Nụ cười hộ trì, nụ cười tương tức
(Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai)
Kính thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày 17.02.2002, chúng ta đang ở tại Nội viện Phương Khê trong ngày chót của khóa tu mùa Đông.
Chúng ta được làm bằng yếu tố danh (tâm) và sắc (thân), vì vậy chúng ta không những tu tâm mà còn phải tu thân nữa. Trong chúng ta ai cũng có Phật tánh và đều có thể đi tới trên con đường thành tựu đạo nghiệp, chuyển hóa phiền não, trở thành một bậc đạo sư độ đời và giúp người. Nếu không có niềm tin vào Phật tánh nơi ta thì ta không thể tu học được. Phật tánh trong ta là tính chất thánh thiện, là một cái gì có thật mà ta có thể tiếp xúc được trong đời sống hàng ngày.
Thầy đã từng nhiều lần giảng dạy rằng mỗi khi mình thở vào, thở ra có chánh niệm, bước đi những bước vững chãi, thảnh thơi và có tự tại, có an lạc thì mình chế tác chất thánh trong con người mình. Mỗi khi mình biết nhìn bằng con mắt từ bi, biết mỉm một nụ cười xót thương hay hiểu biết thì mình cũng chế tác được chất thánh. Chất thánh không phải là một cái gì xa vời. Chất thánh là Phật tánh. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không có chúng sanh tánh. Chúng sanh tánh có đầy đủ trong ta. Tuy nhiên, Phật tánh và chúng sanh tánh không cần phải đánh nhau suốt ngày trong khi thức cũng như trong khi ngủ. Phương pháp của chúng ta là làm thế nào để Phật tánh và chúng sanh tánh đi đôi được với nhau, cộng tác được với nhau, và sống chung một cách hòa bình. Nếu chúng ta biến mình thành bãi chiến trường, trong đó hai phe đánh nhau suốt ngày thì chúng ta sẽ đau khổ lắm.
Theo Thánh Kinh, Thượng Đế sử dụng những chất liệu như cát bụi để tạo ra con người. Đó là tôn giáo, là huyền thoại. Theo thuyết tiến hóa, chúng ta từ những con thú đi lên thành con người. Trên trái đất xuất hiện những loài đơn tế bào trước, rồi từ từ mới có những loài đa tế bào. Con người là một sinh vật xuất hiện rất trễ trên trái đất, và con người tới từ những loài vật khác. Chúng ta cũng có nguồn gốc từ khoáng, từ khí, từ sương, từ cây cỏ, vì vậy chúng ta có khoáng tánh, có thảo mộc tánh và chúng ta cũng có thú tánh. Đồng thời, trong mỗi tế bào của chúng ta cũng có Phật tánh, có thánh tánh.
Giáo lý Hoa Nghiêm cho chúng ta biết rằng cái này chứa đựng cái kia, nếu không có cái này thì không có cái kia. Nếu không có thú tánh thì cũng không có Phật tánh. Điều này rất lạ lùng nhưng trong đạo Bụt chúng ta thấy rất rõ, cũng như nếu không có bùn thì không thể nào có sen. Muốn có bùn thì phải có hoa sen, muốn có hoa sen thì phải có bùn. Nếu nói rằng tôi chỉ muốn hoa sen thôi, tôi không muốn bùn thì không được. Chúng ta thấy sự thật là bùn và hoa sen chung sống hòa bình với nhau, không đánh lộn suốt ngày, có phải như vậy không? Vậy thì tại sao chúng ta phải đánh lộn suốt ngày, phải tranh đấu với cái mà chúng ta gọi là cái ác? Tâm Kinh nói rằng không có cái gì sạch, không có cái gì dơ. Cái dơ nằm trong cái sạch và cái sạch nằm trong cái dơ. Nhìn vào hoa sen chúng ta thấy được bùn và nhìn vào bùn, chúng ta thấy được hoa sen. Đó là tuệ giác cao vời của đạo Bụt.
Thi sĩ Huy Cận đã từng làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong chính quyền Việt Nam. Hồi hai mươi mấy tuổi, Huy Cận có làm một bài thơ nói về sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, cái dơ và cái sạch. Trong bài thơ đó, Huy Cận nói chuyện với Thượng Đế. Thi sĩ nói: Ngài đã tạo ra hình hài của con người rất đẹp, nhưng mà nhìn sâu vào trong hình hài ấy thì thấy có “sâu mọt”, có dơ bẩn, có tội lỗi. Nếu Ngài nhìn cho kỹ chắc là Ngài cũng mắc cỡ. Cố nhiên, cái thấy của một chàng trai mới hai mươi mấy tuổi về tâm linh vẫn còn cạn cợt. Nhưng đây là điều mà thi sĩ thấy với tư cách một người trẻ và thi sĩ đã nói ra một cách rất thẳng thắn. Bài thơ có tên là Thân thể.
