Sông núi Bhutan

 

Sông núi Bhutan

Sông ôm núi cho mây lành kết tụ

Ôm ruộng đồng cho lúa trổ đầy bông

Ôm phố phường cho em thơ về ngủ

Cho tình người mãi bước bước thong dong.

Nước sông trong cho lòng em thêm sáng

Núi vững xanh cho chí khí em cao

Tâm hồn em là những vì sao

Tỏa ánh sáng giữa đêm dài tăm tối

Em ở đây cho tôi hằng lui tới

Để nuôi mình bằng hơi thở núi sông

Bằng nhân từ, khiêm cung và độ lượng

Bằng hồn nhiên, tuổi thơ em trắng trong.

Sông núi đã sinh ra em

Đất mẹ đã sinh ra em

Chất liệu đẹp lành thánh thiện

Chắp tay tôi nguyện cầu cho em

Luôn giữ mãi màu xanh

Của núi sông đất mẹ

Bằng ý thức tin yêu

Để nuôi em, nuôi triệu trái tim lành.

Bhutan

Hôm sau chúng tôi bay đến Bhutan. Bhutan là một đất nước được xem là một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới. Tôi thấy mình quá đỗi may mắn và hạnh phúc được đặt chân lên đất nước này. Bhutan rất đẹp, nên khi máy bay sắp đến địa phận Bhutan người ta đua nhau chụp hình. Xuống máy bay là thấy khỏe ngay. Từ Ấn bay qua Bhutan chỉ có 40 phút mà khung cảnh và khí hậu rất khác. Đẹp và trong lành. Đặt những bước chân đầu tiên trên đất nước này, tôi ý thức là mình phải thở cho ba, phải bước cho ba. Hai người ra đón chúng tôi là chú Thọ, một giáo thọ cư sĩ của Làng người Pháp gốc Việt và một người nữ Bhutan trong trang phục truyền thống. Họ quàng vào cổ chúng tôi những chiếc dãi trắng dài, đây là phong tục chào đón của họ, rất trang trọng. Con đường từ phi trường đến thủ đô rất đẹp. Chung quanh là núi đồi xanh tươi và những con suối dòng sông chảy dài đến vô tận. Bhutan là một thung lũng nên đi đâu cũng thấy sông núi đẹp như thế. Khung cảnh và khí hậu nơi đây tương tự như ở Sapa mình, nhưng con người thì văn minh tiến bộ hơn. Chắc chắn rồi. Vì nơi đây có một ông vua rất nhân từ.

Trên đường, thỉnh thoảng chúng tôi dừng xe lại ngắm cảnh, khung cảnh tú lệ và khí hậu mát lành làm cho người mình khỏe khoắn và tỉnh táo hẳn ra. Chúng tôi ghé ăn cơm trưa ở một tiệm bên đường. Thức ăn rất tươi và lành. Ăn cơm xong chúng tôi được đưa về nhà trọ. Quý thầy thì ở lại nhà một người Phật tử. Ngôi nhà đẹp và thoải mái. Nhìn ra là thấy núi.

