Hương Mộc
Bầu trời sáng nay thật yên bình. Trên cao, ông trăng vẫn còn treo lơ lửng bên những vì sao. An nhiên với bước chân thiền hành từ tăng xá xóm Trúc đến thiền đường Hải Triều Lên, tôi cảm nhận được một mùi hương thoáng dịu, phảng phất gần xa theo làn gió. Tôi nhận ngay ra đó là mùi hương của hoa mộc. Trong không khí tĩnh mịch của buổi sáng tinh khôi hòa lẫn với ánh đèn lờ mờ bên góc thiền đường, tôi chợt thấy các chùm hoa mộc đang mỉm cười khoe hương sắc. Lúc đó, trong tôi đi lên bài thơ Hoa thược dược của Quách Thoại:
Đứng im ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.
Tôi nán lại vài phút ngoài thiền đường để lặng nhìn và thưởng thức sứ giả sắc hương của đất Mẹ trước khi bước vào thiền đường tham dự buổi công phu sáng. Tiếng hô canh của thầy Trời Đạo Hành sáng nay vừa trong lại vừa hùng. Tôi tĩnh tọa, mỉm cười trong tâm trạng hân hoan, thư thái và nhẹ nhàng. Hình như hương hoa vẫn còn đọng lại đâu đó trong lòng tôi. Vì lẽ đó, hoa mộc đã trở thành đề tài thiền quán của tôi sáng nay và những ngày kế tiếp.
Hương Hoa
Tu viện Mộc Lan có rất nhiều cây hoa mộc được quý thầy, quý sư cô trồng xung quanh thiền đường Hải Triều Lên. Hoa mộc nở rải rác quanh năm, nhưng thường nở rộ vào mùa thu. Ngoài hương sắc của hoa, điều làm tôi trân quý và biết ơn là dù thu sang hay đông tàn, loài hoa này vẫn luôn xanh tươi. Trong khi đó, ở vùng miền Nam nước Mỹ này, đa phần các loài cây khác đều trụi lá vào cuối thu. Sự xanh tươi và hương sắc của cây hoa mộc đã làm tăng thêm vẻ đẹp và sự cân bằng của thiên nhiên trong mùa thu đông ở tu viện Mộc Lan. Đây là lần đầu tiên tôi thấy hoa mộc nở rộ đến thế. Tất cả các cây hoa mộc xung quanh thiền đường đều nở cùng một lúc.
Mỗi lần tiếp xúc với hoa mộc, trong tôi đều đi lên một khoảnh khắc hoài niệm về tình thầy trò. Tôi nhớ ngày xưa trong thời gian làm thị giả cho Thầy. Mỗi lần đi đâu thấy có hoa mộc tươi tôi đều xin một nhúm để đem về cúng dường cho Thầy. Tôi thường đặt nhúm hoa mộc vào một cái tách nhỏ, nhưng cũng có lúc tôi chỉ đặt chúng trên một chiếc lá đơn sơ rồi để lên bàn làm việc của Thầy. Như thế, Thầy có thể thưởng thức hoa một cách trọn vẹn. Mỗi lần tiếp xúc với hoa mộc là mỗi lần trong tôi dâng lên một niềm biết ơn sâu sắc với Thầy, và hơn hết là với đời tu của mình.
Lần này, trở về Mộc Lan tôi đã học được nhiều điều rất quý báu từ cây hoa mộc. Trước tiên là cách nhận thức của chính tôi. Trong khu vườn vào cuối thu không phải cây nào cũng trụi lá. Nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy vẫn còn một vài cây khác xanh tươi. Điều này đã cho tôi cái nhìn sâu sắc về cuộc đời, làm thế nào để cuộc đời mình cũng luôn xanh tươi như cây hoa mộc. Tôi thấy những cây hoa mộc đâu cần phải làm gì nhiều, chúng chỉ cần duy trì được sự xanh tươi và dâng cho đời hương hoa. Bấy nhiêu đó là đủ rồi!