Hỡi Thượng Đế
Người nhìn xem,
Người đã cho thân thể,
Bình thịt xương để đựng chứa linh hồn.
Đó là quan niệm lưỡng nguyên mà người trẻ Việt Nam đã học được ở Tây phương, tức là thân thể và tâm hồn là hai cái khác nhau. Trong khi theo giáo lý tương tức của đạo Bụt thì thân chứa đựng tâm và tâm chứa đựng thân. Năm uẩn chứa đựng nhau.
Người đã cho những bàn tay hoa nở,
Những cây chân, chồi mạnh búp tơ măng;
Người thu góp gió mây trong miệng thở,
Nơi mắt ngời, Người gửi ánh sao trăng;
Bàn tay của con người rất đẹp. Những bắp chân cũng đẹp, giống như là những mụt măng. Nhìn vào mắt của con người thấy ánh sao trăng và thấy trong hơi thở của con người có gió, có mây… thi sĩ ca ngợi công trình tạo ra con người của Thượng Đế.
Mắt nâu sáng thắp đèn soi vũ trụ,
Và tai rền thu cất nhạc không gian,
Và tơ tóc ướp vạn mùa hương ủ,
Và ngực vang âm điệu nhịp hoàn toàn,
Và cổ đứng như mình cây vững chãi,
Và vai ngang như mặt nước xuôi dài
Hỡi Thượng Đế, Người công phu biết mấy!
Nhưng mọt sâu nương núp giữa lâu đài.
Con người chứa đựng sao, trăng, mây, gió… Rất đẹp! Thi sĩ ca tụng công trình mỹ thuật của Thượng Đế. Nhưng nhìn vào tác phẩm tuyệt diệu đó ta thấy có những tội lỗi; trong đó Ngài đã vô ý để những “mọt sâu nương núp”.
Mình bắt đầu thấy cái nhìn lưỡng nguyên (dualistic view) hiện ra.
Nghìn yếu đuối theo sau nghìn yếu đuối,
Bước ngày mai sẽ chồng dấu hôm nay.
A! Thân thể! Một cái bình tội lỗi!
Đất sơ sinh đã hóa lại bùn lầy.
Thấy rõ ràng con người có những yếu đuối, những đam mê, những cái mà nghĩ tới thì thấy xấu hổ, không những trong giấc mơ mà còn trong đời sống hàng ngày. Thân thể là một cái bình chứa đựng tội lỗi. Thân thể đẹp như vậy nhưng đã bị làm cho nhơ nhớp, đen tối.
Xương với máu có bao giờ mỏi mệt,
Miệng bao giờ buông nhả vú chua cay!
Thân không chán đau, ngực sầu thở chết,
Tay bồng thân, và tay nữa ôm mồ.
Xương và máu cứ chạy theo con đường xác thịt, của đam mê, của dục vọng, cho đến nỗi kiệt quệ, cho đến nỗi bệ rạc. Vậy mà vẫn không nguôi bám theo đối tượng của dục. Thấy rõ ràng mình có hai tay, một tay giữ lấy thân thể mình, một tay thì ôm lấy cái chết.
Xin thương lấy những mầm khô, trứng dập;
Những thân teo, xin Thượng Đế dung thương!
Thân quá nặng nên hồn sa xuống thấp,
Chớ giận chi những kẻ mất thiên đường!
Thi sĩ mới có hai mươi mấy tuổi mà đã có mặc cảm tội lỗi rất lớn. Những hạt mầm đang tươi đã trở nên khô héo; những trứng đang non đã bị dập vùi, và những thân thể teo lại. Tội nghiệp, tội nghiệp chúng con! Tại vì chúng con có thân thể đầy dẫy những tội lỗi, những xấu xa cho nên chúng con không thể vươn lên cao được như một đám mây. Chúng con sa xuống như một vũng bùn, không đáng được chấp nhận vào nước Chúa. Và xin đừng giận chúng con vì chúng con đã đánh mất thiên đường.
Nếu Chúa biết bao nhiêu lòng hốt hoảng,
Trong sầu đen đã gẫy cánh như dơi;
Nếu Chúa biết bao nhiêu dòng lệ đắng,
Chảy như sông, không rửa sạch sầu đời;
Nếu Chúa biết bao nhiêu hồn ly tán,
Vì đã nâng bình lửa ấp lên môi:
Thì hẳn Chúa cũng thẹn thùng hối hận,
Đã sinh ra thân thể của con người.