Bhutan nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, có 70% dân số là đạo Bụt, 20% là Hồi Giáo, 10% là Thiên Chúa Giáo. Là một đất nước Phật giáo nên đạo Bụt phát triển rất mạnh. Học sinh được học về đạo Bụt trong trường học, bắt đầu từ lớp ba. Mỗi ngày các em tập trung trong một hội trường lớn để ngồi thiền trong vòng hai phút trước khi vào lớp học. Hai phút thì ngắn ngủi, nhưng làm mỗi ngày là nhiều lắm. Có lẽ vì vậy mà tâm hồn các em rất trong sáng, hiền lành, hồn nhiên và thánh thiện. Các em chân chất nhưng không quê mùa. Dân chúng cũng vậy, rất hiền lành. Có lẽ họ được thừa hưởng những đức tính quý báu này từ tổ tiên của họ và từ ông Vua đang trị vì. Vua nhân từ lắm, dân chúng rất thương ông. Ông rất chú trọng đến hạnh phúc của dân. Ở đây bệnh viện miễn phí hoàn toàn cho tất cả mọi người, kể cả người nước ngoài. Họ cũng thực tập một ngày không đi xe hơi mỗi tuần, kể cả Vua. Nếu cần thiết, họ sẽ đi taxi. Số lượng taxi cũng được giảm xuống một nửa. Thimpu là thủ đô của Bhutan, nhưng rất yên tĩnh, chung quanh toàn là sông núi. Có lẽ sông núi đã tạo nên những con người hiều lành, thánh thiện nơi đây. Chúng tôi ở Bhutan bảy ngày, trong đó có bốn ngày hướng dẫn thực hành quán niệm cho các em học sinh từ 13 đến 18 tuổi, còn lại là đi tham quan. Chương trình này do Gross National Happiness Center (Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia) tổ chức, chúng tôi chỉ đến hướng dẫn. Hai Công Chúa cũng ra dự lễ khai mạc. Họ rất gần gũi, thân thiện và nhân từ, không những đối với khách mà đối với học sinh, dân chúng của họ cũng vậy. Một đất nước thật may mắn. Chúng tôi chia sẻ những pháp môn thực tập nhưng chính mình cũng được học hỏi rất nhiều từ họ, học từ bản chất trong sáng và thánh thiện, từ những đức tính khiêm cung và nhân từ. Đến đây, những bước chân của mình bỗng trở nên nhẹ nhàng và bình an hơn. Không bao giờ là hấp tấp, vội vàng. Con người ở đây là vậy, môi trường ở đây là vậy. Đúng là môi trường là mình, mình là môi trường. Không cần cố gắng gì cả, tự nhiên vậy thôi. Con người họ rất thư thái. Tôi cứ đùa với mấy chị em rằng ở đây không biết dạy cho họ buông thư như thế nào, vì thấy họ còn buông thư hơn mình nữa, không bao giờ vội vã, gấp gáp cho dù trễ giờ cũng vậy, họ cứ thong thả mà đi. Có lẽ mình phải học cách buông thư từ họ? Ông Samdo là một trong những người như thế, rất cởi mở, thân thiện, hài hước và khiêm cung. Ông tiếp đón chúng tôi rất chu đáo và theo sát chúng tôi trong những ngày ở đây. Chúng tôi được gặp ông Bộ Trưởng bộ giáo dục, ông chia sẻ rất chân tình. Cách nhìn nhận vấn đề của ông rất hay. Ông nói: “Cái quan trọng của người thầy giáo cô giáo là phẩm chất của mình. Cách mình đi vào lớp, cách mình đặt quyển sách xuống bàn, cách mình viết bảng, cách mình mở sách, cách mình hành xử… những cử chỉ ấy sẽ đi vào các em học sinh mà không phải là kiến thức mình trao truyền. Với lượng kiến thức đó, ngày nay các em có thể tự tìm kiếm trên mạng để học hỏi mà không cần đến mình. Cái mà các em học là nhân cách của mình.” Ôi, sao giống người tu thế nhỉ?

