẽ hoan hỉ cho thôi. 

 

     

Hôm đó, trong khi sư chị cùng phòng đã gần hoàn tất chiếc đèn lồng nhỏ xinh xắn, con vẫn chưa làm được đèn cho mình vì bận chẻ và vót tre. Mấy chị em con đùa nhau, sáng mai ai dậy sớm thì sẽ được đốt đèn thưởng thức trước. Sáng hôm sau, sư chị dậy sớm nhất nhưng đã rất dễ thương nhường đèn cho con. Vừa bước vào phòng học con đã thấy đèn thắp sáng, vừa lung linh vừa ấm áp. Ngay lập tức con có động lực làm một chiếc đèn, vừa để đón trăng và sau đó để trên bàn học luôn. 

Tối đến, con bày đồ ra và hào hứng nào cắt, nào dán trong niềm thích thú. Sau một hồi xoay xở, cuối cùng sản phẩm cũng được ra đời là một chiếc lồng đèn nhỏ hình trụ vuông với họa tiết là những cánh hoa đào màu đỏ bé xíu.

Bảy giờ tối đêm Rằm, đại chúng tập hợp ở nhà ăn, khất thực bánh trung thu rồi thiền hành lên đồi mận. Nhìn mọi người, đặc biệt là quý sư mẹ mặt rạng rỡ, trên tay cầm chiếc lồng đèn được thắp sáng mà con thấy vui. Một sư mẹ chia sẻ trước khi đi thiền rằng bây giờ bầu trời sẽ thay đổi trong từng khoảnh khắc nên mời mọi người quay trở về ý thức những gì đang xảy ra. Đi cùng đại chúng, con đã đặt lên đất Mẹ những bước chân bình an, gửi gắm cả niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên được rước đèn lên đồi đón trăng.  

 Điều mầu nhiệm là sau khi ngồi xuống trên đỉnh đồi một vài phút thì đằng xa kia, phía lâu đài Duras, trăng bắt đầu nhô lên. Đây là một trong những lần hiếm hoi con được chứng kiến khoảnh khắc tuyệt đẹp này. Con nghĩ từ ngữ không đủ để diễn tả sự nhiệm mầu của vũ trụ, chỉ có cách tận mắt chứng kiến mà thôi. Lòng con lắng yên, cảm nhận hơi thở vào ra thật nhẹ, thưởng thức vẻ đẹp của trăng -“nàng thơ của biết bao thi sĩ”. Trăng tròn, to, còn ửng chút hồng nhạt, sau đó trăng dần lên cao và sáng hơn. May mắn nữa là lần đầu tiên con được ngắm trăng với ống nhòm có độ phóng đại rất lớn do một sư chị mang theo. Con nhìn được những mảng màu tối ở trên trăng mà trong đầu của mấy đứa con nít Việt đó là hình ảnh cây đa của chú Cuội. 

Sau đó, đại chúng được thưởng thức bánh trung thu, những bài hát, những lời chia sẻ từ các bạn thiền sinh, trong đó có nhiều bạn người Trung Hoa. Sư cô Chân Không đã mang đến cho đại chúng không khí sống động với tiếng hát và những câu chuyện dí dỏm về cây đa, chú Cuội trong văn hóa Việt. Trăng tỏa ánh sáng dịu hiền, ôm ấp núi đồi, cây cỏ, ôm lấy luôn cả đoàn người đang ngồi trên đồi. Con thấy bình yên, hạnh phúc và biết ơn mọi nhân duyên cho con đang được ngồi thảnh thơi cùng đại chúng ngắm trăng. 

 

 

Sau khi mọi người đã về lại phòng, con vẫn còn muốn cầm đèn đi dạo quanh xóm dưới ánh trăng mát dịu. Trăng chiếu sáng khắp các lối đi. Đêm nay trăng rằm, thế là con chọn thiền đường Trăng Rằm là nơi để tiếp tục thưởng trăng. Một món quà nữa cho con khi ra đến thiền đường đó là hương hoa mộc thơm nức. Con thấy mình giàu có hết sức, có trăng sáng trên cao, có lồng đèn, có hoa mộc tặng mùi thơm và con đang có mặt cho chính con ngay lúc này. Con yên lặng thở và mời Bụt, mời Thầy cùng ngắm trăng với con. Con thấy khi con đủ yên, con nhìn lại được chính con thì giây phút nào trôi qua cũng là giây phút huyền thoại. 