Bao nhiêu bi kịch đã xảy ra cho người trẻ, mà không có một phương pháp nào để nhận diện, ôm ấp và xử lý những đam mê, những tuyệt vọng đó. Cho nên những thiên thần đều gãy cánh như những con dơi đen. Đau khổ giống như một dòng sông nước mắt mà dòng sông đó không có khả năng rửa sạch những buồn tủi của cuộc đời. Tuy đây là quan niệm của Tây phương, nhưng người trẻ đã có can đảm nói ra những cảm nhận trong con người của mình. Cố nhiên bài thơ này được viết nhiều năm trước bài Tống biệt hành của Thâm Tâm. Trong bài Tống biệt hành, tác giả đã thấy được rằng mình phải đi làm cách mạng, trước đó nhiều người trẻ chỉ sống trong sự hưởng thụ dục lạc.
Chế Lan Viên là một thi sĩ cùng thời với Huy Cận. Trong các tác phẩm của ông, thầy có nhớ một bài thơ rất lạ. Hồi ấy thầy còn trẻ lắm. Khi đọc bài thơ đó, thầy thấy rõ rằng trong bài bắt đầu có những dấu chấm hỏi. Nó tương đương với câu hỏi của Huy Cận nhưng sâu hơn nhiều. Đó cũng là câu hỏi của những người trẻ không có một con đường tâm linh. Và thấy rằng trong con người mình có bao nhiêu là khuynh hướng kéo mình đi như những cơn lốc bão và mình không thấy được cái an tịnh của tâm hồn. Bài đó thầy thuộc lòng, thuộc lòng vì những câu hỏi đặt ra. Bài thơ có tên là Ta.
Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?
Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?
Ý của ai trào lên trong đáy óc
Để bay đi theo tiếng cười, điệu khóc?
Ở dưới đáy giếng tự nhiên mọc lên một ngôi sao, ngôi sao đó lạnh như linh hồn u tối của các loài yêu ma trong người của mình. Hồn đó có phải là hồn của mình không? Ý đó có phải là ý của mình không? Mà nó tới chiếm cứ cái đầu của mình, chiếm cứ cái thân mình và luôn luôn làm cho mình xấc bấc xang bang, không có được an lạc, hòa bình.
Biết làm sao giữ mãi được Ta đây
Thịt cứ chiều theo thú dục chua cay!
Máu cứ nhảy theo nhịp cuồng kẻ khác!
Mắt theo dõi Tinh hoa bao màu sắc!
Đau đớn thay cho đến cả linh hồn
Cứ bay tìm Chán Nản với U Buồn
Để đỉnh sọ chơ vơ tràn ý thịt!
Mà phải đâu đã đến ngày tiêu diệt!
Ai bảo giùm: Ta có có Ta không?
Có hai danh từ thịt và máu. Mình không làm chủ được hai cái đó. Xác thân và dòng máu đang chảy cứ muốn đưa đẩy mình đến những thế giới mà trong đó mình sẽ đau khổ. Cái đầu chỉ nghĩ đến dục, bị ám ảnh bởi sắc dục. Thịt tức là nhục dục mà tuổi trẻ nghĩ tới và bị hoàn cảnh chung quanh – những thứ mình thấy, mình nghe – kích động mà không có biện pháp nào để giữ gìn mình, để tìm được an lạc. Rất tội nghiệp! Trong lòng người trẻ có những ước mơ rất trong sáng, những ý định rất tốt đẹp. Trong khi đó, những yếu tố làm vẩn đục tâm hồn, thân xác như những sức mạnh trào lên đẩy mình đi, làm cho mình mất hết tất cả an bình nội tại mà mình không biết cách xử lý, nhận diện và làm chủ nó.
Một người thanh niên nếu không có một nếp sống tâm linh sẽ đau khổ vô cùng. Biết bao người thanh niên như vậy đang sống trong xã hội của chúng ta, luôn luôn bị kích động bởi màu sắc, bởi âm thanh, không làm chủ được bản thân mình.
Ai bảo giùm: Ta có có Ta không?
Hãy cho ta biết có một cái Ta, một cái Ngã, tồn tại hay không? Nếu có một cái Ta thì tại sao ta lại bất lực như vậy?
Mà phải đâu đã đến ngày tiêu diệt!
Mình mới có hai mươi mấy tuổi nhưng mình thấy rõ ràng cái chết, cái hư hỏng của tâm và của thân. Đúng là hai thi sĩ nói cùng một giọng. Bài này thầy đã được đọc từ khi mười mấy tuổi và tự nhiên thầy nhớ. Nó có những câu hỏi mang tính triết học, những câu hỏi về thân phận con người, nhất là của người trẻ.
