Muôn dặm thênh thang
Bạn hiền thương quý,
Vậy mà đã hai mươi năm từ khi Thầy cùng với chúng tôi “leo đồi thế kỷ”. Đã hai mươi năm từ khi tôi về vùng rừng núi Escondido để rồi bài viết đầu tiên “Sư tử núi” ra đời. Hai mươi năm cho chặng đường đi không ngừng nghỉ, mà Tết nào cũng có người hỏi “Sư tử núi đến đâu rồi?”, dù tôi đã xin Ban biên tập những tựa đề khác cho bài viết mười mấy năm nay. Bài viết cho Lá Thư Làng Mai trở thành chứng nhân cho những gì xảy ra mỗi năm dù lắm lúc tôi quá làm biếng để “tìm về dĩ vãng”, tìm lại thông tin mà chỉ mới có một năm đã rơi rớt đâu đó trong bộ nhớ có giới hạn của mình.
Bây giờ, hai mươi năm, không lẽ không ghi gì để kỷ niệm cho cái mốc thời gian này? Nên giữa những bộn bề lo toan cho Tết, tôi lại thấy mình tâm sự với bạn hiền đây.
Tháng Một
Ngày đầu tiên của năm ngoái, tôi ngồi trên máy bay từ Mỹ về lại Việt Nam. Trong bụng nghĩ thầm không biết mình có ứng vào sao Thiên Mã năm nay không. Đi đâu chưa biết, thấy cái laptop “đi” trước, bị vấn đề trục trặc kỹ thuật mất mấy ngày mới sửa xong. May mà sửa được, nên tôi mới làm xong chuyện tổng kết tiền thân hữu cúng dường tu sửa chùa Từ Hiếu để chuyển qua thầy Từ Đạo cho kịp trước Tết. Các chị em sau ba tháng an cư bên Mỹ, bên Pháp, bên Đức rủ nhau về thăm Thầy. Toàn chị lớn gặp nhau nên vui quá, bao nhiêu là chuyện của các trung tâm được chia sẻ. Thầy cũng rất vui, rất tình cảm, nắm tay từng người. Tôi cầm tay Thầy thưa: “Chúng con ý thức chúng con có nhiều hạnh phúc được gần Thầy trong khi nhiều người muốn gần Thầy chút xíu mà không được”. Thầy gật đầu. Đôi khi chỉ cần ít phút ngắn ngủi bên Thầy mà niềm vui nuôi dưỡng thật lâu bền.
Giữa tháng Một, tôi đi Bangkok vài ngày để giúp làm triển lãm. Đa phần thầy Pháp Nguyện và tăng thân ở Thái Lan đã chuẩn bị xong, tôi chỉ giúp phần chót về triển lãm sách của Thầy thôi. Địa điểm triển lãm cũng là chỗ Trung tâm văn hóa và nghệ thuật Bangkok mà năm 2013 đã từng triển lãm thư pháp của Thầy. Kỳ này có triển lãm thêm một số các tác phẩm của Thầy bằng nhiều ngôn ngữ và pháp khí. Chúng tôi xin tăng thân các nước Đông Nam Á đem sách của nước mình tới nên số lượng sách nhiều hơn dự định. Thậm chí có nhiều cuốn được xuất bản lúc sau này mà tôi không biết. Các thầy và các sư cô trong ban tổ chức trang trí rất đẹp, rất thiền vị. Ở trung tâm triển lãm thiết kế logo chùa Một Cột của Làng Mai, bao quanh là những trình bày về pháp khí mà Thầy dùng để giảng dạy như chuông, ly uống trà, nến, hộp diêm,… Đề tài của buổi triển lãm là “Đón mừng sự sống”. Một cuốn sách song ngữ Anh – Thái về những bức thư pháp của Thầy được in thật trang nhã và đầy nghệ thuật.
Cuối tháng, trời đẹp, ban thị giả mời Thầy đi xem chợ hoa đón Tết. Sức khỏe Thầy khá nên Thầy gật đầu, làm ai cũng mừng. Xe Thầy chạy trước, ban thị giả và một vài thân hữu tình cờ đến thăm đi taxi theo sau. Chiếc xe chạy vòng qua những con đường đầy hoa Tết rồi vào Thành Nội. Nhiều người quá nên Thầy không xuống xe vào thăm Thành Nội được. Xe tiếp tục đi thăm Huế. Trên đường, Thầy làm dấu cho xe ngừng lại ghé thăm chùa Từ Ân. Thầy Trung Hải dẫn vài chú điệu nhỏ xíu đứng đón ngoài cổng. Hòa thượng Quán Chơn cùng tăng chúng ra đảnh lễ vấn an sức khỏe Thầy. Thầy thăm quanh chùa rồi sau đó vào phòng Hòa thượng trụ trì để nghỉ ngơi.
