Quê hương mỗi bước chân về

Chân Thuần Khánh 

Tôi trở lại Huế vào mùa thu, rồi mùa đông. Lâu lắm rồi tôi mới lại được ngồi yên trong tiếng mưa ầm ào mênh mang, quen thuộc đến nao lòng này. Nhiều người sợ những cơn mưa dai dẳng của Huế, vậy mà tôi lại thấy thích, rất trân trọng không gian của những khoảnh khắc như thế này. Trong tiếng mưa và cái yên lặng của Huế, của chốn Từ An xưa, tôi cảm nghe như thời gian và không gian, cái xưa và cái nay, cái cũ và cái mới,… cùng một lần có mặt, ngay nơi tôi, ngay nơi mảnh đất này. 

Uống trà trong tiếng mưa  

Người ngồi từ muôn thuở  

Ta một cõi yên vui

Có nhau từng nhịp thở. 

Mây trắng trời phương ngoại 

Gần hai mươi năm quen biết, mỗi khi nghĩ về, tôi luôn cảm thấy mình nhận được đức độ và tình thương của sư chị, dù ở gần hay ở xa. Sư chị không ở với đại chúng lâu, nhưng sư em nào đã từng gần sư chị, đều như một lần uống được dòng nước mát trong nơi cái giếng cổ xưa trên núi, sẽ không bao giờ quên. Tôi vẫn nhớ xóm Hạ thời đó có nhiều “cái giếng nước trong vắt mát lành” như vậy, và tôi, một sa di nhỏ, đầy bỡ ngỡ nhưng không hề thấy xa lạ, tha hồ mà vẫy vùng! Có một sư chị lớn nhìn tôi tung tăng trong những ngày mới đến, mỉm cười và nói: “Thuần Khánh về Làng y như cá được thả về biển lớn, tha hồ mà bơi lội”. Sư chị cũng là một sư chị lớn thời đó, khoan dung, độ lượng, và giản đơn, bình dị. Sư chị lại hay cười. Hễ ai chọc cười là sư chị không dừng lại được. Cười hoài mệt quá, sư chị phải quay ra năn nỉ các chị em xung quanh đừng cười nữa, với cái giọng tha thiết, lúc đó sư chị mới hy vọng có thể ngưng cười. Mỗi lần như vậy, tôi lại không thể không tiếp tục cười, vừa buồn cười chuyện mọi người đang cười, vừa buồn cười cái cách sư chị cố gắng ngưng cười… Thế là cư xá Mây Tím như được nới rộng ra. 

Sư chị hòa đồng và có mặt với đại chúng trong mọi sinh hoạt, lại có đủ thì giờ chơi và chỉ dạy cho các sư em. Có thể thời đó, đời sống của tăng thân đơn giản hơn bây giờ nhiều. Mỗi đội luân phiên chỉ có hai người và mỗi bữa ăn chỉ cần nấu hai hay ba món, kể cả món luộc và xà lách. Không có nhiều lớp học như bây giờ, tôi học mọi thứ bằng cách huân tập, tự quan sát các sư chị và làm theo. Hô canh, ngồi chuông, xướng tán và bắt giọng tụng kinh, hay thỉnh chuông, thỉnh mõ đều học theo cách như vậy. 

Có lần sau buổi tụng kinh tối, đang loay hoay xếp kinh lên kệ, tôi nhận ra sư chị còn nán lại thiền đường khi đại chúng đã về hết, và sư chị đang tủm tỉm cười một mình. Xong việc, tôi lại gần sư chị và cũng mỉm cười. Lúc đó, sư chị không nhịn được, bèn cười phá lên… Tôi biết trong lúc hướng dẫn đại chúng tụng kinh, thế nào tôi cũng đã gây ra điều gì đó không hay rồi. Nhìn sư chị, tôi hỏi: “Chỗ nào vậy sư chị?”. Nhận ra chút lo lắng trong giọng nói của tôi, sư chị hết cười và bắt đầu chỉ cho tôi chỗ tôi đã làm sai. Hóa ra khi bắt giọng tụng bài Chuyển niệm – We are truly present, tôi đã tụng như “đọc truyện”, đã vậy còn thỉnh chuông rất “cảm hứng”, nghĩa là muốn thỉnh lúc nào thì thỉnh. Sư chị nói: “Nhìn em thỉnh chuông tự tin trên đó mà chị muốn… té khỏi bồ đoàn…”. 