Trong tâm trạng đó, nếu có một sư chị Giác Duyên xuất hiện thì có cơ duyên thấy được vấn đề. Tức là phải có một chiều hướng tâm linh đi vào đời sống thì mới cứu được người trẻ đang không có hướng đi đó. Một người trẻ sinh ra có cha, có mẹ, có cơm, có áo, có nhà ở, và có học đường mà còn khổ như vậy.
Cố nhiên khi đọc những bài thơ này, chúng ta thấy thương xót. Học Phật học, chúng ta biết rằng những cái thấy này là những cái thấy có tính cách lưỡng nguyên. Quan niệm thiện-ác, dơ-sạch căn cứ trên lề lối tư duy lưỡng nguyên đó. Trong đạo Bụt, chúng ta không thấy như vậy. Đạo Bụt có những cái thấy rất sâu sắc, có thể giúp chúng ta giải quyết những mâu thuẫn lớn lao này.
Chúng ta thường đọc Tâm Kinh mỗi ngày. Chùa nào cũng đọc Bát Nhã Tâm Kinh mỗi ngày. Trong đó có nói là không có gì thêm, không có gì bớt, không có gì dơ, không có gì sạch. Nhưng mấy người trong chúng ta đã hiểu thế nào là bất cấu, bất tịnh? Tuệ giác tuyệt vời đưa ta tới giải thoát đó cho chúng ta thấy rằng: quan niệm cấu-tịnh thuộc về cặp đối nghịch và chỉ khi nào tiếp xúc được với thực tại Niết bàn thì chúng ta mới vượt thoát được những ý niệm đối nghịch như sinh-diệt, tới-đi, một-khác, dơ-sạch,… Đạo Bụt có một lối thoát mà chúng ta phải nương vào đó để tìm ra con đường cho ta và cho những người xung quanh ta.
Chúng ta hãy tưởng tượng Phật tánh và thú tánh đang đánh nhau, đang xung đột. Trong đạo Bụt, trong những kinh như Duy Ma Cật hay Hoa Nghiêm, chúng ta thấy rất rõ là mình phải vượt thoát cái thấy lưỡng nguyên. Phật là đối với chúng sanh mà có. Không có chúng sanh thì không có Phật. Không có Phật thì cũng không có chúng sanh. Hai quan niệm “Phật” và “chúng sanh” nương nhau mà thành lập. Cũng như thực tại bùn và hoa sen, hai cái nương nhau mà thành lập. Đem Phật đối nghịch với chúng sanh như hai kẻ thù chứng tỏ chúng ta chưa hiểu được chiều sâu của đạo Bụt.
Bài kệ chúng ta xướng trước khi lạy bắt đầu bằng câu: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”, nghĩa là người lạy và người được lạy nương vào nhau mà có, cả hai đều không có tự tánh riêng biệt. Hòa thượng Thiện Siêu dịch: “Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng”. Chúng sanh là người lạy và Phật là người được lạy. Mình lấy Phật mà chống lại với chúng sanh và lấy chúng sanh chống lại với Phật là một hành động dại dột.
Chúng ta hãy nhớ tới hình ảnh hoa sen và bùn. Nếu không có chúng sanh thì không thể nào có Bụt. Nếu không có Bụt thì không thể nào có chúng sanh. Bụt và chúng sanh có thể sống hài hòa với nhau. Đó là tất cả nguyên tắc mà chúng ta phải biết áp dụng thì chúng ta mới tìm ra được an lạc, thảnh thơi. Phải làm sao để Phật tánh và thú tánh trong chúng ta chung sống hòa bình mà không biến mình thành bãi chiến trường như trong trường hợp của Huy Cận hay Chế Lan Viên. Đây là những người trẻ đã nói giùm cho những người trẻ khác vì họ có khả năng diễn tả bằng thi ca.
Trong mỗi chúng ta đều có thiên chức làm cha, làm mẹ, làm người yêu. Thiên chức đó vẫn còn trong từng tế bào cơ thể dù chúng ta đã đi tu rồi. Phải như vậy không? Tu có phải là để tiêu diệt hết thiên chức làm cha, làm mẹ, làm người yêu hay không? Đó là câu hỏi. Có phải tiêu diệt hết bùn thì mới có hoa sen? Điều đó có đúng hay không? Hay là tiêu diệt hết hoa sen mới có bùn? Hay là hoa sen và bùn phải đồng thời có mặt thì cả hai mới có mặt được? Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không. Chúng sanh và Phật phải nương nhau mà có. Cái ý niệm, cái quyết tâm thủ tiêu hoàn toàn một cái để chỉ còn lại một cái có đúng với giáo lý sâu thẳm của đạo Bụt không?