Hương Hạnh
Kỳ này hoa mộc chỉ nở được ba ngày. Tôi nhớ đến đêm thứ ba thì trời đổ mưa to. Bên khung cửa sổ trong căn phòng vắng với tách trà nóng, tôi tác ý đến số phận của hoa mộc. Tôi nghĩ: “Mưa kiểu này chắc hoa mộc tiêu hết”. Đúng thế! Sáng hôm sau, khi ra lại thiền đường, tôi thấy đa số đều bị trận mưa giông trút sạch. Cuộc đời vô thường, cái gì càng đẹp, càng quý thì lại càng mong manh. Tôi nhìn những cánh hoa rơi rụng trên mặt đất mà lòng biết ơn tràn đầy. Cảm ơn em đã biểu hiện một cách nhiệm mầu để dâng đời hương sắc! Tôi tự hỏi: “Nếu những cây hoa mộc có thể dâng hiến cho đời hương sắc thì làm con người chúng ta có thể cống hiến được gì hữu ích cho đời?”.
Có lần tôi về thăm một vùng quê ở Quảng Trị với một nhóm từ thiện của chương trình Hiểu và Thương. Trưa hôm ấy, tôi đi tản bộ trong làng. Tôi thấy một nhóm trẻ nhỏ đang ngồi câu cá và nói chuyện vui đùa bên cây cầu làng. Tôi đến ngồi chơi với các em và nhìn vào cái thùng nhỏ đựng cá của các em. Trong đó có vài con cá rô đồng, có lẽ các em mới câu được. Sau khi trò chuyện chơi với các em một hồi, tôi chỉ vào cái thùng cá và hỏi: “Các em nghĩ mấy con cá này có cha mẹ không?”. Các em lí nhí trả lời: “Dạ thưa có!”. Tôi nói: “Các em nghĩ chúng có anh chị em không?”. Các em ùa cười và đồng trả lời: “Chắc có!”. Tôi tiếp tục hỏi: “Các em nghĩ sao, nếu cha mẹ và các anh chị em của mấy con cá này chút nữa không tìm thấy chúng thì họ có buồn không?”. Các em nhìn tôi một cách sững sờ, nhưng không có đứa nào trả lời. Tôi nhìn các em rồi nói: “Nếu ví dụ chiều nay vì một lý do nào đó mà các em không trở về nhà được thì chắc cha mẹ và các anh chị em của các em ở nhà sẽ trông đợi, buồn khổ và nhớ các em lắm”. Đám trẻ nghe tôi nói như thế im lặng như tờ, không đứa nào nói một lời. Một lát sau, chúng tự động đứng dậy, vác cần câu và rủ nhau đi về.
Một lần khác, trong một khóa tu cho người trẻ, có một chị trung niên dẫn một đứa con trai khoảng tám tuổi đến tham dự khóa tu. Hôm ấy, chị dẫn cháu đến chơi với tôi và hỏi rằng: “Bạch thầy, con trai của con nó dễ nóng giận và hay thường la hét. Thầy có cách nào xin thầy dạy cho cháu dùm con”. Tôi thấy cậu bé tròn vo, mặt mày trông rất sáng sủa. Tôi vò đầu cháu và nói với cháu rằng: “Con có thấy cây tùng xanh ở ngoài kia không?”. Cháu gật đầu. Tôi hỏi: “Con có biết vì sao cây tùng đó được xanh tươi không?”. Cháu lắc đầu. Tôi dạy cháu: “Cây tùng được xanh tươi là bởi vì cây tùng biết bám rễ sâu vào lòng đất để khi cơn bão đến thì cây tùng không bị thổi đi. Cũng như thế, khi nào có ai làm cho con giận thì con nhớ đừng hét hay nói gì. Con chỉ cần nhắm mắt lại và thở vào, thở ra vài phút thì một hồi sau con sẽ cảm thấy êm dịu và dễ chịu hơn”. Kết quả vài ngày sau khóa tu, tôi được mẹ của cháu báo cáo cho biết rằng: “Thầy ơi, sau khi đi khóa tu về, con không ngờ cháu lại nhớ lời thầy dạy. Có một hôm cháu giận em của cháu quá, thông thường thì cháu hét lên hay tát em, nhưng hôm ấy cháu nhắm mắt lại rồi tập thở vào, thở ra. Thầy có biết không? Chỉ sau hai ba hơi thở hít hà, cháu mở mắt ra và nói: ‘Mommy, it doesn’t work’. (Mẹ ơi, không có hiệu nghiệm). Con bảo cháu: ‘Keep breathing for a few more minutes and it will work’ (Con cứ tiếp tục thở thêm vài phút nữa đi thì sẽ có hiệu nghiệm). Nhìn khuôn mặt cháu thở vào, thở ra rất nghiêm trang con xúc động lắm”.