Từ hôm đó, tôi theo sư chị học thỉnh chuông, hô canh, bắt giọng tụng kinh. Giọng sư chị thanh tao và ấm áp, giọng tôi thì tùy hứng, thỉnh thoảng còn phải cho thêm “ít muối, ít tiêu” mới mong đúng nhịp. Sư chị kiên nhẫn và vui tươi. Tôi siêng năng học từ sư chị. Vẫn không thể trở thành một sư cô tụng kinh và hô canh hay, nhưng tôi biết rằng mình là một đứa em được thương yêu, được chăm sóc. Tôi đã tiếp nhận tình thương của sư chị, một cách tự nhiên và trong trẻo, như một em bé uống được dòng nước mát lành nơi cái giếng cổ năm xưa, mà lớn lên. 

Năm kia, tôi nhận được soi sáng từ một sư chị: “Sư em không có nhiều khó khăn với các sư chị của mình. Sư em có mối liên hệ tốt với các sư chị, dù ở gần hay ở xa”.Đang là một sư chị, đã chấp nhận và thực tập vai trò sư chị một thời gian, tôi hơi ngạc nhiên và giật mình khi nghe lời soi sáng đó. Tôi xúc động và biết ơn sư chị đã khen ngợi, đồng thời là lời nhắc nhở cho tôi. Làm chị, và giữ gìn được mối liên hệ tốt với những người chị của mình, đó không phải là một may mắn phước đức của tôi hay sao! May mắn hạnh phúc lớn, và cũng là một gia tài quý báu. Thương được chị, bởi vì tôi đã được chị thương, thế thôi. Dù đang làm sư chị của nhiều sư em, tôi vẫn luôn nhận được tình thương của các sư chị. Tôi thích được làm sư em hơn, nhưng vì được các sư chị thương yêu và nuôi lớn, nên dù không hay không giỏi, tôi vẫn đang làm được một sư chị. Biết ơn các sư chị, tôi tập làm sư chị. Biết ơn Thầy, tôi tập làm sư chị, vậy thôi. 

Hôm nghe tin sư chị mất, tôi bàng hoàng. Lòng rưng rưng vần thơ năm nao sư chị đã viết: 

Bàn chân ướm hỏi con đường

Rằng trong vô tận có dừng hay không? 

Con đường nghe tiếng đôi chân 

Chân ơi rong ruổi dừng tâm là dừng. 

Đường xa cỏ non thênh thang 

Khi đi thanh thoát lúc về thảnh thơi 

Khổ đau đã hiểu đã từng

Rằng trong khổ vẫn có đường đi ra! 

Còn khi lên xuống thấp cao

Còn đây tâm lượng bình an là đường

Đường xa ấp ủ bao tình

Người xưa ở lại với người hôm nay. 

Trải lòng cho những đôi chân

Quê hương xưa Mẹ còn nuôi tình người 

Bàn chân ướm hỏi con đường

Rằng trong vô tận có dừng hay không? 

(“Bàn chân ướm hỏi con đường” – thơ sư cô Giải Nghiêm) 

ư chị lên đường, thong dong tự do như cụm mây trắng trên bầu trời trong xanh, như làn gió nhẹ thoảng đưa hương cau hương bưởi. Sư chị về với quê hương tuổi thơ ngàn năm không vướng bận, nơi mỗi nụ cười của đọt lá xanh non, nơi hạt sương mai long lanh tia nắng sớm, nơi bao nhiêu con đường độ lượng quanh đây… 

Ươm nắng cho vạn loài hoa 

Tôi chưa bao giờ gọi Thầy tôi là Sư phụ một cách trực tiếp. Từ ngày xuất gia, các chị em đều gọi Người là Sư, nhưng khi nói chuyện với nhau chúng tôi gọi là Sư phụ. Người Huế không quen xưng hô một cách thân mật, tình cảm thường kín đáo và chỉ ưa thể hiện qua hành động hay cử chỉ chăm sóc âm thầm. Về Huế lần này, tôi nhận ra cái chất đó vẫn còn thật sâu đậm quanh mình. 

Tôi xuất gia năm 18 tuổi, ở với Sư phụ hơn năm năm rồi đi, và đi cho đến tận bây giờ. Mỗi lần về chùa cũng chỉ ở qua loa. Vậy mà không lần nào tôi không cảm nghe cái chất liệu đậm đà tình người đó thấm vào từng ngõ ngách thân tâm tôi, nhất là lần này. Sư phụ tôi duy giọng nói vẫn còn chất Hội An, còn lại là một Sư bà Huế “toàn ròn”. Người tính tình phóng khoáng, cương nghị, lịch thiệp và quảng giao mà cũng lại cẩn trọng và tế nhị vô cùng. Cách hành xử của Người, có lúc thật kỳ lạ, thật can đảm. Điều cần làm thì Sư phụ làm, dứt khoát, mạnh mẽ và đặc biệt “Huế”. Tôi là một đứa học trò cứng đầu và không dễ dàng khuất phục, chỉ khi tự mình thấm được cái chất Huế đó nơi Người, tự mình chứng kiến cách dạy dỗ và nâng đỡ một cách tài tình những tâm hồn khác biệt của Người, tôi mới thật sự khâm phục. 