Cũng như cái dùi chuông này. Nếu mình để dùi chuông thẳng đứng thì mình có ý niệm về trên và về dưới. Hễ có trên thì phải có dưới. Nếu nói tôi chỉ muốn trên thôi, tôi phải thủ tiêu hoàn toàn cái dưới thì làm sao có thể được. Tại vì trên được làm bằng dưới và dưới được làm bằng trên. Nếu mình để dùi chuông theo chiều ngang thì không có trên dưới nữa, bây giờ nó có trái và phải. Mình nói rằng tôi chỉ muốn phải thôi, tôi không muốn trái và mình lấy cưa mình cắt, mình muốn thủ tiêu bên trái để chỉ giữ bên mặt. Thái độ đó là thái độ của những người vướng vào lưỡng nguyên. Ý niệm muốn tiêu diệt hết hoàn toàn chúng sanh tánh để Phật tánh hoàn toàn hiển lộ, không lệ thuộc gì đến chúng sanh tánh là một ý niệm cần phải được xét lại.
Trong khi đọc Tam tạng kinh điển, thỉnh thoảng thầy thấy được một vài điều ngộ nghĩnh là nhờ thầy đã đọc với tuệ giác đó. Thầy khám phá ra được những điều mà có lẽ ít người thấy được. Chắc quý vị biết trong kinh, thỉnh thoảng Ma vương Ba tuần tới thăm Bụt. Ma vương có quyền phép. Ma vương hay xuất hiện để cám dỗ Bụt, thuyết phục Bụt làm cái này cái kia. Ví dụ khi Bụt mới thành đạo, Ma vương xuất hiện nói: Ngài thành đạo sướng quá, thôi nhập Niết bàn cho rồi.
Bụt cười nói: Đâu được, ta mệt thấy trời mới thành đạo được, bây giờ mi bảo ta nhập Niết bàn thì hơi uổng. Ta phải ở thêm mấy chục năm để độ người chứ.
Ma vương nói: Chúng sanh khó chịu lắm. Ngài dạy tụi nó mất công!
Giác ngộ rồi thì ta nhập Niết bàn cho khỏe cho rồi, đó là một điều khá hấp dẫn, tại vì chúng sanh can cường, khó điều phục lắm. Mình đạt đạo, mình thấy được cái khỏe đó thì thôi, tại sao phải vướng vào chúng sanh rắc rối làm chi? Mà Ma vương ở đâu? Ma vương từ đâu tới nếu không phải là trong từng tế bào của cơ thể? Tuy là thành Bụt rồi nhưng hạt giống của Ma vẫn còn. Nếu hạt giống Ma không còn thì làm sao hạt giống Bụt còn được? Nếu không có bùn thì làm sao có sen. Vì vậy cho nên muốn có sen thì người khôn ngoan phải giữ bùn lại.
Ở đây cũng vậy, Ma và Bụt là hai mặt của thực tại, cũng như âm và dương. Nếu không có âm thì không thể nào có dương, và nếu không có dương thì cũng không thể nào có âm được. Khi mà âm thịnh thì dương suy và âm cực thịnh thì dương cực suy. Nhưng suy không có nghĩa là không có mặt. Trong lòng âm có hạt giống của dương và trong lòng dương có hạt giống của âm. Hình ảnh đó mang tính chất bất nhị của đạo Bụt. Nói cái kia hoàn toàn không có để cái này chỉ có mặt một mình là chuyện không thể nào có được. Trong sự gặp gỡ có mầm của sự ly biệt. Trong sanh có mầm của cái chết. Quý vị có thấy điều đó không? Trong cái vui có cái mầm của buồn. Trong cái thành có cái mầm của hoại. Và trong cái hoại có mầm của cái thành.
Nếu nhìn kỹ vào trong mùa đông, mình có thể thấy mùa xuân, với tư cách của những hạt giống. Mùa xuân, tự nhiên mình thấy bao nhiêu là bướm, bao nhiêu là hoa, bao nhiêu là loại côn trùng biểu hiện. Từ đâu mà nó phát hiện? Mùa đông thấy như là sự chết hoàn toàn, vắng lặng hoàn toàn, vậy mà trời mới ấm được năm hay sáu ngày, nó xuất hiện không biết từ đâu ra. Đó là những hạt giống của mùa xuân ẩn chứa trong mùa đông. Và cố nhiên trong mùa xuân cũng ẩn chứa những hạt giống của mùa đông, mùa thu, mùa hạ. Cái đó là giáo lý tương tức, tương nhập của đạo Bụt.