Sau trận mưa giông, tôi thấy tuy hình sắc của hoa mộc không còn nữa, nhưng hương thơm của chúng vẫn còn đó, đặc biệt là vẫn còn đọng lại trong lòng tôi. Cũng vậy, những hành động của ta làm hàng ngày sẽ không bao giờ mất đi. Chúng sẽ lên đường tiếp nối ta bằng cách này hay cách khác. Tôi biết những gì tôi chia sẻ với các em nhỏ đã được gieo vào tâm thức của các em, như hạt lúa đã được rải xuống ruộng đồng phì nhiêu. Khi nào đủ duyên thì hạt lúa sẽ đâm chồi nảy nở.
Qua những kinh nghiệm trên, tôi thấy rằng những việc làm hữu ích cho mình và cho đời không cần thiết phải to tát lắm đâu. Có những điều rất nhỏ và đơn giản mà ta làm có thể đem đến rất nhiều lợi lạc cho ta và cho người khác.
Hương Đức
Mấy hôm trước, quý thầy, quý sư cô mới dọn rừng xong và đem đống cây khô ra ngoài bãi đất trống để đốt. Trong khi lửa bốc cháy, tôi đứng bên mé rừng và tập quán tưởng rằng thân thể tôi đang được thiêu đốt trong đống lửa. Lửa cháy càng lúc càng to, càng mạnh và càng cao. Những làn khói và hơi nóng bốc lên từ đống lửa rồi dần dần hòa vào hư không. Trong khi đó thì tro bụi từ từ rơi rụng trở về với đất Mẹ. Tôi quán sát rất kỹ. Tôi thấy những cành cây, những làn khói, những hơi nóng và những mảnh tro bụi kia cũng là tôi. Hơn thế nữa, tôi thấy cả một kiếp người, bôn ba cho lắm rồi cuối cùng cũng thế thôi, cũng trở về với cát bụi. Bỗng nhiên tôi thấy mình không là gì cả – một cái vỏ trống không. Nước mắt tôi tuôn chảy. Bạn ơi! Đây không phải là những giọt nước mắt của nuối tiếc hay buồn tủi tiếc thương cho thân phận của một kiếp người mà là những giọt nước mắt của sự tỉnh thức và hạnh phúc.
Trong bài hát “Cát bụi cuộc đời” của nhạc sĩ Hà Sơn, có câu “Người ơi! Hãy nhớ, ta là cát bụi sẽ về cát bụi thì xin đừng toan tính thiệt hơn”. Tôi nghĩ bài hát này có thể chúng ta đã được nghe nhiều lần, nhưng ít ai trong chúng ta có thể duy trì được ý thức ta là cát bụi. Chúng ta sống và hành động như chúng ta còn sống hoài và trẻ mãi. Chúng ta tính toán, lo toan đủ điều. Chúng ta sống thiếu chánh niệm, sống cẩu thả, rồi chúng ta để cho những lo lắng, bất an, giận hờn, căng thẳng tàn phá thân tâm của chúng ta.
