Đi thăm Bụt

Về lại Ấn

Rời Bhutan trong niềm quyến luyến, chúng tôi lên xe buýt trở lại Ấn Độ. Trên đường, mọi người tiếp tục ngắm núi ngắm mây, tận hưởng những giây phút cuối cùng ở Bhutan. Về đến biên giới Ấn Độ, không khí môi trường hoàn toàn khác hẳn. Ồn ào, nóng bức, bụi bặm, tuy hai nước nằm sát nhau. Chúng tôi về lại nhà nghỉ ở Padgodha để hôm sau bay đến New Delhi tháp tùng phái đoàn Phật giáo quốc tế, tham quan những khu Phật tích, mặc dù đây không phải là mục đích chính của chúng tôi trong chuyến đi này. Đoạn đường từ biên giới đến Padgodha có rất nhiều ổ… không phải là ổ gà mà là “ổ voi”. Xe cứ đưa mình sang trái rồi đưa sang phải, có khi nhấc bổng người mình lên rồi bất thình lình thả xuống. Chúng tôi không muốn mình là nạn nhân của những “ổ voi” này nên cứ việc thả lỏng cơ thể để cho chiếc xe đưa mình đi đâu thì đi, không kháng cự, cứ để xe tự massage cho mình. Chúng tôi cứ phá lên cười mỗi khi xe nhấc bổng mình lên khỏi ghế. Nhờ vậy mà chúng tôi không thấy mệt trên một đoạn đường dài mấy tiếng đồng hồ. Tôi thấy hay và lạ. Nếu là trước đây khi chưa đi tu, tôi sẽ mệt nhừ tử khi đi trên những đoạn đường như thế và sẽ đặt không biết bao nhiêu câu hỏi cho không biết bao nhiêu lần rằng, tại sao người ta không sửa đường? Tại sao người ta để tình trạng như thế?

 

Đi thăm Bụt

Chúng tôi nghỉ ở đây (Padgodha) một đêm, hôm sau bay đến New Delhi, thủ đô của Ấn Độ. Chúng tôi được đưa đến khách sạn Asoka, khách sạn sang trọng nhất nước Ấn. Mỗi người một phòng mà phòng nào cũng rộng lớn có thể chứa được hết tất cả các anh chị em tôi. Khi mới bước vào tôi cảm thấy hơi lúng túng, không biết phải làm gì. Ai cũng thấy xót xa. Phí quá, mọi người đều nói như vậy. Nhưng điều này nằm ngoài tầm tay của mình. Mình đâu phải ban tổ chức. Thôi thì họ sắp đặt sao mình theo vậy. Trong cuộc hội nghị Phật giáo này gồm nhiều nước, có cả Việt Nam, nhưng hình như phần lớn là để kêu gọi du lịch. Trong số đó có một đức cha mà chúng tôi tình cờ gặp ở bàn ăn. Cha rất thân thiện và cởi mở nên bắt chuyện làm quen ngay với chúng tôi và theo chúng tôi trong suốt chuyến đi mặc dù cha đã trên 50 tuổi, còn chúng tôi thì đa số là những người trẻ. Tôi không đặt cho mình một mục đích, mong ước nào cả cho chuyến đi này. Chỉ có mặt hết lòng và trân quý những gì đang diễn ra. Phương tiện đi lại trong những ngày này là máy bay. Đến đâu chúng tôi cũng được đón tiếp long trọng. Xuống máy bay là chúng tôi được tiếp đón bằng nhạc, kèn, trống theo văn hóa Ấn. Hai hàng người hai bên tiếp đón, rải hoa, đeo tràng hoa cho từng người. Người ta chấm trên trán mỗi người một vết son đỏ, đây là phong tục tiếp đón của họ. Đi nhiều nơi mà đến đâu người ta cũng đón tiếp như thế, rất trang trọng, làm cho mình cứ có cảm tưởng như đây là lần đầu tiên đặt chân lên nước Ấn. Đặt những bước chân nơi đây, tôi ý thức là mình phải bước cho thật bình an, thở cho thật nhẹ nhàng. Mình phải bước cho Bụt, phải thở cho Bụt vì mình là sự tiếp nối của Bụt. Tôi bước và thở cho Bụt mà cũng là bước và thở cho tôi và cho các thế hệ tương lai. Có thể ngày xưa Bụt chưa đi qua những nơi này vì hồi xưa chưa có máy bay, chưa có phi trường, hay nếu Bụt đã đi qua thì lúc đó nơi này mới chỉ là làng mạc hay những cánh đồng không. Khắp nơi, hai bên đường, người ta giăng đầy biểu ngữ “Welcome to the International Bhudhist Conclave” (Chào mừng phái đoàn đến với hội nghị Phật Giáo quốc tế).