Hồi đó tôi theo học chương trình đại học ở đời nên đã tiêu tốn không ít thời gian. Tôi ít có cơ hội được làm những công việc của một người sơ cơ mới vào chùa. Sư phụ thường nhắc nhở tôi phải nhớ và thực hành bài học khiêm cung, bài học hòa đồng, chứ không phải học lên cho thật cao là giỏi, là hay. Sư phụ lại thường rầy la tôi, dù với những điều hết sức nhỏ nhặt mà đối với các chị em khác Người có thể dễ dàng bỏ qua. Tôi đã không thật sự hiểu rằng, Sư phụ làm như vậy bởi vì Người muốn rèn luyện, giữ gìn cho tôi, đồng thời muốn cho chị em tôi chấp nhận nhau, không có sự ganh tỵ, hiềm khích xảy ra giữa người đi học nhiều và người phải ở chùa làm việc nhiều. 

Tôi còn nhớ một hôm về chùa sau buổi học ở trường, trong tâm trạng cao hứng, tôi không nhìn ra được chị em mới vừa chấp tác nặng nhọc xong. Thế là vừa đến trước Sư phụ để chào, tôi đã bị rầy thật nặng vì những lý do “không đâu vào đâu”, tôi ngỡ ngàng không hiểu tại sao! Đứng yên chắp tay trước Người, mà tâm tôi không phục. Nghĩ rằng Sư phụ đã không hiểu mình, tôi thầm nhủ mình không được khóc, không cần phải khóc! Về phòng, đang đứng nhìn trân trân ra cửa sổ, cái tâm phân tích và phán xét trong tôi trào dâng. Thấp thoáng bên dưới là nỗi buồn, nỗi buồn cảm như mình không được thương, đang âm thầm len lỏi đâu đó. Nào ngờ, xuất hiện lặng lẽ bên ngoài song cửa là hình dáng Sư phụ. Người thoáng nhìn tôi, khuôn mặt trầm tĩnh và hiền dịu, không nói năng chi, nhẹ nhàng bỏ nơi bậu cửa một cái bánh bao, rồi quay đi. Tôi bật khóc! Có cái gì trong tôi như vỡ òa, như thấm thía, như miên man. Tôi đứng yên tại chỗ và khóc thật lâu. Sư phụ tôi là thế đó. Không cần thêm một lời giải thích nào, sự thấu hiểu có mặt tức thì, và mãi mãi. 

Sau này lớn lên, học làm chị, học cách lo việc chúng và chăm các em, tôi biết rằng, thực hành đức hy sinh ở nơi công việc đã là khó, hy sinh nhu yếu muốn được hiểu, được thương của riêng mình để rèn luyện và hướng dẫn các em lại càng khó hơn. Bài học giản đơn và thấm thía đó, tôi mang theo suốt đời. Hôm nay, Sư phụ đã về với Bụt nhưng ân đức của Người, từ Thể Thanh Pháp Uyển, đã lên đường, ươm nắng cho vạn loài hoa, nở thơm mát khắp muôn phương! 

Thầy ngồi đó, lửa niềm tin trao giữ
Tâm Bồ Đề thắp sáng trái tim con
Cương nghị, chở che, biển tuệ chung dòng Muôn sông nhỏ trở về lòng đại hải. 

 

 

Bình yên như hơi thở 

Mạ thủy chung âm thầm như nguồn cội Bãi vắng trưa xô gió cát lao xao
Mặc gió mưa giông bão thét gào
Mạ còn đó bình yên như hơi thở 

Tôi chẳng nhớ những câu thơ tôi viết cho Mạ khi nào, có lẽ đã lâu lắm rồi, lúc tôi còn là một cô sa di nhỏ. Mỗi lần cùng Mạ lên Diệu Trạm thăm, thế nào cũng có sư em rỉ tai tôi, giọng nghịch ngợm: “Sư cô ơi, sao con nhìn Mệ trẻ trung vui vẻ hơn sư cô nữa à nha!”. Các sư em gọi Mạ tôi là Mệ, như cách người Huế thường gọi người lớn tuổi. Tôi muốn viết và kể chuyện của Mạ, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, bởi có quá nhiều điều vui buồn, khổ đau và hạnh phúc suốt cuộc đời của Mạ. Nhìn thấy tất cả nét vui tươi hồn nhiên trong mắt cùng giọng cười vui vẻ của Mạ, thật khó mà tin rằng Mạ đã đi qua bao nhiêu gian nan, lao nhọc và khó khăn, khổ đau chồng chất trong đời. 