Giờ trưa đến rồi mà không biết Thầy sẽ ăn ở đâu, tôi cứ bối rối chẳng biết có nên nhắn về chùa đem cơm tới hay không. Mọi người ngồi trên sân chùa, chờ đợi. Đói bụng nhưng được đi với Thầy là hiếm hoi rồi, chẳng ai muốn rời. Tội thầy Trung Hải thấy vậy đem mấy hộp bánh kẹo thật đặc biệt (chắc để dành cho Tết) ra mời thiên hạ lót lòng. Thầy ra, chắp tay chào rồi rời chùa. Ai cũng nghĩ đi lâu chắc Thầy đã mệt, ai ngờ trên đường về Thầy lại làm dấu ghé vào thăm chùa Từ Đàm. Buổi trưa, giờ chỉ tịnh nên chùa vắng lặng, nhưng có Hòa thượng Hải Ấn, trụ trì ra tiếp đón. Thầy đi quanh chùa một vòng, vào chánh điện niêm hương, chỉ cho thị giả những chốn xưa rồi mới lên xe về lại chùa Tổ. Tiếc là Ôn Trí Quang cũng đang dưỡng bệnh nên hai Ôn không gặp được nhau.
Tháng Hai
Ba mươi Tết, tôi và sư em Đạm Nghiêm vào phiên nấu ăn cuối năm. Lúc này, Thầy dùng bữa được nên thị giả nấu ăn vui lắm. Tôi làm món tào phớ bằng đậu mắc ca vì Thầy chưa được dùng đậu nành, lần nào cũng hết và lần nào tôi cũng mừng. Tối, Thầy khỏe nên đã cùng thị giả qua Diệu Trạm thăm văn nghệ tất niên một chút làm mọi người ngạc nhiên và vô cùng hạnh phúc.
Mồng Một Tết, Thầy ra thiền đường, đại chúng đảnh lễ chúc thọ Thầy và sau đó chụp hình chung với Thầy. Lâu rồi mới có một bức ảnh đại chúng được chụp hình chung cùng Thầy mà đang đắp y. Đại chúng Diệu Trạm và Từ Hiếu xúm xít bên Thầy rất ấm áp. Mong sao nguyên năm nay Thầy vẫn khỏe như vậy.
Tôi theo chân Sư cô Chân Không đi chúc Tết các vị Tôn túc. Để biết Tết ở Huế. Rồi cũng thăm phòng, thăm nhau. Tục lệ của Làng Mai không đổi. Phòng thăm ít hơn ở Làng Mai Thái nhưng cũng rộn ràng ra phết. Giữa tháng, có phái đoàn từ Canada lên thăm, lại thêm từ Mỹ và Hồng Kông về gần 30 người nên Thầy ra khỏi thất đi thiền hành. Trời ấm áp và Thầy khỏe nên mọi người được theo Thầy đi thăm nhà Tổ, phòng Sư cố, phòng Sư thúc. Thầy không cần đội mũ len. Sau đó, Thầy đi tiếp xuống hồ bán nguyệt. Đi theo Thầy ai cũng hạnh phúc. Có người nói là đã coi hình Thầy trong video nhưng không ngờ tới chùa được gặp Thầy trực tiếp như vậy nên rất bất ngờ. Buổi tối,Thầy dùng bữa rất vui, cười hoài, ai thưa gì cũng gật đầu.
Tôi xin phép đi Bangkok để đem thư pháp và sách của Thầy về Việt Nam cho lần triển lãm tới. Sau đó, cùng với hai sư em và tăng thân trẻ ở Từ Hiếu, tôi có một chuyến đường bộ tới Bangkok kịp giờ trước khi phòng triển lãm đóng cửa, đóng gói dọn dẹp và đi thẳng về Hà Nội cất vào nhà một chị trong tăng thân. Xong xuôi đâu đó tôi về lại Huế. Chuyến đi liên tục bốn ngày mà không ở lại đâu cả, chỉ thỉnh thoảng khi tài xế mệt thì xe dừng lại cho chú ấy nghỉ ngơi và ăn thôi, thật là đáng nhớ. Ngày xưa, tôi từng đi xuyên bang như vậy nhưng mấy chục năm rồi, quên mất mình cũng sắp thành “cụ” tới nơi. Bây giờ, chân đi vẫn là chân đi, hình như chỉ có tăng chứ không giảm.
May quá, về lại Huế gặp dịp có bác sĩ Quốc qua thăm Thầy, bác sĩ đã giúp chỉnh lại xương cốt cho tôi, thật là đỡ. Gặp dịp anh Tảo về thăm làng, mời bác sĩ Quốc đi thăm đồng quê Việt Nam cho biết nên Linh Nghiêm, Định Nghiêm và tôi cũng được cơ hội xin anh đưa đi thăm nhà thờ họ ở làng Vân Cù. Làng quê rất êm ả, đường vào làng rợp bóng tre xanh. Tôi đi trên con đường đất, nhắm mắt nghĩ tới ông bà mình đã từng đi trên con đường này mà lòng bâng khuâng. Ba tôi không về được để thăm làng quê xưa. Tôi nghĩ bụng mình phải nhìn bằng con mắt của ba, cảm bằng tấm lòng của ba với quê hương làng nước.
