Đệ nhị thân

 

Trong một tăng thân hoặc một gia đình lớn, khó để biết được những gì đang xảy ra cho tất cả mọi người. Vì vậy, ở Làng Mai, chúng ta chế tác ra một pháp môn thực tập để xây dựng tăng thân, gọi là đệ nhị thân. Chính bản thân mình được gọi là “thân thứ nhất” và một người khác trong tăng thân hoặc trong gia đình là “thân thứ hai” (đệ nhị thân). Đệ nhị thân của ta sẽ chọn một người khác làm đệ nhị thân của người ấy và cứ thế tiếp tục cho đến người cuối cùng. Người cuối cùng sẽ chọn người thứ nhất. Như vậy, mỗi người đều có một người để chăm sóc và mỗi người cũng đều được chăm sóc bởi một người khác.

Chăm sóc nghĩa là quan tâm và giúp đỡ đệ nhị thân của mình khi người đó bị bệnh, bị mệt mỏi vì làm việc quá sức hay bị phiền não quấy rầy trong tâm. Ví dụ như khi đi du lịch chung với nhau, chúng ta có trách nhiệm kiểm tra đệ nhị thân của mình để người ấy không bị bỏ lại. Khi tinh thần của đệ nhị thân sa sút, chúng ta phải tìm cách nâng đỡ. Khi đệ nhị thân của mình không vui, không thể cười nổi, chúng ta để tâm giúp cho người đó vui cười trở lại. Khi đệ nhị thân bị cảm, chúng ta có thể mang thức ăn và thuốc men đến cho người đó. Ở các đạo tràng Mai Thôn đều thực tập pháp môn đệ nhị thân, điều này đã nâng cao phẩm chất hạnh phúc khi sống chung với nhau. Mặc dù chăm sóc cho một người, nhưng bằng cách này chúng ta thấy được mình tương quan với tất cả mọi người trong tăng thân. Trong một gia đình đông người, thực tập pháp môn đệ nhị thân cũng đem lại kết quả tương tự.

Thực tập

Thân thứ nhất của ta chính là ta. Thân thứ hai (đệ nhị thân) của ta là một người khác mà ta sẽ chăm sóc như một thân rộng lớn hơn. Nếu bạn là đệ nhị thân của tôi, thì tôi là Người Chăm Sóc bạn. Mỗi người đều chọn một người để làm đệ nhị thân của mình. Người thứ nhất chọn người thứ hai làm đệ nhị thân, người thứ hai chọn người thứ ba làm đệ nhị thân và cứ tiếp tục như thế cho đến người cuối cùng. Người cuối cùng sẽ chọn người thứ nhất làm đệ nhị thân. Như vậy sẽ hình thành một vòng tròn đệ nhị thân. Chúng ta phải thấy mình tương quan với đệ nhị thân của mình như thể người kia là một phần của cơ thể mình mà mình muốn quan tâm và chăm sóc. Vì vậy, nếu đệ nhị thân của mình không khỏe thì chúng ta phải tìm cách làm thế nào để giúp đỡ người ấy như mang thức ăn cho người ấy, báo cho tăng thân biết là đệ nhị thân của mình bị bệnh. Nếu thấy đệ nhị thân của mình không hạnh phúc như trước thì chúng ta cần quan tâm, chăm sóc, hỏi han và quán chiếu để tìm cách giúp đỡ. Nếu cần vắng mặt trong các buổi sinh hoạt, chúng ta cũng phải cho người chăm sóc mình biết.

Người chăm sóc mình không phải là một nhân viên cảnh sát canh gác, theo dõi tất cả các sinh hoạt của mình. Trái lại, người đó quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho mình. Đến lượt mình cũng quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho đệ nhị thân. Nên nhớ rằng mỗi người đều có những nhu cầu khác nhau, vì vậy chúng ta phải nhạy bén và thông minh để biểu lộ sự quan tâm của mình. Đôi lúc, chúng ta cần ân cần hỏi han tử tế, nhưng có khi, an trú nơi hải đảo tự thân với hơi thở ý thức lại là một sự nâng đỡ, yểm trợ tốt nhất cho đệ nhị thân của mình.

Chăm sóc đệ nhị thân là sự thực tập rất cụ thể giúp chúng ta có liên hệ mật thiết với nhau và nhận ra rằng chúng ta thực sự là những bộ phận của cùng một cơ thể. Mỗi người trong tăng thân đều có một đệ nhị thân. Như vậy, người mà đệ nhị thân của mình đang chăm sóc sẽ là “thân thứ ba” (đệ tam thân) của mình. Cứ như vậy, bằng cách chăm sóc cho đệ nhị thân, chúng ta sẽ chăm sóc cho toàn thể đại chúng.