Sinh ra trong truyền thống đạo Bụt, mình phải có cơ duyên thấy được giáo lý thậm thâm vi diệu, nhiệm mầu đó. Mình phải thấy Phật tánh và chúng sanh tánh tương tức như vậy. Trong Phật tánh có chúng sanh tánh và trong chúng sanh tánh có Phật tánh. Rất hay! Vậy nên đường hướng của chúng ta không phải là đường hướng đối lập để tạo ra một bãi chiến trường trong cơ thể. Phải làm thế nào để hai cái đó sống chung một cách hài hòa, cái này phục vụ cái kia.
Bụt mỉm cười, nói rằng: anh giỡn à, ta tu tới bảy, tám năm mới thành đạo. Bây giờ anh bảo ta nhập Niết bàn cho khỏe thì đâu có được. Ta phải cứu độ năm người bạn, rồi phải đi cứu độ gia đình, ta có chuyện phải làm, thôi anh đi chơi đi.
Và Ma vương tiu nghỉu biến mất. Như vậy có nghĩa là nhận diện. Bụt nhận diện sự có mặt của Ma. Bụt không cần đánh Ma. Bụt chỉ cần nói: Anh đó hả, ta biết anh quá mà. Và vì vậy Ma không làm gì được hết. Bụt với Ma sống với nhau rất hài hòa. Ma cũng muốn hoạt động lắm nhưng khi Bụt nhận diện Ma thì Ma phải chịu thôi. Ma hiện ra rất nhiều lần trong 45 năm hành đạo của Bụt. Mình phải biết Ma đó từ đâu sinh ra. Tại Bụt ôm Ma trong lòng, cũng như dương ôm lấy âm, cũng như hoa sen ôm bùn. Hoa sen ôm bùn trong lòng không có nghĩa hoa sen không phải là hoa sen. Hoa sen đích thực là hoa sen, nhưng hoa sen có bùn ở trong lòng. Nếu không có bùn ở trong lòng thì hoa sen không thể nào là hoa sen được. Nhìn vào hoa sen thì thấy rõ bùn ở trong đó. Và hoa sen biết sử dụng bùn để chế tác ra hương và sắc của hoa sen. Có phải như vậy không? Chúng ta cũng vậy. Phải biết sử dụng khoáng tính, thảo mộc tính, thú tính để chế tác Phật tính. Chúng ta không cần phải đánh lộn.
Sau khi Bụt thành đạo, Bụt không về thăm gia đình liền. Bụt có nhiều đệ tử, nhiều người bạn mới, thành ra Bụt phải thiết lập những tu viện, phải đào tạo các đệ tử xuất gia và tại gia. Mấy năm sau Bụt mới trở về thành Ca-tỳ-la-vệ. Về Ca-tỳ-la-vệ, Bụt thấy được một số bê bối trong vương triều và Ngài cũng hơi ngứa mắt. “Tụi nó làm dở quá, Phụ vương đã già rồi, bọn nó làm không ra gì cả và tham nhũng cũng khá nhiều. Tham nhũng còn hơn trước khi mình đi tu nữa.” Bụt hơi ngứa mắt nhưng giảng dạy xong, độ được gia đình rồi, Bụt vượt biên giới đi qua Kosala.
Trong khi Bụt ngồi thiền ở một cụm rừng thì Ma vương xuất hiện. Ma vương nói: “Chỉ có Ngài mới giải quyết được vấn đề của Ca-tỳ-la-vệ. Tại sao Ngài không làm một nhà chính trị đi? Với tuệ giác vĩ đại của Ngài mà trở thành một nhà chính trị thì Ngài có thể giải quyết vấn đề Ca-tỳ-la-vệ một cách dễ dàng“. Ma luôn là như vậy. Nhưng khi Bụt nói: “Thôi đi anh, tôi biết anh quá mà!” Tự nhiên Ma không làm gì được. Vậy nên sự thực tập của Bụt là sự thực tập nhận diện Ma. Khi nhận diện được Ma rồi thì Ma chẳng làm gì mình được.
Cái thú tánh của mình cũng vậy. Mình chỉ cần nhận diện nó thôi. Nhất là khi mình sống với tăng thân, mình sử dụng được chánh niệm của tăng thân, biết sử dụng con mắt của tăng, cái tai của tăng và tuệ giác của tăng thì mình dư sức để mỉm cười với thú tính ở trong con người của mình.