26 tháng 2 là ngày lịch sử trong nhật ký của tôi. Thầy đã dùng bữa nhiều và ngon miệng, nên dù chỉ ăn hai bữa nhưng ai cũng vui. Buổi tối lên Thầy chơi, tôi thưa: “Thầy ơi!”. Đột nhiên Thầy đáp lại “ơi” làm ai cũng giật mình. Khí lực Thầy rất tốt. Hy vọng kỳ này cô bác sĩ Julie qua tập nói cho Thầy sẽ có nhiều kết quả hơn. Tôi thưa: “Mai con sẽ nấu ăn ngon cho Thầy”. Thầy bật cười, rồi xoa đầu tôi. Vui quá!
Tháng Ba
Đầu tháng Ba, tôi bay ra Hà Nội để tìm chỗ làm triển lãm sách và thư pháp của Thầy cùng với thầy Pháp Nguyện và Sư cô Chân Không. Tăng thân Hà Nội dẫn chúng tôi đi xem các địa điểm nổi tiếng như Văn Miếu, Viện Bảo tàng Mỹ thuật ở ngay trung tâm. Chỗ nào cũng tình nguyện hỗ trợ khiến ai cũng vui. Tôi nghĩ Thầy sẽ vui lắm nếu triển lãm thư pháp của Thầy ở Văn Miếu, nhưng rất tiếc không gian để dành cho triển lãm quá nhỏ, rồi thêm sự nhộn nhịp, thiếu yếu tố thiền vị nên chúng tôi đi tìm thêm vài địa điểm khác trước khi quyết định.
Ngày hôm sau, chúng tôi dậy sớm đi thăm Tràng An. Thuyền chèo qua cái động khá dài và đẹp. Cảnh sơn thủy còn thiên nhiên và thiên hạ cũng không xả rác nên nước khá sạch, bóng núi in trên nước rất thi vị. Sư cô Chân Không về lại Huế còn chúng tôi đi xem tiếp một vài chỗ có thể dùng để triển lãm nữa. Hôm sau, anh Hiểu đưa đi thăm chùa Thầy, rồi ghé thăm trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Viện bảo tàng Hà Nội. Viện bảo tàng Hà Nội hơi xa trung tâm nhưng rộng rãi, dễ thiết kế, tôi cảm thấy yên tâm. Chúng tôi điểm qua các địa danh ở Sài Gòn, ở Huế, vẫn thấy làm ở Hà Nội là tốt nhất.
Ngày 13 là lễ giỗ Tổ và đặt đá khởi công trùng tu nên chùa Từ Hiếu đông nghẹt người. Thầy bị mệt nên không ra dự lễ. Tôi cũng loay hoay trên cốc Thầy. Buổi trưa, tôi cùng sư em Trăng Bồ Đề xuống nhà thầy Pháp Niệm dự tang lễ của mẹ thầy. Đại chúng đang làm lễ, y vàng sáng cả khoảng sân nhỏ trước nhà. Không khí rất nhẹ nhàng. Cụ bà đã chuẩn bị cho ngày đi của mình từ lâu và đi rất an nhiên nên không có sự buồn đau. Cụ ông kể cho tôi nghe về những ngày cuối của cụ bà bằng khuôn mặt vui vẻ. Sư cô Tịnh Hằng cũng kể về hai mươi mấy ngày trước khi mất, cụ bà nói sư cô cho ăn hai nắm cơm vắt thật chặt với muối rồi từ đó về sau chỉ uống nước. Thầy Pháp Niệm bảo là khi hấp hối, được khai thị cụ bà còn ráng chắp tay lại trước ngực để cám ơn. Tôi hâm mộ cụ bà quá đi.
Hôm sau, tôi đi Pháp. Mỗi năm “đến hẹn lại lên” mà cái hẹn với sở di trú cứ đẩy sớm từ từ, bây giờ thành tháng Ba thay vì tháng Tư như xưa. Trời còn lạnh nên tôi bị cúm. Lâu rồi mới bị cúm lại như vậy. Nhưng nhờ vậy mà được nghỉ ngơi, ở yên trong phòng cũng thật là tuyệt. Sau đó, tôi chuẩn bị sách để đem về Việt Nam làm triển lãm. Ngày nào cũng đi qua Sơn Cốc với các sư em Trọng Nghiêm và Trăng Huyền Thoại để làm hồ sơ sách, đồng thời sắp xếp lại chỗ để thư pháp của Sư Ông. Tôi cũng giúp một chút cho việc tham vấn và cho pháp thoại. Thấy thương các sư em đã phải lớn rất nhanh để lấp đầy chỗ trống của các sư chị vắng mặt.
