Đời mình là những trang sách mở ra

Đạo đức học ứng dụng

Mỗi ngày chúng tôi đến trường học bằng xe buýt. Lòng hân hoan như lúc còn đi học. Ở đây chúng tôi tổ chức những giờ thực hành cho 1000 học sinh từ 6 đến 18 tuổi. Mỗi sáng chúng tôi tiếp xúc với 360 em bằng cách chia sẻ pháp thoại, ăn sáng chung với nhau trong yên lặng. Với lứa tuổi này mà ngồi chung với nhau trong một nhóm đông như thế thì không dễ chút nào để giữ cho các em yên lặng. Sau đó chia ra thành ba nhóm, mỗi nhóm 90 em do một thầy, một sư cô và một cư sĩ hướng dẫn. Chúng tôi dạy cho các em ngồi thiền, đi thiền hành, ăn cơm im lặng, thiền buông thư, tập hát, chơi trò chơi, vấn đáp, thiền sỏi… Mỗi lần chúng tôi tiếp xúc với các em hai tiếng đồng hồ. Sau hai tiếng thì đổi một nhóm khác, như vậy các em có cơ hội tiếp xúc với tất cả các thầy, các sư cô và các bạn thiền sinh đi theo đoàn. Tuy có một chút xíu kinh nghiệm đứng lớp trước khi đi tu, nhưng với một số lượng học sinh đông đảo như thế có khi tôi cũng thấy lúng túng. Tuy nhiên nhờ tăng thân nên mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Chơi với các em vui nhưng nhiều khi cũng căng lắm. Có khi cũng không biết phải nên chia sẻ những gì cho các em. Sư chị Đẳng Nghiêm, một người có nhiều kinh nghiệm trong việc cho pháp thoại, mà chị cũng thỏ thẻ: “Lần đầu tiên trong đời chị thấy run và sợ khi cho pháp thoại.” Không sợ sao được, một nhóm ba trăm mấy em ở độ tuổi 13,14 ngồi không yên, nhúc nha nhúc nhích, thích phản ứng, thích làm điều ngược lại… thì thật là không biết phải nói gì. Hơn nữa, đây là thời khóa của trường nên tất cả mọi người đều phải tham dự dù muốn hay không. Có những em nhìn thấy như không muốn nghe, ấy vậy mà tất cả đều lọt vào tai. Các em rất thông mình, hỏi gì cũng biết. Đủ mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực y học. Trường này là một trong những trường nổi tiếng của Ấn nên quy tụ toàn những giáo viên và học sinh giỏi.

Đây cũng là một kinh nghiệm mới đối với các anh chị em chúng tôi, lần đầu tiên hướng dẫn cho một số đông người trẻ như thế. Chúng tôi hướng dẫn trong vòng bốn ngày. Trước đó, cũng tại trường này, chúng tôi tổ chức hai ngày quán niệm cho khoảng 200 thầy cô giáo đến từ nhiều trường khác nhau. Các thầy cô cũng ngồi thiền, đi thiền, nghe pháp thoại, ăn cơm chánh niệm, thiền buông thư, pháp đàm… Sau đó chúng tôi tổ chức một ngày quán niệm như thế cho phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh rất háo hức muốn được nghe quý thầy quý sư cô chia sẻ, vì họ đã nghe con em mình về kể lại. Có em học sinh mới mười tuổi, sau bốn ngày thực tập, thấy ba nổi giận, em bảo ba hãy vững chãi như núi và tươi mát như hoa. Ba em không hiểu gì thì em lại bảo ba đi dự ngày quán niệm đi rồi biết. Có hai chị em kia cùng học chung trường, khi về nhà, lúc đứa em bị lên cơn suyễn, người chị bảo đứa em thở, rồi đứa em theo dõi hơi thở, cơn suyễn từ từ hạ xuống mà không cần phải dùng thuốc. Những trường hợp như vậy gây ấn tượng rất mạnh trong lòng phụ huynh. Vì thế mà họ rất háo hức để đến nghe quý thầy, quý sư cô chia sẻ, họ cũng muốn biết con em mình đã được học những gì. Có em lại khuyên ba nên đến tham dự. Tác động một lần đến ba đối tượng: thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh đã tạo nên một năng lượng rất mạnh, yểm trở nhau rất nhiều. Họ rất cảm động. Cô Hiệu trưởng trường này chịu chơi lắm. Tuy bận rộn, nhưng cũng tham dự ngày quán niệm chung với mọi người. Cô rất nâng đỡ mọi người, tặng cho tất cả các thầy cô giáo đến tham dự khóa tu mỗi người một quyển sách Planting seeds (Quyển sách này nói về những pháp môn thực tập căn bản và cách hướng dẫn các em thực tập như một loại sách giáo khoa).