Ngồi trên máy bay ngắm nhìn khung cảnh ngoạn mục bên dưới, những mẫu ruộng xanh tươi, những ngôi nhà được thu nhỏ, những con sông, dòng suối, những đám mây bồng bềnh đủ hình dáng… làm tôi nhớ lại lần đầu tiên ngồi trên máy bay từ Việt Nam sang Pháp, nhìn ra khung cảnh bên dưới tự nhiên tôi có một ước mơ là ai cũng có ít nhất một lần trong đời được đi máy bay. Bây giờ ngồi đây tôi cũng có cùng ước mơ ấy.

Hành lý tôi mang theo có cả một tượng Bụt nhỏ và ba thiên thần. Đến đâu tôi cũng bày những thứ ấy ra, xem đây là nhà của mình dù có nơi chỉ ở được một hay hai ngày. Buổi sáng thức dậy, uống trà với Bụt và thiên thần. Những giây phút bình yên đầu ngày như thế là thức ăn nuôi dưỡng tôi.

Có ngày, bước vào phòng, kéo màn ra là một mặt trời đỏ ửng sắp lặn. Tôi đứng yên và hít thở thật sâu, rồi tự hỏi có phải mặt trời này là mặt trời mà Bụt đã ngắm cách đây 2600 năm không? Tôi mỉm cười sung sướng và tiếp tục nuôi dưỡng ý thức trong mình có Bụt. Tối đó chúng tôi được đưa ra sông Hằng để xem buổi lễ cầu nguyện. Sông Hằng được xem là con sông linh thiêng của người Ấn. Xe đi vào thành phố, khu phố cổ nhất ở Ấn có mặt cách đây 5000 năm. Trên đường đi có cảnh sát đứng dẹp đường cho xe đi qua. Hội nghị này do nhà nước tổ chức nên về mặt hình thức rất chu đáo. Với lượng công an cảnh sát nhiều như thế chắc cũng được điều từ nhiều nơi về. Dân làng, già trẻ gái trai đều đổ ra hai bên đường đứng xem. Nhìn họ trông thật hiền lành. Họ vẫn còn mang những nét chân chất và xa xưa của những người xưa cổ. Có lẽ họ được thừa hưởng từ nền văn minh lâu đời của họ. Công an và cảnh sát cũng vậy. Họ cũng cầm súng và cầm gậy nhưng khuôn mặt của họ rất hiền lành, không lộ một chút giận giữ hay căng thẳng. Dường như súng và gậy của họ chỉ để cho dân biết họ là công an cảnh sát để không làm những điều sai trái vậy thôi. Nhìn họ thấy thiện cảm liền. Ở sông Hằng, họ lập nên mười một giàn cầu nguyện. Mỗi giàn gồm một người con trai và năm người con gái trong trang phục truyền thống. Họ múa đủ các loại nhạc với những khay nến được xây thành hình tháp trên tay. Rồi họ tụng kinh và hát những bài hát truyền thống. Họ xoay đủ bốn phương để cầu nguyện. Trăng tròn cũng đang lên, đêm nay là đêm rằm. Ánh trăng làm cho đêm nay tăng thêm vẻ huyền bí. Quanh năm, đêm nào cũng có người cầu nguyện như thế trên con sông này, chỉ hơi khác là hôm nay đông hơn và hoành tráng hơn. Mọi người đến rất đông. Tôi nghĩ là ngày xưa chắc Bụt cũng từng tham dự những buổi lễ như thế. Tôi muốn đặt chân xuống nước, nơi mà ngày xưa Bụt cũng đặt chân xuống, nhưng không tiện. Ai cũng thấy tiếc