Tháng Tư
Về Làng thì có chuyện Làng. Tôi sửa sang nhà cửa ở Nhật Nguyệt Thất chút ít. Nhiều người góp tay nên chỗ lên cầu thang sáng sủa và khang trang hơn. Họp với xóm Thượng về việc tu sửa lại toàn bộ xóm Thượng và Sơn Hạ. Nặng gánh đó. Có mạnh thường quân hứa giúp nhưng không được bao nhiêu. Dãy nhà hư ở Sơn Cốc cũng cần hoàn thành sớm để chúng có chỗ sinh hoạt vào ngày xuất sĩ. Các sư cô ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ cũng nhắn tôi lên Paris để đi xem chỗ ở mới cho gần với trung tâm Suối Tuệ. Tôi lên Paris với sư cô Lăng Nghiêm, rốt cuộc cũng kiếm được chỗ ở mới thích hợp cho các sư cô mà giá không quá cao, mừng quá.
Ông chủ vườn mận sau xóm Mới muốn bán vườn, các sư cô quá vui vì sẽ có đất để xây ni xá. Ông hàng xóm xóm Thượng cũng muốn bán nhà, các thầy hớn hở lắm. Toàn là những nơi rất cần thiết và nên mua, giá cũng phải chăng. Tôi nhìn Sư cô Chân Không cười, mình thành địa chủ rồi, dù là chưa có tiền. Chắc chờ các sư cô ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ an cư rồi thì bán nhà cũ đi mới xoay sở được.
Cuối tháng, về lại Việt Nam, Thầy đang nghỉ dưỡng ở Thuận An. Nghe nói sức khoẻ Thầy đỡ hơn, thậm chí sáng đó còn tắm biển nữa. Hôm sau, phiên tôi nấu ăn nhưng may quá, Thầy về lại chùa nên tôi không phải xách vali đi tiếp.
Tháng Năm
Đúng là sức khỏe người lớn tuổi không ổn định. Một buổi Thầy mệt, ăn sáng ít mà ăn xong Thầy xoa tay lên ngực, ai cũng lo. Chúng tôi xin Thầy truyền nước biển. May mà Thầy chịu. Thế là chiều đó Thầy vừa vào nước biển vừa ăn, và ăn khá, ai cũng thở phào. Thầy truyền nước biển đến sáng hôm sau khỏe lại. Mừng ơi là mừng. Vậy thì tôi yên tâm bay đi Bali. Vé đã mua mà tôi cứ lo không đi được vì sức khoẻ của Thầy. Lần này, các sư em người Indonesia có khóa tu trên quê hương và muốn tìm đất để lập Làng Mai Indo nên mời tôi đi qua ít ngày. Không đi thì có vẻ mình không quan tâm đến các em, nhưng đi thì thấy mình cứ nấu ăn cho Thầy ít bữa lại “xẹt” đi mất tiêu.
Kỳ này tôi không đi thăm đền hay thắng cảnh, nhưng lang thang một buổi ở trung tâm Bali cũng rất vui. Khách du lịch đông lắm. Con đường nhỏ như ở phố cổ Hội An. Sư em Trăng Tin Yêu kể cho tôi nghe ở Bali có một ngày gọi là “ngày im lặng” để mọi người tĩnh tâm, không nói chuyện. Thường thường ngày này đánh dấu một năm mới theo lịch Hindu của người dân trên đảo. Trong ngày này không được xài điện, toàn thành phố không có đèn, không có xe, ai ở yên nhà nấy và trong nhà cũng không được bật đèn. Chỉ có nhà thương là có điện. Ai đi ra ngoài có thể bị cảnh sát bắt giữ lại đến sáng hôm sau mới thả ra. Phi trường không hoạt động, mạng internet bị cắt. Chỉ có một ngày một đêm thôi mà sáng hôm sau không khí khác hẳn, trong lành hơn rất nhiều. Tôi nghĩ đúng là không xe không điện thì thành phố bớt ô nhiễm, mà tĩnh tâm không nói chuyện thì tâm cũng bớt ô nhiễm.
Tôi về lại Việt Nam, nhập vào ban thị giả đang nấu ăn cho Thầy ở Đà Nẵng. Gió biển thoáng nên Thầy ngủ ngon, ăn khá. Nhưng cũng chỉ ở vài ngày là Thầy lại muốn về Huế.
Tháng Sáu
Cái máy tính xách tay của tôi đúng là sắp đình công rồi. Cứ loay hoay sửa chữa mà hết cả giờ. Tôi lại bay đi Hà Nội để họp về việc triển lãm và làm thống kê sách. Viện Bảo tàng Hà Nội thích hợp cho việc triển lãm nhưng thời gian không thích hợp nên phải chờ tới sang năm mới rõ có làm ở đó được hay không. Cũng tốt, vì như vậy chúng tôi có thêm giờ để chuẩn bị. Trời thật nóng và oi ả. Tôi nghĩ bụng mình còn mệt huống chi là Thầy?