Hình: Các em học sinh trường Step by Step đang nở hoa

Sau mỗi ngày từ trường về, chúng tôi ngồi lại với nhau, chia sẻ hạnh phúc của mình, những gì đã xảy ra trong ngày để học hỏi và rút kinh nghiệm, cùng nhau nhìn xem những gì có thể tiếp tục duy trì, những gì có thể làm hay hơn cho ngày mai. May mắn trong chuyến đi là các anh em chơi được với nhau, sống với nhau rất hài hòa, quý trọng nhau nên mọi chuyện xảy ra một cách nhẹ nhàng. Các em học sinh rất dễ thương, thực tập rất hết lòng làm mọi người ai cũng ngạc nhiên, lấy làm hạnh phúc và có thêm năng lượng.

Họ thật may mắn biết đầu tư cho tuổi trẻ, cho tương lai. Họ chấp nhận đem đạo Bụt vào trường học một cách cởi mở, tôi cũng thấy hạnh phúc lây. Tuy nhiên sâu thẳm trong niềm hạnh phúc ấy là một nỗi ngậm ngùi, xót xa. Xót xa cho quê hương, đất nước mình. Không biết bao giờ nước mình mới được như thế? Tôi cầu mong cho đất nước có thể cởi mở hơn, có nhiều phước đức hơn để tuổi trẻ học được nhiều điều quý báu. Con người thực ra do không hiểu về đạo Bụt nên mới sợ đạo Bụt. Thực chất thì đạo Bụt chỉ giúp con người bớt khổ và đem niềm, vui hạnh phúc đến cho mọi người bằng những phương pháp cụ thể và rất khoa học. Tuy nhiên đạo Bụt vượt lên trên khoa học vì đạo Bụt chú trọng về mặt thực hành để tự mình chứng nghiệm mà không phải chỉ là lý thuyết. Đạo Bụt giúp con người sống đạo đức hơn, nhân bản hơn, lành mạnh hơn và hạnh phúc hơn.

Bảy ngày liên tiếp tiếp xúc với các em học sinh và thầy cô giáo, ai cũng thấy hạnh phúc. Đó chỉ mới là giai đoạn đầu của chuyến đi. Chúng tôi còn tổ chức một chương trình sinh hoạt như vậy nữa cho một trường học khác. Trường này cũng là một trong mười trường nổi tiếng nhất Ấn Độ, họ quy tụ toàn là những thầy giáo cô giáo giỏi, có nhiều khả năng. Họ lấy hai trường này làm thí điểm. Nếu thành công họ sẽ tiếp tục tổ chức cho những trường khác.

Ở trường này cũng vui lắm. Chung quy, nội dung thì giống nhau, nhưng hình thức thì hơi khác. Mỗi trường mình làm một thời khóa khác nhau, tùy vào sức khỏe của mình. Ở trường này sức khỏe của mọi người có phần giảm xuống nên bắt đầu các buổi sinh hoạt bằng thời khóa buông thư. Như vậy mình cũng có cơ hội được nghỉ ngơi. Các em rất dễ thương, quen rồi, nên cứ vào lớp là nằm xuống, dù có khi thời khóa bắt đầu bằng pháp thoại. Các em thích thiền buông thư lắm. Mới đầu các em cứ nhúc nhích, không em nào chịu nằm yên, nhưng sau một hồi buông thư thì ngủ luôn, thức không chịu dậy. Nhìn các em tôi thấy tình thương trong mình lớn lên. Mình mới tiếp xúc với các em có mấy ngày mà thấy thương như vậy, huống gì mẹ mình thương mình thì tình thương lớn cỡ nào? Nghĩ mà cảm động.
Xong những ngày quán niệm ở trường học này là khóa tu giáo dục cho thầy cô giáo và sinh viên đại học, đa số là sinh viên sư phạm và tâm lý học. Ngoài ra còn có chương trình Wake up cho hai trường đại học khác nữa. Các em cư sĩ cũng giúp đỡ mình rất nhiều trong chương trình này. Các em đã tạo thêm sinh khí năng động cho giới sinh viên.