là mình không được đặt chân trên dòng sông này, không được đi bộ dọc bờ sông. Nhưng may quá, ngày hôm sau, anh Shantum đưa chúng tôi trở lại sông Hằng ở một bến khác. Ở đây, chúng tôi được đi thuyền trên sông. Khung cảnh thật diễm lệ. Ai cũng cảm động. Chúng tôi ngồi yên trên thuyền ngắm mặt trời mọc với ý thức là ngày xưa Bụt cũng đã từng ngắm cảnh này. Tại con sông này, người ta cầu nguyện, tắm giặt, đánh răng, súc miệng, tất cả đều diễn ra trên một khúc sông mà khoảng cách giữa họ không xa là mấy, như thể nước sông có thể tẩy đi tất cả những dơ dáy bụi trần của họ. Nước sông thì đục ngầu mà họ thì lại thấy rất linh thiêng. Đúng là niềm tin! Trên thuyền, cũng có người lên theo để bán cá sống, đây là nghề của họ. Chúng tôi mua một ít để thả. Nâng những con cá trên tay để thả xuống dòng sông tôi thấy cảm động, ngày xưa ba tôi cũng đã từng làm như thế. Khi nào mấy chị đi chợ ba cũng dặn mua cá ra hồ thả. Tôi cảm động là thấy mình thật may mắn được tiếp nhận những hạt giống lành từ ba. Đi được một đoạn đường dài thì thuyền quay lại cập bến. Chúng tôi lên bờ và đến thăm những giàn hỏa thiêu. Một giàn đã cháy hết thành tro nhưng hơi ấm vẫn còn đó. Một giàn đang bốc cháy. Chúng tôi đến gần hơn thì thấy hình ảnh một cụ già đang nằm teo tóp trên giàn lửa, mặt mũi và hai chân đã teo lại vì sức nóng. Phần giữa thì đã cháy hết, không còn thấy rõ gì nữa. Chúng tôi đứng yên rất lâu và gởi năng lượng lành đến cho cụ, mặc cho hơi nóng táp vào mặt và những đốm lửa lách tách bay lên cao biến thành tro và rơi xuống đầy người. Chung quanh đó là những đống củi lớn được chất lên. Đằng kia nữa là một xác chết khác đang được chờ để đặt lên giàn hỏa. Người ta sẽ không thiêu một lần hai giàn. Người chủ xướng cho công việc này kể lại, họ đem những người già sắp chết, không nơi nương tựa về đây, cho họ uống sữa, chăm sóc, đợi ngày người ấy nhắm mắt thì làm lễ cầu nguyện và đưa lên giàn hỏa. Tôi cứ tưởng những cảnh tượng này chỉ còn lại trong lịch sử của những thời xa xưa, ấy thế mà bây giờ đang diễn ra trước mặt mình. Tôi không biết phải diễn tả tâm trạng mình như thế nào.

Đến đây tôi chứng kiến được nhiều thứ mà mình cứ nghĩ là chỉ còn trong sách vở. Ở đây bò vẫn còn được coi là con vật linh thiêng. Nó đi bình an mà cũng ngang nhiên giữa lòng đường phố. Mọi người hay xe cộ qua lại phải tự tránh nó. Hầu như không thấy người chăn dắt nó. Nó tự đi, mọi người tự tránh. Không biết nó có nhớ đường về nhà không nữa? Phân của nó người ta làm thành từng bánh, trét lên đầy tường, đầy các thân cây để phơi khô, sau đó họ dùng để nướng bánh như than vậy.