Tháng Sáu
Cái máy tính xách tay của tôi đúng là sắp đình công rồi. Cứ loay hoay sửa chữa mà hết cả giờ. Tôi lại bay đi Hà Nội để họp về việc triển lãm và làm thống kê sách. Viện Bảo tàng Hà Nội thích hợp cho việc triển lãm nhưng thời gian không thích hợp nên phải chờ tới sang năm mới rõ có làm ở đó được hay không. Cũng tốt, vì như vậy chúng tôi có thêm giờ để chuẩn bị. Trời thật nóng và oi ả. Tôi nghĩ bụng mình còn mệt huống chi là Thầy?
Một tuần sau đó, Thầy ăn ít nên chịu truyền nước biển. Tôi lên thăm, thấy Thầy đang được đẩy xe đi quanh phòng, bình nước truyền cũng được sư chú thị giả đẩy đi theo. Thầy giơ tay cho tôi nắm một lúc lâu. Cảm động quá chừng.
Giữa tháng, cả tuần Thầy lúc khỏe lúc không nhưng nhờ có cô Anna nên khá ổn định. Cô Julie tập nói cho Thầy khả quan lắm. Cô tập có mười lăm phút mà Thầy nói được chữ “uống trà” rất rõ. Thầy vui, giờ ăn nắm tay mọi người rất tình cảm. Thậm chí sư em Trăng Hải Chiếu cầm đồ bận hết cả hai tay mà Thầy vẫn đưa tay chờ sư em bỏ đồ xuống để nắm tay sư em. Thầy ăn khá, nhưng lượng ăn bắt đầu ít hơn trước. Cả một thời gian dài Thầy rất dịu dàng, chắp tay cảm ơn thị giả nấu ăn, nắm tay từng đứa học trò. Chúng tôi đều ý thức rằng hạnh phúc thay mình còn có Thầy đó.
Đột nhiên, có hai ba bữa Thầy bỏ ăn, tay thường ôm ngực, chúng tôi lo quá chừng, tính đưa Thầy vào bệnh viện ở Bangkok để nhóm bác sĩ vẫn hay trị bệnh cho Thầy kiểm tra nhưng may sao có bác sĩ Chom Chai đi du lịch ghé qua khám và nói là Thầy chỉ bị mất nước, chỉ cần truyền một bình đạm là Thầy khỏe và ăn lại. Mừng quá! Bác sĩ khuyên rằng Thầy cần thay đổi không khí một thời gian. Tập nói lại mất sức quá nên từ từ chúng tôi cũng chấp nhận là Thầy cần được giữ gìn khí lực hơn là cố gắng tập nói.
Gần cuối tháng, nghe tin thầy Pháp Lượng gặp tai nạn, ai cũng lặng người. Tôi nhắm mắt, nhớ tới người “lão sư em” vui vẻ từng làm chung với tôi những cái bàn cho triển lãm sách ở EIAB. Lúc nào gặp nhau cũng một nụ cười cởi mở và khoe những chậu hoa bonsai mới tạo hình. Biết rõ vô thường xảy ra từng phút từng giây, nhưng khi chuyện xảy ra mình vẫn không sao tránh được nỗi đau đột ngột.
Tháng Tám
Đầu tháng đi nghỉ dưỡng ở Thuận An. Gió biển làm Thầy khỏe ra. Chỗ nấu ăn hơi bất tiện, nhưng nấu ăn xong thấy Thầy dùng được trở lại chúng tôi mừng quá. Ở nhà nghỉ, Thầy ăn ngon, ăn nhiều, thị giả cũng đói bụng hoài vì gió biển. Nên mệt mà vui.
Hai cô bác sĩ Julie và Megan lên chào Thầy, hy vọng Thầy cho họ chữa trị lần cuối trước khi về lại Mỹ. Thầy không đồng ý nhưng nắm tay, rồi chắp tay cảm ơn. Tôi thưa Thầy tập một buổi nữa đi rồi khi cô ấy về chúng con tập tiếp cho Thầy. Thầy bật cười, ra điều như muốn nói “nghèo mà ham, có cô ấy đây còn tập chưa xong” làm ai cũng cười phá lên rất vui. Cô Julie cảm động lắm trong không khí rất thân tình đó.
Ngày 13 tháng 8 là ngày Tự tứ. Một mùa an cư đi qua nhanh quá. Các sư em chụp hình, tặng hoa, tặng quà,… Tôi kêu mấy em bày đặt mà thấy lòng có chút cảm động. Thầy đi biển về vẫn ăn nhiều, ăn ngon. Đội thị giả hạnh phúc ra mặt. Ngày hôm sau, trăng thật sáng, thật đẹp. Tôi nấu ăn cho Thầy xong về phòng nghỉ ngơi, không ngờ khoảng tám giờ ba mươi tối, nghe tin Thầy đang đi ngắm trăng ở hồ bán nguyệt. Sau đó, qua Diệu Trạm và lên thiền đường. Chúng Diệu Trạm được đi theo Thầy ngắm trăng. Ôi tính lại hôm nay Thầy đi ra ngoài tới những năm lần, tôi thì thào với thị giả là chị đâu có cho Thầy ăn thứ gì đặc biệt đâu mà Thầy khỏe thế. Nói vậy chứ lòng vui quá chừng luôn. Bạn hiền có vui với tôi không?
