Mùa cổ tích

(Sư cô Chân Trăng Tâm Đức)

 

 

Trung thu năm nay rất thú vị. Tối nay, sau khi rước đèn, ngắm trăng cùng mọi người về, hình ảnh em bé đón trung thu năm nào trong con chợt hiện lên sống động. 

Sinh ra ở một vùng quê cách trung tâm thành phố Huế không quá xa và con có một tuổi thơ thật đầy màu sắc. Năm con học lớp hai, một đoàn trẻ con trong xóm trạc tuổi nhau đã lập nên một nhóm đi múa lân. Tính ra cũng gần hai mươi đứa. Mỗi đứa góp tiền ăn vặt mà mình có để mua những thứ cần thiết từ trống, đầu lân, vải cho đến đồ trang trí cho đuôi lân, mặt nạ ông địa và nhiều thứ khác. Kế hoạch là đi múa lần lượt từng nhà, hết thôn của mình thì sẽ sang thôn khác trong vòng ba đêm, bắt đầu từ đêm Mười ba. Tuy là đoàn con nít nhưng chúng con tập dượt hoành tráng lắm. Trước khi xuất quân đi múa là cả đoàn hẹn nhau tập cả tuần. Hồi đó lớp con học buổi chiều nên sau khi đi học về, con ăn cơm thiệt nhanh để đến nơi tập hợp. 

Đêm Mười ba, mấy đứa nhỏ hẹn mang hết tất cả đồ đạc tập trung ở lăng Ông cụ Kinh tế gần nhà. Lý do lăng có tên này là con được nghe từ Ba rằng ông cụ thuộc dòng họ Nguyễn Khoa và trước đây làm chức chi to lắm trong Ban kinh tế của nhà nước. Hôm đó, tụi con mua trái cây, bánh tới lăng Cụ để cúng rất là thành kính. Đứa nào cũng được đứng trước lư hương và lầm thầm khấn vái. Sau đó là một màn múa lân ngay trước lăng rồi mới bắt đầu xông đất nhà đầu tiên. 

Trong thời gian đoàn lân chúng con múa thì cũng có những đoàn lân người lớn khác. Đoàn con nít rất được chủ nhà yêu thích và không những treo tiền lì xì mà còn có cả quà bánh và nước uống. Thành ra thủ quỹ cần mang theo túi to để đựng nào là cam, chuối, ổi, bánh, kẹo. Lúc đó quê con chưa có điện đường nên nhiều đứa được phân công cầm đuốc. Cây đuốc được làm từ những ống tre, đổ dầu hỏa vào và nhét trên miệng ống một miếng vải được quấn rất chặt để châm lửa từ đó. Mỗi lần thấy ngọn lửa nhỏ lại thì chỉ cần chốc ngược ống tre là vải được tiếp thêm dầu và bùng sáng trở lại. 

Đoàn đi đến đâu là rộn ràng tới đó vì cái đầu lân thì nhỏ xíu mà đội quân đi theo rất là hùng hậu. Ấn tượng nhất là anh họ con đóng vai Tề thiên cầm gậy xoay và hai đầu gậy được đốt lửa tạo nên vòng tròn lửa y như trong phim. Trong khi đó nhân vật mà nhà nhà tò mò muốn biết mặt là ông địa bụng bự vì ông đeo mặt nạ Trư bát giới và diễn quá sức dễ thương. Đêm nào về đến nhà cũng khuya nhưng đứa mô đứa nấy đều rộn ràng trong lòng và nhiều khi tiếng trống còn vang trong giấc mơ. Đó là những lần hiếm hoi mà chị gái con và con được đi chơi đến tận tối khuya mới về nhà. Đêm Mười lăm, chúng con lên kế hoạch múa về sớm để còn liên hoan phá cỗ. Địa điểm cũng tại lăng ông Cụ. Số tiền lì xì nhận được dùng mua nào đồ ăn, nước uống, bánh trung thu và số dư còn lại được chia cho mỗi đứa để làm quà. Sau khi được ăn uống, kể chuyện và còn đem tiền lì xì về nhà, lòng đứa nào cũng vui như hội và mong mùa trung thu năm sau đến nhanh để lại được chơi tiếp.

Bây giờ trẻ em ở quê con không còn chơi những trò mà tuổi thơ con đã trải qua. Đường xá bây giờ đã được đổ nhựa chứ không còn là những con đường làng đất cát với nhiều cây hai ven đường. Các đoàn lân hầu hết là người lớn, chứ để kiếm ra một đoàn nhóc như chúng con trước đây chắc cũng khó. Nhớ lại mà con thấy biết ơn vùng quê mình tuy nghèo nhưng tình hàng xóm đậm đà, con nít cùng chơi với nhau không biết bao nhiêu trò. Miền quê yên bình đã cho con có một tuổi thơ rộn tiếng cười.

Lớn dần lên, đi học rồi đi làm, con không còn được hưởng không khí Trung thu như hồi nhỏ nữa. Thế nhưng khi vô chùa và đặc biệt năm nay, không khí Trung thu năm nào ở làng quê trong con có cơ hội sống dậy. Nhờ các sư cô, sư chị trong cư xá phát động kế hoạch làm lồng đèn để rước đêm rằm, mà con đã có dịp tự mình làm đèn. Đêm làm biếng, mấy chị em con bày binh bố trận ngay trong phòng học, nào chẻ tre, vót tre, làm khung, cắt giấy, dán keo. Dù gây ra tiếng động không hề nhẹ nhưng ai cũng tự bào chữa là vì tinh thần làm đèn đón Tết trung thu nên chắc mọi người sẽ hoan hỉ cho thôi. 

