Tình huynh đệ bao la

Chân Hội Nghiêm

Tình huynh đệ bao la” là câu thư pháp Thầy viết treo trong khóa tu xuất sĩ năm 2014 tại xóm Thượng. Tôi rất thích và có ấn tượng với câu thư pháp này. Sau khóa tu, tôi xin về treo ở xóm Hạ. Tôi thích câu thư pháp này có lẽ một phần vì tôi thích bao la. Tôi thích cái gì bao la rộng lớn, không bị ràng buộc, không bị giới hạn, không bị vướng bận. Tôi thích tự do. Mà bao la là tự do. Tôi hạnh phúc mỗi khi nhìn nó. Nhìn nó và mỉm cười.

Muốn tình huynh đệ bao la thì lòng mình cũng phải bao la. Có bao la mới chấp nhận được nhau, chấp nhận những khác biệt, những vụng về yếu kém của nhau. Có bao la mới cảm thông và tha thứ cho nhau. Có bao la mới trân quý, hạnh phúc với những vẻ đẹp và niềm vui của nhau. Thật thênh thang và sống động! Đến với huynh đệ là để hiến tặng và tận hưởng cái bao la đó.

Ấy vậy mà có lúc thấy lòng mình cũng chật chội, muốn khép cánh cửa trái tim lại, chẳng muốn mở ra để tiếp nhận thêm bất cứ điều gì. Tự nhiên tôi làm mấy câu thơ:

Tình huynh đệ bao la mà lòng mình chật hẹp

Thiên nhiên rất đẹp sao tâm cứ hững hờ?

Tình thương của Bụt không bến bờ

Sao mình cập bến không muốn ra khơi

Bước tới thảnh thơi sao mình không bước?

Ai bảo từ khước rồi ngồi đó thở than!

Đất trời thênh thang mà mình cứ vướng vào những điều vụn vặt

Con đường thẳng tắp mà mình cứ luẩn quẩn quanh co

Thầy bảo đừng lo mà mình quan tâm đến mệt mỏi

Đường đi đá sỏi mà cứ muốn trơn tru

Ai bảo không tu nên mới hoài lận đận

Thôi! Bận chi thì bận cũng nhớ thở nhớ cười

Tu học đừng lười mới đến nơi đến chốn

Những lúc nguy khốn hãy để Bụt lo
Tĩnh tại, tự do mới xứng danh con Bụt.

Làm thơ là để cho mình thực tập buông bỏ, để cho lòng mình bao la mà đón nhận những ân tình từ người khác trao tặng.

Thầy từng nói: “Không có sự giải thoát nào không đi ngang qua tình huynh đệ”. Câu nói hùng hồn của Thầy làm tôi chấn động. Tôi cứ ngỡ giải thoát giác ngộ là phải được tìm thấy trong thiền định, phải ngồi thiền ở một nơi yên vắng trong hang sâu núi thẳm hay trong rừng cây tĩnh lặng. Ai ngờ nếu không đi ngang qua tình huynh đệ thì sẽ không tìm thấy giải thoát. Giải thoát giác ngộ phải được tìm thấy trong đời sống hằng ngày, qua những tiếp xúc va chạm với huynh đệ, với những người thương chung quanh mình. Bằng không thì sự giải thoát đó có thể chỉ là sự ngộ nhận. Hay có thể đó chỉ mới là sự ngộ đạo mà chưa thực sự sống đạo. Bởi vì trong tình huynh đệ có đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả. Nếu không có từ, bi, hỷ, xả làm sao xây dựng được tình huynh đệ, làm sao tha thứ và cảm thông cho nhau? Mà có sự giải thoát nào lại vắng mặt từ, bi, hỷ, xả?

Trong tình huynh đệ, nếu nhìn cho thật sâu, ta cũng sẽ thấy có yếu tố thiền định trong đó. Đó là một thứ thiền định thâm sâu không có hình tướng. Bởi không có định làm sao có sự kiên nhẫn, làm sao có tình thương yêu, làm sao có tuệ giác để hiểu được huynh đệ của mình.

Thầy thường dạy: “Tất cả những gì mình làm, mình nói đều phải có mục đích xây dựng tình huynh đệ. Có tình huynh đệ thì có tất cả, không có tình huynh đệ thì không có gì hết. Không có gì quý hơn tình huynh đệ”.

Có lần Thầy kể Thầy nằm mơ, trong giấc mơ của Thầy, anh chị em từ khắp nơi trở về, nấu một nồi cơm ăn chung với nhau rất vui. Khi tỉnh dậy Thầy vẫn còn thấy vui.