Khóa tu giáo dục diễn ra rất nhẹ nhàng. Sau những ngày tiếp xúc với các em học sinh nhỏ, khóa tu giáo dục cho người lớn bỗng trở nên đơn giản, nhẹ nhàng, yên ắng hẳn ra. Ai cũng thấy khỏe ru như không có khóa tu vậy, mình chỉ thực tập với họ thôi, không cần phải hướng dẫn nhiều. Ngồi ăn cơm với hai trăm mấy người mà thấy yên lặng và khỏe nhẹ như ngồi với một mình mình. Thật bình an. Có những ngày khó mới thấy được giá trị của những ngày nhàn. Người lớn thật khỏe, không hiếu động như các em nên không mất năng lượng khi hướng dẫn. Những ngày chơi với các em học sinh vui thiệt đó, song cũng làm mình hao tổn ít nhiều năng lượng vì các em quá năng động.

Thầy thuốc

Chuyến đi này tôi thấy mình được nuôi dưỡng và học hỏi nhiều. Mục đích của tôi là để học hỏi chứ không phải để hướng dẫn. Thầy Pháp Dung, sư chị Đẳng Nghiêm và các sư em Pháp Siêu, Mai Nghiêm, Đàn Nghiêm, Bảo Tích ai cũng có nhiều kinh nghiệm chơi với người trẻ, mọi người thay nhau hướng dẫn những pháp môn thực tập khác nhau như ngồi thiền, thiền hành, thiền ăn, thiền buông thư… Mỗi người có một cách hướng dẫn khác, và mỗi lần hướng dẫn lại mỗi lần khác nữa nên chính mình cũng háo hức muốn được nghe huống gì là thiền sinh. Tôi thấy hiểu và trân quý các anh chị em của mình hơn.

Các anh chị em giỏi nên tôi có nhiều không gian và thời gian để tận hưởng. Tôi thường đi bộ sau mỗi cuối ngày sinh hoạt. Nhận ra những loại rau dại có thể ăn được, tôi hái về luộc hay nấu canh. Sáng và trưa, chúng tôi ăn tại trường, buổi tối tự túc. Thực ra không phải là không ai nấu cho mình, thức ăn Ấn tuy ngon nhưng có cảm giác ăn hai bữa trong ngày là đủ, buổi tối chúng tôi thích ăn nhẹ.

Trong chuyến đi ai cũng mang theo thật nhiều thức ăn, cho đến cuối chuyến đi thức ăn mang theo vẫn còn, sư chị Đẳng Nghiêm mang theo những hai thùng mì gói Kim Chi từ Mỹ, Sư em Pháp Siêu mang theo xì dầu maggi, sư em Đàn Nghiêm và thầy Pháp Dung mang theo thức ăn từ Pháp, tôi mang theo muối xả do các sư em làm. Ở Ấn thức ăn ít chese, bơ, không như ở Bhutan nhưng lại nhiều đậu, nên chúng tôi nhớ rau tươi. Khi nào có rau thì mọi người hạnh phúc. Chúng tôi chuẩn bị buổi ăn tối và ăn chung với nhau rất vui, mà dụng cụ nấu bếp chỉ là một ấm nấu nước sôi ½ lít. Thau rửa rau là những cái túi ni lông. Trong trường hợp nào chúng tôi cũng xoay xở được. Chương trình của chuyến đi cũng khá dày, nhưng nhờ anh chị em sống vui với nhau và hòa hợp, nên mọi thứ trở nên nhẹ nhàng. Anh Shantum phát hiện ra tôi biết các loại rau dại thì vô cùng ngưỡng mộ, những loại rau mọc trên đất nước ông, ông không biết mà tôi lại rất rành. Thực ra thì chỉ là những thứ rau sam, rau dền thôi. Những ngày sau đó, đến đâu, ngay cả những nơi công cộng, ông cũng giới thiệu tôi là một chef cook (đầu bếp trưởng) và một herbalist (thầy thuốc, người hay nghiên cứu về dược thảo). Tôi thì mắc cỡ cho những lời giới thiệu này, còn anh Shantum thì lấy làm đắc ý. Ông thích như thế hơn là giới thiệu tôi trước đây là cô giáo. Mọi người có vẻ ngưỡng mộ. Sau đó có mấy người tới hỏi tôi và xin chỉ cho họ những loại rau ấy. Thấy mắc cười trong bụng tôi nhưng cũng dẫn họ ra bờ rào chỉ. Thậm chí có người lại đến hỏi tôi: “Sư cô ơi, tôi bị nổi mấy cái hạt đỏ đầy người, ngứa và rát lắm, đã mấy ngày rồi. Cô có cách gì giúp tôi không? Có loại lá nào để xức không?” Cứ như thể tôi là một thầy thuốc thứ thiệt vậy. Tôi ôm bụng cười thầm. Về kể lại cho mấy anh chị em, ai cũng “cười lăn”.