Trong những ngày này hầu như ngày nào chúng tôi cũng di chuyển. Di chuyển bằng máy bay, nhưng không cần phải check in, người ta đã in vé sẵn cho mình. Phái đoàn đông lắm, khi nào cũng đi hơn một máy bay. Chúng tôi đến Bodhgaya, Varanasi, Gaya, đến thăm những nơi mà ngày xưa Bụt ở, Bụt ngồi thiền, thuyết pháp. Đặt những bước chân lên những khu thánh địa này, tôi ý thức là ngày xưa Bụt cũng đã từng đi qua đây, những dấu chân của Ngài vẫn còn đó như lời của Thầy thường nhắc nhở. Chúng tôi bước đi trong niềm thương kính lắng đọng, tuy chung quanh mọi người vẫn ồn ào, náo nhiệt. Chúng tôi không biết ban tổ chức có thực tập không hay chỉ đưa khách đi tham quan. Nhưng đến đâu chúng tôi cũng có cảm giác là mình không đủ thời gian để tận hưởng cho lâu và cho sâu năng lượng của Bụt. Đến Bodhgaya đông nghẹt cả người, đông quá. Hỏi ra mới biết, thường ngày không đông như vậy, hôm nay có đoàn du khách đến, nên mới đông như thế. Trước cảnh tượng này tôi nảy lên một ước mơ là mình đừng bao giờ nổi tiếng để người ta không ồ ạt kéo đến, để giữ cho nơi mình ở được thanh bình và yên lắng. Để cho mọi người khi đến cảm được năng lượng bình yên này. Trở về lại khách sạn chúng tôi thấy tiếc là mình không được ngồi yên dưới cội bồ đề ở đây, mặc dù cội bồ đề này không phải là cội ngày xưa Bụt ngồi, chắc nó là cháu mấy đời của cây bồ đề gốc rồi. Sáng hôm sau, chúng tôi rủ nhau đi bộ qua đây vì khách sạn chúng tôi ở rất gần. Không khí yên tĩnh, lắng đọng của buổi sáng làm cho nơi này trở nên linh thiêng hơn. Không giống như hôm qua đến, chúng tôi ngồi thiền ở đây khá lâu. Đó là buổi sáng thích nhất trong những ngày viếng thăm Phật tích.

Chúng tôi cũng được Shantum đưa đi thăm một nơi mà ngày xưa cô gái Sudata đã cứu sống Bụt bằng bát sữa của mình lúc Ngài kiệt sức sau sáu năm khổ hạnh (Điều này nằm ngoài dự tính). Và người ta đã xây lên một cái tháp lớn để tưởng niệm. Đoạn đường này cũng nhiều ổ voi lắm. Chúng tôi đi bằng xe lam. Người nào cao là đầu sẽ đụng trần xe. Mỗi lần đi ngang ổ voi, chúng tôi lại bảo nhau thụt đầu vào, thụt đầu vào, như thể mình là một con rùa. Một con rùa đang cỡi trên lưng ngựa.

Một lần cho mãi mãi

Thăm những khu Phật tích xong, chúng tôi chia tay phái đoàn để bắt đầu công việc chính của mình – hướng dẫn khóa tu, ngày quán niệm và chương trình Wake Up. Chúng tôi đến ở lại một khu resort khá đẹp, yên tĩnh, có nhiều cây xanh, rất thiên nhiên và rất lành. Vừa đặt chân đến đây là thấy khỏe nhẹ như thể mình để lại sau lưng những huyên náo rộn ràng của du khách, những lao xao bận rộn của những ngày di chuyển qua. Nhìn cây cối vườn tược nơi đây, tôi thấy họ rất quan tâm đến môi trường và thiên nhiên. Nhìn cách chăm sóc của họ tôi cảm là họ thấy được môi trường là mình, mình là môi trường. Những ngày ở đây thật thích. Thích hơn là ở những khách sạn sang trọng. Rất thiên nhiên và rất lành. Đó là lý do tôi nói: “Không biết có gặp Bụt không nữa. Nhiều khi gặp hàng xóm mà tưởng là Bụt, nhiều khi gặp Bụt mà tưởng là hàng xóm”. Mặc dù những ngày trước, khi viếng thăm Phật tích, lúc nào mình cũng ý thức là Bụt luôn còn đó. Ý thức đôi khi cũng cần phải vắng mặt để mình thật sự cảm nhận sự kiện một cách nhẹ nhàng và sâu lắng hơn. Bởi vì trên hình thức, Sanskriti không phải là thánh địa mà sao thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Đâu phải đến đất Bụt mới gặp được Bụt? Ở đây, gia đình sư em Bảo Tích cũng thường đến thăm, mang theo nhiều loại trái cây và bánh trái. Đặc biệt là xoài, lựu và đu đủ ở đây rất ngon. Ba mẹ sư em rất thân thiện, nhất là mẹ rất cởi mở. Mẹ cưng sư em lắm.