Chúng tôi đến trường mỗi ngày để hướng dẫn những ngày quán niệm cho các em học sinh. Bước những bước chân an lành đầu ngày trên những con đường yên tĩnh này làm cho người mình sảng khoái. Đoạn đường từ nhà nghỉ đến trường học khoảng 20 phút đi bộ. Con đường đến trường của những buổi sáng thật đẹp. Nếu đi đường tắt, mình sẽ băng qua những con suối và quanh đó là những đám hoa dại đủ sắc màu mọc rải rác khắp nơi. Thật trong lành và thanh khiết. Tôi bước đi từng bước nhẹ nhàng, bình an, hít thở không khí trong lành cho ba, khí hậu như thế này chắc chắn ba sẽ khỏe mạnh, tươi vui hơn. Năng lượng tràn đầy sức sống. Sinh hoạt bắt đầu từ 9 giờ sáng nên chúng tôi có nhiều thời gian cho buổi sáng của mình. Sư em Mai Nghiêm thích đi bộ vào sáng sớm. Sư chị Đẳng Nghiêm thích tập thể dục. Sư em Đàn Nghiêm thích ngủ thêm cho đủ giấc. Hai em cư sĩ làm việc riêng trong phòng. Tôi thì thích dậy sớm, ngồi yên, uống trà, ngắm núi, ngắm mây, nghe tiếng suối chảy. Thích lắm! Khung cảnh ấy làm cho không gian trong mình bao la. Bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến hết. Ở Bích Nham, Sư chị Đẳng Nghiêm đang bệnh, nhưng đến đây thì sư chị lại khỏe hơn nhiều. Tôi thấy giống như mình đang được đi nghỉ mát vậy. Chúng tôi thường đến trường sớm, có khi ngồi ở lan can trên lầu uống trà với nhau và ngắm núi. Mấy chị em cứ trầm trồ, mình thật sang trọng, từ Pháp bay qua Bhutan ngắm núi. Chúng tôi đã nuôi mình bằng hơi thở núi sông nơi đây.

Chúng tôi bắt đầu thời khóa cho các em bằng thiền hướng dẫn, sau đó quý thầy quý sư cô cho pháp thoại. Nhìn khuôn mặt rất ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng của các em ai cũng hạnh phúc và có nhiều cảm hứng. Trong nguồn cảm hứng ấy, thầy Pháp Dung chia sẻ pháp thoại mà cứ như là Bụt nhập vào hồn thầy. Thầy bắt đầu bằng câu chuyện thời thơ ấu của Bụt với những làn khói sage tỏa ra nghi ngút (Có lẽ thầy cũng muốn bắt đầu bằng những nét văn hóa của họ, văn hóa thờ cúng ông bà tổ tiên). Ai cũng có nhiều cảm hứng lắng nghe. Hôm ấy thầy giảng về Bát chánh đạo. Thầy hỏi các em Bát chánh đạo gồm những gì? Các em trả lời răm rắp: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Thế mới biết là các em được học những điều ấy ở trường. Sau đó thầy bật mí là thầy không dám hỏi gì thêm nữa vì sợ các em nói thêm những điều mình chưa biết. Thực ra thầy khiêm cung thế thôi. Tuy nhiên các em phần nhiều chỉ được học trên lý thuyết. Với tài năng khéo léo, thầy đưa các em đến thực hành. Và đó cũng là nội dung chính của suốt chuyến đi – Đem đạo Bụt ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày qua trường lớp, gia đình và xã hội, gọi là Đạo đức học ứng dụng. Làm thế nào để biến lớp học thành gia đình thứ hai của mình. Sau thời pháp thoại là đi thiền hành, ăn cơm trưa, thiền buông thư và pháp đàm, có ngày thì vấn đáp. Quý thầy quý sư cô khác thay nhau hướng dẫn. Các em rất nhiệt tình và năng nỗ, thực tập hết lòng. Có em thấy thế, thích quá gọi điện cho ba em lên tham dự, mặc dù chương trình chỉ giành cho các em học sinh. Chúng tôi hướng dẫn như thế trong suốt bốn ngày cho 200 học sinh. Chúng tôi thấy mình được nuôi dưỡng nhiều bởi các em, bởi khung cảnh, khí hậu và con người nơi đây. Bhutan là một đất nước đang phát triển, người ta cũng đang xây dựng thêm nhiều khách sạn. Nhưng phát triển như thế nào thì tôi cũng mong sao cho họ luôn giữ được màu xanh của núi sông, giữ mãi không khí trong lành, vì chính những yếu tố ấy đã tạo nên những con người hiền lành, thánh thiện nơi đây. Chúng tôi yêu Bhutan mất rồi.