Lúc mới hơn mười tuổi, tôi đã tròn xoe mắt khi Mạ dặn dò: “Ra đường phải vui vẻ và mỉm cười với mọi người nghe con. Dù con có đói ba ngày, con vẫn phải tử tế với người khác. Có khi người đang đứng trước mặt con còn khó khăn hơn con nhiều lắm, con không có gì để cho, nhưng con còn có nụ cười!”. Lớn lên tôi là một người hay cười, có lẽ cũng nhờ những lời dạy và cách hành xử của Mạ. 

Mạ không biết chữ, lúc mang thai tôi, là con thứ năm trong nhà, Mạ mới được vài ba đêm cầm cây đèn dầu đến nhà cô giáo làng ở xóm trên, theo lớp Bình dân học vụ. Ba mất, để lại cho Mạ bảy đứa con và lời trăn trối thiết tha: “Một là đừng cho đứa nào theo nghề của Ba đi đánh cá, hai là cố gắng cho con học hành tới nơi tới chốn”. Năm đó Mạ 38 tuổi. Ba mất, Mạ không còn cơ hội nào mơ đến những con chữ bí mật mà hấp dẫn đó nữa, dù niềm yêu thích đọc chữ vẫn không hề nguôi ngoai. Những người con của Mạ, hết người này đến người khác, học hành và ra trường, là những người đỗ đại học đầu tiên ở quê, sau này làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm thầy giáo và là niềm tự hào của Mạ. Anh em tôi từ lâu đã có ý định bày cho Mạ học đọc, nhưng hình như chưa ai thật sự làm cả. 

Có một lần, anh Phong, anh thứ ba của tôi, lúc đó đã là thầy giáo, về thăm Mạ. Buổi trưa hôm đó, nằm thiu thiu nơi võng, anh Phong nghe giọng Mạ chầm chậm đánh vần từng chữ một, anh tỉnh hẳn và lắng tai nghe. Mạ đánh vần thật. Mạ biết đánh vần và đọc từng chữ, từng chữ nơi cuốn “kinh Nhật Tụng của Mạ”. Sư em Nguyên Tịnh đã chọn in một số bài kinh, bài sám với cỡ chữ lớn và làm quà tặng Mạ, trong một dịp các anh chị em xuất sĩ đi thăm các ba mẹ. Anh Phong ngồi dậy, len lén nhìn sang Mạ, có lẽ để biết chắc đó là Mạ. Mạ vẫn hồn nhiên chăm chú đánh vần, không biết rằng thằng con trai đã lớn của mình đang khóc. Anh Phong khóc, và các anh em tôi đều khóc khi nghe anh kể chuyện đó. 

Sau này mỗi lần về thăm, tôi đều nghe Mạ khoe: “Mạ đã thuộc lòng bài Ba sự quay về rồi nghe cô”, hay là: “Lần vừa rồi ở Diệu Trạm, Mạ đã tụng theo được với quý thầy, quý sư cô hết bài Quy nguyện luôn đó cô”. Tôi vui vẻ khen ngợi và động viên Mạ. Tôi vui với niềm vui của Mạ, lòng hân hoan như những tháng ngày mới vào chùa và học thuộc lòng thần chú Lăng Nghiêm. Khoảng sáu tháng trước, Mạ băn khoăn: “Cô nè, bài Sám nguyện dài quá, Mạ học có thuộc nổi không hè?”. Tôi mỉm cười, nói giọng tự tin và “tỉnh bơ”, dù lòng rưng rưng thương Mạ: “Đương nhiên là Mạ sẽ thuộc rồi, như là Mạ đã thuộc rất nhiều bài sám khác. Mạ học từ từ từng đoạn thôi. Bây chừ Mạ đọc ro ro rồi mà”. Mạ đã lớn tuổi, mỗi đêm, vẫn thắp hương lên bàn thờ Bụt, bàn thờ Tổ tiên và thầm khấn nguyện để kiếp sau được làm người xuất gia. 

Tôi và em tôi xuất gia, dù “đã là con của Phật chớ mô còn là con của mình” như lời Mạ thường trả lời các bác hàng xóm mỗi lần họ tán dương rằng Mạ quả thật phước đức khi có hai người con đi tu, tôi vẫn biết rằng thực tập để nuôi dưỡng và làm cho tươi mát niềm vui sống mãnh liệt trong tim là điều tôi sẽ học hỏi và thừa hưởng suốt đời từ Mạ. Hễ lúc nào cánh cửa còn hé mở, thì ánh sáng nhất định biết cách tràn vào. Hễ lúc nào trái tim còn để ngỏ thì tình thương và niềm tin sẽ mãi thắp sáng đôi mắt và mọi nẻo đường mình bước qua. Tôi nguyện giữ gìn nụ cười của Mạ để tâm hồn tôi được tắm mát trong dòng suối thanh lương đó. 

Mùa Đông, Huế, 04.01.2020