Con đã có đêm trăng với nhiều hạnh phúc cùng những kỉ niệm tuổi thơ trong trẻo ùa về. Trở lại phòng mà trong con vẫn còn vang vọng giọng hát ngọt ngào và sâu lắng của Sư cô Chân Không dành tặng đại chúng bài thơ “Tao ngộ”:

“Bên bờ suối vô vi

Trăng lên chờ ta đó

Ngàn xưa từ ngàn xưa

Trăng vẫn chưa hề lặn

Ta đi vào viễn xứ

Trăng đưa lối ta về

Trùng dương muôn bến mộng

Nên ta vẫn còn mê

Trăng Huyền Không mở hội

Hương lan ngát bên đồi

Mây ngàn phương về hội

Giờ tao ngộ đến rồi

Quê hương vẫn là đây

Trăng vẫn mảnh trăng này

Ngàn sau ngàn sau nữa

Lồng lộng giữa trời mây”

(Thơ: Viên Minh, Nhạc: Tịnh Thuỷ)



Thầy trò mình đang ở trên đỉnh đồi

(Sư cô Chân Thao Nghiêm)

Biết đến bao giờ chúng con mới hết nhớ Thầy! Chắc sẽ còn lâu lắm, mà cũng có thể không bao giờ. “Không sao, có nhớ Thầy, có khóc cũng chẳng sao, vì mọi người đều vậy mà!”, con thầm nghĩ.

Mỗi lần anh chị em ngồi chơi với nhau, chúng con kể rất nhiều chuyện về Thầy. Chúng con luôn cười thật vui, và trong trái tim mỗi người đều đầy ắp sự thương kính hướng về Thầy.

Cuối thu là mùa Thầy về lại Làng sau những tháng ngày hoằng pháp nơi xa. Anh chị em chúng con ở nhà thường háo hức dọn dẹp, chuẩn bị đón Thầy về, và rồi đại chúng sẽ có một mùa an cư thật ấm áp. Chúng con không quên mua vài chậu hoa cúc, loại hoa mà Thầy yêu thích, đặt sẵn trong nhà kính để khi về tới Thầy có thể chơi với hoa. Cứ sau một chuyến đi xa về, Thầy thường đi thăm các xóm một cách bất ngờ để bắt gặp đời sống bình thường, tự nhiên của các sư con.

Mùa thu năm đó, Thầy còn dưỡng bệnh. Thầy trò mình đang ở xóm Thượng. Bốn giờ sáng, Thầy bấm chuông gọi, chị em con qua thất xem Thầy cần giúp gì không. Thầy Pháp Áo cho biết là Thầy muốn đi thăm tăng xá. Con hơi bất ngờ, hỏi lại: “Nhưng bây giờ chưa tới giờ thức chúng, đại chúng còn đang ngủ mà?”

Thầy Pháp Áo chưa kịp trả lời thì con nghe Thầy lên tiếng:

“Chuẩn bị đi thôi con, mình sẽ tạo bất ngờ cho quý thầy. Gọi tất cả các anh chị em khác cùng đi. Phải nhanh lên mới kịp, mình phải vào, trong lúc quý thầy chưa dậy mới vui!”.

Thế là anh chị em con được đi với Thầy vào tăng xá. Thầy dạy chúng con mang theo hai chậu hoa cúc để làm quà. Quý thầy thị giả đẩy xe cho Thầy, còn chị em con bưng hoa theo sau. Lên hết các bậc cấp của thất Ngồi Yên, ra khỏi mé rừng, con đường từ tháp chuông dẫn đến tăng xá trước năm giờ sáng còn tối lắm, cảm giác như còn giữa khuya. Ngẩng đầu nhìn lên là một bầu trời đầy sao. Không khí yên tĩnh, sao sáng lấp lánh cả bầu trời, Thầy thốt lên: “Ôi chao ôi, đẹp quá! Mầu nhiệm quá! Cám ơn Bụt Tổ còn cho con có cơ hội này, lâu rồi mới có cơ hội thấy lại”. Thầy trò ai cũng xúc động tận hưởng và trân quý sự mầu nhiệm của đất trời buổi sớm.