Vui là bởi vì ở đó có tình huynh đệ. Tình huynh đệ đã đi vào giấc mơ của Thầy. Tình huynh đệ đơn giản chỉ thế thôi mà vui và ấm cúng vô cùng. Đâu cần phải có những thứ cao lương mỹ vị. Đâu cần những điều kiện vật chất sang trọng lớn lao mới xây dựng được tình huynh đệ. Tình huynh đệ thật đơn giản, nhưng vui và đẹp.

Có một nếp sống giản đơn không cần bày biện

Ngồi lại bên nhau ta có buổi tiệc vui.

Có những cái tình rất đơn sơ mà làm tôi cứ phải nhớ hoài. Hình ảnh các sư em đến chơi, ngồi hát cho tôi nghe, tặng cho tôi chiếc lá cỏ bốn lá, hay hình ảnh sư chị chuẩn bị phòng rất chu đáo và mời các chị em đến nghe nhạc. Những sư chị, sư anh, sư em luôn có mặt đó cho tôi, luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi một cách vô điều kiện. Những buổi đi bộ quanh những con đường làng, những lần chị em ngồi uống trà trên biển ngắm mặt trời lên, những lần đuổi bắt hoàng hôn trên biển, những lần đi núi, mấy chị em băng từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, hái hoa hái nấm về đốt lửa quây quần bên nhau, rất vui và đẹp. Tình huynh đệ cũng chập chùng vui và đẹp như núi rừng hùng vĩ, như biển cả bao la.

 

 

 

Nói đến tình huynh đệ thì không thể không nói đến những khóa tu xuất sĩ. Lúc đó mình có nhiều thời gian cho mình và cho nhau, không cần phải giải quyết nhiều công việc, không cần phải lo lắng chăm sóc thiền sinh. Chỉ cần có mặt cho nhau, chơi với nhau mà thấy nuôi dưỡng nhiều. Trong những khóa tu xuất sĩ tại xóm Thượng, có những buổi sáng yên lắng, mặt trời lên ửng hồng, sáng rực cả bầu trời. Từ cốc Ngồi Yên của Thầy nhìn ra khu rừng trước mặt là cả một không gian thênh thang. Nhiều anh chị em không hẹn mà đến, đều tụ về đó để ngắm mặt trời lên, để uống trà, ăn sáng trong yên lặng với nhau. Nhẹ nhàng, thênh thang và đẹp. Tôi thấy tình huynh đệ cũng đẹp, nhẹ nhàng và thênh thang không kém gì đất trời những buổi sáng ấy. Đôi khi cũng chỉ có cơm với rau luộc thôi mà chị em ngồi quây quần bên nhau, hạnh phúc và ấm cúng vô ngần.

Một buổi sáng hương cơm thơm ngào ngạt

Tình nghĩa chất đầy trong đĩa rau xanh

Một buổi sáng có tình chị tình anh

Nuôi em mãi một đời tươi sáng.

Khóa tu xuất sĩ là khóa tu để tận hưởng tình huynh đệ. Đôi khi chỉ ngồi chơi, có mặt cho nhau thôi mà nuôi nhau cả một đời. Không cần phải làm gì cả. Không cần phải nói năng, suy nghĩ nhiều. Không cần phải cố gắng. Tôi nhớ có lần làm ban tổ chức cho khóa tu, mấy chị em trong ban tổ chức ở chung một phòng với nhau. Trưa nào về phòng các sư em cũng đòi tôi làm thiền buông thư. Tất cả đều lên giường, tôi cũng lên giường, vừa buông thư, vừa làm thiền buông thư cho các chị em. Thật thanh thản và ngoạn mục như những chiếc lá mùa thu đang rơi.

Nói đến tình huynh đệ cũng cần phải nói đến tình bạn. Bởi vì chữ Từ (tình thương) trong đạo Bụt bắt nguồn từ chữ Maitri (tiếng Phạn). Mà Maitri có nguồn gốc từ Mitra, có nghĩa là Bạn. Có tình bạn rồi thì tình huynh đệ sẽ bền lâu. Nếu huynh đệ mình là bạn mình, không có một ranh giới cấp bậc thì mình sẽ cởi mở chân thành, sẽ dễ dàng buông xả, dễ dàng cảm thông và bỏ qua những lỗi lầm của nhau mà không đòi hỏi trách móc, sẽ dễ dàng hiểu và chấp nhận nhau, dễ dàng hạnh phúc với nhau. Nếu không hiểu nhau, không có sự cảm thông nhau thì sẽ không có tình thương yêu đích thực.