 

     

Hôm đó, trong khi sư chị cùng phòng đã gần hoàn tất chiếc đèn lồng nhỏ xinh xắn, con vẫn chưa làm được đèn cho mình vì bận chẻ và vót tre. Mấy chị em con đùa nhau, sáng mai ai dậy sớm thì sẽ được đốt đèn thưởng thức trước. Sáng hôm sau, sư chị dậy sớm nhất nhưng đã rất dễ thương nhường đèn cho con. Vừa bước vào phòng học con đã thấy đèn thắp sáng, vừa lung linh vừa ấm áp. Ngay lập tức con có động lực làm một chiếc đèn, vừa để đón trăng và sau đó để trên bàn học luôn. 

Tối đến, con bày đồ ra và hào hứng nào cắt, nào dán trong niềm thích thú. Sau một hồi xoay xở, cuối cùng sản phẩm cũng được ra đời là một chiếc lồng đèn nhỏ hình trụ vuông với họa tiết là những cánh hoa đào màu đỏ bé xíu.

Bảy giờ tối đêm Rằm, đại chúng tập hợp ở nhà ăn, khất thực bánh trung thu rồi thiền hành lên đồi mận. Nhìn mọi người, đặc biệt là quý sư mẹ mặt rạng rỡ, trên tay cầm chiếc lồng đèn được thắp sáng mà con thấy vui. Một sư mẹ chia sẻ trước khi đi thiền rằng bây giờ bầu trời sẽ thay đổi trong từng khoảnh khắc nên mời mọi người quay trở về ý thức những gì đang xảy ra. Đi cùng đại chúng, con đã đặt lên đất Mẹ những bước chân bình an, gửi gắm cả niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên được rước đèn lên đồi đón trăng.  

 Điều mầu nhiệm là sau khi ngồi xuống trên đỉnh đồi một vài phút thì đằng xa kia, phía lâu đài Duras, trăng bắt đầu nhô lên. Đây là một trong những lần hiếm hoi con được chứng kiến khoảnh khắc tuyệt đẹp này. Con nghĩ từ ngữ không đủ để diễn tả sự nhiệm mầu của vũ trụ, chỉ có cách tận mắt chứng kiến mà thôi. Lòng con lắng yên, cảm nhận hơi thở vào ra thật nhẹ, thưởng thức vẻ đẹp của trăng -“nàng thơ của biết bao thi sĩ”. Trăng tròn, to, còn ửng chút hồng nhạt, sau đó trăng dần lên cao và sáng hơn. May mắn nữa là lần đầu tiên con được ngắm trăng với ống nhòm có độ phóng đại rất lớn do một sư chị mang theo. Con nhìn được những mảng màu tối ở trên trăng mà trong đầu của mấy đứa con nít Việt đó là hình ảnh cây đa của chú Cuội. 

Sau đó, đại chúng được thưởng thức bánh trung thu, những bài hát, những lời chia sẻ từ các bạn thiền sinh, trong đó có nhiều bạn người Trung Hoa. Sư cô Chân Không đã mang đến cho đại chúng không khí sống động với tiếng hát và những câu chuyện dí dỏm về cây đa, chú Cuội trong văn hóa Việt. Trăng tỏa ánh sáng dịu hiền, ôm ấp núi đồi, cây cỏ, ôm lấy luôn cả đoàn người đang ngồi trên đồi. Con thấy bình yên, hạnh phúc và biết ơn mọi nhân duyên cho con đang được ngồi thảnh thơi cùng đại chúng ngắm trăng. 

 

 

Sau khi mọi người đã về lại phòng, con vẫn còn muốn cầm đèn đi dạo quanh xóm dưới ánh trăng mát dịu. Trăng chiếu sáng khắp các lối đi. Đêm nay trăng rằm, thế là con chọn thiền đường Trăng Rằm là nơi để tiếp tục thưởng trăng. Một món quà nữa cho con khi ra đến thiền đường đó là hương hoa mộc thơm nức. Con thấy mình giàu có hết sức, có trăng sáng trên cao, có lồng đèn, có hoa mộc tặng mùi thơm và con đang có mặt cho chính con ngay lúc này. Con yên lặng thở và mời Bụt, mời Thầy cùng ngắm trăng với con. Con thấy khi con đủ yên, con nhìn lại được chính con thì giây phút nào trôi qua cũng là giây phút huyền thoại. 

Con đã có đêm trăng với nhiều hạnh phúc cùng những kỉ niệm tuổi thơ trong trẻo ùa về. Trở lại phòng mà trong con vẫn còn vang vọng giọng hát ngọt ngào và sâu lắng của Sư cô Chân Không dành tặng đại chúng bài thơ “Tao ngộ”:

“Bên bờ suối vô vi

Trăng lên chờ ta đó

Ngàn xưa từ ngàn xưa

Trăng vẫn chưa hề lặn

Ta đi vào viễn xứ

Trăng đưa lối ta về

Trùng dương muôn bến mộng

Nên ta vẫn còn mê

Trăng Huyền Không mở hội

Hương lan ngát bên đồi

Mây ngàn phương về hội

Giờ tao ngộ đến rồi

Quê hương vẫn là đây

Trăng vẫn mảnh trăng này

Ngàn sau ngàn sau nữa

Lồng lộng giữa trời mây”

(Thơ: Viên Minh, Nhạc: Tịnh Thuỷ)