 

Mình là môi trường, môi trường là mình

Ấn Độ, môi trường ô nhiễm nhiều quá. Đi ra đường một chút là hai lỗ mũi đen thui. Ở đây người ta bị suyễn nhiều, chắc phần lớn là do khí hậu. Ấn Độ là một đất nước đang phát triển, chênh lệch giữa người giàu và nghèo cũng lớn. Hình như ở đây họ không ý thức nhiều về môi trường. Chúng tôi đến đây hơn cả tháng mà chỉ có một ngày là thấy được trời xanh, mà cũng không xanh lắm, xanh lơ thôi. Còn lại là một màn dày xám xịt. Nhìn không khí nơi đây tôi có một ước mơ phác họa đồng phục cho các em học sinh. Ở đây mỗi trường đều có một kiểu và sắc màu đồng phục riêng chứ không phải tất cả đều quần xanh áo trắng như ở Việt Nam. Đồng phục mà tôi mơ ước là áo màu xanh da trời, quần (hay váy) màu xanh lá cây đậm, giày màu nâu đất. Tất cả trời đất phối hợp với nhau thật hài hòa. Sở dĩ tôi có ý tưởng này là vì tôi thấy, nếu không có yếu tố hòa hợp thì sẽ không làm gì được. Đồng thời cho các em thấy được mình là thiên nhiên, thiên nhiên là mình và yêu thiên nhiên ngay từ nhỏ, để các em ý thức hơn về môi trường, tạo ra một ý thức và năng lượng cộng đồng tốt, tạo cho môi trường trong lành, khí hậu ôn hòa và đất mẹ được xanh tươi.

Đời mình là những trang sách mở ra

Cuối chuyến đi, chúng tôi có cơ hội viếng thăm viện bảo tàng Gandhi. Thật cảm động! Lúc nhỏ ba tôi thường kể về Thánh Gandhi cho tôi nghe, nhất là mỗi lần tôi có những vụng về, yếu kém, không chịu nghe lời. Tôi thương Thánh Gandhi từ đó. Một người có nhiều tình thương và bản lãnh. Đặt những bước chân trên con đường Ngài đã bước những bước cuối cùng từ phòng ra nhà cầu nguyện và nơi Ngài bị ám sát mà lòng rung động, nước mắt tôi như cứ muốn rơi xuống. Tôi ý thức rất rõ là mình đang thăm viện bảo tàng cho ba. Tôi thấy ba cũng có nhiều nét giống Ngài. Tôi chụp rất nhiều hình để gởi về cho ba xem. Điều đặc biệt ở viện bảo tàng này là người ta không cấm chụp hình như hầu hết những viện bảo tàng khác, thật đáng ngạc nhiên. Đúng như Ngài đã nói: “My life has been an open book. I have no secrets and I encourage no secrets” (Cuộc đời tôi là những trang sách mở ra. Tôi không có gì bí mật và tôi khuyến khích mọi người đừng giữ bí mật). Tôi thấy cảm động trước tấm lòng rộng lượng từ bi của Ngài. Sau khi vào trong thăm những cổ vật và những di ảnh lịch sử của Ngài, chúng tôi ra ngoài, cũng trong khuôn viên bảo tàng viện, ngồi yên trên bãi cỏ xanh, để cho năng lượng từ bi bất bạo động và ý chí kiên cường của Ngài thấm đẫm vào mình. Và tôi cũng muốn gởi nguồn năng lượng thánh thiện này đi khắp muôn phương, đến với tất cả mọi người, đặc biệt là những người trong ban tổ chức, đã hết lòng đứng đằng sau để sắp xếp, yểm trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoàn thành sứ mạng của mình một cách tốt đẹp.

Còn bao nhiêu điều lý thú nữa muốn mở ra cho tất cả, nhưng bài viết đã khá dài nên xin tạm đóng lại, hẹn sẽ mở ra lại vào dịp tới.