Tôi có những người bạn mà mỗi lần nghĩ đến là mỗi lần thấy trân quý, biết ơn và hạnh phúc. Bạn luôn có đó cho tôi, yểm trợ tôi, không đòi hỏi tôi bất cứ điều gì dù là đòi hỏi sự chuyển hóa nơi tôi. Chấp nhận tôi như tôi đang là với những vụng về yếu kém, với những lầm lỡ khó khăn, dù là bạn đang ở gần hay ở xa tôi. Những người bạn như thế dù có khi ở rất xa nhau mà vẫn thấy như rất gần. Tôi nuôi mình rất nhiều bằng những ân tình bè bạn đó.

Có tình bạn trong tình huynh đệ thì tình huynh đệ sẽ có rất nhiều tự do, không bị ràng buộc, không bị vướng bận. Sống hết lòng, cho đi cũng hết lòng, không đòi hỏi, không nắm bắt. Rộng mở thênh thang, thong dong nhẹ nhàng.

Tình thầy là ánh trăng đầy,

Tình huynh đệ, áng mây bay giữa trời.

Nói như thế không có nghĩa là tình huynh đệ chỉ có ngọt bùi, đẹp đẽ, tươi mát, nhẹ nhàng, thanh cao. Tình huynh đệ cũng có lúc đi qua những khó khăn thăng trầm. Nhưng nếu kiên nhẫn thì mình vẫn luôn còn có nhau và bồi đắp cho tình huynh đệ thêm sâu dày. Đôi khi những lúc khó khăn lại là những lúc anh chị em thương nhau nhiều nhất, dù khó khăn đó là khó khăn ngoại tại hay khó khăn nội tại. Tôi chưa bao giờ thấy lần nào mà anh chị em thương nhau như lúc bị đuổi ra khỏi Bát Nhã và ở chùa Phước Huệ, các huynh đệ gần gũi thương yêu nhau và vì nhau như anh chị em ruột thịt.

Đôi khi ta muốn em đi qua bão dông

Cho nghĩa đệ tình huynh ngày thêm thắt chặt.

Người ta đã gây khó khăn cho mình và cho huynh đệ mình nhiều rồi, mình đâu nỡ làm cho huynh đệ khó khăn khổ đau thêm nữa. Mình chỉ muốn thương yêu thôi. Có gì quý, có gì ngon cũng muốn đem đi hiến tặng. Mọi người đều hết lòng đặt tình thương vào đó để nâng đỡ, yểm trợ và xây dựng cho nhau. Những lúc tôi có khó khăn là những lúc tôi nhận được nhiều tình thương và quan tâm nhất. Các chị em có mặt cho tôi bằng tất cả trái tim, bằng những quan tâm chăm sóc hỏi han, bằng những lời tâm tình, an ủi, động viên, bằng những cái nhìn thấu hiểu. Cái tình ấy thật đẹp!

Khó khăn nội tại có lẽ là khó khăn lớn nhất. Nhưng cũng nhờ thế mà mình hiểu được thế nào là tình thương yêu, thế nào là lòng kiên nhẫn. Kiên nhẫn với chính mình và kiên nhẫn với những người chung quanh. Tuy nhiên mình phải có khả năng tha thứ, phải có khả năng buông bỏ và chữa lành thương tích. Những lúc này mà mình chấp nhận được nhau thì đó mới thực sự là tình thương yêu đích thực.

Cũng có những lúc mình bị hiểu lầm, bị oan ức, mình có cảm tưởng như không ai hiểu mình, không ai tin mình thì may thay có núi sông làm chứng cho mình: “Giờ phút này sông núi chứng minh”. Núi sông làm chứng cho lòng mình được nhẹ nhàng bao la trở lại. Trong số huynh đệ mình cũng có những người có khả năng đó. Im lặng, không nói năng nhiều mà năng lượng hùng hồn như núi sông, có khả năng làm chỗ dựa tinh thần cho mọi người quay về nương tựa, có khả năng làm cho lòng người bao la trở lại, dù có khi người đó ở cách xa mình cả ngàn dặm về mặt địa lý. Khó khăn lớn chừng nào thì khi vượt thoát rồi mình hạnh phúc chừng đó. Thật là bao la!

Tình huynh đệ bao la quá làm sao nói hết. Mong sao cho tình huynh đệ lan mãi trong nhân gian.