Thầy có mãi trong chúng con

Trong lời tựa cho sách Tay thầy trong tay con, Thầy đã viết rằng:” Nếu thầy có chủ tâm đi tìm đệ tử trong khi đệ tử cũng có chủ tâm đi tìm thầy thì chắc chắn là thầy và đệ tử sẽ gặp nhau”. Sự gặp gỡ đó tạo nên những kỉ niệm, những câu chuyện khắc ghi mãi trong tâm linh của cả thầy và trò. Thầy dìu dắt, trao truyền cho đệ tử kinh nghiệm của mình trong hành trình tu học. Đệ tử cảm được tình thầy, nguyện một lòng tiếp nối và mang thầy đi về tương lai. Tình thầy trò ấm áp, đẹp đẽ và thiêng liêng vô cùng…

Để mừng ngày Biểu hiện của Thầy, BBT xin chia sẻ những mẩu chuyện, những cảm nhận của các vị đệ tử xuất gia và tại gia đối với Thầy như là món quà dâng lên Thầy trong ngày đáng nhớ này.

 

 

Con đang bước cho Thầy

(Sư cô Chân Đào Nghiêm)

Năm 2020, con may mắn được về Tổ đình Từ Hiếu một tuần để thăm Thầy và có dịp đẩy xe lăn cho Thầy đi dạo xung quanh Tổ đình. Thầy ra hiệu bằng tay để nói chuyện với con, giới thiệu cho con các địa điểm khác nhau trong Tổ đình. Con bước đi cho Thầy, hai bàn chân của Thầy cũng chính là hai bàn chân con.

Con đã có nhiều dịp bước đi theo Thầy trên những nẻo đường khác nhau. Có lúc con đi theo Thầy ở những thành phố lớn, trong những buổi thiền hành với hàng ngàn người. Lại cũng có lúc con đi theo Thầy cùng vài người khác, trên những con đường nhỏ. Bao nhiêu năm bước đi theo Thầy, con cảm được niềm vui và sự nhẹ nhàng trong cách Thầy đi. Con thấy được sự tự do, an lạc của Thầy.

Mỗi khi đi thiền hành, Thầy thường ưa dành một chút thời gian để ngồi yên cùng đại chúng, dầu đó là một đại chúng hàng ngàn người hay chỉ một nhóm nhỏ vài ba người. Thầy chỉ ngồi và tận hưởng việc ngồi yên mà không làm gì cả. Chỉ đơn giản thưởng thức sự có mặt của nhau giữa khung cảnh thiên nhiên, kể cả khi nơi đó là vệ đường ở các thành phố lớn. Con nhớ hồi mới bắt đầu tu tập ở Làng Mai, khi chúng con ngồi với Thầy giữa buổi thiền hành, con cứ chờ đợi Thầy nói hay làm điều gì đó đặc biệt. Nhưng Thầy và đại chúng chỉ ngồi yên, thưởng thức giây phút hiện tại. Và đó là cơ hội để mọi người tiếp xúc sâu sắc với cảnh vật xung quanh, hưởng được sự an lạc và sự có mặt của nhau. Dần dần, con học được cách thưởng thức từng giây phút trong đời sống hằng ngày một cách sâu sắc hơn.

Thầy ra hiệu bằng tay để nói chuyện với con, giới thiệu cho con các địa điểm khác nhau trong Tổ đình. Con bước đi cho Thầy, hai bàn chân của Thầy cũng chính là hai bàn chân con.

Mở ra cánh cửa chuyển hoá

(Dr. Lilian Cheung)

Thầy và cô Lilian Cheung là đồng tác giả của cuốn sách “Savor”

Mùa thu năm 1997, tôi nhận được một tờ quảng cáo cho khóa tu bảy ngày về Tâm lý học Phật giáo, “Mở ra cánh cửa trị liệu và chuyển hóa”, do thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn. Không biết thiền sư Thích Nhất Hạnh là ai, nhưng trong tôi vang lên tiếng con trai mình khẩn khoản: “cốc cốc cốc”. Tôi nghĩ đây chắc chắn là cánh cửa tôi phải mở ra. Thêm vào đó, khóa tu còn được tổ chức ở Key West, Floria, một nơi tôi đang muốn đến thăm. Vậy là tôi đăng ký liền lập tức.