 

Thức ăn nuôi dưỡng tôi hằng ngày ở đây là những buổi sáng yên lắng, ngồi yên, uống trà chơi với Bụt và thiên thần. Lắng nghe chim hót, ngắm nhìn mặt trời đang lên hay giẫm chân trên những hạt sương còn đọng trên cỏ, thật tinh khôi và mát lành. Một buổi sáng như thế đủ nuôi tôi một ngày. Có những ngày làm biếng, mấy anh chị em ra uống trà ở hồ hoa súng. Rất thiên nhiên và thanh bình. Có ngày anh chị Shantum, Ghitu và hai cháu nhỏ cũng đến chơi chung.

Ngày cuối cùng ở Sanskriti thật ấn tượng. Người ta cũng tổ chức đám cưới nơi đây, họ chuẩn bị rất chu đáo. Đủ các loại hoa được kết thành từng tràng treo khắp nơi, đây cũng là phong tục của họ. Đi đâu cũng thấy họ bán những tràng hoa như thế. Rồi họ rải đầy những cánh hoa cúc trắng, cúc vàng, cúc cổ đồng theo nhiều kiểu hình khác nhau. Họ lại vun lên thành những đống nhỏ hình tháp đứng cạnh nhau, rất đẹp. Bước vào cổng, đập vào mắt mình là những hình ảnh đẹp như thế. Chung quanh có đèn cầy được thắp sáng suốt đêm. Đi sâu vào trong là một cái hồ, diện tích chắc cũng mười mấy mét. Hồ không có nước nhưng đáy hồ bằng phẳng được rải lên bởi vô số cánh hoa hồng. Hương thơm tỏa ra ngào ngạt. Từ đáy hồ đi lên bờ là những bậc tam cấp được rải bằng những cánh hoa cúc, đủ màu, mỗi bậc mỗi màu. Người ta rải kín hết cả đất. Bên kia nữa, là nơi tụ hợp nhảy múa cũng được trang trí như thế thành hình tròn, rất đẹp. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một cảnh tượng được trang trí với nhiều hoa đẹp tuyệt vời như thế. Với số lượng hoa này thì chắc chắn người ta đem từ nhiều nơi về, hay là phải đặt trước cho những nhà trồng hoa mới có đủ. Ở Ấn Độ người ta có truyền thống làm lễ cưới vào ban đêm. Có lẽ là để tăng thêm vẻ huyền bí. Tuy chuẩn bị khá công phu và chu đáo nhưng cả chủ lẫn khách, không ai có đủ thời gian để tận hưởng. Người ta bận rộn với khách khứa, ăn uống, nhảy múa, đến khuya thì đã mệt nhoài. Sáng mai mọi thứ vẫn còn y nguyên. Thế là mấy anh chị em tha hồ thưởng thức. Chúng tôi ngồi yên, uống trà và ngắm hoa. Đó là lần đầu tiên trong đời chúng tôi. Một buổi sáng đầy ấn tượng. Lần đầu tiên mà có lẽ cũng là lần cuối cùng. Một lần cho mãi mãi.