Tháng Chín
Tôi lại ra Hà Nội để chuẩn bị cho phần triển lãm sách. Năm nay, tôi đi Hà Nội nhiều lần vì chuyện này. Thầy ăn ít lại, rồi ho, sức khỏe xuống. May có bác sĩ Megan châm cứu Thầy mới đỡ đôi chút. Ở Hà Nội về, tôi nghe tin ban thị giả sắp xếp cho Thầy đi nghỉ dưỡng ở suối nước nóng Alba. Trời ẩm và nóng bức nên tôi cũng xuống sức. Thầy nằm trên võng trước cửa ngắm núi rất yên tĩnh. Ban thị giả ngồi quanh đưa võng, nói chuyện. Ngày kế, Thầy không ra khỏi cửa, nằm trên ghế dài nhìn ra núi và ngày kế nữa, Thầy muốn về. Các vị chăm lo khu nhà nghỉ này rất dễ thương, cúng dường toàn bộ và còn mời chúng tôi chia sẻ cho nhân viên để nhân viên cũng nếm được lợi lạc của sự thực tập.
Ngày sinh nhật, tôi lại lênh đênh trên trời trong chuyến bay từ Hà Nội về Huế. Đã bảo là năm nay đi nhiều mà. Hai hôm sau, tôi lại vào Sài Gòn để bay về Mỹ với dì tôi. Sau mười mấy năm chờ đợi, cuối cùng dì cũng được đoàn tụ với mẹ tôi nhưng lại bị té gãy xương vai mấy tuần trước. Thế là tôi chuyển cái hẹn về thăm nhà cuối năm để đi sớm hơn cùng với dì. Dì vừa mổ ra tuần trước, ngồi xe lăn. Tôi kéo vali theo sau, nghĩ tới ngày đoàn tụ gia đình mà quên đi cái mệt. Nhưng mà, mệt vì nghĩ là có việc phải làm, chứ thật ra có làm gì thật đâu?
Tháng Mười
Những ngày tháng ở với gia đình bao giờ cũng qua rất nhanh. Ba mẹ tôi có yếu hơn nhưng vẫn còn khỏe đủ. Có thêm hai dì nên ngày nào cũng rộn ràng như nhà có hội. Tôi và dì Chín bày ra đủ món Việt Nam để nấu nướng. Cứ hết đi chợ lại đi thăm nhà các cậu, nhà em tôi. Không khí gia đình ấm áp. Tết này chắc là vui lắm đây. Tôi phải làm lại hộ chiếu vì đã hết giấy dù còn hạn. Đi nhiều quá mà. Nội chuyến đi đường bộ qua Thái đã bị mất hai trang vì dán visa của Lào rồi.
Tôi về lại Huế. Thầy đang truyền nước biển và thuốc mấy ngày rồi vì bị nhiễm trùng phổi. Bỏ ăn gần cả tuần nhưng nhờ đủ nước nên trông Thầy không hốc hác bao nhiêu. Các chị em triển lãm sách Thầy ở thiền đường Trăng Rằm để mừng ngày Tiếp nối của Thầy rất thiền vị và dễ thương. Nghe nói ngày nào Thầy cũng bảo đẩy xe ra ngắm, đến nỗi sư cô Định Nghiêm hỏi đùa Thầy là có nên đem luôn cái giường của Thầy ra thiền đường, Thầy cũng gật đầu.
Ngày Tiếp nối Thầy không ra lúc làm lễ mà ra sớm hơn đi dạo ngắm phòng triển lãm nên báo chí đăng tin, nhìn hình thấy Thầy khỏe lắm, ai ngờ mới tháo túi truyền dịch để đi dạo.
Thời gian này, cũng như năm ngoái, Thầy yếu sức lắm. Y tá trực suốt ngày và Thầy được truyền đủ loại chất dinh dưỡng liên tục. Chúng tôi nói lén với nhau sang năm không tổ chức nữa, cứ tổ chức là Thầy bị bệnh. Bạn hiền có thấy chúng tôi mê tín chưa? Nhưng trùng hợp quá mà, phải không?