Khóa tu diễn ra dưới một cái lều lớn trong sân gôn. Khi các vị xuất sĩ bước vào, tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ không phải người gốc Á châu như những gì mình tưởng sau những trải nghiệm về đạo Bụt từ thuở nhỏ. Rồi từ từ, tôi nhận ra và thực sự trân quý tinh thần bao dung, không kì thị trong những lời Thầy dạy. Nhờ vậy, những lời dạy ấy đã đến được với tất cả các tín ngưỡng, tôn giáo, màu da và quốc tịch trên khắp thế giới.

Thầy xuất hiện trên khán đài, bình thản bước tới tọa cụ của mình. Chưa cần nghe tiếng Thầy nói, chỉ cần thấy sự hiện diện của Thầy, tôi đã có cảm giác đây là một vị thánh. Trong khi nghe Thầy dạy, tôi bắt đầu cảm thấy trong mình có một sự biến chuyển. Trong một bài pháp thoại, Thầy giảng rằng khổ đau luôn có mặt ở đó. “Ta cần phải nhìn sâu vào khổ đau để tìm thấy con đường thoát khổ. Ta không thể trốn chạy khổ đau. Hạnh phúc và an lạc chỉ có thể tìm thấy ngay trong lòng khổ đau”. Là một người suốt đời sống trong sự lo âu, thường xuyên không cảm nhận được hạnh phúc, tôi rất xúc động khi nghe lời dạy đó. Cũng trong buổi chiều hôm ấy, Thầy mời đại chúng quán chiếu về năm câu hỏi:

  1. Mình nghĩ là mình cần thêm những điều kiện nào thì mới có thể hạnh phúc?
  2. Nếu những điều kiện đó không thể nào có thể thực hiện được, mình sẽ đau khổ cả đời sao? Nếu vậy, mình cần làm gì?
  3. Điều gì mang lại hạnh phúc cho mình ngay thời điểm hiện tại? Viết xuống những yếu tố hạnh phúc đang có mặt cho mình trong hiện tại.
  4. Mình cần sắp xếp đời sống của mình như thế nào để có thể nhận diện và được nuôi dưỡng bởi những yếu tố này trong đời sống hàng ngày?
  5. Đối với những điều mà hiện giờ mình chưa thích, mình có thể làm gì để dễ dàng chấp nhận những điều ấy hơn?

Khóa tu đã đem lại sự chuyển hóa hoàn toàn cho tôi và có lẽ cũng trị liệu cho nhiều người khác nữa. Tôi chứng kiến một thiền sinh bật khóc trong buổi pháp đàm đầu tiên. Khi chúng tôi hỏi thăm, anh kể rằng vợ anh đã bỏ đi không một lời giải thích. Đến ngày thứ ba của khóa tu, anh thôi không khóc trong pháp đàm nữa và khi ngồi ăn trưa với nhau trước ngày chia tay, anh đã cười cùng chúng tôi. Chỉ trong bảy ngày mà đã có sự chuyển hóa không thể ngờ được như thế!

Giờ chia tay kết thúc khóa tu ở Key West, Thầy có một lời nhắn nhủ đặc biệt: “Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã nếm được một chút an lạc trong khóa tu này, nhưng nếu về nhà ta không giữ sự thực tập thì những an lạc đó sẽ tan biến hết”. Thông điệp này đã ghi sâu vào lòng tôi và tôi quyết tâm sẽ áp dụng những lời Thầy dạy vào đời sống của mình. Tôi bắt đầu thực tập chánh niệm mỗi ngày, dù có lúc tôi chỉ làm được nhiều nhất là 3% thời gian mình có. Vậy mà dần dà thói quen mới đã được hình thành, và tôi thấy mức độ chánh niệm của mình tăng lên theo năm tháng.

 

“Chỉ cần nhìn Thầy thôi”

(Thầy Chân Pháp Lưu)

Con đã rất hồi hộp vào ngày đầu tiên làm thị giả cho Thầy. Đi theo Thầy về thất Ngồi Yên sau pháp thoại, con – một người Tây phương cao ráo, cố gắng thu mình lại nhỏ hết sức có thể trong một góc giữa nhà bếp và phòng chính.Thầy hẳn đã cảm nhận được sự lo lắng của con. Khi  từ nhà bếp đi ra, Thầy đặt lòng bàn tay lên giữa lưng con. Toàn bộ cơ thể con thư giãn và cảm thấy thoải mái. Kể từ đó, khi lòng con bị một cảm xúc chiếm ngự, chỉ cần nhớ đến bàn tay Thầy đặt trên lưng con, con thấy thư giãn ngay.