Thú tánh không có nghĩa là một cái gì xấu xa. Thiên chức làm vợ, làm chồng, làm mẹ, làm cha, hay làm người yêu không có gì xấu xa và dơ bẩn cả. Nó là chuyện tự nhiên. Nhưng tại vì mình đã phát nguyện đi tu, đã phát nguyện sống cuộc đời độc thân để hoàn thành sự nghiệp giác ngộ thì những cái đó trở thành chướng ngại nếu mình không biết cách nhận diện. Vì vậy tâm bồ đề của mình phải lớn, chí nguyện phải cao xa và ước muốn của mình phải vững chãi, thì nụ cười của mình mới có đủ sức mạnh để thiết lập sự cân bằng trong cơ thể và tâm hồn. Không cần làm gì nhiều, không cần đánh lộn, chỉ cần mỉm cười thôi, như Bụt đã làm mỗi khi cái khoáng tánh, thảo mộc tánh, thú tánh trỗi dậy. “Thôi đi anh, ta có chuyện để làm mà! Ta đâu có làm chuyện đó được, làm chuyện đó hư bột, hư đường hết! Đó là phương pháp của ta.”
Phương pháp hộ trì sáu căn hay nhất là nhìn cho kỹ chí hướng xuất gia, bồ đề tâm của mình. Mình biết rằng mình đã làm một cam kết lớn – đi trên con đường xuất gia, tham gia vào sự nghiệp vĩ đại của Bụt và Bồ tát – thì dầu trong đời sống hằng ngày thỉnh thoảng có vài giây phút chạnh lòng như vậy cũng không sao. Nếu mình có khả năng mỉm cười và nhận diện.
Chìa khóa trong sự thực tập của chúng ta là nhận diện. Phương pháp mầu nhiệm của đạo Bụt là phương pháp nhận diện, chứ không phải là tranh đấu, loại trừ và tiêu diệt. Phương pháp đó là phương pháp mà đức Thế Tôn đã sử dụng. Mỗi khi Ma vương hay những cám dỗ xuất hiện thì Bụt biết phương pháp, Ngài chỉ chế tác năng lượng chánh niệm và với tuệ giác đó, Ngài mỉm cười. Ngài nói: “Ta biết anh quá mà!” Chỉ có như vậy thôi, chỉ cần nhận diện thôi, không có đấm đá.
Đức Thế Tôn không bao giờ đấm đá với Ma vương hết. Chúng ta cũng phải học phương pháp đó, phải nuôi dưỡng chánh niệm, nuôi dưỡng định và tuệ. Với những năng lượng đó, chúng ta có thể nhận diện. Nếu trong đời sống hàng ngày có những tâm hành phát hiện, lôi mình đi về chốn cũ – thế giới ngày xưa – thì mình chỉ cần nhận diện. Mình nói: “Ta biết rồi, nhưng ta đang muốn làm cái này mà. Nếu mà ta đi theo anh thì hư bột, hư đường của ta hết.” Chỉ cần như vậy thôi là đủ, và nhất là khi mình được bao bọc bởi tăng thân, được tăng thân nâng đỡ, yểm trợ.
Biết dùng con mắt, lỗ tai của tăng thì mình làm chuyện này rất dễ. Một mình thì khó hơn nhiều. Vì vậy đánh mất tăng thân là một tai nạn rất lớn của người xuất gia. Mà có những người trong chúng ta đã vô tình đánh mất tăng thân, tại vì trong quá trình tu học, chúng ta không thực tập nhận diện và để cho những thú tánh, những tâm hành kia chiếm thượng phong. Mình cho nó có mặt, mình chấp nhận nó, sống chung hòa bình với nó, nhưng đừng bao giờ để cho nó chiếm thượng phong. Trong chúng ta có sự đam mê. Tình yêu theo nghĩa của thế gian là một sự đam mê. Mà sức mạnh của đam mê lớn lắm, nó che mờ mắt, nó làm cho mình không thấy được những cái mà thường ngày mình thấy và công nhận.
Một người rất có hiếu với cha và mẹ, có sự tôn kính và niềm tin đối với thầy, với tăng thân, nhưng một khi đã để cho đam mê chiếm thượng phong rồi thì không thấy được tất cả những cái đó. Tuy rằng những cái đó vẫn còn ở trong mỗi tế bào của cơ thể. Cái hiếu đối với cha mẹ, sự tôn kính đối với thầy, bồ đề tâm, tất cả những cái đó chưa mất, còn y nguyên, nhưng nếu đam mê chiếm thượng phong thì con mắt mình mờ đi và mình hành xử như một người con không có hiếu đối với cha mẹ, như một người đệ tử không tôn kính thầy, như là một người sư em, sư anh hay sư chị không có tình nghĩa với tăng thân. Chuyện đó đã xảy ra trong đời sống của tăng thân mình, rất tội nghiệp. Đó là một tai nạn rất lớn.