Tháng Mười Một
Năm nay dịch sốt xuất huyết tràn lan, bên cốc Thầy, thị giả nhập viện hết mấy người. Bên Diệu Trạm có Sư cô Chân Không. Mấy ngày đầu, Sư cô sốt cao, chúng tôi còn tưởng Sư cô bị cúm nên tôi cũng bị cấm qua Thầy vì sợ lây cho Thầy (tôi ở cùng phòng với Sư cô mà). Sau đó, thử máu mới biết Sư cô cũng bị nhiễm virus sốt xuất huyết. Sư cô không chịu đi nhà thương, chỉ ở nhà truyền dịch. Tôi lên mạng tra về bệnh này, học thêm được về nhiều triệu chứng của bệnh. Và tái cả mặt khi biết là ngày thứ ba vừa hết sốt, Sư cô đã dang tay quay mấy chục vòng thế Tây Tạng để “phục hồi sức khỏe”. May là Sư cô không bị xuất huyết bên trong, đúng là nhờ Phật độ. Sau đó, chúng tôi nhất định bắt Sư cô phải nằm nghỉ ngơi cho đến khi tiểu cầu trở lại số lượng bình thường. Ai tới thăm cũng khuyên đi bệnh viện còn Sư cô thì tuyên bố có chết thì chết ở chùa chứ không vào bệnh viện. Bạn hiền thấy Sư cô anh hùng ghê chưa. Sau một tuần, Sư cô khỏe lại từ từ rồi hết hẳn. Ai cũng nể phục sự kiên cường của Sư cô hết.
Thầy vẫn tiếp tục được truyền dịch và theo dõi mỗi ngày như ở trong nhà thương. Các sư em đã từng là y tá, là dược sĩ đều được thay nhau đến phụ với cô y tá Thái Lan đang chăm sóc cho Thầy. Thầy vẫn ăn được, ăn lai rai, ăn không đúng giờ nên nhiều khi tôi qua thăm mà toàn gặp lúc Thầy nghỉ ngơi. Nhưng biết Thầy đang ở đó, là đủ ấm lòng.
Ôn Trí Quang tịch, tôi đi dự lễ nhập kim quan với Sư cô Chân Không và thị giả. Hôm sau, đi dự lễ di quan và trà tỳ. Trời mưa to và con đường đất dẫn đến chỗ trà tỳ thật trơn trợt nhưng người đi dự rất đông. Ôn di ngôn lại làm tâm tang rất đơn giản, không nhận hoa và phúng điếu nên các buổi lễ rất gọn. Sau một ngày lại có tin thầy của sư cô Thuần Khánh vừa tịch, tôi cũng đi hộ niệm khi nhập kim quan. Quý Tôn túc đi dự lễ của Ôn Trí Quang đều ghé qua thăm Thầy. Cuối tháng, Thầy đồng ý đi Thái Lan để kiểm tra lại sức khỏe. Thế là đúng một năm một tháng sau khi về Việt Nam, Thầy lên máy bay trở lại Thái Lan. Rất nhiều người không ngờ tới chuyện này vì ai cũng nghĩ Thầy sẽ ở Việt Nam mãi đến cuối đời. Chúng tôi cũng nghĩ như vậy. Không ngờ Thầy còn khỏe đủ để đi. Chúng tôi nhờ một bác sĩ và một y tá đi theo trên máy bay cho yên tâm.
Tháng Mười Hai
Lần này, máy bay cất cánh từ Huế nên thời gian di chuyển ngắn hơn, Thầy cũng khoẻ hơn. Trên máy bay Thầy ngồi uống trà, ngắm mây. Nhìn Thầy rất khỏe, lại còn ăn một chút trái cây của thị giả. Tới Thái, Thầy được đưa thẳng đến bệnh viện rồi xuất viện ngay. Buổi chiều, Thầy ăn ngon và hôm sau muốn về PakChong. Khỏi phải nói các sư em ở tu viện Vườn Ươm mừng đến độ nào.
Tôi về lại phòng cũ, cứ như chưa từng rời bao giờ. Sư em Thuyết Nghiêm cho mượn mấy giò lan đang nở treo trước phòng. Không khí thật thoáng và rất khác với ở Huế. Đêm đầu tiên tôi ngủ không được vì lạnh quá, ban đêm chỉ mười độ. Vốn nghĩ rằng Thầy đi qua Thái chỉ dăm bữa mười ngày là cùng và ở trên Bangkok thôi nên tôi đem theo có mấy bộ đồ nhẹ, không hề nghĩ đến việc đem áo lạnh. Cũng may trên cốc Thầy ấm đủ!
Ngày 11 tháng 12, tôi cùng Sư cô Chân Không và thị giả đi Sài Gòn để làm răng. Ngày hôm sau, cô Xuân đưa Sư cô Chân Không cùng chúng tôi đi khắp Sài Gòn để Sư cô ngắm lại cảnh cũ như chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Từ Nghiêm. Sư cô chỉ cho tôi thấy nơi cô Nhất Chi Mai đã tự thiêu ở chùa Từ Nghiêm. Tại đó, Sư cô đã lạy xuống và ngồi im tâm sự với cô Nhất Chi Mai rất cảm động. Chúng tôi cũng có cơ hội đi thăm đường sách Nguyễn Văn Bình và chợ Bến Thành một chút cho sư em thị giả – mới tới Sài Gòn lần đầu tiên – được biết.