Một lần nọ, khi con theo một sư anh đến thăm Thầy ở Sơn Cốc, Thầy rút ra khỏi kệ sách một bản Lịch sử cuộc đời đức Phật (Buddhacarita) bằng tiếng Phạn của ngài Mã Minh (Asvaghosa) để con đọc trong khi sư anh chăm sóc Thầy. Ngay cả đối với những người biết một chút tiếng Phạn thì đó cũng là một bài thơ phức tạp, nhưng nhờ hành động đó của Thầy mà con đã có cảm hứng đọc đi đọc lại nó trong nhiều năm, học hỏi từ những đoạn nói về sự từ bỏ dục lạc của Tất Đạt Đa.

Con là sư chú trẻ nhất theo Thầy về Việt Nam vào năm 2005. Ở Hà Nội, một sư anh bảo con rằng “chỉ cần nhìn Thầy” bất cứ khi nào con không biết phải làm gì. Những lời này vô cùng hữu hiệu cho một vị Sa di trẻ chưa từng đến châu Á trước đây như con.

Trong tuần đầu tiên, một đêm nọ Thầy và cả đoàn xuống xe ở một thị trấn gần ngoại ô Hà Nội để ghé thăm chùa của một sư cô từng đến Làng Mai, là đệ tử của Thầy. Hoàng hôn đang xuống. Phái đoàn sẽ phải đi bộ khoảng một cây số trên con đường hẹp để đến đó. Con cảm thấy lo lắng cho Thầy. Mọi thứ đều quá mới mẻ và khác thường với con ở Việt Nam, và con lo ngại cho sự an toàn của Thầy. Thế nhưng khi đi cạnh Thầy, con cảm thấy không còn sợ nữa. Thầy đã trải qua rất nhiều chuyện, đã thực tập rất sâu sắc nên thản nhiên trước sự bị thương hay cái chết. Mỗi khi nỗi sợ hãi hay lo lắng dâng lên trong con, con lại nhớ đến sự vô úy của Thầy vào lúc Thầy dẫn phái đoàn đi qua những con đường quanh co khi trời tối, và nỗi sợ hãi của con tan biến.

 

Thầy trong một khoá tu ở Đức năm 2011

 

Tiếp nối Thầy

(Sư cô Chân Đẳng Nghiêm)

Tu viện Lộc Uyển hiện đang có khóa tu đón mừng năm 2023. Vì thiếu chỗ nên nhiều gia đình có cháu nhỏ cũng phải cắm trại. Trời đổ mưa nặng hạt đôi khi lạnh cóng, nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ. Lều cắm san sát với những màu sắc rực rỡ như nấm mọc lên sau cơn mưa giữa sa mạc. Các sư em con cũng mạnh dạn lên chia sẻ trong buổi hướng dẫn tổng quát dù tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Sáng hôm sau, có một cặp vợ chồng người Mỹ tới gặp con sau khi con cho pháp thoại. Họ chắp tay, tha thiết nói: “Nhiều năm Thầy đã dạy tăng thân sẽ tiếp nối Thầy, nhưng tôi đã không tin điều đó. Từ lúc Thầy qua đời, tôi cảm thấy mất đi niềm cảm hứng. Nhưng trong khóa tu này, khi lắng nghe những lời chia sẻ của quý thầy quý sư cô, tôi thật sự thấy rằng Thầy đang được tăng thân tiếp nối. Bây giờ thì tôi thật sự tin điều đó. Cảm ơn quý thầy, quý sư cô đã cho tôi niềm tin”. Ông vừa nói vừa khóc, nước mắt giàn giụa. Vợ của ông đứng kế bên cũng khóc ròng. Chúng con cùng khóc với nhau những giọt nước mắt tràn đầy hạnh phúc.

Chúng con đi, bước chân Thầy huyền thoại
Chúng con thở, hơi thở Thầy truyền kỳ
Chúng con sống, cuộc đời Thầy kỳ diệu
Hạnh phúc cười, Thầy có mãi trong chúng con.