 

 

Vào tới tăng xá, quý thầy đúng là chưa dậy. Thầy thích thú ghé vài phòng để đánh thức quý thầy dậy, tạo sự bất ngờ. Sau đó, Thầy ra thư viện uống trà, ngồi chơi và hỏi thăm quý thầy. Thầy kể chuyện cho các sư con nghe, còn hát tặng một bài nữa và không quên tặng hai chậu hoa cúc cho tăng xá. Giây phút ấy thật hạnh phúc và ấm cúng! Những sư con ở gần Thầy ai cũng biết là để làm được như vậy, Thầy phải dùng nhiều năng lượng hơn mức sức khỏe của Thầy cho phép. Nhưng Thầy có hạnh phúc và được nuôi dưỡng từ tình thầy trò. Và điều Thầy luôn muốn là đem lại sự an tâm cho các sư con.

Con nhớ cảm giác có Thầy trong đại chúng. Thầy luôn là người chủ động, biết cách làm chủ tình hình và tạo không khí rất cởi mở, dễ chịu cho mọi người xung quanh. Bằng tình thương và năng lượng nhẹ nhàng, Thầy hướng dẫn cho đại chúng chia sẻ trong những buổi sinh hoạt xuất sĩ hay pháp đàm chung. Thầy có mặt rất hết lòng, và điều đó nhắc nhở chúng con quay về với sự thực tập. Con rất thích mỗi khi có dịp được nghe Thầy kể những câu chuyện mà chúng con chưa được nghe bao giờ. Thầy nhớ rõ các chi tiết, rồi kể một cách từ tốn nhưng rất hài hước và sống động. Thầy không cần diễn tả nhiều, vậy mà nội dung câu chuyện được truyền tải đầy đủ và đáng nhớ. Thầy trò mình đã cùng cười rất vui.

Ở Sơn Cốc, có một cầu thang gỗ dẫn lên phòng Thầy. Cầu thang rất cũ, hẹp và tối. Thầy thường nói với chúng con là cầu thang có mười tám bậc và lần nào bước trên đó, Thầy đều bước trong chánh niệm và hạnh phúc. Mỗi lần lên cầu thang cùng Thầy, con đều vội vàng đóng cửa hành lang, bật đèn và xếp dép để Thầy không phải chờ lâu. Thầy luôn đứng đó, chờ con đến mới bắt đầu bước tiếp để thầy trò cùng bước lên từng bậc thang trong chánh niệm và hạnh phúc. Phải bước lên vài bậc thang, con mới yên trở lại và thấy hạnh phúc vì được Thầy dẫn dắt, nhắc nhở con bước đi trong chánh niệm. Con không cần phải làm gì, chỉ bước theo từng bước chân của Thầy. Thầy thường cười và nói: “Thầy trò mình đang leo đồi thế kỷ!”.

Hồi ấy, Thầy từng nói: “Thầy trò mình đã leo đồi thế kỷ được nhiều năm rồi, khi lên đến đỉnh đồi thì Thầy được bao nhiêu tuổi?” và Thầy cười. Con đã tưởng tượng, đã ước mơ khi lên tới đỉnh đồi, Thầy vẫn còn hiện diện với chúng con bằng xương bằng thịt. Còn con, lúc đó sẽ là một sư cô lớn tuổi, với niềm hạnh phúc là Thầy vẫn còn ngồi với mình và xung quanh là đại chúng rất đông. Có lẽ lúc đó con sẽ khôn lớn đủ, vì đã có Thầy thật lâu để nương tựa và lớn lên.

Thầy kính thương, Thầy trò mình đang ở trên đỉnh đồi, đang ngồi yên bên nhau. Mình cùng thở chung một nhịp và mỉm cười ngắm nhìn sự mầu nhiệm của đất trời. Có Thầy trong lòng, con thấy mình thật đầy đủ, mạnh mẽ, giàu có và ấm áp.

Mỗi lần hòa mình vào lòng đại chúng, con đều nhớ lại ước mơ lúc xưa của Thầy. Đó là xây dựng được một tăng thân dễ thương, có tình huynh đệ và có thực chất tu học. Thầy kính thương, có phải giấc mơ của Thầy đã thành hiện thực từ lâu? Giấc mơ đó đã trở thành hiện tại của chúng con, sẽ trở thành tương lai của các sư em và của tất cả mọi người nữa.

Chúng con luôn biết ơn Thầy và đang cùng Thầy đi về tương lai.