Tôi nhớ cách đây không lâu, có một anh chàng trẻ, đẹp trai, nổi tiếng, con nhà giàu qua Làng tu tập một thời gian để trị liệu. Anh bị bệnh trầm cảm. Sự cạnh tranh trong nghề nghiệp với bạn bè cùng lứa đã tạo cho anh rất nhiều bất an và căng thẳng. Anh luôn so sánh anh với những người nổi tiếng, trẻ đẹp khác. Anh không bằng lòng với sự thành công của anh và những gì mà anh đang có. Trong khi đó thì có biết bao nhiêu người đang hâm mộ anh. Có lần mẹ của anh chia sẻ là bà đã cho anh tất cả những gì tốt nhất mà bà có thể làm được, từ nhỏ cho đến lớn, để anh được hạnh phúc. Khi còn nhỏ, bà thương yêu và cho anh mọi thứ vật chất anh muốn. Khi lớn lên, bà đã gửi anh đi du học ở nước ngoài. Tất cả những tình thương của một người mẹ bà dành trọn cho anh, nhưng bà thật sự không ngờ là con trai của bà lại không có hạnh phúc, đặc biệt là bị rơi vào tình trạng trầm cảm như thế này. Điều này đã giúp bà nhìn lại lề lối tư duy và cách sống của bà. Và bà đã nhận ra được một điều: “Tôi đã nghĩ rằng thương con thì phải cố gắng tạo dựng sự nghiệp để cho con có được đời sống vật chất thoải mái và hạnh phúc, nhưng cái tôi không nghĩ tới là làm thế nào để cho con có được cuộc sống bình an”. Khi nghe câu chia sẻ này, tôi ấn tượng lắm. Bởi vì, đó là một tiếng chuông chánh niệm, một điều giác ngộ. Biết được như thế nghĩa là biết dừng.
Đây là một câu chuyện rất thực tế, đang xảy ra với rất nhiều người trong xã hội của chúng ta ngày nay. Xã hội càng tân tiến, kinh tế càng đi lên thì sự căng thẳng và bất an của chúng ta theo đó cũng gia tăng. Thương yêu và nâng đỡ một người đòi hỏi sự có mặt đích thực của ta. Ta có thể cho người thương của ta cả thế giới vật chất, nhưng nếu ta bận rộn quá và không có mặt cho người ta thương thì cái thế giới ấy chẳng có nghĩa lý gì. Sư Ông Làng Mai dạy rằng: “Hạnh phúc của cha mẹ là gia tài quý giá nhất để lại cho các con”. Chính cách sống hạnh phúc, cách sống bình an và cách sống đức hạnh của ta mới là gia tài vô giá mà ta có thể hiến tặng cho người thương của ta. Ta không thể nào có hạnh phúc thật sự nếu ta không có bình an và ta không thể nào hiến tặng sự bình an nếu chính ta không có bình an. Bình an là nền tảng của hạnh phúc. Bình an là cách sống, là sự thực tập cần phải được chế tác trong cuộc sống hàng ngày.
Chia sẻ đến đây, tôi nhớ trong bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Theo tôi hiểu thì “tấm lòng” ở đây nghĩa là cái hương hạnh, hương đức của chúng ta. Nếu những cây hoa mộc có thể cống hiến cho đời bằng hương sắc của chúng thì làm con người chúng ta cũng có thể cống hiến bằng hương hạnh, hương đức của chúng ta. Tại sao có một tấm lòng mà phải để gió cuốn đi? Như chúng ta đã biết, nhờ có gió mà mùi hương của hoa mộc được cuốn đi và lan tỏa rất xa để nhiều người được thừa hưởng. Một hành động, một lời nói hay một tâm niệm phát xuất từ tấm lòng thương yêu và vị tha sẽ là nguồn cảm hứng, nuôi dưỡng và trị liệu cho rất nhiều người. Và nó sẽ là sự tiếp nối đẹp đẽ của ta.
Chân Pháp Nguyện