Khi đam mê phát hiện và chiếm thế thượng phong thì mình đánh mất tăng thân, đánh mất chí nguyện, đánh mất lý tưởng dễ như chơi. Vì vậy mình phải nghĩ rằng mình không muốn tai nạn đó xảy ra cho đời tu của mình. Và trong đời sống hàng ngày mình phải chuẩn bị để đừng bao giờ tai nạn đó có thể xảy ra, để sự đam mê không thể chiếm thượng phong trong đời sống tu học của mình. Hằng ngày mình phải thực tập chánh niệm, phải nương tựa tăng thân, phải biết sử dụng mắt tăng và tuệ giác của tăng thân thì mình mới có thể làm được công việc mà đức Thế Tôn đã làm. Đó là nhận diện, chỉ cần nhận diện.
Chúng ta không nên khinh suất, không nên chỉ nói mình may mắn quá, mình đã có thầy, có tăng thân, có con đường đẹp, trong khi đời sống hàng ngày thì như “lục bình trôi riu ríu”. Mình phải hạ thủ công phu. Tại vì một ngày mai, nếu mình không cảnh giác, để cho đam mê đó phát hiện và chiếm thượng phong rồi thì chỉ trong một giây phút là mình đánh mất thầy, mất tăng thân, mất bồ đề tâm. Mình sẽ lạc loài, sẽ thất thểu trong cuộc đời, ôm chặt niềm cô đơn năm này sang năm khác. Và cơn mê không biết sẽ kéo dài trong bao nhiêu năm. Điều này có thể xảy ra cho bất cứ ai trong tăng thân, nếu chúng ta không thực tập đàng hoàng, nếu chúng ta coi thường chất đam mê trong từng tế bào cơ thể.
Chúng ta phải nhìn thấy rằng giới luật và uy nghi là những biện pháp phòng vệ, bảo hộ mà không phải là những điều giới hạn tự do của chúng ta. Không ai ép buộc chúng ta thực tập giới luật hay uy nghi. Chính chúng ta quỳ xuống tiếp nhận vì biết rằng giới luật và uy nghi có khả năng bảo hộ cho chúng ta. Chúng ta có ý chí muốn hộ trì sáu căn đã đành rồi, nhưng nếu không chấp hành nghiêm chỉnh giới luật và uy nghi thì có thể chúng ta không hộ trì sáu căn của mình được. Vì vậy, thực tập hộ trì sáu căn cũng có nghĩa là thực tập giới luật và uy nghi. Hộ trì sáu căn cũng có nghĩa là nương vào tăng thân: học thấy, học nhìn với con mắt của tăng thân; học nghe bằng lỗ tai của tăng thân. Lỗ tai của tăng thân thính hơn lỗ tai của mình, con mắt của tăng thân sáng hơn con mắt của mình. Có tăng thân thì mình mạnh lên gấp trăm lần, gấp ngàn lần.Vì vậy lời tuyên bố “Con về nương tựa tăng” rất quan trọng. “Con về nương tựa tăng” không phải là một câu hát, một câu tụng mà là một sự thực tập hàng ngày.
Mình biết rằng trong tăng thân có thể còn có những yếu kém. Và tuy tăng thân của chúng ta còn là một phàm tăng nhưng chất thánh đã có ở đó. Mỗi ngày chúng ta đều thực tập để chế tác chất thánh. Thánh phàm lẫn lộn không phải chỉ trong tăng thân mà thôi, mà còn trong từng thành phần của tăng thân. Sự thực tập của chúng ta là để cho chất thánh càng ngày càng sáng, để có thể ôm ấp được chất phàm. Chúng ta không có ý muốn tiêu diệt, hoại diệt chất phàm. Chúng ta chỉ muốn chất thánh đủ vững, đủ mạnh và có thể sử dụng chất phàm để nuôi chất thánh lớn lên. Chúng ta có tuệ giác tương tức, cũng như bông sen cần bùn. Cái mà ta nghĩ cần tiêu diệt chính là cái mà ta cần, đó là chất phàm trong chúng ta. Chính nhờ chất phàm mà ta nhận diện được chất thánh. Và nếu bông sen có khả năng sử dụng bùn để lớn lên thì chúng ta cũng có khả năng sử dụng những chất phàm để lớn lên. Đây là điều thậm thâm vi diệu trong đạo Bụt.