Ngày 15, ở tu viện có lễ xuất gia cho cây Ngọc Am. Các tân sadi này có phước lớn. Lúc còn là tập sự đã được ra chơi và gặp Thầy ngoài thất. Trong buổi lễ, Thầy ra dự và còn đưa tay ra cho các em nắm. Đúng là mỗi cây có một cái duyên khác nhau. Ai mà ngờ Thầy lại qua Thái Lan và dự lễ xuất gia chứ.
Ba ngày 17, 18, 19 là cơ hội cho các giáo thọ Đông Nam Á chia sẻ và bàn luận về những vấn đề đã, đang và có thể là sẽ xảy ra ở các trung tâm Làng Mai. Chúng tôi lắng nghe nhau và chơi chung với nhau. Thầy cũng ghé sang hai lần, chào các sư con và ôm đầu thầy Pháp Niệm.
Ai cũng đoán Thầy muốn về lại Việt Nam rồi.
Ngày 21, Thầy có hẹn với nhà thương ở Bangkok. Các thầy và sư cô ra tiễn đưa rất bùi ngùi vì sau đó chắc là Thầy về Việt Nam luôn. Thầy vào thẳng nhà thương và ở luôn trong đó dù không còn cần phải làm gì nữa. Thầy bắt đầu dùng bữa trở lại, từ từ từng chút một mỗi bữa và đến gần cuối tháng thì Thầy ăn trả bữa, ngày nào cũng hết mâm khiến ban thị giả nấu ăn mừng quá chừng. Thấy Thầy khỏe lại, câu hỏi tiếp tục được đặt ra là Thầy sẽ muốn đi đâu. Chúng tôi hỏi mà hình như Thầy cũng chưa quyết định, chỉ muốn cho thật khỏe đã. Tôi cười: “Thầy xin chọn nơi này làm quê hương thưa Thầy?”. Thầy gật đầu làm ai cũng cười phá lên.
Ngày cuối năm, ban thị giả kéo nhau qua phòng Thầy ở nhà thương để cùng ăn bánh rồi đón năm mới. Thầy không khỏe lắm nên đi nghỉ sớm mặc cho phòng ngoài nói chuyện. Tôi cũng buồn ngủ quá nên về sớm, không ngắm pháo hoa chi hết. Thế là một năm cũ đã trôi qua và tôi đón năm mới ở Bangkok. Nào có trà, có hoa hay hương trầm để khai bút chứ.
Ngày đầu năm mới, năm 2020, Thầy muốn rời nhà thương. Thế là lại về PakChong. Bạn hiền thấy tôi đi nhiều chưa? Cứ ngày đầu năm là đang ở đâu đâu chứ không ở trong nhà. Người đi hơi ngơ ngác còn người đón quá hoan hỷ. Kỳ này các Phật tử xong khóa tu nhưng chưa rời Làng Mai Thái đều được gặp Thầy vì Thầy khỏe quá, đi mấy tiếng mà về tới thất lại ngồi ăn trưa ngay ngoài hiên mà không đi nghỉ liền như thường lệ. Kể cả buổi chiều còn lại, Thầy cứ đi quanh chứ không vào nghỉ nhiều. Sáng hôm sau, Thầy kêu thầy Pháp Niệm lên ra dấu muốn thầy Pháp Niệm đưa Thầy về Việt Nam. Kỳ này là về thiệt nhé, ban thị giả thở phào, rốt cuộc rồi cũng đến lúc trở về.
Thầy khỏe hẳn nên dùng bữa được nhiều, ra sân ăn dù trời tối mịt, ăn chung với chúng ngoài hồ sen, có lẽ biết rằng lần này rời Thái cũng không rõ bao giờ mới trở về lại.
Ngày 4 tháng 01, Thầy ra thẳng phi trường ở Bangkok để bay về Việt Nam. Ai cũng ngạc nhiên và phục Thầy quá chừng vì một người khi rời Huế là đang truyền nước, truyền đạm suốt ngày mà bây giờ bay qua bay lại, đi tới đi lui Bangkok – Pak Chong không mệt. Chưa hết, về tới chùa Tổ, trong khi các sư cô đã trang hoàng khuôn viên quanh phòng Thầy thành nơi triển lãm hoa và sách rất dễ thương, Thầy vẫn khỏe đủ để đi quanh thất ngắm phòng triển lãm mini đó rồi mới vào nghỉ. Bạn hiền phục Thầy chưa?
Tôi ngừng ở đây nhé bạn hiền. Sáng nay gói bánh, Thầy cũng qua Diệu Trạm để thăm một chút. Bây giờ, ngoài sân đang nấu bánh chưng và đại chúng đang ca hát. Tiếng hát như những bông hoa đang nở ra trong đêm tối làm tôi nhớ tới câu đối của năm nay:
Địa cầu vừa tỉnh thức
Lòng đất bỗng đơm hoa
Hình ảnh đẹp quá, và sự thực tập chứa đựng trong đó cũng sâu sắc biết bao nhiêu, bạn hiền có nghĩ vậy không?
Thương quý,
Thoại Nghiêm